Suy niệm tin mừng chúa nhật

CÁC BÀI SUY NIỆM NGÀY 3 TẾT

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,358
  • Ngày đăng: 16/01/2023 10:27:25

1. Chúa thánh hoá công ăn việc làm

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Những ngày tết là những ngày vui chơi, nghỉ ngơi, giãn xả về mặt thể xác, nhưng Giáo Hội là người Mẹ luôn khôn ngoan hướng con người nhìn xa thấy rộng hơn, thể xác thảnh thơi đôi chút sau những ngày tháng làm việc vất vả, Giáo Hội hôm nay muốn nhắc nhớ mọi người phải hướng về Đấng tối cao, hướng về Thiên Chúa vì Ngài là Đấng có quyền ban phát mọi sự. Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên, câu tục ngữ của Pháp quả mang một ý nghĩa thâm sâu, cao vời. Hội Thánh Việt Nam dành ngày mồng ba tết để cầu xin Chúa thánh hoá công ăn việc làm.

LAO ĐỘNG LÀ LẼ SỐNG CỦA CON NGƯỜI:

Được Thiên Chúa tạo dựng, con người sống trong cảnh địa đàng hạnh phúc, huy hoàng và êm đềm không vất vả. Tuy nhiên, khi ông bà nguyên tổ phạm tội, con người mất hạnh phúc địa đàng trần gian, Thiên Chúa đuổi ông bà tổ tiên ra khỏi vườn Éđen và bắt đầu một cuộc sống trần thế với bao truân chuyên, thử thách, vất vả vì tội lỗi ông bà tổ tiên gây ra. Tuy nhiên Chúa không bỏ rơi nhân loại, con người mà đã sai Con của Người là Đức Giêsu Kitô đến để mang lại cho cuộc đời trần thế một ý nghĩa mới, biến công ăn việc làm trở nên có ý nghĩa cứu rỗi vì nó không còn là lời nguyền rủa mà là hạnh phúc khi con người biết làm ra của cải để mang lại giầu sang, phú quí và hạnh phúc cho cuộc sống, miễn là con người biết làm theo ý Thiên Chúa. Vì thế, trong ngày mồng ba tết, thánh Matthêu đã thuật lại dụ ngôn của Chúa Giêsu về các nén bạc Chúa trao cho mỗi người tùy theo khả năng, mức độ và trí tuệ mà họ được nhận lãnh, miễn là họ biết sinh lợi theo ý của ông chủ, và không lười biếng, ngồi chờ sung rụng…Chúa muốn mỗi con người dù trí thức, lao động bình thường: chân tay, trí óc đều phải sinh lợi theo mức độ khả năng Chúa trao cho.

XIN CHÚA THÁNH HÓA VIỆC LAO ĐỘNG VÀ CÔNG ĂN VIỆC LÀM CỦA MỖI NGƯỜI:

Để được Chúa thánh hóa công ăn việc làm, con người phải biết tùy theo khả năng siêng năng, lanh lẹ làm cho của cải sinh hoa kết quả tốt. Con người phải hiểu rằng Chúa đến trong thế giới, nhận một gia đình để được sinh ra và để sống là vì Chúa đem lại cho lao động, cho cuộc sống một giá trị, một ý nghĩa hoàn toàn mới. Chúa nâng đời sống lao động và thánh hoá đời sống lao động, Chúa làm gương về đời sống phục vụ, mỗi giọt mồ hôi, mỗi sự mệt mỏi trong lao động của Chúa Giêsu đều mặc một giá trị cứu rỗi.Con người luôn phải ý thức lời Kinh Thánh viết, hướng dẫn và chỉ bảo:” Bao lâu trái đất này còn, còn gieo còn gặt, còn vun còn trồng; bốn mùa xuân hạ thu đông, ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên” hoặc: ” bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 64, 2).

Mồng ba tết xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm, chúng ta mỗi người tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta người năm nén, người hai nén, người một nén. Tất cả đều do hồng ân Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta biết làm lợi cho Chúa, cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Làm biếng, chơi bời lêu lổng không chịu lao động để sinh lợi theo khả năng Chúa ban là lỗi với Chúa và đáng Chúa khiển trách:” Hỡi tôi tớ lười biếng…”.

Lạy Chúa, chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh hoá công ăn việc làm).

 

.

2. Mưu sự tại nhân – Thành sự tại Thiên

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Từ lâu người Việt Nam đã biết có ông Trời. Tin ông Trời. Cầu khẩn ông Trời. ông Trời trở thành một thần linh luôn đồng hành với con người qua mọi thăng trầm. Tuy không rõ Ông Trời thế nào nhưng không ai lại không kính Trời. Ai cũng sợ Trời và cố gắng làm vui lòng Trời. Vì ông trời làm chủ vận mệnh muôn loài. Ông Trời quyền phép vô cùng. Thế nên,

Mưu sự tại nhân – Thành sự tại Thiên.

Trời cho ai nấy hưởng

Sống nhờ ơn Trời – Chết về chầu Trời.

Khi làm ăn mùa màng không được như ý thì người ta cầu trời:

“Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun bếp”

Làn mưa từ Trời sẽ mang lại niềm vui cho công việc, cho cuộc sống con người:

“Nhờ Trời mưa thuận gió hoà

Nào cày, nào cấy trẻ già đua nhau

Người Việt cũng luôn tin vào Trời rất công bình, hoạ phúc công minh; Ông Trời như một ông chủ luôn thưởng phạt công minh:

“Trời nào có phụ ai đâu

Hay

làm thì giầu, có chí thì nên”

Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta trao phó công việc làm ăn cho Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa quyền năng, Ngài điều khiển mọi loài. Ngài là Đấng cho mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ. Ngài là Đấng ban lại cho chúng ta sự thành công trong công việc mà thánh vương Đa-vít đã từng nói: “Nếu Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”.

Lịch sử nhân loại đã từng chứng minh có biết bao công trình mà không có bàn tay Thiên Chúa, hay cố tình loại trừ Thiên Chúa sẽ khó hoàn thành, đôi khi còn bị huỷ diệt.

Đó chính là sự kiện xây tháp Babel. Con người đã từng không chấp nhận thua Thiên Chúa. Họ muốn chống lại Thiên Chúa nên hợp lực với nhau để xây tháp tới Trời. Thế nhưng, lực bất tòng tâm. Công trình của họ đã bị dang dở. Họ chia rẽ nhau ngay khi công việc còn dở dang.

Gần đây nhất là sự kiện con tàu Titalic. Con tàu của sự kiêu hãnh của con người có thể chống lại phong ba bão tố. Người ta tưởng rằng với sự văn minh của nhân loại, người ta không cần ơn Trời vẫn có thể đi biển bình yên. Thế nhưng, con tàu đó đã bị chìm xuống đại dương cùng với sự ngạo nghễ của con người khi đâm vào một tảng đá ngầm mà không ai học được “chữ ngờ”.

Thế nên, việc cầu Trời, khấn trời dù ở khung trời văn minh hay chốn hồng hoang vẫn là cần thiết. Con người luôn bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên. Con người như cảm thấy mình quả nhở bé so với vạn vật được tạo thành. Sự khiêm tốn đòi hỏi con người phải cần đến Đấng Tạo Thành, cầu xin Đấng Tạo, Khấn vái Đấng Tạo Thành. Sự khiêm tốn để nhìn nhận những gì mình có không phải do tài năng của mình, không phải do mưu trí của mình mà có mà là do ân ban của Thiên Chúa.

Tất cả là hồng ân. Thiên Chúa luôn tưới gội hồng ân của Ngài xuống trên con người. Thiên Chúa luôn làm biết bao việc kỳ diệu cho con người. Con người chỉ là loài thụ tạo được thừa hưởng muôn ơn lộc Chúa ban mà thôi.

Hôm nay, ngày xin ơn thánh hoá công ăn việc làm. Chúng ta dâng lên Chúa những ưu tư hoài bão của chúng ta lên Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho một năm “mưa thuận gió hòa”, mùa màng trĩu hạt. Xin Chúa là Đấng quyền năng chúc lành cho công việc của chúng ta từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

.

3. Mùng ba ra mắt

Lm Giuse Đinh lập Liễm

I. CÔNG VIỆC BA NGÀY TẾT

Người Việt nam chúng ta rất qúi trọng ba ngày Tết. Ba ngày này được coi như là linh thiêng. Mỗi ngày được phân chia cho một công việc. Công việc ba ngày Tết là:

Mùng một tết cha,

Mùng hai tết mẹ,

Mùng ba tết thầy.

Tại sao lại chia ra như vậy? Vì muốn cho ba ngày tết có đầy đủ ý nghĩa:

Nhà cha là nhà bên nội, ngày mùng một linh thiêng nhất nên ai cũng về từ đường bên nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng.

Cũng vậy, ngày mùng hai, lại kéo cả nhà về bên ngoại, cố thực hiện cho bằng được ý nghĩa đoàn tụ truyền thống trong mấy ngày Tết nhất.

Ai cũng hiểu, cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục, còn việc dạy dỗ cho nên người hữu dụng chính là thầy dạy học của mình; do đó, ngày mùng Ba thì học trò đồng môn rủ nhau đi viếng thầy (dạy chữ hoặc dạy nghề). Họ mang theo lễ vật để tỏ chút lòng thành. Thầy trò làm thơ, nói chuyện văn chương hoặc trao đổi chuyện làm ăn, nghề nghiệp trong bầu khí vui tươi, bổ ích.

Do mọi việc xã giao, chúc tụng được tập trung cho kịp trong ba ngày Tết, nếu để “ra ngoài ngày” (tức từ mùng bốn trở đi) sẽ giảm mất ý nghĩa, nhất là về mặt tình cảm, tôn kính, qúi trọng, cho nên người ta cũng sắp xếp có người trực ở nhà vừa để không trống vắng lạnh lẽo, vừa cũng để tiếp khách. Do đó có qui ước truyền thống “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, nên bạn bè muốn đến vui chơi trong ba ngày Tết đều nhất thiết phải hẹn trước.

(Nguyễn hữu Thiệp, Dân ta ăn Tết, 1995, tr 135-136)

II. MÙNG BA RA MẮT

Do “Mùng Ba tết Thầy” nên ngày này cũng là ngày ra mắt Tổ sư, Tiên sư nghề nghiệp mình.

Sáng sớm ngày ấy, ai làm nghề gì thì đem đồ nghề ra khởi động nghề ấy. Khởi động lấy lệ, mang tính hình thức. Đại khái, nhà nông thì mang lưỡi hái ra quơ cắt một ôm cỏ đem về cho trâu ăn (nhưng chưa làm động thổ). Người buôn bán thì mở cửa hàng bán tượng trưng vài món lấy ngày. Thợ thầy cũng đem kéo, búa ra cắt đập ít cái để “gọi là”. Nói chung, mọi công việc đều có tính cách tượng trưng, gọi là ra mắt Tổ nghề, mong Tổ sư và Tiên sư hộ độ suốt năm làm ăn phấn phát. Tất nhiên, trong những ngày này, bàn thờ các ông Thần tài, Thổ địa và Tổ nghề đều rất tươm tất, hương đăng không tắt, hoa trái lúc nào cũng đầy ắp.

Sau lễ ra mắt, người ta lại tiếp tục ăn Tết. Nhà giầu ăn tết đến hết ngày mùng 7 hoặc hơn. Người lao động nghèo tranh thủ khai trương sớm (Sđd, tr 137-138).

III. THÁNH HÓA CÔNG VIỆC LÀM ĂN

Hội thánh Công giáo Việt nam luôn đồng hành cùng dân tộc cố gắng làm phát huy những gì tốt đẹp phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc. Nếu “Mùng Ba ra mắt”, các người thợ trình diện với Tổ sư ngành nghề của mình về công việc làm ăn trong năm, Hội thánh Việt nam cũng muốn dành ngày mùng ba Tết để thánh hoá công việc làm ăn. Chúng ta hãy trình lên Chúa công việc làm ăn trong năm, để xin Chúa chúc lành và ban ơn phù giúp để mọi công việc của chúng ta phù hợp với thánh ý Chúa.

Đọc chương đầu của sách Sáng thế, ta thấy Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người “giống hình ảnh Ngài” (St 1,26). Các nhà chú giải Thánh kinh cho rằng loài người giống Thiên Chúa nhờ sự thông minh và tự do, giống Thiên Chúa ở điểm loài người có uy quyền bá chủ trên vạn vật:”Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu” (St 1,26).

Như vậy, theo nghĩa chung, lao động tinh thần hay vật chất đều mang ý nghĩa trọng đại:”cộng tác vào việc sáng tạo” của Thiên Chúa. Giữa ý niệm lao động và giáo thuyết về sáng tạo có một tương liên mật thiết.

E. Krebs đã không ngần ngại tuyên bố:

“Khái niệm căn bản về giá trị tuyệt đối của tất cả hoạt động nhân sinh đã được phú ban cho loài người nhờ lòng tin vào Thiên Chúa sáng tạo, Ngài là Đấng tự do và khôn ngoan, sau khi dựng nên loài người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy để giao phó cho họ tiếp tục thực hiện chương trình sáng tạo của Ngài có từ đời đời”(Die wertprobleme, tr 43; theo J. Haessle, Le Travail, Paris, 1933, tr 350).

Mọi sự trên thế gian này là của Chúa, nhưng Ngài muốn cho con người quản trị, đổi mới và làm cho phong phú thêm. Chúng ta có thể nói Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất, còn chúng ta là nguyên nhân đệ nhị của vũ trụ. Ngay sự quan phòng hằng ngày của Thiên Chúa trên vạn vật cũng là một cuộc sáng tạo không ngừng. Chúng ta là nguyên nhân đệ nhị và chỉ có thể góp phần vào với nguyên nhân đệ nhất. Chính vì thế Haessle viết:

“Nguời thợ là hình ảnh đặc biệt của Thiên Chúa… sản xuất và sản xuất trong niềm vui là con người đã đem năng lực của mình ra hành dộng để thực hiện một đời sống trọn vẹn hơn và làm cho mình nên giống Thiên Chúa dầu họ có ý thức hay không. Đời sống “làm việc” tức là hành động và phản ảnh sức hoạt động tuyệt đối… Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất tuyệt đối… người thợ là nguyên nhân kết thành xét như chính họ làm cho những sự vật trở thành chính nó và hoàn hảo hơn. Con người đã truyền sức lực, tư tưởng, nhân vị mình cho chúng. Nguyên nhân tương đối là phản ảnh trung thực của nguyên nhân tuyệt đối”.

(J. Haessle, Le Travail, Paris, 1933, tr 63-64)

Công đồng Vatican 2 cũng xác quyết sự làm việc là góp phần sáng tạo và hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử:

“Thực vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình họ tiếp nối công trình của Tạo hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao của mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử” (Gaudium et Spes, bản dịch của GHHV Piô X, Đà lạt).

Nếu lao động là được cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, thì đây là vinh dự lớn lao của con người, vì “nhân linh ư vạn vật”. Theo ý nghĩa đó, ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm:”LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG”.

KẾT LUẬN

Trong ngày mùng Ba Tết hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được biết thánh hoá công việc làm ăn của chúng ta, đặc biệt trong thánh lễ này.

Trước hết, như bài Tin mừng thánh lễ hôm nay, ta hãy cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta những nén bạc cơ bản làm vốn: sự sống, sức khỏe, trí khôn, thiên hướng, những kinh nghiệm của cộng đồng, tri thức của người đi trước, những nhu cầu phát triển của thời đại…

Sau đó, xin Chúa ban ơn nâng đỡ tinh thần và nghị lực để chu toàn mọi trách nhiệm liên quan đến công việc.

Đồng thời cũng xin luôn ý thức công việc làm ăn của bản thân và của mọi người là thước đo về công bằng và phát triển của xã hội. Ai cũng có quyền được làm việc và quyền được chuẩn bị chu đáo để có việc làm phù hợp với nguyện vọng và khả năng.

Như vậy, khi nguyện ước công ăn việc làm của mình được Thiên Chúa thánh hoá, người Kitô hữu đang khao khát diễn tả, qua thực tiễn lao động của bản thân, hình ảnh một Thiên Chúa hoạt-động-không-ngừng và đã trao cho loài người quyền được làm giầu đẹp thêm cho cuộc sống.

 

.

4. Mọi sự đều nhờ ơn Chúa

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Ngày Mồng Ba Tết, chúng ta dành để dâng lên Chúa những dự định và tương lai của chúng ta. Chúng ta xác tín rằng mọi sự đều nhờ ơn Chúa, vì “nếu Chúa không xây nhà thì thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”.

Thực vậy, nhìn lại năm 2010 với biết bao thiên tai giáng xuống địa cầu, cho chúng ta thấy con người thật nhỏ bé trước bao sóng gió của thiên nhiên. Con người cần phải có ơn Chúa để gìn giữ, chúc lành cho chúng ta một năm bình an.

Vâng, có thể nói năm 2010 đã vụt qua, nhưng đã để lại nỗi hãi hùng cho con người với những trận thiên tai kinh thiên động địa nhất.

Xin được lướt qua những thiệt hại về nhân mạng cũng như vật chất:

1) Trận động đất 7 độ Richter ở Haiti xảy ra ngày 24-01, đã giết chết 230,000 người, hơn 300,000 người bị thương và hơn một triệu người màn trời chiếu đất. Đến nay, một năm sau, vẫn chưa hồi phục dù thế giới đã đổ hàng tỷ đô-la vào xứ sở nghèo đói bệnh tật này.

2) Ngày 27-2, lại một trận động đất mạnh tới 8.8 độ Richter, đã xảy ra ở vùng duyên hải Chí Lợi (Chile), rung chuyển 6 tiểu bang lớn và một phần của Á Căn Đình. Động đất kéo theo sóng thần, quét qua các thị trấn ven biển, khiến 500 người thiệt mạng, hơn 200.000 người mất nhà cửa, gây thiệt hại 30 tỷ đô.

3) Ngày 21-3, núi lửa ở Băng đảo (Iceland) bỗng nhiên thức giấc sau 200 năm, phun bụi và khói ngập trời khiến hàng ngàn người phải di tản. Thiên tai này đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động hàng không, làm cho 100.000 chuyến bay của các nước Âu Châu bị hủy bỏ và 8 triệu hành khách bị mắc kẹt ở các sân bay trong suốt 6 ngày, thiệt hại gần 2 tỷ đô-la.

4) Tháng Bảy, sau những trận mưa dai dẳng đã gây ra lụt lội tại Pakistan. Trận mưa lụt này được coi là thiên tai lớn nhất trong 100 năm tại Pakistan. Một phần năm (1/5) diện tích quốc gia này đã chìm trong biển nước, hơn 2.000 người bị cướp đi sinh mạng. Con số này còn tăng cao vì dịch bệnh, gây thiệt hại lên tới 10 tỷ đô-la, khiến ít nhất 9 triệu người, trong đó phần lớn là trẻ em, lâm vào cảnh đói khát.

5) Cũng vào tháng Bảy, nóng chưa từng có đã kéo theo nạn cháy rừng nhiều nơi ở Nga. Bầu trời thủ đô Moscow bị bao phủ khói đen, nhiều chuyến bay đã bị hủy bỏ. Hỏa hoạn và cháy rừng làm cho 50 người thiệt mạng và 3.000 người mất nhà cửa. Nguyên nhân của thảm họa cháy rừng là do mức nhiệt độ lên cao kỷ lục trong hơn 100 năm qua.

Đó là những trận thiên tai lớn đã xẩy ra trong năm 2010, khiến thế giới phải lo ngại sẽ tạo thêm khủng hoảng tài chánh, vì hai năm qua kinh tế thế giới đã gặp nhiều khó khăn chưa giải quyết nổi. Các nhà tiên tri cho rằng, năm 2010 chỉ là năm bắt đầu của những thiên tai, bệnh tật mà nhân loại sẽ phải gánh chịu vào những năm kế tiếp.

Người Việt thì nói rằng: mỗi năm, làm ăn càng ngày càng khó khăn hơn. Người đông của ít, khiến con người phải bon chen vật lộn với cuộc sống nhiều hơn. Thêm vào đó lại thiên tai, lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt khiến ngành chăn nuôi, trồng cấy càng mong manh. Như dịch bệnh cùm gia gia cầm, dịch tai xanh… tràn lan suốt năm qua.

Hôm nay, Ngày Đầu Năm, chúng ta hướng về Cha trên trời, là Đấng làm chủ mọi loài, là Đấng quan phòng kỳ diệu, xin Chúa chúc lành cho chúng ta một năm bình an hạnh phúc, một năm an khang thịnh vượng.

Xin Chúa chúc lành cho những dự định tương tai của chúng ta được thành toàn.

Chúng ta hãy trao vào tay Chúa những lo toan vất vả của đời người.

Chúng ta hãy bước đi trong sự tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa.

Xin Chúa là Chúa của mùa xuân chúc lành cho những ước nguyện đầu xuân của chúng ta. Amen

 

.

5. Thánh hóa công ăn việc làm (Mt 25, 14-30)

Giuse Trần Công Thượng

Kính thưa cộng đoàn,

Từ thuở khai thiên lập địa Thiên Chúa sáng tạo con người và ủy thác cho con người nhiệm vụ cai trị trái đất. “Ngài đặt con người vào vườn Eđen để cày cấy và canh giữ đất đai”. (St 15,2) Như vậy, Thiên Chúa gắn liền lao động với con người, coi lao động như một sứ vụ, một tương lai. Con người tiếp tục công cuộc tạo dựng lưu truyền đời sống và biến đổi thiên nhiên.

Lao động là hoạt động đặc thù của con người, giúp con người tạo ra của cải vật chất và tinh thần, góp phần phát triển khoa học, văn hóa và đạo đức. Vì vậy, lao động mang một ý nghĩa lớn đối với đời sống con người.

Chính Đức Giêsu là một người lao động. Ngài làm nghề thợ mộc tại làng Nazaret, một nghề tầm thường trong xã hội bấy giờ, để dễ dàng gần gũi với người lao động nghèo. Tin Mừng của Ngài là “Tin Mừng của lao động”, vì người rao giảng Tin Mừng ấy chính là một người lao động. ngài thuộc về thế giới lao động, ưa chuộng lao động, tôn trọng sự lao động của con người. Trong lời giảng của Ngài ta thấy toát lên chân lý căn bản về vấn đề lao động, một chân lý đã được diễn tả trong tất cả truyền thống, ngay từ sách sáng thế. (X. Tông huấn Lao động của con người, của Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II, ngày 14.9.1981). Các bài giảng của Ngài cũng thật gần gũi với người lao động.

Gương mẫu và giáo huấn của Chúa Giêsu đã ảnh hưởng tới các môn đệ theo Ngài, đặc biệt là thánh Phaolô. Thánh nhân không ngừng nêu gương và khuyên nhủ các tín hữu về giá trị của lao động. Khi ngỏ lới các kỳ mục ở Êphêsô, thánh Phaolô nói: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20, 34-35). Trong thư gửi tín hữu Thêxalônica, thánh nhân khẳng định: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em”(2Tx 3,8) hay ngài chỉ thị “ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx 3,10).

Tất cả chúng ta là những người lao động. Hằng ngày chúng ta vẫn bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên đồng ruộng, vất vả trong các nhà máy, miệt mài với những trang sách, tất bật ngược xuôi ngoài chợ. Đó là vinh dự cũng là một trách nhiệm Thiên Chúa trao cho chúng ta để cộng tác với Ngài trong việc xây dựng thế giới này.

Hôm nay, mồng 3 Tết – những giây phút đầu tiên của năm mới, Mẹ Giáo Hội dành cho con cái một ngày đặc biệt cầu xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm. Đây là dịp thuận lợi để chúng ta suy nghĩ về sứ vụ lao động của mỗi người, dâng lên Thiên Chúa thành quả lao động trong một năm qua đồng thời có những quyết tâm cho năm mới.

Năm mới, chúng ta đưa ra bao nhiêu dự tính cho công việc phải làm. Nhưng những dự tính đó có thành công hay không, chúng ta không hoàn toàn quyết định. Quả thế, cổ nhân nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Tuy nhiên, với niềm tin vào ơn Chúa giúp, chúng ta phải cố gắng hết mình để chu toàn công việc.

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn các nén bạc. Ông chủ đi xa, trao cho các đầy tớ những nén bạc: người năm nén, người 2 nén, người một nén. Người thứ nhất và người thứ hai đã cố gắng và hăng say làm việc để sinh lời cho ông chủ. Đó là những người có tinh thần trách nhiệm: trách nhiệm với ông chủ và trách nhiệm với bản thân. Người thứ ba thì ngược lại: vì lười biếng, nghi ngờ ông chủ nên anh đã chôn giấu số bạc đã được giao, phụ lòng tin tưởng của ông chủ. Và kết quả, khi ông chủ về, người thứ nhất và người thứ hai được vào hưởng niềm vui của chủ vì đã trung tín, còn người thứ ba vì biếng nhác nên bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Qua dụ ngôn Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta điều gì trong ngày cầu xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm hôm nay.

Thiên Chúa là chủ tể mọi loài mọi vật, con chúng ta là những tôi tớ của Ngài. Ngài trao cho mỗi người chúng ta những nén bạc là: đức tin, sức khỏe, tài năng, cơ hội, nghị lực, tiền của, ân nhân, nền giáo dục…Mỗi người được trao những nén bạc khác nhau, kẻ nhiều người ít, nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta phải cố gắng hết mình để sinh lời tùy theo cuộc sống và hoàn cảnh của mỗi người. Chúng ta sử dụng tài năng, sức khỏe, tiền của, cơ hội Chúa ban để làm việc và tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội hầu làm vinh danh Chúa và mang lại lợi ích cho tha nhân.

Ngày đầu năm mới này, chúng ta ngẫm xem Chúa trao cho mình bao nhiêu nén bạc. Dưới cái nhìn đức tin, có lẽ cuộc đời chúng ta chìm ngập trong hồng ân của Chúa quan phòng và khôn ngoan. Ngài ban cho chúng ta đủ điều kiện để làm tốt công việc phù hợp với khả năng của mình. Năm mới này, chúng ta phải quyết tâm bắt chước người đầy tớ thứ nhất và thứ hai trong dụ ngôn, cố gắng làm việc tốt để sinh lời từ “nén bạc” Chúa trao. Muốn vậy, chúng ta phải sử dụng những ơn riêng như lời khuyên của thánh Phêrô: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (1Pr 4,10-11). Đồng thời chúng ta cũng quyết tâm xóa bỏ tư tưởng biếng nhác, nghi ngờ của người đầy tớ thứ ba để luôn làm việc theo tinh thần Tin Mừng. “Bất cứ làm việc gì, chúng ta làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời, vì biết rằng chúng ta sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người “. (x.Cl 3,23-24)

Lạy Chúa Giêsu, khi ở trần gian, Chúa là một người lao động để nêu gương nên thánh cho chúng con trong công việc lao động thường ngày. Trong năm mới này, xin cho chúng con biết học nơi Chúa, luôn cố gắng và siêng năng làm việc để những nén bạc Chúa trao không trở nên vô hiệu.

Lạy Chúa Giêsu, biết bao người khổ công trên đồng ruộng, tất bật trong các nhà máy, xuôi ngược trên thương trường mà không đủ ăn, bao người lo lắng vì thiếu việc làm – trong giây phút đầu năm mới này, xin chúc lành cho hoa màu ruộng đất, cho các phương tiện làm ăn, cho các công việc chúng con đang làm và sẽ làm, hầu mong cuộc sống chúng con luôn hòa nhịp với lời thánh vịnh:

“Bốn mùa Chúa đổ hồng ân

Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi”.

(Tv 65,12).

 

.

6. Cha Tôi không ngừng làm việc (Mt 25,14-30)

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Ngày mồng ba tết mỗi năm, Hội Thánh luôn dành riêng một ngày đầu năm để cầu nguyện xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm của mọi người giữa lúc con người đang mải mê ăn tết, có khi quên cả mặt thiêng liêng, đạo đức. Sở dĩ Hội Thánh dùng ngày mồng ba tết để cầu xin Thiên Chúa đổ muôn ơn phúc xuống trên mùa màng bởi vì Hội thánh ý thức:” Làm bởi bay, ban bởi Ta ” (L’homme propose, Dieu dispose). Hội Thánh cũng nhắc nhở tấm gương lao động của Thiên Chúa khi Ngài miệt mài sáng tạo vũ trụ, thế giới và con người. Giáo Hội cũng cho ta thấy gương lao động của Chúa Giêsu ở Nagiarét để chúng ta noi gương, bắt chước. Do đó, ngày mồng ba tết Giáo Hội dành riêng để xin ơn thánh hóa công ăn việc làm là để dạy con người:” Không làm thì đừng có ăn” như thánh Phaolô tông đồ đã viết.

THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI ĐỂ CON NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM RA CỦA CẢI: Tất cả ba bài đọc trong thánh lễ ngày mồng ba tết đều xoay chung quanh việc lao động. Bài sách sáng thế cho thấy Thiên Chúa đặt con người trong vườn Eden và dạy con người trồng trọt nghĩa là lao động để làm ra của cải. Thiên Chúa muốn con người xây dựng thế giới, tô đẹp thế giới và làm cho thế giới càng ngày càng trở nên phong phú, tươi xinh theo ý của Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng nói về việc ông chủ trao cho đầy tớ các nén bạc để các đầy tớ làm lợi ra những nén bạc khác, làm ra nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên lao động chắc chắn đòi hỏi sự cố gắng của con người và nhiều khi làm cho con người mệt nhọc, nhưng lao động quả thực mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống:

LAO ĐỘNG LÀ BÀI CẢM TẠ TRI ÂN: Nói đến lao động là nói đế sự làm việc mà làm việc dù trí óc hay tay chân đều làm cho con người mệt mỏi, đòi hỏi con người phải phấn đấu hy sinh, có khi phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có miếng cơm mà ăn, có cần cù lao động với óc sáng kiến, với khả năng, với kỹ thuật mới mong có của ăn của để. Mặc dù như thế, nhưng lao động vẫn là sự vinh quang bởi vì phải lao động mới tốt đẹp được, mới đem lại cho con người sức sống. Giầu đâu đến kẻ ngủ trưa, sang đâu đến kẻ say sưa tối ngay, ca dao tục ngữ Việt Nam quả thực đã nói đến lý tưởng của lao động và đề cao giá trị của lao động. Đối với người công giáo lao động là bài ca tình yêu bất tận bởi vì con người làm nhưng chính Thiên Chúa định đoạt thành quả của việc làm. Do đó, lao động nói theo ngôn ngữ nhà đạo là bài ca tình yêu, là lời cảm tạ tri ân không ngừng bởi Thiên Chúa không ngừng lao động và Chúa Giêsu cũng đã lao động không ngừng.

LAO ĐỘNG NÂNG CAO PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: Con người sẽ chẳng ra chi nếu không chịu làm việc. ” Đừng ngồi chờ sung rụng “, vâng, Thiên Chúa đã lao động không ngừng, Chúa Giêsu cũng đã noi gương Chúa cha làm việc không mệt mỏi. Do đó, con người cũng phải làm việc vì việc làm do trí óc, do bàn tay con người sẽ nâng cao giá trị của con người và làm cho việc làm có giá trị. ” Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa” (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh hóa công ăn việc làm). Lao động Chúa sẽ chúc lành nếu con người luôn hướng lao động theo ý Chúa:” Bốn mùa Chúa đổ hồng ân. Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi ” (Tv 64, 12) hoặc ” Bao lâu trái đất này còn, còn gieo còn gặt còn vun còn trồng. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên “.

LAO ĐỘNG MANG Ý NGHĨA GIẢI THOÁT, CỨU RỖI: Kinh tiền tụng ngày mồng ba tết viết:” Chính Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Cha còn sai Con Một giáng trần để chia sẻ thân phận người lao động, và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế “. Con người làm ra vật chất không chỉ để nuôi sống mình nhưng còn để chia sẻ cho những kẻ khó nghèo và như thế của bố thí với ý ngay lành sẽ có ý nghĩa cứu rỗi.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ: Con người được Chúa tạo dựng để góp tay với Chúa làm cho vũ trụ, thế giới đẹp hơn, ấm hơn. Bởi vì, khi làm ra của cải, con người tạo được no ấm và hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình. Nhưng còn hơn thế, con người biết nghĩ đến kẻ khác nhờ đó họ sẽ làm cho của cải có giá trị đẹp và có tính cứu rỗi. Chính vì thế, giầu quý thực nhưng nếu không biết chia sẻ cho những người nghèo thì lời của Chúa:” Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào được nước Thiên Chúa ” quả thực sẽ là lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với những con người ích kỷ, bo bo giữ của mà không biết sẻ chia cho những người bé nhỏ, khó nghèo.

Lạy Chúa, nhân dịp đầu xuân, cộng đoàn chúng con dâng lên Chúa lễ phẩm này, cùng với mọi công việc chúng con sẽ làm trong năm mới.Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho chúng con được cộng tác với Con Một Chúa, để thực hiện công trình cứu độ của Người.Amen.

 

.

7. “Ơn Trời Mưa Nắng Phải Thì”

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Có một câu chuyện huyền thoại về con trâu như sau:

Thuở xưa, Ngọc Hoàng sai một vị thần xuống trần gian mang theo 1 bao hạt giống lúa và 1 bao cỏ để gieo xuống trần gian. Trước khi xuống trần, Ngọc Hoàng đã tỉ mỉ căn dặn, đến trần gian phải gieo rắc bao hạt giống lúa trước để dân có dư giả mà ăn, còn bao cỏ thì gieo sau để nuôi thú vật. Nhưng khi vị thần này đến trần gian, thấy phong cảnh khác lạ, nên mãi mê xem mà quên lời căn dặn của Ngọc Hoàng, để rồi gieo bao cỏ trước và bao hạt giống lúa sau. Từ đó, cỏ không cần trồng cũng mọc tràn lan khắp mọi nơi, các thú vật ăn không bao giờ hết vì quá dư thừa và không làm sao diệt cỏ hết được. Còn lúa phải gieo trồng rất cực khổ và khó khăn mới có ăn, bởi vì bị cỏ mọc lấn áp làm lúa phát triển chậm hơn cỏ. Bởi lỗi ấy của vị thần, làm cho người trần gian trồng lúa rất khó nhọc mới có ăn và cỏ thì mọc tự nhiên quá nhiều, cho nên Ngọc Hoàng mới đày vị thần này xuống trần gian hóa thành con Trâu để giúp người trần gian cày bừa trồng lúa và ăn cỏ, chừng nào hết cỏ sẽ được tha thứ cùng phục hồi địa vị cũ, nhưng ăn hoài vẫn không bao giờ hết cỏ được, nên Trâu chưa thoát kiếp trở về thiên đường.

Câu chuyện này phải chăng muốn dạy chúng ta: “Có làm thì mới có ăn – Không dưng ai dễ mang phần cho ta”. Vì ở trần gian, cỏ thì nhiều, lúa thì ít. Cây ăn được thì ít, cây không ăn được thì nhiều. Xem ra con người vất vả hơn con vật. Vì người làm lụng vất vả mới có mà ăn, còn vật thì không cần làm mà trời vẫn cho ăn.

Hôm nay ngày Mồng Ba Tết, Giáo hội mời gọi chúng ta trao phó công việc làm ăn cho Thiên Chúa. Chúng ta xin Chúa ban cho một năm “thuận buồm xuôi gió”. Chúng ta xin Chúa chúc lành cho công việc chúng ta được mọi sự như ý, ân phước dư đầy. Chúng ta tự ý thức sự nhỏ bé, giới hạn của con người trước biết bao công việc mưu sinh hằng ngày. Chúng ta cần ơn ban của trời cao. Chúng ta xác tín như người xưa đã xác tín vào trời: “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại Thiên”. Đó là thái độ khiêm tốn cần có của con người trước vũ trụ bao la. Con người nhỏ bé giới hạn nên cần phó dâng trong tay Thiên Chúa. Tổ tiên chúng ta xưa cũng từng làm như thế. Không phải vì lạc hậu. Không phải vì thiếu ý thức khoa học mới tin vào Trời, nhưng vì cảm nghiệm sự nhỏ bé của con người trước sự lớn lao của Trời:

“Đèn Trời đèn sáng bốn phương

Đèn tôi sáng tỏ đầu giường nhà tôi”.

Hơn nữa niềm tin của tổ tiên còn xác tín về lòng nhân ái của Trời. Trời không phụ lòng người. Trời không bao giờ bỏ quên con người:

“Trời nào có phụ ai đâu

Hay làm thì giầu, có chí thì nên”.

Biết được lòng trời rộng rãi bao la. Tổ tiên xưa còn biết lợi dụng mưa nắng phải thì của Trời mà trồng cấy:

Trời nắng tốt dưa

Trời mưa tốt lúa.

Nhất là biết cầu khẩn cùng Trời cho một năm:

“Nhờ trời mưa gió thuận hoà

Nào cầy nào cấy trẻ gia đua nhau”

Thực vậy, cuộc sống mưu sinh thật khó khăn. Nếu không có ơn trời thì công việc chúng ta cũng tựa như “dã tràng xe cát biển đông”. Nhìn lại một năm qua, chúng ta thấy thật rõ điều đó. Việc làm ăn mỗi ngày một khó. Không chì là do suy thoái kinh tế toàn cầu, mà quan yếu còn do thiên tai lũ lụt hoành hành. Ở Việt Nam ngay từ đầu năm Mậu Tý đã xảy ra rét đậm, rét hại khiến hàng ngàn trâu bò bị chết, hàng ngàn hecta hoa màu không thể đơm bông kết trái. Rồi thiên tai lũ lụt trong năm đã phá huỷ biết bao ruộng lúa, vườn rau. Nhiều người nói rằng: năm nay làm ăn không chỉ trắng tay mà con nợ nần chồng chất. Cuộc sống vốn dĩ đã khổ lại khổ thêm do không gặp thời vận của Trời ban.

Đó là lý do mà hôm nay chúng ta cùng nhau dâng lên Thiên Chúa công việc và dự định của chúng ta trong năm nay. Chúng ta trao gởi công việc chúng ta cho Thiên Chúa. Xin Chúa chúc phúc và thánh hoa công việc chúng ta được mọi sự như ý. Chúng ta xác tín rằng: “Nếu Chúa không xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”. Xin Chúa thương đón nhận những ước nguyện đầu năm chân thành của chúng ta. Amen

 

.

8. Thánh hóa công ăn việc làm (Mt 25, 14-30)

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Bao lâu trái đất này còn,

Còn gieo còn gặt còn vun còn trồng;

Bốn mùa xuân hạ thu đông,

Ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên (St 8, 22).

Hằng năm Giáo Hội không ngừng dùng ngày mồng ba tết để cầu xin cho công ăn việc làm, xin Chúa thánh hóa công việc của mỗi người,đặc biệt xin ” Chúa gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi “. Có người nghĩ rằng công việc là do bàn tay lao động của mình. Trí óc là do khả năng tích lũy của mình. Đất đai tự nó tốt, tự nó có mầu có mỡ. Không, Giáo Hội là người Mẹ hiền luôn nhìn thấy những gì do mình, điều gì do Chúa. Chính vì vậy, giữa bôn ba của cuộc đời, giữa những ngày vui chơi ăn tết, con người vì vẻ bề ngoài, vì lao mình vào các thú vui, vì say xưa chè chén, họ sao nhãng việc thiêng liêng, quên đi ” Làm bởi bay, ban bởi Ta “. Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày mồng ba tết để xin Chúa thánh hóa ruộng vườn, mùa màng, cây cối và xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm. Thánh Phaolô đã viết một câu mạnh mẽ nhưng hoàn toàn hợp lý:” Không làm việc thì đừng ăn “, na ná như câu:” Đừng nằm chờ sung rụng “…

THIÊN CHÚA SAI CON CỦA NGÀI ĐẾN TRẦN GIAN ĐỂ NÊU GƯƠNG LAO ĐỘNG CHO CON NGƯỜI: Khi tạo dựng vũ trụ, dựng nên con người, Thiên Chúa đặt con người trong vườn địa đàng và cho con người hưởng dùng mọi vật Ngài tạo dựng nên. Tuy nhiên, khi Ông bà Ađam và Evà phạm tội, Ông bà phải lao động cực nhọc, vất vả mới có của ăn để nuôi thân và nuôi con cái. Lao động bắt đầu từ khi con người sa ngã, ngang nhiên chống lại Chúa. Lao động vất vả nhưng luôn có giá trị bởi vì không có Chúa, con người dù có làm mấy đi nữa cũng không mang lại hiệu quả bao nhiêu…

Khi Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô được sai đến trần gian qua cung lòng thanh sạch của Đức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu lớn lên ở Nagiarét, Ngài đem lại cho lao động một ý nghĩa cao vời. Chúa lao động để nêu gương cho nhân loại bởi vì lao động mang lại ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống con người. Một ngày Chúa trao ban cho mỗi người 24 tiếng đồng hồ để con người như nhau nhưng tùy khả năng, tài trí làm lợi cho Chúa, cho Giáo Hội, cho bản thân, cho tha nhân. Chúa Giêsu đã cùng thánh cả Giuse và mẹ Maria lao động để mang lại cho lao động ý nghĩa cứu rỗi.

CON NGƯỜI LUÔN PHẢI LAO ĐỘNG: Dù làm việc bằng chân tay, hay làm việc bằng trí óc, mọi người đều phải làm việc. Chúa Giêsu đã nói:” Cha Ta làm việc, Ta cũng làm việc không ngừng “. Chắc chắn, ở Nagiarét, Chúa Giêsu có lúc cũng đã phải đổ mồ hôi, mệt nhọc, vất vả vì lao động. Tuy nhiên, gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse đã lao động với tất cả tình yêu, với tất cả niềm tin và đem lại cho lao động một ý nghĩa tôn giáo tuyệt vời. Khi Chúa làm việc lao động, Ngài muốn chúng ta hãy luôn kết hợp với Ngài, như Ngài luôn kết hợp với chúng ta. Ai luôn kết hợp với Ngài, Chúa luôn kết hợp với người ấy, thì người ấy sinh hoa kết quả dồi dào (Ga 15, 45b). Con người noi gương Chúa luôn phải lao động không ngừng vì theo thánh Phaolô dạy:” Không làm việc thì đừng có ăn “.Câu nói xem ra mạnh mẽ đấy, nhưng quả thực không lao đ8ộng làm sao có lương thực để nuôi thân, có của cải để độ trì. Do đó, bất cứ ai đã sinh ra ở trần gian muốn tồn tại phải làm việc hoặc bằng trí óc hoặc bằng chân tay.

LAO ĐỘNG MANG Ý NGHĨA CỨU RỖI: Khi nhìn vào gia đình thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu, ai cũng hiểu rất rõ dù Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài đã làm người, nên Ngài làm việc không ngừng. Thánh Giuse lao động để nuôi gia đình. Mẹ Maria làm việc nội trợ để tạo nên hạnh phúc gia đình. Cả gia dình thánh đã làm việc để nâng lao động lên tầm cao mới, nghĩa là làm cho lao động có một ý nghĩa cứu độ.Chính Thiên Chúa đã nêu gương lao động cho con người. Do đó, con người làm việc không chỉ để nuôi sống bản thân mình mà còn góp tay vào công trình cứu độ nhân loại…Thực tế, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và giao cho con người trông coi vũ trụ, tô đẹp vũ trụ.Lao động và tín thác nơi Chúa vì chính Chúa là mục tử chăn dắt chúng ta, nên chúng ta không còn thiếu thốn gì (Tv 22, 1).

ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG CỦA CON NGƯỜI, CỦA MỖI NGƯỜI: Chúa đã thánh hóa công ăn việc làm do tự lòng tin của chúng ta. Đọc Kinh Tiền Tụng chúng ta nhận ra rằng:” Chính Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Chúa còn sai Con một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động, và thực hiện công trình cứu độ muôn dân “. Chúa đã lao động để làm gương cho nhân loại, cho con người. Chúa giúp con người làm việc làm ra cơm áo và hơn nữa để xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm Nhâm Thìn này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự việc chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Amen. (Lời nguyện nhập lễ, lễ ngày Mồng Ba Tết).

 

.

9. Xin Chúa Chúc Lành (Mt 25, 14-30)

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Người Pháp có câu nói thật chí lý:” Làm bởi bay, ban bởi Ta ” (L’homme propose, Dieu dispose). Giáo Hội Việt Nam luôn hướng dẫn, dạy con cái mình:” Phải cầu nguyện, phải kêu xin không ngừng “. Do đó, làm việc là do bàn tay, do trí óc sáng tạo, lao động của con người nhưng nếu người môn đệ Chúa không được Chúa ban ơn, sức khỏe không có, trí khôn không sáng, chắc chắn công ăn việc làm của mình không tốt đẹp. Giáo Hội Việt Nam dành ngày mồng ba tết âm lịch để cầu xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm.

Có nhiều người lầm tưởng, công ăn việc làm cần gì phải được thánh hóa. Làm ăn được là do sự năng nổ, giỏi giang của mình mà. Nói thế cũng đúng một phần mà hoàn toàn không phải thế. Vì, con người luôn có phần hồn phần xác. Xác có khỏe mới lao động được, còn thân xác yếu đuối, đau lên đau xuống hoài, chắc chắn công việc cũng không đi tới đâu. Con người có giỏi, có kỹ thuật cao, nhưng mưa không thuận, gió không hòa thì mùa màng cũng không đem lại nhiều kết quả.Thánh lễ hôm nay xoay quanh việc lao động, sản xuất.Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh của Người và đặt con người trong vườn Eden, rồi dạy con người trồng trọt nghĩa là dạy con người lao động. Thiên Chúa muốn con người góp tay và trí tuệ để làm cho vũ trụ mà Chúa dựng xây càng ngày càng đẹp, càng ngày càng phong phú, mọi người đều có của ăn, của để. Bài Tin Mừng đề cập đến việc ông chủ trao cho mỗi người một số vốn và bắt con người phải lao động để làm lời số vốn ông chủ đã trao. Lao động phải mệt nhọc, lao động đòi hỏi phải cố gắng, phấn đấu hy sinh, nhưng lao động luôn mang ý nghĩa đẹp, ý nghĩa cao sâu, tuyệt vời do Chúa chúc lành:” Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa ” (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh hóa công ăn việc làm). Hoặc “Bao lâu trái đất này còn, còn gieo còn gặt còn vun còn trồng. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên” và Thánh vịnh 64, 12 cũng viết:” Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi “.

Như thế, đối với người môn đệ Chúa lao động trí óc hay chân tay đều do quyền Chúa. Ngài có chúc lành, có ban ơn thì công việc mới tốt lành được. Chúa Giêsu cũng đã làm việc và làm việc không ngừng. Ngài đã làm việc để nêu gương cho nhân loại và để mang lại cho lao động ý nghĩa cao cả. Lao động đối với Ngài là lời tạ ơn, là cầu nguyện, là cứu độ, là nâng cao phẩm giá con người. Thánh Phaolô đã viết một câu thật chí lý:” Không làm thì đừng có ăn “.

Chúng ta hãy dùng lời tiền tụng thánh lễ ngày mồng ba tết để cùng nhau cầu nguyện:” Lạy Chúa, chính Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Chúa còn sai Con Một giáng trần để chia sẻ thân phận người lao động, và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế “. Amen.

 

.

10. Thánh hóa công ăn việc làm (Mt 25,14-30)

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Thật hạnh phúc biết bao hằng năm Giáo Hội dành ngày mồng ba tết để cầu nguyện cho việc thánh hóa công ăn việc làm. Quả thực, con người làm lụng, Thiên Chúa trao ban. Câu nói của người Pháp rất chí lý (L’homme propose, Dieu dispose). Con người có đầu óc, có kế hoạch, có tài năng, bầy mưu hiến kế, nhưng nếu Chúa không ban ơn, không tiếp sức, không cho sức khỏe, con người cũng không thể hoàn thành công việc theo ý muốn. Hiểu rõ ràng, mọi việc là do Chúa. Giáo Hội là người Mẹ hiền luôn quan tâm tới con cái của mình dành trọn ngày mồng ba để cầu xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm.

Vâng, ngay trang Sách Sáng Thế 2,4-9.15, tác giả đã viết: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để con người canh tác và coi sóc đất đai “. Rõ ràng Thiên Chúa không muốn để con người ở nhưng không, năm chờ sung rụng, nhưng Ngài truyền lệnh hay nói một cách khác bắt con người phải làm việc. Bởi vì, ở nhàn rỗi, nhưng không sẽ gây ra tội lỗi. Nhàn cư vi bất thiện là thế. Sách Tông đồ Công vụ lại viết:” Bằng mọi cách tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả và như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận “. Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho nhân loại, cho chúng ta về đời sống lao động. Chúa đã chọn một gia đình để sinh ra. Cha của Ngài làm nghề thợ mộc. Thánh Giuse âm thầm làm việc để nuôi thân, nuôi gia đình Nadarét không quản nhọc nhằn. Mẹ Maria chăm lo việc nội trợ để phục vụ trong yêu thương Chúa Giêsu và thánh Giuse. Chúa Giêsu ngoan ngoãn vâng phục và san sẻ vất vả với Cha mẹ của Ngài. Tại Nadarét, nhân loại tìm lại được giá trị siêu việt của lao động, đó là giá trị cứu rỗi. Những giọt mồ hôi của Chúa trong gia đình Nadarét không hề kém giá trị cứu rỗi hôn việc rao giảng, loan báo Nước Thiên Chúa hay trong cuộc thống khổ tử nạn của Ngài, vì trong tất cả mọi sự Ngài đều tìm làm đẹp lòng Thiên Chúa, Cha của Ngài.

Chúa Giêsu đã dạy nhân loại, dạy chúng ta bài học để đời:”…phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi”.Dụ ngôn ông chủ đi phương xa, trao cho các đầy tớ các nén bạc, minh chứng rằng:” Cần cù lao động, chịu khó với công việc, vâng nghe lời chủ, sẽ đem lại hiệu quả tốt đẹp”. Lời kinh tiền tụng lễ ngày mồng ba tết dạy chúng ta nhiều điều:” …Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Chúa Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người mà còn để làm trạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại thế “. Chúa Giêsu đã làm việc để cho Nước Chúa được rạng sáng vinh quang, để cho thế giới được an bình, thịnh vượng. Nên, chúng ta hãy bắt chước Chúa, làm việc và làm việc không ngừng, nhưng phải mặc cho công việc một ý nghĩa cao quý. Đã đành, mọi người làm việc là để cho gia đình, cho bản thân của mình được tồn tại.Tuy nhiên, lao động cũng có nghĩa là góp tay với mọi người thăng tiến cuộc sống và làm cho công việc, lao động có ý nghĩa cứu rỗi…

Ngày mồng ba tết, chúng ta xin Chúa thánh hóa công ăn viêc làm của chúng ta: công việc lao động tay chân và việc làm trí óc vv…Xin Chúa chúc lành cho công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này để chúng ta hiểu rõ:” làm do chúng ta và ban do Chúa “.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Amen.(Lời nguyện nhập lễ, lễ Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Lao động để làm gì?

2. Làm việc tay chân và làm việc trí óc có mệt ngang nhau không?

3. Chúa Giêsu có lao động?

4. Đối với Chúa Giêsu lao động có ý nghĩa gì?

 

.

11. Làm bởi bay, ban bởi Ta (Mt 25,14-30)

Ngày mồng ba tết, Giáo Hội nhắc nhở con người về sự hiện diện của Chúa trong mọi việc, trong mọi trạng huống của cuộc đời:” Không có Ta các con không thể làm gì được”. Chúa ban cho ta sức mạnh, tài năng, trí tuệ, khả năng để lao động sản xuất. Khoa học kỹ thuật cao, văn minh tiến bộ, nhưng sức riêng con người nào đâu có thể thành công được gì! Chúa ban cho ta vốn liếng để ta sinh lợi, nhưng:” Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” (L’ homme propose, Dieu dispose). Ngày tết, người ta có tục lệ lì xì cho trẻ con để lấy hên, mỗi em tùy cách với số tiền mừng tuổi có thể làm nên việc cho bản thân mình.Bài Tin Mừng hôm nay cũng có thể áp dụng vào câu chuyện lì xì ngày tết.

VÍ DỤ NÉN BẠC: Mỗi người chúng ta sinh ra trong trần gian này đều được Chúa ban cho những ơn huệ đặc biệt. Có người Chúa ban cho ơn thông minh, có người được ơn ngôn sứ, được ơn phân giải những điều hay lẽ phải.Có người được Chúa ban cho tài năng làm nên danh phận. Mỗi người dù Chúa trao nhiều hay Chúa trao ít, Chúa vẫn đòi hỏi con người phải sinh lợi ra trên số vốn Chúa trao ban. Tin Mừng hôm nay ra định mức là phải làm lợi ra gấp đôi. Chúa lấy dụ ngôn này để ám chỉ tới Ngài. Ngài đã trao cho người 5 nén, 2nén và 01 nén. Tất cả phải làm ra, sinh lời ra vì làm biếng và xét nét trước lòng nhân hậu của chủ, của Thiên Chúa như người được trao một nén sẽ bị lấy lại nén bạc Chúa đã tặng ban mà còn bị luận phạt vì tính ích kỷ và làm biếng nữa. Đúng là đoạn Tin Mừng cho ta thấy tính cách nghiêm minh của Thiên Chúa, sự công bằng và lòng ngay thẳng của Ngài trước thái độ của mỗi người. Đoạn Tin Mừng này cho thấy tính hài hước, cười ra nước mắt và hạnh phúc đến tột độ của mỗi người được Thiên Chúa trao ban tài năng và kho tàng tài sản của mình. Chúa cũng giúp con người ý thức hơn về việc quản lý những gì Chúa trao ban cho mỗi người: trí khôn, khả năng, vật chất, của cải và cả vũ trụ, tài nguyên Chúa ban nhưng không cho nhân loại, cho mỗi người. Tất cả, những thứ đó đều do Chúa ban, con người phải biết phát huy những thứ đó cho tốt đẹp, để phục vụ chứ không phải để sở hữu riêng cho mình.Ý thức mọi sự là của Chúa ban và con người, loài người chỉ là quản lý những thứ đó, nên con người phải làm sao cho những của Thiên Chúa ban được phát triển tốt đẹp theo ý của Chúa.

MƯU SỰ TẠI NHÂN, THÀNH SỰ TẠI THIÊN: Vật chất, lương thực theo cái nhìn Kitô là của Chúa. Con người có dự tính, có kế hoạch nhưng mưa thuận gió hòa là do Trời, do Thiên Chúa.Chính vì thế, trung thành với ông chủ, với Thiên Chúa sẽ sinh lợi theo ý của Ngài. Đời là vốn và sự sống chính là biết phát triển những gì Chúa đã trao ban nhưng không cho mỗi người. Thánh hoá công ăn việc làm là điều cần thiết để mỗi người nhận ra sự hiện hữu của Chúa trong vũ trụ, trong đời sống, trong mỗi người. Lao động trí óc hay chân tay đều là những khả năng Thiên Chúa ban cho. Con người dù có giỏi đến đâu mà không cậy trông sức thiêng hộ phù chắc chắn khó thành đạt trên bước đường kinh doanh hay trồng cấy.

Mồng ba tết, Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho việc thánh hóa công ăn việc làm là điều cần thiết nhất để nói lên sự phù trợ của Thiên Chúa và ” Không Thầy, các con không làm được gì “.

Xin Chúa chúc lành cho những công việc con người đang theo đuổi. Xin Chúa ban bình an cho những tâm hồn thành tâm thiện chí. Cuộc sống do Chúa ban. Sự sống của con người thuộc về Thiên Chúa. Xin Chúa chúc lành cho những gì Thiên Chúa tặng ban cho mỗi người. Nếu con người luôn ước mong làm lợi cho cuộc đời, họ phải hiểu rằng người Kitô hữu luôn hướng về bàn tiệc nước trời, bàn tiệc của mùa xuân vĩnh cửu, bất diệt.

Lạy Chúa, xin chúc lành cho công ăn việc làm của chúng con để cuộc đời của mỗi người chúng con luôn nhận ra sự có mặt của Chhúa.Amen.

 

.

12. Suy niệm Lời Chúa

Lm. Nguyễn Thể Hiện

Lãnh vực công ăn việc làm là một trong những lãnh vực quan trọng trong đó chúng ta thể hiện mối tương quan đích thực của chúng ta với Thiên Chúa. Chính khi thực hiện các trách nhiệm của mình trong đời sống thực tế hàng ngày, chúng ta tự diễn tả mình là ai trong tương quan với Thiên Chúa; và ngang qua việc thực hiện các trách nhiệm của mình trong đời sống thực tế hàng ngày mà chúng ta sẽ được Thiên Chúa đưa vào hưởng niềm hoan lạc của chính Ngài.

1. Một dụ ngôn được nói cho chúng ta và nói về chúng ta

Với dụ ngôn những yến bạc, Đức Giêsu công bố rằng chúng ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào Thiên Chúa như những đầy tớ phải chịu trách nhiệm trước mặt Người; rằng mọi sự chúng ta có đều là của cải Thiên Chúa ký thác cho chúng ta; rằng chúng ta không được tuỳ tiện sử dụng những thứ chúng ta có theo ý riêng mình, song là phải theo đường hướng mà Thiên Chúa muốn; rằng Thiên Chúa sẽ đòi chúng ta phải tính toán sổ sách với Người về những điều thiện hảo đã được trao phó cho chúng ta; và rằng sự thành công hay thất bại của cuộc đời chúng ta tuỳ thuộc vào cách hành xử của chúng ta trong những gì Thiên Chúa trao phó cho chúng ta.

Qua cách hành xử và số phận của hai người đầy tớ tốt lành và trung tín, Đức Giêsu cho thấy đâu là cách hành xử đúng đắn của chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Còn qua cách hành xử và số phận của tên đầy tớ xấu xa và biếng nhác, Ngài cho thấy một kẻ xấu xa sẽ đi đến chỗ bị huỷ diệt như thế nào.

2. Điều quan trọng là mối tương quan giữa ông chủ và các đầy tớ của ông

Những người đầy tớ không được tự tại nơi mình, nhưng là ở trong một mối tương quan tuỳ thuộc và phục vụ đối với ông chủ. Chính bản thân họ thuộc về ông chủ, những điều thiện hảo được ký thác cho họ là của ông chủ và những gì họ có thể làm ra cũng xuất phát từ tài sản của ông chủ chứ không phải hoàn toàn xuất phát từ bản thân họ. Như thế là trong những phương diện khác nhau, họ đều được nối kết chặt chẽ với ông chủ. Mà nếu vậy, cách hành xử của họ sẽ vừa tuỳ thuộc vừa biểu lộ cái quan niệm mà họ có về ông chủ của mình.

Hình ảnh những người đầy tớ trong dụ ngôn này cũng là hình ảnh của chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa. Hình ảnh này cho thấy rằng chúng ta, và cùng với chúng ta là tất cả những gì chúng ta có, đều là thụ tạo của Thiên Chúa; rằng chúng ta không thể tự tại nơi chính mình; rằng mọi khả năng của ta đều đến từ bàn tay Thiên Chúa.

Nhưng không phải là mọi người đều được đón nhận cùng những ân huệ y như nhau; ông chủ giao phó của cải của mình cho các đầy tớ nhiều hay ít là tùy khả năng của họ. Ông biết rõ từng đầy tớ của mình. Tình yêu tôn trọng tự do và điểm độc đáo riêng của mỗi người. Thật phi lý nếu chúng ta đòi Thiên Chúa phải ký thác tài sản của Ngài cho mọi người theo lối bình quân chủ nghĩa cứng nhắc và phi nhân.

3. Cách hành xử và số phận của hai người đầy tớ tốt lành

Hai người đầy tớ tốt lành lập tức bắt tay vào việc. Họ sử dụng những điều thiện hảo đã được ký thác cho mình phù hợp với ý muốn của ông chủ. Họ đặt mình dưới những mục tiêu của ông chủ và lưu tâm đến những bận tâm của ông chủ. Hoạt động của họ hữu hiệu. Họ đến trình diện với ông chủ trong tư thế đàng hoàng của người đã thực hiện tốt những gì được trao phó cho mình.

Và họ đã nhận được niềm vui trào tràn. Ông chủ đã tuyên bố họ là những đầy tớ tốt lành và trung tín. Người đầy tớ tốt lành là người hoàn toàn đón nhận vị trí của mình trong tương quan với ông chủ và đặt mình trong tư thế phục vụ ông chủ. Anh ta không chạy theo những ý tưởng riêng của chính mình hoặc những tâm trạng riêng của mình, anh ta không giữ khoảng cách xa với ông chủ, nhưng hành động theo những mục tiêu và những mối quan tâm của ông chủ. Người đầy tớ trung tín là người phục vụ ân cần và luôn ý thức rằng những điều anh ta có trong tay là những điều được ký thác cho anh.

Sau khi hai người đầy tớ đã chứng tỏ những phẩm chất tốt lành và trung tín, ông chủ có thể tin tưởng mà trao phó cho họ những nhiệm vụ lớn lao hơn. Ông cho họ vào hưởng hạnh phúc dư tràn: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (25,21.23). Nhiều lần Tin Mừng Mt nói về sự “vào Nước Trời” (thí dụ 5,20; 7,21; 18,3), về sự “vào cõi sống” (18,8.9; 19,16), còn ở đây thì là “vào niềm vui”. Nước Trời có nghĩa là cõi sống và niềm hoan lạc vô biên dành cho những ai thuộc về Nước ấy. Ông chủ không giữ khoảng cách với những người đầy tớ tốt lành, nhưng ông đón nhận họ vào cõi sống của ông, vào sự hoan lạc đầy tràn của ông. Chúng ta không thể đạt tới cùng đích đó và không thể đi vào trong sự hoàn thành phúc lạc cuộc đời chúng ta chỉ dựa trên sức lực của riêng chúng ta, cũng không phải là ngang qua một cuộc hành trình do chúng ta chọn lựa và quyết định, nhưng chỉ là trong sự phục vụ Đức Chúa. Hai người đầy tớ tốt lành, cho dù khác nhau về kết quả công việc, đã đều được hưởng cũng một niềm hạnh phúc như nhau. Điều đó cho thấy niềm hạnh phúc mà họ được hưởng không được ban phát tuỳ theo điều họ đã làm được, mà là tuỳ theo lòng tốt của ông chủ và lòng trung thành của họ.

4. Cách hành xử và số phận của anh đầy tớ xấu xa

Ngay từ đầu, anh đầy tớ này đã có một mối tương quan sai lạc đối với ông chủ của anh ta. Anh ta coi ông chủ là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, và anh sợ ông chủ (25,24.25). Anh ta biết mình tuỳ thuộc ông chủ, nhưng anh ta không đặt mình dưới quyền bính của ông trong tin tưởng và chuyên cần. Anh ta sống sự tuỳ thuộc của mình vào ông chủ như một sự gì nặng nề, và anh ta bực tức với ông chủ như là với một người chuyên đi áp bức người khác, bắt người khác làm việc cho mình và bóc lột người khác. Trong mắt anh ta, ông chủ là người hà khắc xấu xa. Và anh ta từ chối dịch vụ mà ông chủ muốn anh ta thực hiện. Anh ta không thi hành ý muốn của ông chủ. Tuy anh ta không phung phí của cải đã được trao cho anh ta, anh ta cũng không dùng của cải ấy để tư lợi hay tiêu xài, nhưng anh ta lại đã để cho những của cải mà ông chủ đã ký thác cho anh ta thành ra vô dụng, rồi đem trả lại cho ông chủ đúng như anh ta đã nhận từ ông.

Kết cục, ông chủ gọi anh ta là tên đầy tớ xấu xa, biếng nhác và vô dụng, một người đã hoàn toàn đánh mất chính mình và đánh mất quyền lợi của mình khi không thực hiện bổn phận mình. Như anh ta đã từng cố ý giữ khoảng cách thật xa với ông chủ, thì bây giờ, ông chủ sẽ giữ khoảng cách thật xa với anh ta. Anh ta đã không đặt mình trong sự hiệp thông sâu xa và hữu hiệu với ông chủ, nên ông chủ phải để anh ta bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, nơi không có niềm vui, không có hạnh phúc, không có sự sống, mà chỉ có khóc lóc nghiến răng vì phải chịu sự huỷ diệt kinh hoàng. Chỗ tối tăm bên ngoài, nơi khóc lóc nghiến răng… chính là sự huỷ diệt dành cho những kẻ bị truất quyền hưởng Nước Trời (x. Mt 8,12). Bị loại khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa, bị loại khỏi ánh sáng, bị loại khỏi sự hiện diện đầy tình yêu của Thiên Chúa, thì không chỉ có nghĩa là không được tràn đầy hạnh phúc, không được sống viên mãn, mà còn là phải ở trong tình trạng khốn khổ, đau đớn, tuyệt vọng và tăm tối.

Chúng ta chỉ có thể đạt tới cùng đích tối hậu của mình nếu chúng ta đặt mình phục vụ Thiên Chúa, bằng cách sử dụng đúng đắn, theo ý Thiên Chúa, tất cả những gì Thiên Chúa ban tặng và trao phó cho chúng ta: sự sống, thời gian, khả năng, cơ hội, của cải… Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta những thực tại tốt lành đó, và chúng ta sẽ phải trả lời về việc sử dụng chúng.

Chúng ta thực hiện cuộc sống mình không phải là trong sự sợ hãi đối với Thiên Chúa, nhưng là trong tin tưởng, phó thác và yêu mến Người. Chính vì vậy mà chúng ta cầu xin Người thánh hoá công ăn việc làm của chúng ta. Lời cầu nguyện như thế sẽ được nhận lời, nếu trong lời cầu nguyện đó, chúng ta tuyên xưng mình chỉ là đầy tớ của Người, luôn chỉ muốn sử dụng, phù hợp với ý muốn của Người, tất cả những điều thiện hảo đã được ký thác cho mình, luôn đặt mình dưới những mục tiêu của Người và luôn lưu tâm đến những bận tâm của Người.

Lời cầu nguyện đó sẽ được mang vẻ đẹp của chính lời nguyện xin của Đức Thánh Trinh Nữ, Mẹ chúng ta: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài!” (Lc 1,38).

 

.

13. Suy niệm Lời Chúa

Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện

(Bài giảng chép lại từ băng ghi âm)

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,

Hôm nay là ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng trong tam nhật hành hương minh niên của chúng ta kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trong lịch phụng vụ của Hội Thánh Việt Nam, ngày Mồng 3 Tết là ngày cầu xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm của chúng ta. Do đó, hôm nay, khi quây quần bên Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để cầu nguyện, có lẽ tâm hồn của mỗi chúng ta đều mang nặng những ưu tư, những bận tâm về công ăn viêc làm và về đời sống của chúng ta trong năm mới này. Chính trong mối ưu tư về công ăn việc làm và về đời sống đó, chúng ta hiệp lời với Đức Mẹ nài xin Thiên Chúa thánh hóa tất cả công việc mà chúng ta sẽ làm trong năm mới này.

Bài Tin Mừng vừa được công bố trích trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, kể về dấu lạ đầu tiên Đức Giêsu thực hiện tại tiệc cưới Cana. Đối với người Do Thái ngày xưa, rượu trong tiệc cưới là biểu tượng của tình yêu giữa cô dâu với chú rể, giữa chú rể với cô dâu, tức là biểu tượng cho thực tại quan trọng nhất làm cho mọi sự kiện, mọi biến cố, mọi thực tại trong lễ cưới trở nên có ý nghĩa. Tình yêu giữa người vợ và người chồng là yếu tố căn bản làm nên gia đình, làm nên sự thành công của gia đình. Thế mà trong đám cưới này lại xảy ra tình trạng thiếu rượu, tức là thiếu yếu tố quan trọng đem đến sự thành công. Ông quản tiệc là người chịu trách nhiệm về việc tổ chức đám cưới và xử lý những vấn đề nảy sinh ở đám cưới thì lại chẳng biết gì về tình trạng bi đát ấy. Nhưng có một người, là thân mẫu Đức Giêsu, đã nhận ra tình trạng bi đát đó. Thân mẫu Đức Giêsu đã trình bày vấn đề với Đức Giêsu, Con của Người. Mẹ đã không đến với ông quản tiệc để nói cho ông quản tiệc biết mà xử lý vấn đề của tiệc cưới. Mẹ đến với Đức Giêsu, trình bày với Đức Giêsu và chờ đợi sự can thiệp của Đức Giêsu. Và quả thật, Đức Giêsu đã can thiệp để giải quyết tình trạng hết sức cấp bách và bi đát ấy. Người đem lại cho đám cưới Cana sự thành công như lòng Thiên Chúa mong ước.

Kính thưa anh chị em,

Ngày hôm nay, khi chúng ta đến với Đức Mẹ và trình bày với Đức Mẹ về tình trạng của cuộc sống và những ưu tư của chúng ta về công ăn việc làm, là chúng ta đến trong lòng tin rằng Mẹ sẽ can thiệp bên cạnh Chúa Giêsu để Chúa Giêsu chúc lành, thánh hóa và làm cho công ăn việc làm của chúng ta trong năm nay được thành công. Chính trong cái xác tín đức tin ấy mà chúng ta quây quần bên Mẹ. Vậy đâu là những tâm sự mà chúng ta muốn thưa với Đức Mẹ bây giờ, thưa anh chị em?

(1) Trước hết, chúng ta đến đây, trong buổi chiều Mồng 3 Tết này, là để cùng với Đức Mẹ tuyên xưng rằng sự thành công của đời sống chúng ta và của công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này, hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa là Đấng quyết định. Chính Thiên Chúa là Đấng làm cho công ăn việc làm và đời sống của chúng ta trong năm mới này thành công. Nói như lời tác giả Thánh Vịnh: “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công; thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm”. Vậy chính trong lòng tin đó mà chúng ta đặt dưới chân Đức Mẹ những ưu tư của chúng ta về công ăn việc làm trong năm mới này, xin Đức Mẹ can thiệp với Thiên Chúa để Thiên Chúa chúc lành cho công ăn việc làm và cho đời sống chúng ta. Vì thế, vượt xa hơn một lời cầu xin, sự quy tụ của chúng ta chiều hôm nay ở đây là một lời tuyên xưng đức tin vào quyền năng và quyền quyết định của Thiên Chúa trên vận mạng và sự thành công của chúng ta.

(2) Nhưng không chỉ như thế, thưa anh chị em. Ngày lễ hôm nay được gọi là ngày xin ơn thánh hóa công ăn việc làm. Chúng ta không chỉ xin sự thành công trong công ăn việc làm. Nhưng còn đi xa hơn nữa, chúng ta xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm của chúng ta, nghĩa là làm cho những hoạt động của chúng ta trong năm mới này trở nên phương thế đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Ơn cứu độ không phải chỉ là thực tại của thế giới mai hậu. Ơn cứu độ không phải chỉ là thực tại siêu nhiên mà thôi. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là ơn cứu độ con người toàn diện. Trong cái toàn diện và cụ thể trong đời sống chúng ta, Thiên Chúa cứu chúng ta. Và mọi thực tại thuộc về đời sống con người đều có thể trở nên phương thế để đem ơn cứu độ đến cho chúng ta. Thiên Chúa cứu chúng ta là cứu trong cái thực tại thế tạm, thực tế và cụ thể của đời sống chúng ta.

Khi đến đây xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm của chúng ta, khi đến đây xin Thiên Chúa thánh hóa những hoạt động của chúng ta trong năm mới này, chúng ta tuyên xưng một xác tín, rằng ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho chúng ta là một thực tại toàn diện. Khi qui tụ đông đảo ở đây để xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm, chúng ta đang tuyên bố với thế giới và với mọi người rằng tôn giáo không chỉ gói gọn trong những thực tại siêu nhiên thuộc thế giới bên kia, vì mọi thực tại thế tạm đều “dính dấp” đến tôn giáo và đời sống tôn giáo của chúng ta cũng “dính dấp” đến mọi thực tại của cuộc sống này. Vậy ai nói rằng Hội Thánh Công Giáo không được quyền lên tiếng về những vấn đề xã hội, hoặc rằng Hội Thánh Công Giáo chỉ nên gói gọn hoạt động của mình trong các lễ hội bên trong nhà thờ, thì người ấy đang phản bội Tin Mừng đấy, thưa anh chị em. Bởi vì Thiên Chúa đến cứu chúng ta và Người muốn thánh hóa mọi hoạt động của chúng ta trong cuộc sống cụ thể của chúng ta. Mọi hoạt động của chúng ta trong cuộc sống thế tạm và cụ thể đều trở thành phương thế cứu độ.

Thành ra, với việc anh chị em qui tụ ở đây bên cạnh Đức Mẹ và xin Đức Mẹ chuyển cầu để Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm, chúng ta đang tuyên xưng một sự dấn thân làm cho những thực tại thế tạm, những thực tại của công ăn việc làm chẳng hạn, trở thành phương thế cứu độ con người. Đó là ý nghĩa và tâm tình thứ hai mà chúng ta thưa lên với Đức Mẹ và cùng với Đức Mẹ tuyên xưng đức tin trước nhan Thiên Chúa trong buổi chiều ngày Mồng 3 Tết này.

(3) Nhưng, kính thưa anh chị em, tất cả chúng ta ở đây đều không ai sống một mình. Ngay cả trong lãnh vực công ăn viêc làm, chúng ta cũng ý thức rất rõ ràng tác động của cộng đồng và của xã hội trên đời sống riêng của mỗi người chúng ta.

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận được rằng những quyết định của nhà cầm quyền sẽ ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp lên công ăn việc làm của chúng ta. Tôi lấy thí dụ: mô hình tăng trưởng nào được lựa chọn để làm mô hình tăng trưởng cho đất nước chúng ta? Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của chúng ta. Chính sách thuế khóa sẽ trực tiếp ảnh hưởng trên công ăn việc làm của mỗi người chúng ta. Một quy hoạch nào đó của một vùng nào đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ trên cuộc sống và trên công ăn việc làm của cộng đồng cư dân trong vùng đó. Không thể phủ nhận được tác động của các chính sách của những nhà cầm quyền trên công ăn việc làm của chúng ta.

Chúng ta cũng không thể phủ nhận được tác động của những hiện tượng xấu như tệ nạn xã hội, tình trạng an ninh, tệ quan liêu, nạn tham nhũng, sự lãng phí, sự suy thoái trong đời sống đạo đức, cách riêng là sự suy thoái đạo đức của những người có quyền trong các lĩnh vực khác nhau, công cũng như tư. Chúng ta không thể phủ nhận được tác động trực tiếp và tiêu cực của những chuyện đó trên công ăn việc làm của chúng ta. Sự thành công trong công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này sẽ chịu ảnh hưởng và tác động của những điều đó.

Ý thức như thế, chúng ta đến với Đức Mẹ chiều hôm nay để trình bày với Đức Mẹ cuộc sống cụ thể của chúng ta. Xã hội của chúng ta vẫn còn đầy dẫy những bất công. Chính ông Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong báo cáo tổng kết 5 năm cầm quyền vừa qua của Đảng Cộng sản tại đại hội lần thứ 11 cũng đã phải thừa nhận rằng: “Nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội, tình trạng tội phạm, sự suy thoái về đạo đức và lối sống … vẫn chưa được ngăn chặn”, có nghĩa là vẫn còn tồn tại đầy dẫy trong xã hội. Đi xa hơn ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Văn An – nguyên Chủ tịch Quốc Hội từ năm 2001 đến 2006, cách đây vài tháng, khi trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet, đã không chỉ đề cập đến những sự suy thoái hay những hiện tượng này khác. Ông đề cập đến một lỗi hệ thống và ông bàn đến chuyện sửa sai lỗi hệ thống ấy. Có một số đảng viên cộng sản không đồng ý với cách lý giải của ông Nguyễn Văn An, tức là không đồng ý rằng có một lỗi hệ thống trong đường lối xây dựng xã hội chúng ta. Nhưng tôi chắc rằng không ai trong các đảng viên cộng sản hiện nay và cũng chẳng ai trong chúng ta ở đây mà không đồng ý với ông Nông Đức Mạnh rằng trong xã hội chúng ta còn đầy dẫy tệ quan liêu, nạn tham nhũng, sự lãng phí, tình trạng tội phạm, tình trạng tệ nạn xã hội, tình trạng suy thoái đạo đức của nhiều người, cách riêng là rất nhiều người cầm quyền trong các lĩnh vực khách nhau. Vì đó là thực tế đập vào mắt chúng ta hàng ngày.

Và tất cả những điều đó tác động trực tiếp đến công ăn việc làm của chúng ta.

Thế mà, như lời Kinh Thánh nói: “Khi nền móng cương thường đổ nát, người công chính còn làm được chuyện gì?”.

Vậy, hôm nay, khi chúng ta quây quần bên cạnh Đức Mẹ để cùng với Đức Mẹ đặt những ưu tư của chúng ta về công ăn việc làm và về đời sống chúng ta lên trước nhan Thiên Chúa, là chúng ta xin Đức Mẹ nhìn đến tình trạng đó của chúng ta. Chúng ta xin Đức Mẹ can thiệp trước nhan Thiên Chúa để Thiên Chúa giúp chúng ta ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, ngăn chặn tệ nạn hối lộ, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức của những người có quyền. Chúng ta xin Đức Mẹ ngăn chặn và hơn nữa, triệt tiêu những tệ nạn trong việc phân chia lợi tức xã hội, những tệ nạn trong lĩnh vực giáo dục, trong lĩnh vực kinh tế, trong lĩnh vực giao thông…, tức là những tệ nạn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống ảnh hưởng đến công ăn việc làm và ảnh hưởng đến hoạt động của chúng ta trong năm nay. Chúng ta xin Đức Mẹ và chúng ta biết rằng Đức Mẹ đủ quyền năng để giúp chúng ta ngăn chặn và triệt tiêu những tác hại của các tệ nạn đó.

Đàng khác, chúng ta biết rằng sự thành công đích thực của toàn xã hội và vì vậy là của tất cả chúng ta, chính yếu thuộc về điều này: đó là tự do và phẩm giá của con người phải được tôn trọng. Khi nào tự do và phẩm gián của con người được tôn trọng, khi ấy xã hội mới phồn vinh đích thực, mới ổn định đích thực. Còn khi nào tự do, phẩm giá và nhân quyền không được tôn trọng, thì lao động và công ăn việc làm, thay vì là phương thế làm cho chúng ta triển nở và làm cho chúng ta trở nên người hơn, thì lại trở thành gánh nặng, lại trở thành ách nô lệ, lại trở thành yếu tố làm cho con người tha hóa, vong thân. Thành ra, chúng ta đến đây với Đức Mẹ để xin Đức Mẹ phù trợ, để xin Đức Mẹ chúc lành, xin Đức Mẹ cùng với Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm của chúng ta trong năm này, là chúng ta xin cho sự tự do, xin cho phẩm giá của con người, xin cho các quyền căn bản của con người… ngày càng được tôn trọng, và xin cho xã hội của chúng ta trở nên một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

(4) Tất nhiên, bên cạnh những tệ nạn, chúng ta cũng biết rằng trong xã hội chúng ta vẫn còn đấy những yếu tố hết sức tích cực, đặc biệt là những yếu tố tích cực từ những phận đời nhỏ bé. Anh chị em hãy nhớ lại: năm vừa rồi, khi bão lụt tràn về miền Trung, rất nhiều người đã cùng nhau góp phần của mình giúp anh chị em miền Trung qua cơn đại nạn lũ lụt. Rất nhiều người trong cộng đồng chúng ta đã góp phần nhỏ bé của mình đề đem lại sự ổn định cho đời sống của anh chị em ở miền Trung. Một ví dụ khác: nhiều người trong chúng ta đã góp phần nhỏ bé của mình để anh chị em dân tộc thiểu số ở bên cạnh dòng sông Pôkô trên Tây Nguyên không còn phải đi học hay vận chuyển những gùi sắn, gùi lúa của mình qua sông bằng cách đu dây cáp. Một chiếc cầu dây đã được bắc qua sông Pôkô từ những tấm lòng của bạn đọc khắp nơi của báo Tuổi Trẻ. Đấy là một bằng chứng về lòng nhân ái và về sự trợ giúp của những người nghèo với nhau. Một ví dụ khác: anh Trương Xuân Thức, người lái tàu trên một chuyến tàu hỏa gặp nạn, đã làm hết cách, thậm chí là hy sinh cánh tay trái của mình, để bảo đảm an toàn cho chuyến tàu ấy. Và khi thấy anh gặp nỗi đau vì hy sinh như thế, nhiều người ở khắp nơi đã an ủi, đã nâng đỡ, đã góp phần cùng với anh xoa dịu nổi đau của sự tật nguyền mà anh phải mang do sự hy sinh cứu những người khác. Đấy là bằng chứng rằng những người nghèo trong xã hội chúng ta, những phận đời bé nhỏ trong xã hội chúng ta, vẫn đóng góp phần mình để làm cho xã hội được nhân bản hơn, văn minh hơn. Rồi chúng ta biết có nhiều luật sư đã dám dấn thân để bảo vệ người nghèo trong các vụ án, cho dù họ phải trả giá bằng sinh mạng kinh tế, sinh mạng chính trị và ngay cả sinh mạng thể lý. Có những nhà báo bất chấp nguy hiểm để phanh phui những tệ nạn, tố giác tiêu cực… để xã hội nên trong sáng hơn… Và còn nhiều lắm. thưa anh chị em, những tấm lòng nhân ái làm cho cuộc sống của chúng ta an bình hơn, làm cho cuộc sống của chúng ta nhân bản hơn và nhờ vậy sự thành công của mỗi người được đảm bảo hơn.

Vậy hôm nay, khi qui tụ về đây để xin Đức Mẹ cầu bầu với Chúa thánh hóa công ăn việc làm, chúng ta xin Đức Mẹ chúc lành và nâng đỡ những tâm hồn ấy, những con người ấy, tức là chính chúng ta và là biết bao người nghèo khác. Đức Mẹ, tại tiệc cưới Cana, đã khích lệ, đã dạy dỗ, đã chỉ dẫn cho các gia nhân để họ cộng tác với Chúa Giêsu mà đem rượu mới cho đám cưới. Xin Mẹ, ngay hôm nay, trong năm này, cũng an ủi, khuyến khích, nâng đỡ chúng ta và tất cả những người thành tâm thiện chí khác, để chúng ta góp phần mình làm cho làm cho tự do, nhân quyền và phẩm giá con người được tôn trọng trong xã hội chúng ta. Và trên cái nền ấy, chúng ta sẽ thành công trong việc xây dựng cuộc sống của mình.

Tóm lại, kính thưa anh chị em, chiều hôm nay,

– thứ nhất, khi đến bên cạnh Đức Mẹ để cùng với Mẹ dâng lên Thiên Chúa những ưu tư của chúng ta về công ăn việc làm, về hoạt động, về đời sống của chúng ta trong năm mới, chúng ta thưa lên với Đức Mẹ xác tín rằng đời sống và sự thành công của chúng ta lệ thuộc vào Thiên Chúa: “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”.

– thứ hai, khi cùng với Đức Mẹ ra trước nhan thánh Thiên Chúa để dâng lên lời cầu xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm của chúng ta, chúng ta xác tín rằng những hoạt động nhỏ bé và trần thế của chúng ta có thể trở thành phương thế cứu độ chúng ta.

– thứ ba, cùng với Đức Mẹ, chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời nguyện xin tha thiết, để Thiên Chúa giúp chúng ta ngăn chặn và triệt tiệu những tệ nạn đang tác oai tác quái trên đời sống chúng ta: “Khi nền móng cương thường đổ nát, người công chính còn làm được chuyện gì?”.

– thứ tư, chúng ta nguyện góp phần mình làm cho xã hội ý thức hơn về tự do, về nhân phẩm và nhân quyền. Chúng ta nguyện góp phần vào việc làm cho xã hội ổn định hơn, làm cho xã hội phát triển một cách đích thực hơn như chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta xin Đức Mẹ khích lệ, nâng đỡ để giúp chúng ta dám dấn thân xây dựng xã hội tốt lành, trong đó mọi người có cơ hội phát triển đích thực như thánh ý Chúa muốn.

Kính thưa anh chị em,

Ngày xưa, Đức Mẹ đã nhìn thấy tình trạng tiệc cưới Cana thiếu yếu tố căn bản làm cho bữa tiệc ấy có ý nghĩa. Ngày nay, Đức Mẹ cũng đang nhìn thấy những thiếu thốn căn bản để cuộc sống của chúng ta có thể phát triển.

Ngày xưa Đức Mẹ đã thưa với Chúa Giêsu để Người can thiệp tại tiệc cưới Cana và ban rượu ngon làm cho bữa tiệc cưới ấy được thành công và có ý nghĩa. Ngày nay, Đức Mẹ vẫn luôn cầu nguyện với Chúa để Người ban những yếu tố căn bản, giúp cho xã hội chúng ta được vận hành và phát triển một cách đích thực như lòng Chúa muốn.

Xin Đức Mẹ gìn giữ chúng con và ban ơn cho chúng con. Xin Đức Mẹ chúc lành cho công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này. Amen.

 

.

14. Thánh hóa công ăn việc làm (Mt 25,14-30)

VIỆC LÀM VÀ LÀM VIỆC TRONG NĂM MỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO?

Hôm Tĩnh tâm các Linh mục của GP Xuân Lộc, ông Trưởng ban Tôn Giáo cho biết tỉnh Đồng Nai năm vừa qua cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế thế giới suy thoái, một trong những vấn đề chính quyền tỉnh quan tâm đó là năm vừa qua có hàng trăm ngàn công nhân mất việc, nghỉ việc vì công ty làm ăn khó khăn thua lỗ. Con số hàng trăm ngàn người mất việc này sẽ còn ảnh hưởng đến các gia đình và bao nhiêu người khác nữa, chưa kể là vấn đề tội phạm xã hội sẽ tỷ lệ thuận với con số này. Nhìn vào bức tranh kinh tế và công ăn việc làm của cả nước năm qua, con số lạm phát đã lên đến mức kỷ lục, tình trạng nợ nần của Nhà nước khá trầm trọng, đồng tiền mất giá, giá cả các mặt hàng tăng mạnh… tất cả những thông tin ấy đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi người, hay nói cụ thể hơn nó ảnh hưởng đến cái túi, đến bữa cơm của các gia đình. Cuối năm vừa qua, các công ty xí nghiệp đều có thưởng, có những người được thưởng cả trăm triệu, nhưng cũng có những ngành nghề chỉ được thưởng mấy ký hạt dưa hạt bí và có những ngành nghề không được đồng nào…

Thưa quý OBACE, vấn đề việc làm ngày càng trở thành vấn đề quan tâm của nhiều người. Có việc làm, và làm việc như thế nào lại là chuyện khác, và việc làm có phù hợp có thoải mái, có đủ sống hay không lại là chuyện khác. Vấn đề chủ và thợ ngày nay cũng đã trở thành một vấn đề nan giải, chủ thì muốn thu hồi vốn nhanh lợi nhuận nhiều, thợ thì muốn lương cao và những điều kiện làm việc thật tốt. … Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta về mối tương quan chủ và thợ:

Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao phó tài sản của ông- Ông chủ này quá tốt, đã tin tưởng trao hết tài sản mình cho công nhân, ông không đắn đo tính toán, ông cho họ có cơ hội để lập nghiệp. Ông cũng rất nhân đạo và biết nhìn người, ông trao cho người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén tùy khả năng mỗi người. Điều đó có nghĩa là ai có khả năng như thế nào thì ông chủ tạo điều kiện cho như thế, ông không bắt ép họ phải chịu trách nhiệm vượt quá khả năng của mình. Điều ông chờ đợi và đòi ở đầy tớ của ông không phải là chuyện lời hay lỗ, vì ông có thiếu gì đâu, mà là sự chăm chỉ làm việc và làm việc trong sự hăng say phấn khởi biết ơn ông, ông không chấp nhận sự lười biếng, không suy nghĩ tính toán, không cố gắng. Câu chuyện cho thấy khi ông chủ trở về, đã gọi đầy tớ đến để tính sổ, người năm nén sinh lời được năm nén khác, người ba nén cũng vậy, những người này đều được ông chủ khen là những đầy tớ tốt lành và trung tín, vì người đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn. Sự tín trung với chủ và giữ chữ tín trong công việc chính là điều những người này được khen thưởng.

Trái lại, sự bất tín biếng nhác, lười suy nghĩ tính toán, ù lỳ thụ động là điều không thể chấp nhận, đó là trường hợp của người lãnh một nén. Anh này đã đem chôn giấu nén bạc ông chủ đã trao, vì anh đã có cái nhìn hoàn toàn sai lạc về chủ của mình. Anh phân bì cho rằng chủ mình keo kiệt tham lam, hà khắc gặt chỗ không gieo thu nơi không phát, và anh còn mang một thái độ khác nữa đó sợ hãi thay vì yêu mến biết ơn ông chủ nên đã chôn giấu nén bạc của chủ. Chính từ cái nhìn không đúng về chủ, nên anh cũng không quan tâm gì đến việc kinh doanh sinh lời vốn liếng chủ trao. Đối với ông chủ, ngay việc giữ huề vốn nguyên vẹn một nén bạc đã không thể chấp nhận, ít ra anh ta cũng phải làm lời theo lãi suất ngân hàng… Ông chủ đã sa thải anh vì anh biếng nhác, không suy nghĩ không tính tóan để làm sinh lời vốn liếng chủ trao.

Qua thái độ của ông chủ và những người đầy tớ trong câu chuyện của Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chỉ cho thấy Thiên Chúa chính là ông chủ tốt lành, Ngài đang ban cho chúng ta mỗi người những khả năng và tài năng khác nhau, Ngài còn tạo cho chúng ta có nhiều cơ hội để làm phát triển các khả năng và tài năng đó, và Ngài muốn chúng ta làm việc hết mình với lờng biết ơn và yêu mến Ngài, Ngài chờ đợi chúng ta hãy biết tận dụng thời giờ để làm sinh lời những gì chúng ta đã nhận được từ nơi Chúa. Nén bạc Chúa trao cho chúng ta hôm nay có thể là thời giờ, sức khỏe, tuổi trẻ tài năng và kể cả của cải vật chất nữa, chúng ta đã nhận được gì thì chúng ta phải sinh lời gấp đôi gấp ba những cái chúng ta đã nhận. Có những người Chúa ban cho nhiều cơ hội nhưng vì lười biếng hoặc chần chừ, thụ động nên đã để vuột mất cơ hội ấy, còn có những người khác họ đã nắm bắt được cơ hội và đã sinh lời cho bản thân và cho gia đình của mình.

Bài đọc một cho thấy vốn liếng Thiên Chúa trao cho con người nói chung và cho mỗi người nói riêng là phù với khả năng mỗi người. Vũ trụ này, trái đất này cùng mọi sinh vật tài nguyên khoáng sản trong đó là của Thiên Chúa, do Chúa dựng nên và làm chủ, thế mà Thiên Chúa đã trao tặng hoàn toàn cho con người, với chỉ một mong muốn là con người làm cho nó ngày càng thêm tốt đẹp hơn. Không chỉ trao cho con người tài sản vật chất, Thiên Chúa còn làm nên một vườn Êden, vườn thượng uyển của Chúa, là nơi và là tình trạnh hạnh phúc, cũng được Thiên Chúa trao cho con người làm chủ và chịu trách nhiệm chăm sóc cả khu vườn ấy và cả vũ trụ này. Adam Eva tổ tông của chúng ta đã đứng ra nhận tài sản của Thiên Chúa, nhưng hai ông bà cũng không khác gì người đầy tớ lãnh một nén bạc, đã chôn dấu tài sản của Thiên Chúa, đã làm tổn hại đến tài sản là hạnh phúc, đã hủy hoại sự cân bằng trong vũ trụ và trong tâm hồn mình, làm cho vũ trụ nên gai góc và chai đá vì tội bất tuân, nghì ngờ Thiên Chúa và phản bội lại sự tín trung, nên đã để mình và con cháu bị loại ra ngoài.

Bài đọc một cũng còn cho thấy rằng thiên Chúa của chúng ta như một người thợ, Ngài cũng hăng say tận tụy làm việc để tạo dựng nên vũ trụ, đặc biệt Thánh kinh diễn tả Thiên Chúa như người nghệ sỹ làm việc đổ mồ hôi để tạo nên tác phẩm tuyệt đẹp là con người. Như thế cho thấy rằng nếu thiên chúa của chúng ta là một Thiên Chúa luôn làm việc, thì con người cũng phải biết làm việc và làm việc giúp chúng ta nên giống Thiên Chúa, và làm việc để đem lại sư tốt đẹp cho vũ trụ và sự no cơm ấm áo hạnh phúc cho con người, đó là chúng ta đang sinh lời cho Thiên Chúa và đang cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo dựng và tô điểm cho vũ trụ này thêm tốt hơn, xin nhắc lại là làn cho vũ trụ nên tốt đẹp hơn. Như thế khi chúng ta hủy hoại mội trường xung quanh, làm cho nó ra ô nhiễm bẩn thỉu là chúng ta đã không trung tín với Thiên Chúa và gây tổn hại đến tài sản của Ngài.

Không dừng lại ở đó việc làm và làm việc còn là cách thế để chúng ta bày tỏ lòng yêu mến biết ơn và sự tín trung của chúng ta với Chúa, và còn là để có điều kiện chúng ta thực thi đức bác ái. Thánh Phaolô còn nhắc cho chúng ta một thái độ làm việc khác quan trọng hơn là làm ăn tìm kiếm của cải vật chất để giúp tự mình nuôi sống bản thân, làm tăng phẩm giá con người và còn là để chia sẻ giúp đỡ những người thiếu thốn vì: Cho thì có phúc hơn là nhận. Mỗi người đã nhận lãnh nhận rất nhiều từ Thiên Chúa, chúng ta cũng cần phải biết rộng mở đôi tay để cho đi và chia sẻ.

Thưa quý OBACE, ngày Mồng Ba Tết là ngày thánh hóa công ăn việc làm, có nghĩa là chúng ta xin Chúa giúp chúng ta biết thánh hóa công việc làm của mình, cho chúng ta có việc làm tốt, và giúp chúng ta sống và làm việc theo giáo huấn của chúa, làm việc trong công bình và bác ái, người chủ thì biết tôn trọng sự công bằng và quyền lợi người thợ, người thợ cũng phải biết tôn trọng quyền lợi của chủ để tất cả mọi người làm việc trong sự ý thức rằng Thiên Chúa đã tín nhiệm và trao phó tài sản của Ngài cho ta, và chúng ta chỉ là người quản lý nên phải biết tận dụng cơ hội và khả năng Chúa ban và làm việc hết mình trong tinh thần yêu mến tương thân tương ái.

Cầu chúc cho mọi người có được công việc làm như mong muốn và làm việc thật hiệu quả. Amen

 

.

15. Thánh hóa công việc làm

Quý vị và các bạn thân mến,

Hôm nay ngày mùng 3 Tết, Giáo Hội Việt Nam mời gọi mọi người cầu xin Chúa thánh hóa công việc làm ăn. Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Luca, tường thuật việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “những người đầy tớ và những yến bạc” để dạy dỗ các đồ đệ của mình nhiều điều, liên quan đến công việc làm ăn:

Thứ nhất, Chúa đưa ra dụ ngôn để nhắc nhở các đồ đệ, không phải là “số các yến bạc được trao bao nhiêu”, mà là “những người đầy tớ đã sử dụng chúng như thế nào”. Người lãnh năm nén đã đi làm lợi năm nén khác, người lãnh hai nén làm lợi hai nén khác, riêng người lãnh một nén lại đem chôn. Tất nhiên ông chủ khen hai người đầu và nổi giận vì cách thế biếng nhác của người cuối cùng kia. Ta thấy người thứ nhất và thứ hai khác nhau về số các yến bạc, nhưng giống nhau ở chỗ đã mạnh dạn đem các nén bạc được trao ra sử dụng mặc dù chưa biết thắng bại ra sao. Riêng người cuối cùng không bắt tay vào việc, không tin vào sự nâng đỡ của ông chủ, và rồi đã đem chôn đi cái mình được trao, cái mình đã lãnh nhận. Quan sát ba người đầy tớ ta thấy: người ta không bằng nhau ở “số lượng” nhưng bằng nhau ở “nỗ lực”. Nếu so “số lượng nén bạc” được trao của người thứ nhất và người thứ hai chắc chắn ta thấy khác nhau, nhưng “nỗ lực công việc” và phần thưởng danh dự dành cho hai người chắc chắn giống nhau.

Hẳn điều nhắc nhở này cho các đồ đệ, cũng là điều nhắc nhở mỗi người chúng ta, số yến bạc là các khả năng Chúa trao cho mỗi người rất khác nhau. Có lẽ Chúa chẳng đòi hỏi gì nhiều, Chúa chỉ đòi hỏi mỗi người hải nỗ lực cố gắng làm việc trong tin tưởng phó thác vào quyền năng Chúa.

Thứ hai, dụ ngôn ấy, Chúa cũng nhắc nhở các đồ đệ là: phần thưởng dành cho người hoàn tất công việc được giao cách tốt đẹp, là người đó được giao thêm công việc mới và được hưởng niềm vui hạnh phúc với chủ, chứ không phải là người đó sẽ nghỉ ngơi. Hình phạt dành cho người biếng nhác là ngay cả cái công việc anh ta có, bây giờ cũng bị lấy đi và trao cho người đã có.

Quà tặng cũng như phần thưởng, Chúa chỉ dành cho những người đã nỗ lực cộng tác với Chúa. Và như thế, Chúa sẽ trao thêm cho họ nhiều khả năng khác đang khi họ thi hành điều Chúa muốn.

Sau cùng, qua dụ ngôn Chúa nhắc nhở các đồ đệ là: những khả năng được đem ra sử dụng sẽ phát triển và còn mãi, khả năng cất kỹ sẽ mai một và sẽ mất đi. Ví như bạn có khả năng hội họa, khả năng đàn nhạc,… nếu bạn đem ra sử dụng chắc chắn nó sẽ được thăng hoa, nhưng nếu chôn vùi bạn sẽ đánh mất nó.

Quý vị và các bạn thân mến,

Ngày hôm nay mùng 3 Tết, ngày lễ cầu xin Chúa thánh hóa công việc làm ăn của chúng ta. Chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của Chúa đã luôn nâng đỡ chúng ta. Chúng ta cám tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho mỗi người các nén bạc khác nhau. Nhưng chúng ta cũng xin ơn Chúa và cộng tác với Chúa để làm phát triển các yến bạc mà Chúa đã trao vào tay chúng ta. “Ai trung tín trong việc nhỏ, sẽ trung tín trong việc lớn”.

Lạy Chúa,

Đôi lúc trong cuộc sống, chúng con chưa nỗ lực cộng tác với ơn Chúa, nhưng chúng con lại hay kêu trách Chúa, khi so sánh mình với người khác. Đôi lúc chúng con biếng nhác, nhưng lại ưa đòi phép lạ. Đôi lúc chúng con không xứng đáng Chúa trao những nén bạc lớn, vì thái độ thiếu nhiệt thành của chúng con.

Chúng con xin lỗi Chúa, và xin Chúa đỡ nâng chúng con.

Xin ban cho chúng con có công ăn việc làm ổn định, đời sống an bình tươi vui.

Amen.

 

.

16. Giọt mồ hôi có Chúa (Mt 25, 14-30)

Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng

Phụng Vụ Lời Chúa và các lời nguyện trong thánh lễ hôm nay nhắc nhớ chúng ta về bản chất và ý nghĩa công ăn việc làm của con người. Thiên Chúa đặt mỗi người vào một khu vườn phù hợp với họ như ruộng đồng, nhà máy, phòng thí nghiệm, giảng đường, sân khấu, … để thực hiện nhiệm vụ cao cả là hoàn thành công trình sáng tạo của Người (BĐ1). Tuy vậy, con người không lao tác một mình và cho bản thân mình, nhưng cần dùng thành quả lao động để chia sẻ và đỡ nâng những ai túng cực (BĐ2). Muốn vậy, chắc chắn con người phải siêng năng làm việc, phải dùng hết sức lực và trí khôn Chúa ban để sinh lợi theo ý Người muốn (BĐ3).

Nói cách khác, lao động của con người được Thiên Chúa chúc phúc và mặc cho một cùng đích siêu việt: làm việc không chỉ để có phương tiện độ nhật, không chỉ để sống hạnh phúc trên trần gian này, mà còn để đạt được kho tàng vĩnh viễn và hạnh phúc viên mãn, nơi mối mọt không đục khoét và kẻ trộm không lấy đi được. Thành ra, những giọt mồ hôi con người đổ ra khi vất vả làm lụng, khi khổ sở kiếm sống, … là những giọt mồ hôi có Chúa, những giọt mồ hôi đã được Cha Nhân Lành thấu biết và đếm cả rồi. Và khi đó, chúng ta lao động, làm ăn, bán buôn, nghiên cứu, … khác với những người không nhìn biết Thiên Chúa!

Thực vậy, thiên hạ cầu trời khấn phật, coi tướng số, cúng kiếng, xin xăm, … cho công việc được thành đạt. Có người lọc lừa, dối trá, thủ đoạn để cầu lợi; nhưng cũng có người quảng đại chia tài sản mình cho người nghèo; có người dành cả đời cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng, …

Người Công giáo chúng ta thì xin lễ, xin khấn,… để Chúa thánh hóa và chúc phúc cho công ăn việc làm của chúng ta…Chúng ta chia sẻ, đỡ nâng biết bao người anh chị em nghèo khổ, bệnh tật, … bằng chính lòng bác ái và đồng tiền thu được trong lao công vất vả. Nhưng thật lòng mà nói, cũng đã có những cạnh tranh không lành mạnh, những mánh khóe, những giành giựt, những đấu khẩu, khấu thủ với nhau trên thương trường, nơi đồng ruộng hay trên nương rẫy, …. Và như thế, vô tình hay cố ý, chúng ta đã tự mâu thuẫn với chính mình, tự trở nên hợm hĩnh trước Chúa: chúng ta mời Chúa ra chỗ khác, cho con tự xoay sở, tự làm việc theo cách của con, dù trước đó chúng ta đã hết lòng cầu nguyện, xin khấn, xin lễ … để phó thác vụ việc cho Chúa.

Nói một chút về những tiêu cực trong tiết xuân tươi mới, để chúng ta kịp lắng lòng lại, kịp giật mình tự hỏi: những giọt mồ hôi tôi đổ ra đêm ngày để kiếm miếng cơm manh áo; để đem lại tương lai tươi sáng cho con cái; để tìm phồn vinh cho gia đình, cho đất nước; … có sự đồng hành của Chúa không? Có giống với giọt mồ hôi của anh thợ mộc làng Nadarét xưa không?

Ước gì trong những rộn rã của hoa quả, của lễ vật người người dâng Chúa Xuân hôm nay, chúng ta nhận ra và khao khát một điều: Xin cho những giọt mồ hôi con đổ ra là giọt mồ hôi có Chúa, hòa vào những giọt mồ hôi của Chúa, mang đậm ước muốn và phúc lành của Chúa.

Giọt mồ hôi có Chúa, là giọt mồ hôi lao tác cật lực với sức khỏe, với trí khôn, nhưng luôn tín thác vào Chúa.

Giọt mồ hôi có Chúa, là giọt mồ hôi tính toán công mua sức bán, nhưng luôn tôn trọng sự thật và luật công bằng của Chúa.

Giọt mồ hôi có Chúa, là giọt mồ hôi tìm kiếm tiền bạc như những đầy tớ tốt, chứ không phải là những ông chủ khắc nghiệt.

Và, giọt mồ hôi có Chúa, là giọt mồ hôi được tích cóp từng ngày, qua năm qua tháng, … để cuối cùng, góp thành một bể yêu thương cho ta vui đùa ngụp lặn, gột rửa ta nên sạch trong, và mở ra dòng chảy vào Biển Yêu Thương của Đấng đã chấp nhận bước xuống Biển Đời lem lấm phận người để thánh hóa, để thay dòng đổi lượng cho nó đượm hương Thiên Đàng và in bóng Người Cha yêu thương đang mở rộng vòng tay đón đợi ta.

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7