Sinh hoạt giáo phận

Linh mục giáo phận Long Xuyên Tĩnh tâm Năm 2023

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,082
  • Ngày đăng: 27/11/2023 19:24:24

LINH MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN TĨNH TÂM NĂM 2023

(NÊN THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC)

 

Sáng nay, gần 300 anh em linh mục trong Linh mục Đoàn Giáo phận đã quy tụ về Tòa Giám mục để tham dự tuần Tĩnh tâm Năm bắt đầu từ ngày 27/11 đến này 01/12.

 

 

 

Sau 1 năm làm việc mục vụ và phục vụ nơi môi trường giáo xứ, thì đây là thời gian quý báu để anh em có thời gian sống mật thiết hơn với Chúa và với nhau, nhằm hâm nóng lại tinh thần đạo đức cũng như kín múc thêm nguồn ân sủng của Thiên Chúa để làm mới lại bản thân. Chính vì thế, tuần tĩnh tâm này được Đức cha Giáo phận chọn chủ đề trọng tâm là: Nên Thánh Trong Đơì Sống Linh Mục và Đức cha Giuse Bùi Công Trác, Giám mục Phụ tá TGM Sài Gòn là người triển khai chủ đề này.

 

 

Đúng 9h00, anh em linh mục quy tụ tại Hội trường để chào mừng quý Đức cha và được Đức cha Giáo phận hướng ý sống và cầu nguyện trong tuần tĩnh tâm.

 

Dựa vào câu Kinh Thánh "Thưa Thầy, Thầy Ở Đâu"? Và "Hãy Đến Mà Xem", Đức cha đã mời gọi anh em nhìn lại ơn gọi linh mục của mình bằng những ý tưởng sau:

- Linh mục - người được tuyển chọn để được thánh hiến thuộc về Thiên Chúa;

- Linh mục - người được huấn luyện để được sai đi phục vụ con người,

- Linh mục – trở thành hiện thân của Đức Kitô với cây thập giá trên vai, như lội ngược dòng, đối nghịch với bản năng thấp hèn của con người, đặc biệt là bản năng kiêu ngạo – sở hữu ích kỷ - thụ hưởng tính dục để sống khiêm tốn vâng lời – đơn giản khó nghèo – và khiết tịnh độc thân;

- Linh mục – là ngôn sứ với thừa tác vụ rao giảng, để chuyển thông sứ điệp của Thiên Chúa cho con người thời đại;

- Linh mục – là tư tế với thừa tác vụ thánh hóa, để thánh hóa mình và thánh hóa tha nhân;

- Linh mục – là vương đế với thừa tác vụ lãnh đạo cộng đoàn theo cung cách khiêm tốn phục vụ của người tôi tớ, để xây dựng Nước Thiên Chúa trong thế giới hôm nay.

Đây cũng là đặc sủng của bí tích truyền chức mà anh em đã lãnh nhận nhưng với thời gian, ơn gọi này có thể đã bị lu mờ đi bởi những yếu tố trần thế nên linh mục phải cần thường huấn đời sống tu đức cho hành trình đời linh mục. Kinh nghiệm bản thân đòi hỏi thường huấn tu đức vì linh mục đã có:

1. Kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân;

2. Nguy cơ của tục hóa biến đời sống linh mục trở thành một bậc sống thượng lưu trong xã hội;

3. Nguy cơ của tục hóa biến tác vụ linh mục trở thành một nghiệp vụ có lợi nhuận cao trong cộng đoàn;

4. Thách đố của nền văn hóa thời đại, cụ thể là kích dục, thụ hưởng, ích kỷ và tự do cá nhân;

5. Sự hấp dẫn của quyền lực và sự giầu có;

6. Thách đố của đời sống độc thân;

7. Đòi hỏi tận căn của Tin Mừng “Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta”.

 

Đức cha nhấn mạnh anh em hãy dành hết thời gian cho Chúa trong tuần này  bằng cách:

(1) Thiết lập một thời gian và một không gian đi vào cô tịch thiêng liêng;

(2) Ghi nhận các sự kiện đang xẩy ra như những chất liệu cần thiết cho suy tư

(3) Suy tư - đi vào thẳm sâu của lòng mình để gặp Chúa và gặp anh em

(4) Gặp Chúa và anh em trong hiệp thông để Cầu nguyện và biết mình trong cái nhìn của Chúa đang mạc khải cho ta trong tương quan với gia đình giáo phận Long Xuyên.

(5) Cầu nguyện để đi vào Chiêm niệm nhằm biết ý Chúa và sẵn sàng “xin vâng” trước ý định của Thiên Chúa dành cho ta trong chương trình cứu độ của Ngài

(6) Quyết tâm dấn thân để thực hiện ý định của Thiên Chúa trong đời sống và tác vụ của mình trong bầu khí hiệp hành của anh em linh mục đoàn giáo phận Long Xuyên. Hãy Tiến vào Ốc Đảo trong nội tâm

 

 

Sau phần hướng ý sống trong tuần Tĩnh tâm, quý Đức cha cùng quý cha đã cùng hiệp dâng thánh lễ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, để Ngươì đốt lên trong lòng anh em tinh thần yêu mến Chúa và biến đổi bản thân.

 

 

 

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức cha Giáo phận đã dựa vào bài Tin Mừng thứ 2 sau CN 34 TN để nói lên tấm long của bà góa nghèo. Bà đã bỏ vào thùng tiền chỉ mấy xu nhỏ nhưng với cả tấm lòng, trọn cả cuộc sống và niềm tín xác tuyệt đối vào Chúa. Noi gương bà góa nghèo này, anh em linh mục trong tuần tĩnh tâm này cũng nên dâng hết cho Chúa hết cả thời gian, suy nghĩ, tấm lòng và tín thác tuyệt đối vào Chúa, Chúa sẽ biến đổi anh em được trở nên giống Chúa hơn.

 

 

Buổi chiều, Đức cha Giảng phòng bắt đầu giúp anh em suy nghĩ và cầu nguyện với đề tài 1: Ơn gọi là một huyền nhiệm và độc đáo. Từ kinh nghiệm bản thân, Đức cha đã chia sẻ với anh em về ơn gọi của ngài với niềm xác tín và cảm động. Sau đây là toàn bài chia sẻ của Đức cha.

 

Bài mở đầu
ƠN GỌI LÀ MỘT HUYỀN NHIỆM VÀ ĐỘC ĐÁO

 

Giáo Hội đã và đang rúng động vì gương xấu của một số người trong hàng giáo sĩ và tu sĩ về việc lạm dụng tính dục. Tại Hoa kỳ, cơn địa chấn ấy đã khiến một số người vướng vòng lao lý, có giáo phận bị phá sản, niềm tin vào Giáo Hội bị suy giảm đáng kể... Trong bối cảnh ấy, một chủng sinh, khi được phóng viên hỏi có nên tiếp tục đi tu không, đã trả lời: “Giờ đây, trước những thách đố và khó khăn, tôi càng xác tín hơn bao giờ hết vào ơn gọi dấn thân của mình”.

 

Trong buổi suy niệm đầu tiên, chúng ta hãy nhìn lại ơn gọi của chính mình, mà để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ước mong rằng mỗi người, một lần nữa xác tín vào sứ vụ linh mục mà Chúa đã tín nhiệm trao ban, dẫu biết sứ vụ ấy luôn đi kèm với những đau khổ và thử thách nhưng cũng luôn đầy ắp niềm vui và bình an.

 

Lời Chúa: Ga 1, 35-39

35 Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. 36 Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông liền lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. 37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. 38 Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các ngươi tìm gì thế?”. Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?”. 39 Người bảo họ: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. 

 

Khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, tôi đã dừng lại ở cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả.

“Các người tìm gì thế?” – “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”

“Hãy đến mà xem” – Họ đã đến xem và ở lại với Người ngày hôm ấy.

Cuộc đối thoại ngắn ngủi ấy đã vén mở cho chúng ta hiểu ba thái độ căn bản của hành trình ơn gọi: Tìm kiếm – Bước theo - Ở lại. Trong Tông Huấn Pastores dabo vobis, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaoô II đã trình bày rất hay và đầy đủ về ba giai đoạn này.

 

1. Tìm kiếm

Chúa gọi trực tiếp từ trong cõi lòng của mỗi người , hay gián tiếp qua một người, một biến cố nào đó. Dù cho trực tiếp hay, gián tiếp, ơn gọi luôn luôn là một huyền nhiệm và độc đáo. Huyền nhiệm vì ơn gọi khởi đầu từ Thiên Chúa: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16). Độc đáo vì Chúa gọi chúng ta như ơn gọi duy nhất, hoàn toàn vì tình yêu: “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi… (Is 49, 1; x. Gr 1, 4-5)… “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49, 15 - 16). Như thế, Chúa gọi tôi không phải vì tôi nhân đức, tài giỏi, xứng đáng hơn những người khác, mà chỉ vì Chúa yêu thương tôi.

Để có thể nghe được tiếng Chúa gọi, cần lắng đọng tâm hồn và biết đọc các biến cố thường nhật với con mắt đức tin. Việc này càng trở nên khó khăn bởi cuộc sống hiện đại, tràn ngập thông tin,  một xã hội ồn ào khiến chúng ta hoang mang, nhiều khi phân định sai lầm, hay không nhận ra kế hoạch ân cần của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Khi lắng nghe được tiếng Chúa mời gọi và cảm nhận tình yêu của Ngài, chúng ta bắt đầu hành trình tìm kiếm khắc khoải như thánh Augustinô:Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”.[1] Hành trình tìm kiếm ấy luôn luôn đưa tới sự bình an và niềm vui: “Con đã được nếm Ngài, và đâm ra đói khát Ngài; Ngài đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Ngài”.[2] Đó là hành trình của những người có lòng khiêm nhường: “Những người khiêm nhường, những người tìm kiếm Chúa, sẽ vui mừng hoan hỉ” (Tv 69,33)

Như thế, tìm kiếm Chúa là khám phá ơn gọi đời mình qua sự phân định thiêng liêng, bằng việc đi vào cuộc đối thoại cá vị với Chúa và lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, kết quả là sẵn sàng chọn lựa dấn bước theo Chúa, “Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6).

 

2. Theo Chúa

Theo Chúa diễn tả sự đáp trả tự do của con người. Tình yêu nhưng không của Thiên Chúa được con người đáp trả một cách tích cực, đó là một sự trao hiến chính mình. “Do đó, tự do là thiết yếu cho ơn gọi, một sự tự do, trong lời đáp trả tích cực, mặc lấy ý nghĩa của một sự gắn bó bản ngã sâu đậm, với tính cách trao hiến tình yêu... Đức Phaolô VI đã nói: “Ngày hôm nay cũng như hôm qua và còn hơn hôm qua, Đức Kitô vẫn nói bằng một giọng nói nhỏ nhẹ và xuyên thấu: “Hãy đến”. Tự do được đặt trước thử thách cao cả nhất: đúng vậy, đó là tự do trở thành của lễ, tự do dẫn tới sự quảng đại, lòng hy sinh”.[3]

 

Theo Chúa là từ bỏ ý riêng mà hoàn toàn theo thánh ý Thiên Chúa. Theo Chúa là chấp nhận nẻo đường thử thách vì “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24), và để Chúa chất vấn: “Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10, 38). Như thế, theo Chúa nghĩa là đón nhận nẻo đường thánh giá và đau khổ, nẻo đường hy sinh và bỏ mình. Đức Phanxicô nhận đình: “Chúng ta có thể là những Giám mục, những Linh mục, Hồng y, Giáo Hoàng, nhưng chúng ta sẽ không là môn đệ của Chúa, nếu chúng ta để thánh giá lại phía sau.

Một người mẹ có một đứa con trai bé bỏng bị mù từ khi mới sinh. Chị thương con, và nhiều khi con đã ngủ say, chị nhìn con ứa nước mắt vì thấy con mình quá thiệt thòi.

Đứa bé lớn dần, mỗi ngày, chị đưa con đến trường mù. Ở đó, chỉ toàn những đứa bé có hoàn cảnh như con chị. Nhìn con vui cười cùng với bạn bè, chị nhẹ bớt nỗi đau. Mỗi ngày, sau giờ học, chị đến trường đón con và vui sướng nghe những gì con kể.

Một ngày nọ, chị cầm tay con và nói: “Con yêu của mẹ, con không thấy được ánh sáng, nhưng con hãy để thánh giá Chúa làm đôi mắt cho con”. Rồi chị đeo cây thánh giá nhỏ xíu trên ngực áo cho con. Kể từ ấy, cậu bé đi học cùng với Chúa Giêsu. Có lần, chị quên cài thánh giá vào áo cho cậu bé, cậu kêu: “Mẹ ơi, đôi mắt của con đâu rồi hả mẹ?”.[4]

 

Người ta nói rằng thời gian huấn luyện ở chủng viện là thời gian thử thách, trưởng thành và phân định. Trong thời gian này, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và qua các cha giáo, mỗi chủng sinh ý thức tự đào luyện chính mình, sao cho con tim và cuộc sống mình phù hợp với hình ảnh Chúa Giêsu, để trở nên dấu chỉ sống động của tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người. Khi đã là linh mục, tiến trình đào luyện ấy vẫn còn được tiếp tục, đến nỗi chúng ta được mời gọi phải thực hiện sứ vụ linh mục trong tinh thần hiến thân phục vụ và sự tận tụy vô vị lợi vì lợi ích của đoàn chiên (x. Ga 10,11; 13, 14). Để có thể sống trọn vẹn sứ mạng ấy, cần phải ở lại trong Chúa, hay thuộc trọn về Chúa.

 

3. Ở lại với Chúa

Trong đời sống linh mục, tâm điểm của việc đào tạo thiêng liêng là sự kết hợp cá vị với Chúa Kitô, vốn nảy sinh và được nuôi dưỡng qua việc chuyên cần cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa giải, siêng năng học hỏi và suy niệm Lời Chúa, trung thành giữ các phương thế thiêng liêng đã có từ thời còn là chủng sinh: viếng Thánh Thể, nguyện ngắm, giữ các việc đạo đức bình dân…[5] Ở lại với Chúa là ý thức mình thuộc trọn về Chúa “như cành nho gắn liền với cây nho” (Ga 15, 4-7). Có như thế, cuộc đời của chúng ta mới sinh hoa kết quả, nghĩa là giúp chúng ta thực hiện sứ vụ linh mục với tình yêu quảng đại và dâng hiến.

Ở lại với Chúa là ý thức mình hoàn toàn thuộc về Chúa. Mẹ thánh Têrêsa Calcutta nói: “Tôi chỉ là cây viết chì nhỏ bé trong bàn tay của Thiên Chúa. Chúa suy nghĩ, Chúa viết ra, cây viết chì chỉ để yên cho Chúa hành động”. Hãy nhớ, tất cả những gì chúng ta có: tài năng, của cải, sức khỏe là để phục vụ Chúa, qua bổn phận được trao ban.

Ngay từ mái trường chủng viện, chúng ta được dạy rằng ơn gọi linh mục là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội và thế giới. Khi bước vào mối tương quan cá vị với Chúa Giêsu, chúng ta bước vào hành trình tự thánh hóa mình và có khả năng thánh hóa người khác. Trong suốt hành trình linh mục, chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, để được Ngài đào tạo, thành những mục tử mang “mùi chiên”, nhờ đó mỗi cá nhân được quan tâm, chăm sóc và yêu thương. Vì thế, thừa tác vụ linh mục là thừa tác vụ làm cha, vì qua sự hiến thân của linh mục, nhiều linh hồn được tái sinh trong Đức Kitô.[6] Có như thế, chúng ta mới có thể hiểu được những lời đầy xúc động của thánh Phaolô tông đồ: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được hình thành nơi anh em” (Gl 4, 19).

Thời gian qua, Giáo Hội rúng động vì gương xấu của một số linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Đau xót và thương cảm là những gì chúng ta có thể nói khi đối diện với cuộc khủng hoảng này. Nguyên nhân chính là thiếu gắn bó với Chúa, không “ở lại” với Chúa, đồng thời giải pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng cũng chỉ là việc phó thác, cậy trông vào Chúa, bằng việc gia tăng cầu nguyện, gắn bó với Chúa cách mật thiết hơn.

Hiệu quả của việc thuộc về Chúa, ở lại với Chúa là niềm hạnh phúc và tâm hồn an bình, dẫu cho cuộc đời dâng hiến có nhiều thăng trầm, dẫu cho sức có tàn, lực có kiệt, niềm vui dâng hiến vẫn tăng thêm từng ngày, dẫu cho công việc có tầm thường hay cao cả, niềm hạnh phúc vẫn cứ đầy theo năm tháng.

Một hiệu quả khác của việc thuộc về Chúa là sự hiệp thông huynh đệ với người khác, trong gia đình, trong cộng đoàn, nhất là với những người cùng sống lý tưởng đời tu Thập Giá.

 

Gợi ý suy tư – cầu nguyện

Hãy nhìn lại lịch sử ơn gọi đời mình mà nhận ra ý định yêu thương của Chúa cho sứ vụ mục tử mai ngày. Hãy lắng nghe tiếng Chúa và dâng lời cảm tạ, trong tâm tình tạ ơn và đầy niềm vui. Hãy thưa “vâng” với lời Chúa mời gọi và can đảm bước theo Người khi sống trong sạch, nghèo khó và vâng phục. Dù chúng ta sống và làm việc trong thế gian, nhưng hãy hướng lòng trí lên trời cao.

Lạy Chúa,
xin cho chúng con nhận ra được tiếng Chúa mời gọi
vào làm việc cho vườn nho Chúa.
Ước chi ngày càng có nhiều người quảng đại xả thân
vì Chúa và vì anh em,
trung thành phân phát các mầu nhiệm của Chúa.
Và xin cho chúng con,
khi đã tra tay cầm cày, thì không nhìn trở lại
và hết lòng phục vụ Chúa và tha nhân.
Amen.

 

 

Buổi tối, anh em linh mục cùng nhau Chầu Thánh Thể và xét mình xưng tội. Cảm tạ Chúa đã cho chúng con một ngày sống thân mật với Chúa và với nhau trong tinh thần yêu thương và lắng đọng. Xin mọi người cùng tạ ơn Thiên Chúa với các linh mục và tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi trong ngày tĩnh tâm tiếp theo.

 

 


[1] THÁNH AUGUSTINÔ, Tự thuật I, 1, 1.

[2] THÁNH AUGUSTINÔ, Tự thuật X, 27, 38.

[3] ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Pastores dabo vobis (25.03.1992), 36: AAS 84 (1992), 716-717. 

[4] Đôi mắt của tâm hồn, Nối lửa cho đời, tr. 160.

[5] x. BỘ GIÁO SĨ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 2016, 102.

[6] x. BỘ GIÁO SĨ, Chỉ nam Thừa tác vụ và Đời sống Linh mục, 24.

Bài cùng chuyên mục:

Thư Mục vụ tháng 05/2024 của Đức Giám mục giáo phận (02/05/2024 18:59:35 - Xem: 118)

Thư mục vụ tháng 5 với chủ đề: “Noi gương Mẹ Maria, Giáo Phận Long Xuyên tích cực tham gia đời sống Giáo Hội”.

Lịch Mục vụ của Đức Giám mục tháng 05/2024 (29/04/2024 07:46:17 - Xem: 1,061)

Ban Truyền Thông xin gửi đến quý cha và bạn đọc Lịch Mục vụ tháng 05/2024 của Đức Giám mục để chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Lễ Khánh Thành và Cung hiến nhà thờ Hòa Phú – Giáo xứ An Châu (21/04/2024 22:27:39 - Xem: 945)

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mục vụ, nhà thờ Hòa Phú thuộc giáo xứ An Châu, giáo hạt Long Xuyên, được khởi công xây dựng từ năm 2019, đến nay đã hoàn tất.

Thánh lễ cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu giáo phận (20/04/2024 21:07:22 - Xem: 990)

Thánh lễ cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu giáo phận sẽ được Đức Giám mục giáo phận cử hành lúc 10g00 ngày Chúa nhật 21/04/2024 tại nhà thờ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp

Thánh lễ làm phép nhà thờ giáo họ Hòa Phú - An Châu (19/04/2024 21:01:25 - Xem: 899)

Thánh lễ Làm phép nhà thờ được Đức Giám mục giáo phận Giuse Trần Văn Toản cử hành lúc 9g00 thứ bảy ngày 20/04/2024.

Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương xót năm 2024 (06/04/2024 16:33:36 - Xem: 1,009)

Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương xót sẽ được Đức Giám mục giáo phận cử hành lúc 9g30 Chúa nhật 2 Phục sinh tại nhà thờ An Sơn kinh E2, Vĩnh An

Thư Mục vụ tháng 04/2024 của Đức Giám mục giáo phận (31/03/2024 17:54:08 - Xem: 986)

Thư mục vụ tháng 4 sẽ triển khai chủ đề: Ban Mục Vụ Ơn Gọi của Giáo Phận, hiệp hành với các gia đình tháp tùng Ơn Thiên Triệu.

Lịch Mục vụ của Đức Giám mục tháng 04/2024 (30/03/2024 13:42:48 - Xem: 1,878)

Ban Truyền Thông xin gửi đến quý cha và bạn đọc Lịch Mục vụ tháng 04/2024 của Đức Giám mục để chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Thánh lễ Truyền Dầu năm 2024 (25/03/2024 17:23:03 - Xem: 1,464)

Thánh lễ Truyền Dầu được Đức Giám mục giáo phận cử hành lúc 8g00 ngày 26-03-2024 tại nhà thờ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp

Dòng Thánh Gia: Thánh lễ truyền chức Phó tế (19/03/2024 14:11:12 - Xem: 1,381)

Vào lúc 05g00 thứ Hai ngày 18 tháng 03 năm 2024, tại nhà nguyện Dòng Thánh Gia đã diễn ra thánh lễ truyền chức Phó tế cho tu sĩ Ferdinand Nguyễn Hoàng Minh, CSF.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7