Bài phỏng vấn Đức Hồng Y Robert Sarah về cuốn sách Sức Mạnh Của Sự Thinh Lặng
- In trang này
- Lượt xem: 10,770
- Ngày đăng: 09/08/2021 06:10:16
Cuộc phỏng vấn ĐHY Robert Sarah sau đây xuất hiện trên tờ báo tiếng Pháp La Nef (Cung thánh) số tháng 10 năm 2016. Cuộc trao đổi này diễn ra nhân dịp xuất bản cuốn sách mới của ngài “La Force du silence” (Sức mạnh của sự thinh lặng: Chống lại sự thống trị của tiếng ồn). Cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh đã được chính Đức Hồng Y Sarah cho phép. Bản dịch là của Michael J. Miller, người đã dịch cuốn sách “God or Nothing” năm 2015 của ngài (Ignatius Press). (Nb: Hình ảnh và chú thích là phần tham khảo thêm).
La Nef: Cuốn sách mà ngài cung cấp cho độc giả của mình là một suy niệm thiêng liêng về sự thinh lặng: tại sao ĐHY lại đưa ra một suy tư sâu sắc như vậy, điều mà ít ai có thể ngờ một vị Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỉ luật các Bí tích[1] có thể thực hiện, vốn phải chú tâm đến các công việc liên quan rất cụ thể đến đời sống Giáo hội?
ĐHY Sarah: “Ngôn ngữ trước hết của Thiên Chúa là sự thinh lặng.” Khi bình giải về cái nhìn sâu sắc và phong phú này của Thánh Gioan Thánh Giá, đan sĩ Thomas Keating, trong tác phẩm Invitation to Love (Lời mời gọi yêu thương), viết: “Mọi thứ gì khác đều là một bản sao nghèo nàn. Để có thể hiểu được thứ ngôn ngữ này, chúng ta phải học cách thinh lặng và nghỉ ngơi trong Chúa”.
Đã đến lúc khám phá lại trật tự thật sự ưu tiên này. Đã đến lúc phải đặt Chúa trở lại trung tâm của các mối bận tâm của chúng ta, vào trọng tâm các hành động và cuộc sống của chúng ta: nơi duy nhất mà Ngài có thể chiếm ngự. Như vậy, cuộc hành trình Kitô hữu của chúng ta mới có thể đi vào quỹ đạo của Tảng Đá này, được thành hình dưới ánh sáng đức tin và được nuôi dưỡng trong lời cầu nguyện, là khoảnh khắc gặp gỡ thầm lặng, thân mật, trong đó con người đối diện với Thiên Chúa để tôn thờ Ngài và để bày tỏ tình yêu con thảo của mình đối với Ngài.
Chúng ta đừng tự đánh lừa mình. Đây là điều thực sự cấp bách: khám phá lại cảm thức về Thiên Chúa. Giờ đây, Chúa Cha chỉ cho phép chính Ngài được tiếp cận trong sự thinh lặng. Điều mà Giáo hội cần nhất hiện nay không phải là một cuộc cải cách hành chính, một chương trình mục vụ khác, một sự thay đổi cơ cấu. Chương trình vẫn đã tồn tại: đó là chương trình mà chúng ta luôn có, rút ra từ Tin Mừng và từ Truyền thống sống động. Nó tập trung vào chính Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta phải biết, phải yêu mến và noi gương để sống trong Người và nhờ Người, để biến đổi thế giới của chúng ta, vốn đang bị hủy hoại vì loài người sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu. Với tư cách là một linh mục, một mục tử, một Tổng trưởng, một Hồng y, ưu tiên của tôi là cho rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn tâm hồn con người.
Tôi nghĩ rằng chúng ta là nạn nhân của sự hời hợt, ích kỷ và tinh thần thế tục đang lan tràn bởi xã hội do phương tiện truyền thông điều khiển. Chúng ta bị lạc hướng trong các cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng, trong các cuộc xung đột giữa người với người, trong thứ chủ nghĩa vị ái và hoạt động vô ích. Chúng ta bị thôi thúc vì niềm tự mãn và kiêu hãnh, là tù nhân của ý chí quyền lực. Vì lợi ích của chức danh, vì bổn phận nghề nghiệp hoặc giáo hội, chúng ta chấp nhận những thỏa hiệp thấp hèn. Nhưng tất cả điều đó qua đi như mây khói. Trong cuốn sách mới của mình, tôi muốn mời gọi các Kitô hữu và những người thiện chí cùng bước vào cõi thinh lặng; không có nó, chúng ta đang ở trong ảo tưởng. Thực tế duy nhất đáng để chúng ta chú tâm là chính Thiên Chúa, và Thiên Chúa thì thinh lặng. Ngài chờ đợi sự thinh lặng của chúng ta để bày tỏ chính Ngài.
Lấy lại cảm thức thinh lặng vì thế là một ưu tiên, một điều cấp thiết.
Sự thinh lặng quan trọng hơn bất kỳ công việc nào khác của con người. Bởi vì nó diễn tả Thiên Chúa. Cuộc cách mạng thực sự đến từ sự thinh lặng; nó dẫn chúng ta đến Chúa và hướng về người khác để chúng ta có thể đặt để mình khiêm nhường phục vụ họ.
Tại sao ý tưởng về sự thinh lặng lại cần thiết như thế theo cái nhìn của ngài? Sự thinh lặng có cần thiết để tìm thấy Chúa không, và theo cách nào “nó là quyền tự do lớn nhất của con người” (số 25) ? Là “tự do”, sự thinh lặng có phải là một thực hành khổ chế không?
ĐHY Sarah: Thinh lặng không phải là một ý tưởng; nó là con đường giúp con người có thể đến với Thiên Chúa.
Thiên Chúa thinh lặng, và sự thinh lặng thần linh này ở trong mỗi con người. Bằng cách sống với Thiên Chúa thinh lặng, và trong Ngài, chính chúng ta sẽ trở nên thinh lặng. Không gì dễ dàng khiến chúng ta khám phá ra Thiên Chúa hơn là sự thinh lặng này đã được khắc sâu trong lòng chúng ta.
Tôi không ngại tuyên bố rằng, để trở thành người con của Thiên Chúa thì nhất thiết phải trở thành người con của thinh lặng.
Chinh phục sự thinh lặng là một cuộc chiến đấu và là một hình thức khổ hạnh. Đúng vậy, cần phải can đảm để giải thoát bản thân khỏi mọi thứ đè nặng lên cuộc sống của chúng ta, bởi vì chúng ta không yêu thương thứ gì chỉ bằng vẻ bề ngoài, sự dễ dàng và lớp vỏ che đậy. Bị lôi kéo bởi ngoại giới cần phải nói tất cả mọi thứ, một người ba hoa, nhiễu sự không thể gần Chúa, không có khả năng thực hiện bất kỳ hoạt động thiêng liêng sâu sắc nào. Ngược lại, người giữ thinh lặng là người tự do. Xiềng xích của thế gian không thể trói buộc được họ.
Không có sự tàn bạo nào có thể làm bất cứ điều gì chống lại một con người trầm lặng. Bạn không thể lấy mất sự thinh lặng của một người ra khỏi họ.
Tôi nghĩ về người tiền nhiệm của tôi tại Tòa tổng giáo phận Conakry ở nước Guinê[2], Đức Tổng Giám mục Raymond-Marie Tchidimbo. Ngài bị giam trong ngục tù gần chín năm, bị khủng bố bởi chế độ độc tài Marxist. Ngài bị cấm gặp hoặc nói chuyện với bất cứ ai. Sự thinh lặng do những người cai ngục áp đặt đã trở thành nơi để ngài gặp gỡ Chúa. Một cách mầu nhiệm, phòng giam của ngài đã trở thành một “tập viện” thực sự và căn phòng nhỏ tồi tàn đó đã giúp ngài hiểu được phần nào sự thinh lặng tuyệt vời của Thiên đàng.
Liệu vẫn có thể hiểu được tầm quan trọng của sự thinh lặng trong một thế giới mà tiếng ồn, dưới mọi hình thức, không bao giờ ngừng? Đây có phải là một hoàn cảnh mới của “tính hiện đại”, với phương tiện truyền thông, TV và internet, hay tiếng ồn này luôn là đặc tính của “thế giới” hôm nay?
ĐHY Sarah: Thiên Chúa thì thinh lặng, còn ma quỷ thì ồn ào. Ngay từ đầu, Satan đã tìm cách che đậy những lời nói dối của mình dưới một sự kích động tạo ra âm thanh và lừa phỉnh. Kitô hữu phải luôn nhắc nhở mình không thuộc về thế gian. Họ có quyền quay lưng lại với những ồn ào của thế gian, khỏi những âm thanh luôn bám theo để hướng tốt hơn đến điều thiết yếu: Thiên Chúa.
Thời đại công nghệ cực thịnh, bận rộn này đã khiến chúng ta trở nên ốm yếu hơn. Tiếng ồn đã trở thành một loại thuốc gây nghiện mà những người thời đại chúng ta phải lệ thuộc. Với vẻ ngoài lễ hội, tiếng ồn là một cơn gió lốc khiến chúng ta tránh nhìn thẳng vào mình để thấy được sự trống rỗng nội tâm. Đó là một lời nói dối ma quỷ. Sự thức tỉnh chỉ có thể là phải tàn bạo.
Tôi không ngại kêu gọi mọi người thiện chí hợp nhất lại bằng hình thức phản kháng. Thế giới của chúng ta sẽ ra sao nếu nó không thể tìm thấy những ốc đảo dành cho sự thinh lặng?
Trong cơn lũ hỗn loạn của những lời nói dễ nghe, rỗng tuếch, giữ thinh lặng dễ cho thấy vẻ bề ngoài yếu đuối. Trong thế giới hiện đại, người sống trầm lặng trở thành kẻ không biết cách tự vệ. Anh ta là một “phó thường dân” đối với những người tự khẳng định mình là mạnh mẽ, kẻ sẽ nghiền nát và dìm người khác vào một trận bão lũ của những truyên bố của hắn. Người sống trầm lặng đích thực là một người rất phong phú. Đây là lý do sâu xa khiến những người hiện đại khinh miệt và căm ghét những sinh thể thầm lặng, vì những tội ác ghê tởm của họ đối với những đứa trẻ chưa chào đời, những người bị bệnh hoặc những người đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Những con người đó là những nhà tiên tri tuyệt vời của sự thinh lặng. Với họ, tôi không ngại tuyên bố rằng các linh mục ngày nay, những người dám tuyên bố một cuộc chiến về sự thinh lặng, đã thua trận. Bởi vì chúng ta có thể giữ thinh lặng giữa những hỗn loạn gay gắt nhất, những xáo trộn đáng khinh nhất, giữa tiếng ầm ĩ và những tiếng la hét của những cỗ máy địa ngục, luôn thôi thúc chúng ta náo hoạt bằng cách giật lấy bất kỳ chiều kích siêu việt nào và bất kỳ đời sống nội tâm nào ra khỏi chúng ta.
Mặc dù con người nội tâm tìm sự thinh lặng để gặp gỡ Chúa, có phải chính Chúa thì luôn lặng im không? Và chúng ta làm cách nào để hiểu được điều mà một số người gọi là “sự im lặng của Chúa” liên quan đến những thảm kịch tồi tệ không thể kể xiết như các cuộc Thảm sát, những trại tù khổ sai…? Nói một cách tổng quát hơn, sự tồn tại của cái ác có chất vấn về “quyền năng tối cao” của Thiên Chúa không?
ĐHY Sarah: Câu hỏi của bạn dẫn chúng ta đi vào một mầu nhiệm rất sâu thẳm. Tại Grande Chartreuse [tu viện Carthusian], chúng tôi đã suy niệm rất lâu về chủ điểm này cùng với cha Bề trên Tổng quyền, Dom Dysmas de Lassus.
Chúa không muốn điều ác. Tuy nhiên, Ngài vẫn im lặng một cách đáng kinh ngạc trước những thử thách của chúng ta. Bất chấp tất cả mọi thứ, đau khổ không đặt quyền năng tối cao của Thiên Chúa thành vấn đề — càng không phải thế; đúng hơn, đau khổ biểu tỏ quyền năng đó cho chúng ta. Tôi vẫn như còn nghe thấy tiếng nức nở của đứa trẻ đầm đìa nước mắt hỏi tôi: “Tại sao Chúa không giữ cho cha con khỏi bị giết hại?” Trong sự im lặng kín ẩn của Ngài, Thiên Chúa tỏ hiện chính Ngài trong giọt nước mắt của đứa trẻ, chứ không phải theo trật tự của thế giới sẽ biện minh cho dòng nước mắt đó. Thiên Chúa có một đường lối nhiệm mầu của Ngài để gần gũi chúng ta trong những thử thách. Ngài hiện diện một cách mãnh liệt trong những thử thách và đau khổ của chúng ta. Sức mạnh của Ngài khiến cho chính nó trở nên im lặng vì nó tỏ hiện sự khôn khéo vô hạn của Ngài, sự dịu dàng yêu thương vô bờ bến của Ngài dành cho những người đau khổ. Những biểu hiện bên ngoài không nhất thiết là bằng chứng tốt nhất về sự gần gũi. Sự thinh lặng bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa, và sự thật là Ngài tham gia vào những đau khổ của chúng ta. Chúa không muốn điều ác. Và cái ác càng quái dị, càng tỏ rõ rằng Chúa ở trong chúng ta là nạn nhân đầu tiên.
Chiến thắng của Chúa Kitô đối với sự chết và tội lỗi được hoàn tất trong sự thinh lặng sâu thẳm của thập giá. Thiên Chúa bày tỏ tất cả quyền năng của Ngài trong sự thinh lặng này mà không một sự man rợ nào có thể làm hoen mờ.
Khi tôi đến thăm những quốc gia đang trải qua những cuộc khủng hoảng sâu sắc, đau khổ và tang thương dữ dội, như Syria, Libya, Haiti, Philippines sau cơn bão kinh hoàng, tôi nhận thấy rằng lời cầu nguyện thầm lặng là kho báu cuối cùng của những người không còn gì cả. Thinh lặng là chiến hào cuối cùng mà không ai có thể vào được, là căn phòng duy nhất để duy trì sự bình yên, nơi mà đau khổ trong chốc lát phải hạ vũ khí của nó xuống. Trong đau khổ, chúng ta hãy ẩn mình trong pháo đài của lời cầu nguyện.
Khi đó quyền lực của bọn cai ngục không còn quan trọng nữa; tội phạm có thể phá hủy mọi thứ một cách điên cuồng, nhưng chúng không thể nào đột nhập và đi vào sự tĩnh lặng, tâm hồn, lương tâm của một con người cầu nguyện và nép mình trong Thiên Chúa. Nhịp đập của một trái tim thầm lặng, niềm hy vọng, niềm tin và sự tín thác nơi Chúa thì không thể bị đánh chìm. Bên ngoài, thế giới có thể trở thành một cánh đồng hoang tàn, nhưng bên trong tâm hồn chúng ta, trong sự tĩnh lặng sâu thẳm nhất, Chúa luôn dõi theo chúng ta. Chiến tranh và những chuyển biến kinh hoàng sẽ không bao giờ chiếm được phần thắng khi Chúa hiện diện trong chúng ta. Khi đối mặt với sự dữ và sự im lặng của Thiên Chúa, chúng ta phải luôn kiên trì cầu nguyện và thầm kêu lên, tha thiết trong đức tin và lòng mến:
“Lạy Chúa Giêsu, con đã tìm kiếm Ngài!
Con nghe thấy Ngài bật khóc vì vui mừng
khi một đứa trẻ được sinh ra.
Con thấy Chúa đang tìm kiếm tự do
xuyên qua song sắt của một nhà tù.
Con đi gần Chúa
trong khi Ngài đang nài xin một mẩu bánh mì.
Con nghe thấy Chúa rên xiết trong nỗi buồn sâu thẳm
khi con cái Ngài bị bom đạn tầm tã.
Con phát hiện ra Ngài nằm trong căn phòng của một bệnh viện, phải chịu sự điều trị một cách vô tâm.
Và bây giờ con đã tìm thấy Chúa,
Con không muốn để mất Ngài một lần nữa.
Con xin Chúa, hãy dạy con yêu Chúa”.
Cùng Chúa Giêsu chúng ta sẽ mang lấy những đau khổ và thử thách của mình can đảm hơn.
Ngài dành vai trò nào cho sự thinh lặng trong phụng vụ Latinh của chúng ta? Ngài nhận thấy nó ở phần nào, và làm thế nào để ngài dung hòa giữa thinh lặng và tham gia?
ĐHY Sarah: Trước sự uy nghi của Thiên Chúa, chúng ta trở thành vô ngôn. Ai dám lên tiếng trước Đấng Toàn Năng? Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thinh lặng nhìn thấy bản chất của bất kỳ thái độ cầu nguyện nào, bởi vì sự thinh lặng này, chứa đầy sự hiện diện tôn thờ, biểu lộ “sự chấp nhận khiêm tốn trong các giới hạn của thụ tạo đối với sự siêu việt vô hạn của một vị Thiên Chúa không ngừng mặc khải chính Ngài là một vị Thiên Chúa của tình thương.” Từ chối sự thinh lặng chứa đầy sự kính sợ và tôn thờ này, chính là khước từ Thiên Chúa có quyền tự do nắm bắt chúng ta trong tình yêu và sự hiện diện của Ngài. Do đó, sự thinh lặng thánh thiêng là nơi chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa, bởi vì chúng ta đến với Ngài, trong thân phận đích thực của một con người run rẩy trong thế đứng từ xa để cậy tìm niềm hi vọng khao khát. Các linh mục chúng ta phải học lại lòng kính sợ hiếu thảo đối với Thiên Chúa và đặc tính thánh thiêng trong mối tương giao của chúng ta với Ngài. Chúng ta phải học lại để run sợ và kinh ngạc trước sự thánh thiện của Thiên Chúa và ơn sủng chưa từng có của chức tư tế Ngài trao ban cho chúng ta.
Sự thinh lặng dạy cho chúng ta một quy luật chính của đời sống thiêng liêng: sự quen thuộc không nuôi dưỡng sự thân mật; trái lại, một khoảng cách thích hợp là điều kiện để hiệp thông. Chính bằng cách tôn thờ mà nhân loại hướng tới tình yêu. Sự thinh lặng thánh mở lối dẫn đến sự thinh lặng thần nhiệm, đầy thân thiết và yêu thương. Dưới ách thống trị của lý trí thế tục, chúng ta đã quên rằng sự thánh thiêng và thờ phượng là lối vào duy nhất dẫn đến đời sống thiêng liêng. Vì vậy, tôi không ngần ngại tuyên bố rằng sự thinh lặng thánh là quy luật chính yếu của mọi cử hành phụng vụ.
Thật vậy, nó cho phép chúng ta tham dự vào mầu nhiệm đang được cử hành. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng thinh lặng là một phương thế đặc biệt để thúc đẩy dân Chúa tham gia vào phụng vụ. Các Nghị phụ Công đồng có ý định cho thấy sự tham gia phụng vụ đích thực là gì: lối vào mầu nhiệm thần linh. Viện lý do để mọi người dễ dàng tiếp cận với Thiên Chúa, một số người muốn mọi thứ trong phụng vụ phải ngay lập tức dễ hiểu, hợp lý, theo chiều ngang và nhân bản. Nhưng khi hành động theo cách đó, chúng ta rơi vào nguy cơ thu giảm mầu nhiệm thánh thiêng vào những tình cảm dễ chịu. Viện lý do sư phạm, một số linh mục sa đà vào những bài dẫn giải bất tận mang tính chất phiến diện và trần tục. Chắc các mục tử này sợ rằng sự thinh lặng trước sự hiện diện của Đấng Tối Cao có thể làm mất lòng các tín hữu? Họ nghĩ rằng Chúa Thánh Thần lại không có khả năng mở lòng các tín hữu đón nhận các Mầu nhiệm thần linh bằng cách tuôn đổ trên họ ánh sáng của ân sủng thiêng liêng sao?
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cảnh báo chúng ta: một con người tham gia vào sự hiện diện của Thiên Chúa “trên hết bằng cách để cho mình được giáo dục trong sự thinh lặng tôn thờ, bởi vì ở đỉnh cao của sự hiểu biết và kinh nghiệm về Thiên Chúa, là sự siêu việt tuyệt đối của Ngài.”
Sự thinh lặng thiêng liêng là điều tốt đẹp cho các tín hữu, và các giáo sĩ không được tước đoạt điều đó khỏi họ!
Sự thinh lặng là tấm vải mà từ đó các cử hành phụng vụ của chúng ta phải được cắt ra. Không có gì trong đó có thể làm gián đoạn bầu không khí trầm lặng vốn là khí hậu tự nhiên của nó.
Không phải là một nghịch lý sao khi nêu ra sự cần thiết phải thinh lặng trong phụng vụ trong khi thừa nhận rằng các phụng vụ Đông phương không có giây phút thinh lặng (số 259), trong khi nền phụng vụ này đặc biệt đẹp đẽ, linh thiêng và cầu nguyện?
ĐHY Sarah: Nhận xét của bạn rất sâu sắc và nó cho thấy rằng quy định “những khoảnh khắc im lặng” là chưa đủ để phụng vụ được thấm nhuần trong sự thinh lặng thánh thiêng.
Thinh lặng là một thái độ của tâm hồn. Nó không phải là sự tạm nghỉ giữa hai nghi lễ; nó hoàn toàn chính là nghi lễ.
Chắc chắn, các nghi thức Đông phương không dự phóng trước những khoảng thời gian im lặng trong Phụng vụ thánh. Tuy nhiên, những nghi thức ấy rất gần gũi với chiều kích tạo những khoảng lặng của lời cầu nguyện trước một vị Thiên Chúa “bất khả diễn đạt, bất khả thấu hiểu, bất khả cảm nhận”. Phụng vụ thánh, như nó vốn vậy, chìm vào Mầu nhiệm. Nó được cử hành đằng sau các biểu tượng, mà đối với các Kitô hữu phương Đông là bức màn bảo vệ mầu nhiệm ấy. Còn chúng ta những người theo phụng vụ Latinh, sự thinh lặng là một biểu tượng âm thanh. Thinh lặng là một hình thức khai nhiệm kitô giáo; nó cho phép chúng ta đi vào mầu nhiệm mà không làm suy giảm nó. Trong phụng vụ, ngôn ngữ của các mầu nhiệm là thinh lặng. Thinh lặng không che khuất; nó biểu tỏ một cách sâu sắc.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy chúng ta rằng: “mầu nhiệm liên tục tự che đậy, liên tục tự phủ kín bằng sự thinh lặng, để tránh cho người ta tạo ra một ngẫu tượng thay cho Thiên Chúa”. Hôm nay tôi muốn tuyên bố rằng nguy cơ các Kitô hữu có thể trở thành những kẻ thờ ngẫu tượng là rất lớn. Là tù nhân của tiếng ồn, của tiếng nói bất tận của con người, chúng ta không còn xa nữa để xây dựng một thứ tín ngưỡng theo không gian riêng của chúng ta, một vị thần theo hình mẫu của chúng ta. Như Đức Hồng Y Godfried Danneels đã nhận xét: “Thiếu sót chính của phụng vụ phương Tây, như nó được cử hành trong thực tế, là nói quá nhiều.” Cha Faustin Nyombayré, một linh mục người Rwandan, nói rằng ở châu Phi: “Sự hời hợt hiện rõ ra trong phụng vụ, hay có thể nói là các buổi cử hành tôn giáo, mà khi mọi người trở về phải thở dốc và vã mồ hôi, thay vì được nghỉ ngơi và thấm đẫm những gì đã được cử hành để sống và làm chứng tốt hơn.” Các buổi cử hành đôi khi trở nên ồn ào và gây mệt mỏi. Phụng vụ trở nên bệnh hoạn. Hình ảnh nổi bật nhất của căn bệnh này là sự chiếm lãnh toàn diện của micrô. Nó đã trở nên không thể thiếu đến mức mọi người tự hỏi làm thế nào mà chúng ta có thể cử hành nếu nó không được phát minh ra!
Tiếng ồn từ bên ngoài và tiếng ồn bên trong của chúng ta khiến chúng ta trở nên xa lạ với chính mình. Giữa sự ồn ào, con người không khỏi rơi vào tình trạng tầm thường: chúng ta hời hợt trong những gì chúng ta nói, chúng ta nói suông, nói đi nói lại… cho đến khi chúng ta tìm được điều gì đó để nói tiếp, một kiểu “nói nhảm” vô trách nhiệm, được tạo thành từ những câu nói đùa và những từ ngữ có thể giết người. Chúng ta cũng hời hợt trong những gì chúng ta làm: chúng ta sống trong một trạng thái tầm thường được cho là hợp lý và đạo đức, mà không nhận ra bất cứ điều gì bất thường về nó.
Rất thường, chúng ta bỏ lại sau những buổi cử hành phụng vụ ồn ào, hời hợt của mình mà không gặp được Chúa và sự bình an nội tâm mà Ngài muốn ban cho chúng ta.
Sau hội nghị diễn ra ở Luân Đôn vào tháng 7 năm ngoái, ngài đang quay lại chủ đề về định hướng phụng vụ và muốn thấy nó được áp dụng trong các nhà thờ của chúng ta. Tại sao điều này lại quan trọng đối với ĐHY và ngài có thể thấy thay đổi này được triển khai như thế nào?
ĐHY Sarah: Sự thinh lặng đặt ra vấn đề về bản chất của phụng vụ. Hiện tại phụng vụ mang ý nghĩa mầu nhiệm. Chừng nào chúng ta tiếp cận phụng vụ với một tâm hồn ồn ào, thì nó sẽ mang một dáng vẻ bề ngoài, thể nhân. Sự thinh lặng trong phụng vụ là một cách sắp đặt triệt để và thiết yếu; nó là một sự hoán cải tâm hồn. Giờ đây, hành vi hoán cải, về mặt từ nguyên, là quay trở lại, hướng về Thiên Chúa. Không có sự thinh lặng thực sự trong phụng vụ nếu chúng ta không hết lòng hướng về Chúa. Chúng ta phải được hoán cải, phải quay trở lại với Chúa, để nhìn Người, chiêm ngưỡng dung nhan Người, và sấp mình dưới chân Người để tôn thờ Người. Chúng ta lấy một ví dụ: Bà Maria Mađalêna đã nhận ra Chúa Giêsu vào buổi sáng Phục sinh bởi vì bà quay lại với Người:” Họ đã lấy Chúa tôi đi mất, và tôi không biết họ đã đặt Người ở đâu.” “Haec cum dixisset, converta est retrorsum et videt Jesus stantem. – Nói rồi bà quay lại thì thấy Chúa Giêsu đang đứng đó ”(Ga 20,13-14).
Làm thế nào chúng ta có thể đi vào khuynh hướng nội tâm này ngoại trừ bằng cách, với trọn vẹn xác thân, và tất cả cùng nhau, linh mục cũng như tín hữu, hướng về Chúa là Đấng đang đến, hướng về phía Đông được tượng trưng bởi nền hậu của cung thánh nơi cây thánh giá được tôn vinh?
Việc định hướng bên ngoài này dẫn chúng ta đi vào định hướng nội tâm qua vị trí mà nó tượng trưng. Từ thời các tông đồ, các Kitô hữu đã quen thuộc với cách cầu nguyện này. Vấn đề không phải là cử hành khi phải quay lưng xuống dân chúng hay phải đối diện với họ, mà là hướng về phía Đông, ad Dominum, hướng về Chúa.
Cách thực hành này thúc đẩy sự thinh lặng. Quả thật, không ít cám dỗ cho vị chủ tế phải độc quyền cuộc thưa chuyện với Chúa. Hướng mặt về Chúa, ngài ít bị cám dỗ hơn phải trở thành một giáo sư giảng bài trong toàn bộ Thánh lễ, trong khi lại làm cho bàn thờ trở thành một cái bục không còn tập trung vào thánh giá mà vào micrô! Linh mục phải nhớ rằng mình chỉ là một khí cụ trong tay Chúa Kitô, ngài phải giữ thinh lặng để tạo không gian cho Lời Chúa, và ý thức rằng lời nói của con người chúng ta thật lố bịch so với Lời Vĩnh Cửu.
Tôi tin chắc rằng các linh mục không sử dụng cùng một giọng nói khi các ngài cử hành quay mặt về hướng Đông. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Chúng ta ít bị cám dỗ hơn rất nhiều phải đóng vai các diễn viên!
Tất nhiên, cách làm này, trong khi chính đáng và đáng mong đợi, lại không được áp đặt như một cuộc cách mạng. Tôi biết rằng ở nhiều nơi, việc dạy giáo lý dự bị đã giúp các tín hữu chấp nhận và đánh giá cao việc định hướng này. Tôi mong muốn rằng vấn đề này sẽ không trở thành cơ hội cho một cuộc xung đột ý thức hệ giữa các phe phái! Chúng ta đang nói về mối kết giao của chúng ta với Chúa.
Như tôi đã có dịp nói gần đây, trong cuộc hội kiến riêng với Đức Thánh Cha, ở đây tôi chỉ đưa ra những đề nghị chân thành của một mục tử quan tâm đến lợi ích của các tín hữu. Tôi không có ý đặt định cách thực hành này chống lại cách thực hành khác. Nếu thực tế không thể làm lễ ad orientem (hướng lên phía đông) được, thì nhất thiết phải đặt thánh giá trên bàn thờ ở góc nhìn mở rộng, như một điểm quy hướng cho mọi người. Chúa Kitô trên thánh giá là hướng Đông của Kitô giáo.
Ngài hăng hái bảo vệ Hiến chế Công đồng về phụng vụ trong khi than phiền là thực tế nó đã được thực thi quá tệ. ĐHY giải thích thế nào khi nhìn lại 50 năm qua? Không phải các vị lãnh đạo Giáo hội là những người chịu trách nhiệm chính sao?
ĐHY Sarah: Tôi nghĩ rằng chúng ta thiếu tinh thần đức tin khi chúng ta đọc văn kiện Công đồng. Bị mê hoặc bởi điều mà Đức Bênêđictô XVI gọi là ngành truyền thông của Công đồng, chúng ta cung cấp cho nó văn bản hoàn toàn có tính cách nhân văn, có những đứt gãy và đối nghịch nhau, để rồi một trái tim Công giáo phải luôn nỗ lực tìm kiếm sự canh tân không gián đoạn. Hơn bao giờ hết giáo huấn công đồng trong Sacrosanctum Concilium (Hiến chế Phụng vụ thánh) phải hướng dẫn chúng ta. Đã đến lúc chúng ta hãy để cho mình được Công đồng chỉ dạy thay vì sử dụng nó để biện minh cho mối quan tâm của chúng ta về sự sáng tạo, hoặc để bảo vệ ý thức hệ của chúng ta bằng cách sử dụng các vũ khí thiêng liêng của phụng vụ.
Chỉ một ví dụ: Công đồng Vaticanô II đã mô tả một cách đáng ngưỡng mộ chức tư tế theo bí tích rửa tội của giáo dân là hành vi hiến dâng lễ hy sinh lên Chúa Cha, cùng với Chúa Kitô để trở thành “Của lễ thánh thiện, trong sạch, không tì vết” trong Chúa Giêsu. Ở đây chúng ta có nền tảng thần học để tham gia thực sự vào phụng vụ.
Thực tại thiêng liêng này phải được trải nghiệm đặc biệt trong phần Dâng Lễ, vào lúc mà toàn thể dân Kitô giáo hiến dâng bản thân mình, không phải cùng với Chúa Kitô mà ở trong Người, qua hiến tế của Người sẽ được hoàn thành khi truyền phép. Việc đọc lại Công đồng sẽ cho phép chúng ta tránh để cho những bài ca dâng lễ bị biến dạng, trở thành những cách lối thể hiện liên quan nhiều đến văn hóa dân gian hơn là với phụng vụ. Một cách giải thích hợp lý về tính liên tục có thể dẫn chúng ta khôi phục và dành một vị trí danh dự cho những bài thánh ca Dâng Lễ cổ xưa, được đọc lại dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II.
Ngài đề cập đến “sự cải cách của cuộc cải cách” mà ngài mong muốn (số 257): điều này chủ yếu cần bao hàm những gì? Nó có liên quan đến cả hai hình thức của nghi lễ Rôma (Roman rite) hay chỉ Thể thức thông thường (Ordinary Form)?
ĐHY Sarah: Phụng vụ phải luôn luôn được cải cách để trung thành hơn với bản chất mầu nhiệm của nó. Điều được gọi là “cải cách của cuộc cải cách”, và điều mà chúng ta có lẽ nên gọi là “sự phong phú lẫn nhau của các nghi lễ”, áp dụng cách diễn đạt từ giáo huấn chính thức của Đức Bênêđictô XVI, là một điều cần thiết về mặt thiêng liêng. Do đó, nó liên quan đến cả hai hình thức của nghi lễ Rôma.
Tôi không muốn lãng phí thời gian của chúng ta để so sánh phụng vụ này với phụng vụ khác, hoặc nghi thức của Thánh Piô V với nghi thức của Chân phước Phaolô VI[3]. Vấn đề là đi vào sự thinh lặng tuyệt vời của phụng vụ; cần phải biết làm thế nào để được phong phú hóa bằng tất cả các hình thức phụng vụ, Latinh hay phương Đông. Tại sao Thể thức Đặc Biệt (Extraordinary Form) không được mở ra để đón nhận những cải tiến do đường hướng canh tân phụng vụ từ Công đồng Vaticanô II? Tại sao Thể thức Thông thường không thể khám phá lại những lời cầu nguyện cổ xưa của phần Dâng Lễ, những lời cầu nguyện dưới chân bàn thờ, hoặc phút thinh lặng ngắn trong một số phần của Lễ Quy?
Nếu không có tinh thần chiêm niệm, phụng vụ sẽ vẫn là một cơ hội cho những chia rẽ thù hận và xung đột ý thức hệ, cho sự sỉ nhục công khai đối với những kẻ yếu thế bởi những kẻ tự cho mình nắm giữ quyền bính nào đó, trong khi nó phải là nơi hiệp nhất của chúng ta và sự hiệp thông của chúng ta trong Chúa. Tại sao chúng ta phải đối đầu và gièm pha lẫn nhau? Trái lại, phụng vụ phải làm cho chúng ta “tất cả đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và sự hiểu biết về Con Thiên Chúa, đến sự trưởng thành của con người, đến tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô…. Như vậy, nhờ sống trong chân lý và tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đấng là đầu, là Đức Kitô ”(x. Ep 4,13-15).
Trong bối cảnh phụng vụ hiện nay của thế giới theo nghi lễ Latinh, làm thế nào chúng ta có thể vượt qua sự ngờ vực vẫn còn tồn tại giữa một số người ủng hộ theo hai hình thức phụng vụ của cùng một nghi lễ Rôma, những người từ chối cử hành hình thức kia, và đôi khi còn coi nó với một thái độ khinh bỉ nào đó?
ĐHY Sarah: Làm tổn hại đến phụng vụ cũng là gây thiệt hại cho mối tương giao của chúng ta đối với Chúa và sự thể hiện đức tin Kitô của chúng ta. Đức Hồng Y Charles Journet tuyên bố: “Phụng vụ và việc dạy giáo lý là hai gọng kìm mà ma quỷ muốn dùng để đánh cắp đức tin của người Kitô hữu và chiếm lấy Giáo hội để nghiền nát, vô hiệu hóa và hủy diệt nó một cách dứt khoát. Thậm chí ngày nay con rồng to lớn ấy đang canh chừng người phụ nữ, là Giáo hội, để sẵn sàng ăn tươi nuốt sống đứa con của bà”. Đúng vậy, ma quỷ muốn chúng ta đối lập với nhau ngay tại trung tâm của bí tích hiệp nhất và hiệp thông huynh đệ. Đã đến lúc sự ngờ vực, sự miệt thị và nghi ngờ này phải chấm dứt. Đã đến lúc phải khám phá lại một trái tim Công giáo. Đã đến lúc cùng nhau khám phá lại vẻ đẹp của phụng vụ, như Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị với chúng ta, vì ngài đã nói: “vẻ đẹp của phụng vụ phản ánh sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa chúng ta, rực rỡ trong dân Ngài đang sống và được an ủi. ”(Bài giảng trong Thánh lễ Truyền dầu, ngày 28 tháng 3 năm 2013).
Thời gian lưu ngụ đặc biệt của ĐHY tại Đan viện Grande Chartreuse như thế nào?
ĐHY Sarah: Tôi cảm tạ Chúa đã ban cho tôi ơn đặc biệt này. Và làm sao tôi có thể không nhắc đến tất cả lòng biết ơn trong trái tim mình và lời cảm ơn to lớn tới cha bề trên tổng quyền Dom Dymas de Lassus vì sự đón tiếp rất nồng nhiệt của ngài? Tôi cũng khiêm tốn muốn xin ngài lượng thứ cho tất cả những phiền toái mà tôi có thể đã gây ra trong thời gian ở tu viện của ngài. Grande Chartreuse là ngôi nhà của Chúa. Nó nâng chúng ta lên với Chúa và đặt chúng ta xuống đối diện với Ngài. Nơi này cung cấp mọi thứ cần thiết để gặp gỡ Thiên Chúa: vẻ đẹp của thiên nhiên, sự khắc khổ của cơ sở vật chất, sự tĩnh lặng, cô tịch và phụng vụ. Mặc dù thói quen của tôi là cầu nguyện vào ban đêm, thì Phụng vụ Giờ Kinh về đêm tại đan viện Grande Chartreuse đã gây ấn tượng sâu sắc với tôi: bóng đêm thật tinh khôi, khung cảnh tĩnh lặng mời gọi sự Hiện Diện, hiện diện của Chúa. Màn đêm che phủ mọi thứ khỏi chúng ta, cô lập chúng ta với nhau, nhưng nó kết hợp tiếng nói của chúng ta và sự ngợi khen của chúng ta lại, nó định hướng tâm hồn, cái nhìn và tư tưởng của chúng ta để chúng ta không nhìn gì khác ngoài Chúa. Đêm đen mang ý nghĩa tình thân mẫu tử, nó thật thú vị và có sức thanh tẩy. Bóng đêm giống như là một mạch nước mà từ đó chúng ta trồi lên được rửa sạch, xoa dịu và kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô và với tha nhân. Dành một phần thời gian thích hợp ban đêm để cầu nguyện thì sẽ được tái tạo. Nó giúp chúng ta được tái sinh. Ở đây, Thiên Chúa thực sự trở thành Sự sống, Sức mạnh, Hạnh phúc, Đấng là Tất Cả của chúng ta. Tôi cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ Thánh Bruno, vị giống như tiên tri Êlia, đã dẫn đưa rất nhiều linh hồn đến Núi này của Chúa để nghe và nhìn thấy “giọng nói tĩnh lặng, nhỏ bé” và cho phép mình được gọi bằng giọng nói cũng được nói với chúng ta: “Êlia, ngươi đang làm gì ở đây? ” (1 V 19,11-13).
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung (theo The Catholic World Report)
—
1 ĐHY Robert Sarah sinh năm 1945, đã được ĐGH Phanxicô chính thức chấp thuận đơn xin nghỉ hưu ngày 20 tháng 2, 2021.
[2] Guinê là một quốc gia thuộc Tây châu Phi, thủ đô là Conakry, dân số khoảng 13 triệu người (2019); ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp. Giáo hội Công giáo tại Guinê có một tổng giáo phận (Conakry) và hai giáo phận (Kankan và N’Zérékoré); số tín hữu khoảng 3% tổng số dân.
[3] ĐGH Phaolô VI đã được phong thánh ngày 14 tháng 10, năm 2018. Lễ kính ngày 29 tháng 5 hàng năm.
Bài cùng chuyên mục:
Hai Chân phước trẻ Frassati và Acutis sẽ được tuyên thánh vào Năm Thánh 2025 (22/11/2024 08:49:11 - Xem: 65)
DTC sẽ tuyên thánh cho Chân phước thiếu niên Carlo Acutis; và vào Ngày Giới trẻ, từ 28/7-3/8, ngài sẽ tuyên thánh cho Chân phước sinh viên Pier Giorgio Frassati.
Đức Thánh Cha thành lập Ủy ban Tòa Thánh về ngày Thế giới Trẻ e (22/11/2024 05:53:16 - Xem: 44)
Trong một tài liệu viết tay được công bố ngày 20/11/2024, Đức Thánh Cha đã thành lập Ủy ban Tòa Thánh mới để cổ võ ngày Thế giới Trẻ em
Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ phá thai cao hàng đầu thế giới, dẫn đầu sáng kiến của Liên Hợp Quốc về sinh non (21/11/2024 15:06:47 - Xem: 294)
Tại Việt Nam, luật pháp cho phép phá thai không giới hạn đến tuần thứ 22 của thai kỳ.
ĐGH Phanxicô tuyên bố hoàn tục một linh mục lạc giáo người Argentina (21/11/2024 08:23:54 - Xem: 210)
"Với một quyết định tối cao và dứt khoát," Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trục xuất Fernando María Cornet, một linh mục người Argentina, khỏi hàng giáo sĩ vì tội ly giáo.
Giáo hội và nhà nước Pháp đang chuẩn bị sự kiện mở cửa lại nhà thờ Đức Bà Paris (17/11/2024 09:49:29 - Xem: 241)
Nghi thức mở cửa sẽ vào chiều ngày 7/12 và cử hành phụng vụ đầu tiên sẽ vào ngày 8/12/2024.
Vì sao người công giáo bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump? (15/11/2024 08:44:14 - Xem: 552)
Trong phạm vi rộng về mặt lịch sử của liên danh Trump-Vance thì sự phục hồi của niềm tin Công giáo Mỹ dường như đang gia tăng.
Phỏng vấn Tân Hồng Y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh (14/11/2024 14:32:35 - Xem: 232)
Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức tân Hồng y Mykola Bycho chia sẻ về đời sống thiêng liêng, các gương mẫu đức tin và trách nhiệm trong thời chiến tranh.
ĐTC Phanxicô bổ nhiệm linh mục gốc Việt làm Giám mục Phụ Tá TGP Melbourne (13/11/2024 13:36:38 - Xem: 987)
Ngày 8 tháng 11 năm 2024, Cha Gioakim Nguyễn Xuân Thinh được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne
Ngày Thế Giới Người Nghèo: ĐTC Phanxicô sẽ dùng bữa trưa với 1.300 người nghèo (13/11/2024 09:03:52 - Xem: 137)
Ngày Thế giới Người nghèo năm nay sẽ diễn ra vào ngày 17/11/2024 và, như thường lệ, Đức Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng...
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành Thừa Sai tại Đền thánh Mễ Du (13/11/2024 08:52:25 - Xem: 200)
Sau cuộc sống không có Chúa ở Canada, bà Nancy và ông Patrick đã có trải nghiệm tình mẫu tử của Đức Mẹ ở đền thánh Mễ Du.
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024
Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất