Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật Chúa 23 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,673
  • Ngày đăng: 31/08/2021 14:56:36

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm B

Các bài đọc hôm nay đưa ra hai thách đố: 1) Trở thành khí cụ chữa lành khiêm nhường trong tay Chúa, bằng cách nói thay cho những ai không thể cất lên tiếng nói của mình, và quan tâm đến những người nghèo khổ, những người thiệt thòi trong xã hội. 2) Mở tai để nghe lời Chúa, mở mắt để thấy sự hiện diện của Chúa trong mọi người, mở lời ca tụng thờ lạy Chúa, và truyền rao Tin mừng về tình yêu và ơn cứu độ của Chúa cho người khác.

 

BÀI ĐỌC 1: Is 35,4-7

Ngày của Chúa

Trong tâm thức Do Thái, Ngày của Chúa là ngày xét xử. Những câu nói liên quan là: Ngày Chúa nổi giận, Ngày Chúa đến. Những kiểu nói này xuất hiện hơn một chục lần trong các sách tiên tri. Theo đó Ngày của Chúa mang ý nghĩa đe dọa, trừng phạt. Và khi chiếc rìu của cuộc lưu đày ở Babylon đã giáng xuống nghiệt ngã trên dân, thảm họa đã ập đến trên cả Israel và Giuđa, thì Ngày của Chúa cũng trở thành một lời hứa về ơn cứu rỗi. Do đó, bài thơ đáng yêu, vui tươi này nói lên niềm mong đợi Chúa đến để chữa lành Israel và trả thù những kẻ hành hạ nó. Dân trông đợi sự xuất hiện của chính Chúa, chứ không phải người đại diện. Người ta gọi đó là Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Sai, hay Đấng Messia, Đấng được xức dầu. Tuy nhiên trong niềm mong đợi sự giải cứu Israel, thậm chí cho đến gần thời Chúa Giêsu, người ta không rõ liệu Đức Chúa có đích thân đến thăm trái đất để thực hiện việc đảo ngược mọi sự, đồng thời chữa lành những người đau khổ, an ủi những kẻ sầu thương…hay không. Hay Ngài sẽ sai một sứ giả hay một vị tiền hô của Ngài đến trước. Theo tiên tri Malakhi, vị xuất hiện vào thời kỳ sau cùng, thì tiên tri Êlia là vị sứ giả được Chúa gửi đến để dọn đường cho biến cố Ngày Chúa đến. Cuối cùng, việc thực hiện trọn vẹn những lời hứa này chỉ được khai mở và hoàn thành khi Chúa Kitô ngự đến. Người không chỉ chữa lành nhân loại khỏi mọi đau khổ thể lí, mà còn giải thoát chúng ta hỏi kẻ thù dữ dằn nhất, đó là tội lỗi.

 

ĐÁP CA: Tv 146,5-10

Thiên Chúa chữa lành

Thánh vịnh này lặp lại chủ đề khôi phục của ngôn sứ Isaia, tập trung đặc biệt vào nền công lý Chúa thiết lập. Cùng với các Thánh vịnh 147-150, đây là những thánh ca Halleluia, bởi vì nó bắt đầu bằng lời tung hô Halleluia. Với lời tung hô này, các Thánh vịnh kết thúc tập Thánh vịnh. Mỗi Thánh vịnh này bao gồm một lời mời gọi thờ phượng, một câu nêu lên mục đích của việc ca ngợi Chúa, và kết thúc bằng lời tán tụng ngợi khen Halleluia.

 

Khác với những người cai trị phàm nhân, họ thường gây ra bao thất vọng (c. 3-4): triều đại của Chúa đặt trên đức công chính. Những người tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo thành (c. 6) thì luôn sống hạnh phúc và hi vọng. Bởi vì Ngài trung thành với muôn muôn thế hệ. Cc 7-9 kể lại đức công minh của Chúa trong việc bảo vệ người bị áp bức, những người đói khổ nghèo hèn, những người tù tội, những kẻ mù lòa, những người yếu thế, kẻ bị nhục mạ, những khách ngoại kiều, những cô nhi quả phụ…Những ơn phúc này nhắc nhớ đến lòng Chúa yêu thương mà Israel đã cảm nghiệm trong những hoàn cảnh đen tối khác nhau. Nó cũng phản ánh những mảng tối khác nhau của xã hội Israel. Tất cả những điều này nói về triều đại Chúa sẽ khai mở, và Ngài đáng được chúc tụng. Halleluia!

Chúa Giêsu đã hoàn tất lời Thánh vịnh này. Trong sứ vụ của Người nơi dương thế, Người đã thực hiện những việc:

*Làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống hằng ngàn người (Mt 14,14-2115,32-38Mc 6,34-448,1-9Ga 6,9-14).

*Công bố ơn giải thoát cho những người bị nô lệ tội lỗi (x. Lc 4,18-21, Chúa trích dẫn Is 61,1-2; xem thêm 1 Pr 3,19-204,6).

*Mở mắt người mù (Mt 9,27-30).

*Nâng đỡ những người nghèo hèn, bách hại vì bất công (x. Lc 6,20-23).

*Chúa Giêsu Kitô hiển trị muôn đời trên núi thánh Sion mới, là Hội Thánh Người lập cho mọi thế hệ.

 

BÀI ĐỌC 2: Gc 2.1-5

Hãy ứng xử công bằng

 Thư Giacôbê được coi như một Bản Tuyên ngôn cho công bằng xã hội, và trong số những lời khuyên của nó, bài đọc hôm nay là một điểm nhấn mạnh. Mối quan tâm đến người nghèo và người kém may mắn xuất hiện xuyên suốt trong Kinh Thánh. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và sống công bằng là một trong những cách phải được thể hiện để xây dựng hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Vì vậy, dân Israel liên tục được nhắc nhở: “Các ngươi phải đối xử với người xa lạ giữa các ngươi như Ta đã đối xử với các ngươi khi các ngươi còn là người lạ ở Ai Cập.” Tương tự, các góa phụ và trẻ mồ côi là đối tượng đặc biệt được Thiên Chúa ưu ái. Trong các mối phúc của Tin Mừng Luca, người nghèo, người đói và cả người khóc được đảm bảo nhận phúc lành của Thiên Chúa. Trong thời đại chúng ta, các Thông điệp của các Đức Giáo hoàng về các vấn đề xã hội, và học thuyết xã hội của Giáo hội đã trình bày giáo huấn chính thức về các quyền con người, và đặc biệt quan tâm đến những người bị bóc lột dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, người ta dễ ứng xử theo khuynh hướng tự nhiên – như bài đọc dí dỏm và sâu sắc hôm nay cho thấy – họ thích tôn vinh những người quyền thế, còn đối với người nghèo thì lại ra lệnh, “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!” Người ta quên mất rằng trong mắt Thiên Chúa mọi người đều có cùng giá trị.

 

TIN MỪNG: Mc 7,31-37

Khai mạc thời thiên sai

Lộ trình Chúa Giêsu thực hiện trong phần mở đầu bài đọc này cho thấy đó là một đường vòng. Nó theo một vòng cung bắt đầu từ miền Tyrô qua vùng Siđôn nằm phía đông bắc từ hướng Đamas, sau đó đi về phía nam dọc theo bờ phía đông sông Giođan, rồi băng qua khu vực được gọi là miền Thập Tỉnh. Đây là một nhóm mười thành phố dân ngoại, cũng được biết đến với tên gọi là vùng Bên kia sông Giođan. Dân vùng này không theo văn hóa Do Thái, nhưng đó vẫn là nơi sinh sống của nhiều người Do Thái. Trong chuyến đi này, Chúa Giêsu đã vượt ra khỏi Israel và bước vào lãnh thổ dân ngoại.

 

Mô tả về phương pháp chữa bệnh là khá kì lạ đối với chúng ta, nhưng nó rất điển hình trong các tài liệu cổ xưa về các phương pháp chữa bệnh. Tuy nhiên ở đây tác giả Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu thể hiện   quyền năng của mình theo một cách độc nhất trong số những người chữa bệnh cùng thời với Người. Ở đây, phép lạ được mô tả bằng những chi tiết phù hợp với tâm thức của người thời đó. Những người chữa bệnh phải chạm vào người bị bệnh; họ cũng sử dụng một số chất liệu như nước bọt để chữa trị; họ tạo ra những âm thanh kì quái hoặc lẩm nhẩm những câu thần chú bằng các tiếng lạ. Chắc chắn bối cảnh dân ngoại đã ảnh hưởng đến việc thuật lại các chi tiết của câu chuyện này. Tuy nhiên, chúng cũng làm tăng thêm tính kịch tính của nó.

 

Mặc dù những chi tiết này mô tả Chúa Giêsu là một người chữa bệnh như những người khác, tuy nhiên một số chi tiết đã được tác giả Tin Mừng chủ ý ghi nhận một cách khác để nói đến quyền năng duy nhất của Chúa Giêsu. Người thường đặt tay trên những ai được chữa lành. Đó là một cách để Người đảo  ngược điều cấm kỵ về luật thanh uế. Khi chạm vào những thứ ô uế Người để cho mình bị lây nhiễm, và gánh chịu cùng một chất ô uế đó. Việc sử dụng nước bọt phản ánh niềm tin thời đó rằng nó chứa đựng sức mạnh cá nhân của người làm phép lạ. Chúa Giêsu ngước nhìn lên trời và thở dài, có thể hiểu như là một hình thức cầu nguyện. Việc chữa lành có thể được trình bày qua những yếu tố quen thuộc này, nhưng chính phép lạ được thực hiện bằng mệnh lệnh của Chúa Giêsu: Hãy mở ra!

 

Một số khía cạnh về việc chữa lành người câm điếc này không được tìm thấy trong các trình thuật khác về phép lạ. Thứ nhất, trong một nền văn hóa truyền miệng như thế này, những người không nghe được sẽ gặp bất lợi lớn. Họ bị gạt ra ngoài lề theo những cách mà những người khác không phải chịu như vậy. Thứ hai, tầm quan trọng của việc lắng nghe được phản ánh trong lời cầu nguyện quen thuộc của Israel, kinh Shema (“Hỡi Israel, hãy nghe đây!” Đnl 6, 4). Khả năng nghe tượng trưng cho việc mở lòng ra với Chúa. Thứ ba, trọng tâm sứ vụ của Chúa Giêsu là giáo huấn về triều đại của Thiên Chúa. Điều rất ý nghĩa trong đoạn văn này là Chúa Giêsu đã mở tai cho một người vốn không thể nghe thấy lời của Chúa, để bây giờ chính ông được nghe thấy và mở lòng đón nhận giáo huấn của Người.

 

Lệnh truyền giữ im lặng liên quan đến phép lạ này (c. 36) hướng tới đám đông, chứ không nói với người được chữa lành. Trước sự ngạc nhiên của họ, dân chúng liên tưởng phép lạ này với lời hứa tiên tri về sự hồi sinh, sẽ xảy ra trong thời đại mới, triều đại Thiên Chúa (x. Is 35,5). Họ tuyên bố rằng Chúa Giêsu đã thực hiện  ở đây đúng những gì sẽ được hoàn tất vào thời viên mãn đó. 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 1503-1505 : Đức Kitô, vị Lương Y

+ GLHTCG 1151-1152: Những dấu chỉ Chúa Kitô sử dụng; các dấu chỉ bí tích

+ GLHTCG  270-271 : Lòng thương xót của Thiên Chúa

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 74)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 158)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 200)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 158)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 249)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 325)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 312)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 246)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 316)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 247)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7