Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 24/01/2024 – Thứ Tư tuần 3 thường niên. – Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Dụ ngôn gieo hạt giống.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,585
  • Ngày đăng: 23/01/2024 10:00:00

Dụ ngôn gieo hạt giống.

24/01 – Thứ Tư tuần 3 thường niên. – Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Người gieo hạt đi gieo hạt giống"       

 

* Thánh nhân sinh tại Xavoa năm 1567. Sau khi làm linh mục, người tận tuỵ với công việc canh tân Hội Thánh công giáo tại quê hương. Được chọn làm giám mục Geneve, người tỏ ra là một mục tử lo lắng cho giáo sĩ và giáo dân. Người là vị sáng lập dòng các nữ tu thăm viếng cùng với chị Phanxica đờ Săngtan. Suốt cuộc đời, người trở nên mọi sự cho mọi người qua lời nói và chữ viết, cũng như khi tranh luận thần học với anh em Tin Lành, khi giúp cho giáo dân biết sống đời sống thiêng liêng, lo lắng chăm nom cả kẻ bé lẫn người lớn. Thánh nhân qua đời ở Lyon ngày 28 tháng 12 năm 1622.

 

LỜI CHÚA: Mc 4,1-20

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển.

Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng: "Các ngươi hãy nghe! Nầy người gieo hạt đi gieo hạt giống. Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm". Và Người phán rằng: "Ai có tai nghe thì hãy nghe".

Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông: "Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội". Người nói với các ông: "Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác?

Người gieo hạt là gieo lời Chúa. Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ. Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Hạt giống Lời Chúa

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Chỉ cần một hạt giống lời Chúa rơi vào tâm hồn bạn,

như rơi vào thửa đất màu mỡ,

đời bạn có thể thay đổi hoàn toàn.

Têrêsa Hài Đồng đã để lòng mình đón lấy lời này:

“Ai không nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời.”

Chị đã nên thánh nhờ suốt đời sống phó thác như trẻ thơ.

Têrêsa Calcutta đã để lòng mình đón lấy lời này:

“Những gì ngươi làm cho một anh em nhỏ nhất, là làm cho chính Ta.”

Mẹ Têrêsa đã không bao giờ quên mình đang tiếp xúc với Giêsu

mỗi khi Mẹ gặp người nghèo khổ, bệnh tật.

Là Kitô hữu, chúng ta thường xuyên được nghe Lời Chúa,

nhưng một tiếp xúc thực sự với hạt giống Lời Chúa vẫn ít xảy ra.

Điều này đã là vấn đề của các Kitô hữu sơ khai rồi.

Tất cả bốn hạng người trong dụ ngôn Người gieo giống đều nghe.

Tuy nhiên kết quả lại rất khác nhau,

vì vấn đề không phải là nghe bằng tai, nhưng là nghe bằng cả tâm hồn.

Vẫn có thứ tâm hồn hời hợt như đất cứng ở vệ đường.

Hạt giống chưa bao giờ thâm nhập được vào đất,

mới chỉ nằm trơ vơ trên bề mặt.

Hạt giống này nhanh chóng làm mồi cho chim chóc, cho Xatan.

Vẫn có thứ tâm hồn chai đá, như mảnh đất chỉ có lớp đất mỏng bên trên.

Hạt giống mọc ngay, nhưng sau đó bị khựng lại,

không đâm rễ được vì đất nhiều sỏi đá.

Khi nắng lên, cây bị héo khô vì không có rễ hút nước.

Để cho Lời Chúa đâm rễ sâu trong đời mình và nuôi dưỡng mình,

đó là nỗ lực suốt đời của người Kitô hữu.

Vui vẻ đón nhận Lời ngay lập tức mà không chịu đào sâu, đâm rễ,

thì cũng sẽ bỏ cuộc ngay lập tức khi cơn bách hại đến từ bên ngoài.

Vẫn có thứ tâm hồn nặng nề, vì những lo lắng sự đời, đam mê giàu có.

Chính những lệch lạc từ bên trong như bụi gai đã bóp nghẹt hạt giống.

Lời Chúa đòi ta vượt lên trên những thèm muốn, khoái lạc và âu lo.

Để Lời Chúa sinh trái phải làm cỏ, dọn bụi gai cho sạch.

Nhưng vẫn có những tâm hồn mềm mại như mảnh đất tốt.

Hạt giống Lời Chúa thoải mái đâm rễ sâu, và sinh hoa trái gấp trăm.

Dù gặp bách hại vì Lời, dù bị danh lợi thế gian lôi kéo,

họ vẫn không đánh mất căn tính Kitô hữu của mình.

Tâm hồn chúng ta thuộc loại đất nào?

Đó là câu hỏi cho từng Kitô hữu xưa cũng như nay.

Thiên Chúa vẫn cứ kiên nhẫn và miệt mài gieo giống cho đến tận thế.

Ngài vẫn mời ta ra khỏi sự hời hợt, cứng cỏi, chai đá của lòng mình.

Nếu ta dám để cho Lời Chúa thực sự đi vào đời ta, dù chỉ một lần,

ta sẽ thấy được sức biến đổi kỳ diệu của Lời Chúa.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

 

Suy Niệm 2: Người đi gieo Lời

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa gieo Lời Người xuống trần gian. Đó là lời tình yêu. Lời sự sống. Lời hạnh phúc. Nhưng con người vô tâm không lắng nghe. Để ma quỉ tha đi mất. Như bà E-và. Nhưng Thiên Chúa không nản lòng. Vẫn tràn đầy yêu thương. Vẫn tiếp tục gieo hạt. Lời không bén rễ sâu. Vì con người hời hợt. Mau thay đổi. Thiên Chúa vẫn tiếp tục gieo. Hạt đã bắt đầu mọc. Nhưng con người quá ham mê dục vọng. Để dục vọng chèn ép. Lời Chúa không lớn mạnh được. Như trường hợp Sam-son. Thiên Chúa kiên trì yêu thương. Gieo cho đến khi Lời gặp được mảnh đất tốt. Sinh hoa kết quả trăm nghìn.

Sách Sa-mu-en cho ta thấy hai vị vua đầu tiên là hai mảnh đất khác nhau. Sa-un được Thiên Chúa tuyển chọn. Nhưng ông không tuân giữ Lời Chúa. Lòng tham lam và dục vọng chèn ép làm cho Lời Chúa chết nghẹt. Ông trở nên mảnh đất sỏi đá. Lời Chúa không phát triển được. Chúa từ bỏ ông. Trái lại Đa-vít là vị vua thánh thiện. Luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Nên Lời chúa sinh hoa kết quả. Không những trong đời ông. Mà còn tồn tại đến đời con cháu. Như Lời Chúa hứa. “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra – và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền…Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững” (năm chẵn).

Tất cả lời hứa của Thiên Chúa ứng nghiệm trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su là dòng dõi Đa-vít lên trị vì. Và vương quyền Người muôn đời bền vững. Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa xuống trần gian để đi gieo Lời. Chính Người là Ngôi Lời được gieo xuống trần gian. Người là sự sống, là tình yêu, là hạnh phúc gieo xuống lòng nhân loại. Chính Người trở thành hạt giống mục nát đi. Dâng hiến chính đời mình. Chết đau thương. Được chôn táng trong mộ.Trở thành hạt lúa tốt sinh hoa kết quả trăm nghìn. Tạo nên một mùa gặt mới phong phú dồi dào. Vì chính Người là mảnh đất tốt. Đón nhận Lời của Chúa Cha. Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Nên mùa gặt phát sinh. Mùa gặt sự sống. Mùa gặt tình yêu. Mùa gặt hạnh phúc (năm lẻ).

Ta hãy noi gương Chúa Giê-su. Hãy hăng say đi gieo Lời Chúa. Hãy trở thành thửa đất tốt. Luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Hãy trở thành hạt giống được gieo xuống lòng đất. Mục nát đi. Sẽ sinh hoa kết quả muôn ngàn.

 

Suy Niệm 3: Hạt giống Lời Chúa

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Phan Linh là một nhân vật nổi tiếng trong nhiều lãnh vực khoa học kỹ thuật và văn chương. Một hôm ông nhận được một món quà của một người bạn từ Ấn Ðộ, đó là một cái chổi rơm. Nhận thấy có những hạt lúa dính ở cọng rơm, ông nhặt lấy và đem đi gieo, sau đó ông cũng phân phát cho bà con cùng gieo, thu hoạch rất khả quan và dần dần lan ra cả nước. Ông là người đầu tiên nhập giống lúa mới và khai sinh kỹ nghệ làm chổi phục vụ cho cả nước.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để giảng về Nước Trời. Việc gieo giống có lẽ rất quen thuộc với người Việt Nam, vì có đến 4/5 dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Người gieo giống nào cũng muốn gieo hạt trên đất đã cày bừa cẩn thận; Thiên Chúa cũng muốn tâm hồn con người được trở nên như thửa đất để hạt giống Lời Ngài có thể mọc lên, phát triển và sinh nhiều hoa trái, làm ích cho mình và cho người khác nữa.

Nhìn lại cuộc đời của mình, có lẽ chúng ta phải thành thật nhận rằng từ trước tới nay chúng ta chưa đón nhận và sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì chúng ta vẫn để cho tâm hồn xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng địa vị và của cải làm chết ngạt Lời Chúa. Ðấy là chưa kể những biến cố xảy đến trong cuộc sống bản thân, gia đình, xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời gọi chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời sống. Lời Chúa vẫn chưa bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận hạt giống Lời Chúa. Xin làm cho những hạt giống ấy được bám rễ, mọc lên tươi tốt và trổ sinh được nhiều bông hạt, để mỗi ngày chúng ta được lớn lên trong tình yêu Chúa và góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa ngày một lớn mạnh hơn.

 

Suy Niệm 4: Phải chăng lỗi tại Chúa?

“Các người nghe đây! Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường. Chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết hô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả: Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” (Mc. 4. 3-8)

Dụ ngôn Người gieo giống theo thánh Maccô này mang dấu vết của một bài biên soạn chịu ảnh hưởng đời sống Giáo hội buổi ban đầu, trước hết là vấn đề giải thích sự thất bại trong việc rao giảng Tin mừng, sau là ý nghĩa của từ “Lời Chúa”

Thất bại trong việc rao giảng

Maccô quả quyết điều này: với những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn… để họ không hiểu, kẻo họ trở lại…

Thoạt nghe ta thấy khó hiểu. Phải chăng Chúa Giêsu muốn kết án người đời? Tại sao Chúa lại không cho mọi người một cơ hội đồng đều? Chính điểm này làm ta khó chịu, và cũng đúng thôi. Nếu khi đọc ta chỉ đặt bản văn này vào trong bối cảnh của thời Chúa Giêsu.

Nhưng khi đặt nó vào khung cảnh đời sống Giáo hội buổi ban đầu, những khó khăn kia không còn nữa. Bởi vì ta thấy rõ thánh Maccô chủ tâm giải thích cho biết hoàn cảnh lúc ấy đã coi thường Tin mừng của Đức Kitô. Bằng lối hành văn khéo léo, thánh Maccô giải thích sự việc ở hiện tại, tức là sự thất bại trong việc rao giảng Tin Mừng cho người Do thái, ngụ ý là điều đó Chúa Giêsu đã nhìn thấy và biết trước cả rồi.

Cuối cùng, Maccô nói thêm rằng để chương trình cứu độ nhiệm mầu của Chúa được thành công, người ta cần phải đọc và nhận được những dấu chỉ. Mạc khải không phải là một sứ điệp được che dấu và đem cất đi. Nhưng để đọc và hiểu sứ điệp, người ta cần phải có một tâm hồn sẵn sàng và cởi mở để hiểu điều Thiên Chúa muốn nói với ta qua lời của Người. Mà thường là tâm hồn người ta đã không được sửa sang và vun xới đủ.

Hiểu lời này của Chúa hôm nay

Trong Phúc âm có những cách viết, cách diễn tả khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta đọc sứ điệp và có được một lựa chọn sống phù hợp với lời này của Chúa. Chúng ta đón nhận như thế nào lời nói và gương sáng cuộc đời của Đức Kitô? Chúng ta có để cho lòng mình ngổn ngang trăm mối, sống quá hời hợt, giống như những người trố mắt nhìn mà không thấy chăng?

Khi sáng suốt nhìn vào mình, căn cứ vào kinh nghiệm và lịch sử đời mình, ta có thể giải thích đưọc tại sao ta phải thất bại? Tại sao ta không luôn luôn hiểu dược Phúc âm? Có thật phải lỗi tại Chúa chăng?

 

Suy Niệm 5: Đón nhận hay khước từ

Thánh Âu Tinh nói: “Thiên Chúa sinh ra bạn, Ngài không cần hỏi ý kiến bạn, nhưng khi muốn cứu chuộc bạn, Người phải hỏi ý kiến bạn”.

Thật vậy, Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do, đây là gia sản quý giá mà Thiên Chúa không ngần ngại ban tặng cho một loài thụ tạo. Vì thế, con người hoàn toàn có trách nhiệm khi sử dụng tự do của mình trong cuộc sống.

Hôm nay, Đức Giêsu kể cho dân chúng và các môn đệ dụ ngôn người gieo giống. Người gieo cứ gieo. Gặp đâu gieo đấy. Nào là gieo cả trên sỏi đá, bụi gai, vệ đường, và đất tốt. Tuy nhiên, duy nhất nơi đất tốt mới sinh hoa kết quả. Như vậy, chỉ có ¼ có tác dụng, còn ¾ thì uổng công vô ích.

Thiên Chúa là như vậy! Ngài quảng đại trao ban hết tất cả cho con người, ngay cả Con Một yêu dấu Người cũng ban. Nhưng mấy ai hiểu được tình yêu của Người lớn lao như thế! Mà ngược lại, những nhà lãnh đạo Dothái còn tìm cách loại trừ ngay cả Đức Giêsu là món quà cao quý mà Chúa Cha đem tặng cho con người.

Họ như những hạt giống bị gieo bên vệ đường, sỏi đá và bụi gai. Những thứ ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, tự ty làm cho tinh thần nên trai cứng và Lời Chúa bị bóp nghẹt trong lòng họ, nên không hề sinh ích lợi cho bản thân.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức trách nhiệm trong tự do để trở nên như thửa đất tốt, ngõ hầu Lời Chúa đâm dễ sâu, lớn mạnh và sinh hoa kết trái trong cuộc sống của chúng ta.

Có thế, chúng ta mới trở nên môn đệ đích thực của Đức Giêsu nhờ biết nghe và giữ Lời Chúa trong lòng, nhất là đem ra thực hành.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con sẽ khô cằn, sỏi đá và trơ trọi nếu không được Lời Chúa là nguồn sự sống dưỡng nuôi. Xin Chúa ban cho tâm hồn chúng con trở nên thửa đất tốt tươi, để Lời Chúa trở thành nguồn hoan lạc cho chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Đón nhận ơn Chúa và trổ sinh hoa trái

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Như người gieo giống tung vãi hạt giống trên mặt đất, Thiên Chúa luôn quảng đại rộng tay ban ơn cho ta. Ta hãy đón nhận ơn Chúa và làm trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp trong đời sống hàng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hình ảnh người gieo giống bốc từng nắm hạt vung vãi trên cánh đồng đã làm con xúc động. Bởi lẽ hình ảnh ấy giúp con hiểu được rằng từng giây phút Chúa vẫn ban muôn hồng ân cho con: từ hừng đông cho đến chiều tà, và từ chiều tà cho đến hừng đông ngày mới, ơn Chúa vẫn chan hòa trên con. Đâu phải tình cờ tự nhiên con có không khí để thở, có thân xác khỏe mạnh, được đón nhận những tia nắng ấm hoặc những giọt mưa trong lành… Vâng, lạy Chúa, con tin rằng đó là quà tặng Chúa thương ban cho riêng con. Nhưng vì những ơn Chúa ban quá dồi dào, nên con đã thờ ơ coi thường, và thậm chí có lúc con đã phung phí ơn Chúa ban.

Những hạt giống ơn Chúa ký gởi nơi cuộc đời con đã bị cỏ dại tội lỗi tấn công bóp nghẹt. Hoặc tâm hồn con như thuở đất hoang chai cứng, không đón nhận ơn lành Chúa ban.

Lạy Chúa, Chúa quảng đại và kiên nhẫn với con biết chừng nào! Có thể nói rằng: Chúa đã “phung phí” ơn lành để mong con trổ sinh hoa trái.

Xin Chúa giúp con biết chăm sóc mảnh đất tâm hồn mình, biết nhặt đi những sỏi đá gai góc tật xấu mỗi ngày, biết vun xới tâm hồn bằng những việc tốt, bằng những phút suy gẫm Lời Chúa, những giờ kinh lễ sốt sắng, để hạt giống ơn Chúa có thể sinh nhiều hoa trái nơi cuộc đời con. Amen.

Ghi nhớ: ”Người gieo hạt đi gieo hạt giống”

 

Suy Niệm 7: Hạt giống Lời Chúa rơi vào đất nào?

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một nhà thừa sai Công giáo gặp một cậu bé người Ả Rập trên đường từ trường về nhà. Nhà truyền giáo vui vẻ hỏi: - Sao, hôm nay con học thêm được gì về sách Coran?

Mắt cậu sáng lên và mau mắn đọc thuộc lòng những câu trích từ sách Coran là sách thánh của các tín đồ Hồi giáo. Nhà truyền giáo nói thêm: - Bây giờ, con thử viết những lời đó trên đất để cha có thể hiểu dễ dàng hơn và học mau thuộc hơn không?

Cậu bé đáp: - Thưa cha, không được! Lời Thánh phải được viết trong trí và ghi trong lòng chứ không thể viết trên đất được.

Theo tư tưởng của cậu bé đó thì Kinh Thánh phải được ghi khắc trong tâm hồn, nghĩa là Lời Chúa phải thấm nhập vào lòng trí người Kitô hữu để họ phải sống bằng Lời Chúa.

Sống đạo là để cho Lời Chúa thấm nhập tâm hồn.

Sống đạo là để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc sống.

Sống đạo là để cho Lời Chúa tuôn trào ra cửa miệng và thấm nhuần môi trường sống.

Suy niệm

Ở Do Thái đất đai có rất nhiều đá. Cho nên, trong công việc nhà nông của người Do Thái, việc lượm đá là một động tác quen thuộc cũng như làm cỏ, đến nỗi từ “đá” (xêla) khi dùng như một động từ ở thể hành động (xalêa) thì có nghĩa là lượm đá để dọn một mảnh đất. Ðá lượm ra xếp thành bờ ngăn các thửa ruộng, do đó mép bờ cũng là nơi gai mọc. Ở những vùng đất thiếu nước thì gai là loài cây dại phổ biến nhất, vì nó có sức chịu khô lâu nhất. Người nông dân ở Palestine xưa kia dọn đất xong thì gieo hạt rồi cày lấp đi giống như xạ lúa ở miền Tây (Theo lời giải thích của cha Nguyễn Công Đoan SJ).

Khi biết và hiểu địa dư của đất nông nghiệp Do Thái, chúng ta dễ hiểu bốn vị trí mà hạt giống có thể rơi xuống khi người nông dân gieo lúa: đá, mặt lối đi, bụi gai và đất tốt như Đức Kitô đã nhấn mạnh đến các chi tiết trong dụ ngôn.

Muốn gieo cho kín ruộng mình thì người nông dân phải chấp nhận có sự hao hụt vì khi vung tay gieo hạt, một số nào đó sẽ rơi vào ba loại vị trí không kết quả: ”xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất”. “Hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt…”. Hình ảnh người nông dân gieo giống tượng trưng cho hình ảnh Thiên Chúa, Ngài luôn vững tay phân phát thật rộng rãi để hạt giống được phủ kín mảnh ruộng, là thái độ quảng đại của Thiên Chúa đối với nhân loại, Ngài làm tất cả, đôi lúc có phung phí ân sủng, vì Ngài mong ít ra có những hạt giống rơi trên đất tốt.

Mảnh đất được gieo trồng mang hình ảnh tâm hồn tôi và tâm hồn bạn. Để cho mảnh đất trở nên đất tốt hòng hạt giống của Thiên Chúa gieo vào sinh hoa kết trái, chúng ta cần phải chuẩn bị, như người nông dân lượm những viên đá để trên bờ rào. Hình ảnh đó gợi lên cho chúng ta tâm tình biết sửa chữa mình không ngừng để cuộc sống chúng ta luôn tràn ngập bình an, ân sủng, đó là giống đã được nảy mầm, đơm hoa và kết hạt.

Nếu cứ để tâm hồn chúng ta hoang sơ như những mảnh đất chưa được nhặt lượm những sỏi đá, cỏ lùng không bị tàn diệt, chắc chắn dù hạt giống ân sủng được nảy mầm, đời sống chúng ta như Chúa ví trong dụ ngôn: Rễ không đủ sâu gặp nắng gắt chết khô, hay chết nghẹt vì bụi gai… hãy nhặt đi những sỏi đá trong mảnh đất hồn tôi, hãy nhổ đi những cụm cỏ lùng luôn đe dọa đến hạt giống như Đức Giêsu đã thường xuyên cảnh báo các môn đệ chống lại ảnh hưởng của thế gian (x. Lc 9,57-62; 14,28-33; 16,19-31; Ga 15,19; 12,6).

Hạt giống Lời Chúa sinh được hoa trái, nhưng còn phụ thuộc vào mảnh đất có được canh tác tốt hay không. Giống không sinh được hạt nếu không có sự cộng tác của con người. Mảnh đất phải được dọn cỏ lùng, mảnh đất phải được nhặt những viên đá để hạt giống Chúa được tự do tăng trưởng, được sinh hoa kết trái mang lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống.

Ý lực sống

“… Những lo lắng thế gian và sự giàu có của vật chất làm cho giống chết nghẹt” (Thánh Têrêsa Avila).

 

Suy Niệm 8: Dụ ngôn người gieo giống

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Khi nói đến những vấn đề trừu tượng khó hiểu như Nước Trời chẳng hạn, Đức Giêsu hay dụng dụ ngôn để diễn tả những ý tưởng đó. Dụ ngôn người gieo giống trong đoạn Tin Mừng này  cho chúng ta thấy những thái độ và hiệu quả của việc đón nhận Lời Chúa khác nhau. Cũng vậy, Tin Mừng được gieo vào lòng chúng ta, thế nhưng mảnh đất tâm hồn chúng ta thế nào? Mảnh đất của chúng ta có điều kiện để hạt giống Tin Mừng được sinh hoa kết quả; hay là mảnh đất khô cằn, chai cứng? 

2. Để dễ hiểu đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần lưu ý: cách gieo giống của người Do thái thời Đức Giêsu khác với cách gieo giống của ta ngày hôm nay:

-  Vì còn lạc hậu nên đất chia ra làm nhiều mảnh vụn. Ranh giới giữa các mảnh ruộng thường dùng làm đường đi nên khi gieo có nhiều hạt vương trên bờ.

- Vì vùng đất hoang khô cằn, nên mảnh ruộng có nhiều sỏi đá, và cây gai vì thế khi gieo có những hạt rơi trên sỏi đá và hạt chen vào bụi gai.

- Ngoài ra, cũng có những vùng đất tốt được phân làm nhiều loại và năng suất của mỗi loại đất cũng khác nhau.

3. Thực ra, các môn đệ cũng chưa hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn này, nên lúc còn một mình Chúa với các môn đệ, Ngài giải thích thêm cho các ông: người đi gieo là kẻ giảng lời Chúa. Hạt rơi bên dường chỉ ngươi nghe rồi bị ma quỉ cướp mất. Hạt rơi trên sỏi đá chỉ kẻ nghe thì vui nhận, nhưng vì thiếu kiên nhẫn khi bị gian nan thử thách thì bỏ qua. Hạt rơi trong gai góc là hạng người nghe lời giảng thì vâng giữ, nhưng vì ham mê danh vọng của cải thế gian nên Lời Chúa cũng bị chết nghẹt. Hạt rơi trên đất tốt là những người nghe lời Chúa, suy niệm trong lòng rồi chịu khó đưa ra thực hành trong đời sống hằng ngày, nên sinh bông trái là phần rỗi linh hồn.

4. Có lẽ đa số chúng ta thuộc loại đất có gai. Lời Chúa gieo vào bị làm chết ngạt bởi “những lo lắng việc đời, bả vinh hoa phú quí cùng những đam mê khác”. Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy khi nào ta có được sự “thinh lặng nội tâm” thì Lời Chúa dễ thâm nhập tâm hồn ta hơn. Ngược lại khi tâm hồn bị giao động bởi những thứ kể trên thì Lời Chúa vừa vào tai bên này đã lọt ra khỏi tai bên kia.

5. Tuy thế, lòng người dù có sỏi đá, vệ đường, bụi gai nhưng vẫn có thể được cầy xới chăm bón để biến đổi thành đất tốt. Hạt giống Lời Chúa được gieo xuống không nằm yên thụ động mà còn có sức cải tạo được. Chẳng hạn các vị thánh như Phaolô, Augustinô, Phanxicô Xaviê đã được biến đổi thành “đất tốt” nhờ đã được đón nhận Lời Chúa gieo vào tâm hồn cách nhẫn nại và hào phóng. Thiên Chúa đang cần chúng ta  có sự nhẫn nại và hào phóng đó để Nước Trời được mùa gặt bội thu.

6. Nhìn lại cuộc đời của mình, có lẽ chúng ta phải thành thật nhận rằng từ trước tới nay chúng ta chưa đón nhận  và sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì chúng ta vẫn  để cho tâm hồn xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng địa vị và của cải làm chết ngạt Lời Chúa. Đấy là chưa kể những biến cố xẩy đến trong cuộc sống bản thân, gia đình, xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời gọi chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời sống. Lời Chúa vẫn chưa bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.

7. Truyện: Lời Chúa biến đổi tâm hồn.                

Một bác nông phu quê mùa chất phác nọ  đã trở lại Kitô giáo. Được Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn, Đức tin cũng như lòng mến Chúa chân thành của bác ngày càng trở nên mạnh mẽ, mạnh đến độ gặp ai, ở chỗ nào bác cũng sốt sắng nói về Chúa cho người ta nghe.

Một hôm, có một người vô thần đến gặp bác, với ý định đặt một số câu hỏi để dằn mặt bác để bác khỏi đi rao giảng về Đức Kitô.

Người vô thần hỏi:

- Ông có biết Đức Kitô mà ông vẫn hăng say quảng cáo, sinh ra ngày nào không?

Bác nông phu trả lời:

- Ngày 25 tháng 12.

Người vô thần nhún vai, trợn mắt, lắc đầu ra chiều khinh bỉ, rồi hỏi tiếp:

- Thế ông có biết Đức Kitô của ông chết năm bao nhiêu tuổi không?

Bị hỏi bất ngờ, bác nông phu còn đang ấp úng để tìm câu trả lời, thì người vô thần kia đã cướp lời: - Ông thấy không, ông có biết gì về Đức Kitô của ông đâu. Vậy mà cứ đi quảng cáo về ông ta rùm beng.

Sau lời chê bai của người vô thần, bác nông phu bình tĩnh giải thích:

- Tôi không biết nhiều về Đức Kitô. Nhưng có một điều tôi biết chắc là, hai năm trước đây, tôi là một người chè chén say sưa, tôi rất hay nóng giận, đập phá nhà cửa, đánh đập vợ con. Hai năm trước đây, không bao giờ tôi thấy vợ tôi nở một nụ cười, con cái tôi không còn xa tránh tôi nữa. Bầu khí trong gia đình tôi đã trở nên nhẹ nhõm, vui tươi. Còn riêng tôi, tôi đã bỏ được những tính xấu trước đây. Tất cả những điều ấy, tôi tin là Đức Kitô đã làm cho tôi và gia đình tôi được thay đổi. Tôi nghĩ, tôi biết như thế về Đức Kitô, cũng đã là quá nhiều rồi.

 

Suy Niệm 9: Nghe Lời Chúa và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Trong đoạn Tin mừng hôm qua, Chúa Giêsu đề cao những người biết lắng nghe Lời Chúa. Trong đoạn hôm nay, Ngài dùng dụ ngôn về người gieo giống để khuyến cáo: không phải chỉ nghe thôi là đủ, mà còn phải "nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả" (câu 20). Ngài cũng vạch cho thấy những trở ngại khiến cho việc nghe Lời Chúa không sinh kết quả, đó là:

a/ Bị Satan phá (hạt rơi bên vệ đường);

b/ Tính nông nổi nhất thời, không kiên trì thực hiện Lời Chúa trong lúc gian nan hay bị ngược đãi (hạt rơi trên đá sỏi);

c/ Những lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác (hạt rơi trong bụi gai).

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Có lẽ đa số chúng ta thuộc loại đất có gai, Lời Chúa gieo vào bị làm chết ngạt bởi "những lo lắng việc đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác". Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy khi nào ta có được sự "thinh lặng nội tâm" thì Lời Chúa dễ thấm nhập tâm hồn ta hơn. Ngược lại khi tâm hồn bị giao động bởi những thứ kể trên thì Lời Chúa vừa vào tai bên này đã lọt ra khỏi tai bên kia.

2. "Những người được gieo vào đất tốt, đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm": "nghe" là một việc tương đối thụ động, việc của đôi tai; "đón nhận" là việc chủ động, việc của con tim; và "sinh hoa kết quả" càng chủ động hơn nữa, đó là việc của ý chí và của nhiều cố gắng.

3. Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi "Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?". Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời "Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã"... Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua "Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được"... Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý" (Góp nhặt)

4. "Ai có tai thì nghe!" (Mc 4,9)

Vào một buổi sáng Chúa nhật, tôi tình cờ nghe được mẫu đối thoại sau giữa hai anh chàng thanh niên. Một anh hỏi: "Sáng nay cậu có đi dự lễ không?". Anh kia đáp: "Có chứ". "Thế có nhớ bài Phúc âm hôm nay là của Thánh nào không? Nội dung ra sao?" Qua thái độ và cử chỉ lúng túng của anh, tôi đoán được ngay câu trả lời.

Thực ra, không riêng gì anh, mà tôi và các bạn cũng thế. Chúng ta thường lắng nghe và nghĩ đến nhiều sự, thậm chí cả những điều không đáng nghe, nhưng lại bỏ ngoài tai những lời ban sự sống, hoặc có nghe lời Chúa thì cũng chẳng hiểu, chẳng khám phá được ý Người, bởi ít hồi tâm cầu nguyện hay để tâm học hỏi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin soi sáng tâm trí con để con luôn hiểu và sống Lời Chúa, hầu trở nên mảnh đất tốt cho hạt giống Lời Chúa được trổ sinh hoa trái đúng mùa. (Epphata)

 

Suy Niệm 10: Lời Chúa biến đồi con người

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu đề cao những người biết lắng nghe Lời Chúa. Trong đoạn hôm nay, Ngài dùng dụ ngôn về người gieo giống để khuyến cáo mọi người: không phải chỉ nghe thôi là đủ, mà còn phải “nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả” nữa (câu 20).

Ngài cũng vạch cho thấy những trở ngại khiến cho việc nghe Lời Chúa không sinh hoa kết quả, đó là:

a/ Bị Satan phá (hạt rơi bên vệ đường);

b/ Tính nông nổi nhất thời, không kiên trì thực hiện Lời Chúa trong lúc gian nan hay bị ngược đãi (hạt rơi trên đá sỏi);

c/ Những lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác (hạt rơi trong bụi gai).

2. Có lẽ đa số chúng ta thuộc loại đất có gai, Lời Chúa gieo vào bị làm chết ngạt bởi “những lo lắng việc đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác”. Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy khi nào ta có được sự “thinh lặng nội tâm” thì Lời Chúa dễ thấm nhập tâm hồn ta hơn. Ngược lại, khi tâm hồn bị giao động bởi những thứ kể trên thì Lời Chúa vừa vào tai bên này đã lọt ra khỏi tai bên kia.

 ”Những người được gieo vào đất tốt, đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm” (Mc 4,20): “nghe” là một việc tương đối thụ động, là việc của đôi tai; “đón nhận” là việc chủ động, việc của con tim; và “sinh hoa kết quả” càng chủ động hơn nữa, đó là việc của ý chí và của nhiều cố gắng.

Một bác nông phu quê mùa chất phác nọ đã trở lại Kitô giáo. Được Lời Chúa soi sáng và hướng đẫn Đức tin và lòng mến Chúa chân thành của bác càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, mạnh đến mức độ gặp ai, ở chỗ nào bác cũng sốt sắng nói về Chúa cho người ta nghe.

Một hôm có một người vô thần đến gặp bác, với ý định đặt một số câu hỏi để dằn mặt bác cho bác khỏi đi rao giảng về Đức Kitô.

Người vô thần hỏi:

- Ông có biết Đức Kitô mà ông vẫn hăng say quảng cáo, sinh ra ngày nào không?

Bác nông phu trả lời:

- Ngày 25 tháng 12.

Người vô thần nhún vai, trợn mắt lên, lắc đầu ra chiều khinh bỉ, rồi hỏi tiếp:

- Thế ông có biết Đức Kitô của ông chết năm bao nhiêu tuổi không?

Bị hỏi bất ngờ, bác nông phu còn đang ấp úng để tìm câu trả lời, thì người vô thần kia đã cướp lời:

- Ông thấy không, ông có biết gì về Đức Kitô của ông đâu. Vậy mà cứ đi quảng cáo về ông ta rùm beng.

Sau lời chê bai của người vô thần, bác nông phu bình tĩnh giải thích:

- Tôi không biết nhiều về Đức Kitô. Nhưng có một điều tôi biết chắc là, hai năm trước đây, tôi là một người chè chén say sưa, tôi rất hay nóng giận, đập phá nhà cửa, đánh đập vợ con. Hai năm trước đây, không bao giờ tôi thấy vợ tôi nở một nụ cười, các con tôi thì sợ tôi như cọp. Nhưng sau khi tôi đã tin nhận Chúa, giờ đây vợ tôi đã tươi cười, con cái tôi không còn xa tránh tôi nữa. Bầu khí trong gia đình tôi đã trở nên nhẹ nhõm, vui tươi. Còn riêng tôi, tôi đã bỏ được những tật xấu trước đây. Tất cả những điều ấy, tôi tin là Đức Kitô đã làm cho tôi và gia đình tôi được thay đổi. Tôi nghĩ, tôi biết như thế về Đức Kitô, cũng đã là quá nhiều rồi.

Tâm hồn của người vô thần và của bác nông phu chính là hai thửa đất khác nhau, được Chúa Giêsu nói đến trong dụ ngôn người gieo giống mà chúng ta vừa nghe.

Chính sự kiêu ngạo và tự mãn của người vô thần đã làm cho những kiến thức của ông về Chúa bị bóp nghẹt, và do đó đã không thể sinh hoa trái được..

Còn với bác nông phu kia, tuy kiến thức của bác về Chúa có ít oi và yếu kém thật, nhưng bác đã để cho những gì bác lãnh hội được, biến đổi đời sống của bác. Tâm hồn chất phác đơn sơ của bác, chính là thửa đất tốt, vì thế mà hạt giống Lời Chúa đã sinh hoa kết trái. Nó đã làm thay đổi, không những đời sống của bác nông phu, mà nó còn làm thay đổi cả đời sống của gia đình bác nữa. Thật là tuyệt vời!

Lạy Chúa,

Xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe Lời Chúa, xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét mặt tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không còn những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại can đảm và cùng đi với Chúa và với tha nhân trên mọi nẻo đường trần thế. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 05/05/2024 – CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH năm B. – Tình yêu cao cả. (04/05/2024 10:00:00 - Xem: 2,961)

05/05 – CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH năm B.

Thứ Bảy 04/05/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – Chấp nhận lội ngược dòng. (03/05/2024 10:00:00 - Xem: 2,980)

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Sáu 03/05/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính. – Ðến với Chúa. (02/05/2024 10:00:00 - Xem: 4,111)

THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính.

Thứ Năm 02/05/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Niềm vui được trọn vẹn. (01/05/2024 10:00:00 - Xem: 4,234)

Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Thứ Tư 01/05/2024 – Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Giuse thợ. – Người thợ vô danh: Thinh lặng, cầu nguyện và xin vâng. (30/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,775)

Thánh Giuse thợ.

Thứ Ba 30/04/2024 – Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh. – Hiệp nhất và bình an. (29/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,741)

Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Hai 29/04/2024 – Thứ Hai tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Những giới hạn. (28/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,079)

Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

+ Chúa Nhật 28/04/2024 – CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH năm B. – Cây nho nối kết cành nho. (27/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,275)

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH năm B.

Thứ Bảy 27/04/2024 – Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh. – Cầu nguyện nhân danh Chúa. (26/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,201)

Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Sáu 26/04/2024 – Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh. – Ðường về quê trời. (25/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,900)

Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7