Năm Thượng HĐGM Thứ 16

Đức Giêsu Kitô - Đường Thượng Tế Tối Cao

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,029
  • Ngày đăng: 04/05/2021 08:52:28

Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022:
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (17)

 

 

Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 05 năm 2021

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ: ĐƯỜNG THƯỢNG TẾ TỐI CAO

 

+ Pet. Nguyễn Văn Viên

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng 4 vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Chiên Thiên Chúa. Tháng 5 này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Thượng Tế Tối Cao. Trong chương trình của Thiên Chúa, mặc khải đạt đỉnh điểm nơi Biến Cố Đức Giê-su. Với Biến Cố này, Đức Giê-su diễn tả mình như là Chiên Thiên Chúa và là Thượng Tế Tối Cao. Người là Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Nhờ đó, chúng ta được giải phóng khỏi tội lỗi, thoát ách sự chết và chung hưởng sự sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. 

 

Trong bối cảnh Cựu Ước, tư tế (ἱερεὺς) thường được hiểu như là người thánh thiện hoặc người được tuyển chọn để chuyên lo việc thánh. Tư tế đóng vai trò trung gian cho những người khác trong việc phụng tự tôn giáo. Họ phục vụ và gìn giữ Hòm Bia Giao Ước cũng như thực thi các nghi thức phụng tự khác nhân danh toàn thể mọi người. Tuổi tác của họ bị giới hạn trong khoảng 30-50 (Ds 4,23). Nhiều tước hiệu của Đức Giê-su được diễn tả trong các sách Kinh Thánh, tuy nhiên, tước hiệu Người là Thượng Tế (ἀρχιερεὺς) chỉ được đề đến trong thư gửi tín hữu Do-thái. Hơn nữa, đối với tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, Đức Giê-su không chỉ là Tư Tế hay Thượng Tế mà còn là Thượng Tế Tối Cao (hay Thượng Tế Siêu Phàm): "Chúng ta có một vị Thượng Tế Siêu Phàm" [Ἔχοντες οὖν ἀρχιερέα μέγαν] (Dt 4,14). Người trổi vượt hơn tất cả các thượng tế trong Cựu Ước. Nói cách khác, Đức Giê-su cao cả hơn A-ha-ron cũng như tất cả các tư tế hay thượng tế khác trong dòng lịch sử cứu độ.

 

Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Áp-ra-ham (khi còn mang tên là Áp-ram) chiến đấu với quân của vua Cơ-đo-la-ô-me cũng như nhiều vua khác và cứu được cháu mình là ông Lót từ tay quân thù. Trên đường trở về, Áp-ra-ham gặp Men-ki-xê-đê (מַלְכִּי־צֶדֶֿק), vua thành Sa-lem (vua hòa bình) và là tư tế của Thiên Chúa, tư tế đầu tiên được đề cập trong Cựu Ước. Men-ki-xê-đê chúc phúc cho Áp-ra-ham và Áp-ra-ham đã chia cho Men-ki-xê-đê một phần mười chiến lợi phẩm của mình. Áp-ra-ham biểu lộ cử chỉ quảng đại đó nhằm tỏ lòng hiếu thảo đối với Men-ki-xê-đê và qua đó tạ ơn Thiên Chúa (St 14,17-24). Trong Tân Ước, tên của Men-ki-xê-đê được đề cập trong thư gửi tín hữu Do-thái, chẳng hạn như Dt 5,6; Dt 6,20; Dt 7,1.

 

Chủ đề chính yếu của thư gửi tín hữu Do-thái trả lời cho chúng ta câu hỏi: 'Tại sao Đức Giêsu là Thượng Tế Tối Cao?'. Để có được bức tranh đầy đủ hơn về tước hiệu này, chúng ta hãy tìm hiểu phẩm vị và chức năng của thượng tế. Trong phụng vụ Cựu Ước, thượng tế thể hiện căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình trong việc tế tự, đặc biệt vào nơi Cực Thánh (Inner sanctum; the Holy of Holies). Hơn các tư tế khác, mỗi năm một lần, vị thượng tế vào nơi Cực Thánh để dâng hương và rảy máu chiên hiến tế xung quanh bàn thờ. Mục đích chính là diễn tả tâm tình cung kính, cảm tạ và xin ơn tha thứ tội lỗi cho mình cũng như cho dân mà mình đại diện. Trong văn hóa Do-thái, có nhiều tư tế (khoảng 7.200 vị, chia ra làm 24 nhóm thay nhau phục vụ Đền Thờ), nhưng luôn luôn chỉ có một thượng tế. Vị này là thủ lãnh tôn giáo của dân, là thừa tác viên chính trong phụng tự ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, và chủ tọa Thượng Hội Đồng Do-thái gồm 71 thành viên. Hơn nữa, theo các học giả Kinh Thánh, vào thời Hê-rô-đê, vai trò của thượng tế không thuần túy là vai trò tôn giáo mà còn là chính trị nữa, bởi vì những người cầm quyền có tiếng nói trong việc tuyển chọn thượng tế.  

 

Theo tác giả sách Đệ Nhị Luật, con cái chi tộc Lê-vi (một trong mười hai người con trai của Gia-cóp) được chọn và dành riêng để phụng thờ Thiên Chúa và nhân danh Thiên Chúa chúc phúc cho dân chúng (Đnl 21,5). Sau khi dân Do-thái thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập và đi vào sa mạc, Đức Chúa phán với Mô-sê: “Hãy tách A-ha-ron, anh ngươi, và các con ông ra khỏi hàng ngũ con cái Ít-ra-en, để ông ở bên cạnh ngươi mà thi hành chức tư tế phục vụ Ta” (Xh 28,1); "Ngươi cũng xức dầu cho A-ha-ron và các con ông; ngươi sẽ thánh hiến họ làm tư tế phục vụ Ta" (Xh 30,30). Do đó, khi nói đến truyền thống tư tế trong lịch sử Do-thái, người ta sẽ nhắc đến việc thiết lập chức tư tế bắt đầu với A-ha-ron. Theo Kinh Thánh Cựu Ước, Mô-sê, A-ha-ron, Sa-mu-en, Ê-dê-ki-en, Ma-la-khi thuộc chi tộc Lê-vi. Về quyền sở hữu, trong khi những người thuộc các chi tộc khác phát xuất từ Gia-cóp được phân chia đất đai để canh tác, những người thuộc chi tộc Lê-vi thì không: "Ông Mô-sê không cho chi tộc Lê-vi được hưởng gia nghiệp. Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, là gia nghiệp của họ, như lời Người đã phán với họ" (Gs 13,33). Những người thuộc chi tộc Lê-vi có trách nhiệm phục vụ bàn thờ với các công việc như ca hát, đệm nhạc khí, giữ cửa và bảo quản Đền Thờ, nên họ được hưởng hoa lợi từ sự đóng góp của mười một chi tộc khác, đồng thời, họ cũng được hưởng những của lễ sau khi dâng tiến. Hơn nữa, những người thuộc chi tộc Lê-vi cũng thi hành tác vụ làm cầu nối để giải quyết những căng thẳng, bất đồng trong cộng đồng Do-thái.

 

Vị thượng tế có nhiều công việc liên quan đến chức vụ, tuy nhiên, việc quan trọng nhất là phục vụ trong ngày Lễ Xá Tội - Yom Kippur (יום כיפור, Day of Atonement), mục đích là phục hồi tương quan mật thiết với Thiên Chúa, tương quan bị biến dạng, méo mó vì tội lỗi của con người. Trước đó, trong thời gian ở sa mạc, vị thượng tế vào Lều Tạm (Tabernacle) để dâng của lễ đền tội cho mình và cho người khác (Lv 16,6; Lv 16,11). Khi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được xây dựng, vị thượng tế vào nơi Cực Thánh mang theo máu làm của lễ đền tội. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: "Các tư tế thường xuyên vào lều thứ nhất để cử hành việc phụng tự. Còn lều thứ hai, thì chỉ một mình vị thượng tế mới được vào mỗi năm một lần, đem theo máu để dâng làm của lễ đền tội cho chính mình và cho dân" (Dt 9,6-7).

 

Đức Giê-su Thượng Tế khác biệt với các thượng tế trong lịch sử Do-thái về căn tính, đời sống cũng như sứ mệnh. Khi nói về các thượng tế khác, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái cho chúng ta biết: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Dt 5,1). Nói cách khác, thượng tế nào cũng được chọn giữa dân chúng để đại diện cho những người khác dâng lễ tế cho Thiên Chúa. Vị thượng tế ý thức về những yếu đuối, bất xứng của chính mình cũng như những người khác, do đó, vị thượng tế dâng lễ tế đền tội cho người khác thế nào thì cũng cho mình như vậy. Đức Giê-su là Thượng Tế cao trọng, Người không được tuyển chọn theo cách thức tuyển chọn các tư tế khác trong lịch sử Do-thái: “Không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Dt 5,5). Hơn tất cả các thượng tế khác trong lịch sử Do-thái, Đức Giê-su thấu hiểu những yếu đuối, đớn đau, khổ cực của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại (Dt 4,15).

 

Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, 'được sinh ra mà không phải được tạo thành'. Tuy nhiên, vì con người và cho con người, Đức Giê-su đã nhập thể và sinh bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,17-18). Sự hiện diện của Đức Giê-su trên trần gian là bởi Chúa Thánh Thần và quyền năng của Đấng Tối Cao (Lc 1,35). Khi trở thành Thượng Tế, Đức Giê-su chính là Thượng Tế với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và quyền năng của Đấng Tối Cao. Do đó, hiệu quả sứ mệnh Đức Giê-su siêu việt hơn hiệu quả sứ mệnh các thượng tế khác trong lịch sử. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, Đức Giê-su là Thượng Tế của 'thời sau hết' (Dt 1,1-2). Bởi vì, Người là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong thế giới thụ tạo, trong không gian, thời gian để đưa những gì thuộc thế giới thụ tạo, thuộc không gian, thời gian về với Thiên Chúa. Nói cách khác, thời của Đức Giê-su là 'thời sau hết', 'thời viên mãn', 'thời cánh chung'.

 

Đức Giê-su chịu đóng đinh gần Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Mát-thêu cho chúng ta biết khi Đức Giê-su chịu chết: “Bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ” (Mt 27,51). Đây là bức màn ngăn cách nơi thánh (nơi các tư tế thi hành tác vụ) và nơi Cực Thánh (nơi chỉ có vị thượng tế mới được vào mỗi năm một lần để xin ơn tha thứ tội cho tất cả mọi người). Bức màn trướng xé làm hai và đất rung đá vỡ là hình ảnh kết thúc phụng vụ Cựu Ước và khai mở phụng vụ Tân Ước, phụng vụ trong đó Đức Giê-su nhân danh toàn thể nhân loại thiết lập Giao Ước Vĩnh Cửu. Giao Ước này vẫn tiếp tục được thực hiện và đem lại hiệu quả trong hành trình trần thế cho đến khi Thiên Chúa qui tụ muôn vật muôn loài trong Đức Giê-su ở thời cánh chung. Từ nay, con người tiếp cận Thiên Chúa ‘nhờ Đức Giê-su, với Đức Giê-su và trong Đức Giê-su'. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Nhờ máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa” (Dt 10,19-21). Từ nay, con người không cần phải mò mẫm tìm đường cho mình vào nơi Cực Thánh để gặp gỡ Thiên Chúa nữa, bởi vì Đức Giê-su là Đường, Đường Thượng Tế Tối Cao.

 

Vì yêu thương, Đức Giê-su đã đổ máu mình ra để rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái minh định: "Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta" (Dt 9,12); “Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14); “Chiếu theo Lề Luật, hầu hết mọi sự đều được thanh tẩy bằng máu. Không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ” (Dt 9,22). Như vậy, máu chiên bò chỉ là hình ảnh, còn Máu Đức Giê-su là thực tại của sự tha thứ tội lỗi. Theo thánh Gio-an tông đồ, khi Đức Giê-su đã chết trên cây thập giá, một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn xuyên thấu tim Người, Máu cùng Nước chảy ra (Ga 19,34). Đây là hình ảnh khơi nguồn các bí tích trong Giáo Hội, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Rửa Tội.

 

Hiến tế của Đức Giê-su khác biệt với các hiến tế theo truyền thống và lề luật Cựu Ước bởi vì hiến tế theo truyền thống và lề luật Cựu Ước có sự phân biệt rõ ràng giữa tư tế, của lễ và bàn thờ. Trong hiến tế của Đức Giê-su, Người vừa là Thượng Tế, vừa là Của Lễ, vừa là Bàn Thờ. Thư gửi tín hữu Do-thái lặp lại trọng tâm của nghi thức tế tự theo truyền thống trong Biến Cố Đức Giê-su. Tuy nhiên, ở đây có sự cao trọng vượt bậc về phẩm vị thượng tế, của lễ và bàn thờ. Bởi vì, Đức Giê-su là Thượng Tế Tối Cao hiến tế chính mình cho toàn thể nhân loại. Như thế, không có sự thay đổi về cách thức diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và con người: Cách thức đó bao gồm thượng tế, của lễ và bàn thờ. Tuy nhiên, sự khác biệt căn bản là tất cả những gì tham dự trong phụng vụ hiến tế đều qui tụ và hoàn thành nơi Đức Giê-su. Điều này thật phi thường, vượt quá sự hiểu biết của những người Do-thái xưa kia cũng như tất cả mọi người qua muôn thế hệ. Đức Giê-su vừa đền tội thay cho nhân loại, vừa hòa giải nhân loại với Thiên Chúa, và trong Chúa Thánh Thần, Người tiếp tục chương trình đó cho đến tận thế.

 

Đức Giê-su không chỉ là Thượng Tế, Của Lễ và Bàn Thờ, mà còn là 'Đền Thờ'. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này” (Dt 9,11). Theo thánh Gio-an Kim Khẩu và nhiều nhà chú giải Thánh Kinh sau này, cái lều lớn hơn không thuộc thế giới thụ tạo là thân thể phục sinh của Người. Thánh sử Gio-an cho chúng ta biết rằng khi Đức Giê-su vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thì thấy nhiều người bán chiên, bò, bồ câu hay trao đổi tiền tệ, Người đã xua đuổi họ ra khỏi Đền Thờ. Khi người Do-thái đòi hỏi Đức Giê-su thực thi dấu lạ để minh chứng quyền năng của Người. Đức Giê-su đã nói với họ: "Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại" (Ga 2,19)Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?" (Ga 2,20). Thánh Gio-an viết: “Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,21).

 

Vị Thượng Tế Tối Cao ở giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa” (Dt 4,14). Trong lịch sử Do-thái, việc tế tự được thực hiện trong Lều Tạm hay Đền Thờ đều bị giới hạn. Hiến tế của Đức Giê-su trên thập giá là hiến tế 'vô giới hạn', hiến tế 'vô tiền khoáng hậu'. Đức Giê-su chịu đóng đinh ở trên đồi, mọi người đều nhìn thấy. Hơn nữa, trên thập giá Đức Giê-su, Phi-la-tô cho viết tấm bảng với dòng chữ 'Giê-su Na-da-rét, vua dân Do-thái' bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Đây được xem là những ngôn ngữ đại diện cho muôn dân muôn nước thời bấy giờ. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Đức Ki-tô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24).

 

Vị thượng tế của dân Do-thái là người duy nhất vào nơi Cực Thánh và hành động nhân danh toàn thể con cái Do-thái để chúc tụng, cảm tạ và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đức Giê-su là Thượng Tế Tối Cao cũng đã vào nơi Cực Thánh không phải do con người làm nên, nhưng là nơi Cực Thánh của Thiên Chúa. Người đã vào nơi mà Người trực tiếp gặp gỡ Thiên Chúa Cha và 'Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha'. Như vậy, với Biến Cố Đức Giê-su, nơi Cực Thánh của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem không còn cần thiết nữa. Nơi Cực Thánh của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là biểu tượng của nơi Cực Thánh đích thực mà Đức Giê-su hiện diện. Nơi Cực Thánh đó không chỉ cho dân Do-thái mà còn cho tất cả mọi người (Dt 7,25). Nơi Cực Thánh Đức Giê-su vào là nơi Cực Thánh của Nước Thiên Chúa (Dt 7,26-28). Thực ra, Đức Giê-su đã từ nơi Cực Thánh của Thiên Chúa đến với gia đình nhân loại và chương trình cứu độ của Người đạt đỉnh điểm nhờ sự đau khổ, sự chết và phục sinh của Người. Như vậy, ngoài Đức Giê-su, không ai có thể cho nhân loại biết đâu là nơi Cực Thánh đích thực mà con người cần phải hướng tới.

 

Đức Giê-su không chỉ là Thượng Tế Tối Cao trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng là Thượng Tế Tối Cao vĩnh cửu. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Trong dòng tộc Lê-vi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,23-25). Hiến tế của Thượng Tế Tối Cao diễn ra trong thời gian, nhưng vượt trên thời gian. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái giải thích: "Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình" (Dt 9,26)Hơn nữa, cũng theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xóa bỏ được tội lỗi. Còn Đức Ki-tô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời” (Dt 10,11-12).

 

Một mặt, chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su ngự bên hữu Thiên Chúa Cha để cầu cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại: “Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,25). Mặt khác, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái cũng cho chúng ta biết: “Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xóa bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người” (Dt 9,28). Chúng ta cảm tưởng như có mâu thuẫn giữa Dt 7,25 và Dt 9,28, tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu rằng Đức Giê-su vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi tới muôn đời thì vấn đề thời gian chỉ thuộc về con người, thuộc về thế giới thụ tạo mà thôi (Dt 13,8). Quả thật, Đức Giê-su đã đến, đang đến và sẽ đến. Biến cố Người hiện diện trong lịch sử nhân loại từ nhập thể tới phục sinh là biến cố 'đã và chưa/rồi mà chưa' (already and not yet; déjà et pas encore). Lần thứ nhất, Đức Giê-su đến trong xác phàm để tham dự những đau khổ, sự chết của con người. Lần thứ hai, Đức Giê-su đến trong vinh quang để qui tụ muôn loài muôn vật. Nói cách ngắn gọn hơn, lần thứ nhất, Đức Giê-su đến để tham dự, chia sẻ thân phận con người, để khởi đầu công trình cứu độ; lần thứ hai, Đức Giê-su đến để qui tụ, để hoàn thành chương trình cứu độ. Hôm nay, trong mọi giây phút của lịch sử nhân loại, lịch sử thế giới thụ tạo, Đức Giê-su luôn hiện diện và đồng hành với con người cũng như muôn vật muôn loài.  

 

Trong lịch sử các tôn giáo nói chung và Do-thái Giáo nói riêng, chưa có hình thức phụng tự nào tương tự như hình thức phụng tự được Đức Giê-su thực hiện. Trong Do-thái Giáo, các tư tế và thượng tế thuộc chi tộc Lê-vi dâng chiên làm của lễ, còn Đức Giê-su dâng mình là Chiên Thiên Chúa làm của lễ. Thánh Phao-lô quả quyết: "Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta" (1 Cr 5,7). Phẩm phục của A-ha-ron và các tư tế theo phẩm trật Lê-vi thật uy nghi, rực rỡ, sang trọng. Túi đeo trước ngực, áo ê-phốt, áo khoác, áo dài thêu, mũ tế và đai lưng được diễn tả cách kỹ lưỡng (Xh 28,1-43). Đức Giê-su không có bất cứ phẩm phục nào tương tự như các tư tế hay thượng tế theo phẩm trật Lê-vi. Cao điểm của hiến tế Đức Giê-su là Người chết trần truồng trên thập giá. Hơn nữa, các tư tế và thượng tế của Do-thái được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi trên con cháu của các chi tộc khác cũng như của lễ đã dâng tiến, còn Đức Giê-su không hưởng đặc quyền đặc lợi gì cả, Người luôn cho đi, cho đi và cho đi. Người cho đi đến nỗi không còn giọt máu nào trong trái tim nữa, bởi vì trái tim Người đã bị đâm thủng.

 

Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, Đức Giê-su là Thượng Tế Tối Cao theo phẩm trật Men-ki-xê-đê chứ không theo phẩm trật Lê-vi. Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng Men-ki-xê-đê là một nhân vật huyền bí. Về phương diện nhân loại, Đức Giê-su xuất thân từ chi tộc Giu-đa chứ không phải từ chi tộc Lê-vi. Người là Trung Gian của Giao Ước Mới theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê (Dt 7,17). Đức Giê-su là Thượng Tế không theo kiểu cha truyền con nối, nghĩa là không xuất phát từ chi tộc Lê-vi. Nếu như Men-ki-xê-đê là nhân vật huyền bí đối với dân Do-thái, thì Đức Giê-su đã 'đụng chạm' và gần gũi tất cả mọi người, nhất là những người đau yếu, nghèo khổ, bị bỏ rơi trong xã hội. Các tư tế nói chung và các thượng tế nói riêng trong lịch sử Do-thái được Thiên Chúa kêu gọi để thi hành tác vụ và không ai trong họ được gọi là 'thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê'. Chỉ Đức Giê-su mới được Thiên Chúa gọi như thế (Dt 5,6). Men-ki-xê-đê là hình bóng của Đức Giê-su, Thượng Tế Tối Cao để 'nhờ Người, với Người và trong Người', Thiên Chúa cứu độ và giải thoát tất cả mọi người khỏi gông cùm tội lỗi, đau khổ và sự chết.

 

Như vậy, dưới nhãn quan của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, nhờ Đức Giê-su, khoảng cách giữa thượng tế và của lễ được lấp đầy, bởi vì Đức Giê-su vừa là Thượng Tế vừa là Của Lễ (vừa là Đấng Tế Lễ vừa là Chiên Thiên Chúa). Nhờ Đức Giê-su, khoảng cách giữa thượng tế và phần còn lại bao gồm tư tế và thường dân được lấp đầy bởi vì không chỉ có vị thượng tế mới được vào nơi Cực Thánh mà tất cả mọi người đều được vào đó. Nhờ Đức Giê-su, khoảng cách của các phần Đền Thờ như hành lang, nơi thánh và nơi Cực Thánh cũng như nhiều phân vùng khác được lấp đầy bởi vì không có gì ngăn cách nữa. Nhờ Đức Giê-su, khoảng cách giữa các dịp vào nơi Cực Thánh được lấp đầy bởi vì tất cả mọi người được mời gọi vào nơi Cực Thánh bất cứ lúc nào. Nhờ Đức Giê-su, không gian của nơi Cực Thánh được lấp đầy bởi vì tâm hồn con người trở thành nơi Cực Thánh, nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Nhờ Đức Giê-su, khoảng cách giữa người thánh thiện và kẻ tội lỗi được lấp đầy bởi vì tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh. Nhờ Đức Giê-su, khoảng cách giữa dân Do-thái (Dân Chúa) và dân ngoại được lấp đầy bởi vì tất cả mọi người đều được mời gọi trở thành Dân Chúa. Nhờ Đức Giê-su, khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người được lấp đầy, bởi vì Đức Giê-su vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật. Tắt một lời, nhờ Đức Giê-su, Đường Thượng Tế Tối Cao, con người đạt được sự hòa giải trọn vẹn với Thiên Chúa.

 

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa phán: "Các người đóng trại trước Nhà Tạm ở phía đông, nghĩa là trước Lều Hội Ngộ, hướng mặt trời mọc, là ông Mô-sê, ông A-ha-ron và các con ông này, là những người có trách nhiệm trông coi thánh điện thay cho con cái Ít-ra-en; còn ai khác mà tới gần sẽ phải chết" (Ds 3,38). Theo sách Lê-vi: "Đức Chúa phán với ông Mô-sê sau khi hai người con của ông A-ha-ron chết; chúng đã chết khi lại gần Đức Chúa" (Lv 16,1). Còn tác giả thư gửi tín hữu Do-thái mời gọi chúng ta: "Hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần" (Dt 4,16). Với Đức Giê-su, ai cũng có thể tới gần Thiên Chúa, bởi vì Người là Đấng Bảo Trợ cho tất cả mọi người (1 Ga 2,1). Với Đức Giê-su, không ai tội lỗi hay bất xứng đến mức không thể tiếp cận Thiên Chúa. Thánh Phê-rô viết: “Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá” (1 Pr 2,4). Tất cả mọi người đều được mời gọi tiến lại gần Đức Giê-su để được người bổ sức, nâng đỡ, biến đổi và sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ.

 

Như đã được đề cập ở trên, theo truyền thống Do-thái, những ai thuộc chi tộc Lê-vi mới có thể trở thành những tư tế hay thượng tế. Tác giả sách Khải Huyền cho chúng ta biết Đức Giê-su làm cho chúng ta “trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng thờ Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,6). Điều này có nghĩa rằng trong chương trình của Thiên Chúa được thực hiện nhờ Đức Giê-su, tất cả mọi người trong gia đình nhân loại đều được mời gọi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và trở thành tư tế để cộng tác với Người trong việc thánh hóa bản thân và thánh hóa anh chị em mình. Đây là điểm mới mẻ và diệu kỳ đối với chức tư tế Tân Ước so với chức tư tế Cựu Ước. Tương tự như vậy, các tư tế đều được làm việc nhân danh Đức Giê-su, chứ không chỉ có một thượng tế được bầu hàng năm như trong Cựu Ước (Lv 16,17).

 

Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo minh định rõ hơn rằng tất cả những người lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đều được tham dự vào 'chức tư tế cộng đồng' (sacerdotium commune; common priesthood), chức tư tế của Tư Tế duy nhất là Đức Giê-su (GLGHCG 1141). Cũng theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: "Các tín hữu thi hành 'chức tư tế cộng đồng' bằng cách phát triển sống đức Tin, đức Cậy, đức Mến, sống theo Chúa Thánh Thần" (1547). Hơn nữa, trong Giáo Hội, còn có 'chức tư tế thừa tác' (sacerdotium ministeriale; ministerial priesthood) của những người lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh (các giám mục và linh mục). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: "Chức tư tế thừa tác dành để phục vụ chức tư tế cộng đồng, giúp phát triển ân sủng Bí Tích Thánh Tẩy của mọi Ki-tô hữu" (GLGHCG 1547). Công Đồng Vatican II giải thích về tương quan giữa chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác: "Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình" (LG 10). Theo Công Đồng Vatican II, chính hiệu quả của bí tích quyết định chức tư tế của người tín hữu. Trong tương quan giữa chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác, chức tư tế cộng đồng là căn bản, là nền tảng, chức tư tế thừa tác làm cho chức tư tế cộng đồng được sung mãn (LG 11).

 

Đức Giê-su chia sẻ chức vụ tư tế của Người trong tư cách là Tư Tế duy nhất cho những ai lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội (chức tư tế cộng đồng) và đặc biệt cho một số người (chức tư tế thừa tác) để phục vụ và làm thăng tiến đời sống cộng đoàn Ki-tô hữu. Theo Công Đồng Vatican II: "Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng thánh lễ, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực" (LG 10). Do đó, các thành phần trong Giáo Hội đều được mời gọi luôn ý thức về căn tính của mình trong việc diễn tả đời sống nội tại và sứ mệnh của Giáo Hội giữa lòng nhân thế. Nhờ Đức Giê-su, các Ki-tô hữu trở thành những tư tế và khi hiến dâng chính mình thì các Ki-tô hữu cũng hiến dâng theo cách thức của Đức Giê-su, nghĩa là các Ki-tô hữu vừa là tư tế vừa là của lễ. Nói cách khác, các Ki-tô hữu trở thành tư tế và của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa. Đồng thời, các Ki-tô hữu hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa mà không cần đến máu như các tư tế thuộc chi tộc Lê-vi trong Cựu Ước vì Đức Giê-su đã đổ máu thay cho tất cả rồi.   

 

Như vậy, Đường Đức Giê-su, Đường Thượng Tế Tối Cao vừa có tính hội tụ vừa có tính lan tỏa. Đường Thượng Tế Tối Cao hội tụ bởi vì các hình thức tư tế trong lịch sử nhân loại, đặc biệt trong lịch sử Do-thái được xem là hình ảnh hướng tới Đức Giê-su, Đường Thượng Tế Tối Cao. Nói cách khác, các hình thức tư tế và nghi lễ trong quá khứ là 'bản nhạc dạo đầu' chuẩn bị cho 'bản nhạc đích thực' là Đức Giê-su. Đường Thượng Tế Tối Cao lan tỏa bởi vì Đức Giê-su chia sẻ phẩm vị tư tế của Người cho tất cả những ai đón nhận và thực thi thánh ý Người trong hành trình trần thế, cụ thể là phẩm vị tư tế cộng đồng và tư tế thừa tác trong Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người.

 

Thiên Chúa muốn dẫn chúng ta là những Ki-tô hữu vào tận thâm cung của lòng Người để Người yêu mến chúng ta, thánh hóa chúng ta và làm cho chúng ta trở thành khí cụ hữu hiệu cho anh chị em mình giữa dòng đời. Chúng ta được mời gọi trở về với chính mình để có thể nhận ra Thiên Chúa cách rõ nét hơn. Thánh Phao-lô viết thư cho tín hữu Rô-ma: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: Cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,1-2). Thánh Phê-rô thì viết: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (1 Pr 2,5). Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể” (Dt 10,5). Câu này vừa áp dụng cho Đức Giê-su, vừa áp dụng cho những ai thuộc về Đức Giê-su, tức là những ai biết hiến dâng mình cho Thiên Chúa với lòng tin chân thành và sự hy sinh không ngừng nghỉ cho sự sống viên mãn của mình và anh chị em đồng loại.

 

Trong bối cảnh Đức Giê-su hiển thắng, tác giả sách Khải Huyền diễn tả rằng bốn Con Vật và hai mươi bốn vị Kỳ Mục hát: "Ngài [Đức Giê-su] cũng làm cho họ [muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ] thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này" (Kh 5,10). Đức Giê-su tiếp tục chức vụ tư tế của Người qua các thành phần trong Giáo Hội. Do đó, mỗi người hãy tự hỏi xem 'mình có ý thức đủ về chức vụ tư tế được Đức Giê-su chia sẻ chưa?' hay 'mình đã thực thi chức vụ tư tế được Đức Giê-su chia sẻ như thế nào?'. Với Bí Tích Rửa Tội, các Ki-tô hữu không chỉ được tham dự chức vụ tư tế duy nhất của Đức Giê-su, mà còn được tham dự chức vụ ngôn sứ và vương giả của Người. Do đó, họ được mời gọi cộng tác trong việc loan báo Tin Mừng Đức Giê-su, Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho anh chị em đồng loại. Nói cách khác, tất cả được mời gọi trở thành những chứng nhân thực thụ của Đức Giê-su, Đường Thượng Tế Tối Cao giữa dòng đời.

 

Dưới nhãn quan của thánh Phê-rô, những ai tham dự vào chức tư tế của Thượng Tế Tối Cao thì trở thành Dân Thiên Chúa và được mời gọi tham dự vào chương trình của Người: "Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền" (1 Pr 2,9). Chính sứ mệnh của Đức Giê-su, Thượng Tế Tối Cao, quyết định sứ mệnh của những ai dõi theo Người. Mục đích tối hậu của sứ mệnh này là làm cho muôn dân trở thành Dân Thiên Chúa trong hành trình trần thế này. 

 

Chúng ta có thể kết luận rằng Đức Giê-su đã đi Đường Thượng Tế Tối Cao để đến với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Nhờ Người, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa, với nhau và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo này. Là Ki-tô hữu, chúng ta hãy cảm tạ Đức Giê-su vì nhờ Người và qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở thành những tư tế của Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu. Chúng ta hãy ý thức về phẩm giá cao trọng của mình trong chương trình Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện. Bởi vì, để hồi phục và tái tạo phẩm giá chúng ta, Đức Giê-su đã trút bỏ chính mình trong sự vâng phục Thiên Chúa Cha và hiến tế chính mình cho phần rỗi chúng ta. Hôm nay, Người luôn đồng hành với chúng ta và là Trung Gian duy nhất giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi hãy đi Đường Đức Giê-su, Đường Thượng Tế Tối Cao, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình. Đồng thời, chúng ta hãy luôn hướng lòng mình về Đức Giê-su, Thượng Tế Tối Cao và là Anh Cả đứng đầu của con cái nhà Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta. Nhờ Đức Giê-su, “chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn” (Dt 10,22).

WHĐ (04.05.2021)

Bài cùng chuyên mục:

Đức Giê-su Ki-tô - Đường kiện toàn phẩm giá con người (17/10/2024 05:19:41 - Xem: 148)

Bài viết ‘Đức Giê-su Ki-tô - Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người’ được trình bày dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo với các đề mục như sau:

Đức Giê-Su Ki-Tô - Đường trút bỏ chính mình (19/08/2024 14:57:15 - Xem: 360)

Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ chính mình để đến với gia đình nhân loại.

Đức Giê-su Ki-tô – Đường củng cố đức tin (09/06/2024 10:47:57 - Xem: 558)

Đức tin của các Ki-tô hữu gắn liền với mặc khải Thiên Chúa trong dòng lịch sử mà cao điểm là sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng trần thế.

Đức Giê-su Ki-tô – Đường Thiên Chúa quan phòng (06/04/2024 08:01:43 - Xem: 784)

Thiên Chúa quan phòng, Thiên Chúa lo liệu, đó là niềm tin của Áp-ra-ham trong hoàn cảnh bi thương này.

Đức Giê-su Ki-tô – Đường cầu nguyện (11/02/2024 09:30:02 - Xem: 964)

Kinh Thánh Cựu Ước có nhiều từ mang nghĩa ‘cầu nguyện’ với Thiên Chúa, một trong những từ khá phổ biến là ‘פָּלַל/ palal’. Động từ này có nghĩa gốc là ‘phân xử’ (Xh 21,22) hay ‘nghĩ về’ (St 48,11).

Đức Giê-su Ki-tô – Đường Lòng Chúa Thương Xót (19/12/2023 07:12:56 - Xem: 1,014)

Theo thánh Au-gút-ti-nô (354-430), ‘lòng thương xót’ được hiểu như là sự cảm thông phát xuất từ tâm hồn chúng ta trước sự đau khổ của người khác

Đức Giê-su Ki-tô – Đường hiệp nhất nên một (09/10/2023 10:52:58 - Xem: 1,367)

Ý niệm hiệp nhất được đề cập trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người, chẳng hạn như sự hiệp nhất về mục đích, sự hiệp nhất về hành động, sự hiệp nhất về nguồn gốc,

Đức Giê-su Ki-tô – Đường giữa thế gian (29/08/2023 13:54:08 - Xem: 1,188)

Theo các trình thuật Tân Ước, khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giê-su đến với thế gian, đến với gia đình nhân loại.

Đức Giê-su Ki-tô – Đường tình bạn (03/06/2023 05:25:49 - Xem: 1,463)

Tình yêu và tình bạn là hai chủ đề quan trọng của đời sống con người và nhiều khi con người khó có thể phân biệt rõ ràng đâu là tình yêu và đâu là tình bạn.

Hiệp Hành là điều đơn giản (10/05/2023 07:25:18 - Xem: 2,248)

Chúa Thánh Thần là Linh hồn của Giáo hội. Ngài làm sinh động và mang lại sự sống cho Giáo hội, Ngài hướng dẫn và làm sinh động cuộc hành trình này

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7