KINH TỐI & THÁNH LỄ ONLINE

Lịch sử giáo phận Long Xuyên (bài 5)

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,641
  • Ngày đăng: 20/04/2021 22:57:39

LỊCH SỬ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

 

Lời mở đầu

Nhân dịp mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận Long Xuyên (1960-2020), chúng ta cùng nhau nghiên cứu và học hỏi về lịch sử giáo phận để thấy những bước tiến, những khó khăn, những nỗ lực, những hy sinh của các bậc cha ông trong việc sống đạo và truyền đạo. Thấy, biết, hiểu, và rồi sẽ sống theo gương cha ông, để đức tin ngày một toả sáng trên vùng đất Cửu Long, nơi giáo phận đã được khai sinh, lớn lên và phát triển.

 

 Sau đây là loạt bài lịch sử giáo phận Long Xuyên, bao gồm những tài liệu xưa và nay, những bài viết về lịch sử và hoạt động tông đồ của giáo phận, v.v.

 

Vì thời gian, tài liệu và tra cứu có hạn, xin lượng thứ những sai sót và xin giúp đính chính.

                                                           Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

 

BÀI 5

 

III. GIÁO PHẬN LONG XUYÊN TRÊN ĐƯỜNG KIẾN THIẾT[1]

 

Một giáo phận mới được thành lập thì mọi sự phải được mới, hoặc đổi mới, bắt đầu từ những công việc cần thiết hơn, như chủng viện để bảo đảm linh mục cho tương lai.

 

1/ Tiểu chủng viện Long Xuyên.

Trong giáo phận chưa có một cơ sở nào để làm một tiểu chủng viện (TCV).

 

a) Xóm Mới - Mở một tiểu chủng viện mới thì tiền không có, giáo sư cũng không. Mà hội đồng các cha hạt trưởng (22-3-1961) ở trụ sở Lạng Sơn, Xóm Mới, Gò Vấp, Gia Định, nơi Đức Tân giám mục tạm trú khi rút ra khỏi Đại Chủng viện Lê Bảo Tịnh ở Gia Định cứ yêu cầu cho có một Tiểu chủng viện...

 

Cũng may mà Đức nguyên Giám Mục Lạng Sơn, Anrê Jacq Mỹ, thoả thuận cho mượn ngôi nhà Tiểu chủng viện Lạng Sơn ở Xóm Mới; đàng khác Đức Cha Nguyễn Văn Bình Tổng Giám Mục Sàigòn (21-4-1961) vui lòng cho phép lập Tiểu chủng viện Long xuyên tạm thời trong địa phận ngài, lại được Đức Cha Lê Hữu Từ cho mượn cha Vũ Kim Điện làm giám đốc Tiểu chủng viện mới, cha chính Cao Xuân Túc (Thái Bình, 24-3-1961) cho cha Bùi Đức Ngoạn làm quản lý, các cha Long Xuyên đề nghị cha Phêrô Trần Văn Năng làm linh hướng. Ban giám đốc và giáo sư như thế gồm các cha Vũ Kim Điện (GĐ), cha Trần Văn Năng (Lh), cha Bùi Đức Ngoạn (quản lý). Thêm vào đó, cóba thầy đại chủng sinh (ĐCS) đi thử là Nguyễn Khắc Nghiêm, Đỗ Tiến Hiệp và Nguyễn Văn Vũ. Tiểu chủng viện Long Xuyên lấy tên là Á thánh Lê Văn Phụng, đã chịu tử đạo cùng với cha Đoàn Công Quí, ở thị trấn Châu Đốc, ngày 31-7-1859.

 

Khoá thi tuyển chủng sinh năm đó phải tổ chức hai nơi: ở Long Xuyên nhờ trường tiểu học của xã Mỹ Phước và ở Xóm Mới trong khu vực TCV Lạng Sơn: số tuyển sinh là 300, trúng tuyển 115 và 5 chú dự khuyết. Niên khoá khai giảng ngày 10-7-1961.

 

Nhưng đó cũng là TCV tạm thời ở Xóm Mới, cho các chủng sinh lớp VII. Còn các chủng sinh khác được chia cho Long Xuyên, vốn phải nhờ giáo phận Cần Thơ giữ dùm cho các lớp đệ I cấp (Cấp II), và Sàigòn cho các lớp đệ II cấp (Cấp III)

 

Cho được gây quỹ chủng viện, thông cáo số 8/61 của giáo phận đã hô hào ân nhân giúp đỡ và mỗi họ đạo quyên tiền vào chủ nhật đầu tháng và mỗi gia đình ngày mùa cho một giạ lúa hoặc 30đ. Các cuộc quyên góp đó đã giúp đỡ rất nhiều. Nhưng đã chấm dứt năm 1973, vì từ đó về sau mỗi năm chỉ quyên góp một lần cho các công cuộc chung của Giáo Hội, của quốc gia và của giáo phận.

 

b) Châu Đốc - Đàng khác, TCV Á thánh Phụng ở Xóm Mới, chỉ là tạm thời và nhà đó bé nhỏ, chỉ chứa được 1 lớp đó thôi. Phải tìm một nhà rộng lớn hơn và ở trong giáo phận, để tiếp tục thu nhận chủng sinh mới cho các năm kế tiếp.

 

Trong khi lo lắng, Đức Giám Mục đã bàn hỏi Đức Khâm Mạng Toà Thánh, thì ngày 23-8-61, ngài đã bằng lòng trên nguyên tắc là xin Toà Thánh giúp xây một TCV trong giáo phận.

 

Nhưng bao giờ mới có tiền, bao nhiêu và có kịp cho niên khoá 62-63 không? May thay, ngày 23-9-61 gặp bà Glossinte, bề trên dòng Chúa Quan Phòng ở Cần Thơ, cho biết là nhà cô nhi Châu Đốc chỉ còn ít em, bà tính đem cả về Cù lao Giêng cho tiện và có thể nhường lại nhà cô nhi đó cho địa phận. Tuy nó là của địa phận trao cho các bà làm việc xã hội, nhưng nhà dòng xin bán lại cho địa phận với giá 1.500.000đ, và không buộc phải trả cả một trật, mỗi tháng chỉ phải trả 200.000đ, cho đến khi trả xong...

 

Thật là một sự may mắn không hề nghĩ tới Chúa Quan Phòng và Á thánh Phụng muốn TCV mang tên Ngài, phải đưa về chính nơi Ngài chịu chết vì Chúa...

 

Ngày 11-12-1961 nhà dòng làm giấy bán, như nói trên. Và cũng may thay là địa phận không phải đợi lâu, ngày 27-4-1963 đã trả hết nợ.

 

Đây là một cô nhi viện, bây giờ phải sửa sang và trang bị cho một chủng viện, công việc không phải là không tốn khá, cho niên khoá 62-63.

 

Lại Cha Vũ Kim Điện chỉ giúp một năm, bao lâu TCV còn ở Xóm Mới. Năm tới lại phải tìm cha giám đốc khác và thêm số giáo sư.

 

Một sự xếp đặt của Chúa Quan Phòng đã được nhìn thấy: Chủng viện Hải Phòng ở Mỹ Tho sẵn sàng chuyển về Châu Đốc cả thầy lẫn trò, và đồ trang bị; chủng viện Thái Bình cũng gởi chủng sinh còn lại vào chủng viện khác, các giáo sư đã nhập tịch giáo phận Long Xuyên đều trở về Châu Đốc. Như vậy ban Giám đốc và giáo sư cho niên khoá tới gồm 7 Cha và 5 thầy:

 

Cha Đặng Công Hiến, giám đốc.

Cha Nguyễn Quang Thản, phó giám đốc.

Cha Bùi Tuần.

Cha Nguyễn Quốc Vận.

Cha Nguyễn Toàn Thư.

Cha Bùi Đức Ngoạn.

Cha Đỗ Xuân An.

Các Thầy Dũng, Định, Hoàng, Việt, Sự.

 

Niên khoá khai giảng ngày 1-7-62 ở Châu Đốc với 204 chủng sinh chia như sau:

85 do lớp đầu còn lại.

34 do Cần Thơ chia cho Long Xuyên.

8 chủng sinh của Lạng Sơn.

25 chủng sinh của Hải Phòng.

52 chủng sinh mới chọn trong số 103 em.

Và chia làm 5 lớp như sau:

đệ VIII (lớp dự bị) 52

đệ VII   (lớp 6)      41

đệ VI    (lớp 7)      59

đệ V     (lớp 8)      12

đệ IV    (lớp 9)      00

 

Nhưng chủng viện Châu Đốc năm nay, cũng như chủng viện Xóm Mới năm qua đã hết chỗ, phải lo tính xây thêm nhà khác ở Châu Đốc, và phải nghĩ đến xây một TCV khác cho lớp đệ II cấp, vừa để khỏi quá đông ở một chủng viện, vừa để thích hợp với bầu khí giáo dục.

 

c) Long Xuyên - Vấn đề đã được đặt ra là xây một TCV đệ II cấp (cấp III) ở Long xuyên. Và ngày 24-4-63 Đức Khâm Mạng cho biết là Toà Thánh đã chấp nhận cho như vậy. Tìm mãi chỉ thấy miếng đất giữa nhà thờ mới và nhà xứ cũ: nhưng lại là một nghĩa trang và một cái hầm sâu. Phải chấp nhận chỗ đó: bốc mấy mả còn lại ra nghĩa trang mới, lấy cát lấp cho đầy hầm. Nhưng lấy cát đâu mà lấp, lấy tiền đâu mà mua?... Cũng may khi đó có chiếc máy xáng của Chính phủ về Long Xuyên, thổi khu vực hành chánh... Nhờ Cha Nguyễn Thanh Minh, tuyên uý quân đội, liên lạc với ông giám đốc ở Sàigòn, được chấp thuận cho thổi hai ngày đêm, các hầm đầy, lại còn thêm cao lên khá, để làm nền nhà và sân khỏi lụt ngập.

 

Đầu năm 1964 đã có thể khởi công xây cất một TCV ba tầng lầu, dài 80 thước, kịp cho kịp khoá 1964-1965, với số chủng sinh lớn nhất là 165 em trúng tuyển. Chia là 2 lớp VIII a và lớp VIII b (2 lớp dự bị).

 

Ngày 11-5-1964 các cha giám đốc và giáo sư TCV Châu Đốc đã hội họp và đề nghị tháng 8/64, TCV Long Xuyên nhận hai lớp mới, với Cha Đỗ Xuân An làm Giám đốc. Vậy TCV Long Xuyên đã khai giảng ngày 22-8-64 lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, với ban giám đốc và giáo sư gồm có:

 

Cha Đỗ Xuân An, giám đốc kiêm quản lý.

Cha Vũ Sử, linh hướng.

Thầy Nguyễn Đức Thịnh.

Thầy Nguyễn Việt Hưng.

Thầy Ng Lê Hà.

Thầy Lê Chiếu Khấp.

Thầy Trương Quang Trạc.

Thầy Hồ Kinh Doanh.

 

Ngày 27-1-1965 các cha giáo sư TCV Châu Đốc hội họp xin chấn chỉnh ban giáo sư như sau:

Châu Đốc: Cha Hiến, Thản, Sửu, Đường, Miên, Thầy Hưởng, Sinh, Tiến.

Long Xuyên: Cha An, Tiệp, Vận, Tuần, Thư, Vinh, Thử, Dũng và một thầy văn phòng.

 

Ban giáo sư và Giám đốc, hằng năm được tăng cường hoặc thay thế với những linh mục mới hoặc hồi hương. Và chủng viện đã duy trì được phong độ khả quan, với đệ I cấp (Cấp II) ở Châu Đốc và đệ II cấp (Cấp III) ở Long Xuyên.

 

2/ Đại chủng viện thánh Thomas (Tôma)

Số đại chủng sinh (ĐCS) Long Xuyên từ đầu tới nay vốn gởi học ở Đại chủng viện (ĐCV) Sàigòn, theo một sự thoả thuận giữa các Đức Cha từ khi Đại chủng viện Sàigòn thuộc quyền điều khiển của các linh mục bản quốc (1961-1962).

 

Nhưng số giáo phận mỗi ngày một gia tăng thì số chủng sinh cũng đông lên mãi. Trong những năm họp Công đồng Vatican II, ba Đức Cha Cần Thơ (CT) Vĩnh Long (VL) và Mỹ Tho (MT) đã thoả thuận mở thêm một đại chủng viện ở Vĩnh Long và trao cho các linh mục hội Xuân Bích điều khiển.

 

Tuy nhiên số chủng sinh cứ đông lên mãi, miền Trung phải xin mở rộng Đại chủng viện. Đức Cha Long Xuyên thấy là hai Đại chủng viện Sài Gòn và Vĩnh Long cũng sẽ chật một ngày gần đây mà một đại chủng viện quá đông, thì khó cho nền giáo dục được chu toàn.

 

a) Xin lần 1. Tháng 6-9-67 trong tuần cấm phòng giám mục ở Đà Lạt Đức Cha LX đã thảo luận với Đức Khâm Mạng Angelo Palmas và với sự ưng thuận của ngài, ngày 17-9-67, Ngài đã làm đơn lần thứ nhất xin Thánh bộ Truyền giáo cho Ngài mở một Đại chủng viện ở Long Xuyên, với chương trình là xây một tiểu chủng viện (TCV) mới ở Rạch Giá, rồi biến TCV Long Xuyên thành Đại chủng viện, lấy tên thánh Thomas d'Aquin, một tiến sĩ lừng danh, lại là thánh bổn mạng của nhà thờ cũ họ đạo Long Xuyên. Nhưng không được Thánh bộ trực tiếp trả lời.

 

Năm 1968, trong kỳ họp HĐGM, từ ngày 3 đến ngày 5 tháng giêng, vấn đề ĐCV lại được đưa ra thảo luận, và theo ý Thánh bộ thì Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, phụ trách chủng viện, sẽ phúc trình cho Thánh bộ biết số tiểu chủng sinh (TCS) trong ba năm cuối cùng là bao nhiêu, mục đích là để phân phối các chủng sinh vào các ĐCV đã có, khỏi phải mở thêm ĐCV. Và ĐCV Long Xuyên sẽ được gởi vào ĐCV Vĩnh Long.

 

Nhưng Đức Cha VL cho biết là năm nào ít chủng sinh, thì còn dư được vài ba chỗ, chứ không đủ để tiếp nhận hẳn một lớp mấy chục đại chủng sinh của Long Xuyên.

 

Ngày 30-5-68 Đức Cha Đoàn phúc trình cho cho Thánh bộ là số tiểu chủng sinh trong ba năm cuối cùng quá đông, không thể phân phối vào các ĐCV sẵn có, mà đề nghị xin cho mở thêm ĐCV.

 

b) Xin lần 2. Trước hoàn cảnh đó, ngày 25-7-69, Đức Cha Long Xuyên lại làm lá đơn thứ hai, có chữ ký của Đức Tổng Giám Mục Sàigòn, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), nhờ Đức Khâm Mạng gởi sang Thánh bộ xin mở một ĐCV ở Long Xuyên. Ngày 24-12-69 theo lời yêu cầu của Đức Khâm Mạng, Đức Cha Long Xuyên đã gởi cho Ngài một bản danh sách 24 linh mục giáo phận có thể được sung vào ban giáo sư tương lai của ĐCV.

 

Năm 1970, ban đầu HĐGM (5-8/1/70) đề nghị một giải pháp nữa là cho ĐCV VL tách làm hai ban: thần học ở VL, triết học ở một nơi khác và cho ĐCS Long Xuyên nhập vào đó. Nhưng đến kỳ họp sau (8-12/6/70) HĐGM lại muốn giữ tình trạng cũ ở Vĩnh Long và đề nghị cho giáo phận Long Xuyên mở một ĐCV khác.

 

c) Xin lần 3. Cho nên ngày 20-6-70, Đức Cha Long Xuyên làm một lá đơn thứ ba, có chữ ký của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, chủ tịch HĐGMVN, và cũng nhờ Đức Khâm Mạng chuyển sang Thánh bộ. Xin cho giáo phận Long Xuyên được mở một Đại chủng viện.

 

Ngày 31-8-70 do văn thơ số 4557/70 của Thánh bộ biên cho Đức Cha Long Xuyên, có nói là "Thánh bộ rất vui mừng được biết là HĐGM đã thoả thuận ưu tiên cho mở một Đại chủng viện liên giáo phận ở Long Xuyên và xin Đức Cha vui lòng gởi sang Thánh bộ để phê chuẩn bản nội quy của Đại chủng viện, đã được các Đức Cha liên hệ chấp nhận, dự án kinh phí xây cất và thành phần ban giáo sư tương lai. Mong rằng quyết định đó sẽ giúp đón nhận và đào tạo ơn thiên triệu linh mục rất dồi dào nơi Ngài".

 

d) Được chấp nhận và viện trợ. Ngày 26-11-70, văn thơ số 5408/70 của Thánh bộ gởi cho Đức Cha Long Xuyên, có nói: "Còn về Đại chủng viện đã được HĐGM cũng như Thánh bộ chấp nhận như một Đại chủng viện liên giáo phận, chúng tôi muốn biết công việc đã tiến triển đến đâu và bản nội quy do các Giám mục liên hệ thiết lập và gởi cho chúng tôi phê chuẩn".

 

Ngày 25-9-70, Đức Cha Long Xuyên đã nhờ Đức Khâm Mạng gởi sang Thánh bộ dự án kinh phí xây cất và danh sách ban giáo sư.

 

Năm 1971, một thắc mắc được nêu ra, là Thánh bộ cứ nhắn đến Đại chủng viện liên giáo phận, mà không nói là liên với giáo phận nào? Thắc mắc đó đã được giải quyết sau thơ đi thơ lại, là liên với giáo phận Cần Thơ. Và sau ngày 6-11-71, Hội thánh Phêrô đã bắt đầu viện trợ ngân khoản để xây cất chủng viện ở Rạch Giá.

 

Năm 1972, ngày 24-3-72, Đức Cha Long Xuyên đã gởi sang Thánh bộ qua Đức Khâm Mạng, bản nội quy Đại chủng viện liên giáo phận, đã được hai Đức Cha liên hệ là Cần Thơ và Long Xuyên chấp nhận (bằng Việt và Pháp ngữ). Ngày 10-4-1972, văn thơ số 1884/72 của Thánh bộ cho biết là đã nhận được nội quy, sẽ hỏi ý kiến các Đức Cha khác và sẽ phê chuẩn. Ngày 15-5-72 Đức Cha Long Xuyên lại phải thanh minh với Thánh bộ rằng: Đại chủng viện đó chỉ liên hệ đến hai giáo phận Cần Thơ và Long Xuyên, và bản nội quy đó đã được hai Đức Cha chấp nhận, cho nên khỏi phải có ý kiến của các Đức Cha khác. Và do văn thơ số 3053/72 Thánh bộ xác nhận là Đại chủng viện đó chỉ liên hệ đến hai giáo phận Long Xuyên và Cần Thơ. Và theo văn thơ số 3172/72 đề ngày 22-6-72, Thánh bộ đã phê chuẩn nội quy đó với một vài nhận xét riêng.

 

đ) Khai giảng niên khoá đầu. Với sự viện trợ của Toà Thánh, sự giúp đỡ của giáo dân trong cũng như ngoài nước, chủng viện Rạch Giá đã xây cất xong một phần và niên khoá thứ nhất 1972-1972 đã có thể khai giảng ngày 9-9-72 với 50 chủng sinh triết học năm thứ nhất và ban giáo sư tại chỗ gồm các cha:

 

- Nguyễn Trọng Quý    Giám đốc

- Phan Văn Khả           Phó Giám đốc

- Bùi Tuần                   Linh hướng

- Bùi Đức Ngoạn          Quản lý

- Nguyễn Văn Lãng      Phụ trách mục vụ

Với một số giáo sư đi đi về về và một thầy văn phòng.

 

Niên khoá tới 1973-1974 sẽ có thêm một lớp triết II gồm 58 chủng sinh, và tổng số sẽ là 105 chủng sinh. Nhà cũng đã xây xong.

Niên khoá 1974-1975 sẽ thiên về Long Xuyên, tiện lợi cho cả hai giáo phận.

 

e) Đại học hoá ban triết học Đại chủng viện. Từ mấy năm nay, phong trào đại chủng sinh (ĐCS) đi đại học là một biến cố quá mạnh, không sao ngăn cấm được. Để thoả mãn nguyện vọng đại chủng sinh, đồng thời bảo đảm nền giáo dục thuần tuý cho Linh mục, nhiều giáo phận đã thí nghiệm cách này hay cách khác. Nhưng thấy quá lộn xộn và gây hoang mang. Cho nên trong kỳ cấm phòng năm giám mục, các Ngài đã dành một buổi (15-6-73) để bàn và giải quyết vấn đề đó, bằng cách biến ban triết học Đại chủng viện thành một chi nhánh văn khoa của Đại học Đà Lạt, với nhiệm ý triết học thuần tuý. Các giáo sư cử nhân và tiến sĩ của Đại chủng viện sẽ được bổ nhiệm làm giáo sư đại học, và dạy ở nhà. Vấn đề thi cử một là ở Đà Lạt hai là ở tại chỗ, với sự chứng giám của đại học. Lại để duy trì thế giá của đại học, chủng sinh phải thi vào lớp: ai đậu thì học cours đại học, ai không thì học cours chủng viện.

 

g) Đại học hoá ban thần học. Đàng khác, HĐGM cũng đang chuẩn bị cho sát nhập phân khoa thần học vào đại học Đà Lạt: Giáo Hoàng Học Viện (GHHV) phụ trách về chuyên môn, còn đại học phụ trách về phạm vi bằng cấp.

 

Mong những biện pháp đó giải quyết và thoả mãn được ước vọng và nhu cầu đại học hoá nền học vấn của chủng sinh, đồng thời bảo đảm được nền giáo dục thuần tuý của linh mục. Chương trình triết học của Đại chủng viện thánh Thomas là 4 năm (dĩ nhiên trong đó có học cả thần học nữa), cho nên ăn khớp với chương trình văn khoa đại học, và như vậy sau 4 năm, chủng sinh sẽ thi bằng cử nhân văn chương triết (philolettres).

 

3/ Các khoá bổ túc mục vụ

 

Chủng sinh học trong Đại chủng viện là điều cần thiết, nhưng hoạt động trong các họ đạo cũng rát quan trọng. Để hiểu biết đời sống thực tế và nhu cầu giáo dân, hầu mai sau thành những linh mục thích ứng với mục vụ.

 

Mỗi kỳ hè, giáo phận Long Xuyên tụ tập các đại chủng sinh trong vòng 1 tuần để thụ huấn: biết hoàn cảnh giáo phận, đường hướng sinh hoạt và mỗi lần nhấn mạnh đến một mục tiêu, một chiến dịch để thi hành trong tháng hè. Ban đầu chỉ có các đại chủng sinh Long Xuyên, sau đến anh em Cần Thơ, rồi nhiều giáo phận khác cũng tới tham dự lớp tu nghiệp và công tác hè. Vì giáo phận chịu hết hành lý đi về và nuôi dưỡng trong kỳ thụ huấn cũng như trong khi công tác hè.

 

- Năm 1961 - Năm đầu chương trình chưa được chuẩn bị, cho nên các thầy được nghỉ tự do suốt kỳ hè. (Xem Thư Chung (TC) 3/61 ngày 6-6-61). Nhưng từ 1962 (TC 4/62, ngày 24-2-62) nói rõ: "Kỳ hè là dịp tốt để chủng sinh thực hiện những điều mình đã học hỏi tại trường, cũng là lúc thu lượm kinh nghiệm truyền giáo và mục vụ cho nghệ thuật tông đồ mai sau. Cho nên mỗi hè, các thầy nghỉ tự do chừng một tháng, rồi về giáo phận tụ tập một tuần học hỏi về chiến dịch mục vụ, sau đó đi hoạt động trong các họ đạo, dưới sự hướng dẫn của cha sở, vì các cha sở cũng đã được thông báo về chiến dịch đó.

 

- Năm 1962 - Chiến dịch nhằm tập cho giáo dân hiểu và biết dự thánh lễ cộng đồng, theo tinh thần của Phụng vụ mới. Khoá tu nghiệp kéo dài từ 1 đến 8 tháng 6-62 và hoạt động trong các họ đạo từ 9 tháng 6 đến 15 tháng 7-62. Long Xuyên có 40 thầy.

 

Lần đầu tiên hoạt động như vậy, các thầy còn ngỡ ngàng và e lệ. Nhưng kết quả rất khả quan, là hầu hết các họ đạo biết dự thánh lễ cộng đồng, đối đáp với linh mục, bằng tiếng Latin, các bài đọc bằng tiếng Việt.

 

- Năm 1963 - Chiến dịch là tiếp tục giáo lý về thánh lễ cộng đồng, theo đúng tinh thần của Hiến chế Phụng vụ mới của Công đồng Vatican II, với bài hát và thưa kinh bằng tiếng Việt cả.

 

Khoá tu nghiệp kéo dài từ 16 đến 21 tháng 5-63. Hoạt động trong các họ đạo từ 22 tháng 5 đến 31 tháng 6-63. Khoá này quy tụ 70 thầy (34 Long Xuyên và 26 Cần Thơ).

 

Các chủng sinh hoạt động có bề quen thuộc hơn và bạo dạn hơn, giáo dân cũng xem lễ thích thú hơn và linh động hơn.

 

- Năm 1964 - Chiến dịch là học hỏi và phổ biến Thánh Kinh, theo tinh thần trở về nguồn của Công đồng Vatican II. Lần này nói chung về Thánh Kinh, nhất là về 4 cuốn Phúc Âm. Khoá tu nghiệp kéo dài từ 1 đến 8 tháng 6-64, hoạt động trong các họ đạo từ 19 tháng 6 đến mồng 9 tháng 7-64. Có 79 thầy tham dự (Long Xuyên 46, Cần Thơ 32).

 

- Năm 1965 - Chiến dịch tiếp tục học hỏi và phổ biến Thánh Kinh, nhấn mạnh đến mấy thắc mắc về Phúc Âm và học riêng cuốn Phúc Âm thánh Luca, lại kiện toàn việc tham dự thánh lễ linh động. Khoá tu nghiệp từ 1 đến 10 tháng 6/65 và hoạt động trong các họ đạo từ 10 tháng 6 đến 10 tháng 7/65. Khoá tu nghiệp gọi là Phụng vụ và Thánh Kinh, được 57 thầy tham dự (Long Xuyên 51, Cần Thơ 5, thầy dòng Banam 1).

 

- Năm 1966 - Chiến dịch tiếp tục học hỏi và phổ biến Thánh Kinh, nhất là Phúc Âm thánh Matthêu. Khoá tu nghiệp từ 10 đến 19 tháng 5/66, và hoạt động trong các họ đạo từ 20/5 đến 20-6-66. Có 120 thầy tham dự (Long Xuyên 76, Cần Thơ 24, Đà Nẵng 2, Sàigòn 4, Đà Lạt 3, Nha Trang 3). Năm nay có cả một ban điện ảnh đi chiếu phim đạo cho giáo dân. Các thầy làm việc thật là mỏi mệt, nhưng giáo dân rất hâm mộ được dự các lớp học hỏi và sống Thánh Kinh như vậy.

 

- Năm 1967 - Chiến dịch tiếp tục học hỏi và phổ biến Thánh Kinh, đặc biệt Phúc Âm thánh Mátcô và Phụng vụ. Khoá tu nghiệp từ 8 đến 18 tháng 5/67, hoạt động trong các họ đạo từ 18/5 đến 16-6-67. Có 108 thầy tham dự (Long Xuyên 76, Cần Thơ 29, Xuân Lộc 3).

 

- Năm 1968 - Năm nay không có khoá tu nghiệp và hoạt động mục vụ, vì thiếu an ninh (xem Thư Chung (TC) 1/68). Các thầy được nghỉ tự do, chỉ có thầy nào tình nguyện đi giúp họ. Vì giáo phận đã phát động phong trào thi đua học hỏi giáo lý Công giáo phần thứ I (xem TC 11-12-1967).

 

- Năm 1969 - Chiến dịch thi đua học hỏi giáo lý Công giáo phần thứ II. Khoá tu nghiệp từ 9 đến 17 tháng 6/67, hoạt động trong các họ đạo từ 17/6 đến 10-7-69. Có 79 thầy tham dự (Long Xuyên 72, các giáo phận khác 5, dòng Chúa cứu thế 2). Các thanh thiếu niên hào hứng thi đua học giáo lý và tranh giải rất là hăng say.

 

- Năm 1970 - Chiến dịch học hỏi giáo lý phần thứ III. Khoá tu nghiệp từ 9 đến 17-6-70, hoạt động trong các họ đạo từ 17-6 đến 9-7-70. Có Cha Nho giúp huấn luyện và được 76 thầy tham dự (Long Xuyên 71, các giáo phận khác 5).

 

- Năm 1971 - Tiếp tục chiến dịch học giáo lý nhưng nhấn mạnh đến sư phạm giáo lý và sắc lệnh Tông đồ giáo dân của Công đồng Vatican II. Khoá tu nghiệp do ban giáo lý và các cha tuyên uý hội đoàn phụ trách. Kéo từ 27/5 đến 3/6. Công tác trong các họ đạo từ 3-6 đến 3-7-71. Số các thầy tham dự là 84, trong đó có 6 thầy dòng Thánh Gia.

 

- Năm 1972 - Năm nay Giáo hoàng học viện (GHHV) không nghỉ sớm như mọi khi, thành ra chỉ tập họp các thầy học ở Sàigòn, hoặc đang giúp trong địa phận; và chương trình đa diện: truyền bá Phúc Âm, giáo dục đời sống giáo sĩ trong giáo phận, hội đoàn Thiếu nhi TT, Con Đức Mẹ, Hướng đạo công giáo. Công việc giúp họ đạo cũng chỉ trong phạm vi dạy giáo lý, dọn trẻ em chịu lễ lần đầu, chịu phép thêm sức, tập hát, dạy học, coi hội đoàn, truyền giáo. Có 91 thầy tham dự: họp từ 8 đến 13-5-72, công tác hè từ 13-5 đến 15-6-72. Các Thầy Đà Lạt nghỉ sau, thì đi giúp địa điểm truyền giáo.

 

- Năm 1973 - Năm nay có một tính cách đặc biệt, trong thơ Đức Cha biên cho các thầy, ngày 10-3-73 có nói: "Sau khi đã nghiên cứu các đề nghị của các Thầy Sàigòn và thu lượm nguyện vọng của một số cha cần các thầy giúp hè, tôi quyết định như sau: Năm  nay các thầy không có tuần hội thảo chung và cũng không phải giúp hết cả, mà chỉ các thầy lớp thần II, III và một vài thầy được đích danh yêu cầu, đi giúp một tháng hè, từ 25/6 đến 25/7, theo danh sách sau đây". Nghĩa là chỉ có 21 thầy. Ngoài ra kỳ hè năm nay cũng có khoá tu nghiệp sư phạm và quản trị học đường, do viện Đại học Đà Lạt mở tại TCV Cái Răng, Cần Thơ, và Long Xuyên có 22 thầy đi dự.

 

Như vậy, kỳ hè của đại chủng sinh (ĐCS) rất hữu ích: khi đại chủng viện (ĐCV) giải tán, chủng sinh được đi nghỉ ngơi chừng hai tuần lễ, rồi tựu tập tại TCV Châu Đốc, là nơi đất rộng và mát mẻ, để dự khoá tu nghiệp, nhờ những người chuyên môn hướng dẫn, về một chiến dịch được thực hiện ngay sau đó trong các họ đạo. Sau một tháng công tác ở họ đạo, chủng sinh trở lại Long Xuyên, với sự hiện diện của Đức Cha, Cha Chính, các Cha hạt trưởng, để kiểm điểm công tác, rút ưu khuyết điểm và giải quyết các thắc mắc.

 

Các khoá tu nghiệp và công tác hè đã giúp các thầy hiểu biết giáo phận, đời sống và việc làm của linh mục; lại giúp giáo dân đi vào con được mục vụ đồng đều trong toàn giáo phận.

 

Ban đầu có ĐCS của nhiều giáo phận tới dự, nhưng về sau, hầu hết các giáo phận đều có tổ chức công tác hè, cho nên các "đồng minh" rút hẳn. Và về sau, số chủng sinh giáo phận đông đủ, cho nên cũng không chiêu mộ đồng minh nữa.

 

Mấy năm gần đây có phong trào ĐCS thi đại học trong kỳ hè, cho nên tổ chức hè không dễ dãi như xưa, chúng ta phải tìm giải pháp khác thích hợp với hoàn cảnh mới.

 

 


[1] Bài 5: Trích cuốn “Giáo phận Long Xuyên mười hai tuổi”, do Toà giám mục Long Xuyên xuất bản ngày 30/7/1973, tại Long Xuyên và được chuẩn ấn bởi Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục giáo phận Long Xuyên.

 

Bài cùng chuyên mục:

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 22/11/2024  (22/11/2024 12:24:38 - Xem: 3)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 21/11/2024  (21/11/2024 12:36:19 - Xem: 25)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Tư 20/11/2024  (20/11/2024 12:32:49 - Xem: 26)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Ba 19/11/2024  (19/11/2024 12:32:26 - Xem: 37)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Hai 18/11/2024  (18/11/2024 12:27:29 - Xem: 37)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Chúa Nhật 17/11/2024  (17/11/2024 14:18:35 - Xem: 33)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Bảy 16/11/2024  (16/11/2024 15:08:32 - Xem: 44)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Thánh Lễ dành cho người già, đau bệnh ngày 16/11/2024 (16/11/2024 08:58:09 - Xem: 47)

Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được trực tuyến vào lúc 18 giờ Thứ Bảy, ngày 16/11/2024, tại Toà Giám Mục Long Xuyên.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 15/11/2024  (15/11/2024 14:22:43 - Xem: 33)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 14/11/2024 (14/11/2024 12:08:33 - Xem: 39)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7