Đức Maria – Mẹ Giáo hội (Ngày 29/05)
- In trang này
- Lượt xem: 550
- Ngày đăng: 28/05/2024 14:52:35
Vào ngày 11 tháng 2 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định thêm vào lịch chung Rôma một lễ mới về Đức Mẹ, lễ Đức Maria - Mẹ Giáo hội. Trước đây lễ này đã được cử hành ở cấp độ địa phương tại một số giáo phận và dòng tu. Bây giờ lễ này được cử hành trong toàn thể Giáo hội hoàn vũ, và được ghi trong Nghi thức Sách Lễ Rôma. Lễ mới này không có ngày cố định trong năm Dương lịch, vì nó phụ thuộc vào chu kỳ lễ Phục sinh. Lễ được cử hành vào ngày thứ Hai sau Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Người ta có thể tự hỏi danh hiệu mới này của Đức Maria có nghĩa gì? Và tại sao chúng ta mừng lễ này? Như câu thành ngữ cổ: “de Maria numquam satis” (về Đức Maria, thì nói không bao giờ đủ). Lý do theo nhà Thánh Mẫu học, Linh mục Hugh Rahner, SJ, giải thích là vì “bất cứ điều gì được nói về sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, đều có thể được áp dụng theo nghĩa rộng đối với Giáo hội, theo nghĩa hẹp hơn đối với Đức Maria, và theo một cách cụ thể đối với mọi tâm hồn tín hữu.”
Có nhiều ý nghĩa thần học từ việc thiết lập lễ nhớ này. Những ý nghĩa đó bắt nguồn từ việc nhận biết Giáo hội là Thân thể của Chúa Kitô và vai trò của Đức Maria trong đời sống các tín hữu.
Vai trò của Đức Maria
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chính thức dành cho Đức Maria danh hiệu “Mẹ Giáo hội” khi bế mạc kỳ họp thứ III của Công Đồng Vatican II, vào năm 1964. Truy nguyên về nguồn gốc từ thế kỷ thứ IV với Thánh Ambrôsiô, thì tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” gợi lên mẫu tính thiêng liêng của Đức Mẹ, một đặc tính gắn liền với bản tính của Giáo hội.
Phần lớn quan điểm Giáo hội học của Công Đồng Vatican II, đặc biệt trong Hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium), được phát triển nhờ sự nhận biết cách phong phú về quan điểm thần học của Thánh Phaolô. Trong đó, các tín hữu nhận biết sự liên kết giữa họ với Đức Kitô như là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Ngài. Thánh Phaolô đã nói rõ ràng và hùng hồn về chân lý này, và đây cũng là chân lý mà Thánh Phaolô nhận biết trước tiên sau khi trở lại. Khi bị ngã xuống đất và bị mù lòa, Phaolô - Kẻ bắt bớ Kitô giáo lúc đó – nghe thấy một giọng nói hỏi mình: “Saul, Saul, tại sao ngươi lại bắt bớ Ta? (Cv 9: 4). Qua câu nói này, rõ ràng Đức Kitô đã xác định mối hiệp nhất nên một giữa Ngài với những người theo Ngài. Cả hai cùng tạo thành một khối, một thể thống nhất – đó là những gì mà Thánh Augustinô sau này mô tả là “Chúa Kitô toàn thể” (totus Christus) – vì Đức Kitô và người được rửa tội là một thân thể.
Thánh Augustinô đã áp dụng chân lý này vào bối cảnh Thánh Mẫu học một cách rất thích hợp: Đức Maria là “mẹ của những chi thể thuộc về Đức Kitô... những ai tin vào Ðức Kitô, vì được kết hợp chặt chẽ với Người, nhất là trong Bí tích Thánh Thể, thì cũng kết hợp với nhau nhờ đức ái, tạo thành một thân thể duy nhất là Giáo hội, có Đức Kitô là đầu... Đức Maria đã sinh ra Người Con Một, và Giáo hội sinh ra những người mà nhờ Người Con Một mà nên một”.
Vì Đức Maria là mẹ của Đức Kitô, và chúng ta là chi thể của thân thể Đức Kitô – tức Giáo hội – nên chúng ta cũng là con của Đức Maria. Lễ nhớ mừng mẫu tính của Đức Maria đối với Giáo hội được cử hành hàng năm là dịp để suy ngẫm về chân lý rất ý nghĩa này và những hệ lụy từ đó. Và cũng vì tầm quan trọng của mối liên hệ mẫu tính của Đức Maria đối với Giáo hội mà những nghị phụ của Công Đồng Vatican II đã quyết định để phần suy tư dài về Đức Maria ở trong Hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium), chớ không tách ra để viết thành một tài liệu riêng về Đức Mẹ.
Mẫu gương và sự trợ giúp cho Giáo hội
Sự liên kết của Đức Maria với Con mình là không thể tách rời. Lễ nhớ mới này cũng thúc đẩy lòng sùng kính Đức Mẹ, bởi vì lễ này giúp chúng ta hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho cả nhân loại, đặc biệt là các tín hữu. Mẹ là chi thể “ưu tú nhất... và nguyên tuyền nhất của Giáo hội” (LG, số 53).
Thiên chức làm mẹ của Đức Maria được tìm thấy trong sự vâng lời, đức tin, đức cậy và đức ái của Mẹ. Những đặc điểm này là mảnh đất màu mỡ, ở đó Lời Chúa được gieo vào và trổ sinh sự sống dồi dào. Sự sống siêu nhiên đã đến với thế giới qua tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ. Đó là tiếng thưa đem lại sự sống mới cho thế giới. Do đó, Đức Maria là Evà mới. Như sự chết đã đến thế giới qua Evà củ thế nào, thì sự sống đã đến thế giới qua Evà mới như vậy.
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng, “với mẫu tính trong Chúa Thánh Thần, Đức Maria ôm lấy từng người trong Giáo hội, và ôm lấy từng người qua Giáo hội. Theo nghĩa này, Đức Maria – Mẹ Giáo hội cũng là gương mẫu của Giáo hội” (Redemptoris Mater, số 47).
“Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn.” (LG, số 61). Vì toàn bộ cuộc đời của Đức Maria là một niềm ước mong của các tín hữu, nên Đức Mẹ lôi cuốn chúng ta đến với ơn cứu rỗi. Đồng thời, qua tấm gương và sự chuyển cầu từ thiên đàng, Đức Mẹ giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và biết làm điều tốt. Mẹ không mong muốn gì khác hơn, ngoài ước mong dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ.
Sự mẫu mực trong đức vâng phục, đức tin, đức cậy và đức ái được tỏ bày nơi Đức Maria cũng cần được tỏ bày nơi các Kitô hữu. Hay nói một cách đơn giản như Chúa Giêsu: “Đúng hơn phải nói: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc 11:28).
Nhờ sự vâng lời của Đức Maria, Giáo hội có một gương mẫu để sống theo ý muốn của Chúa Cha. Nhờ đức tin của Mẹ, Giáo hội học được cách đưa Đức Kitô đến với thế giới. Nhờ đức cậy của Mẹ, Giáo hội học được cách trông cậy vào Chúa (xem Tv 130: 5). Và nhờ đức ái của Mẹ, Giáo hội học được con đường cứu rỗi.
Các Kitô hữu đã hướng về Đức Maria vì những ân sủng đặc biệt và sự chuyển cầu từ thiên đàng của Mẹ trong suốt nhiều thế kỷ, “đã được Giáo hội kêu cầu với nhiều danh hiệu như Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” (LG, số 62). Việc thiết lập lễ Đức Maria – Mẹ Giáo hội mang đến một cơ hội nữa cho các chi thể trong thân thể Con của Mẹ, hân hoan kêu cầu trong tình yêu mẹ hiền của Mẹ - Đấng là gương mẫu và sự trợ giúp của chúng ta.
Bản văn phụng vụ
Lễ Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh
***
Kính thưa quý cha và anh chị em,
Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích đã thiết lập Lễ Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Hội Thánh và lần đầu tiên được đưa vào sổ bộ các lễ nhớ, ấn định vào Thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bản dịch của Uỷ ban Phụng tự để quý cha và anh chị em sử dụng. Kính chúc mọi người luôn kết hợp với Người Mẹ Thánh để nhận dồi dào ơn Chúa Thánh Thần.
***
Thứ Hai sau lễ Hiện Xuống
Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh
Lễ nhớ
Ca nhập lễ : x. Cv 1, 14
Các môn đệ đồng tâm kiên trì cầu nguyện cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa là Cha hay thương xót,
khi chịu treo trên thập giá,
Con Một Chúa đã trao ban Đức Trinh Nữ Maria,
thân mẫu Người, làm Mẹ chúng con,
nhờ có Đức Mẹ yêu thương trợ giúp,
xin cho Hội Thánh Chúa đang ngày càng thêm đông số,
được mừng vui vì sự thánh thiện của con cái,
và dẫn đưa tất cả muôn dân nhập đoàn cùng Hội Thánh Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con,
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thương chấp nhận
và biến đổi của lễ chúng con dâng thành bí tích cứu độ,
xin cho lòng chúng con cũng cháy bừng lửa yêu mến
như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh,
và ước chi sức mạnh của bí tích này
thúc đẩy chúng con cộng tác mật thiết hơn vào công trình cứu chuộc.
– Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Kinh Tiền tụng: Đức Maria là khuôn mẫu và là Mẹ của Hội Thánh.
Chúa ở cùng anh chị em.
Đ. Và ở cùng cha.
Hãy nâng tâm hồn lên.
Đ. Chúng con đang hướng về Chúa.
Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Đ. Thật là chính đáng.
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Mỗi khi kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, chúng con dâng lời ngợi khen tung hô Chúa.
Khi đón nhận Lời Chúa với tâm hồn trong trắng, Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời trong cung lòng khiết trinh,và khi hạ sinh Đấng thiết lập Hội Thánh, Mẹ đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh.
Khi đứng bên thập giá, Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương của Con Chúa,và đã nhận tất cả mọi người làm con,những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên nhờ cái chết của Đức Kitô.
Khi cùng các Tông đồ trông đợi Đấng Chúa hứa ban, Mẹ đã hợp với các ngài tha thiết khẩn cầu, và nên mẫu gương cho một Hội Thánh không ngừng cầu nguyện.
Khi được đưa lên cõi vinh quang thiên quốc, Mẹ vẫn lấy lòng từ mẫu dõi theo Hội Thánh đang còn lữ hành, và ân cần phù trợ Hội Thánh trên đường về quê trời, cho tới ngày Chúa Kitô ngự đến trong vinh quang.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các Thánh,chúng con hợp tiếng ca ngợi Chúa và tung hô rằng:
Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh,…
Ca hiệp lễ : x. Ga 2, 1. 11
Có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa, và có mẹ Chúa Giêsu ở đó; bấy giờ Chúa Giêsu đã làm dấu lạ
đầu tiên và đã tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ đã tin Người.
Hoặc : x. Ga 19, 26-27
Lúc bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu nói với môn đệ Người yêu: Này là Mẹ con.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa,
chúng con vừa lãnh nhận bảo chứng ơn cứu chuộc và sự sống,
xin cho Hội Thánh Chúa,
nhờ sự trợ giúp của Thánh mẫu Maria,
luôn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng
cho các dân tộc và làm cho địa cầu được đầy tràn Chúa Thánh Thần.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Bài đọc I: St 3,9-15.20
“Mẹ của toàn thể chúng sinh”
Bài trích sách Sáng thế
Sau khi Ađam ăn trái cấm, Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông và nói cùng ông rằng: “Ngươi ở đâu vậy?”
Ông thưa: “Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con ẩn núp”.
Chúa hỏi ông: “Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần truồng? Có phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi ăn không?”
Ađam thưa: “Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với con, chính bà ấy đã cho con trái cây và con đã ăn”.
Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi làm điều đó?”
Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con, và con đã ăn”.
Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi súc vật và thú hoang! Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi đất suốt đời mi. Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà, người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cắn gót chân người”. Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh. Ðó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 86 (87) 1-2.3 và 5.6-7
Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành
1) Nền móng Sion được đặt trên núi thánh, Chúa yêu chuộng cửa thành hơn mọi nơi cư ngụ của nhà Giacob. Hỡi thành đô của Thiên Chúa. Mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành. – Đ
2) Nói đến Sion, thiên hạ bảo: “Tại đó, người người đã sinh ra, chính Ðấng Tối Cao củng cố thành”. – Ð.
3) Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đã sinh ra tại đó”, và họ múa nhảy hát ca: “Mọi nguồn mạch của tôi ở nơi thành”. – Ð.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! – Kính chào Ðức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Ðấng giữ gìn trong chúng con Thần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô. Alleluia!
PHÚC ÂM: Ga 19: 25-34
“Đây là mẹ của anh”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Đó là lời Chúa.
Bài cùng chuyên mục:
Danh sách các Thánh Tử Đạo Việt Nam xếp theo ngày lễ (29/06/2028 11:30:38 - Xem: 3,692)
Tại Việt Nam, có nhiều kitô hữu đã hy sinh mạng sống làm chứng cho Tin Mừng và đức tin. Có 117 vị đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 19.6.1988, gồm
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Ngày 8 tháng 12) (07/12/2024 08:03:00 - Xem: 4,712)
Maria sống ở làng quê Nazarét ,miền Bắc nước Palestina. Lớn lên như mọi người con gái thời đó , Maria đã đính hôn với Giuse , làm nghề thợ mộc ở làng Nagiarét,thuộc dòng dõi vua Đavít.
Thánh Ambrôsiô – Giám mục và tiến sĩ Hội Thánh (Ngày 07-12} (06/12/2024 08:54:18 - Xem: 508)
Thánh Ambrôsiô chào đời khoảng năm 339 tại Augusta Trevororum. Cha Ngài, ông Aurlio Ambrôsiô làm tổng trấn xứ Gauules và là nghị sĩ viện quí tộc.
Thánh Phanxicô Xaviê,linh mục (Ngày 3 tháng 12) (02/12/2024 07:47:49 - Xem: 5,056)
Thánh Phanxicô Xaviê được mệnh danh là Phaolô thế kỷ XVI.Thánh nhân có tinh thần truyền giáo cao độ. Ngài luôn hướng tới Chúa và yêu mến các linh hồn.
Thánh Anrê tông đồ (Ngày 30/11) (29/11/2024 07:20:52 - Xem: 5,655)
Theo tiếng Hy Lạp,Anrê có nghĩa là trượng phu và thanh nhã.Thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Anrê và một tông đồ khác với Chúa Giêsu.
Thánh An-rê Dũng Lạc và các Bạn Tử Đạo, Việt Nam(24/11) (23/11/2024 07:17:53 - Xem: 5,095)
Người ta ước lượng rằng, trong suốt nhiều thế kỷ mà Giáo hội Công giáo tại Việt Nam bị bách hại, có khoảng 130.000 tín hữu đã phải hy sinh mạng sống...
Thánh Cơ-Lê-Men-Tê I, giáo hoàng, tử đạo (Ngày 23/11) (22/11/2024 07:15:36 - Xem: 4,529)
Thánh Cơ-lê-men-tê I, giáo hoàng là một nhân chứng của Chúa Giêsu Kitô vào cuối thế kỷ thứ nhất.
Thánh Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo (Ngày 22/11) (21/11/2024 07:12:08 - Xem: 4,775)
Thánh Xê-xi-li-a là một trong muôn vàn thánh đã bảo vệ đức khiết tịnh của mình đến nỗi đã trở nên con người anh hùng, đã hân hoan được phúc tử vì đạo.
Ðức Mẹ dâng mình trong Ðền Thờ(Ngày 21/11) (20/11/2024 08:08:45 - Xem: 4,845)
Mẹ Maria đã thực hiện tập tục, truyền thống của người Do Thái là dâng hiến tuổi thơ mình cho Thiên Chúa Giavê trong đền thánh.
Thánh ELISABETH Nước Hungaria (Ngày 17/11) (16/11/2024 08:17:06 - Xem: 3,993)
Em bé 4 tuổi mặc ái nhung đeo vàng, người ta dẫn tới Thuringia, là con vua Hungaria. Tên Ngài là Elisabeth và vừa được đính hôn với hoàng tử Luy
-
+ Chúa Nhật 08/12/2024 – CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG năm C. – Dọn đường cho Chúa.
08/12 – CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG năm C.
- Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến...
- Thứ Sáu đầu tháng, tuần 1 mùa...
-
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận
Các Giáo Phụ Sa Mạc khuyên chúng ta điều gì để hướng dẫn đời sống thiêng liêng của chúng ta, trong những hoàn cảnh rất cụ thể của cuộc...
-
Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 mùa Vọng năm C - 2024
Chúng ta tưởng tượng xã hội sẽ tốt đẹp biết bao khi mỗi người chúng ta tích cực sống sứ điệp Mùa Vọng “sửa con đường nội tâm cho thẳng”...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 mùa Vọng năm C - 2024
Trong Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi hãy làm lại con đường của lòng mình: phải sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng,...
-
Mầu nhiệm của Mùa Vọng
Thiên Chúa đã đón nhận những lời nguyện cầu của Dân Chúa, nên vào thời viên mãn, Người đã sai Con Một rất thánh xuống trần gian và chính...
-
Viết cho các tân linh mục
Từ ngày anh em chịu chức, anh em sẽ được gọi là “cha”. Thân thương! Lý do là những người đến với anh em, không chỉ vì anh em có quyền cao...
-
Lời Chúa có quan trọng đối với Bạn không?
Với 7 câu hỏi sau đây bạn có thể tự phản tỉnh về tầm quan trọng của Lời Chúa đối với bạn như thế nào.
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ
Mỗi khi gặp thầy, con thấy rất vui, và nhiều khi nghĩ về thầy. Nhiều lúc con còn bất giác tưởng tượng con có thể ôm thầy, nắm tay thầy...
-
Gia vị cho bài giảng CN 1 mùa Vọng năm B - 2024
Trong Mùa Vọng, chúng ta nghĩ đến ý nghĩa thiêng liêng cho sự chờ đợi: hướng lòng về biến cố quang lâm của Chúa Kitô, Đấng Messia. Phần...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 1 mùa Vọng năm B - 2024
Người tỉnh thức luôn biết hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức.
-
Sự dịu dàng là bí mật của lòng chung thủy
Linh mục François Potez đồng hành với các cặp chuẩn bị hôn nhân trong suốt 35 năm, theo linh mục sự dịu dàng là chìa khóa của tình chung...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất