Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 31 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,693
  • Ngày đăng: 27/10/2021 09:51:34

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN, NĂM B

 

 

Sứ điệp trọng tâm của các bài đọc hôm nay cũng là nguyên lí nền tảng cho các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. Đó là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được tạo dựng để yêu mến Chúa bằng cách yêu thương người khác; và yêu tha nhân như một biểu hiện của tình yêu đối với Thiên Chúa. Những thực hành tôn giáo nhằm giúp chúng ta nhìn nhận và xác tín hơn sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân và thôi thúc chúng ta yêu mến mọi người.

 

BÀI ĐỌC 1: Đnl 6,2-6

‘Nghe đây, hỡi Israel’

Bài đọc này rất đặc biệt: đó là mệnh lệnh hướng dẫn toàn bộ đời sống của Israel cũng như đời sống của một Kitô hữu chân chính. Đức Chúa là chủ tể duy nhất của Israel, chứ không phải một vị thần đặt trong một miếu mạo hoặc được tạo ra qua một biến cố tự nhiên. Toàn bộ lịch sử Isarel hàm chứa trong cụm từ “Đức Chúa chúng ta”. Đây là Đức Chúa đã đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đã dẫn đưa họ vượt qua biết bao thử thách trong hành trình sa mạc, và đón nhận họ vào đất hứa. Đây là Đức Chúa mà các phẩm tính của Ngài bao trùm tất cả các vị thần khác, và Ngài không bị phân tán để được sùng mộ trong các đền miếu khác nhau. Người Do Thái thuần thành đọc đoạn văn này sáng, trưa và chiều tối, và trong khi cầu nguyện họ đặt văn bản này trước mắt, đeo trên tay và gắn trên vòm cửa của ngôi nhà, để ý thức phải trung thành thực hiện trong suốt cuộc đời. Đây là một hành vi biểu thị để mỗi người tâm niệm rằng lòng yêu mến Thiên Chúa phải chi phối mọi hành động và suy nghĩ của chúng ta; nó phải luôn ở trong tâm trí và mọi nghĩ tưởng của chúng ta; và nó phải trở thành kim chỉ nam cho mọi toan tính cũng như động lực của chúng ta. Đức Chúa là Thiên Chúa của tình yêu chứ không phải của sự đe doạ hay hủy diệt. Được phục vụ Đức Chúa là một niềm vui và hạnh phúc; nó mang lại ánh sáng và ý nghĩa cho toàn bộ đời sống chúng ta. Nếu Chúa không hiện diện trong cuộc sống và tư duy của chúng ta, thì số phận của chúng ta thật bi thảm. Hành trình làm người của chúng ta không được ánh sáng sự thật soi dẫn sẽ gặp nguy cơ rơi vào vực thẳm.

 

ĐÁP CA: Tv 18

Vua tạ ơn Đức Chúa

Thánh vịnh 18, được sao chép trong 2 Samuen 22,1-51 là lời tạ ơn của nhà vua về một chiến thắng quân sự. Nhà vua, trong cơn đau khổ tột cùng, ông cầu nguyện trong đền thờ (cc. 5-7), ông không dựa vào đặc ân của mình với tư cách là vua mà tin tưởng vào lòng trung thành của Thiên Chúa (cc. 21-25) và với tư cách thành viên trong đoàn dân Chúa (c. 28).

 

Lời tạ ơn chủ yếu là trình bày về ơn giải thoát kì diệu. Việc giải cứu và thiết lập ngai vua được kể lại hai lần, một lần bằng ngôn ngữ thần thoại (cc. 5-20) như được dùng trong các trình thuật của các Tv 77, 14-21 và 89,10-28, và sau đó bằng ngôn ngữ lịch sử (cc. 36-46). Đề cương như sau: (I) phần giới thiệu thánh ca, cc. 2-4; trình bày, cc. 5-20; kết luận về lý do tại sao Chúa thực hiện cuộc giải cứu, cc. 21-25; (II) phần giới thiệu thánh ca (ở ngôi thứ hai), vv. 26-35; báo cáo, cc. 36-46; công bố về vinh hiển của Đức Chúa cho các dân nước, cc. 47-51.

 

Vua đại diện cho Israel, đặc biệt là cho các quốc gia (cc. 44-46, 48, 50). Là người được xức dầu của Chúa, vua Israel cũng là vua các dân tộc, bởi vì quyền bính của ông trực tiếp đến từ Thiên Chúa (x. GLHTCG 1949, 1960, 1963, 1972). Chiến thắng của ông tỏ cho các nước thấy quyền năng của Thiên Chúa, Đấng Bảo trợ của ông. Ơn ban vua nhận được từ hoàn cảnh sỉ nhục và đau khổ (cc. 5-7, 19) đến vị trí được tôn cao trên các nước (cc. 44-46) làm cho ông trở thành nhân chứng sống động cho lòng trung thành của Chúa đối với những lời đã hứa với Đavít, và việc thi thố quyền năng của Ngài.

 

BÀI ĐỌC 2: Hr 7,23-28

Vị Thượng Tế vẹn toàn

Người ngoại giáo cho rằng dâng lễ hy sinh là để làm nguôi lòng một vị thần vốn hay đòi hỏi và hay giận dữ, để chuyển hướng cho mình khỏi những thất bại và đe dọa, bằng những lời tâng bốc và lễ tế. Máu của tế vật đổ ra thay cho máu người, để trả giá bằng một mạng sống mà lẽ ra sự sống của họ đã bị lấy đi. Ý tưởng của Kitô giáo hoàn toàn khác. Chúa Kitô là một con người hoàn hảo, cũng là Thiên Chúa, Người kết hợp với Chúa Cha trong một hành động yêu thương trọn hảo và vĩnh cửu. Đoạn văn đưa ra năm phẩm tính trình bày Chúa Giêsu là Thượng Tế duy nhất: Người thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi tội nhân, và được nâng cao vượt các tầng trời (x. Tv 110). Đó chính là vị Thượng Tế mà nhân loại cần đến để có thể làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Hi lễ Người dâng là chính mạng sống Người, và chỉ dâng một lần duy nhất. Điều này mang một ý nghĩa quan trọng bao quát nên thư Hipri đã nhắc đến bốn lần (9,12, 26, 28; 10,10). Lễ dâng của Người là đầy đủ, trọn vẹn, và hiệu quả vĩnh viễn, không cần lặp lại bởi vì Người đã dâng chính mình. Câu cuối tóm kết phần luận giải trong cc. 7,20-27. Luật Môisen chỉ định những con người mỏng giòn làm tư tế. Chúa Giêsu cũng trải nghiệm những yếu đuối của con người: chịu cám dỗ, mệt mỏi, đau khổ, và do đó Người cảm thông với những yếu đuối của chúng ta (4,15). Nhưng Người đã toàn thắng vì tuyệt đối trung thành với Chúa cho đến chết. Người được đặt làm Người Con thập toàn cho đến muôn đời. Qua cái chết và sự phục sinh bản tính nhân loại của Người đạt được vinh quang thần linh trọn vẹn và được thánh hiến làm Thượng Tế chuyển cầu cho chúng ta.

 

TIN MỪNG: Mc 12,28b-34

Tình yêu và lề luật

 

Lời tuyên bố của Chúa Giêsu ở đây khác với hầu hết các trình thuật khác. Thông thường câu trả lời của Chúa Giêsu là phản ứng trước một thử thách nhắm vào Người. Đó không phải là trường hợp ở đây. Vị kinh sư này đến với Chúa trong thái độ thành tâm thiện chí. Quả thật, sự chính trực của vị kinh sư có thể được nhận ra trong lời bảo đảm của Chúa Giêsu rằng ông không còn xa Nước Thiên Chúa.

 

Mặc dù tất cả lề luật, 613 điều răn đã phát triển trên nền tảng Sách Thánh và được coi là ràng buộc vì đã được Thiên Chúa giao cho Môisen, được chia thành hai loại: một số khoản được coi là “trọng” hoặc rất quan trọng và những luật khác được coi là “ít quan trọng hơn, thứ yếu”. Có lẽ vị kinh sư này, người có chuyên môn trong việc giải thích luật, đáng lẽ phải hiểu điều đó hơn Chúa Giêsu, người không phải là kinh sư. Tuy nhiên, vì sự phức tạp của luật, ngay cả nhà chuyên môn dường như không nắm được khoản luật nào đứng hàng đầu. Ông hẳn đã nhận ra điều gì đó nơi Chúa Giêsu thôi thúc ông đặt ra câu hỏi rất quan trọng này.

 

Câu trả lời của Chúa Giêsu là trung thành với niềm tin Do Thái của Người. Người không chỉ ra bất kỳ điều luật cụ thể nào mà là xác nhận lệnh truyền của kinh Shema, lời cầu nguyện quan trọng nhất của thực hành tôn giáo Israel (x. Đnl 6, 5). Đối với mệnh lệnh yêu mến Đức Chúa Trời hết lòng, hết linh hồn và sức lực, Chúa Giêsu thêm “hết tâm trí”, chỉ đơn giản là để nhấn mạnh sự gắn bó hoàn toàn của con người. Đây là cách Người muốn nói rằng tình yêu Thiên Chúa phải chiếm trọn con người của mình.

 

Chúa Giêsu được yêu cầu xác định một điều răn quan trọng nhất, và Người đã đưa ra hai điều răn. Điều thứ hai được trích từ sách Lêvi (19,18). Hai lần Chúa Giêsu đã tìm đến luật từ Kinh Thánh để trả lời câu hỏi của vị kinh sư. Bằng cách kết hợp những huấn dụ này lại với nhau, Người muốn cho thấy rằng, mặc dù không đồng nhất với nhau, nhưng hai giới răn có mối quan hệ với nhau. Rõ ràng sự cam kết với Đức Chúa được ưu tiên hơn mọi thứ khác.

 

Vị kinh sư, người hiểu rõ truyền thống tôn giáo, công nhận lời đáp trả của Chúa Giêsu vừa chính xác vừa sâu sắc. Ông ta gọi Người là Thầy, một danh hiệu có ý nghĩa đặc biệt dành cho một người có thể  giải thích chính xác về lề luật. Những nội dung mà Chúa Giêsu vừa tuyên bố cho thấy Người là một Đấng giải thích lề luật một cách sâu sắc.

 

Chủ đề chính yêu trong lời đáp trả của Chúa Giêsu là phẩm tính của Thiên Chúa. Không có thần nào khác ngoài Thiên Chúa! Từ đó phát xuất trách nhiệm phải yêu mến Thiên Chúa bằng cả con người và yêu người thân cận như chính mình. Chính vị kinh sư đã kết hợp hai giới răn như thể chúng là một. Cũng chính người này còn chỉ ra rằng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân vượt trên mọi đòi hỏi khác trong tôn giáo. Giờ đây, ông đã nhận ra bậc thang giá trị của luật và có thể phân biệt được đâu là “quan trọng” và đâu là “thứ yếu”. Và như thế ông đang ở ngưỡng cửa của Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên ông chưa thật sự ở trong Nước Trời. Chúa Giêsu vừa xác quyết vừa mời gọi ông bước thêm.

 

Tuyên bố cuối cùng có thể có nghĩa là không ai dám thách thức Chúa Giêsu một lần nữa, rằng câu trả lời này bao hàm tất cả các câu hỏi khác. Còn gì nữa để hỏi? Còn câu trả lời nào khác có thể được đưa ra?

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 2083 : Các điều răn khuyến khích đáp trả tình yêu

+ GLHTCG 2052, 2093-2094 : Điều răn thứ nhất

+ GLHTCG 1539-1547 : Bí tích Truyền chức trong nhiệm cục cứu độ

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 69)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 157)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 198)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 156)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 247)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 324)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 312)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 245)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 316)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 247)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7