Cộng tác trong mục vụ để hướng tới một Hội Thánh hiệp hành
- In trang này
- Lượt xem: 4,471
- Ngày đăng: 23/03/2022 06:07:37
Cộng tác trong mục vụ[1] chính là bản chất phục vụ của Giáo hội. Cộng tác trong mục vụ cũng chính là nhằm hướng tới một Giáo hội hiệp hành. Ngoài ra, chủ đề cộng tác mục vụ trong sứ mạng của Hội thánh đang trở nên thiết yếu ngày nay. Nó trở thành cấp thiết hơn khi chúng ta đang chờ văn kiện mới về các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ. Văn kiện này được soạn thảo bởi sự cộng tác của hai bộ: Bộ giám mục và Bộ các tu hội đời sống thánh hiến và các tu đoàn tông đồ. Như chúng ta biết, văn kiện mới này đã hoàn tất, nhưng còn phải đợi thu thập thêm các ý kiến từ các Hội đồng giám mục cũng như từ các Hiệp hội bề trên cao cấp của các dòng tu nam nữ. Sau cùng, văn kiện mới này sẽ được đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô để xem xét lần cuối trước khi được phê chuẩn.
Thật ra, ngay sau cuộc họp thượng Hội đồng giám mục thế giới năm 1994, một bản kiến nghị cập nhật cho văn kiện Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo hội đã được đệ trình. Tuy nhiên, chỉ mãi sau này, Đức thánh cha Phanxicô mới yêu cầu Bộ đời sống thánh hiến và các tu đoàn tông đồ xem xét và cập nhật văn kiện (Mutuae Relationes). Văn kiện mới này nhằm mục đích thay thế văn kiện cũ Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ (Mutuae Relationes, 1978). Sau khi làm việc giữa hai Bộ, cả hai đã thống nhất tiêu chí căn bản cho văn kiện mới này là: hiệp thông và cùng thiết yếu. Một bản soạn thảo đã hình thành sau khi có buổi làm việc liên Bộ. Bản soạn thảo này hy vọng sẽ sớm trở thành văn kiện trong tương lai gần để bàn về mối liên hệ giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo hội. Tổng thể, bản soạn thảo bao gồm ba phần chính và bổ túc cho nhau: (1) thần học, (2) giáo luật, và (3) mục vụ. Văn kiện mới này mang chiều kích rộng mở hơn khi bàn về tất cả hình thức đời thánh hiến. Nó không chỉ giới hạn bàn về các tu hội thánh hiến nam nữ như văn kiện chỉ dẫn năm 1978.
Trong thực tế cho thấy mối tương quan giữa giám mục và tu sĩ[2] về cộng tác trong mục vụ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vẫn có một vài xung đột và hiểu lầm, đặc biệt trong lãnh vực cộng tác mục vụ. Những xung đột không mong muốn này có thể phát xuất cả từ hai bên.
Về giám mục, các xung đột xảy ra khi các ngài chưa nhìn nhận cách đầy đủ và thích hợp về đặc sủng của các dòng tu và các tu đoàn tông đồ. Đôi khi, các giám mục xem mình như là bề trên của các hội dòng. Các ngài can thiệp trực tiếp vào việc phân nhiệm các bề trên tu viện hay các tu sĩ, quên đi đặc tính tự trị của các dòng tu mà Giáo luật đã đềp cập tới (đ.586,1). Trong khi các bề trên kêu gọi thành viên của mình cố gắng tuân giữ đặc sủng của các Đấng sáng lập, các giám mục lại muốn dùng đoàn sủng dòng tu nhằm phục vụ những nhu cầu cấp thiết của giáo phận. Một đàng giám mục muốn các dòng hoạt động theo một kế hoạch mục vụ chung trong giáo phận, nhưng các dòng tu lại muốn bảo vệ những đặc sủng của mình kể cả trong lãnh vực hoạt động tông đồ.
Đối lại, đôi khi sự thay đổi liên tục các tu sĩ gây khó khăn cho giám mục trong việc quản trị mục vụ nơi giáo phận. Một khó khăn khác cho các giám mục là từ chính các dòng tu thuộc quyền giáo hoàng hay dòng tu với quyền được miễn trừ. Liên quan đến các dòng tu với quyền miễn trừ, giám mục gặp khó khăn khi một số dòng tu cho rằng họ tương đương với các giám mục theo cơ cấu phẩm trật. Chính vì vậy, giám mục cảm thấy các tu sĩ thực sự không tham gia cộng tác vào chương trình hoạt động mục vụ chung của giáo phận. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự không hoà hợp này là vì cách hiểu và giải thích đặc tính miễn trừ và quyền tự trị của một số dòng tu. Thậm chí, giám mục cảm thấy khó khăn hơn và sự chia rẽ hơn trong giáo phận sau khi mời một số dòng tu cộng tác mục vụ trong giáo phận mình.
Làm sao dung hoà được hai yếu tố này: vẫn cộng tác mục vụ theo dự phóng chung của giáo phận nhưng vẫn giữ được căn tính, đặc sủng của chính các hội dòng? Nguyên tắc nào dành cho việc tông đồ của tu sĩ trong giáo phận? Làm sao để các hoạt động tông đồ trong giáo phận luôn luôn được thực hiện với tinh thần hiệp thông? Sắc lệnh về nhiệm vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội đã nói: “còn các tu sĩ dòng tu được sai đi phụ trách hoạt động tông đồ ở ngoài vẫn phải thấm nhuần tinh thần Tu hội, luôn luôn trung thành giữ luật và vâng phục bề trên tu hội” (35,2). Ngoài ra, cũng có một vài hội dòng lo lắng khi các giám mục can thiệp quá sâu trong việc quản trị hội dòng, làm mất đi gia sản hội dòng. Ngược lại, các giám mục than phiền rằng các ngài không được tham khảo hay biết gì về việc chuyển nhượng tài sản của các dòng tu trong giáo phận của mình mà đã được quy định trong Giáo luật điều 638, 3,4 và 1292, 1,2.
Tất cả những hệ quả này vô tình làm giảm đi sự cảm thông, cộng tác và hiệp thông giữa giám mục và dòng tu đang hoạt động trong các giáo hội địa phương. Hơn thế nữa, tương quan giữa giám mục và dòng tu ngày càng xa mặt, cách lòng. Xa mặt về mặt thể lý, cách lòng về khía cạnh chu toàn sứ mạng phục vụ mà đã được lãnh nhận từ Đức Kitô. Trong tình thế này, sự hiệp thông giữa giám mục và dòng tu cần được đẩy mạnh như một cách thế hiệp hành để cùng hiệp thông trong sứ vụ loan báo Tin mừng cho mọi người.
2. Một vài nguyên tắc cốt yếu của công tác mục vụ
Những chỉ dẫn Công đồng Vaticano II đã cho thấy rằng Giáo Hội, dân Thiên Chúa, là tất cả cùng nhau tiến lên chu toàn sứ mạng rao giảng Tin mừng. Vâng lệnh Chúa Giêsu và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội tham dự vào sứ vụ loan báo Tin mừng mà trong đó tất cả mọi thành phần của Giáo hội liên hệ với nhau, không tách biệt. Giáo hội chỉ có một sứ mạng và tất cả con cái Giáo hội được mời gọi chu toàn sứ mạng của Đức Kitô theo ơn gọi và khả năng riêng. Tất cả cùng đồng trách nhiệm tham gia vào thi hành sứ mạng theo những cách thế, ơn gọi khác nhau. Đó là nguyên tắc tiên vàn cho hiệp thông trong cộng tác mục vụ.
3. Giáo hội hiệp thông
Hiệp nhất trong Giáo hội đặt trên nền tảng Chúa Ba Ngôi: “tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô” (Rm. 12,4). Khi bàn về cộng tác mục vụ, thiết nghĩ cần khởi điểm từ hiệp thông trong Giáo hội. Giáo hội là “như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.”[3] Giáo hội là, trong nhiều phận vụ khác nhau, một đoàn chiên duy nhất trong Chúa Kitô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần thực hiện liên kết tất trong Chúa Kitô và “thực hiện sự hiệp thông kỳ diệu ấy nơi các tín hữu.”[4] Tựa đề “Dân Thiên Chúa” (chương II) trong Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội đã được dùng cho tiêu đề của quyển II trong bộ Giáo luật hiện hành. Sau này tiêu đề “Dân Thiên Chúa” được quảng diễn thêm “Giáo hội với tư cách là dân mới” trong văn kiện Các liên hệ hỗ tương giữa Giám mục và tu sĩ trong Giáo hội.[5] Khi nói Giáo hội như là sự hiệp thông “với tư cách là dân mới” là muốn nhấn mạnh rằng Giáo hội là dân của Thiên Chúa và “họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần, chứ không theo xác thịt.”[6]
Như vậy, chỉ với cái nhìn siêu việt về Giáo hội mới có thể giải thích những liên hệ hỗ tương giữa các thành phần trong Giáo hội với nhau. Chính Chúa Thánh Thần là yếu tố nền tảng để làm năng động và kết nối hiệp nhất cho dân Thiên Chúa. Thật vậy, nhờ được tái sinh trong Đức Kitô qua bí tích rửa tội, tất cả mọi Kitô hữu đều thực hiện sự bình đẳng với nhau và theo cách thế riêng của mình, mỗi người được kêu gọi chu toàn sứ mạng Thiên Chúa uỷ thác cho Giáo Hội.[7] Tất cả đều được kêu gọi vào việc xây dựng Thân Thể duy nhất của Đức Kitô. Đó là một sự bình đẳng về phẩm giá nhưng đa dạng về các ơn gọi, về các đặc sủng trong Giáo hội.
Cả ba bậc sống: giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân nhằm biểu lộ duy nhất của Đức Kitô trong đó Giám mục và linh mục, tu sĩ, và giáo dân cùng nhau làm sinh hoa kết quả những ân huệ của Chúa Thánh Thần, tăng trưởng tình huynh đệ và chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng.[8] Trong bối cảnh hiệp hành, cần thiết phải có sự giải thích cách tuần tự và rõ ràng hơn về căn tính, ơn gọi và sứ mạng của từng bậc sống trong Giáo hội. Quả vậy, “khi các bậc sống càng được tôn trọng căn tính bao nhiêu thì sẽ càng hữu ích cho Giáo hội và cho sứ mạng của Giáo Hội.”[9] Các Giám mục là chủ thể chính cho sự hiệp thông (phẩm trật): với Đức Thánh Cha và Giám mục đoàn (GL, 336), với mọi thành viên của Giám mục đoàn với tư cách giảng dạy và lãnh đạo (GL, 375,2 và 753). Như vậy, các Giám mục tiên vàn là người tiên phong trong việc cổ võ cộng tác mục vụ trong chính giáo hội địa phương. Thừa tác vụ giám mục là nền tảng cho tất cả các thừa tác vụ khác trong Giáo hội nhằm sinh ích cho chính Giáo hội.[10] Về phần mình, các tu sĩ phải trở thành những chuyên viên hiệp thông. Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mọi gọi rằng:
Linh đạo hiệp thông mà thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra, sẽ trở thành thực tại, và anh chị em sẽ là những người đầu tiên đón nhận sự thách đố lớn lao ở trước mặt trong ngàn năm mới: “làm cho Giáo hội là ngôi nhà và trường học của hiệp thông, tôi chắc rằng trong Năm nay, anh chị em cố gắng để cho lý tưởng huynh đệ mà các vị sáng lập theo đuổi sẽ tăng trưởng ở nhiều cấp độ, tựa hồ những vòng tròn đồng tâm.[11]
Hơn thế nữa, các tu sĩ được mời gọi kiến tạo sự hiệp thông ngay trong chính cộng đoàn, hội dòng để loại bỏ những đố kỵ, đàm tiếu và ghen tuông. Sự tăng trưởng hiệp thông trong chính các cộng đoàn tu giúp các tu sĩ vượt ra khỏi biên cương chính Hội dòng mình nhắm đến những dự phóng vĩ mô hơn cho đời sống ngôn sứ và chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng. Đồng thời đời sống thánh hiến được mời gọi hãy theo đuổi một sự hợp lực với các ơn gọi trong Giáo hội, khởi đầu từ các linh mục và giáo dân, ngõ hầu “tăng gia linh đạo hiệp thông trước tiên ở trong nội bộ, rồi đến trong cộng đồng Giáo hội và đi xa hơn nữa.”[12]
4. Đặc Sủng Phục vụ và Đặc Sủng Phẩm trật: Đồng thiết yếu
Trong Tông huấn đời sống thánh hiến, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nói rằng:
Người ta nhận thấy rằng việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm là một điều không thể chối cãi được thuộc về đời sống và sự thánh hiến của Giáo Hội. Điều đó có nghĩa là đời thánh hiến, đã hiện hữu từ buổi sơ khai, sẽ không bao giờ được thiếu vắng trong Giáo Hội, bởi vì nó là một yếu tố cấu tạo và đặc trưng, diễn tả chính bản tính của Giáo Hội. Điều đó rõ ràng, vì việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm được liên kết mật thiết với mầu nhiệm Đức Ki-tô, có phận sự diễn lại cách nào đó lối sống Đức Ki-tô đã chọn, và cho thấy rằng lối sống ấy có một giá trị tuyệt đối và cánh chung.[13]
Việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc âm giúp các tu sĩ không những biểu lộ mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô, nhưng còn hướng tới đời sống hiệp thông trong sứ vụ. Sau này, chính Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI, lúc đó là Tổng bộ trưởng Giáo lý Đức tin, đã ủng hộ tư tưởng vị tiền nhiệm bằng cách yêu cầu bộ này nghiên cứu về tương quan giữa đặc sủng phẩm trật và phục vụ. Chính ý tưởng này đã dẫn tới ra đời văn thư Giáo hội tái sinh (Iuvenescit Ecclesia) của Bộ giáo lý Đức tin vào năm 2016. Trong đó, thánh Bộ đã nhấn mạnh rằng: Giáo hội định chế không nên chống lại Giáo hội bác ái. Đề cập đến tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và phục vụ, văn thư này đã minh nhiên xác quyết cả hai đều thiết yếu cho đời sống và sứ vụ Giáo hội.
Ngay từ những trang đầu tài liệu này, thánh Bộ xác tín rằng: “Giáo Hội tái sinh nhờ sức mạnh của Tin Mừng, và Chúa Thánh Thần luôn canh tân Giáo Hội, qua việc xây dựng và hướng dẫn Giáo Hội “nhờ sự đa dạng trong các hồng ân phẩm trật và đặc sủng.”[14] Những gì làm cho Giáo hội tươi trẻ chính là nhờ vào sức mạnh Tin mừng. Mặt khác, văn thư nhấn mạnh rằng nhờ vào hoạt động Chúa Thánh Thần và những đặc sủng khác nhau, cách nào đó, như một dụng cụ làm cho Giáo hội tươi trẻ. Có hai loại đặc sủng: phẩm trật và phục vụ - cả hai đặc sủng này đều thiết yếu bởi vì cùng phát xuất từ chính trong kế hoạch của Thiên Chúa, trong chính ý muốn của Đức Kitô và trong chính hoạt động của Chúa Thánh Thần. Điều này đã được thánh Phao-lô diễn tả như sau: “Có những ân huệ khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có những việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có những hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa làm nên mọi sự (1Cr 12,4-6). Đặc sủng phẩm trật là những hồng ân, dành riêng cho bí tích truyền chức thánh trong các thứ bậc khác nhau, hướng tới xây dựng và hướng dẫn Giáo hội của Chúa Kitô. Mặt khác, với sự đa dạng của chính mình, đặc sủng phục vụ cần thiết cho sự sống và sứ mạng của Giáo hội. Cả hai: đặc sủng phẩm trật và phục vụ được “Giáo Hội xác nhận tính đồng yếu tính giữa các hồng ân phẩm trật trong bản chất bền vững, thường hằng và bất khả thu hồi của chúng và các hồng ân đặc sủng.[15]
Một mặt, “những vị được ủy thác các hồng ân phẩm trật, khi thi hành việc biện phân và đồng hành với các đặc sủng, cần phải thân ái tiếp nhận những gì mà Chúa Thánh Thần đã linh hứng trong hiệp thông Giáo Hội, do đó, lưu ý tới các hoạt động mục vụ và trân quí sự đóng góp của họ như là một nguồn chân chính gây ích lợi cho mọi người.”[16] Mặt khác, với những người nhận ra ơn đặc sủng phục vụ thì nên ý thức rằng những hồng ân phục vụ này phải được trải qua những thử thách nhất định trước khi những đặc sủng này được đem ra thực hành để hướng tới trở thành các hiệp hội Giáo hội. Nghĩa là thánh giá luôn luôn là một phần không thể thiếu trên hành trình nhận ra một ân sủng đích thực: đặc sủng sáng lập hay đặc sủng nguyên khởi.[17] Chính trong những hoàn cảnh này, các Đấng Sáng Lập phải thừa nhận thẩm quyền của các mục tử trong Giáo Hội như là một thực tại trong chính đời sống Kitô Giáo, và khi thành thực ước muốn được thừa nhận, được tiếp đón và sau cùng được thanh luyện, họ phải tự đặt mình vào thế sẵn sàng phục vụ sứ mệnh của Giáo Hội.[18]
Vì thế, các đặc sủng phẩm trật và phục vụ không thể được xem như tương đương với nhau nhưng chúng có cùng một nguồn gốc và một mục đích như nhau. Chúng là các hồng ân của Thiên Chúa, dưới tác động Chúa Thánh Thần, và trong Chúa Kitô, ban cho ta để ta góp phần cách này hay cách khác vào việc xây dựng Giáo Hội. Thật vậy, “chính lịch sử đã làm chứng cho hành động đa dạng của Chúa Thánh Thần, nhờ đó, Giáo Hội, “được xây trên nền tảng các Tông Ðồ và tiên tri, với Chúa Giêsu Kitô như hòn đá chốt” (Ep 2:20), sống được sứ mệnh của mình trong lòng thế giới.”[19] Những mối tương quan rõ ràng và mật thiết này cần được quy chiếu hỗ tương và trong tương quan bổ sung hài hoà với nhau nhằm phục vụ sứ mạng Giáo hội.
5. Mối liên hệ giữa Giáo hội phổ quát và các giáo hội địa phương
Trong tiếp kiến các giám mục Brazil nhân dịp Ad Limina ngày 5 tháng 11 năm 2010.[20] Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI đã chia sẻ về tương quan giữa các giám mục và tu sĩ được ví như tương quan giữa Giáo hội phổ quát và các giáo hội địa phương. Tuy nhiên, theo Bênêđictô XVI, mối liên hệ giữa Giáo hội phổ quát và các giáo hội địa phương không thể được xem như thể Giáo hội phổ quát bị lu mờ trong bề mặt các giáo hội địa phương. Nhưng khi các giáo hội phổ địa phương mở ra hiệp thông với Giáo hội phổ quát để từ đó Giáo hội phổ quát tồn tại trong những giáo hội địa phương. Trên bình diện tương quan giữa các giám mục và tu sĩ, Đức Giáo hoàng danh dự khẳng định rằng cần có một mối liên hệ hỗ tương rõ ràng. Với các tu sĩ, họ cần phải quan tâm đến các nhu cầu cấp bách khi làm công tác mục vụ trong các giáo hội địa phương. Cũng vậy, các giám mục cũng cần quan tâm hơn đến đặc sủng chuyên biệt và những căn tính của từng hội dòng. Như vậy, hồng ân đặc thù và phổ quát cùng nhau thực hiện sự hài hoà, bổ túc cho nhau khi cùng nhau thi hành sứ mạng Giáo hội. Nguyên lý cốt yếu là cần có một mối liên hệ hỗ tương tròn đầy: không phải riêng lẻ, nhưng là hiệp thông. Cả hai: các mục tử chức thánh và người thánh hiến cần làm thế nào để phục vụ tốt nhất. Các giám mục và tu sĩ đều được mời gọi làm sao để phục vụ cho Nước Thiên Chúa. Như vậy, tương quan giữa các giám mục và tu sĩ trong cộng tác mục vụ không phải là một chiều, nhưng hỗ tương.
Điều này đòi hỏi có một sự gặp gỡ cởi mở nhắm tới sự đón nhận hỗ tương trong tính đa dạng của hai đặc sủng phẩm trật và phục vụ. Cần có một thái độ khiêm tốn và chân thành để đối thoại giữa các giám mục và tu sĩ. Các giám mục được mời gọi hướng tới tôn trọng và trân quý những tính đa dạng hồng ân phục vụ như là ý muốn của Thiên Chúa và nắm rõ các đặc sủng đều là những hồng ân của Chúa Thánh Thần. Về phía các tu sĩ, cần có một cái nhìn hướng tới hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ khi làm công tác mục vụ trong các giáo hội địa phương. Nói cách khác, các tu sĩ cần thực hiện hoá cụ thể mối tương quan của họ với Giáo hội phổ quát mà được thực hiện trong từng giáo hội địa phương. Vì vậy, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã chia sẻ với các bề trên thượng cấp ngày 24 tháng 11 năm 1978 như sau: Trong bất cứ phận vụ nào, căn tính các tu sĩ, với ơn gọi thánh hiến của mình, là nhằm phục vụ cho Giáo hội phổ quát qua chu toàn sứ vụ của mình trong các giáo hội địa phương. Đó là một điều thiết yếu nhằm thúc đẩy các tu sĩ cổ võ trong từng giáo hội địa phương sự nhất của Giáo hội phổ quát.
Tóm lại, cộng tác trong mục vụ, các tu sĩ không thể thực hiện hoá những giá trị của hồng ân phục vụ nếu không được nhắm đến sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, trong bối cảnh cụ thể là các giáo hội địa phương. Chính trong biên độ của các giáo hội địa phương, các tu sĩ cần ý thức chính họ được mời gọi làm chứng cho Đức Kitô và loan báo Tin mừng. Đây là cách thế mà giúp các tu sĩ loại bỏ cái nhìn về chính mình như là những người biệt lập hay đặc ân miễn trừ khi chu toàn sứ vụ và công tác trong mục vụ tại các giáo hội địa phương.
6. Quyền miễn trừ và quyền tự trị
Một trong những nguyên nhân cản trở cho các liên hệ hỗ tương giữa các giám mục và tu sĩ là chưa có một sự tôn trọng chính đáng của các giám mục về quyền tự trị của các tu sĩ trong mối liên hệ với các giáo hội địa phương hay lối giải thích của các tu sĩ về quyền tự trị trong tương quan với các giám mục. Theo Giáo luật hiện hành, “mỗi tu hội được thừa nhận có quyền tự trị chính đáng trong sinh hoạt, nhất là trong việc lãnh đạo, nhờ đó, tu hội có một kỷ luật riêng trong Giáo hội và có thể bảo toàn nguyên vẹn gia sản của mình được nói đến ở điều 578.”[21] Bên cạnh đó, “việc duy trì và bảo vệ quyền tự trị ấy thuộc về các Đấng Bản Quyền địa phương.”[22] Quyền tự trị này được áp dụng cho tất cả các tu hội thánh hiến và các tu đoàn tông đồ, không phân biệt tu hội giáo sĩ hay giáo dân, tu hội nam hay nữ, tu hội thuộc giáo phận hay giáo hoàng.[23]
Hơn thế nữa, quyền tự trị này là cho từng tu hội thánh hiến và tất cả thành viên mà trong đó tiên vàn gìn giữ đặc sủng nguyên khởi, bản chất riêng biệt và sứ vụ nền tảng của tu hội thánh hiến. Tuy nhiên, trong các hoạt động tông đồ của mình, các tu hội phải thi hành nhân danh và thừa lệnh và trong sự hiệp thông với Giáo hội.[24] Với quyền đã được lãnh nhận từ Thiên Chúa qua các thừa tác mục vụ của Giáo hội, các bề trên thực hiện nhiệm vụ kép: hướng dẫn tu hội đúng theo đặc tính riêng của tu hội và liên kết với hàng giáo phẩm trong cộng tác mục vụ. Tu hội có một tổ chức nội bộ, có một thẩm quyền riêng và có một quyền tự trị thực sự trong Giáo hội, nhưng quyền tự trị không bao giờ là độc lập.[25] Như vậy, các giám mục thông thường không được can thiệp vào tổ chức nội bộ và trong việc quản trị tu hội. Tuy nhiên, một quyền tự trị như thế không có nghĩa là độc lập. Các tu sĩ chính là những món quà từ Chúa Thánh Thần nhằm tạo nên thiện ích cho Giáo hội nên không thể được hiểu cách độc lập hay tách biệt khỏi sứ mạng của Giáo hội. Điều này đã được giải thích như sau:
Nên nhắc lại rằng khi điều phối việc phục vụ Giáo Hội phổ quát với việc phục vụ Giáo Hội địa phương, các tu hội không thể nại đến quyền tự trị chính đáng của mình, và thậm chí quyền miễn trừ… để biện minh cho những chọn lựa đi ngược lại những đòi hỏi của sự hiệp thông hữu cơ cần thiết cho đời sống lành mạnh của Giáo Hội. Thái độ quan tâm của các giám mục đối với ơn gọi và sứ mạng của các tu hội và thái độ kính trọng của các tu hội đối với thừa tác vụ của các giám mục, được diễn tả qua việc mau mắn đón nhận những chỉ thị cụ thể về mục vụ giáo phận, diễn tả hai hình thái liên kết chặt chẽ của một đức ái duy nhất trong Giáo Hội, đức ái đòi hỏi mỗi bên phải phục vụ sự hiệp thông hữu cơ - vừa mang tính đoàn sủng, vừa được kết cấu theo phẩm trật - của toàn Dân Thiên Chúa.[26]
Cùng với thao thức trên, tông huấn Giáo hội tại Á châu mời gọi các tu hội thánh hiến: “tuy vẫn tôn trọng đoàn sủng riêng của họ, họ phải hoà nhập trong chương trình mục vụ của Giáo Phận nơi họ làm việc. Về phần mình, các Giáo Hội địa phương cần đẩy mạnh sự hiểu biết về lý tưởng của các tu sĩ và đời sống thánh hiến, và cổ võ những ơn gọi đó. Điều này đòi hỏi mỗi giáo phận phải lập ra một chương trình mục vụ cho ơn gọi, gồm có việc chỉ định các Linh mục và tu sĩ làm việc toàn thời gian giữa giới trẻ để giúp họ lắng nghe và nhận định tiếng gọi của Chúa.”[27] Cũng vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các bề trên thượng cấp nhân dịp buổi tiếp kiến vào ngày 28 tháng 10 năm 2016 rằng: quyền miễn trừ và tự trị trong các tu hội thánh hiến luôn không bao hàm sự độc lập hay lẻ loi. Nhưng hơn bao giờ hết, ngài nói, ngày nay quyền miễn trừ và tự trị trong các tu hội thánh hiến như là một cách thế làm năng động đặc sủng phục vụ và tính phổ quát mang lại những hoa trái nhất định trong các giáo hội địa phương.
7. Cộng tác trong Mục vụ giữa các Giám mục và tu sĩ
Đã qua rồi một thời quan niệm rằng ơn gọi đời sống thánh hiến được xem như là con đường trở nên hoàn thiện và nên thánh riêng biệt chỉ dành riêng cho một người nào đó. Nhưng từ sau Công đồng Vaticanô II, đã nhấn mạnh nhiều đến vai trò chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng và tăng thêm sự thánh thiện của đời sống thánh hiến trong các giáo hội địa phương. Thật vậy, các nghị phụ đã minh định rằng tất cả những người thánh hiến phải luôn luôn hoạt động mang lại thiện ích cho các giáo hội địa phương. Tùy theo ơn gọi riêng của mỗi tu hội mà “có nhiệm vụ tận lực và chuyên cần gắng sức xây dựng phát triển toàn diện Nhiệm Thể Chúa Kitô và mưu cầu ích lợi cho các Giáo hội địa phương.”[28]
8. Những đóng góp của tu sĩ nam nữ trong Giáo hội
Đóng góp đầu tiên của tu sĩ nam nữ là làm phong phú công việc tông đồ tại các giáo hội địa phương. Trong phạm vi các công tác tông đồ, chúng ta thấy rõ các tu sĩ nam nữ làm phong phú hơn các giáo hội địa phương, tạo nên rõ nét hơn hồng ân của sự thánh thiện cả tính đại lượng. Chính trong sự hiện diện và cộng tác của các tu sĩ nam nữ đã và đang chuyên cần tạo nên sự hiện diện hữu hình Giáo hội qua việc chăm sóc y tế, giáo dục, và phát triển toàn diện con người. Đóng góp thứ hai, mặc dù là không phải hữu hình cách cụ thể, là làm chứng qua chính đời sống tận hiến của các tu sĩ nam nữ. Nghĩa là, “việc tông đồ của mọi tu sĩ trước tiên hệ tại ở chứng tá đời sống thánh hiến của họ mà họ có bổn phận phải gìn giữ bằng lời cầu nguyện và bằng việc sám hối.”[29] Như vậy, bộ ba của tu sĩ nam nữ trong Giáo hội là: siêng năng cầu nguyện, đời sống chứng tá, và dấu chỉ sự hiệp thông. Cần phân biệt giữa tinh thần tông đồ và hoạt động tông đồ. Tinh thần tông đồ thuộc về chính bản tính tu hội, được thể hiện qua đời sống chứng tá, ngay cả cho những tu hội chuyên chiêm niệm. Còn hoạt động tông đồ thuộc về những tu hội hoạt động được thi hành nhân danh và thừa lệnh Giáo hội cũng như trong sự hiệp thông với Giáo hội.[30]
Đóng góp thứ ba là, đặc biệt trong các giáo hội địa phương, sự hiện diện cộng đoàn tu sĩ. Tuy nhiên, sự hiện diện này không bao hàm như một sở thích lẻ loi hay cảm hứng riêng tư. Nhưng chứng tá của đời sống cộng đoàn tận hiến còn là một dấu chỉ đặc biệt của mối dây liên kết bắt nguồn từ cùng một tiếng gọi và cùng một ý định muốn tuân theo tiếng gọi ấy, cho dù có khác chủng tộc, gốc gác, ngôn ngữ hay văn hoá.[31] Cũng vậy, tựa đề quyển IV trong Giáo luật hiện hành với tựa đề “Việc Tông Đồ của Các Tu Hội” cũng nhằm nói đến sứ mạng bằng đời sống chứng tá trong tinh thần hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ hơn là các hoạt động riêng lẻ của từng tu sĩ. Hơn bao giờ hết, tu sĩ ngày nay không phải được mời gọi trở nên người đơn ca, nhưng là thành viên của một ca đoàn, không được mời gọi thành một ngôi sao lẻ loi, nhưng hợp thành một chòm sao. Một con én không thể làm nên mùa xuân.
9. Hướng đến cộng tác trong mục vụ
Các số từ 33 đến 35 trong Sắc Lệnh Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội bàn về sự hiệp thông giữa các giám mục và tu hội tận hiến trong công tác mục vụ. Ngoài ra, những đóng góp này cũng được triển khai thêm trong Giáo luật hiện hành. Trong khi tổ chức công việc tông đồ của tu sĩ, các giám mục giáo phận và các bề trên dòng phải làm việc theo cách thế trao đổi hỗ tương và đồng lòng trong hành động.[32] Ðể đồng một lòng tán trợ những mối tương quan giữa các Giám Mục và các Tu Sĩ cách hữu hiệu, các Giám Mục và các Bề Trên Dòng Tu hãy vui lòng họp lại với nhau vào những kỳ hạn nhất định, và mỗi khi thấy thích hợp, để thảo luận về những công việc có liên hệ tổng quát tới hoạt động tông đồ tại lãnh thổ mình.[33]
Giáo phận có thể trao một số công tác cho các hội dòng như tiểu chủng viện, trường học, giới trẻ, di dân, và một số công tác mục vụ khác. Điều cần lưu ý là, khi trao phó những công tác này, có một số điều khoản cần được xác định rõ ràng bằng văn bản hợp đồng. Ngoài những điều khác, trong văn bản hợp đồng phải xác định rõ ràng và kỹ lưỡng: công việc, cách thế thực hiện, nhân sự và tài chánh.[34] Văn bản hợp đồng không chỉ chứng tỏ bằng chứng lâu bền sau này nhưng nó còn có chức năng chính đáng cho sự công nhận đặc sủng phục vụ chuyên biệt của mỗi hội dòng trong Giáo hội. Hơn thế nữa, bản hợp đồng còn minh chứng bảo đảm cho tu hội có một kỷ luật riêng trong Giáo hội và có thể bảo đảm nguyên vẹn gia sản của tu hội trong khi làm công tác mục vụ tại các giáo hội địa phương.[35] Cuối cùng, dưới sự chỉ đạo của Giám mục giáo phận “giữa các tu hội với nhau cũng như giữa các tu hội với hàng giáo sĩ triều, phải cổ vũ một sự cộng tác có tổ chức cũng như một sự phối trí mọi việc và hoạt động tông đồ.[36]
Khi được trao phó công tác mục vụ trong giáo phận, tất cả các tu sĩ phải luôn luôn kính trọng các giám mục, những đấng kế vị các Tông Đồ. Ngoài việc phải tận tụy và kính trọng, các tu sĩ còn phải tùy thuộc vào quyền Giám mục trong những gì liên quan đến việc coi sóc các linh hồn, việc cử hành công khai thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, các tu sĩ vẫn phải trung thành với kỷ luật của tu hội mà trong đó các Giám mục “phải nhớ thúc bách họ giữ gìn nghĩa vụ ấy.”[37] Với sự đồng ý văn bản của Giám mục giáo phận đề thành lập một nhà dòng thì cũng bao hàm quyền thực hiện công việc tông đồ thích hợp với đặc sủng riêng của tu hội.[38] Tuy nhiên, với dòng giáo sĩ, mặc dù đã được Giám mục giáo phận chấp thuận cho phép thiết lập nhà mới trong giáo phận, nhưng phải có phép của ngài trước khi xây dựng nhà thờ ở một nơi đích xác và nhất định.[39]. Ngoài ra, các tu sĩ có thể được chọn là thành viên của hội đồng linh mục (Gl 498,2), hội đồng mục vụ giáo phận (512, 2) và hội đồng mục vụ giáo xứ (536, 1).
10. Một vài đề nghị cho cộng tác trong mục vụ
Giáo xứ hay giáo phận là những nơi mà trong đó các đặc sủng phục vụ và đặc sủng phẩm trật cùng chu toàn sứ mạng của Giáo hội. Vì thế, cần thiết có một sự đón nhận hỗ tương, đồng tâm, bổ túc, và đồng trách nhiệm trong sứ vụ tông đồ tại các giáo hội địa phương. Trong chính giáo xứ và giáo phận, cách sống giữa các giáo sĩ giáo phận và tu sĩ cần thể hiện tình huynh đệ, sống chứng tá qua phục vụ bác ái cụ thể. Giáo xứ còn là nơi đón nhận ân sủng để thể hiện hiệp thông giữa các giáo sĩ giáo phận và tu sĩ nam nữ. Những cử chỉ nhỏ như hiếu khách, cầu nguyện chung, tổ chức ngày lễ, trao đổi hỗ tương nhằm loại bỏ những hiểu nhầm và đẩy mạnh sự hài hoà trong các công việc mục vụ.
Việc thành lập hiệp hội tu sĩ cấp giáo phận cần được khuyến khích theo tinh thần và chỉ dẫn của Các mối liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo hội. Mục đích chính hiệp hội này như sau:[40]
Hoặc làm như những cơ quan liên lạc giữa các Tu hội, để thăng tiến và canh tân đời tu trong sự trung tín với những đường hướng của Huấn quyền và sự tôn trọng tính cách đặc thù của mỗi Tu hội.
Hoặc làm như những cơ quan để bàn bạc về những vấn đề chung giữa các Giám mục và các bề trên, đồng thời để phối hiệp các hoạt động của các Tu hội với hoạt động mục vụ của giáo phận dưới quyền của Giám mục, nhưng không làm thiệt hại cho các mối liên lạc và thương thảo đã có giữa Giám mục với từng Tu hội riêng rẽ.
b. Ủy ban về mối liên hệ hỗ tương
Hội đồng giám mục và hiệp hội các bề trên nên thành lập một ủy ban với mục đích đẩy mạnh các mối liên hệ hỗ tương. Ủy ban này có trách nhiệm tổ chức các buổi tọa đàm, chuyên đề về các chủ đề chung cũng như các vấn đề cấp thiết trong liên hệ giữa các dòng tu và giữa các giám mục và dòng tu. Cũng có thể thành lập ủy ban về giáo luật, khi cần tư vấn giúp đỡ các giám mục và các bề trên dòng tu trong các gì liên quan đến cộng tác mục vụ.
c. Đại diện tu sĩ trong Giáo phận
Để tốt hơn, có lẽ Giám mục nên chọn một tu sĩ có chuyên môn về giáo luật và thần học đời tu làm vị đại diện tu sĩ trong giáo phận của mình. Vị đại diện tu sĩ vừa cộng tác với các dòng tu điều phối một số hoạt động tông đồ của các hội dòng, vừa tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề được chủ toạ bởi giám mục và chia sẻ các chuyên viên. Chuyên đề này có thể bao gồm: giám mục và bề trên hội dòng cùng nghiên cứu các văn kiện giáo hội liên quan, các khóa đặc biệt dành riêng cho linh mục, tu sĩ, giáo dân đang cộng tác mục vụ trong giáo phận nhằm cập nhật những văn kiện mới Giáo hội hay thực hiện chỉ dẫn của giám mục liên quan đến mục vụ. Ngoài ra, cần thiết có những nghiên cứu và chia sẻ dành riêng cho các tu sĩ nam nữ, chuẩn bị các tài liệu liên quan đến công tác mục vụ để triển khai đến giáo dân.
d. Đào tạo các chủng sinh và tu sĩ
Ngay trong số 30 của văn kiện chỉ dẫn về Các liên hệ hỗ tương giữa Giám mục và tu sĩ trong Giáo hội (Mutuae Relationes, 1978) đã hướng dẫn rất hữu ích như sau:
Ngay từ lúc đầu huấn luyện giáo sĩ cũng như tu sĩ, nên trình bày một nghiên cứu có phương pháp về mầu nhiệm Đức Ki-tô, về bản chất “bí tích” của Giáo Hội, về tác vụ Giám mục và về đời sống tu trì trong Giáo Hội. Vì thế :
Ngay từ thời gian tập viện, người tu sĩ nam nữ phải được huấn luyện thế nào để đặc biệt ý thức và lo lắng cho Giáo Hội địa phương, đồng thời cũng đặc biệt trung thành với ơn gọi riêng của mình.
Các Giám mục phải làm sao cho hàng giáo sĩ giáo phận hiểu biết những vấn đề hiện tại của đời sống tu trì, nhu cầu cấp bách phải truyền giáo, làm sao cho có vài linh mục được tuyển chọn và được chuẩn bị để giúp các tu sĩ trong việc tiến tới trên đường thiêng liêng (x. ĐT 10 ; TG 39). Thậm chí trong nhiều trường hợp, nên giao phó phận sự ấy cho các tu sĩ linh mục đã được tuyển chọn một cách khôn ngoan (x. số 36).
Tuy nhiên, kiến thức của người tu sĩ về chính đời sống thánh hiến thì chưa đủ, nhưng cần có thêm cảm thức trong việc cộng tác trong công việc mục vụ tại các giáo hội địa phương. Cũng vậy, các tu sĩ trẻ cần được huấn luyện về thần học thánh hiến nhắm giúp họ nhận ra căn tính đặc biệt người tận hiến trong các giáo hội địa phương và trong phẩm trật thừa tác vụ.
11. Tạm kết
Ý thức được những vấn đề đang tồn tại trong mối liên hệ hỗ tương không có nghĩa luôn bao hàm rằng luôn luôn có các vấn đề khó khăn. Có nhiều hay ít trở ngại trong các mối liên hệ hỗ tương là phụ thuộc vào sự hiểu biết tận căn về hồng ân phục vụ và hồng ân phẩm trật. Trong thực tế, có nhiều giám mục biết rất rõ về đời thánh hiến và đón nhận các tu sĩ như một hồng ân và sự thánh thiện cho chính giáo phận. Cũng có những giám mục hết mình tận tụy đồng hành với các hội dòng như một người cha. Với lòng yêu thương tận tụy như vậy, giáo phận đã gặt hái nhiều thành quả trong việc công tác mục vụ, đào tạo nhân sự của giáo phận được thực hiện bởi nhiều hội dòng khác nhau.
Cộng tác trong mục vụ đòi hỏi phải có một cuộc gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại chân thành cởi mở trong tinh thần đón nhận nhau và chia sẻ các hồng ân khác nhau. Sẽ không mang lại kết quả trong cộng tác mục vụ nếu không có mối liên hệ hỗ tương, khi quyền tự trị được hiểu như là tách biệt. Cộng tác trong mục vụ là một quá trình đầy khó khăn và thử thách nhắm đến tính hiệp hành trong Giáo hội. Thật vậy, “biến Hội Thánh thành ngôi nhà và trường học của hiệp thông: đó là thách đố lớn mà chúng ta phải giáp mặt trong thiên niên kỷ mới khởi đầu, nếu chúng ta muốn trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa và đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất của thế giới.”[41]
Tóm lại, trong khi chờ đợi văn kiện mới (Mutuae Relationes) hướng dẫn về tương quan giữa giám mục tu sĩ, đặc biệt trong cộng tác mục vụ, chúng ta cùng nhau đọc lại bản hướng dẫn cũ (Mutuae Relationes 1978) thật ý nghĩa như sau.
Với các hội dòng cần ý thức rằng:
Tu hội nào ra đời cũng là để phục vụ Giáo Hội, để dùng những đặc tính riêng biệt của mình, và tuỳ theo tinh thần cũng như sứ mệnh đặc thù của mình mà làm cho Giáo Hội được phong phú… Vì ý thức rằng bản chất của đời sống tu trì đòi hỏi sự tham gia đặc biệt của các phần tử, các bề trên phải khuyến khích sự tham gia, vì nếu các thành phần của Tu hội không cộng tác, thì không thể canh tân hữu hiệu và cập nhật đúng mức được (DT 4).[42]
Cũng vậy, các giám mục cũng được mời gọi như sau:
Ước gì các Giám mục nhớ lại lời thánh Tông Đồ căn dặn, là: “Đừng dùng quyền mà thống trị các kẻ Thiên Chúa giao phó, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,3); các ngài hãy ý thức rằng sống trong Thánh Thần là ưu tiên hàng đầu và vì thế, các ngài phải vừa là người hướng dẫn vừa là thành phần, thực sự là người cha, nhưng cũng là người anh em; là thầy dạy đức tin, mà nhất là cùng làm môn đệ trước mặt Đức Ki-tô; là thầy dạy đường trọn lành cho tín hữu, nhưng cũng là chứng nhân về sự thánh hoá bản thân của mình.[43]
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài, CSF.
[1] Mục vụ là, phỏng theo sứ mạng của Chúa Giêsu, những việc trong Hội thánh nhằm chăm sóc giáo dân. Theo tinh thần của Công đồng Vaticano II, công việc mục vụ này không chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, nhưng tất cả dân Chúa, tùy theo ơn gọi mà được mời gọi tham gia, trợ giúp và chia sẻ. Xc Từ Điển Công Giáo, “Mục vụ,” trang 598.
[2] Trong thực tế, không chỉ có những khó khăn cho cộng tác trong mục vụ giữa các giám mục và dòng tu nhưng cho toàn thể trong các giáo hội địa phương. Hơn thế nữa, những khó khăn và thách đố còn xảy ra giữa các dòng tu nam nữ, giữa giáo sĩ và giáo dân. Tuy nhiên, bài viết chỉ giới hạn trong phạm vi giữa các giám mục và tu sĩ trong cộng tác trong mục vụ.
[3] Công đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), số 1.
[4] Công đồng Vatican II, Sắc Lệnh về Hiệp Nhất (Unitatis Redintegratio), số 2.
[5] Bộ Tu Sĩ, Các Liên Hệ Hỗ Tương Giữa Giám mục và Tu sĩ trong Giáo Hội (Mutuae Relationes), 1.
[6] LG, 9.
[7] LG, 31, GL, 204,1.
[8] Tông Huấn Đời Thánh Hiến Vita consecrata (VC), 4.
[9] VC, 4.
[10] MR, 5.
[11] Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, số 3.
[12] Tông Thư gửi những người Thánh hiến, số 3.
[13] VC, 29.
[14] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Giáo Hội Tái Sinh (Iuvenescit Ecclesia), 1.
[15] IE, 13.
[16] IE, 20.
[17] Trong lịch sử Giáo hội, chúng ta thấy, không phải tất cả, một vài Đấng Sáng Lập (nam hay nữ) đã đối diện với những khó khăn nào đó trong giai đoạn đầu. Thánh Phanxicô đã chiến đấu với bao đau khổ và khó khăn khi các anh em trong dòng đã không đón nhận Tu luật mới. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Gioan Thánh Giá cũng đã trải qua những thử thách và tủi nhục trong việc canh tân dòng Carmelô.
[18] IE, 20.
[19] IE, 8.
[20] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2010/november/documents/hf_ben-xvi_spe_20101105_ad-limina-brasile.html
[21] Can, 586,1.
[22] Can, 586,2
[23] Can, 732,2.
[24] Can, 675,3.
[25] MR, 13; VC 48, 100.
[26] VC, 49b.
[27] EA, 44c; CL 385.
[28] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo hội (Christus Dominus), 33a.
[29] Can, 673.
[30] Can, 675, 3.
[31] VC 92.
[32] Can, 678, 3.
[33] CD, 35, 6.
[34] Can, 681,2 và 520,2.
[35] Can, 586.
[36] Can, 680.
[37] Can, 678,2. CD 35,1.
[38] Can, 609 và 610.
[39] Can, 1215,2
[40] VC 59.
[41] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Khởi Đầu Ngàn Năm Mới (Novo Millennio Ineunte), 43.
[42] VC, 13.
[43] VC, 9d.
Bài cùng chuyên mục:
Đức Giê-Su Ki-Tô - Đường trút bỏ chính mình (19/08/2024 14:57:15 - Xem: 199)
Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ chính mình để đến với gia đình nhân loại.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường củng cố đức tin (09/06/2024 10:47:57 - Xem: 395)
Đức tin của các Ki-tô hữu gắn liền với mặc khải Thiên Chúa trong dòng lịch sử mà cao điểm là sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng trần thế.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường Thiên Chúa quan phòng (06/04/2024 08:01:43 - Xem: 632)
Thiên Chúa quan phòng, Thiên Chúa lo liệu, đó là niềm tin của Áp-ra-ham trong hoàn cảnh bi thương này.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường cầu nguyện (11/02/2024 09:30:02 - Xem: 844)
Kinh Thánh Cựu Ước có nhiều từ mang nghĩa ‘cầu nguyện’ với Thiên Chúa, một trong những từ khá phổ biến là ‘פָּלַל/ palal’. Động từ này có nghĩa gốc là ‘phân xử’ (Xh 21,22) hay ‘nghĩ về’ (St 48,11).
Đức Giê-su Ki-tô – Đường Lòng Chúa Thương Xót (19/12/2023 07:12:56 - Xem: 911)
Theo thánh Au-gút-ti-nô (354-430), ‘lòng thương xót’ được hiểu như là sự cảm thông phát xuất từ tâm hồn chúng ta trước sự đau khổ của người khác
Đức Giê-su Ki-tô – Đường hiệp nhất nên một (09/10/2023 10:52:58 - Xem: 1,310)
Ý niệm hiệp nhất được đề cập trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người, chẳng hạn như sự hiệp nhất về mục đích, sự hiệp nhất về hành động, sự hiệp nhất về nguồn gốc,
Đức Giê-su Ki-tô – Đường giữa thế gian (29/08/2023 13:54:08 - Xem: 1,123)
Theo các trình thuật Tân Ước, khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giê-su đến với thế gian, đến với gia đình nhân loại.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường tình bạn (03/06/2023 05:25:49 - Xem: 1,394)
Tình yêu và tình bạn là hai chủ đề quan trọng của đời sống con người và nhiều khi con người khó có thể phân biệt rõ ràng đâu là tình yêu và đâu là tình bạn.
Hiệp Hành là điều đơn giản (10/05/2023 07:25:18 - Xem: 2,155)
Chúa Thánh Thần là Linh hồn của Giáo hội. Ngài làm sinh động và mang lại sự sống cho Giáo hội, Ngài hướng dẫn và làm sinh động cuộc hành trình này
Đức Giê-su Ki-tô – Đường tạ ơn (05/04/2023 05:43:42 - Xem: 2,292)
Chủ đề tạ ơn được trình bày trong hầu hết các sách Kinh Thánh. Đặc biệt, trong Cựu Ước, tạ ơn được đề cập nhiều ở các Thánh Vịnh.
-
+ Chúa Nhật 06/10/2024 – CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI. – Tôi tớ Chúa xin vâng.
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
- Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường...
- Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
-
Di sản của chúng ta: sinh lực chúng ta để lại
Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn...
-
Đọc kinh Mân côi có thực sự cần thiết nữa chăng ?
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ : “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời...
-
Gia vị cho bài giảng lễ Chúa nhật lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui mừng và tạ ơn nhớ đến sự hiện diện của Đức Maria và Con của Mẹ là Chúa Giêsu đã biến đổi cái thế...
-
Hội chứng “Burn Out” – Người tông đồ nên làm gì ?
Burn out là hội chứng thường được nhắc tới trong đời sống xã hội hiện đại với dòng chảy quá nhanh và hối hả, với quá nhiều giao động cùng...
-
Chuỗi Mân Côi – Chuỗi ngày sống
Chuỗi Mân Côi như chuỗi ngày sống của một đời người. Chuỗi Mân Côi có thể dùng để gột bỏ những đam mê, gạn lọc những tình cảm, và kết nối...
-
Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1)
Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế...
-
Thiên Chúa yêu thích sự bé nhỏ
Sự bé nhỏ không phải là yếu kém hay bất lực, mà là sự nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta “có”, chúng ta “là”, đều phụ thuộc vào Thiên...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: bài 139 - Thủ dâm và hướng dẫn của Giáo hội
Nếu xét theo 10 điều răn thì lỗi luật, nhưng với con, và con nghĩ nếu là Chúa, với tình thương của Người, Người cũng không xét đoán và...
-
10 Ý tưởng giúp các mẹ nạp lại năng lượng
Làm mẹ không bao giờ dễ dàng. Dưới đây là những ý tưởng từ những người mẹ về cách họ nạp lại năng lượng về mặt thể lý, tâm lý và tinh thần.
-
Câu chuyện chiều thứ bảy: Sự cần thiết của việc lắng nghe
Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải chú tâm để nghe, hiểu và thấu cảm. Như vậy, lắng nghe cũng là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người.
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...