Bạn trẻ - Giáo dục - Ơn gọi

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: bài 135 -Hành hương là cách cầu nguyện đặc biệt

  • In trang này
  • Lượt xem: 209
  • Ngày đăng: 13/08/2024 06:44:03

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ: BÀI 135

- HÀNH HƯƠNG LÀ CÁCH CẦU NGUYỆN ĐẶC BIỆT

 

Hỏi: Con thấy vô lý khi có người thích đi hành hương, đến những nơi nổi tiếng, hơn là đi nhà thờ. Phải chăng đó cũng là hình thức giữ đạo?

 

 

Trả lời:

Sống đạo hay giữ đạo là cách con người diễn tả mối tương quan với Thiên Chúa qua những lựa chọn cụ thể trong suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình. Tuy nhiên, đời sống nội tâm cũng như đời sống thiêng liêng của con người vô cùng phong phú, chúng ta không thể dễ dàng đánh giá đầy đủ qua một vài hành vi bên ngoài được.

 

Nếu chúng ta hiểu tương quan với Thiên Chúa là một kiểu tình yêu (có thể gọi đó là tình yêu siêu nhiên hay tình yêu đối thần) thì tình yêu đó cũng được thể hiện qua rất nhiều hình thức khác nhau tùy theo nhận thức, tính cách và hoàn cảnh của mỗi người. Có người khi yêu thường muốn dắt nhau đến những không gian tự nhiên bình yên lãng mạn, nhưng có người lại thích ngồi trò chuyện ở một góc nhỏ trong quán cà phê nào đó, và cũng có người khác thích rủ nhau đi ăn, xem phim hay mua sắm… Nói chung mọi hoạt động đều có thể là biểu hiện của tình yêu mà chỉ người trong cuộc mới hiểu và cảm nhận được.

 

Sống tương quan tình yêu với Thiên Chúa cũng tương tự như thế. Mỗi người đều được mời gọi tìm ra cách thế phù hợp nhất để củng cố và nuôi dưỡng đức tin của mình. Nếu bạn thấy mình được gần Chúa hơn khi đi nhà thờ thì hãy năng đến gặp Chúa ở đó. Còn nếu người khác thích ở bên Chúa tại các điểm hành hương thì đó cũng là một điều đáng khuyến khích. Thì ra trong chuyện này chẳng có gì vô lý như bạn nghĩ.

 

Là người Công giáo, chúng ta sống đức tin trong lòng Mẹ Giáo hội. Giáo hội là nơi Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hoạt động giúp con người gắn kết với nhau trong một thân thể. Tính hiệp thông trong cộng đồng sống đức tin được biểu hiện rõ nét nhất qua thánh lễ, nơi đó mọi người tín hữu gắn kết với nhau trong Đức Giêsu là đầu của thân thể Giáo hội. Đấy là lý do vì sao thánh lễ luôn là trung tâm của mọi sinh hoạt đức tin. Bên cạnh đó, hành hương cũng là một truyền thống lâu đời trong Giáo hội. Chúng ta có thể cảm nhận được tình hiệp thông liên đới trong đức tin với những người chúng ta gặp gỡ tại các điểm hành hương. Nếu để ý một chút thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng hầu như không ai phải lẻ loi khi đi hành hương. Nếu họ không đi chung với người khác thì ít ra họ cũng có thể gặp người nào đó ở điểm hành hương. Những điểm hành hương giúp chúng ta kết nối một cách thiêng liêng với Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các thánh và những gương mẫu chứng nhân đức tin đã đi trước chúng ta. Như thế, dù là qua việc tham dự thánh lễ hay là đi hành hương, cảm thức thuộc về một Giáo hội hiệp thông luôn cần được nuôi dưỡng và củng cố.

 

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta đánh đồng giá trị của thánh lễ với việc đi hành hương. Sẽ không có vấn đề gì nếu một người cả đời chỉ đi nhà thờ thôi chứ không có cơ hội đi hành hương. Ngược lại, nếu người nào chỉ giữ đạo bằng cách đi hành hương từ nơi này sang nơi khác mà không bao giờ tham dự thánh lễ thì không thể chấp nhận được. Xét về tầm quan trọng trong việc thực hành đức tin thì thánh lễ luôn chiếm vị trí trung tâm và là ưu tiên số một. Một trong những lý do người ta thích đi hành hương hơn đến nhà thờ là bởi vì hành hương thường gắn liền với du lịch, hay có thể nói hành hương là một kiểu du lịch – du lịch tâm linh. Nhà thờ thì ngày nào hay tuần nào cũng đến, khung cảnh ít thay đổi, tâm tình thiêng liêng dường như không có gì đặc sắc.

 

Hành hương thì thú vị hơn vì người ta sẽ đi đến vùng đất mới, gặp những con người mới, có những cảm xúc khác lạ, tâm hồn dễ dàng rung động trước vẻ đẹp thánh thiêng hơn. Điều đáng báo động chính là nhiều khi hành hương chỉ mang tính du lịch chứ không kết nối với yếu tố tâm linh. Có những cuộc hành hương chỉ để thỏa mãn trí tò mò và thích khám phá thôi chứ không giúp người tín hữu gia tăng tình liên đới với Thiên Chúa và với người khác.

 

Khi so sánh hình thức giữ đạo trong việc đi nhà thờ (tham dự thánh lễ) và đi hành hương, việc một người “thích” điều này hơn điều kia là hoàn toàn có thể chấp nhận được, bởi vì xét cho cùng thì đó cũng chỉ là vấn đề cảm xúc cá nhân. Sai lầm chỉ xảy ra khi ta chọn điều này mà bỏ điều kia. Do đó, không phải vì tầm quan trọng của thánh lễ mà chúng ta lên án chuyện đi hành hương. Thực tế là phần lớn các địa điểm hành hương đều có nhà thờ hay nhà nguyện để giáo dân có thể tham dự thánh lễ nếu có linh mục dâng lễ ở đó. Cũng thế, không phải vì đi hành hương là tốt mà chúng ta coi nhẹ tinh thần hiệp thông trong thánh lễ. Tóm lại là chúng ta thể hiện mối dây hiệp thông trong Giáo hội qua việc tham dự thánh lễ và qua những chuyến hành hương nữa.

 

Bạn thân mến, hy vọng những gì tôi vừa chia sẻ trên đây có thể trả lời được phần nào thắc mắc bạn đặt ra. Vâng, hành hương đúng là một hình thức giữ đạo, hay nói đúng hơn, nó là một trong nhiều hình thức giữ đạo khác nhau. Trong việc giữ đạo, vấn đề mấu chốt không phải là chúng ta làm gì, đi đến nhà thờ hay đi hành hương, mà là chúng ta làm việc đó với tâm tình như thế nào. Tôi xin gợi ý một vài câu hỏi để bạn có thể phản tỉnh về điều này:

- Tôi đi lễ đều đặn nhưng tôi có ý thức mối dây hiệp thông với người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ trong xã hội không?

- Tôi thể hiện mối dây hiệp thông đó bằng những việc làm cụ thể nào?

- Tôi đi hành hương với mục đích gì? Tôi có ý thức việc đi hành hương giúp nuôi dưỡng đức tin của mình như thế nào không?

 

Trích Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7, Nxb Tôn Giáo, tháng 03/2023

WHĐ (07.08.2024)

Bài cùng chuyên mục:

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: bài 138 - Tình yêu thúc bách tôi (16/09/2024 14:40:51 - Xem: 34)

Xin quý Tu sĩ giải đáp cho con về việc làm sao mình có thể giữ lửa yêu mến đời tu như thủa ban đầu đến nhà dòng ạ? Bởi con đã ở nhà dòng và thấy lửa yêu mến Chúa không được mãnh liệt như hồi chớm nở ơn gọi.

5 sự thật thú vị về Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta (05/09/2024 08:50:20 - Xem: 536)

Mẹ Têrêsa đã được trao hơn 120 giải thưởng và danh hiệu, cả khi sinh thời lẫn sau khi qua đời. Trong đó có thể kể đến giải thưởng Padma Shri năm 1962

Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối (04/09/2024 08:11:45 - Xem: 405)

Thánh Phaolô viết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. Sự gia tăng của nội dung khiêu dâm tạo ra nhiều vấn đề mục vụ cho các linh mục.

Yêu Giáo hội của mình và của anh em mình (03/09/2024 14:18:24 - Xem: 179)

Chúng ta đến gần nhau ôm nhau, cùng hành hương, cùng phấn đấu trên một hành trình chung. Yêu Giáo hội của mình và yêu Giáo hội của người anh em.

Ý nghĩa và nguồn gốc Kinh Sáng Danh (29/08/2024 07:58:25 - Xem: 333)

Là người Công giáo, ai cũng thuộc Kinh Sáng Danh. Có lẽ sau Kinh Lạy Cha và Kính Mừng, Kinh Sáng Danh phải được xem là quan trọng.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: bài 136 - Nghe tiếng Chúa đích thực (25/08/2024 07:29:06 - Xem: 240)

Với niềm tin Kitô giáo - bằng con mắt đức tin, đôi tai đức tin ta có thể nghe được Thiên Chúa thầm thĩ với chính mình, nhìn thấy Ngài hiện diện trong cuộc sống của nhân loại.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: bài 137 - Kinh Thánh có gì hay? (18/08/2024 07:51:09 - Xem: 77)

Nếu được con hy vọng các thầy chia sẻ một chút về Kinh Thánh? Vì các bài học Kinh Thánh không được các Cha giảng nhiều nên kiến thức đọng lại cũng rất ít.

Khẩu hiệu trong linh đạo mục vụ của Giáo Hoàng Phanxicô (15/08/2024 07:38:18 - Xem: 265)

Sau khi được chọn làm giáo hoàng, Jorge Mario Bergoglio đã chọn khẩu hiệu này: “miserando atque eligendo”.

Thấy Thánh lễ nhàm chán? Phương pháp bảy bước giúp khắc phục điều đó (02/08/2024 08:37:10 - Xem: 554)

Nhiều bạn trẻ thật sự mong muốn tham dự Thánh lễ một cách ý nghĩa hơn, nhưng lại thấy khó tập trung và chú ý.

Ranh giới trong tình bạn giữa nam và nữ  (30/07/2024 08:45:22 - Xem: 600)

Vì sao tình bạn cần có ranh giới? Làm thế nào để chúng ta thiết lập những ranh giới đó? Chúng ta phải làm gì khi những ranh giới đó chưa được thiết lập hoặc bị vi phạm?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7