Bạn trẻ - Giáo dục - Ơn gọi

Ân sủng Chúa trong chiếc bình sành của linh mục

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,017
  • Ngày đăng: 12/05/2023 10:03:09

ÂN SỦNG CHÚA

TRONG CHIẾC BÌNH SÀNH CỦA LINH MỤC

 

Nếu có linh mục nào xa Chúa, họ cũng được mời gọi trở về để làm mới lại hình ảnh của Chúa Giêsu nơi mình. Đây cũng là lời mời gọi của các giám mục dành cho các linh mục của địa phận mình. 

 

 

Ơn gọi nào cũng cao quý, vì nó đến từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa chọn gọi và trao cho người ấy một sứ mạng cụ thể. Ơn gọi linh mục có vẻ đặc thù, cao cả hơn một chút (x. Presbyterorum Ordinis 1). Số là sau khi chọn 12 Tông đồ, Chúa Giêsu muốn huấn luyện các ông nên giống Chúa. Mục đích là để các ông ra đi loan tin vui và thông truyền ân sủng của Thiên Chúa đến cho con người. Nếu nói chính xác thời điểm, thì chúng ta nhớ lại giờ phút Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh trong Bữa Tiệc Ly. Từ đây, nếu Thiên Chúa chọn gọi ai đó làm linh mục, họ diễm phúc được thực thi thừa tác vụ cao quý này. Nhờ Thiên Chúa, linh mục có thể thông ban muôn vàn ân huệ đến cho con người.

 

Cao quý là thế, hạnh phúc là vậy, nhưng linh mục như những bình sành mong manh dễ vỡ. Chúng ta vẫn không thể hiểu hết được: “Tại sao Thiên Chúa lại ban cho linh mục khả năng chuyển tải ân sủng này?” Những linh mục tốt lành và thông thái thì có thể hiểu được phần nào, vì họ xứng đáng chuyển ơn Chúa. Lý do là họ gần Thiên Chúa, họ hiểu được đường lối mục vụ của Chúa. Càng cầu nguyện, càng khiêm tốn, những linh mục này càng trở nên người trung gian tốt lành giữa Thiên Chúa và giáo dân. Tuy vậy, còn những linh mục xa Chúa thì sao? Dưới con mắt người đời, dường như vài linh mục không xứng đáng lắm. Đời sống của họ không tương thích với ước mong của Chúa. Họ cũng dâng lễ, cũng ban các bí tích. Câu hỏi đặt ra liệu rằng ơn huệ của Chúa, ngang qua những linh mục này, có đến được với giáo dân không?

 

Giáo hội thưa rằng có! Chính Thiên Chúa cũng “liều lĩnh” trao kho tàng quý giá vào tay các linh mục. Thiên Chúa một mặt tin tưởng họ sẽ luôn trung thành với lời tuyên hứa trong ngày chịu chức. Mặt khác Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do của họ, ngay cả khi linh mục ấy bất trung hoặc tội lỗi. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn ban ân sủng đầy đủ qua những thánh lễ vị linh mục ấy dâng, qua các bí tích vị mục tử ấy cử hành[1]. Cần lưu ý rằng ân sủng không phải của linh mục, vì đó là tài sản của Thiên Chúa. Linh mục chỉ là người ban phát. Họ như máng thông ơn Thiên Chúa đến cho con người. Ở chiều kích này, vai trò của các tín hữu cũng quan trọng để nhận lãnh ân sủng của Chúa. Dù linh mục có tốt lành hoặc xấu xa, dù ơn Chúa có dồi dào hay thiếu vắng, nếu giáo dân không muốn nhận, ân sủng Chúa cũng khó lòng đến được với họ.

Để phân tích sâu hơn chủ đề này, chúng ta thử tìm hiểu ba ý chính sau:

 

1/ Bình sành để chứng tỏ quyền năng Chúa

Với tựa đề trên đây, chúng ta nhớ ngay đến chia sẻ của thánh Phaolô (2 Cr 4,1-16). Khi gặp gỡ giáo đoàn Côrintô[2], thánh nhân đã khiêm tốn giải thích sứ mạng của các tông đồ (các mục tử). Họ đến với dân không phải do ý muốn của người phàm. Không ai sai phái họ đến gặp dân, ngoại trừ Thiên Chúa, ngoại trừ Chúa Giêsu phục sinh. “Vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí.” (2 Cr 4,1). Đó là lý do thánh nhân cũng như các mục tử có quyền tự hào và có quyền tin tưởng rằng họ không cô đơn. Nghĩa là họ làm mọi sự vì Thiên Chúa. Hơn nữa, chính Thiên Chúa, ngang qua các mục tử, sẽ giúp cộng đoàn được lớn mạnh hơn. Những ai gặp gỡ các mục tử của Chúa cũng nhận được nhiều ân sủng. Tiếc thay những nơi đang thiếu vắng các linh mục.

 

Tuy nhiên, thánh Phaolô liền khiêm tốn thưa với họ rằng: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” Bình sành hoặc bình sứ đều dễ vỡ. Một khi vỡ ra, ân sủng cũng có nguy tơ tan biến. Nếu là Thiên Chúa, chúng ta sẽ cất giữ ân sủng trong két sắt, chứ không dại gì đựng trong các bình sành. Dĩ nhiên, tư tưởng của chúng ta không như tư tưởng của Thiên Chúa (Is 55,8). Trong ơn gọi này, Thiên Chúa đã mạnh dạn đặt ân sủng của mình vào các bình sành dễ vỡ, nơi các linh mục. Mục đích là quá rõ, như lời thánh Phaolô quả quyết: để chứng tỏ quyền năng phi thường của Chúa. Vì lý do này, nếu các mục tử có tự hào, thì cũng nên tự hào trong Chúa.

 

2/ Linh mục là họa ảnh của Chúa Giêsu

Trong ngày lãnh nhận chức vụ linh mục, tân linh mục được mời gọi như là một Giêsu khác, một ‘Đức Kitô khác – alter Christus’. Từ đây, họ sẽ ban những ân sủng mà hiệu quả của các bí tích mang lại. Vì lý do này, linh mục không phải là một nghề, càng không phải là cơ hội để trục lợi lộc trần gian. Họ không cử hành cá bí tích một cách máy móc như xây một ngôi nhà (‘không hành nghề’). Tuy nhiên, linh mục là một ơn gọi, một hành trình để Thiên Chúa biến đổi. Chúa Giêsu phải là khuôn mẫu để các linh mục bước theo. Được như thế, mục tử cảm thấy bình an và hạnh phúc, vì được ở gần Chúa. Họ có mùi của Thiên Chúa[3]. Trong tâm thế này, mục tử sẽ mang lấy mùi của con chiên[4], sẽ gần gũi và chăm sóc đàn chiên Chúa giao phó cho họ. Khi đó, giáo dân không chỉ quý mến linh mục vì tình người, nhưng còn nhìn nhận nơi các mục tử là họa ảnh của Chúa Giêsu. Họ muốn đến với linh mục để gặp Chúa Giêsu.

 

Chẳng hạn liên quan đến bí tích hòa giải, Giáo hội tin rằng: “Qua tác vụ của linh mục, Thiên Chúa ban cho loài người ơn tha thứ và xóa bỏ mọi tội dường như tội lỗi không có bao giờ. Một linh mục chỉ có thể thực hiện được việc đó vì Chúa Giêsu đã cho tham dự vào quyền thần linh riêng tư của Chúa để tha tội.” (Youcat 150). Thậm chí thánh thánh Gioan Chrysostom còn xác tín mạnh hơn: “Linh mục đã nhận được nơi Thiên Chúa một quyền năng đầy đủ mà Thiên Chúa đã không ban cho các thiên thần hay các tổng lãnh thiên thần. Thiên Chúa ở trên trời cao xác nhận điều linh mục làm ở dưới thế.”

 

Nếu có linh mục nào xa Chúa, họ cũng được mời gọi trở về để làm mới lại hình ảnh của Chúa Giêsu nơi mình. Đây cũng là lời mời gọi của các giám mục dành cho các linh mục của địa phận mình. Hoặc từ thời Giáo hội sơ khai, chính thánh Phaolô (như là một giám mục) đã nhắn nhủ môn đệ thân tín của mình là Timôtê (như là một linh mục): “Cha kêu mời con khơi thắm lại ân huệ mà Thiên Chúa đã đổ xuống nơi con.” (2Tm 1,6). Tạ ơn Chúa vì Giáo hội luôn có những buổi tĩnh tâm, thường huấn để làm mới tại trái tìm của người mục tử[5]. Khi đó hy vọng mục tử biết làm sáng danh Chúa, hay vì sáng danh mình, biết trao ban ơn Chúa thay vì chỉ giữ cho mình.

 

3/ Những bình sành được bảo vệ

Tạ ơn Chúa vì trong giáo hội luôn có cơ cấu tốt để huấn luyện và chăm sóc các linh mục. Là con người với nhiều bất toàn, nhưng các linh mục được Thiên Chúa, ngang qua các giám mục, thường xuyên được hướng dẫn để trở nên mục tử như lòng Chúa ước mong. Ngày chịu chức chỉ là khởi đầu. Sau đó Giáo hội còn nhắn nhủ các giám mục: “phải lo lắng tới tình trạng thiêng liêng, tri thức và vật chất của các linh mục mình, để họ có thể sống thánh thiện và đạo đức cũng như có thể trung thành chu toàn nhiệm vụ riêng một cách hữu hiệu.”[6] Theo hướng này, linh mục không phải là người quyền cao chức trọng, nhưng là ơn gọi để phục vụ muôn người: “Anh em thì không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.” (Lc 22,26). Một trong những cách phục vụ hữu hiệu nhất chẳng phải là cử hành các bí tích, chẳng phải là chuyển ân sủng của Chúa đến với những ai họ gặp gỡ sao?

 

Là một linh mục trẻ, tôi cũng cảm nhận điều này: linh mục có nguy cơ thành một nghề! Nếu là một nghề, chiếc bình sành sẽ càng dễ vỡ. Số là mấy tháng đầu tôi dâng lễ rất sốt sắng, cảm thấy Thiên Chúa rất gần với mình. Trong bối cảnh này, tôi thấy ân sủng Chúa đến dễ hơn với nhiều người. Tuy nhiên trải qua một thời gian dài, tôi cử hành các nghi thức bí tích thiếu lửa yêu mến. Trong bối cảnh này, tôi nhớ lại lời của Mẹ Têrêsa Calcutta viết trong các phòng áo của nhà dòng: “Xin cha dâng Thánh Lễ này như Thánh Lễ đầu tiên, như Thánh Lễ cuối cùng, và như Thánh Lễ duy nhất chỉ có một lần trong đời”. Với tâm tình này, đúng như lời thánh Phaolô chia sẻ: “Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh (linh  mục), đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh. Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh.” (1Tm 4,14-16).

 

Như vậy câu này không chỉ đúng cho giáo dân, mà cả các linh mục nữa: “Vậy anh em hãy hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48). Càng hoàn thiện, chiếc bình sành của Thiên Chúa càng khó vỡ, linh mục của Chúa càng nên “máng” thông truyền ân sủng của Chúa hơn.

 

Thay lời kết

Trước những trào lưu bài xích tôn giáo và xem thường Thiên Chúa, thiên chức linh mục cũng bị ảnh hưởng. Không ít người xem thường thiên chức mục tử. Thật tốt để một lần nữa chúng ta ý thức món quà này của Chúa dành cho hội thánh. Nơi đâu có linh mục, nơi ấy có đời sống các bí tích. Đó là nguồn ân sủng để Thiên Chúa nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mỗi người. Hẳn nhiên chỗ nào cũng có linh mục tốt, linh mục còn phiền lòng giáo dân. Ước gì chúng ta tạm đặt qua một bên yếu tố con người, để nhìn về một món quà Thiên Chúa đạt để trong con người mục tử. Họ là những chiếc bình sành mà Thiên Chúa đặt ân sủng vào đó. Ước gì chiếc bình sành ấy tỏa sáng và luôn sẵn sàng mở nắp, các linh mục luôn biết lấy ân sủng từ trong đó, để trao cho con người hôm nay.

 

Đừng quên linh mục như là “chiếc bao thần kỳ”[7]. Càng ban ân sủng của Chúa, linh mục càng được nhiều ân sủng hơn nữa. “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.” (Mt 13,12). Trong tâm tình này, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho các linh mục, Thiên Chúa đặt để ân sủng nơi họ, vốn như những chiếc bình sành.

 

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu[8],

xin nhìn đến Đức Kitô Con Chúa

là vị Linh mục Thượng phẩm đời đời

và vì yêu quý Người,

mà thương xót giữ gìn các linh mục của Chúa.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót,

xin nhớ đến các linh mục

bởi các ngài cũng chỉ là tạo vật yếu đuối thấp hèn.

Xin Chúa hằng khơi dậy nơi tâm hồn các ngài

hồng ân đã lãnh nhận trong ngày chịu chức thánh.

Xin gìn giữ các ngài thật gần Chúa

để kẻ thù không lấn át được

và cũng để các ngài biết bảo vệ toàn vẹn

sự trong sáng của ơn gọi cao cả trong chức linh mục.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con khẩn cầu cho các linh mục

là những vị trung tín và nhiệt tâm,

cũng như những vị bất tín và nguội lạnh;

những vị đang làm việc nơi đây

vì Danh Chúa và lợi ích các linh hồn,

cũng như những vị đang miệt mài

trong vùng đất truyền giáo xa xôi;

những vị đang bị tấn công bởi cám dỗ

nỗi buồn chán cô đơn và đau đớn ê chề,

những vị trẻ tuổi và già cả,

những vị đau yếu và đang hấp hối;

cách riêng chúng con nhớ đến

những vị đã góp phần đào tạo chúng con

và những vị đã cử hành các bí tích cho chúng con hưởng nhờ;

xin cho các ngài được tràn đầy sức mạnh Chúa Thánh Thần

nhờ đó ơn Chúa được trao ban

cho con người trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu dịu hiền khiêm nhường,

xin gìn giữ các linh mục gần Thánh Tâm Chúa

và xin chúc phúc dồi dào cho các ngài

bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

 

[1] Chúng ta đã nói đến những linh mục hợp pháp và thành sự. Dĩ nhiên trong trường hợp phạm đến Giáo luật, đức giám mục sẽ ra hình phạt treo chén hoặc huyền chức. Tuy vậy trước đó, các bí tích của linh mục ấy cử hành luôn thành sự.

[2] https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/02/13/tim-hieu-thu-gui-giao-doan-corinto/

[3] https://www.tonggiaophanhanoi.org/mui-chua-mui-chien-chua-nhat-iv-phuc-sinh-b-lm-giuse-nguyen-huu-an/

[4] https://www.youtube.com/watch?v=dmCHLCF3JUE

[5] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-huan-linh-muc-41786

[6] Sắc lệnh Christus Dominus của công đồng Vaticanô hai, số 16

[7] https://thegioicotich.vn/chiec-bao-than-ky/

[8] Lời kinh của ĐHY Mudelin, TGM Chicago (1872-1939).

Bài cùng chuyên mục:

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh (20/11/2024 07:32:12 - Xem: 151)

Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi (18/11/2024 07:48:28 - Xem: 156)

Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con làm gì để bỏ tật thủ dâm?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện (13/11/2024 10:51:58 - Xem: 169)

Cha ơi có cách nào để mình không bị phạm tội về tư tưởng không ạ. Đặc biệt lúc mình đọc kinh đi lễ cầu nguyện thì lúc đó mình suy nghĩ rất nhiều không chú tâm lắm đến việc nhà chúa.

Sinh nhật nào quan trọng nhất? (11/11/2024 19:25:35 - Xem: 328)

Nói qua nói lại, cái cần nhất Nhỏ nói sau cùng nè. Sinh nhật, ngày hiện diện trên đời cũng quan trọng như sinh nhật trên Nước Trời...

Tình yêu trưởng thành hay chỉ yêu cho có lệ? (05/11/2024 07:31:46 - Xem: 245)

Quyển sách chúng ta cần cho tình yêu là quyển sách của các cặp vợ chồng đã qua nghi thức nhưng còn giữ sự cam kết qua bao thăng trầm của năm tháng viết.

Các Thánh – Họ là ai? (31/10/2024 05:53:13 - Xem: 414)

Các vị thánh đã thật sự gạt bỏ được mọi dính bén hồng trần, nên chẳng quan tâm đến chuyện mình được tôn vinh hay không. Chẳng một vị thánh đích thực nào lại đi tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ (26/10/2024 05:48:30 - Xem: 210)

Làm sao để tiếng nói của người trẻ được quan tâm và được tạo điều kiện học hỏi và phát triển trong môi trường đức tin ạ?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 140 - Truyền thông sự sống (15/10/2024 14:48:14 - Xem: 282)

Hỏi: Người trẻ trong xã hội “bất khả phân ly” với những phương tiện truyền thông hiện nay phải chuẩn bị thái độ nào để có thể “hòa nhập” mà không “hòa tan” trước “văn hóa sự chết” đang đối diện?

Mười bài học thiêng liêng từ thánh nữ Têrêsa Avila (15/10/2024 05:26:17 - Xem: 347)

Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn tri ân thánh Têrêsa Avila và nêu bật mười đóng góp vĩ đại của thánh nữ cho Giáo hội Công giáo và cho mỗi người chúng ta,

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 141 - Tại sao người Công giáo tôn kính Đức Mẹ? (13/10/2024 07:53:02 - Xem: 235)

Có lần con trò chuyện với một bạn Tin Lành. Bạn ấy không tin Đức Mẹ Đồng Trinh. Con không biết phải giải thích cho bạn ấy làm sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7