KINH TỐI & THÁNH LỄ ONLINE

Lịch sử giáo phận Long Xuyên (bài 9)

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,485
  • Ngày đăng: 20/04/2021 22:59:22

LỊCH SỬ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

 

Lời mở đầu

Nhân dịp mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận Long Xuyên (1960-2020), chúng ta cùng nhau nghiên cứu và học hỏi về lịch sử giáo phận để thấy những bước tiến, những khó khăn, những nỗ lực, những hy sinh của các bậc cha ông trong việc sống đạo và truyền đạo. Thấy, biết, hiểu, và rồi sẽ sống theo gương cha ông, để đức tin ngày một toả sáng trên vùng đất Cửu Long, nơi giáo phận đã được khai sinh, lớn lên và phát triển.

 

 Sau đây là loạt bài lịch sử giáo phận Long Xuyên, bao gồm những tài liệu xưa và nay, những bài viết về lịch sử và hoạt động tông đồ của giáo phận, v.v.

 

Vì thời gian, tài liệu và tra cứu có hạn, xin lượng thứ những sai sót và xin giúp đính chính.

                                                                             

Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

BÀI 9

Nhà thờ Chính toà Long Xuyên

 

Trong một giáo phận, nhà thờ Chính toà là nơi Đức Giám Mục đặt toà của ngài (cathedra), tượng trưng cho quyền hành cai trị và là nguyên tắc hợp nhất dân Chúa. "Đền thờ thánh Phêrô ở Rôma là Mẹ các đền thờ trong toàn Giáo Hội thế nào, thì nhà thờ Chính toà giáo phận cũng là Mẹ các nhà thờ, nhà nguyện trong một giáo phận thể ấy" (Cha Luca Huy). Thường thường Đức tân Giám mục phải đích thân nhận toà, rồi mới có quyền cai quản giáo phận (C. 334,3). Khi nhận toà, vị đại diện Đức Giáo Hoàng dắt ngài lên toà, và các linh mục trong giáo phận tới kính bái và hôn tay ngài tỏ dấu tùng phục quyền. Cũng vì thế, khi ngài qua đời, hoặc chuyển đi nơi khác, thì toá đó gọi là trống ngôi (C. 430).

 

Như vậy, nhà thờ Chính toà tượng trưng cho giáo hội địa phương, cũng như đền thánh Phêrô tượng trưng cho Giáo Hội toàn cầu cho nên phải là một toà nhà xứng đáng. Nhà thờ cũ họ Long Xuyên không được Toà Thánh nhận là nhà thờ Chính toà, cho nên trong sắc lệnh "Venerabilium nostrorum" đề ngày 24-11-60, thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, khi nói đến Long Xuyên, thì có câu: "Với nhà thờ Chính toà sắp được xây dựng".

 

1/ Khởi công

Thực ra, khi Long Xuyên còn là một giáo xứ thuộc giáo phận Cần Thơ, thì năm 1958 Cha sở Piô Nguyễn Hữu Mỹ, đã khởi công xây cất một nhà thờ lớn hơn nhà thờ cũ, vì quá bé nhỏ đối với dân số ngày một gia tăng. Cha đã lợi dụng mọi kế hoạch kiếm tiền, như cổ động quyên góp, ký sổ vàng, mở sổ xố Tombola. Nhưng chỉ vỏn vẹn xây được một cái nền, theo kiến trúc nhà thờ dòng Chúa Cứu thế Sàigòn, rồi phải đình chỉ năm 1960.

 

Khi Đức tân Giám mục nhận giáo phận, thì phải lo xây cất các cơ sở cần thiết hơn, như chủng viện, trường học. Và các dịp đại lễ vốn phải tổ chức ở sân Toà Giám mục, hoặc ở sân chủng viện Têrêsa hay sân trường Phụng Sự, với sự vất vả dọn dẹp và mọi rủi ro của thời tiết.

 

2/ Tiếp tục

Đến năm 1962-1963, Cha sở và Toà Giám mục lại bắt đầu cổ động quyên góp nơi giáo dân và xin Toà Thánh viện trợ cũng như ân nhân ngoại quốc giúp đỡ, để có thể tiếp tục và hoàn thành ngôi nhà thờ Chính toà. Nhưng đó là những năm hay lụt lội, mất mùa; Hơn nữa, các giáo xứ, nhất là các giáo xứ di cư phải làm lại nhà ở, thánh đường, nhà cha và trường học, vì các cơ sở này được xây dựng hết sức tạm bợ lúc mới đến định cư, đã bắt đầu hư hỏng: đó là không kể đến sự tàn phá liên tục do chiến tranh.

 

Cho nên việc quyên góp không được là bao, tính tổng cộng chừng 6 triệu rưỡi, trong số đó Toà Thánh đã cho 3 triệu rưỡi. Cũng may là những năm đi dự Công Đồng Vaticanô II (1962-1965), Đức cha có dịp tiếp xúc với nhiều nơi và đã xin được đủ số tiền 30 triệu, là phí tổn tổng quát cho việc xây cất nhà thờ Chính toà.

 

Rồi kiến trúc sư ở Sàigòn, không mấy khi lui tới được, vì thiếu an ninh dọc đường, vì trăm ngàn lý do khác nữa. Cho nên công việc cũng không dễ dàng được như ý nguyện.

 

Nhân đây, chúng ta cần ghi ơn những người đã đặc biệt giúp vào việc xây dựng nhà thờ: như có người cho cả bộ ghế nhà thờ, có người trả tiền đá rửa, có người trông coi việc xây dựng, v.v.

 

3/ Thánh bổn mạng Nhà thờ Chính toà: Nữ Vương Hoà Bình

Đức Giám Mục giáo phận đã chọn Đức Mẹ làm bổn mạng Nhà thờ Chính toà, nhưng với danh hiệu nào cho phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh? Lúc đó, đất nước Việt Nam nói chung và giáo phận Long Xuyên nói riêng, đang phải trải qua khói lửa chiến tranh; ai nấy đều mong muốn hoà bình. Dĩ nhiên phải là hoà bình với Thiên Chúa là căn bản cho được hoà bình giữa con người với nhau. Và để được như vậy, phải có phần đóng góp của mình với ơn Chúa giúp, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Hoà Bình. Cụ thể, chúng ta phải cầu nguyện, hy sinh và hoạt động để xây dựng và hiến dâng một ngôi thánh đường đẹp đẽ, uy nghi cho Đức Mẹ, vừa để tỏ lòng trông cậy, biết ơn, vửa để ép lòng Đức Mẹ cầu xin Chúa ban hoà bình cho quê hương và giáo phận chúng ta.

 

Tượng Đức Mẹ Pontmain

Ý hướng và hoàn cảnh thì như vậy; nhưng chọn tượng Đức Mẹ thế nào cho phù hớp? May mắn là nhân dịp đi họp Công Đồng Vaticanô II, năm 1962, Đức Gíám Mục gặp được một linh mục quen biết từ lâu là cha Marc Trémeau và kể cho cha biết hoàn cảnh và ý định của mình. Cha Marc cho biết, hoàn cảnh ấy giống hoàn cảnh nước Pháp năm 1870-1871, và đã được Đức Mẹ hiện ra ở Pontmain cứu giúp.

 

Đức Mẹ hiện ra ở Pontmain

Năm 1870-1871, nước Pháp bị quân Đức xâm lăng . Từ lâu, thủ đô Paris bị bao vây và pháo kích. Quân đoàn tỉnh Loire tan rã. Đại bác vang rền như sấm cách Pontmain chừng 50 cây số. Dân chúng hoang mang chờ đợi quân địch tràn tới …

 

Nhưng cha xứ Pontmain, Michel Guérin, rất sùng kính Đức Mẹ, luôn thúc giục giáo dân kiên trì cầu khẩn Đức Mẹ … Thế rồi, tối hôm 17/1/1871, Đức Mẹ hiện ra trên trời, từ 6g00 đến 9g00. Nhưng chỉ có 4 trẻ em được trông thấy rõ ràng mà thôi: Eugène và Joseph là hai cậu giúp lễ, 12 và 10 tuổi; Francoise và Jeanne, là hai lưu trú học sinh, 11 và 9 tuổi. Đức Mẹ mặc áo choàng mầu xanh, lấp lánh những ngôi sao vàng; đầu trùm một chiếc khăn đen, che nửa trán và rủ xuống sau lưng; đầu đội một vương miện, dưới bé trên loe ra, ở giữa trang điểm bằng một sợi chỉ đỏ, hai tay buông xuống, nét mặt tươi cười, nhìn các em, chân đi giầy vải, có cúc vàng.

 

Dần dần, dân làng tuôn đến và họ mời cha xứ tới. Từ đây, hình tượng Đức Mẹ thay đổi luôn: có một thánh giá nhỏ, chừng 7-8 cm xuất hiện trên trái tim Mẹ, một vòng bầu dục mầu xanh bao quanh Mẹ, trong khung có 4 cây nến chưa đốt.

 

Cha xứ bảo giáo dân lần chuỗi rồi hát kinh Magnificat, kinh cầu Đức Bà,… Đang khi đó, hình Mẹ lớn lên gấp đôi, vòng bầu dục cũng lớn theo, và thêm số ngôi sao ở áo Mẹ.

 

Bắt đầu hát Magnificat thì có một băng vải trắng dài thật thẳng xuất hiện dưới chân Mẹ, rồi từ từ được viết những chữ cái vàng, các em đánh vần được, cho mọi người nghe. Sau bài hát Salve Regina, thì băng đó được viết xong, với hai hàng chữ: “Nhưng các con hãy cầu nguyện, Chúa sắp nhận lời”; “Con Mẹ động lòng thương.”

 

Mọi người im lặng. Chữ “Con Mẹ” cho thấy đó là Mẹ Maria. Mẹ cho biết, kinh nguyện của họ sắp được chấp nhận, sắp có hoà bình; nhưng họ phải tiếp tục cầu nguyện. Một bà phước xướng bài “Mẹ là hy vọng của chúng con”, thì Mẹ giơ hai tay lên ngang vai, các ngón tay múa máy như đánh nhịp cho họ hát, “Nụ cười Bà rất tươi”.

 

Lại một bài hát thống hối: “Lạy Chúa Giêsu, đã đến lúc rủ lòng thương”, thì thấy “Bà buồn rầu”. Rồi một tượng Chúa chịu đóng đinh, chừng 50 cm, xuất hiện, mình Chúa đỏ lòm! Bà giơ hai tay đón lấy, áp vào ngực, rồi giơ ra cho các em coi. “Mặt Bà vốn buồn rầu”. Lúc đó một ngôi sao dưới chân Bà bay lên đốt 4 cây nến ở trong khung bầu dục, rồi lại bay về chỗ cũ.

 

Khi hát bài Ave maris stella, thì tượng Chúa biến mất, nụ cười của Bà trở lại tươi như trước! Nhưng có hai thánh giá nhỏ xuất hiện trên hai vai Bà.

 

Lúc đó, cha xứ bắt đầu kinh tối, thì xuất hiện một bức màn ở dưới chân Bà từ từ kéo lên che phủ mất Bà. Các em kêu lên: “Thôi, hết rồi!”

 

Ai nấy trở về nhà mình, lòng trí bình an, vì tin chắc Chúa sẽ nhận lời, chiến tranh sẽ chấm dứt, hoà bình sẽ trở lại. Đúng như thế, sáng hôm sau, họ được biết là đêm 17/1/1871, quân Đức ngưng tiến và 10 ngày sau, cuộc đình chiến được ký kết.

 

Vậy, tượng Đức Mẹ, Nữ Vương Hoà Bình của nhà thờ Chính toà Long Xuyên là tượng Đức Mẹ hiện ra ở Pontmain ngày 17/1/1871. Tượng này cao 8m, đặt ở tháp chuông, trên cửa cái nhà thờ Chính toà. Cha quản đốc đền Đức Mẹ ở Pontmain là Chanoine Poutain, đã gởi cho một tượng nhỏ và nhờ đó, thợ đúc tượng ở Sàigòn đã làm tượng lớn đến như vậy.

 

Như vậy, nhà thờ Chính toà Long Xuyên được dâng cho Đức Mẹ, Nữ Vương hoà bình, theo như mệnh lệnh Người đã phán bảo khi hiện ra ở Pontmain, nước Pháp, tối ngày 17 tháng giêng năm 1871: "Các con hãy cầu nguyện, Thiên Chúa sắp nhận lời, Con Mẹ đã động lòng thương".

 

4/ Ý nghĩa kiến trúc

Nhà thờ mới xây trên nền cũ, nhưng không như kiểu cũ, thành ra phải sửa đổi và củng cố thêm. Hình thức phải thể hiện ý nghĩa của hoàn cảnh, là cầu nguyện và hy sinh để được hoà bình như biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Pontmain bên Pháp. Con cái Mẹ ở đó đã kiên trì cầu xin và vững lòng trông cậy Mẹ, nên Mẹ đã nhận lời mà xin Chúa ban hoà bình cho họ.

 

Nhờ kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc, ý niệm đó đã được thực hiện bằng hai cánh tay giơ lên, hai bàn tay chắp lại, ôm lấy cây thập giá: đó là hình tháp chuông nhà thờ Chính toà, cao 55 m. Khổ giá đó lại được lặp lại nhiều lần ở các cột hàng hiên, ở trong khung các cửa sổ.

 

Bên trong nhà thờ, rất đơn sơ: trên cung thánh gắn liền với vách hậu, là cây khổ giá với Chúa chịu đóng đinh cao 8 m. Chung quanh khổ giá, kính cửa sổ màu xanh tím, tỏ sự buồn rầu. Nhưng Chúa đã sống lại, vinh hiển, làm nguồn hy vọng và phục sinh của nhân loại, cho nên, màu tím đó bị các kính khác màu vàng vương giả át đi: Chúa chịu chết nhưng đã phục sinh và hiển trị.

 

Dưới chân khổ giá Chúa, là trái đất tượng trưng cho nhân loại nói chung và cho giáo dân Long Xuyên nói riêng, mà hằng ngày chúng ta dâng lên Chúa, để xin Chúa đổ tràn ơn cứu chuộc xuống tất cả chúng ta và toàn thể nhân loại.

 

Tuy nhiên, theo tinh thần Phụng vụ mới, bàn thờ và nhà tạm phải được nổi bật trong cung thánh, vì thế tất cả bộ hình khổ giá và bầu trời được nhuộm màu trắng nhạt, để bàn thờ và nhà tạm được nổi bật lên, và làm cho giáo dân chú ý hơn.

 

5/ Ngày khánh thành

Với sự cầu nguyện, hy sinh và công lao vất vả, từ năm 1962 đến 1973, nhà thờ Chính toà được hoàn thành, và rất may mắn là đã không xảy ra tai nạn nào trong thời gian xây dựng. Nhà thờ dài 60 m, rộng 18 m, ở cánh thánh giá là 26 m, cao 20 m, với cây tháp 55 m.

 

Vì trong thời chiến tranh, lễ khánh thành đã được tổ chức đơn giản vào lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời ngày 15/8/1973, với sự hiện diện của 5 giám mục thuộc giáo tỉnh Sàigòn, cùng các linh mục và vô số giáo dân của giáo phận tuốn về Long Xuyên mừng lễ và lãnh ơn toàn xá của năm thánh, vì đó cũng là ngày khai mạc Năm Thánh của giáo phận.

 

Còn về lễ bổn mạng nhà thờ Chính toà thì được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8, theo lịch công giáo.

 

Xin Thiên Chúa toàn năng, qua lời cầu bầu của Trinh Nữ Maria, ban muôn phúc lành cho chúng ta và nhất là, cho các ân nhân đã góp công góp của để xây dựng và hoàn thành nhà thờ Chính toà của giáo phận Long Xuyên chúng ta.

 

Bài cùng chuyên mục:

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 22/11/2024  (22/11/2024 12:24:38 - Xem: 3)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 21/11/2024  (21/11/2024 12:36:19 - Xem: 25)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Tư 20/11/2024  (20/11/2024 12:32:49 - Xem: 26)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Ba 19/11/2024  (19/11/2024 12:32:26 - Xem: 37)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Hai 18/11/2024  (18/11/2024 12:27:29 - Xem: 37)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Chúa Nhật 17/11/2024  (17/11/2024 14:18:35 - Xem: 33)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Bảy 16/11/2024  (16/11/2024 15:08:32 - Xem: 44)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Thánh Lễ dành cho người già, đau bệnh ngày 16/11/2024 (16/11/2024 08:58:09 - Xem: 47)

Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được trực tuyến vào lúc 18 giờ Thứ Bảy, ngày 16/11/2024, tại Toà Giám Mục Long Xuyên.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 15/11/2024  (15/11/2024 14:22:43 - Xem: 33)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 14/11/2024 (14/11/2024 12:08:33 - Xem: 39)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7