Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 8 thường niên Năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,146
  • Ngày đăng: 22/02/2022 09:51:48

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN, NĂM C

 

 

Các bài đọc Chúa nhật này tiếp tục giáo huấn các môn đệ để họ trở thành những môn đệ chân chính. Chủ đề tương tự như Chúa nhật tuần trước. Đó là tính cách lừa dối của những biểu hiện bên ngoài. Các bài đọc này khẳng định phải có sự toàn vẹn giữa lời nói và hành động nơi một người. Cả bài đọc sách Huấn Ca và bài Tin Mừng đều cho thấy đặc tính Khôn ngoan của giáo huấn.

 

BÀI ĐỌC 1: Hc 27,4-7

Kiểm tra lời nói

Nhà hiền triết khôn ngoan của Giêrusalem đã thu thập nhiều câu châm ngôn và những câu nói sâu sắc. Hầu hết chúng đều rất thực tế, như trong bài đọc ngắn này. Ở đây, ông giới thiệu cho chúng ta bốn hình ảnh về việc kiểm tra một người nào đó qua lời nói của họ. Ông không phủ nhận rằng có những cách khác để chứng minh giá trị và lòng quảng đại của một người, nhưng bốn khía cạnh kiểm tra bằng lời nói này cũng rõ ràng như bất kỳ cách nào. Bài đọc này được chọn để giới thiệu những câu nói của bài đọc Phúc Âm về việc phân định mọi người qua thành quả của họ. Không có cách nào để nói mọi người là người như thế nào ngoại trừ cách họ hành động. Quả thực, sách Huấn Ca khá là thích hợp với tác giả Luca. Thánh sử đã lấy ít nhất hai trong số những câu nói của sách Huấn Ca và biến chúng thành những câu chuyện dụ ngôn để minh họa hai trong số những nhấn mạnh đặc biệt của ngài về giáo huấn của Chúa Giêsu. Luca là tác giả Tin Mừng về sự cầu nguyện, và câu nói về lời cầu nguyện tha thiết của một bà góa (Hc 35,14) minh họa sự cần thiết phải kiên trì cầu nguyện trong Luca 18,1-8 (Dụ ngôn về quan tòa bất công); và lòng tin cậy vào một mình Thiên Chúa (Hc 11,19) được sử dụng để minh họa những mối nguy hiểm nghiêm trọng của việc tích trữ của cải trong Luca 12,16-21 (Người Phú hộ dại khờ).

 

ĐÁP CA: Tv 92:2-3,13-16

Ca tụng Đức Chúa

Theo tựa đề, Thánh vịnh 92 là một bài thánh ca tạ ơn được đọc hoặc hát trong buổi phụng vụ vào ngày Sabát của người Do Thái. Một số Thánh vịnh nhất định đã được ca đoàn Lêvi đọc hoặc hát mỗi ngày trong tuần khi cử hành nghi lễ tại Đền thờ, và Thánh vịnh này là một phần của phụng vụ riêng ngày Sabát. Thánh vịnh 92 có bảy lần nhắc đến Danh Thiên Chúa, Đức Chúa. Do đó, sự lặp lại bảy lần Danh Thiên Chúa gợi ý mối liên hệ với ngày thứ bảy tạo dựng (St 2,1-3) và việc sử dụng này rất thích hợp vào ngày này để kể lại niềm vui của những người công chính được thờ phượng trong Đền thờ của Đức Chúa (c. 13). 

 

Tác giả Thánh vịnh dâng lời ngợi khen Thiên Chúa trong Phụng vụ của Đền thờ buổi sáng và buổi chập tối (Xh 29,38-42). Các của lễ buổi sáng được đốt liên tục trên bàn thờ vào ban ngày, và của lễ buổi chập tối được đốt suốt đêm (c. 3). So sánh người công chính với cây tươi tốt, tác giả cho biết vì được thờ phượng trong Đền thờ của Đức Chúa, người công chính sinh sôi nảy nở, nhận được dưỡng chất thiêng liêng mà họ cần, lúc đứng trước sự hiện diện của Đức Chúa (khi thờ phượng trong Đền thờ, dân chúng đứng để cầu nguyện).

 

Những cây hương bá xứ Li Băng trong câu 13 được biết đến với vẻ đẹp và sức mạnh riêng biệt. Những người xây dựng Đền thờ Giêrusalem và cung điện Salômôn đã sử dụng loại cây này (1 V 6, 9-7, 15-18; 7,1-2). Đề cập đến cây hương bá trong câu 13 cùng với câu tiếp theo thể hiện ước muốn của tác giả Thánh vịnh là muốn được ở lại trong Đền thờ, ở gần Đức Chúa. Giống như cây tươi tốt, người công chính sinh hoa trái của đức công chính ngay cả khi về già vì Đức Chúa không bao giờ để họ mất lòng trông cậy (cc. 15-16). 

 

Thánh vịnh này nhắc chúng ta nhớ đến cụ già Simêon, một người cao tuổi, công chính và tận tụy với việc thờ phượng Chúa trong Đền thờ. Chúa Thánh Thần đã tỏ cho ông biết rằng ông không phải thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Messia của Đức Chúa (Lc 2,26). Thiên Chúa đã ban thưởng cho lòng sùng kính của ông khi Chúa Thánh Thần soi sáng cho ông đến Đền thờ vào đúng ngày ông Giuse và bà Maria mang Hài Nhi Giêsu đến để thi hành lề luật cho Người (Lc 2,27; Xh 13,2,12). Ông Simêon ẵm Hài Nhi Giêsu trong tay, chúc tụng Thiên Chúa và nói: “Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang cho Israel, Dân Ngài” (Lc 2,30-32).

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 15,54-58

Chúa Kitô chiến thắng sự chết

Đối với hầu hết mọi người, cái chết là một nỗi sợ hãi: một điều chắc chắn về cuộc sống là nó sẽ kết thúc bằng cái chết. Đối với Phaolô, cái chết là một chiến thắng mà ngài háo hức chờ đợi; ngài khao khát được kết hợp hoàn toàn với Chúa Kitô và được chia sẻ trọn vẹn trong chiến thắng của Người. Thái độ Kitô giáo này, hoàn toàn khác với quan điểm của những người không biết Chúa Kitô, và với bản năng tự nhiên của con người chúng ta, là lý do tại sao Giáo hội dành bốn Chúa nhật liên tiếp để suy gẫm về sự biến đổi sẽ diễn ra khi Kitô hữu chết. Phaolô tin chắc về quyền năng bao trùm của Chúa Kitô và sự chiến thắng của Người đối với tội lỗi, đến nỗi không do dự: thân xác phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất tử. Vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng điều này sẽ như thế nào: Phaolô nói rằng thật ngu ngốc khi hỏi người chết sẽ có cơ thể như thế nào. Nhưng ngài khẳng định rằng có sự liên tục: hạt giống chết đi thì được biến đổi, nhưng “mỗi loại hạt lại có một thân thể riêng của nó”; người sống lại vẫn ở trong sự liên tục với người đã sống cuộc sống này. Không có điều kiện nào kèm theo, không có mối đe dọa hay sợ hãi về hỏa ngục, bị ném vào bóng tối bên ngoài “nơi có tiếng khóc và tiếng nghiến răng”, như trong rất nhiều dụ ngôn của Matthêu.

 

TIN MỪNG: Lc 6,39-45

Con người toàn vẹn

Những lời khuyên của Chúa Giêsu đặt ra các nguyên tắc mà người môn đệ của Chúa Giêsu phải sống. Trước tiên, giáo huấn đề cập đến loại thầy mà người ta nên theo và cuối cùng muốn trở thành. Thứ hai đề cập đến mối quan hệ giữa tính cách bên trong của một người và loại hành vi xuất phát từ tính cách đó. Giảng dạy từ truyền thống Khôn ngoan của Israel, Chúa Giêsu dùng những phép ẩn dụ lấy từ thiên nhiên để minh họa những điểm Người đưa ra.

 

Giáo huấn bắt đầu với hai câu hỏi tu từ, câu trả lời là hiển nhiên. Đầu tiên là Không! Thứ hai là Có! Nhiều nhà chú giải tin rằng giáo huấn này là một lời chỉ trích có ý nhắm vào các kinh sư và người Pharisêu, những thầy dạy chính thức của Israel. Điều này không nhất thiết phải như vậy, vì trong phần còn lại của đoạn văn, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ của mình phê phán hành vi của chính họ. Người ta không cần phải đi ra ngoài nhóm các môn đệ để tìm thái độ và tư cách đạo đức để bảo đảm cho sự phê phán đó. Có vẻ như một số môn đệ đã không học hết những gì mà Thầy đã dạy cho họ. Chúa Giêsu trách cứ họ đã quá vội vã tìm ra lỗi ở nơi người khác trong khi chính mình vẫn mù quáng trước những thiếu sót của bản thân. Tự đặt mình làm quan tòa theo cách này khiến họ trở thành những người mù dẫn dắt những người mù khác hơn là những môn đệ trung thành của Chúa Giêsu, những người mau chóng tha thứ hơn là phán xét.

 

Đoạn văn thiên về nam giới. Người môn đệ và người thầy cũng như người anh em đang được sửa sai  đều là đàn ông. Tất cả những điều này là bằng chứng về một xã hội hạn chế, lấy nam giới làm trung tâm, có lẽ là xã hội thời Chúa Giêsu, và chắc chắn cũng là xã hội của tác giả Tin Mừng. Tuy nhiên, sứ điệp này cũng dành cho phụ nữ.

 

Kẻ đạo đức giả là kẻ có cách sống bên ngoài không giống với tâm hồn bên trong. Kẻ chỉ trích người khác mà không tự phê bình ở đây bị buộc tội là đạo đức giả. Chúa Giêsu quay sang thế giới tự nhiên để minh họa ý Người muốn nói. Cây cối sinh hoa kết trái theo cách nó đã được xếp đặt: cây tốt sinh trái tốt; một cây sâu sinh quả sâu; cây sung cho quả sung; cây nho sinh ra nho. Mọi cây tốt đều sinh hoa kết trái “tùy theo loại của nó” (x. St 1). Khi nhấn mạnh điểm này, Chúa Giêsu áp dụng ý nghĩa của phép ẩn dụ cho con người. Người tốt sinh trái tốt; người ác sinh quả ác. Các hành động xuất phát từ trạng thái tâm hồn của một người. Câu nói này minh họa niềm tin rằng tính chất của một người đi trước hành động. Trong khi điều này là đúng, nó không phải là toàn bộ sự thật. Có thể thay đổi tính cách bên trong của một người bằng cách trước tiên thay đổi lối sống của họ. Tuy nhiên, điểm mà Chúa Giêsu đưa ra là tầm quan trọng của sự đồng nhất giữa chiều kích bên trong và bên ngoài của một người. Ở đâu có sự tương đồng như vậy, ở đó có sự toàn vẹn; nơi nào thiếu vắng, ở đó là đạo đức giả.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 2563 : con tim là nơi cư ngụ của sự thật

+ GLHTCG 1755-1756 : những việc tốt lành và những việc xấu xa

+ GLHTCG 1783-1794 : huấn luyện lương tâm và ra quyết định theo lương tâm

+ GLHTCG 2690 : việc linh hướng

+ GLHTCG 1009-1013 : ý nghĩa Kitô giáo về sự chết

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 82)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 162)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 207)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 163)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 257)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 328)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 315)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 250)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 319)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 251)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7