Bạn trẻ - Giáo dục - Ơn gọi

Hội Thánh và người trẻ Kitô hữu hôm nay

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,728
  • Ngày đăng: 11/04/2022 04:53:20

HỘI THÁNH VÀ NGƯỜI TRẺ KITO HỮU HÔM NAY

 

Trong Sứ điệp nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 36 (21/11/2021), chủ đề “Hãy chỗi dậy, thế giới cần sức mạnh của các con!”, ĐTC Phan-xi-cô đã nhấn mạnh như sau:

“Chúng ta không thể cho rằng tất cả mọi người đều biết Chúa Giêsu, ngay cả vào kỷ nguyên internet. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra cho Chúa Giêsu và cho Giáo hội là thế này : “Ngài là ai?”. Trong toàn bộ trình thuật về ơn gọi của thánh Phaolô, đó là lần duy nhất mà Người nói. Và trước câu hỏi của ông, Chúa trả lời ngay : “Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại” (ibid.).

 

“Bao nhiêu lần chúng ta đã nghe nói : “Chúa Giêsu, vâng ; Giáo hội, không”, như thể cả hai có thể hoán đổi cho nhau. Chúng ta không thể biết Chúa Giêsu mà không biết Giáo hội. Chúng ta chỉ có thể biết Chúa Giêsu qua các anh chị em trong cộng đồng của Người. Chúng ta không thể cho mình hoàn toàn là Kitô hữu nếu chúng ta không sống chiều kích Giáo hội của đức tin.”[1]

 

Như vậy, có thể nói ngay rằng, ai không biết Hội thánh thì không biết Chúa Giê-su Ki-tô, ai không biết Chúa Giê-su Ki-tô thì không biết Thiên Chúa. Hội thánh chính là nhân tố đầu tiên nói cho chúng ta biết về mầu nhiệm Thiên Chúa, về thân thế sự nghiệp Chúa Cứu Thế Giê-su và về ơn cứu rỗi cho nhân loại. Do đó một câu hỏi mà người trẻ chúng ta phải tự hỏi thường xuyên, đó là “Tôi biết gì về Hội thánh Chúa Ki-tô? Và Hội thánh có vai trò gì trong đời sống đức tin của tôi?” Đặt câu hỏi này để chúng ta tự vấn xem mình biết gì và như thế nào về Hội thánh Chúa Ki-tô và mối tương quan hiện tại giữa mình với Hội thánh như thế nào? Bởi vì, xét cho cùng Hội thánh chính là “chìa khóa” mở ra cho ta bước vào một đời sống mới với niềm tin và sự hiểu biết vững chắc về Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô, giúp ta sống đạo và hành đạo một cách hoàn hảo nhất, đúng ý Chúa nhất.

 

Trong phạm vi bài này, chúng ta đặt ra ba vấn đề, một là Hội thánh là ai trong mắt người trẻ hôm nay, hai là vài nét về thực trạng sống đạo của người trẻ Ki-tô hữu hiện nay và ba là Hội thánh có vai trò gì trong đời sống đức tin của người trẻ Ki-tô hữu hôm nay.

 

I.- Hội thánh là ai trong mắt người trẻ Ki-tô hữu hôm nay?

Trong một lớp Giáo lý dành cho các bạn trẻ trong giáo xứ, giảng viên đã đưa ra câu hỏi như sau, “Đối với bạn, Hội thánh Công giáo là ai?”, các câu trả lời nhận được có nội dung tuy khác nhau thế này thế kia, nhưng tựu trung quy về một số ý kiến như sau:

 

Có một số bạn cho rằng Hội thánh là Đức Thánh Cha cùng với các Hồng y, Giám mục cai quản và hướng dẫn các tín hữu trên toàn thế giới. Hội thánh do Chúa Giê-su thiết lập, là một cơ chế hũu hình có phẩm trật cụ thể, rõ ràng. Các bạn trẻ cũng nhắc lại Lời Chúa: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 18-19)

 

Một số đông các bạn trẻ khác thì liên tưởng Hội thánh tới những lễ nghi, luật lệ đang được lưu giữ và thực hiện. Họ cho rằng Hội thánh là các linh mục trong các xứ đạo, là cộng đoàn tín hữu tụ họp tại các nhà thờ để dâng thánh lễ, để thực hành các lễ nghi Phụng vụ, các buổi đọc kinh cầu nguyện, các điều răn phải thuộc và phải giữ, các cuộc rước kiệu, hành hương quy mô, hoành tráng vv. Bên cạnh đó, cũng có một số ít bạn nhờ học giáo lý và nghe giảng dạy thường xuyên nên đã biết đến Hội thánh như là Dân Thiên Chúa, hay Thân Thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô, hay là Nước Thiên Chúa ở trần gian, hay là một thực tại duy nhất, thánh thiện, Công giáo, tông truyền…   

 

Tóm lại, những hiểu biết của các bạn trẻ về thực tại Hội thánh chung chung là như vậy. Người thì thiên về cơ cấu, phẩm trật. Người thì nhắm đến các lễ nghi, luật lệ. Người thì quan tâm tới một thứ đạo hình thức nghiêng về tổ chức, sinh hoạt, đoàn thể. Xét một cách khách quan thì những sự hiểu biết đó quả chưa đúng, chưa đủ và chưa sâu về thực tại và mầu nhiệm Hội thánh. Trong khi đó các bạn trẻ chúng ta lại thiếu sót hẳn một đời sống đức tin chân chính của một Ki-tô hữu đúng như danh xưng của mình.

 

Nói cách khác, chúng ta có đạo nhưng chưa sống đạo, chúng ta giữ đạo nhưng chưa hành đạo. Nhiều Ki-tô hữu, nhất là giới trẻ, chỉ quan tâm giữ đạo một cách hình thức, theo thói quen và theo nếp cũ, họ nghĩ rằng làm một vài việc theo luật buộc là đủ, là yên tâm “mình có đạo”. Chẳng hạn, có bạn chỉ giữ đạo một cách tối thiểu: tham dự lễ tuần một lần, xưng tội năm một lần. Tất cả chỉ vì luật buộc. Đi lễ thì đi trễ về sớm. Đến nhà thờ thì không vào bên trong mà chọn chỗ xa nhất, mát mẻ nhất, ngồi trên xe honda, hút thuốc, nghe điện thoại…Ngoài ra trong cuộc sống, họ không làm gì, nghĩ gì đến Chúa nữa. Hoàn toàn vô đạo!

 

Sau đây, chúng ta thử phác họa vài nét về thực trạng sống đạo hiện nay của người trẻ Ki-tô hữu Việt Nam.

 

II.- Vài nét về thực trạng sống đạo hiện nay của người trẻ Ki-tô hữu

Nhắc lại Thư Mục vụ năm Đức Tin 2012, trong đó Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận định như sau:

“Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, kể cả ngày thường. Đa số các gia đình công giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái. Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái (số 5)”.

 

Quả vậy, thực trạng giới trẻ ngày nay lơ là với đời sống tôn giáo, lung lạc trong đời sống đức tin, không quan tâm tới việc sống đạo…là điều quá rõ ràng. Và nếu chúng ta tìm hiểu kỹ hơn thì thấy rằng thực trạng ấy đã xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính vẫn là sự khủng hoảng trầm trọng về niềm tin tôn giáo của giới trẻ trong thời hiện đại và sự thiếu sót quá lớn trong việc giáo dục đức tin cho giới trẻ.  

 

Trong bài viết có tựa “Thiên Chúa ở đâu trong trái tim tôi?”, tác giả Thiên Di CND-CSA trên trang web của HĐGMVN ngày 13-3-2022 vừa qua, đã đặt câu hỏi: “Thiên Chúa có vị trí nào trong trái tim và mối quan tâm của người trẻ ngày nay?”. Sau khi đưa ra bức tranh tổng quan về mối bận tâm của người trẻ hôm nay, tác giả đã cho thấy hai khuôn mặt nổi bật của người trẻ trong việc đáp lại tình yêu và sự quan tâm của Thiên Chúa và đã nhận định như sau:

 

Một mặt, có khá nhiều bạn trẻ có đức tin vững mạnh, họ thực sự là những người muốn cống hiến cho Giáo Hội và xã hội. Họ đã cảm nhận mình được thương trong chính “Ngôi nhà Giáo Hội” và muốn sống một cuộc sống đầy tình thương ấy. Họ dấn thân không mệt mỏi trong các hoạt động của Giáo xứ, tham gia các hội đoàn như Giáo lý viên, ca đoàn, nhóm sinh viên Công giáo… Họ sẵn sàng hi sinh thời gian, làm việc bác ái để thăm viếng người đau khổ, người tàn tật, tham dự Thánh lễ, tham dự giờ chầu Thánh Thể...

 

Tác giả viết tiếp, trước đây các lớp Thần học chỉ dành cho linh mục, tu sĩ thì thời gian gần đây nhiều Học viện Thần học đã mở ra cho giáo dân tham dự, và đã có khá nhiều bạn trẻ tham gia các khóa học Thần học, Thánh Kinh, chia sẻ Lời Chúa sống niềm vui Tin Mừng…Họ là chứng nhân của Chúa giữa cuộc sống đời thường, nơi họ học tập, nơi họ trao ban sự quảng đại dấn thân. Họ sống đức tin giữa lòng dân tộc, sự cống hiến của họ giữa đời luôn mang ngọn lửa của Tin Mừng. Họ sống một tuổi trẻ đầy năng lượng của tình yêu Chúa. 

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tác giả bài viết cũng cho rằng có một số không ít người trẻ hôm nay đang xa rời với đức tin của Giáo hội. Quan sát Thánh lễ ngày thường ở các xứ đạo, chúng ta chỉ nhìn thấy phần đông là người trung niên, người lớn tuổi và một ít thiếu nhi trong các lễ chiều. Vậy, người trẻ họ ở đâu, xin thưa “con phải đi học thêm, con phải đi làm thêm, đi học về con chỉ muốn nằm…”, “lễ sáng sớm quá, con dậy không được. Và có rất nhiều lý do được đưa ra biện minh cho việc không đến nhà thờ của người trẻ. Họ chỉ đến nhà thờ vào ngày Chúa nhật nhưng là một sự miễn cưỡng “Bố mẹ nói nhiều quá nên đi cho xong!

 

Vì thế, họ tham dự Thánh lễ ở cổng nhà thờ, hay những gốc cây chung quanh thánh đường. Họ có mặt ở đó để xem lễ, nhưng không hề ý thức “tôi ở đây để làm gì?họ vui vẻ trò chuyện cùng bạn đi lễ, thích thú với những trò chơi trên điện thoại, lướt lướt Iphone cho xong giờ lễ, họ không quan tâm hôm nay lễ gì, linh mục đang làm gì... Có những bạn đi lễ ngồi sẵn trên xe máy, khi thấy giáo dân ra về là họ phóng xe chạy thẳng.

 

Từ đó tác giả đã nhận định, phải nhìn nhận rằng lối sống tục hóa của xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến suy tư và cách sống của một số người trẻ. Những giá trị chuẩn mực trước đây của cha ông trở thành “cổ”, thay vào đó là những giá trị lệch chuẩn do chính họ nhìn nhận. Chẳng hạn như tình yêu đồng giới, không thích nuôi con thì phá bỏ, coi trọng sự sang chảnh hơn là một người có phẩm chất “công – dung – ngôn – hạnhHọ cho rằng những trải nghiệm sống thử trước hôn nhân là cần với họ, yêu không giới hạn… và rất nhiều những giá trị lệch lạc xa rời với đức tin Công giáo. Tất nhiên, ít nhiều bạn trẻ Công giáo chịu ảnh hưởng đến lối sống này.[2]

 

Có một thực trạng mà hầu như ai cũng thấy, đó là các bạn trẻ ngày nay quá lơ là với đời sống đức tin trong gia đình cũng như trong cộng đoàn. Họ giữ đạo một cách “tối thiểu”: Chỉ đi lễ các ngày Chúa nhật và lễ buộc và cố gắng đi xưng tội mỗi năm một lần (kẻo phạm tội trọng!). Có thể bỏ rước lễ cách dễ dàng, không thường xuyên đọc kinh, cầu nguyện…vì ngại, vì lười, vì không thấy cần thiết! Hoàn toàn xa rời mọi sinh hoạt trong giáo xứ. Sống bên lề cộng đoàn, như một người khách lạ. Đời sống đạo tùy thuộc hoàn toàn vào lề luật hơn là dựa trên đức tin và lòng mến.  

 

LM Nguyễn Trọng Viễn OP, trong bài tựa “Đạo sinh hoạt” đăng trên nguyệt san CgvDt số 308 tháng 8-2020, đã chia sẻ như sau:

“Ngày nay, đặc biệt trong thời kinh tế thị trường, người Ki-tô hữu không còn đóng kín sinh hoạt của mình trong các xóm, xứ đạo. Không gian sinh hoạt hằng ngày mở rộng tới các sinh hoạt đời, trong một thế giới trần tục; bầu khí “văn hóa” của người Ki-tô hữu không còn thuần khiết tôn giáo. Chính trong giai đoạn này, ta thấy khuôn khổ đời sống đạo của người Ki-tô hữu VN có nhiều dấu vết rạn nứt, đặc biệt trong những xứ đạo vốn có truyền thống sinh hoạt tôn giáo sầm uất. Một số Ki-tô hữu sống xa ảnh hưởng của sinh hoạt tôn giáo, cả về không gian lẫn văn hóa, và cảm thấy ý nghĩa tôn giáo phai lạt dần. Một số đông hơn vẫn tham dự các sinh hoạt tôn giáo nhưng chỉ quan niệm giữ đạo là giữ sinh hoạt đạo như trước đây; sinh hoạt đạo là những nghĩa vụ phải chu toàn, những đòi buộc, theo thói quen lâu đời của truyền thống gia đình, của giáo xứ. Do đó, khi đời sống xã hội có nhiều sinh hoạt khác cần thiết và hấp dẫn hơn, thì họ thấy sinh hoạt tôn giáo là một điều vướng víu, nặng nề và muốn từ bỏ.”[3]

 

III.- Hội thánh có vai trò gì trong đời sống đức tin của người trẻ Ki-tô hữu hôm nay?

Có thể nói, chất lượng đời sống đức tin của người trẻ hôm nay tùy thuộc rất nhiều vào những yếu tố căn bản trong đó phải kể đến sự thể hiện trách nhiệm và vai trò của Hội thánh, cụ thể là giáo phận và giáo xứ, trong việc nuôi dưỡng và giáo dục đức tin cho người trẻ. Thực vậy, các mục tử và chức sắc trong Hội thánh chính là người khai mở, thông chia và nuôi dưỡng đức tin cho người trẻ.

 

Thư Mục Vụ năm Đức Tin 2012 của HĐGMVN đã nêu rõ:

“Cách riêng, chúng tôi muốn ngỏ lời với các linh mục, tu sĩ, và các bậc cha mẹ trong gia đình Công giáo. Giáo dục đức tin là trách nhiệm gắn liền với thừa tác vụ linh mục đến nỗi ‘các linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận được từ nơi Chúa’. Do đó, trong sự hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn giáo phận, anh em linh mục hãy dành thời giờ, năng lực và nhiệt tâm cho công việc hết sức quan trọng và cần thiết này, đặc biệt trong việc giảng Lời Chúa và dạy giáo lý cho thiếu nhi và giới trẻ. Anh em cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo đội ngũ giáo lý viên, những người trực tiếp cộng tác với chúng ta trong việc thông truyền đức tin cho thế hệ trẻ.” (số 9)

 

Như vậy chúng ta thấy rằng, trách nhiệm chủ yếu trong việc giáo dục đức tin cho giới trẻ vẫn thuộc về các linh mục, đặc biệt là các linh mục trực tiếp phục vụ tại giáo xứ. Để chu toàn nhiệm vụ này, các ngài phải dành nhiều thời gian, công sức kể cả tài chánh để đầu tư vào công việc khẩn thiết và quan trọng này. Tuy nhiên, xét thực tế, ta thấy hiện nay, tại nhiều nơi đã và đang gặp phải nhiều khó khăn, phức tạp, chẳng hạn:

 

- Tổ chức các lớp giáo lý cho thiếu nhi thì ở đâu cũng có, nhưng lớp giáo lý cho giới trẻ và cho giáo dân trưởng thành thì nhiều nơi chưa làm được vì còn gặp khó khăn về đội ngũ giảng viên, giáo lý viên, nhất là không có sự tham gia tích cực của học viên… Rất nhiều thành phần, tuổi tác trong giáo dân hiện nay biết rất ít về giáo lý, về Thánh Kinh, về các vấn đề cần biết trong đời sống và sinh hoạt của Hội thánh vv. Có thể nói phần đông họ mù tịt. Đó là một thực trạng đáng báo động!

 

- Tại nhiều nơi, các linh mục không quan tâm đầu tư cho bài giảng đạt “chất lượng cao”, các ngài thích nói lòng vòng, không chủ đề, thiếu chủ điểm, sao cho hết giờ, mà không lưu ý đến việc chuyển tải ý hướng Phụng vụ, đến việc truyền dạy những những điều liên quan tới đức tin, luân lý và Tin Mừng Ki-tô giáo. Vì phần lớn giáo dân chỉ tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần vào ngày Chúa Nhật, do đó, bài giảng của linh mục chủ tế có thể được coi là một nguồn nuôi dưỡng không thể thiếu được vì nhờ đó đem lại lợi ích thiêng liêng cho giáo dân. Vì khi đó linh mục chẳng những “giảng” mà còn “dạy” nữa. Dạy đức tin, dạy luân lý Ki-tô giáo, dạy Thánh Kinh, dạy Thần học vv. 

 

Tác giả Thiên Di trong bài viết đã dẫn trên, cũng đã nhận xét như sau: “Một mặt nào đó chúng ta cũng phải nhìn nhận là sức hút của Giáo hội qua các Giáo xứ chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo người trẻ. Nơi một số xứ đạo, việc học hỏi giáo lý để sống đức tin còn chưa được chú trọng và quan tâm. Từ không gian lớp học đến người đồng hành hướng dẫn còn quá sơ sài hay dạng bù đắp chỗ trống. Đội ngũ giáo lý viên chưa được đào tạo, thiếu khả năng sư phạm. Vì thế mà những buổi học trở nên nặng nề cứng nhắc, người học không cảm thấy có Chúa trong lớp học, “học giáo lý cũng khắt khe như ngoài xã hội”. Những bài giảng giáo lý thiếu thuyết phục và không lôi cuốn. Lớp trẻ theo học giáo lý vì miễn cưỡng, có được tấm bằng, lãnh đủ các bí tích là xong bổn phận. Sau đó, người trẻ cho Chúa qua một bên để họ sống theo cách của mình. “Chúa không gần với cuộc sống của con”. 

 

“Ngoài ra tương quan mục tử và đàn chiên không giống “Người mục tử nhân lành” (Ga 10, 11–18). Ở Giáo xứ nọ, giáo dân chỉ nhìn thấy cha xứ trên tòa giảng, hiếm khi ngài gặp gỡ trò chuyện cùng giáo dân ngoài Thánh lễ, nói chi đến việc thăm viếng cuộc sống giáo dân trong các họ đạo. Khoảng cách cha sở và giáo dân quá xa nên tương quan Thiên Chúa và lòng người cũng trở nên vô tận.” 

 

Từ tình hình cụ thể trên, người trẻ chúng ta mong muốn Hội thánh không còn là một thực tại tĩnh lặng, ẩn khuất nữa, trái lại Hội thánh phải là một thực thể năng động, linh hoạt thông qua sự hiện diện “thực” của mình, thông qua thái độ đồng cảm, đồng hành nhằm nâng đỡ, ủi an và chữa lành những bạn trẻ đang bên bờ vực thẳm xa rời đức tin.

 

ĐTGM Giu-se Vũ Văn Thiên, Tổng Giáo phận Hà-nội đã chia sẻ bài viết có tựa đề “Nên thánh đối với giới trẻ”.[4] Mở đầu bài viết, ngài đã nhấn mạnh: “Giới trẻ là mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội. Như Chúa Giêsu đã có cái nhìn thương mến đối với chàng thanh niên trong Phúc Âm (x. Mc 10, 21), Giáo Hội luôn cảm thông và ưu ái các người trẻ, là tương lai của Giáo Hội và của xã hội”. Cũng trong bài viết trên, Đức Tổng Giu-se cũng đã trưng dẫn hai câu nói của ĐTC Bê-nê-đích-tô XVI về tư cách chứng nhân và vai trò ngôn sứ, sứ giả của giới trẻ trong thế giới ngày nay, như sau:

 

Giáo hội cần đến chúng con với tư cách là người trẻ để làm chứng cho thế giới về khuôn mặt của Đức Kitô... Không có khuôn mặt này, Giáo hội sẽ cho thấy một khuôn mặt bị biến dạng” (Bài giảng lễ Đại hội Giới trẻ thế giới tại Bra-xin năm 2007).

 

Hỡi các bạn trẻ yêu dấu, Thầy Giêsu mời gọi các con là những ngôn sứ trong kỷ nguyên mới này, là những sứ giả tình yêu của Người, có khả năng thu hút con người đến với Chúa Cha và xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn nhân loại” (Bài giảng thánh lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ thế giới tại Sydney năm 2008).

 

Riêng Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II còn khẳng định mạnh mẽ hơn: “Giới trẻ không chỉ là đối tượng quan tâm đặc biệt của Giáo hội, mà họ còn là những tác nhân quan trọng và hữu hiệu của sứ vụ truyền giáo”

 

LM Giuse Nguyễn Văn Am, SDB trong bài “Giáo hội mà giới trẻ đang mong đợi” trên trang web của HĐGMVN đã viết như sau: “Những người trẻ đang cần một Giáo hội hiện diện giữa giới trẻ. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô không giấu thực trạng này: nhiều khi Giáo hội không có chỗ cho người trẻ. Ngài muốn Giáo hội tỏ mình ra là một Giáo hội đón chào, vì rất nhiều người trẻ có một trải nghiệm bị “mồ côi” thật sự: từ gia đình cho đến học đường và cả trong Giáo hội. “Chúng ta cần làm cho tất cả những cơ sở chúng ta được trang bị tốt hơn để đón chào giới trẻ hơn, vì có quá nhiều người trẻ có một cảm thức bị mồ côi”. Giáo hội của mục vụ giới trẻ cần phải làm được là đây: được giới trẻ tiếp nhận như người bạn. Thật vậy, Giáo hội già đi khi “bị giam hãm trong quá khứ, kềm hãm hay làm cho Hội Thánh bị tê liệt.” Hoặc Giáo hội “tin rằng mình trẻ trung vì đã chấp nhận tất cả những gì thế giới mời mọc, tin rằng mình đổi mới vì đã quên đi sứ điệp của mình mà bắt chước người khác.” Giáo hội chỉ trẻ trung mãi khi có khả năng không ngừng trở về nguồn hằng ngày: Lời Chúa, Thánh Thể, sức mạnh Thần khí, Đức Giêsu hiện diện (TH Christus vivit số 35).”[5]

 

Để cụ thể hóa việc duy trì và phát huy mối tương quan mục vụ giữa giới trẻ và linh mục, tác giả linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy PSS trong cuốn “Để được đào tạo và tự đào tạo nên linh mục giáo phận như Chúa và Giáo hội mong ước” đã đưa ra mấy ý kiến như sau:

 

“Giới trẻ là mối bận tâm hàng đầu của Giáo Hội. Phải quan tâm tới đời sống đức tin và nhân bản của họ (Giáo lý, giáo dục giới tính, ý thức gắn bó với gia đình, với giáo xứ…). Nhắc nhở đề phòng những hiểm nguy, cám dỗ đang rình rập đầu độc lứa tuổi thanh xuân như cờ bạc, xì ke ma túy, sách vở phim ảnh đồi trụy, games sex và bạo lực, v.v…

 

“Cần có thánh lễ, lớp giáo lý, những buổi gặp gỡ sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ, để tiếp tục giáo dục đời sống đức tin và nhân bản cho các em.

 

“Quan tâm tổ chức những buổi sinh hoạt, tọa đàm với giới trẻ về đức tin và kỹ năng sống. Vận dụng các buổi gặp gỡ, các lớp giáo lý mà giúp giới trẻ biết nhìn và đánh giá các biến cố sự việc theo cái nhìn đức tin.

 

“Nên tổ chức những buổi sinh hoạt giới trẻ, tạo cơ hội để các bạn trẻ trình bày những khó khăn, những thao thức của mình trong cuộc sống đạo, giúp họ tìm ra lý tưởng sống, định hướng nghề nghiệp và các kỹ năng sống khác…Có thể tư vấn, tạo công ăn việc làm và hướng dẫn giới trẻ chọn nghề, chọn người bạn đời theo hai yếu tố thích và hợp.

 

“Phải gần gũi với các bạn trẻ để tìm hiểu tâm tình và hoàn cảnh của họ, hầu giúp họ trưởng thành lên trong đời sống nhân bản, đức tin, luân lý, đạo đức và tông đồ.”./. [6]

Aug. Trần Cao Khải

 


[3] LM Nguyễn Trọng Viễn OP - “Đạo sinh hoạt” - Nguyệt san CgvDt số 308 tháng 8-2020

[6] LM Micae-Phaolô Trần Minh Huy PSS - “Để được đào tạo và tự đào tạo nên linh mục giáo phận như Chúa và Giáo hội mong ước” – NXB TG 2021 – Trang 252-253

 

Bài cùng chuyên mục:

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh (20/11/2024 07:32:12 - Xem: 103)

Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi (18/11/2024 07:48:28 - Xem: 110)

Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con làm gì để bỏ tật thủ dâm?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện (13/11/2024 10:51:58 - Xem: 163)

Cha ơi có cách nào để mình không bị phạm tội về tư tưởng không ạ. Đặc biệt lúc mình đọc kinh đi lễ cầu nguyện thì lúc đó mình suy nghĩ rất nhiều không chú tâm lắm đến việc nhà chúa.

Sinh nhật nào quan trọng nhất? (11/11/2024 19:25:35 - Xem: 305)

Nói qua nói lại, cái cần nhất Nhỏ nói sau cùng nè. Sinh nhật, ngày hiện diện trên đời cũng quan trọng như sinh nhật trên Nước Trời...

Tình yêu trưởng thành hay chỉ yêu cho có lệ? (05/11/2024 07:31:46 - Xem: 233)

Quyển sách chúng ta cần cho tình yêu là quyển sách của các cặp vợ chồng đã qua nghi thức nhưng còn giữ sự cam kết qua bao thăng trầm của năm tháng viết.

Các Thánh – Họ là ai? (31/10/2024 05:53:13 - Xem: 406)

Các vị thánh đã thật sự gạt bỏ được mọi dính bén hồng trần, nên chẳng quan tâm đến chuyện mình được tôn vinh hay không. Chẳng một vị thánh đích thực nào lại đi tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ (26/10/2024 05:48:30 - Xem: 201)

Làm sao để tiếng nói của người trẻ được quan tâm và được tạo điều kiện học hỏi và phát triển trong môi trường đức tin ạ?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 140 - Truyền thông sự sống (15/10/2024 14:48:14 - Xem: 271)

Hỏi: Người trẻ trong xã hội “bất khả phân ly” với những phương tiện truyền thông hiện nay phải chuẩn bị thái độ nào để có thể “hòa nhập” mà không “hòa tan” trước “văn hóa sự chết” đang đối diện?

Mười bài học thiêng liêng từ thánh nữ Têrêsa Avila (15/10/2024 05:26:17 - Xem: 340)

Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn tri ân thánh Têrêsa Avila và nêu bật mười đóng góp vĩ đại của thánh nữ cho Giáo hội Công giáo và cho mỗi người chúng ta,

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 141 - Tại sao người Công giáo tôn kính Đức Mẹ? (13/10/2024 07:53:02 - Xem: 226)

Có lần con trò chuyện với một bạn Tin Lành. Bạn ấy không tin Đức Mẹ Đồng Trinh. Con không biết phải giải thích cho bạn ấy làm sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7