Sinh hoạt giáo phận

Linh mục Giáo phận Tĩnh tâm Năm: Ngày Thứ 2

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,267
  • Ngày đăng: 28/11/2023 19:30:57

LINH MỤC GIÁO PHẬN TĨNH TÂM NĂM: NGÀY THỨ 2

(HOÁN CẢI)

 

Mở đầu cho ngày tĩnh tâm thứ 2, anh em linh mục cùng nhau đọc Kinh Thần vụ buổi sáng và sau đó có 30 suy niệm. Cha Đại diện Micae Lê Xuân Tân đã giúp anh em suy niệm với đề tài: Linh mục – con người của lòng  thương xót. Dựa trên tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxico, Cha Micae đã giúp anh em tư vấn bản thân xem mỗi người có còn là hình ảnh của một Thiên Chúa giàu lòng thương xót hay không? Và thực hiện lòng thương xót đó như thế nào? Mỗi linh mục có còn biết khóc và xúc động khi được Thiên Chúa xót thương mình với biết bao lỗi phạm của mình hay không? Và linh mục có còn biết khóc để cảm thông với những đau khổ của đàn chiên mình hay không? Có thấu hiểu được những đổ vỡ, những lỗi phạm những yếu đuối của anh chị em giáo dân để mình nâng đỡ họ qua sự gặp gỡ và chia sẻ, qua hành động tha thứ trong bí tích giải tội hay không? Mỗi linh mục hãy là hiện thân của một Thiên Chúa giàu lòng thương xót trong thời đại này.

 

Sau giờ suy niệm, quý Đức cha và quý cha cùng nhau dâng thánh lễ cầu nguyện cho Đức cha Cố Micae cùng quý cha trong giáo phận đã qua đời. Trong phần chia sẻ Lời Chúa, dựa vào bài Tin Mừng thứ 3 sau CN 34 TN, Đức cha Giảng phòng Giuse đã nhấn mạnh đến ý tưởng bèo bọt và chóng qua của kiếp người. Ngài kêu mời anh em linh mục luôn nghĩ và chuẩn bị cho cái chết của mình để sống tốt hơn. Chúng ta có mạnh khỏe hay tài giỏi đến thế nào đi chăng nữa thì cũng sẽ đến ngày phải chấm dứt cuộc sống này. Là Linh mục thì không thể không nghĩ đến cái chết và chuẩn bị cho ngày chết, đó mới là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan.

 

Sau giờ ăn sáng, Đức cha Giảng phòng tiếp tục triển khai đề tài 2 có chủ đề: Hoán cải.

 

 

Bài 2

HOÁN CẢI

Lời Chúa: 1Pr 1, 13-16

13 Vì thế, anh em hãy chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức, hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giêsu Kitô tỏ hiện.14 Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội.15 Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em,16 vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh”.

 

1. ƠN GỌI NÊN THÁNH

Chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện về con sò giữa lòng đại dương, và việc hình thành ngọc trai đau đớn ngay trong cơ thể nó.

“Một ngày nọ, có một hạt cát nhỏ lọt vào trong vỏ sò. Hạt cát chà xát gây thương tích. Con sò đau đớn nhưng không tài nào đẩy hạt cát ra khỏi cơ thể được. Khổ đau. Sò lặng lẽ khóc. Những giọt lệ lấp lánh ngày đêm đọng chung quanh hạt cát kết thành viên ngọc trai trong như hạt sương. Con sò vẫn nức nở trong những tháng ngày dài. Sóng gió và biển lặng cứ nối tiếp nhau trong sâu thẳm của đại dương. Viên ngọc trai lớn lên bao nhiêu thì sò lại nhỏ đi bấy nhiêu. Hao mòn, kiệt sức, nước mắt sò cạn khô. Một ngày, nó chết, thân xác hòa vào dòng nước lạnh, chỉ còn lại một kho tàng rực rỡ hào quang”.

Đó là câu chuyện của mỗi người chúng ta. Khi đón nhận dòng nước Rửa tội, chúng ta được mời gọi phải nên thánh, nghĩa là phải trở nên những viên ngọc lóng lánh trước mặt Chúa. Muốn vậy, chúng ta phải trải qua bao nghiền nát của đau khổ và tình yêu trong suốt cuộc đời hiến tế. Có như thế, câu chuyện Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá và sống lại, chúng ta mới hiểu hết ý nghĩa. Có như thế, chúng ta mới mạnh dạn bước theo nẻo đường thánh giá, nẻo đường của hy sinh và từ bỏ, nẻo đường của hiến tế và nước mắt, và nhờ quyền năng Chúa, chúng ta sẽ chết đi mỗi ngày, mắt hướng nhìn về quê trời vĩnh cữu, với niềm hy vọng không bao giờ cạn như lời nguyện tha thiết của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Ôi lạy Chúa! Lạy Ba Ngôi diễm phúc… Lúc đời tàn, con sẽ trở về với Chúa, hai bàn tay trắng vì con không xin Chúa đếm các việc con làm. Trước mặt Chúa, sự công chính của chúng con vẫn còn đầy thiếu sót. Bởi vậy, con muốn mặc lấy chính sự thánh thiện của Chúa và chiếm đoạt chính Chúa cho đến muôn đời. Con chẳng muốn hưởng ngai báu hay triều thiên nào khác hơn là chính Chúa, ôi lạy Chúa Giêsu con yêu mến!”. 

 

Công đồng Vaticanô II dạy: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người”.  Khi đón nhận dòng nước rửa tội, chúng ta được thánh hiến dành cho Thiên Chúa, và trong hành trình đức tin, bổn phận của chúng ta là làm ân sủng Bí Tích Thánh Tẩy mình đã lãnh nhận được sinh hoa kết quả.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô viết:

“Hãy để cho ân sủng Bí Tích Thánh tẩy trổ sinh hoa trái trên con đường nên thánh của bạn . Hãy mở ra cho Thiên Chúa mọi sự; hãy hướng về Ngài trong mọi hoàn cảnh. Đừng nản chí, vì sức mạnh của Chúa Thánh Thần có thể giúp bạn làm điều này, và thực ra, sự thánh thiện xét cho cùng chính là hoa quả của Chúa Thánh Thần trong đời sống của bạn

 

(x. Gal 5, 22 – 23). Khi bạn cảm thấy bị cám dỗ đắm chìm trong yếu đuối, hãy ngước mắt lên nhìn Chúa Kitô chịu đóng đinh và nói: “Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi đáng thương, nhưng Chúa có thể làm việc diệu kỳ cho con nên tốt hơn một chút”.

 

Trong thời gian tu học tại Đại chủng viện, những người có trách nhiệm đào tạo sẽ đồng hành với từng chủng sinh, để xem tính tình, khả năng, lòng đạo đức, ý hướng và động lực ơn gọi có phù hợp với đời sống dâng hiến hay không. Luật Giáo Hội dạy: “Chỉ nên cho tiến chức những ứng sinh có đức tin tinh tuyền, ý hướng ngay lành, kiến thức cần thiết, danh thơm tiếng tốt, đức hạnh vẹn toàn, nhân đức vững vàng và các đức tính khác về thể lý cũng như về tâm lý phù hợp với chức thánh sẽ lãnh nhận”.  Sau khi đã làm linh mục, những đức tính ấy vẫn phải được lưu tâm để giúp chúng tiến bước trên con đường trọn lành và quảng đại dấn thân phục vụ. Rất nhiều người, dù không thể tiếp tục trong đời tu trì, vẫn sống rất tốt lành giữa đời thường.

 

Nên thánh trong ơn gọi linh mục đòi hỏi chúng ta phải hiểu mình là ai, đang trong giai đoạn nào, đâu là những điểm mạnh và điểm yếu của chính mình. Nên thánh là như thánh Phaolô xác tín: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20). Nên thánh là “sống giây phút hiện tại, và làm cho những giây phút ấy tràn đầy tình thương” như Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã sống, vì “sự thánh thiện không gì khác hơn là sống đức ái đến mức viên mãn”.  Nên thánh là tiến bước trên hành trình hoán cải và biến đổi, từng giây phút và suốt đời. Đó là một hành trình cảm nhận sự yêu thương của Chúa, dẫu cho đường đời lắm gập ghềnh, nhiều trở ngại…

 

2. HOÁN CẢI

Khi suy niệm về đề tài hoán cải, tôi đọc Phúc Âm thánh Luca, chương 22 câu 61-62: “Chúa quay lại nhìn Phêrô, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì con đã chối Thầy ba lần”. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”. Hãy tưởng tượng cái nhìn của Chúa Giêsu tại sân nhà thượng tế. Đó là cái nhìn không lời nhưng thấu suốt tận tâm can, là cái nhìn đầy yêu thương và van nài. Nên thánh là cảm nhận được cái nhìn ấy của Chúa.

 

Chúa cũng đang nhìn chúng ta bằng ánh mắt đó, ánh mắt thấu suốt. Không có gì giấu được Chúa: “Omnia nuda et aperta sunt – Mọi sự trần trụi và phơi bày” (Dt 4, 13).  Có như thế, chúng ta mới cảm nghiệm được lời cầu nguyện của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết con”. Biết Chúa là Cha nhân từ hay thương xót, còn con chỉ là bụi cát, bọt bèo. Biết Chúa là Đấng tín trung, còn đời con chỉ dệt bằng những tháng ngày lầm lỡ.

 

Chúa cũng đang nhìn chúng ta bằng ánh mắt đầy đau đớn phiền trách. Chúa đã tin tưởng chúng ta, ban cho chúng ta bao ân huệ, nhất là trở nên bạn nghĩa thiết với Người: “Thầy không gọi chúng con là tôi tớ, mà là bạn hữu của thầy” (Ga 15, 15), vậy mà như Phêrô, chúng ta đã nhiều lần bội phản.

Chúa cũng đang nhìn chúng ta bằng ánh mắt yêu thương và van nài. Yêu thương vì Chúa vẫn tín nhiệm trao ban sứ mạng. Van nài vì Chúa cần sự cộng tác của chúng ta để chúng ta không đi vào sự hư mất đời đời, và hơn thế nữa, còn đưa các linh hồn về với Chúa. Hoán cải là bắt đầu hành trình nên thánh và là công việc chúng ta phải tự làm lấy. Thánh Augustino đã nói rất đúng: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, nguyên giám mục Giáo phận Qui Nhơn có lần chia sẻ:

“Người ta nói khi tĩnh tâm thì cả đất trời đều cố gắng: Thiên Chúa ban ơn, thần thánh trên trời cầu bàu và mọi tín hữu thành tâm khấn nguyện, nhưng nếu bản thân ta không cố gắng thì mọi sự vẫn trở nên vô ích. Pascal đã nói: chén thuốc để trên bàn, nếu ta không nâng nó lên môi, thì nó chỉ ngang hàng với chén nước lã. Từ bàn lên môi là khoảng cách ngắn, nhưng lại là khoảng cách quyết định. Trong quyển sách Dialogue des carmélites của nhà văn Bernanos có thuật lại cuộc đối thoại giữa một thiếu nữ muốn dâng mình và mẹ bề trên. Mẹ bề trên hỏi: “Động lực nào thúc đẩy con xin vào dòng?” Cô thiếu nữ trả lời: “Con thấy bầu khí ở đây trang nghiêm đạo hạnh, các sơ sốt sắng. Con nghĩ rằng nhờ các sơ giúp đỡ, con sẽ tiến bộ trong đời tu”. Bà mẹ bảo: “Con lầm rồi! Ở vũ trường người ta trét phấn tô son cho nhau, nhưng ở đây, mỗi người phải tự đảm nhận phần rỗi của mình, không ai làm giùm cho ai được…” 

 

Lạy Chúa, xin hãy nhìn con, dẫu là cái nhìn phiền trách nhưng cũng là cái nhìn đầy âu yếm. Đời con phải là những ngày cải hồi liên tục, vì ngày nào con không nhận ra cái nhìn của Chúa, con sẽ thơ ơ lãnh đạm, và có khi còn đi vào con đường hư mất. Xin cho con biết như thánh Phêrô nhớ lại những ân huệ Chúa ban, những ân tình con được hưởng, mà khóc than cho lỗi lầm mình, mà cố gắng sống cho đẹp lòng Chúa. Cái nhìn đầy âu yếm ấy còn khích lệ con trên đường nên thánh. Chúa biết con yếu đuối mà vẫn tín nhiệm trao ban sứ mạng. Chúa biết con bất trung mà vẫn mời gọi con cộng tác. Chúa vẫn nhìn và hỏi con như đã hỏi thánh Phêrô ngày xưa: “Con có yêu mến Thầy không?”.

 

3. TRÁCH NHIỆM CHO SỨ VỤ

Để chuẩn bị cho sứ mạng linh mục, tất cả chúng ta, kẻ trước người sau, đều phải qua thời gian đào luyện tại chủng viện. Vì thế, chủng viện cũng còn được gọi là trường dạy Tin Mừng, là nơi các chủng sinh tập sự bước theo Chúa Kitô và để cho Ngài đưa dẫn vào công cuộc phục vụ Chúa Cha và phục vụ nhân loại, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và để cho mình nên đồng hình đồng dạng với vị Mục Tử Nhân Lành. Vì thế, nếu không chuẩn bị tốt trong thời gian ở chủng viện, có khi sẽ đem lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng sau này. Ngay cả khi đã là linh mục, những thiếu sót bổn phận, những ơ hờ vô cảm, những gương mù gương xấu…, dù rõ ràng hay thầm kín, đều  gây nguy hại đến đoàn chiên, có khi khiến họ mất linh hồn hay xa rời đức tin. Chúng ta hãy nghe câu chuyện dân gian Na Uy sau đây với tựa đề: “Chiếc lưới”.

 

Có một ngư phủ sống với hai đứa con: cậu con trai cả tên Axel và cô con gái út tên là Hatta.

Một bữa nọ, bác đánh cá gọi con gái mình là Hatta và bảo: “Con hãy đan cho cha một chiếc lưới mới và nhớ mỗi gút phải cẩn thận gút thật chặt, vì lưới cần phải chắc. Còn cha thì vô rừng đốn cây để làm một chiếc thuyền đánh cá mới, một chiếc thuyền chống chọi được với ba đào, lướt được sóng gió dãi dầu sương nắng. Con hãy lợi dụng những ngày hè để đan cho xong lưới. Con hãy dùng mười ngón tay thành thạo và dẻo dai, với đôi mắt sáng để đan lưới. Cha rất cần chiếc lưới vừa mịn vừa chắc. Hãy đặt hết tâm hồn con trong việc đan lưới, một chiếc lưới không sai chạy”.

Hatta đã vâng theo lời cha, bắt đầu đưa tay đan lưới, nhưng hai mắt cô có lúc mơ màng theo dõi những cánh chim bay tận đâu đâu. Trái tim cô lại càng đi xa hơn, xa tít mãi cõi mộng nào đó, đố ai mà biết được. Mặc dầu lưới vẫn được đan, nhưng đã có một số mắt lưới sai chạy, những mắt lưới đã không thắt chặt, có những lỗi lầm sơ sót… Nhưng cô thầm nghĩ: đan lưới bắt cá mòi chứ có bắt cá voi hay cá mập đâu mà sợ, như thế cũng quá đủ chắc rồi. Làm chi mà gút chặt, đau tay lắm, làm vừa phải thôi...

 

Một chiều đông ảm đạm, chiếc thuyền mới rời bến cùng với tấm lưới mới. Trời tối như mực, tối khắp vùng biển cả, tối luôn cả con tim. Hatta đứng trên bến tàu, theo dõi con thuyền từ từ như một bóng ma rời bến, lướt ra biển cả. Cô thở dài nghĩ thương cho cha già đã cao tuổi còn phải vất vả cơ cực. Cô nghĩ mình cố gắng đan lưới, dâng chút công khó tuy nhỏ nhoi nhưng cũng là một chút tình yêu đối với cha già. Còn ông già đánh cá, trán rộng hiên ngang, đương đầu sóng gió với sương mù, vai mang lưới nặng, lưới căng phồng niềm hy vọng, ông bảo người con trai: “Hãy thắp trên cột buồm cao nhất, chiếc đèn dầu cá thu, chịu đựng được gió to bão lớn, sáng tỏ trong sương mù. Hatta thấy từ bờ xa, một ngôi sao đang múa nhảy, lấp lánh trong đêm đen. Như vậy nó sẽ biết rằng cha già đang lên tiếng cảm ơn”.

 

Ba ngày qua, ba ngày thức suốt đêm chài lưới, Axel gào to át tiếng sóng biển: “Cố lên các bạn, chúng ta lưới cá mòi. Cá nhiều lắm! Tôi thấy chúng bơi lội sáng rực trong đêm”. Vì quá vui mừng, Axel không kể gì nguy hiểm, nghiêng mình quá thấp ra khỏi mạn thuyền, một cơn sóng tròng trành làm anh rơi tòm xuống biển. Người cha già đang kéo lưới, nghĩ thầm, nó có xuống nước, nằm trong lưới, thì chỉ ướt chút thôi, không hề gì, ta sẽ kéo nó lên. May quá, lưới con gái Hatta của ta đan rất chắc, không sai chạy... Ông lão đang cố kéo và cảm nhận sức nặng của con ông trong lưới. Nhưng lưới bỗng rung lên, rồi ông cảm thấy nhẹ tưng. Thôi rồi lưới đứt, con ông đã tuột khỏi lưới, qua những chỗ sơ hở Hatta đã đan.

Ngày về, con thuyền mệt mỏi cập bến. Hatta không thấy anh mình đâu, chỉ thấy cha già lưng còng và sầu muộn. Ông hỏi con gái: “Con ơi, con đã làm gì cho anh con phải ra như vậy?”

Đúng là câu Chúa hỏi Cain trong cơn khủng hoảng. Hatta trả lời: “Con đâu có phải là kẻ giữ anh con?” Ông lão nói: “Con ơi, anh con rơi xuống biển nằm trong lưới con đã đan, cha cố vớt lên, lưới đứt, anh con đã chìm sâu trong đáy biển giữa đêm đen”.

Hatta rú lên một tiếng hãi hùng. Cô ân hận: “Nếu tôi biết trước, tôi sẽ cố gắng tối đa đan lưới và gút thật chặt. Tôi sẽ cẩn thận biết bao và đặt ở đó hết tình yêu thương...”

 

Câu chuyện ấy vẫn còn vang dội thiêng liêng trong tâm hồn chúng ta. Tiếng người cha già trong câu chuyện có làm cho chúng ta lưu tâm: “Con ơi! Con hãy cố đan lưới cho cẩn thận, gút thật chặt vào, vì cha cần một tấm lưới mới. Hãy đặt hết tâm hồn con trong việc đan lưới, một chiếc lưới không sai chạy”.

 

Chúa cũng đang nói với chúng ta như thế. Hãy tận dụng những năm tháng ngày giờ Chúa ban, mà thực thi nhiệm vụ Chúa đã tín nhiệm trao phó cho chúng ta một cách trung tín, can đảm và bền bỉ. Nếu sơ sót là lỗi bổn phận, có khi sẽ giết chết người anh em mình. Hãy nhìn lên Chúa đã đốn gỗ, đã đẽo ra con thuyền thập giá, với hơi thở của Thánh Linh, căng buồm ra khơi với tấm lưới mới và chắc của chúng ta.

GỢI Ý SUY TƯ – CẦU NGUYỆN

Chúng ta hãy kết thúc suy niệm này với lời của Thánh Gioan Maria Vianney: “Ai tiếp đón linh hồn anh chị em lúc khởi đầu cuộc sống? Đó là linh mục. Ai nuôi dưỡng và ban sức mạnh cho linh hồn anh chị em trên đường dương thế? Đó là linh mục. Ai chuẩn bị cho anh chị em đến trước tòa Chúa, tắm rửa linh hồn lần cuối trong máu Chúa Giêsu Kitô? Vẫn lại là linh mục. Và nếu chẳng may linh hồn này chết do tội lỗi, ai sẽ nâng dậy, phục hồi sự bình an thanh thản cho nó? Lại vẫn là linh mục… Chỉ khi ở trên trời, linh mục mới hiểu đầy đủ mình là gì?”  Là linh mục, tôi đã thực thi sứ vụ cao cả ấy như thế nào? Nhìn lại mình và tôi quyết tâm tận dụng mọi cơ hội để nên thánh, để hoán cải từng phút giây, để thuộc về Chúa càng ngày càng trọn vẹn hơn. Trong tâm tình ấy, tôi nhìn lại mình và canh tân đức tin, đức cậy và đức ái đối với Chúa, làm sao tôi có thể trình bày cho mọi người dung mạo đích thực của Thiên Chúa, một Con Người sống động, cuốn hút, Đấng yêu thương chúng ta hơn bất cứ ai khác, vì Người đã hiến mạng sống mình cho chúng ta (x. Ga 15, 13), với tinh thần cởi mở và vui tươi, hy vọng và đầy tình yêu thương.

Lạy Chúa,

xin cho con biết từng ngày hoán cải

Để thế gian không đánh quỵ được con

Ánh mắt Chúa giúp con quay trở lại

Quyết tâm sống tin-cậy-mến sắt son

 

 

Trong giờ Tu đức đầu tiên của tuần Tĩnh Tâm, Đức cha Giáo phận triển khai đề tài 1 với chủ đề: Noi gương người môn đệ Chúa yêu đi vào cô tịch. Qua chủ đề này, Đức cha Giáo phận muốn anh em linh mục trong tuần tĩnh tâm này hãy đi vào cô tịch của lòng mình để sống mật thiết hơn với Chúa. Các mẫu gương đi vào cô tịch để gặp Chúa của Mẹ Maria, thánh Giuse, các mục đồng… là hình ảnh sống động cho các linh mục noi theo. Dựa vào tư tưởng của ĐHY Sara, và Cha Henri Nouwen. Đức cha nói lên giá trị thinh lặng mà linh mục cần đạt tới đó là:

 - Không có nơi nào khác trên thế gian này mà Thiên Chúa hiện diện cụ thể hơn là trong lòng con người. Tâm hồn là đền thờ của thinh lặng vì thực sự là nơi Thiên Chúa cư ngụ, (SM-TL số 4)

 - Trong tâm con người, có sự thinh lặng bẩm sinh, vì Thiên Chúa hiện diện trong nơi sâu thẳm nhất của mỗi người, và vì con người là con cái của sự thinh lặng (SM-TL số 2)

- Nếu chúng ta không trau dồi thinh lặng, làm sao gặp được Thiên Chúa, vì Thiên Chúa cưu mang chúng ta, và chúng ta sống với Người mọi lúc khi chúng ta giữ thinh lặng. Quả thật, không có gì giúp ta khám phá ra Thiên Chúa hơn cho bằng sự Thinh lặng của chính Thiên Chúa được ghi khắc trong lòng ta. (SM-TL số 3)

- Sự cô tịch và tĩnh lặng là lữ khách của tâm hồn. Tâm hồn nào sở hữu chúng, sẽ mang chúng đi theo mình khắp mọi nơi. Tâm hồn nào thiếu vắng chúng, sẽ không tìm được chúng ở bất cứ nơi nào. Để đi vào trong thinh lặng, nếu chỉ dừng lại ở những hoạt động của môi miệng và trong tư tưởng thì chưa đủ. Đó mới chỉ là im lặng. Mà im lặng chỉ là một điều kiện của thinh lặng, chúng không phải là thinh lặng. Thinh lặng là một ngôn từ, một tư tưởng, nơi đó tập trung tất cả mọi lời nói và mọi tư tưởng (Cha Tổng phụ Augustin Guillerand trong Voix Cartusienne).

 

Song song đó, Đức cha cũng nhấn mạnh cần sống thinh lặng trong cô tịch theo những cách sau:

- Sự thinh lặng trong cô tịch bắt đầu bằng bằng việc dành thời gian và không gian nào đó chỉ cho Thiên Chúa mà thôi.

- Sự thinh lặng trong cô tịch cũng biến đời sống nội tâm ta là một ốc đảo thiêng liêng, ở đó, chính “Chúa Thánh Thần” vẫn cẩn thận chỉnh trang để chờ đón ta ghé vào. Đó cũng là khu vườn địa đàng nội tâm để ta có thể tản bộ với Thiên Chúa của cõi lòng ta. Và ta khám phá ra giá trị đích thực của mình không phải là sự khẳng định chính mình ở những thành quả của công việc ta “làm”, mà là ở căn tính của ta “là” ai trong mối tương quan với TC.

- Kỷ luật cho sự thinh lặng trong cô tịch là một kỷ luật cần thiết, hữu ích, nhưng cũng nhiều thách đố nhất. Cần thiết, vì nếu ta không dành thời gian để sống thinh lặng trong cô tịch, ta sẽ không còn coi trọng đời sống thiêng liêng. Hữu ích vì yêu mến sự thinh l?ng trong cô tịch là dấu chỉ của khát vọng cầu nguyện. Thách đố, vì khi ta dẹp được những lo ra bên ngoài, ta sẽ thấy những lo ra xuất hiện từ bên trong đầy uy lực muốn chiếm ngự trọn tâm trí ta.

- Kỷ luật cho sự thinh lặng trong cô tịch phải bắt đầu bằng sẵn sàng để ra một thời gian nhất định cho mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, và mỗi năm… và ta phải cẩn thận ưu tiên chọn lựa kỷ luật này trong lịch sinh hoạt.

- Trong thinh lặng và cô tịch, ta khơi lại Đặc sủng của Thiên Chúa trong bí tích truyền chức thánh. Trong thinh lặng người lãnh nhận chức thánh không những trở nên Alter Christus – Một Kito khác, nhưng hơn thế nữa là Ipse Christus – là Chính Chúa Kito. Thời điểm đó, không có một biểu hiện gì bên ngoài, nhưng trong thinh lặng sâu thẳm của bản thể, có một sự đồng hình đồng dâng thật sự với Chúa Kito linh mục. So sánh với sự biến đổi bản thể của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Giêsu, một biến đỗi lạ thường và kỳ diệu nhất, diễn ra trong sự thinh lặng thiêng liêng nhất.

 Sống Thinh Lặng trong Cô Tịch ta gặp gỡ TC

Gặp Chúa bằng lắng nghe

- Cuộc đời của Chúa Giêsu là lắng nghe và vâng phục, Ngài luôn lắng nghe Cha, luôn tỉnh thức đối với đường lối của Cha. Chúa Giêsu chính là tai nghe. Cầu nguyện chân thực là trở thành lỗ tai cho Thiên Chúa nói.

- Đời sống cộng đoàn còn ñoøi hỏi phải biết lắng nghe với. Khi lắng nghe với, ta ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa với tất cả những gì ta có, ta là  ta làm, và ta liên đới. Với tất cả những thứ ấy, ta phải lắng nghe tiếng Chúa, và cho phép TC nói với ta trong mọi ngóc ngách của cuộc sống.

- Theo tu đđức của Thánh Terexa Avila, trong cô tịch, ta * Đi vào trong nội tâm (self-entering) để gặp gỡ Chúa, * Gặp Chúa, ta biết mình (self-knowing) trong con mắt của Chúa, và từ đó, ta quy hàng (self-surrendering) trước chương trình của Chúa dành cho ta – Biến cố Thiên Thần Truyền Tin Cho Mẹ Maria là điển hình: Mẹ Maria Tự Hỏi – Lắng nghe – và Xin Vâng

- Thinh lắng để có thể nghe – Ba (03) hình thức lắng nghe: 1) Lắng nghe Hội Thánh/Cộng đoàn: Lắng nghe Hội Thánh bao hàm việc tham dự vào đời sống phụng vụ, huấn giáo và lãnh đạo của Hội thánh. 2) Lắng nghe Thánh Kinh: Đọc kinh thánh, đọc sách thiêng liêng, đọc hạnh các thánh…3) Lắng nghe tâm hồn ta: Chính tại nơi đây, TC luôn nói với ta một cách thân thiết nhất.

 

Buổi chiều Đức cha Giảng phòng tiếp tục giúp anh em suy tư và cầu nguyện với đề tài 3 có chủ đề Biến Đổi.

 

Bài 3

BIẾN ĐỔI

 

Lời Chúa: Rm 12, 1-2

 “1 Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. 2Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt lành, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”.

 

Đời sống linh mục phải là những tháng ngày hoán cải và biến đối, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Đây là một công việc được thực hiện nơi chính bản thân mình, một công việc khiêm tốn và bền bỉ. Khiêm tốn để ý thức rõ ràng về khả năng và giới hạn của bản thân mà cậy dựa vào Chúa, để nhận ra những gì có thể làm và những gì không được làm hay thậm chí không được phép làm. Bền bỉ để chúng ta biết hành động một cách cẩn trọng hay lường trước được những hệ quả mà hành động của mình để lại, sống theo tinh thần kỷ luật trước những đòi hỏi của thừa tác vụ.

1. TỪ TÂM SỰ CỦA HẠT LÚA…

Chúng ta hãy lắng nghe tâm sự của hạt lúa:

“Cuộc đời của tôi là những biến đổi không ngừng. Một sáng nọ, trời vừa ửng hồng, những hạt giống được gieo vào lòng đất ẩm. Rồi những chân rễ non bám chặt vào lòng đất, và một ngày, mầm lá vỡ tung chen đất ngoi lên trong niềm vui chào mừng ngày nắng. Kể từ ấy, tôi lớn lên từng ngày. Sáng đến, chiều đi trên những cành lá non đung đưa. Tôi uống sương đêm, đón gió sáng mà dần dần cứng cáp.

 

Tôi cứ ngỡ cuộc đời mãi bình lặng như thế, có ngờ đâu thân hạt lúa cũng lắm gian nan. Một sáng rực rỡ. Bầu trời xanh lắm, chúng tôi bị nhổ ra khỏi lòng đất thân quen. Đau đớn. Nức nở. Những cành lá non run rẩy. Rồi chúng tôi bị bó lại đem đi. Một lần nữa, nỗi đau lại đến khi chúng tôi bị tách rời nhau và bị cắm trở lại vào lòng đất. Người ta gọi đó là cấy mạ.

 

Ngày tháng qua đi, những cành lá lấy lại sức và rung rinh đón nắng. Cũng lúc ấy, nỗi đau đớn của rầy, của sâu ăn lan từng cuống lá làm thân xác chúng tôi rã rời.

 

Nhưng cũng chính những lần đau đớn ấy, tôi cảm nghiệm được tình thương của bác nông dân. Bác xuýt xoa, lo lắng. Bác nâng niu những cành gẫy giập. Bác cùng chia sớt nỗi lo với chúng tôi. Đêm qua, ngày tới, mọi đau đớn rồi cũng qua đi. Người ta thấy những cành lúa non hé mở báo hiệu mùa gặt sắp về.

 

Những cành lúa non chẳng mấy chốc oằn nặng và vàng rực. Cành lá xôn xao trong tiếng chim rộn ràng của ngày mùa.

Nào thế đã hết đâu. Chúng tôi còn phải chịu những đớn đau xé lòng khi lưỡi hái cắt rời gốc lúa, rồi nào đập, nào giã, nào sẩy sàng… Cuối cùng, chúng tôi hoàn toàn lột xác trở nên trắng tinh và dẻo ngọt của những hạt cơm lúa mới”.

 

2. … ĐẾN NHỮNG SUY TƯ VỀ ƠN GỌI

Mượn câu chuyện về hạt lúa mà suy nghĩ về ơn gọi của đời linh mục. Ơn gọi ấy cần được biến đổi từng ngày, cho đến khi trở nên những mục tử như lòng Chúa ước mong.

 

Câu chuyện hạt lúa mời gọi chúng ta nhớ đến lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng đã được gieo vào cánh đồng nhân loại này, Ngài là hạt giống bị chôn vùi trên đồi Canvê Thập Giá để rồi, qua sự Phục Sinh, Ngài đã làm cho cả hoàn vũ được hồi sinh.

 

Lời nói ấy của Chúa Giêsu cũng còn liên quan đến chính ơn gọi đời linh mục. Cuộc đời linh mục phải là những tháng ngày biến đổi, không chỉ thay đổi về thân xác, mà còn thay đổi về đời sống thiêng liêng. Bước theo Chúa Giêsu trên đường sứ mạng là chúng ta chấp nhận thân hạt lúa bị chôn vùi. Đó là ơn gọi của tôi và đó cũng là sự cao cả trong sứ mạng phục vụ. Chân phước Antoine Chevrier, đấng sáng lập Hiệp hội linh mục Prado ví von: linh mục là tấm bánh bẻ ra cho mọi người.

 

Qua cha mẹ, chúng ta được đưa vào đời, và lớn lên nhờ công lao khó nhọc của song thân. Qua dòng nước rửa tội, chúng ta được diễm phúc làm con cái Chúa, và ân sủng Thánh Thần giúp chúng ta tăng trưởng mỗi ngày.

 

Ngày vào chủng viện - seminarium, vườn ươm mầm ơn gọi, chúng ta được học phải biết cố gắng mỗi ngày, phải biến đổi mỗi ngày. Đó là điều kiện cần thiết để nên thánh. Đây là một tiến trình nhọc nhằn và liên tục, đổi mới con tim và trí óc, để chúng ta có thể “nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”(Rm 12, 2). Nhờ đó, chúng ta biết “phân định, biết đọc ra những thực tại trong đời sống con người dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, và do đó biết lựa chọn, quyết định và hành động theo ý Thiên Chúa”.

Và nhờ lòng thương xót Chúa, chúng ta có thể “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12, 1).

 

Như hạt lúa phải trải qua nhiều đau đớn mới trở nên hạt cơm trắng tinh, dẻo ngọt, đời tu trì cũng phải trải qua những khoảnh khắc đớn đau, để dần dần, với ơn Chúa giúp, chúng ta có thể vượt thắng chính mình, vượt qua những nhu cầu cá nhân và những gì chi phối bản thân, để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Nhờ đó, như đất sét trong bàn tay thợ gốm, chúng ta sẽ để bàn tay Chúa Thánh Thần uốn nắn và hướng dẫn chúng ta bước theo Đức Kitô, “Đấng không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58).

 

Cha Micae Phaolô Trần Minh Huy, trong tác phẩm “Nhà đào tạo tâm huyết và sứ vụ đào tạo hôm nay”, có nhận xét:

“Về sự dần dần biến đổi, chúng ta liên tưởng đến việc Chúa Giêsu đổi tên cho ông Simon thành Kêpha, nghĩa là Đá Tảng (x. Ga 1, 40-42). Đổi tên là đổi con người, đổi cách sống, cách làm việc, cách suy nghĩ, cách đối xử và yêu thương. Cuộc sống của ứng sinh sẽ phải từ từ được biến đổi, từ từ sống khác đi, không còn như cuộc sống đã từng sống trước đây nữa. Con người trần tục sẽ dần dần chết đi để con người thiêng liêng không ngừng được triển nở và lớn lên… Nói như thánh Phaolô là cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới, ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, đến độ “tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.

 

Hình ảnh hạt lúa còn ám chỉ đến những cánh đồng truyền giáo bao la, đến chúng ta là những thợ gặt mà, qua Giáo Hội, chúng ta được sai đi. Linh mục Nguyễn Tầm Thường, khi suy niệm về chức linh mục, có viết: “Lúa vàng không có ở chân bàn thờ trong ngày thụ phong linh mục. Cánh đồng lên màu, mùa gặt chỉ đến sau những tháng ngày lao tác”.  Chúng ta có ý thức rằng sứ mạng mà chúng ta đã được lãnh nhận là một huyền nhiệm, nên mùa lúa chín vàng có tới cũng chỉ là hồng ân. Chúng ta có để Chúa Thánh Thần biến đổi mình hay vẫn tính nào tật ấy? Nếu không biến đổi hay không để cho Chúa biến đổi, thì khi đã làm linh mục, chúng ta cũng không giúp ích gì nhiều cho Giáo Hội. Để trở nên người thợ gặt lành nghề của Chúa, chúng ta hãy suy niệm về những yếu tố quan trọng trong đời tu trì dâng hiến.

 

3. NẾP SỐNG ĐỜI TU

Trong chủng viện, các nhà đào tạo thường đề cập đến bốn chiều kích quan trọng: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, nhằm biến đổi con tim của chủng sinh trở nên càng ngày càng giống con tim của Chúa Giêsu, Đấng được sai đến để hoàn tất chương trình yêu thương của Chúa Cha nơi trần gian, đến độ trao ban mạng sống mình vì đoàn chiên (x. Ga 10, 11). Giáo Hội cũng nhấn mạnh rằng toàn bộ tiến trình giáo dục chuẩn bị cho chức linh mục thừa tác có mục đích là dẫn đưa chủng sinh đến chỗ “hiệp thông vào đức ái của Chúa Kitô, vị Mục tử Tốt lành”.  Các chiều kích này phải được đặc biệt lưu tâm sau khi chịu chức linh mục và kéo dài suốt đời, cả khi tuổi già và hưu dưỡng, đến nỗi trở thành nếp sống, diễn tả một nhân cách trưởng thành trong tinh thần phục vụ tha nhân, thủ đắc một đời sống thiêng liêng vững chắc, được nuôi dưỡng bởi mối quan hệ mật thiết với Đức Giêsu Kitô và tình yêu đối với Hội Thánh, chu toàn thừa tác vụ linh mục một cách nhiệt thành và tận tụy.

 

3.1. ĐÀO LUYỆN NHÂN BẢN

Kinh nghiệm cho thấy một số linh mục gặp vấn đề trong tương quan với người khác khi thiếu một đời sống nhân bản thích hợp. Do đó, để nên thánh và thành công trong sứ vụ linh mục, chúng ta phải trau dồi những đức tích nhân bản khiến người khác quý chuộng như: từ tâm, chân thành, dũng cảm, kiên trì, yêu chuộng công lý, hòa nhã và những đức tính khác, như thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những gì là chân thật, tinh tuyền, công chính, thánh thiện, khả ái, những gì là danh thơm tiếng tốt, là đức hạnh, là đáng khen” (Pl 4, 8).   Đức Biển Đức XVI nhấn mạnh: “Vì được kêu gọi để đồng hành với người khác trong hành trình cuộc đời cho tới khi nhắm mặt xuôi tay, chính linh mục phải quân bình trong tâm hồn và trí óc, tình cảm và lý trí, thể xác và tinh thần, đến nỗi đời sống nhân bản phải vẹn toàn”.

 

Trên bình diện tâm lý, nhân cách ổn định giúp linh mục quân bình tình cảm, tự chủ và trưởng thành trong các mối tương quan với người khác, thuộc mọi lứa tuổi và điều kiện xã hội khác nhau, đặc biệt khi liên hệ với trẻ em và nữ giới. Trong lãnh vực luân lý, cần phải đào luyện lương tâm sao cho mình trở nên người có trách nhiệm, có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn, có phán đoán ngay thẳng và nhận thức khách quan về con người và các biến cố xảy ra.

 

Trong thời đại thông tin hiện nay, cần sử dụng internet và các phương tiện truyền thông hiện đại một cách chừng mực, tiết độ và khôn ngoan. Hẳn nhiên, mạng toàn cầu cống hiến nhiềm tiềm năng và cơ hội loan báo Tin Mừng, nhưng khi lạm dụng cũng có thể gây nguy hại cho các linh hồn, cản trở sự hồi tâm cần thiết, làm thiệt hại cho đời sống thiêng liêng và sứ vụ phục vụ… Bất luận thế nào, khi sử dụng các công nghệ mới này, linh mục phải chứng tỏ một đức ái đặc biệt, một tinh thần siêu nhiên, một lối sống thanh đạm và tiết độ… Tất cả đều tùy thuộc vào việc rèn luyện nhân cách và sống nhân cách ấy của người linh mục.

 

3.2. ĐÀO LUYỆN THIÊNG LIÊNG

Đời sống thiêng liêng giúp người linh mục nuôi dưỡng và hỗ trợ cho mối hiệp thông với Chúa và với anh chị em mình, cùng thái độ ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần.  Mối tương quan thâm sâu này là những bước khởi đầu của đức ái mục tử.  Một cách cụ thể, Bộ giáo sĩ nêu ra bảy phương thế đào luyện thiêng liêng cho đời sống linh mục như sau: 1) Hàng ngày nguyện gẫm và suy niệm Lời Chúa hay một mầu nhiệm đức tin; 2) Siêng năng viếng Thánh Thể, cử hành thánh lễ sốt sắng và xưng tội thường xuyên; 3) Tôn sùng Đức Mẹ (lần chuỗi, tận hiến cho Mẹ hay đối thoại thân mật với Mẹ và xin Mẹ che chở); 4) Dành thời gian đào sâu giáo lý và hạnh các thánh; 5) Nghỉ ngơi thích hợp; 6) Cố gắng canh tân để thực thi các chỉ dẫn của Đức Giám mục giáo phận, xác tín vào huấn quyền và tuân giữ kỷ luật của Hội Thánh; 7) Lưu tâm đến tình hiệp thông và tình bạn linh mục. Ngoài ra cần lưu tâm đến việc quản lý thời giờ và của cải cá nhân, lao động và việc cộng tác với người khác. 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ: “Để trở thành những mục tử theo hình ảnh Chúa Giêsu, Người Mục Tử Nhân Lành, đòi hỏi các con phải suy niệm hằng ngày theo Tin mừng, cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa trong Bí tích Hòa giải, đón nhận Mình Thánh Chúa với đức tin và lòng mến … Các con sẽ trở nên một con người của cầu nguyện. Nếu con không theo con đường này, thì tốt hơn, con nên có can đảm để chuyển hướng”.

 

3.3. ĐÀO LUYỆN TRI THỨC

Việc đào luyện tri thức không chấm dứt sau khi chịu chức linh mục mà phải kéo dài suốt đời. Trong bất cứ giai đoạn nào, dù còn trẻ hay đã già cả, dù làm cha xứ hay cha phụ tá, người linh mục cần ý thức học hỏi, để có một năng lực vững chắc về triết học và thần học, cũng như có trình độ văn hóa tổng quát được cập nhật thường xuyên, để có thể loan báo Tin Mừng một cách đáng tin cậy và dễ hiểu, để đối thoại với thế giới một cách hiệu quả, cũng như biết dùng lý trí để bảo vệ các chân lý đức tin.  Việc học hỏi này, không chỉ thuần túy lý thuyết hay kiến thức, mà là đào luyện đích thực, nghĩa là đào luyện về cầu nguyện, về hiệp thông và về các hoạt động mục vụ. Trong thời đại thông tin ngày nay, sự hiểu biết và sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong hoạt động thừa tác là một đòi hỏi thiết yếu đối với việc đào luyện tri thức của linh mục, đồng thời là phương thế hữu hiệu để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

 

3.4. ĐÀO LUYỆN MỤC VỤ

Trong lãnh vực đào luyện mục vụ, trước hết cần phải nhớ mình làm linh mục vì danh Chúa và vì lợi ích các linh hồn, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở: “Các con phải nhớ, các con được đào tạo không phải để làm công chức, nhưng là để trở thành những mục tử thực sự theo hình ảnh Chúa Giêsu Người Mục tử Tốt lành”. Như thế, bác ái mục tử là yếu tố không thể thiếu giúp linh mục hiến thân một cách quảng đại, vô vị lợi với hết mọi người, nhất là với những người bé mọn, và nhiệt thành vì Nước Trời. Ngày nay, đức ái mục tử có nguy cơ bị mất ý nghĩa vì chủ nghĩa chức năng, nghĩa là muốn giảm trừ chức linh mục thừa tác vào các khía cạnh chức năng, các dịch vụ chuyên môn. Khi giản lược căn tính và thừa tác vụ như thế, người linh mục có nguy cơ đánh mất chính mình và rơi xuống vực thẳm, thường đầy dẫy những lối sống không phù hợp với thừa tác vụ của họ.

 

Ý thức mình là một thừa tác viên của Đức Kitô và của Hội Thánh, linh mục sẽ ưu tiên thực hiện các kế hoạch mục vụ của giáo phận, giải thoát mình khỏi cám dỗ hành động đơn độc, quá tự tin hay khỏi thái độ lạnh lùng khô khan có thể biến linh mục thành một người “kế toán thiêng liêng” thay vì là người “Samaritanô nhân hậu”. Có như thế, linh mục ý thức mình cũng có trách nhiệm đối với những người không sống đạo, người không tin và các anh em thuộc tôn giáo khác, nhờ đó, có những sáng kiến để gặp gỡ, chia sẻ và loan báo Tin Mừng cho mọi người. 

GỢI Ý SUY TƯ – CẦU NGUYỆN

Thánh Gioan Capettranô nhận định: “Là người được ơn gọi phục vụ vào bàn tiệc của Chúa, linh mục phải nêu gương sáng ngời về một đời sống luân lý đáng khen, không vướng mắc một thói hư tật xấu nào khiến cho mình ra nhớp nhơ, hoen ố. Như muối cho đời, bằng lối sống đáng quý đáng trọng, họ ướp mặn chính mình và ướp mặn người khác. Làm ánh sáng trần gian, với trí khôn ngoan minh mẫn, họ đem ánh sáng đến cho người khác… Cuộc sống sáng ngời và giãi toả thánh đức của các giáo sĩ tốt lành và công chính đem lại ánh sáng và an vui cho những ai dõi mắt trông gương các ngài. Vậy khi được cắt đặt để lo cho người khác, giáo sĩ có nhiệm vụ lấy chính cuộc sống của mình mà chỉ cho thiên hạ biết phải ăn ở làm sao trong nhà Chúa”.  Là linh mục, tôi có thực sự biến đổi đời mình, nhờ tác động của ân sủng, thành hiến lễ cuộc đời họa theo hình ảnh lễ tế của Đức Giêsu Kitô Chúa của tôi? Tôi có sẵn sàng tiêu hao tất cả sức lực cho anh chị em mình với niềm vui và bình an; sống vâng phục, tiết độ và giản dị; luôn tôn trọng kỷ luật của sự hiệp thông trong Hội Thánh…, để qua đó mọi người nhận ra dung mạo yêu thương của Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời? 

 

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,

xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,

xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa,

xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa,

xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn

sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa

trong nụ cười của con,

thấy sự dịu dàng của Chúa

trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu

có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm

cùng đi với Chúa và với tha nhân

trên những nẻo đường gập ghềnh.

Amen.

 

 

Sau giờ ăn tối, anh em linh mục lại quỳ bên nhau trong giờ Chầu Thánh Thể để nhìn lại mình sau một ngày sống bên Chúa và bên nhau.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con một ngày qua được bình an và kín múc được rất nhiều ơn lành từ Chúa. Xin cho chúng con một đêm bình an.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thư Mục vụ tháng 05/2024 của Đức Giám mục giáo phận (02/05/2024 18:59:35 - Xem: 100)

Thư mục vụ tháng 5 với chủ đề: “Noi gương Mẹ Maria, Giáo Phận Long Xuyên tích cực tham gia đời sống Giáo Hội”.

Lịch Mục vụ của Đức Giám mục tháng 05/2024 (29/04/2024 07:46:17 - Xem: 1,043)

Ban Truyền Thông xin gửi đến quý cha và bạn đọc Lịch Mục vụ tháng 05/2024 của Đức Giám mục để chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Lễ Khánh Thành và Cung hiến nhà thờ Hòa Phú – Giáo xứ An Châu (21/04/2024 22:27:39 - Xem: 942)

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mục vụ, nhà thờ Hòa Phú thuộc giáo xứ An Châu, giáo hạt Long Xuyên, được khởi công xây dựng từ năm 2019, đến nay đã hoàn tất.

Thánh lễ cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu giáo phận (20/04/2024 21:07:22 - Xem: 989)

Thánh lễ cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu giáo phận sẽ được Đức Giám mục giáo phận cử hành lúc 10g00 ngày Chúa nhật 21/04/2024 tại nhà thờ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp

Thánh lễ làm phép nhà thờ giáo họ Hòa Phú - An Châu (19/04/2024 21:01:25 - Xem: 898)

Thánh lễ Làm phép nhà thờ được Đức Giám mục giáo phận Giuse Trần Văn Toản cử hành lúc 9g00 thứ bảy ngày 20/04/2024.

Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương xót năm 2024 (06/04/2024 16:33:36 - Xem: 1,008)

Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương xót sẽ được Đức Giám mục giáo phận cử hành lúc 9g30 Chúa nhật 2 Phục sinh tại nhà thờ An Sơn kinh E2, Vĩnh An

Thư Mục vụ tháng 04/2024 của Đức Giám mục giáo phận (31/03/2024 17:54:08 - Xem: 986)

Thư mục vụ tháng 4 sẽ triển khai chủ đề: Ban Mục Vụ Ơn Gọi của Giáo Phận, hiệp hành với các gia đình tháp tùng Ơn Thiên Triệu.

Lịch Mục vụ của Đức Giám mục tháng 04/2024 (30/03/2024 13:42:48 - Xem: 1,878)

Ban Truyền Thông xin gửi đến quý cha và bạn đọc Lịch Mục vụ tháng 04/2024 của Đức Giám mục để chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Thánh lễ Truyền Dầu năm 2024 (25/03/2024 17:23:03 - Xem: 1,464)

Thánh lễ Truyền Dầu được Đức Giám mục giáo phận cử hành lúc 8g00 ngày 26-03-2024 tại nhà thờ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp

Dòng Thánh Gia: Thánh lễ truyền chức Phó tế (19/03/2024 14:11:12 - Xem: 1,381)

Vào lúc 05g00 thứ Hai ngày 18 tháng 03 năm 2024, tại nhà nguyện Dòng Thánh Gia đã diễn ra thánh lễ truyền chức Phó tế cho tu sĩ Ferdinand Nguyễn Hoàng Minh, CSF.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7