Phụng vụ

Cử hành Thánh Thể: Bài 7, 8 và 9

  • In trang này
  • Lượt xem: 481
  • Ngày đăng: 04/12/2023 08:58:38

Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

 

BÀI 7: LỜI CHÀO – LỜI DẪN NHẬP ĐẦU LỄ

I. VĂN KIỆN

Dứt ca nhập lễ, linh mục đứng tại ghế, cùng toàn thể cộng đoàn làm dấu thánh giá trên mình. Tiếp đó, linh mục dùng lời chào biểu thị cho cộng đoàn biết sự hiện diện của Chúa. Lời chào của linh mục và câu đáp của cộng đoàn nói lên mầu nhiệm của Hội Thánh được quy tụ. Sau lời chào, linh mục hoặc phó tế hoặc một thừa tác viên giáo dân có thể nói rất vắn tắt dẫn đưa cộng đoàn vào Thánh lễ ngày hôm ấy (Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 50).

 

II. LỜI CHÀO & Ý NGHĨA

A. Ba công thức

Sách lễ Rôma hiện nay dự liệu 3 công thức cho chủ tế chọn để chào cộng đoàn:

1) Công thức thứ I: Chúa ở cùng anh chị em 

Công thức này nằm trong số những yếu tố cổ xưa nhất của nghi thức nhập lễ và là một câu có xuất xứ từ nhiều đoạn Kinh Thánh:[1] [iTrong sách Rút (2,4) khi ông Bôat chào những người thợ gặt của ông “Xin Đức Chúa ở cùng các anh”; [iiTrong sách Sử Biên Niên II (15,2),  Azarias nói với Asa: Đức Chúa ở cùng anh em[iii] Trong sách Thẩm Phán, Thiên Chúa cũng chào Gêđêon: “Đức Chúa ở cùng ông” (Tl 6,12); [ivTrong Tân Ước, chính thiên thần Gabriel cũng chào Đức Mẹ: “Kính chào bà đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Công thức “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12;  18,19; Đnl 20,1; Kh 21,3) vừa là lời cầu chúc vừa là sự cam kết của Chúa hỗ trợ những kẻ thuộc về Ngài. 

2) Công thức II:  Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (x. 2Cr 13,13)

Đây là một công thức phụng vụ được sử dụng từ thời các tông đồ. Nó không những rõ rệt nhắc tới sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng còn cho chúng ta biết công việc riêng của mỗi Ngôi. Lời chào chúc này nhắc nhở các tín hữu tham dự: cầu xin sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi; Thánh lễ được dâng lên để tôn vinh Chúa Cha, nhờ lễ tế của Chúa Con, trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa lễ vật cũng như liên kết mọi người dâng lễ lại với nhau và với Chúa Giêsu làm của lễ thượng tiến Chúa Cha. Ở đây, thánh Phaolô cầu xin sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn của mọi sự hiệp nhất, trở thành nguồn hiệp nhất trong đời sống của Hội Thánh.[2]

3) Công thức thứ III: Nguyện xin Thiên Chúa, Cha chúng ta và Đức Giêsu Kitô ban cho anh chị em ân sủng và bình an

Một cách tổng quát, đây là công thức thánh Phaolô dùng nhiều lần trong khi mở đầu các bức thư của ngài (x. Rm 1,7; Gl 1,3; 1Cr 1,2; 2Cr 1,2; Ep 1,2; Cl 1,3; 1Tx 1,2; 2Tx 1,2). Lời chúc bình an cũng là một đặc tính trong cách chào chúc của Kinh Thánh còn được lưu giữ tới bây giờ, và đã được chính Chúa Giêsu Phục sinh sử dụng (x. Ga 20, 19). Tuy chỉ nhắc tới Chúa Cha và Chúa Kitô, nhưng theo thánh Phaolô, ân sủng nhiều lần được đồng hóa với Chúa Thánh Thần (Ep 1,3) và bình an cũng là hoa trái của Chúa Thánh Linh (Gl 5,22), cho nên công thức này cũng liên hệ đến Thiên Chúa Ba Ngôi.[3]

B. Lời chào của giám mục

Nếu là giám mục, chủ tế sẽ chào cộng đồng bằng câu: “Bình an [của Chúaở cùng anh chị em” (Chúc anh chị em được bình an) – dân chúng đáp “và ở cùng cha” (Xin chúc cha cũng được như vậy). Lời chào và câu thưa này càng hướng chúng ta về Chúa Giêsu hơn, vì đó chính là câu Ngài chào các tông đồ khi sống lại và hiện ra với các ông (x. Ga 20,19; Lc 24,36). Câu “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” là một công thức được sử dụng bên Antiôkia và Constantinopoli trong khi bên Tây phương và Ai Cập lại dùng công thức “Chúa ở cùng anh chị em.”[4] 

Như được ghi trong cuốn Truyền thống Tông đồ, cuộc đối thoại giữa chủ tế và dân chúng: “Chúa ở cùng...” - “Và ở cùng ...” xuất hiện trong Kinh nguyện Thánh Thể hồi thế kỷ IV và cuối cùng được chấp nhận đưa vào phần khởi đầu Thánh lễ. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng khi tiến vào thánh đường, ngài nói với cộng đoàn: “Bình an cho anh chị em” và dân chúng đáp lại: “Và ở cùng thần trí của cha.”[5]

C. Chúa ở cùng anh chị em  

Công thức “Chúa ở cùng anh chị em” không đơn giản chỉ là một lời chào mà còn là một lời cầu xin, một lời chúc / một lời mời nhằm kêu xin Chúa ở với cộng đoàn, cũng là chúc cho điều đó xảy ra cho nên chính xác hơn phải nói là “Xin Chúa ở cùng anh chị em.[6]  

Đọc công thức “Chúa ở cùng anh chị em”, linh mục chủ tế “nhìn nhận rằng mình đang đứng trước một dân thánh, tập họp nhân danh Chúa Kitô và Chúa Kitô cũng hiện diện với họ.”[7] Đây không phải là một công thức bình thường, nhưng diễn tả mầu nhiệm Chúa Giêsu là Emmanuel, “Thiên Chúa ở giữa chúng ta.” Mở đầu Tin Mừng theo thánh Matthêu, tác giả đã nhấn mạnh đến mầu nhiệm Chúa Kitô: “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là 'Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta'.” Kết thúc Tin Mừng, thánh sử lại khẳng định mầu nhiệm này một lần nữa: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Hai lần xác quyết như vậy được coi như hai trụ cột ở hai bên từ đó làm nên một nhịp cầu để cộng đoàn có thể bước đi trên đó từ lúc Chúa Giêsu giáng sinh cho đến cuộc phục sinh của Ngài. Cũng vậy, khi đưa mầu nhiệm Emmanuel vào lúc mở đầu và kết thúc Thánh lễ, phụng vụ muốn khẳng định rằng toàn bộ cử hành Thánh lễ được thiết lập trên nền tảng Emmanuel 'Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta'; và cộng đoàn, một khi đã được thay hình đổi dạng trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, đến lượt mình, cũng sẽ trở thành Emmanuel cho thế giới.[8] 

Lời chào đầu lễ mang thể thức đối thoại giữa chủ tế và cộng đoàn không phải là lời chào xã giao ngoài xã hội. Nó mang ý nghĩa sâu đậm hơn là tình cảm bạn hữu, thân quen, thân thuộc... giữa người này với người kia và những lời chúc hay ý muốn tốt lành dành cho nhau.[9] Đây là cuộc đối thoại giữa mục tử và đoàn chiên của ngài, giữa Chúa Kitô và dân tư tế của Ngài, giữa vị tư tế hành động nhân danh Chúa Kitô và Dân Thánh mà cùng với họ và cho họ mà vị tư tế hiến dâng hy lễ hằng sống và thánh hiện lên Chúa Cha.[10] Mặt khác, nhờ trung gian của thừa tác viên mà Thiên Chúa được ban cho họ.[11] Đây cũng lời loan báo và mong ước rằng mọi người sẽ thực sự cảm nghiệm được sự hiện diện và quyền năng của Chúa Kitô đang ở giữa cộng đoàn, nghĩa là ở giữa những người đã được Chúa Kitô quy tụ trong Hội Thánh. Vì vậy, lời chào này không những nói lên mầu nhiệm Chúa Kitô đang hiện diện mà còn nói lên mầu nhiệm cộng đoàn Hội Thánh được quy tụ (QCSL 50).[12]  

D. Và ở cùng cha 

Câu đáp “Và ở cùng cha” của cộng đoàn phụng vụ là một kiểu nói quen thuộc trong những lời chúc tụng của Do Thái giáo đã được Kitô hóa. Chúng ta tìm thấy những kiểu nói tương tự trong các thư của thánh Phaolô (2Tm 4,22; x.. Plm. 25; Gl 6,18; Pl 4,23).[13]

Từ thời cổ, câu đáp “và ở cùng thần trí cha” (Et cum spiritu tuo) đã được thêm vào và nó có ý nghĩa thiêng liêng hơn. Ngay từ thế kỷ V, Narsai đã giải thích trong bài giảng số 17 rằng lời đáp “và ở cùng thần trí cha” không phải nói đến linh hồn hay sinh khí của linh mục nhưng quy chiếu về Chúa Thánh Thần mà ngài đã lãnh nhận qua việc đặt tay của Đức Giám mục trong ngày chịu chức.[14] Qua lời đáp “và ở cùng thần trí cha”:

- Mọi người cầu chúc vị chủ tế nhận được sự hỗ trợ từ ân huệ của Thần Khí và Thiên Chúa. Ngài là thừa tác viên đã lãnh nhận Thánh Linh của Thiên Chúa vào trong tâm trí mình trong ngày chịu chức linh mục và nhờ đó trở thành “người tôi tớ đặc biệt của Chúa Kitô và người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr, 4,1; x. 1Tm 4,14; 2Tm 1,16);[15]

- Như một sự đồng tâm nhất trí của cộng đoàn đối với công việc của tư tế (J.A. Jungmann, SJ);

- Với dụng ý rằng: vị chủ tế chỉ có thể cử hành Thánh lễ nhờ sự thúc đẩy và nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần, “Đấng liên kết với thần trí Ngài” (x. Rm 8,16);[16]

 

III. LỜI DẪN NHẬP VÀO THÁNH LỄ

Mục đích của phần dẫn nhập này là: [i] Giúp cộng đoàn trở nên Nhiệm Thể duy nhất của Chúa Kitô một cách trọn vẹn hơn, một cộng đoàn được quy tụ trong Chúa Thánh Thần và để phụng thờ Thiên Chúa Cha; [ii] Là một cơ hội thích hợp để hướng tâm trí người dự lễ về ý nghĩa cử hành, về tinh thần của mùa lễ, ngày lễ (dựa chủ yếu trên kinh nhập lễ hay ca nhập lễ), có thể nói đôi nét về vị thánh mừng kính hôm ấy nhưng không phải là thời gian để kể chi tiết về cuộc sống và cái chết của ngài; [iii] Là lúc để định hướng việc cử hành và tạo cho bầu khí ngày lễ một sắc thái cá biệt; [iv]] Là thời điểm có thể nhắc qua sơ qua chủ đề của Phụng vụ Lời Chúa sẽ được trình bày trong bài giảng.[17]  

Trong thực hành, không chỉ linh mục, mà ngay cả phó tế hay một thừa tác viên khác cũng có thể nói lời dẫn nhập (x. NTTL 3; QCSL 31, 50, 124), nhưng luôn luôn phải thật ngắn gọn. Vì vậy, tốt nhất nên dọn sẵn lời dẫn nhập.

 

IV. SUY NIỆM[18]

“Chúa ở cùng anh chị em”. Ôi lạy Chúa Giêsu, đây là lời vị chủ tế chào đón chúng con, với lời này, Chúa đã ân cần quy tụ chúng con vào cử hành Thánh lễ. Đây là lời chào, nhưng không giống như bất cứ lời chào xã giao bình thường nào, lời chào này loan báo rằng Chúa đang ở giữa chúng con. Đối với một số người, lời chào này chất chứa bao hy vọng, vui tươi và an lành. Đối với những người đang u buồn và đau khổ, lời chào này trở thành niềm an ủi và động viên nâng đỡ họ. Lạy Chúa, Chúa ở với chúng con và đó là quan trọng, là tất cả đối với chúng con.

Bởi vì Chúa ở với chúng con nên chúng con là Hội thánh của Chúa: chúng con là Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được quy tụ ở địa điểm phụng tự này. Vì nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Chúa, thì lạy Chúa, Chúa sẽ ở ngay đó với họ. Đây thật là một thông tuệ sâu sắc biết bao về đặc nét của một cộng đoàn phụng vụ Thánh Thể.

Sự hiện diện của Chúa đã thiết lập chúng con thành một cộng đoàn phụng tự mà Thiên Chúa đã “kêu gọi ra khỏi nơi tăm tối mà vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền”. Không có Chúa, chúng con sẽ đứng trước ngai Thiên Chúa mà không có danh phận gì, không dám tin chắc được lắng nghe.

Đoàn dân quy tụ trong ngôi nhà thờ chính tòa nguy nga rộng lớn là Hội thánh hữu hình của Chúa, đặc biệt khi đức giám mục chủ tế tại bàn thờ cùng với linh mục đoàn cũng như với sự tham gia tích cực của dân chúng. Đó là sự quy tụ bày tỏ sự hiển hiện cách đầy đủ hơn Hội thánh của Chúa, một Hội thánh rộng lan khắp thế giới.

Thế nhưng, cộng đoàn tại ngôi nhà nguyện nhỏ nhé ở những miền làng quê heo hút, cách xa trung tâm giáo xứ hay thành phố cũng vẫn đại diện cho Hội thánh hoàn vũ, bởi vì trong sự hợp nhất và bằng thẩm quyền của vị giám mục, họ vẫn được quy tụ trong danh Chúa. Họ gánh vác bổn phận mà Chúa đã đặt để trên toàn thể Hội thánh, đó là bổn phận cầu nguyện cho toàn thế giới. Họ tuy chỉ là một nhúm nhỏ, nhưng tâm hồn và bàn tay họ cũng chứa đựng đầy rẫy mối bận tâm của Hội thánh đối với nhân loại, đối với quốc gia và đối với toàn cõi địa cầu.

Lạy Chúa, khi Chúa bao bọc chúng con trong vòng tay của Chúa, thì mọi khác biệt giữa con người với nhau liền tan biến. Cộng đoàn giàu có hay nghèo nàn, ở thành thị hay thôn quê, nhỏ bé hay lớn mạnh: những khác biệt như thế sẽ không còn nữa. Chúng con là một, Hội thánh duy nhất, thánh thiện công giáo và tông truyền đang phụng thờ nhân danh Chúa và theo mệnh lệnh của Chúa. Amen.

 

BÀI 8: HÀNH ĐỘNG THỐNG HỐI

 

I/ VĂN KIỆN

Tiếp đến, linh mục mời mọi người thống hối. Sau giây lát thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung và linh mục đọc lời xá giải để kết thúc, tuy nhiên lời xá giải này không có hiệu lực của bí tích Sám hối. Ngày Chúa nhật, nhất là trong mùa Phục sinh, thay vì hành động thống hối thường lệ, đôi khi có thể làm phép và rảy nước thánh để tưởng nhớ bí tích Thanh tẩy (Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [QCSL], số 51).

 

II/ LỊCH SỬ

Trong nhiều thế kỷ, Thánh lễ không có nghi thức thống hối nhưng bắt đầu ngay với các Bài đọc Sách Thánh. Sách Didache (thế kỷ I) dạy rằng chúng ta phải xưng thú tội lỗi của mình trước khi bẻ bánh, nhưng nghi thức này không bắt buộc và chỉ được thực hiện theo từng cá nhân.

Ban đầu, phần sám hối được thực hiện chỉ trong phòng thánh do lòng sốt sắng cá nhân của tư tế nhằm để chuẩn bị cho Thánh lễ sắp cử hành,[1] hay linh mục đọc những lời nguyện thống hối trên đường tiến tới bàn thờ.[2] Từ thế kỷ thứ IX, trong các Thánh lễ ở vùng Franc người ta thêm vào nhiều lời nguyện riêng tư và đọc thầm của vị chủ tế, dần dần những lời nguyện này trở thành kinh Cáo mình (Confiteor) vào thế kỷ XI.[3] Tập quán “cáo mình” được đưa vào Thánh lễ phát xuất từ việc xưng tội lẫn nhau hằng ngày của các đan sỹ trong khi đọc kinh Thần Vụ.[4] Do đó, vào cuối thời Trung cổ, nhiều đan viện cử hành sám hối chung trước khi hát ca nhập lễ.[5]

Tiếp sau, kinh Cáo mình được sử dụng khắp hoàn vũ theo nghi lễ Rôma như được chỉ định trong Sách lễ của Đức Piô V (1570), phần sám hối được thực hiện tại chân bàn thờ dưới dạng đối đáp giữa vị tư tế và những người phục vụ bàn thờ (đại diện cho dân chúng). Kinh Cáo mình của Sách lễ 1570 không thay đổi từ đó cho đến năm 1970. Bấy giờ, kinh này khá dài và phức tạp dầu Công đồng thứ III tại Ravenne (năm 1314) đã quyết định chỉ thêm vào những danh xưng sau: Đức Trinh nữ Maria, Tổng lãnh thiên thần Micael, thánh Gioan Tẩy giả cùng hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.[6]

Sau Công đồng Vaticanô II, khi duyệt lại Nghi thức Thánh lễ, Hội Thánh đã đơn giản hóa danh sách các thánh. Nhờ thế, bản văn kinh Cáo mình hiện nay chỉ đề cập đến Thiên Chúa và Đức Mẹ, không còn nêu tên các thánh mà chỉ nói chung trong một cụm từ là “các thiên thần và các thánh”. Hội Thánh cũng quyết định nghi thức thống hối là một trong những nghi thức khởi đầu của Thánh lễ vì Chúa Giêsu kêu gọi hãy hòa giải trước khi đến dâng của lễ (Mt 5,23-23)  và Didache ghi nhận rằng vào Ngày của Chúa, các tín hữu quy tụ lại với nhau để cử hành nghi lễ Bẻ bánh “sau khi họ xưng thú tội lỗi” (Didache 14:1).[7]

 

III/ Ý NGHĨA

Hành động thống hối không chỉ là việc cá nhân hay cộng đồng thừa nhận tội lỗi và thiếu sót của mình, nhưng là sự thừa nhận trước một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và hay tha thứ.[8] Vì thế, nghi thức thống hối phản ánh nhu cầu của con người cần đến ân sủng của Chúa qua người con của Ngài là Đức Kitô Giêsu trong Thánh lễ đang cử hành.[9]

Tuy vậy, hành động thống hối trong Thánh lễ, theo tác giả A.G Martimort và J. Gelineau, không phải là cuộc “duyệt xét lương tâm” và “liệt kê tội lỗi đã phạm”, nghi thức thống hối ở phần đầu lễ không nhất thiết có bản chất sám hối,[10] nhưng trên hết, là chúc tụng, tung hô lòng nhân hậu của Chúa, tuyên xưng và diễn tả đức tin của tín hữu vào mầu nhiệm tình thương vô biên của Chúa (confessio laudis) và nói lên lời cảm tạ tri ân trước ơn tha thứ của Ngài vì Ngài là Đấng nhân hậu, yêu thương và là nguồn mạch mọi sự hòa giải cũng như chữa lành.[11] Điều này giống như một hơi thở mà cuộc đời dao động của các tín hữu rất cần đến khi bắt đầu cử hành Thánh lễ.[12]   

Sách lễ Rôma hiện nay đưa ra 3 công thức sám hối và có thể dùng thay đổi lẫn nhau:

A. Công Thức Thứ I (Confiteor Deo) = Kinh Thú Tội (Kinh Cáo Mình)

Lời đầu tiên của kinh Thú tội là: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh (chị) em...” phản ánh một cách tỏ tường chiều kích xã hội của tội lỗi: xúc phạm đến bất kỳ ai là làm tổn thương cả Nhiệm Thể Chúa Kitô.[13] Cộng đoàn tụ họp dâng Thánh lễ không những xin ơn tha thứ trong tư cách là những cá nhân, mà còn xin với tư cách cộng đoàn; mọi người tham dự liên đới với nhau, vì ai cũng cần ơn tha thứ (ĐHTT 63).

Câu Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng lời nói, việc làm và những điều thiếu sót...” cho thấy vấn đề của người Kitô hữu không chỉ là không làm điều xấu mà còn vì chưa làm điều tốt, không chỉ chưa tỏ lòng xót thương người khác mà còn chưa thực thi những gì Tin Mừng mời gọi là “trở nên muối đất và ánh sáng cho trần gian” (x. Mt 5,13-16).[14]   

Các tín hữu đấm ngực đang khi đọc “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” như gợi lại những lời trong Tin Mừng Luca: Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).[15]

Lời kinh Thú tội kết thúc bằng những lời: “Vì vậy tôi xin Ðức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh và anh (chị) em, khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta”, nghĩa là, các thành viên của cộng đoàn ý thức mình đang đứng không chỉ trước nhan thánh Chúa và bên nhau mà còn trước cả triều thần thiên quốc cùng với Đức Mẹ Maria, các thiên thần và các thánh, như thể trong ngày phán xét cuối cùng, họ được mời tới dự tiệc cưới của Con Chiên.[16] Không những thế, các tín hữu tin cậy vào tình hiệp thông giữa họ với Đức Maria, các thánh - những vị đã nên hoàn thiện, đã “giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14) - với các thiên thần, luôn vui mừng ca hát khi người tội lỗi ăn năn hoán cải (Lc 15,7), và với những người anh chị em khác.[17] Họ là một chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, nên khẩn xin các vị ấy chuyển cầu cho mình cũng như cho toàn thể vũ trụ này đang cần ơn tha thứ của Thiên Chúa, củng cố đức tin của họ vào Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn lòng thứ tha mọi yếu đuối và tội lỗi của từng người trong Đức Kitô (Gc 5,16).[18]

B. Công thức thứ II

Công thức này là một cuộc đối đáp giữa linh mục và giáo dân để giúp nhau ý thức về tình trạng xúc phạm đến Chúa, nên ngưỡng vọng tình thương cứu độ của Người là Đức Giêsu. Chúng gồm hai câu nài xin lòng thương xót của Chúa:

Linh mục: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con

Cộng đoàn: Vì chúng con đã xúc phạm đến Chúa.

Linh mục: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con

Cộng đoàn: Và ban ơn cứu rỗi cho chúng con

Câu thứ nhất trích từ sách Br 3,2: “Lạy Đức Chúa, xin lắng nghe, xin thương xót, vì chúng con đã phạm tội trước nhan Ngài”  (cũng như từ ý của Gr 14,20) và câu thứ hai lấy từ Thánh vịnh:“Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con” (Tv 85,8; 123,3). Ở đây, chúng ta không chỉ đơn giản xin Chúa dủ lòng thương mà còn xin ơn cứu độ đời đời của Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu xuống trần gian không phải chỉ để tha thứ tội lỗi chúng ta nhưng còn “dẫn đưa chúng ta đến cuộc sống muôn đời” (NTTL 4). 

C. Công Thức Thứ III

Thường được gọi là công thúc ca ngợi hay hành vi tung hô (QCSL 52) phẩm tính Đức Kitô. Nó được trình bày dưới hình thức Kinh Cầu hướng trọn về Chúa Kitô:

- Lạy Chúa Kitô, Chúa đã được sai đến để cứu chữa những tâm hồn sám hối.

Xin thương xót chúng con.

- Lạy Chúa Kitô, Chúa đã đến trần gian để kêu gọi những người tội lỗi.

Xin thương xót chúng con.

Lạy Chúa, Chúa đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng con.

Xin thương xót chúng con.

Công thức xá giải kết thúc hành vi thống hối: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời”  (NTTL 4) không phải là xá giải hối nhân lãnh nhận trong bí tích Hòa giải (x. QCSL 51) mà chỉ là xá giải nghi thức được biểu lộ trong hành động thống hối của Thánh lễ[19] cũng như diễn tả lòng ước mong Thiên Chúa sẽ đem đến ơn tha thứ và sự sống trường sinh cho tất cả những ai tham dự mầu nhiệm thánh với thái độ khiêm nhường,[20] cho nên không miễn trừ các hối nhân mắc tội nặng phải đi xưng tội trước khi rước lễ.[21]

 

IV/ ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ

- Chủ tế có thể tùy nghi chọn lựa cử hành một trong 3 mẫu thống hối. Nếu dùng công thức thứ I và II thì phải đọc kinh Thương xót mà không được bỏ. Nếu dùng công thức III hoặc khi rảy nước thánh, sẽ bỏ kinh Thương xót (x. NTTL 7; QCSL 51; LNGM 134).

- Nếu cử hành các phần sau đây thì cũng bỏ nghi thức/hành động thống hối: (1) các cuộc rước kiệu trọng thể với nghi thức riêng như lễ Tro hay kiệu nến ngày 02/02 (Lễ Dâng Chúa trong đền thờ) và kiệu lá trong lễ Lá; (2) đọc Giờ kinh Phụng vụ phối hợp với Thánh lễ (x. Văn Kiện Trình Bày Và Quy Định Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 94); (3) có những nghi thức đặc biệt được cử hành trong Thánh lễ như: lễ Cung hiến thánh đường, Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn, Nghi thức rửa tội trẻ em, lễ ban bí tích Hôn phối (x. Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân”, số 53; CHTL 149).

- Khi đọc kinh Cáo mình, chúng ta đấm ngực một/ba lần khi đọc câu “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” (NTTL 4).

- Không làm dấu thánh giá khi chủ tế đọc câu: “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xóttha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.”

 

V/ SUY NIỆM[22]

“Tôi thú nhận…Tôi đã phạm tội…”. Lạy Chúa Giêsu, khi tiến gần đến ngai ân sủng Thánh Thể, con muốn bóc trần mình để Chúa và mọi người nhìn thấy những lầm lỗi và hổ thẹn của con. Con không xứng đáng, nhưng Chúa vẫn mời con đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Con không xứng song Chúa đã không xua đuổi con ra khỏi cộng đồng dân thánh. Con đã nghe thấy Chúa nói: “Hãy đến với Ta và Ta sẽ nói cho trái tim mãi khắc khoải của các con biết; hãy đến với Ta và chia sẻ bữa ăn Ta đã dọn sẵn cho các con”.

Trước sự thú nhận tội lỗi công khai, vị tư tế đã đáp lại bằng những lời đầy hy vọng và ủi an: “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời”. Ai lại không bị lay chuyển bởi lời nguyện thương xót và tha thứ như thế? Vâng, tội lỗi con đã làm hoen ố tấm áo thanh sạch ngày rửa tội. Tội lỗi đã kéo con lạc xa tình thương của Chúa. Thời gian trôi qua và con cứ luôn quay lại phía đường tăm tối của tội lỗi. Nhưng Chúa, vị mục tử đầy lòng thương xót, đã không mỏi mệt tìm kiếm con, những con chiên lạc.

Lạy Chúa, con nhận ra rằng nước thanh tẩy đã trở nên khô ráo nơi con. Con không thể lau sạch chính mình bằng bí tích của dòng nước thanh tẩy nữa. Thay vào đó, nay con chỉ còn những giọt nước mắt ăn năn hầu có thể giặt sạch tấm áo rửa tội của con đã ra dơ bẩn. Có dòng nước thanh tẩy, con đã được trở nên nghĩa tử Chúa Cha; lại có những giọt lệ thống hối để con được hòa giải tha thứ. Xin Chúa tẩy rửa con trong chính những giọt lệ của con.

Khi đấm ngực ăn năn nài xin sự tha thứ, con đã nghe thấy sự hối thúc phải tha thứ cho những anh chị em xúc phạm đến mình, nhờ đó con mới nhận được ơn tha thứ. Không thể chối cãi điều đó, nhưng lạy Chúa, tha thứ hay quên đi những xúc phạm như thể chưa từng bao giờ xảy ra phải chăng không thật đau xót cõi lòng và đôi khi là không thể? Con thú nhận rằng ký ức con vẫn hay giữ mãi những lầm lỗi của tha nhân. Con vẫn nuôi dưỡng những mối ác cảm và hận thù trong tim cũng như tìm cách nguyền rủa anh chị em nào xúc phạm đến mình. Bây giờ, con lại dám xin Chúa tha thứ cho mình sao?

Trên đồi Canvê, Chúa đã tha thứ một cách cao cả. Chúa đã tha thứ cho tất cả những ai xúc phạm và đóng đinh Chúa vào thập giá. Ước gì tia sáng, chỉ một tia sáng mẫu gương tha thứ của Chúa thôi chạm đến trái tim con để con có thể hiểu được bài học quên đi và tha thứ như Chúa.

Con thú nhận rằng con đã phạm tội. Con không xứng và sẽ chẳng bao giờ xứng đáng với Lời Chúa và bí tích. Nhưng Chúa vẫn triệu hồi con đến đây lắng nghe Sách Thánh để Chúa đốt nóng trái tim con bằng ngọn lửa Lời Chúa. Mặc dầu con bất xứng, Chúa vẫn mời gọi con đến thông chia của ăn thánh. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Lạy Chúa Kitô, xin thương xót chúng con. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Amen.

 

BÀI 9: KINH LẠY CHÚA, XIN THƯƠNG XÓT CHÚNG CON (KYRIE)

 

I/ VĂN KIỆN

Sau nghi thức sám hối, là luôn luôn đến kinh ‘Lạy Chúa, xin thương xót’, trừ khi đã dùng kinh này trong nghi thức sám hối. Vì là bài hát giáo dân dùng để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người, bài này thường được mọi người hát, nghĩa là dân chúng, ca đoàn hay xướng ca viên, đều góp phần vào đó. Thường mỗi lời tung hô được hát hai lần, nhưng vì đặc tính của các ngôn ngữ khác nhau, vì nghệ thuật âm nhạc, hay vì hoàn cảnh, cũng có thể hát nhiều lần. Khi kinh ‘Lạy Chúa, xin thương xót’ được dùng như là phần của nghi thức thống hối, thì trước nó có những câu tung hô riêng (QCSL số 52).

 

II/ LỊCH SỬ

“Lạy Chúa! Xin thương xót” (Kyrie eleison) là lời tung hô được dịch từ tiếng Hy Lạp (trong Bản Bảy Mươi), và là kiểu nói Kinh Thánh đã được sử dụng nhiều lần cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước (Tv 4,2; 6,3; 9,14; 40, 5.11; Mt 9,27; 15,22; 17,14; 20, 30-31; Mc 10,47; Lc 16,24; 17,13 v.v.).

Đối với Kitô giáo, đây là một trong những lời kinh cổ xưa nhất xuất hiện trong phụng vụ hồi thế kỷ IV tại Syria và Palestin.[1] Ngay từ cuối thế kỷ IV, theo cuốn Nhật ký hành hương của Egeria (Aetheriae Peregrinatio), điệp khúc “Lạy Chúa! Xin thương xót” được lặp lại sau các triệt của một Thánh vịnh và đi kèm với cuộc rước.[2] Egeria mô tả rằng, tại Giêrusalem, khi thầy phó tế xướng các ý nguyện thì một số bé trai đứng và luôn luôn lặp lại điệp khúc “Kyrie eleison” (tiếng La tinh là “Domine! Misere!”) sau mỗi ý nguyện.[3]

Kinh Kyrie cũng được đọc sau phần Phụng vụ Lời Chúa (tức là sau bài Phúc Âm và dẫn giải của chủ tế), trước khi giải tán cho anh chị em dự tòng ra về (Messe des catéchumènes) vì họ không được tham dự Thánh lễ tín hữu (Messe des fidèles). Rôma đã du nhập lời tung hô này từ Đông phương có lẽ từ thế kỷ V, và cũng như tại Đông phương, Kyrie thường được đọc sau những bài Sách Thánh. Đức Gelasio (492-496) đã thay thế Lời nguyện Chung vào lúc kết thúc Phụng vụ Lời Chúa bằng việc đọc kinh cầu (litania) theo kiểu Đông phương với những lời đáp Hy Lạp của kinh này.[4]

Kyrie thường theo sau mỗi câu xướng mà vẫn còn được cất lên trong những cuộc rước phổ biến ở Constantinopoli.[5]

Tại Gaul, Công đồng Vaison (529) xác nhận rằng hát Kyrie eleison là một thói quen đạo đức của Đông phương du nhập vào Rôma và nhiều nơi ở Tây phương cũng như nước Ý, Công đồng đòi hỏi lặp đi lặp lại Kyrie trong “Kinh Sáng, các Thánh lễ và Kinh Chiều.”[6]

Đức Grêgôriô Cả (540-604) cho rằng chắc chắn phụng vụ Rôma chứa đựng một số hình thức của Kyrie vào thế kỷ V.[7] Trong triều đại của mình (590-604), ngài đã đặt Kyrie một cách chắc chắn ở vị trí bắt đầu Thánh lễ (trước Gloria) như thấy xuất hiện trong cuốn Ordo Romanus I (OR I:52) và được hát bởi các giáo sĩ hay ca đoàn (schola) cũng như bởi các tín hữu.[8] Sở dĩ Kyrie chiếm vị trí này vì nó liên hệ với các kinh cầu đọc khi đi rước, đáng chú ý là Kinh Cầu Các Thánh.[9] Mặt khác, do muốn rút ngắn Thánh lễ, cho nên vào một số ngày nào đó (ngày thường) sẽ bỏ đi Kinh Cầu Các Thánh và các ý nguyện cầu và chỉ giữ lại Kyrie được hát xen kẽ với Christe (vốn không được biết đến trong nghi lễ Gallican và Đông phương) rồi đi thẳng vào lời tổng nguyện (Collecta) luônCách đọc này trở nên thông dụng trong nhiều giờ phụng vụ.[10] Thậm chí kinh cầu rút vắn này trở thành một luật lệ. Số lần đọc Kyrie và Christe thay đổi tùy vùng. Tại Tây phương, có lẽ từ thế kỷ VIII, sau mỗi câu xướng, giáo dân phải thưa lại 7 lần/ 5 lần/ 3 lần/ hoặc là 9 lần Kyrie eleison, chia làm 3 đợt, mỗi đợt 3 lần.[11] Điều này đã đặt nền tảng cho sự diễn dịch Ba Ngôi của lời tung hô: 3 lần cho Ngôi Cha, 3 lần cho Ngôi Con và 3 lần cho Ngôi Thánh Thần.[12] 

Hiện nay, kinh Kyrie được thực hiện sau hành động thống hối (post actum paenitentialem). Đây là một bài thánh ca (cantus) thuộc về cộng đồng, không còn là bài hát của riêng ca đoàn như thời Trung cổ. Thường mỗi lời tung hô được hát hay đọc hai lần, nhưng vì đặc tính của các ngôn ngữ khác nhau, vì nghệ thuật âm nhạc, hay vì hoàn cảnh, cũng có thể lập lại nhiều lần. Khi kinh “Lạy Chúa, xin thương xót” được hát như là một thành phần của nghi thức thống hối, thì trước nó có những câu tung hô riêng (QCSL 52). 

 

III/ Ý NGHĨA

Căn cứ vào Nghi thức Thánh lễ, Kyrie rõ ràng không thuộc vào phần “Hành động thống hối.” Lịch sử của phụng vụ Rôma cho biết, kinh Kyrie sớm trở thành bài ca, một lời tung hô mừng vui hơn là cử chỉ kêu cầu ơn trợ giúp như thưở ban đầu. Tuy nhiên, khi dịch kinh này ra các thứ tiếng có vẻ như người ta lại hướng chiều về ý nghĩa cầu xin van lơn như trước kia.[13] Paul Turner kết luận rằng, trước kia và hiển nhiên là hiện nay, kinh Kyrie là “những lời tung hô Chúa Kitô và kêu cầu lòng thương xót của Người” (QCSL 52) hơn là kêu gọi sự tha thứ.[14]

Trong các sách Tin Mừng, nhiều lời khấn van Kyrie eleison của những người khốn khổ rõ ràng hướng đến Đức Giêsu để xin Ngài chữa bệnh cho họ hay cho con cái họ: người mù ở Giêricô kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10,48; Xc. Mt 9,27; 20,30-31); những người phong cùi kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17,13); người phụ nữ Canaan (Mt 15,22) và người cha của đứa bé bị kinh phong (Mt 17,14) cũng kêu xin như vậy. Từ khi ấn định phải đọc 9 lần và chia thành 3 đợt nhằm tưởng nhớ chín ca đoàn ở trên trời,[15] người ta cho rằng Kyrie là lời tung hô dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa.[16]

Tuy nhiên, có những điểm dựa sau đây để chúng ta kết luận: Kinh “Lạy Chúa, Xin thương xót chúng con” là lời tung hô dâng lên Chúa Kitô, quy về Chúa Kitô chứ không phải quy về Chúa Ba Ngôi: [i] Thứ  nhất, bản Kinh Thánh Bảy Mươi đã dùng từ Kyrios để dịch từ YHWH, tức ám chỉ thánh danh Thiên Chúa trong Cựu Ước nhưng khi dùng từ Kyrios trong các thư Rm 10,9/1Cr 12,3/Pl 2,11, thánh Phaolô lại áp dụng cho Chúa Kitô và thần tính của ngài; [ii] Thứ hai, cả 3 câu trong mẫu thống hối III đều hướng tới Chúa Kitô, luôn khấn nguyện Chúa Kitô chứ không phải khẩn cầu Chúa Ba Ngôi và được gọi là công thức ca ngợi phẩm tính Chúa Kitô.[17]

 

IV/ ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ

- Đừng bao giờ hát kinh Thương xót, rồi chỉ đọc kinh Vinh danh.[18]

- Vì kinh “Lạy Chúa, xin thương xót” vừa để kêu cầu lòng thương xót của Chúa vừa là bài tung hô Chúa phục sinh mà sự hiện diện của Ngài làm chúng ta phải nhảy mừng lên trước lòng từ bi hải hà từ nơi Ngài chảy tràn trên chúng ta (x. QCSL 52),[19] bởi vậy, chúng ta không nên hát Kyrie theo kiểu ảm đạm thê lương, ngay cả trong Thánh lễ an táng (x. PV 81). Điều này có nghĩa là, trong Thánh lễ an táng, không nhất nhất cứ phải hát Bộ lễ mồ/cầu hồn, chúng ta vẫn có thể chọn hát những Bộ lễ khác nữa mà đã được giáo quyền chuẩn nhận, chẳng hạn như bộ lễ Sêraphim hoặc Ca Lên Đi 2...[20]

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Danh sách các Thánh Tử Đạo Việt Nam xếp theo ngày lễ (29/06/2028 11:30:38 - Xem: 2,196)

Tại Việt Nam, có nhiều kitô hữu đã hy sinh mạng sống làm chứng cho Tin Mừng và đức tin. Có 117 vị đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 19.6.1988, gồm

Thánh Piô V, Giáo hoàng, (ngày 30/4) (29/04/2024 07:50:01 - Xem: 1,987)

Thánh Piô V sinh ngày 17 tháng 01 năm 1504 tại làng Bosco( xứ Piémont) Alêsan, thánh nhân có tên thật là Ghiliêri. Được sinh ra trong một gia đình không khá giả, chỉ đủ ăn,

Thánh Catarina Xiêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh, (ngày 29/4) (28/04/2024 07:47:10 - Xem: 2,250)

Thánh nữ Catarina chào đời năm 1347 trong một gia đạo đức và thế giá. Ngay từ lúc còn nhỏ, Catarina đã được hưởng một nền giáo dục hết sức nhân bản và đạo đức của gia đình:

Thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng, (ngày 25/4) (24/04/2024 07:36:19 - Xem: 2,061)

Thánh Mác-cô là một trong bốn tác giả đã ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Bốn thánh sử viết Tin Mừng của Chúa Giêsu là Matthêu, Máccô, Luca và Gioan.

Đôi nét về Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót (23/04/2024 06:17:22 - Xem: 2,139)

Nhưng chính xác thì Lòng Chúa Thương Xót là gì? Sự sùng kính Lòng Chúa Thương Xót này bắt đầu từ đâu?

Thánh Anselmô, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh, (ngày 21/4) (20/04/2024 08:34:01 - Xem: 1,751)

Thánh Anselmô sinh tại Aoste, một thành phố nhỏ nằm trên ranh giới xứ Piémont và Thụy Sĩ. Người xuất thân trong một gia đình quí tộc, danh tiếng và giầu có.

Thánh Martinô I, Giáo hoàng, tử đạo, (ngày 13/4) (12/04/2024 07:29:07 - Xem: 2,238)

Thánh Mác-ti-nô sinh tại Todi miền Ombrie, nước Ý trong một gia đình đạo đức. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã hấp thụ một nền giáo dục tốt về mọi mặt.

Thánh Stanislao, Giám mục tử đạo, (ngày 11/4) (10/04/2024 07:31:40 - Xem: 2,874)

Thánh Stanislao sinh tại miền Cracovie nước Balan ngày 26 tháng 7 năm 1030 trong một gia đình giầu sang, phú quí. Thánh nhân là con trai duy nhất trong gia đình quyền quí, giầu sang,

Cử hành Thánh Thể: Bài 26 – Lời nguyện tiến lễ (08/04/2024 08:47:19 - Xem: 233)

Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

Thánh Gio-An Bao-Ti-Xi-Ta Lasan, (linh mục ngày 07/4) (06/04/2024 07:26:50 - Xem: 2,537)

Thánh nhân được phúc sinh ra trong một gia đình thật đạo đức, cha Người là một vị thẩm phán nổi danh, mẹ Người là một thiếu phụ rất đạo hạnh.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7