Hiệp Hành Cùng Mẹ Mân Côi
- In trang này
- Lượt xem: 9,059
- Ngày đăng: 03/05/2022 18:37:58
HIỆP HÀNH – CẦU NGUYỆN
7 NGÀY CÙNG MẸ MÂN CÔI
LỜI NÓI ĐẦU
Tiến trình hiệp hành mà Hội Thánh đang hướng tới, chắc chắn, không đi ra ngoài những giá trị của Tin Mừng, mà Kinh Mân Côi lại được coi là bản tóm tắt Tin Mừng. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: Vì là lời kinh dựa theo Tin Mừng, tập trung vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu độ, nên Kinh Mân Côi là lời kinh đặc thù của Kitô giáo. Tự bản chất, Kinh Mân Côi là lời kinh cầu cho hòa bình, hệ tại ở việc chiêm ngắm Đức Kitô, Hoàng Tử Hòa Bình, là sự bình an của chúng ta (x. Ep 2,14). Bất cứ ai đồng hóa với mầu nhiệm Đức Kitô qua Kinh Mân Côi, thì sẽ học được bí quyết của hòa bình và biến nó thành dự phóng của cuộc đời mình: đón nhận, cảm nghiệm, và gieo rắc bình an khắp mọi nơi.
Hiệp hành cùng với Mẹ Mân Côi sẽ dẫn ta đến gặp gỡ Đức Kitô trong các mầu nhiệm của Người: Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Hài Nhi ở Bêlem trong Năm Sự Vui, chúng ta cũng khao khát đón nhận, bảo vệ, cổ võ sự sống, và mang lấy gánh nặng của các trẻ em đang đau khổ trên toàn thế giới; Khi bước theo Đức Kitô trong các Mầu Nhiệm Sáng, chúng ta cũng kiên quyết làm chứng cho các mối phúc của Người trong đời sống của mình; Khi ngắm nhìn Đức Kitô vác Thập Giá và chịu đóng đinh trong Mầu Nhiệm Thương, chúng ta cũng nhận thấy mình phải hành động như ông Simon thành Xyrênê, đưa vai nâng đỡ những anh chị em đang quằn quại đau đớn và thất vọng ê chề; Khi chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Kitô Phục Sinh và của Đức Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, chúng ta cũng khao khát làm cho thế giới này đẹp hơn, công bằng hơn, và tương hợp sít sao hơn với kế hoạch của Thiên Chúa. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, mọi thành phần trong Hội Thánh: biết cầm lấy Chuỗi Mân Côi với lòng tin tưởng, biết tái khám phá Kinh Mân Côi dưới ánh sáng của Thánh Kinh, trong sự hài hòa với Phụng Vụ và tương hợp với bối cảnh của cuộc sống hằng ngày.
CHƯƠNG TRÌNH
– Kinh CTT, Tin, Cậy, Mến, Kinh cầu cho Thượng Hội Đồng (Adsumus Sancte Spiritus)
Lạy Chúa Thánh Thần, này chúng con đang hiện diện trước nhan Chúa, khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa. Chỉ có Chúa là Đấng hướng dẫn chúng con, xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con; xin dạy chúng con lối đường phải đi, và cách bước đi trên đường lối đó. Chúng con yếu đuối và tội lỗi, xin đừng để chúng con gây xáo trộn; đừng để chúng con u mê sa nẻo đường lầm, cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến. Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con, để chúng con có thể cùng tiến đến cuộc sống vĩnh cửu, và không lạc xa khỏi con đường chân lý và ngay thật. Chúng con cầu xin Chúa, là Đấng hoạt động mọi nơi mọi thời, trong sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con, mãi mãi đến muôn đời. Amen.
– Suy niệm theo ngày…
– Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh…
– Lời Nguyện Kết theo ngày…
Ngày Thứ Nhất: NĂM SỰ VUI
Suy niệm: Năm Sự Vui mang dấu ấn của niềm vui toả chiếu từ mầu nhiệm Nhập Thể. Điều này quá rõ ràng ngay từ biến cố Truyền Tin, qua lời chào của sứ thần: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng! Toàn thể lịch sử cứu độ, và toàn thể lịch sử thế giới đều quy hướng về lời chào này và niềm vui được vỡ òa: khi Đức Maria khiêm nhường thưa tiếng “xin vâng”. Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh phải được diễn ra trong bầu khí vui tươi của cuộc hội ngộ giữa hai bà mẹ, đã khiến cho Gioan còn trong dạ mẹ nhảy lên vui sướng, và của niềm vui vì Đấng Cứu Độ đã giáng sinh cho chúng ta trong tiếng hát ca của các thiên thần nơi hang Bêlem. Tuy nhiên, tiến trình hiệp hành của Giáo Hội không chỉ toàn niềm vui, nhưng vẫn thấp thoáng đâu đó những bị kịch, như hai mầu nhiệm sau cùng của Năm Sự Vui: lời tiên báo của cụ già Simêon khi Hài Nhi được dâng vào Đền Thánh: Đức Kitô sẽ trở nên dấu chỉ bị nhiều người chống báng, và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ. Bi kịch xen lẫn niềm vui khi tìm được Con trong Đền Thánh và nhận được mặc khải về mầu nhiệm của Con, trong tư cách là người Con hiến thân trọn vẹn cho công việc của Chúa Cha, khiến Đức Maria và thánh Giuse không thể nào hiểu nổi (x. Lc 2,50).
Lời Nguyện Kết: Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, xin Chúa cho chúng con biết cùng Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm Năm Sự Vui với lòng sốt mến, để tiến trình hiệp hành của Hội Thánh luôn được thúc đẩy, và luôn quy hướng về niềm vui của mầu nhiệm Nhập Thể, cùng điềm báo trước của mầu nhiệm Khổ Nạn. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng Giáo Hội của Đức Kitô tiên vàn là loan báo Tin Mừng, mà trung tâm và toàn bộ nội dung của Tin Mừng là con người Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, và là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng con. Amen.
Ngày Thứ Hai: NĂM SỰ SÁNG
Suy niệm: Đành rằng, toàn thể các mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô toàn là mầu nhiệm ánh sáng, bởi vì, Người là ánh sáng thế gian (x. Ga 8,12). Tuy nhiên, Mầu Nhiệm Sáng được tỏ hiện cách đặc biệt qua những năm tháng của cuộc đời công khai, khi Người công bố Tin Mừng Nước Trời. Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh phải làm sáng tỏ các mầu nhiệm của Năm Sự Sáng, bởi vì, mỗi Mầu Nhiệm Sáng là một mặc khải về Nước Thiên Chúa đang hiện diện trong chính bản thân Đức Giêsu: Phép rửa tại sông Giođan tiên vàn là một Mầu Nhiệm Sáng khi cho thấy Đấng vô tội đã trở thành tội vì chúng ta; Biến nước thành rượu tại Cana là một Mầu Nhiệm Sáng khi mở lòng mở trí các môn đệ để đón nhận đức tin; Lời rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối là một Mầu Nhiệm Sáng khi chiếu dọi ánh sáng cứu độ vào nơi tăm tối tội lụy. Biến cố Hiển dung là một Mầu Nhiệm Sáng khi Chúa Cha chỉ cho con đường cứu độ là vâng nghe lời Đức Kitô; Bí Tích Thánh thể là một Mầu Nhiệm Sáng như khi hai môn đệ trên đường Emmau lòng bừng sáng khi Đức Giêsu bẻ bánh, gợi nhớ Bữa Tiệc Ly, nơi Đức Kitô trao ban mình và máu Người dưới hình bánh và rượu, và khẳng định Người yêu thương nhân loại đến cùng. Ước gì tiến trình hiệp hành của Hội Thánh cũng trở nên những mầu nhiệm ánh sáng để Hội Thánh trở nên tinh tuyền thánh thiện, là dấu chỉ của Nước Trời trong thế giới hôm nay.
Lời Nguyện Kết: Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, xin Chúa cho chúng con biết cùng Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm Năm Sự Sáng với lòng sốt mến, để tiến trình hiệp hành của Hội Thánh luôn được soi sáng bởi các mầu nhiệm ánh sáng của Đức Kitô. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho Hội Thánh luôn biết vâng nghe lời nhắc nhở của Mẹ khi xưa tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, thì cứ làm theo!” Amen.
Ngày Thứ Ba: NĂM SỰ THƯƠNG
Suy niệm: Các sách Tin Mừng tập trung nhiều vào các Mầu Nhiệm Thương Khó. Lúc khởi đầu, lòng đạo đức Kitô giáo chú trọng vào việc đi Đàng Thánh Giá, dừng lại ở mỗi giai đoạn của Cuộc Khổ Nạn để chiêm ngắm. Giáo Hội luôn ý thức rằng cao điểm của mặc khải về tình yêu Thiên Chúa, và nguồn mạch ơn cứu độ được tìm thấy nơi các Mầu Nhiệm Thương Khó. Kinh Mân Côi với Năm Sự Thương đã chọn lựa một vài giai đoạn của Cuộc Khổ Nạn, để mời gọi các tín hữu chiêm ngưỡng trong tâm hồn và làm sống lại từng thời điểm ấy. Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh cũng theo chân Đức Kitô mở đầu với biến cố Vườn Cây Dầu, nơi đó Đức Kitô kinh nghiệm sự sầu não khi đối diện với thánh ý Chúa Cha: Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha. Tiếng “xin vâng” (Yes) của Đức Kitô đối lại với tiếng “không” (No) của Nguyên Tổ trong vườn địa đàng. Ước gì tiến trình hiệp hành của Hội Thánh sẽ luôn sẵn sàng mở ra để đón nhận “cái giá” của sự trung thành với thánh ý Chúa Cha được tỏ lộ trong các mầu nhiệm tiếp theo của Năm Sự Thương, qua việc thông phần vào Cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu: chấp nhận chịu đánh đòn, đội mão gai, vác thập giá và chịu đóng đinh, như Đấng đã yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh.
Lời Nguyện Kết: Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, xin Chúa cho chúng con biết cùng Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm Năm Sự Thương với lòng sốt mến, để tiến trình hiệp hành của Hội Thánh luôn quy hướng về điểm hẹn cuối cùng là Thập Giá Đức Kitô, nơi cạnh sườn bị đâm thâu: máu và nước chảy ra khai sinh Giáo Hội. Xin cho chúng con biết cùng với Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá, để cùng với Mẹ tiến vào chiều sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, để rồi, chúng con cũng có khả năng làm lan tỏa tình yêu của Đấng đã thí mạng vì mình. Amen.
Ngày Thứ Tư: NĂM SỰ MỪNG
Suy niệm: Việc chiêm ngắm dung nhan của Đức Kitô không thể dừng lại ở hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh, bởi vì, Người là Đấng đã sống lại. Kinh Mân Côi cũng mời gọi chúng ta vượt lên trên bóng tối của Cuộc Khổ Nạn để chiêm ngắm vinh quang của Đức Kitô trong mầu nhiệm Phục Sinh và Lên Trời. Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh phải tái khám phá niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh: nếu Người đã không chỗi dậy, thì đức tin của chúng ta thật trống rỗng. Mầu nhiệm Đức Kitô lên trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống phải được tỏ lộ trong tiến trình hiệp hành với dung mạo của một Giáo Hội, một gia đình tụ họp cùng với Đức Maria, đầy tràn sức sống, nhờ sự tuôn đổ sức mạnh của Thánh Thần và sẵn sàng chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Mầu nhiệm Đức Maria được đưa về trời và đội mão triều thiên vinh quang: Nữ Hoàng Thiên Quốc, đó là niềm hy vọng chắc chắn của tiến trình hiệp hành mà Giáo Hội đang hướng tới. Ước gì cùng đồng hành với Đức Mẹ Mân Côi trong mầu nhiệm Năm Sự Mừng, tiến trình hiệp hành của Hội Thánh sẽ đạt tới cùng đích viên mãn như lòng Chúa ước mong!
Lời Nguyện Kết: Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, xin Chúa cho chúng con biết cùng Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm Năm Sự Mừng với lòng sốt mến, để tiến trình hiệp hành của Hội Thánh luôn hướng tới một đời sống mới trong Đức Kitô, một đời sống tuyệt diệu của ngày Lễ Ngũ Tuần. Xin cho Hội Thánh luôn hướng lòng về trời cao, để trong cuộc lữ hành về thiên quốc, các thành viên trong Hội Thánh luôn can đảm làm chứng cho Tin Mừng: Chúa đã phục sinh, đó là niềm hy vọng chắc chắn cho toàn thể nhân loại chúng con. Amen.
Ngày Thứ Năm: CÙNG MẸ MÂN CÔI CẦU NGUYỆN
Suy niệm: Trong tiến trình hiệp hành của Hội Thánh, chắc chắn chúng ta luôn được mời gọi hướng về Chúa với lòng tin tưởng và kiên trì cầu nguyện để được nhậm lời. Qua Kinh Mân Côi, Đức Maria can thiệp bằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ. Thật vậy, ngay từ đầu, lời cầu nguyện của Hội Thánh luôn được đỡ nâng nhờ lời cầu nguyện của Mẹ. Nếu Đức Giêsu, Đấng trung gian duy nhất, là Con Đường cho lời cầu nguyện của chúng ta, thì Đức Maria, phản ánh tinh tuyền và trong sáng, tỏ cho chúng ta Con Đường ấy. Chính từ sự cộng tác duy nhất của Đức Maria với công việc của Chúa Thánh Thần, mà Hội Thánh đã triển khai lời kinh dâng lên Mẹ Thiên Chúa, bằng cách tập trung vào con người Đức Kitô được biểu lộ qua các mầu nhiệm. Tại tiệc cưới Cana, sách Tin Mừng đã tỏ lộ rõ ràng hiệu năng của lời chuyển cầu mạnh thế của Mẹ, khi Mẹ báo cho Đức Giêsu biết nhu cầu của người khác: “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2,3). Ước gì chúng ta luôn biết dùng Kinh Mân Côi để vừa suy niệm, vừa khẩn cầu cho tiến trình hiệp hành mà Hội Thánh đang hướng tới. Ước gì chúng ta luôn tín thác vào lời chuyển cầu của Mẹ cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, Đấng luôn tuôn đổ hồng ân xuống trên Mẹ, và trước mặt người Con, Đấng sinh ra từ cung lòng Mẹ.
Lời Nguyện Kết: Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, xin Chúa cho chúng con biết cùng Mẹ chuyên tâm cầu nguyện cho tiến trình hiệp hành của Hội Thánh bằng Kinh Mân Côi. Xin cho chúng con tin rằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ có thể giành được mọi sự từ nơi trái tim của Đức Giêsu, Con Mẹ. Đây là một xác tín, phát xuất từ Tin Mừng, đã tăng trưởng càng ngày càng vững chắc trong kinh nghiệm của Hội Thánh mà thánh Bênađô đã hát lên: Lạy Đức Bà, Bà thật vĩ đại và đầy quyền năng, ai ước muốn điều gì, mà chạy đến cùng Bà, thì không bao giờ bị thất vọng. Amen.
Ngày Thứ Sáu: CÙNG MẸ MÂN CÔI CHIÊM NIỆM
Suy niệm: Kinh Mân Côi, chính bởi vì, phát xuất từ kinh nghiệm riêng của Đức Maria, nên là một lời kinh chiêm niệm sâu sắc. Không có chiều kích chiêm niệm này, Kinh Mân Côi sẽ như một cái xác không hồn, và có nguy cơ trở nên việc nhai đi nhai lại một số công thức có tính cách máy móc, và như thế, vi phạm giáo huấn của Đức Giêsu: Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Trong tiến trình hiệp hành của Hội Thánh, chúng ta phải bắt chước Mẹ chăm chú nhìn Đức Kitô, để mỗi lời của Người trở thành những kho tàng cho chúng ta như: Mẹ hằng ghi nhớ, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Những kỷ niệm về Đức Giêsu được ghi khắc trong tim Mẹ, luôn luôn đi theo Mẹ và thúc đẩy Mẹ suy gẫm về những thời gian sống bên cạnh Con Mẹ. Một cách nào đó, những kỷ niệm ấy là Chuỗi Mân Côi mà Mẹ không ngừng ngâm nga trong suốt cuộc đời trần thế. Với tư cách là Mẹ Hội Thánh, Mẹ đã không ngừng kể lại cảm nghiệm riêng về Con Mẹ cho chúng ta. Mẹ không ngừng đặt chúng ta trước các mầu nhiệm của Con Mẹ. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, các mầu nhiệm đó được chúng ta chiêm ngắm, để các mầu nhiệm đó sinh những ơn cần thiết cho tiến trình hiệp hành của chúng ta.
Lời Nguyện Kết: Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, xin Chúa cho chúng con biết cùng Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, để tiến trình hiệp hành của Hội Thánh luôn hồi tưởng, làm sống lại những kỳ công mà Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ. Xin nhận chìm chúng con vào các mầu nhiệm của Đức Kitô, để các mầu nhiệm đó thấm nhập sâu xa và uốn nắn đời sống chúng con. Xin cho chúng con chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi trong sự thông hiệp với Mẹ, vì đó cách thế học hỏi từ Mẹ, để khám phá ra những thông điệp mà Chúa muốn ngỏ lời với chúng con. Amen.
Ngày Thứ Bảy: CÙNG MẸ NÊN GIỐNG ĐỨC KITÔ
Suy niệm: Qua Kinh Mân Côi, cùng với Mẹ Maria, chúng ta được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Linh đạo Kitô giáo nổi bật là sự dấn thân của người môn đệ, để trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình (x. Rm 8,29; Pl 3,10.12). Việc tuôn đổ Thánh Thần trong Bí Tích Thánh Tẩy tháp nhập chúng ta như cành nho vào thân nho là Đức Kitô (x. Ga 15,5) và biến chúng ta thành chi thể của Thân Mình Mầu Nhiệm Đức Kitô (x. 1Cr 12,12; Rm 12,5). Trong tiến trình hiệp hành của Hội Thánh, cùng với Đức Maria, qua các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chúng ta đặt nền tảng trên sự chiêm ngắm dung nhan Đức Kitô, để nên đồng hình đồng dạng với Người. Trong tiến trình nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua Kinh Mân Côi, chúng ta trao phó Hội Thánh cách đặc biệt cho tình từ mẫu của Mẹ: Mẹ vừa là Mẹ của Đức Kitô, vừa là Mẹ của Hội Thánh. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành, và sinh hạ những người con cho Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô!
Lời Nguyện Kết: Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, xin Chúa cho chúng con biết cùng Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi với lòng sốt mến, để tiến trình hiệp hành của Hội Thánh luôn dõi theo Đức Kitô trong các biến cố cuộc đời Người. Xin cho các mục tử biết dấn thân và cổ võ Kinh Mân Côi trong tiến trình hiệp hành của Giáo Hội; Xin cho các thần học gia giúp các tín hữu khám phá giá trị của Kinh này, bằng những suy tư khôn ngoan và nghiêm túc của mình, dựa trên nền tảng Thánh Kinh; Xin cho các tu sĩ, qua kinh Mân Côi, chiêm ngắm Đức Kitô, mẫu gương và cùng đích của đời thánh hiến; Xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh từ người già đến người trẻ, từ người bệnh đến người khỏe biết cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi để phó dâng tiến trình hiệp hành của Hội Thánh trong tay Mẹ nhân lành. Amen.
Bài cùng chuyên mục:
Đức Giê-su Ki-tô - Đường kiện toàn phẩm giá con người (17/10/2024 05:19:41 - Xem: 136)
Bài viết ‘Đức Giê-su Ki-tô - Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người’ được trình bày dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo với các đề mục như sau:
Đức Giê-Su Ki-Tô - Đường trút bỏ chính mình (19/08/2024 14:57:15 - Xem: 348)
Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ chính mình để đến với gia đình nhân loại.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường củng cố đức tin (09/06/2024 10:47:57 - Xem: 547)
Đức tin của các Ki-tô hữu gắn liền với mặc khải Thiên Chúa trong dòng lịch sử mà cao điểm là sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng trần thế.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường Thiên Chúa quan phòng (06/04/2024 08:01:43 - Xem: 772)
Thiên Chúa quan phòng, Thiên Chúa lo liệu, đó là niềm tin của Áp-ra-ham trong hoàn cảnh bi thương này.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường cầu nguyện (11/02/2024 09:30:02 - Xem: 953)
Kinh Thánh Cựu Ước có nhiều từ mang nghĩa ‘cầu nguyện’ với Thiên Chúa, một trong những từ khá phổ biến là ‘פָּלַל/ palal’. Động từ này có nghĩa gốc là ‘phân xử’ (Xh 21,22) hay ‘nghĩ về’ (St 48,11).
Đức Giê-su Ki-tô – Đường Lòng Chúa Thương Xót (19/12/2023 07:12:56 - Xem: 1,009)
Theo thánh Au-gút-ti-nô (354-430), ‘lòng thương xót’ được hiểu như là sự cảm thông phát xuất từ tâm hồn chúng ta trước sự đau khổ của người khác
Đức Giê-su Ki-tô – Đường hiệp nhất nên một (09/10/2023 10:52:58 - Xem: 1,364)
Ý niệm hiệp nhất được đề cập trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người, chẳng hạn như sự hiệp nhất về mục đích, sự hiệp nhất về hành động, sự hiệp nhất về nguồn gốc,
Đức Giê-su Ki-tô – Đường giữa thế gian (29/08/2023 13:54:08 - Xem: 1,186)
Theo các trình thuật Tân Ước, khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giê-su đến với thế gian, đến với gia đình nhân loại.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường tình bạn (03/06/2023 05:25:49 - Xem: 1,461)
Tình yêu và tình bạn là hai chủ đề quan trọng của đời sống con người và nhiều khi con người khó có thể phân biệt rõ ràng đâu là tình yêu và đâu là tình bạn.
Hiệp Hành là điều đơn giản (10/05/2023 07:25:18 - Xem: 2,247)
Chúa Thánh Thần là Linh hồn của Giáo hội. Ngài làm sinh động và mang lại sự sống cho Giáo hội, Ngài hướng dẫn và làm sinh động cuộc hành trình này
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024
Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất