Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 08/02/2024 – Thứ Năm tuần 5 thường niên. – Chúa Giêsu và bà mẹ ngoại giáo.

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,995
  • Ngày đăng: 07/02/2024 10:00:00

 Chúa Giêsu và bà mẹ ngoại giáo.

08/02 – Thứ Năm tuần 5 thường niên.

"Những con chó ở dưới gầm bàn cũng ăn những mụn bánh rơi của con cái" 

 

Lời Chúa: Mc 7, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết mình, nhưng người không thể ẩn náu được.

Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-Phênixi và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà.

Người nói: "Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó". Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: "Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái".

Người liền nói với bà: "Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi". Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Những mảnh vụn

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)        

Để có được cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ,

hai bên đã phải vượt qua nhiều đường ranh, nhiều rào cản.

Đức Giêsu đã bỏ đất Ítraen để đến vùng Tia, vùng đất ô uế của dân ngoại.

Người đàn bà dân ngoại đã vượt qua sự ngăn cách với người đàn ông Do thái.

Qua câu đáp của bà, bà cũng vượt qua được sự lụy phục thường gặp nơi phụ nữ

sống trong một nền văn hóa do đàn ông làm chủ ở thế kỷ đầu.

Trong Tin Mừng Máccô, đây là phép lạ duy nhất nhắm đến dân ngoại.

Rõ ràng Đức Giêsu không có ý làm phép lạ trừ quỷ này,

Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu từ chối giúp bà ta, rồi lại đổi ý.

Nhiều người không tin đây là cách cư xử vốn có của Đức Giêsu

trước nỗi đau của trái tim người mẹ có đứa con bị quỷ ám.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng sứ vụ của ngài không bao gồm dân ngoại.

Ngài chỉ được sai đến với dân Ítraen,

để rồi chính môn đệ ngài sẽ chịu trách nhiệm đến với dân ngoại.

Hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ.

Bà nài xin ngài đuổi quỷ ra khỏi con gái của bà,

nhưng bà đã phải nghe một câu trả lời rất khó chịu và có thể gây tổn thương.

“Hãy để con cái ăn trước,

vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con” (c. 27).

Đức Giêsu ví dân Do thái với những đứa con trong nhà,

còn dân ngoại là mẹ con bà, được ví với những chó con.

Con cái dĩ nhiên là có quyền ưu tiên rồi, được ăn bánh trước.

Bánh của con cái đương nhiên không nên ném xuống đất cho chó con.

Với người khác, câu trả lời gây sốc của Đức Giêsu có thể khép lại mọi hy vọng.

Nhưng đối với bà, chính câu này lại mở ra niềm hy vọng mới.

“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn

cũng được ăn những mảnh vụn của lũ trẻ nhỏ” (c. 28).

Bà khiêm tốn nhận mình là chó con,

được nuôi trong nhà, nằm dưới gầm bàn lúc mọi người ăn uống,

nên thỉnh thoảng cũng được đám con cái cho ăn những mảnh bánh vụn.

Như thế những đứa con cũng chẳng giữ riêng tấm bánh cho mình.

Chúng cũng biết chia sẻ, thậm chí cho mấy chú chó con.

Hôm nay bà chẳng xin ngài cho tấm bánh trên bàn dành cho con cái,

Bà chỉ xin ngài cho vụn bánh dành cho chó con nằm dưới bàn.

Đức Giêsu hẳn hết sức bất ngờ với câu trả lời này,

vừa tin tưởng, hy vọng, vừa khiêm tốn, khôn ngoan.

Chính câu trả lời này đã chinh phục và làm cho Đức Giêsu đổi ý.

“Vì bà nói thế, bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (c. 29).

Phép lạ này rất “lạ” vì Đức Giêsu đã đuổi quỷ từ xa,

và ngài cũng chẳng đưa ra một lời uy quyền nào để đuổi quỷ.

Khi người mẹ này về nhà, thì thấy con gái mình đã được bình an.

Chúng ta học được gì nơi cách cư xử của người phụ nữ?

Chúng ta học được gì nơi thái độ của Đức Giêsu?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

có những ngày con cảm thấy

đời sống thật nặng nề;

có những lúc con muốn buông trôi,

để mặc cho dòng đời đưa đẩy;

có những khoảng thời gian dài,

con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa

để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa

để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa

để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa

để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,

niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu,

con thấy mình cần Chúa

trong mỗi giây phút của cuộc đời.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.

 

Suy Niệm 2: An và loạn

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa tạo dựng tất cả vì con người và cho con người. Đặt mọi vật dưới chân con người. Cho con người đặt tên cho mọi sinh vật. Theo quan niệm Do thái, đặt tên trên ai là có quyền trên người đó. Thấy con người vẫn chưa vui, Thiên Chúa tạo dựng nên phụ nữ để làm bạn ngang hàng với người nam. Thuở ban sơ mọi thứ đều đẹp đẽ, ổn định trong trật tự: Thiên Chúa – con người – vạn vật. Mọi loài thanh thản an vui vì sống trong tự do, trong Thiên Chúa. Nam nữ không là đối tượng để chiếm đoạt hay thống trị. Nhìn nhau với tâm hồn thiên thần. Nên không hề xấu hổ (năm lẻ).

Nhưng ma quỉ đến phá vỡ tình trạng bình an trong tự do. Trật tự bị đảo lộn. Con người không còn vâng phục Thiên Chúa. Vạn vật nổi loạn muốn thống trị nhau. Nam nữ trở thành đối tượng chiếm đoạt. Nhìn nhau với ánh mắt thèm muốn. Vì thế trở thành ngẫu tượng. Sa-lo-mon khôn ngoan là thế mà cũng rơi vào lầm lạc khi để cho dục vọng chi phối. Để cho phụ nữ điều khiển. Vì thế rơi vào tôn thờ ngẫu tượng. Vì thế mất hết ơn nghĩa với Thiên Chúa. Mất hết quyền trên vạn vật. Đang là con cái trong nhà được ngồi trên bàn ăn bỗng nhiên trở thành chó con phải ngồi dưới gầm bàn. Đang tự do trở thành nô lệ. Đang giầu có bỗng mất tất cả (năm chẵn).

Muốn chuộc lại phải có đức tin mạnh mẽ. Như người phụ nữ Ca-na-an. Vượt qua hết mọi chướng ngại. Từ bỏ tất cả để trở về với Chúa. Tin nhận Chúa trên hết. Tất cả chỉ là phụ thuộc. Kể cả bản thân cũng chỉ là chó con dưới gầm bàn. Chúa là tất cả. Chúa là tuyệt đối. Nhờ đó thân phận được phục hồi. Từ chó con dưới gầm bàn trở thành con cái trong nhà. Được đồng bàn với Thiên Chúa. Được hưởng mọi ơn lành Chúa ban. Khi trật tự được vãn hồi, bình an trở lại. Ma quỉ phải ra đi. Bệnh tật chấm dứt. Và Thiên Chúa ngự trị.

 

Suy Niệm 3: Ơn cứu độ đại đồng

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong nhật ký của mình, Mahatma Gandhi cho biết khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất say mê đọc Kinh Thánh, nhất là Bài Giảng Trên Núi, đến nỗi ông xác tín rằng Kitô giáo chính là câu trả lời cho nạn kỳ thị giai cấp đã từng hành hạ dân Ấn suốt bao thế kỷ, thậm chí ông còn muốn trở thành Kitô hữu nữa. Thế nhưng, một ngày nọ, khi đến nhà thờ dự lễ, ông bị người giữ cửa chặn lại và bảo ông phải đi lễ ở nhà thờ dành cho người da đen, kể từ đó, ông không bao giờ quay trở lại nhà thờ nữa.

Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra kỳ thị con người như thế. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, thánh sử Marcô cho thấy phần lớn hoạt động và thời giờ của Chúa Giêsu được dành cho người Do thái; chỉ sau khi sống lại, Ngài mới chính thức sai các Tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do thái hay không Do thái. Thật ra ngay những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và của ơn cứu độ mà Ngài mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Ngài tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy lạp gốc Phênixi.

Dựa vào những yếu tố trên, câu nói của Chúa Giêsu: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con" không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.

Chúng ta chấp nhận sự tự do của Thiên Chúa trong việc ban phát ơn huệ và tình thương của Ngài. Dù ý thức mình chẳng là gì, chúng ta hãy tin rằng mình luôn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Với một Ðấng vô biên như Thiên Chúa, thì bất cứ hành vi nào của Ngài cũng có chiều kích vô hạn và quà tặng của Ngài cũng tràn trề sung mãn. Xin cho chúng ta cảm nhận được rằng Chúa đang yêu thương chúng ta và như thế là đủ cho chúng ta.

 

Suy Niệm 4: Thế giới tha nhân

Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà ta là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri-a. bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. (Mc. 7, 25-26)

Để hiểu rõ câu chuyện gặp gỡ này, đừng quên rằng Chúa Giêsu là người Do thái. Theo tâm thức của người Do thái, chuyện gặp gỡ một người ngoại là điều không ổn, cũng giống như ta gặp một người nào đó không cùng chủng tộc với ta vậy.

Nhưng ở đây lòng khiêm tốn tháo gỡ tất cả, bởi lẽ lòng khiêm tốn là cánh cửa mở rộng. Trước tấm lòng cởi mở của người phụ nữ này, tâm hồn của Chúa Giêsu cũng mở rộng ra. Bà ta không phải là thành phần của dân giao ước, nhưng lòng tin của bà tiếp nối lòng tin của Áp-ra-ham. Bà ta đã đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đã làm thay đổi hoàn cảnh lịch sử lúc đó mà trở thành con cái của Chúa Cha. Nhờ Chúa Giêsu, Chúa Cha nhậm lời bà cầu xin. Thiên Chúa mở đường cho việc rao giảng tin mừng sau này.

Và để loan báo tin mừng này, chỉ cần yêu thương, trung thực cho đến cùng. Chỉ cần sống say mê nhiệt tình: khi người ta thực tâm thực tình để chỉ lo cho một chuyện, mọi chuyện khác đều thấy là tương đối thôi.

Qua bai Phúc âm hôm nay, Chúa muốn mở mắt mở lòng ta để hướng về thế giới những người ngoại. Họ là những con người biết thu lượm những mảnh vụn từ bàn ăn khi họ đòi hỏi ta phải tôn trọng sự thật, công bằng, khi họ lo lắng cho việc phục vụ những người nghèo, khi họ muốn dỡ đi những hàng rào ngăn cách do những đặc quyền đặc ân của ta đã dựng lên.

Cuộc sống của ta có loan báo điều mới lạ này không, một điều làm cho ta có được trái tim nhân lành, thực nhân lành, theo đúng nghĩa của lời “không có ai nhân lành cả trừ một mình Thiên Chúa”?

 

Suy Niệm 5: Niềm tin cần được tôi luyện qua thử thách

Trong đời sống đức tin của mỗi người, nhiều khi chúng ta phải mần mò đi trong đêm tối! Có những lúc tưởng chừng như Chúa đang bỏ rơi chúng ta! Có khi cuộc đời chúng ta đi vào ngõ cụt với biết bao thách đố mà chúng ta khó hòng vượt qua.

Tuy nhiên, khi chúng ta không còn biết cậy dựa vào ai, thì lúc đó Chúa có mặt và giải thoát chúng ta cách nhiệm mầu. Điều quan trọng là chúng ta có dám lỳ trong đức tin hay không mà thôi.

Tin Mừng hôm nay thuật lại gương sáng của người đàn bà dân ngoại. Một mẫu gương về niềm tin tuyệt đối vào Đức Giêsu. Bà thừa biết mình là người dân ngoại, nên không thể có lý do gì để xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái bà. Thế nhưng, niềm tin và sự hy vọng đã làm cho bà vượt qua hàng rào ngăn cách đó, nên bà đã mạnh dạn đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái bà.

Quả thật, Đức Giêsu đã không chữa ngay, mà ngược lại, Ngài đã nói một câu rất nặng để thử thách đức tin của bà, Ngài nói: “Phải để con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà mà nén cho lũ chó con” (Mc 7,27). Người phụ nữ này đã không nản lòng, nhưng qua câu nói đó, bà lại càng khiêm tốn và đức tin mỗi lúc lại mãnh liệt hơn, bà thưa với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”(Mc 7, 28).

Chính đức tin mãnh liệt như thế, nên phép lạ đã xảy ra. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và cứu thoát con gái bà khỏi Quỷ ám.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên trì, trung thành và vững tin nơi Chúa. Bởi lẽ đức tin chỉ có thể trưởng thành khi chúng ta trải qua đau khổ và được tôi luyện bằng nghịch cảnh. Nhờ thế, chúng ta mới có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa, đồng thời xứng đáng trở nên chứng nhân về niềm hy vọng cho con người hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con vững tin vào quyền năng của Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Kiên nhẫn, khiêm nhường trong đức tin vững mạnh

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế là ông lấy hết sức lực, và la lớn: “Lạy Chúa”.

Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa”. Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế”. “Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất”. Tiếng ấy trả lời: “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra”. Người vô thần thất vọng thốt lên: “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao!” (Trích “Món quà giáng sinh”).

Suy niệm

Người phụ nữ đau khổ vì hằng ngày chứng kiến cảnh quỷ dữ hành hạ con gái bà. Bà đã tìm thầy chạy thuốc khắp nơi rồi nhưng con bà vẫn không khỏi...

Chúa Giêsu đang ở vùng đất Tyrô và Siđon, rất xa quê hương bà. Thế nhưng bà đã tìm đến gặp Ngài. Tuy nhiên có sự ngăn cách giữa bà và Chúa Giêsu vì Người là người Do Thái mà người Do Thái lại không tiếp xúc với dân ngoại như bà, dòng giống Syrôphênixi. Tuy nhiên bà đến và phục lạy Ngài. Phục lạy là thái độ chỉ dành cho thần minh, như vậy có nghĩa là bà đã tôn vinh Ngài là vị thần.

Chúa Giêsu hiền lành, luôn chạnh lòng trước nỗi khổ của người dân (x. Mc 6,30-34) và sẵn sàng đáp trả… Thế nhưng Ngài có vẻ dửng dưng, thoái thác trước nỗi khổ tâm của người đàn bà đau khổ này. Thái độ của Chúa Giêsu đáp lại làm cho chúng ta bị “sốc”: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó” (Mc 7,27). Nhưng bà càng tỏ ra cương quyết và đặt trọn niềm phó thác vào tình thương cùng với quyền năng của Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái” (Mc 7,28).

Với cách đối xử có vẻ phân biệt chủng tộc, giai cấp… và dường như dửng dưng khinh miệt, nhưng trước niềm tin mạnh của bà, Ngài vẫn ban cho bà điều mà bà kêu xin. Ngài muốn dạy cho bà và qua đó cũng dạy cho chúng ta sự kiên nhẫn và khiêm nhường trong một đức tin vững mạnh trải qua gian nan thử thách.

Xin Chúa cho chúng ta một đức tin kiên trung, đức cậy trông vững vàng, để không khó khăn thử thách nào có thể tách chúng ta ra khỏi đức tin vào Ngài.

Ý lực sống: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 24,13).

 

Suy Niệm 7: Chúa trừ quỉ ở miền Tyrô

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu chữa trừ quỉ cho người đàn bà xứ Phênixi. Qua phép lạ này chúng ta thấy người đàn bà ngoại giáo này được Chúa chữa bệnh cho con bà nhờ bà có những đặc tính này:

- Bà là một người ngoại, nên lẽ ra theo kế hoạch hành động của Chúa Giêsu, bà không được hưởng những ơn phúc của Chúa Giêsu, bởi vì theo kế hoạch ấy, Ngài đến ban ơn cho người Do thái trước. Vì thế, ban đầu Ngài đã từ chối bằng những lời rất nặng “Phải để cho con cái ăn no trước đã. Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”.

- Nhưng lòng tin kiên trì cùng với lòng khiêm nhường của bà  đã biến bà thành “con cái trong nhà” nên Chúa Giêsu đã ban ơn theo lời bà xin.

2. Người đàn bà dân ngoại trong câu chuyện hôm nay có nhiều đức tính đáng chúng ta chú ý và bắt chước:

- Chúng ta thấy bà là người rất khiêm tốn, dám chịu nhận mình là “chó con: “Thưa Ngài đúng thế, nhưng lũ chó con lại được ăn  những mảnh vụn trên bàn rơi xuống”.

- Bà có một đức tin kiên trì: dù bị khước từ ngay từ lúc đầu bằng những lời rất nặng nề nhưng bà vẫn không nản lòng. Lòng tin của bà không hề lay chuyển.

- Bà có một lòng phó thác mạnh mẽ nơi Chúa: Chúa Giêsu bảo bà “Cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” Mc 7,29). Dù chưa thấy hiệu quả trước mắt, nhưng vì tin lời Chúa nên bà ra về trong tin tưởng.

3. Trước sự cầu xin của người đàn bà ngoại giáo (không thuộc Do thái giáo), lời trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu nghe có vẻ nặng nề và miệt thị, nhưng cũng qua đó cho thấy niềm tin của người đàn bà rất mạnh vượt lên trên mọi ngăn cách tôn giáo, sự kỳ thị và có thể cả sự khinh khi.

 “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”. Câu nói này có vẻ mang dáng dấp của một sự khinh miệt và xúc phạm danh dự, nhưng thật không ngờ người đàn bà không nao núng theo tính tự ái mà còn thân thưa: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. Trước đức tin cao độ như thế, Chúa Giêsu đành chào thua mà ban cho bà điều bà xin. Bà tin lòng thương xót của Chúa bao la, chắc chắn cũng vượt ra bên ngoài dân Do thái, nên bà có thể hưởng được những mảnh vụn của lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa thương yêu mọi người, muốn cứu rỗi mọi người. Lòng tin khiêm tốn bền vững của con người càng chiếm được tình yêu và ơn cứu rỗi của Chúa.

4. Tại sao một số người có đức tin mạnh mẽ đang khi số khác đức tin lại yếu kém? Tại sao một số người thấy đức tin là điều dễ dàng đang khi số khác lại thấy đó là điều khó khăn? Người đàn bà ngoại giáo này biết mình là người ngoại, không  hy vọng được Chúa đoái nghe vì người Do thái không ưa người Canaan, nếu không muốn nói là  ghét và khinh bỉ họ. Thái độ lãnh đạm khó chịu và muốn xua đuổi của các Tông đồ đối với bà? Nhưng bà tin rằng thế nào Chúa cũng phải thương bà. Bà có lòng tin như một người ngoại khác là viên bách quan kia: “Thưa Thầy, tôi chẳng đáng Thầy vào nhà tôi, song xin Thầy chỉ phán một lời”(Mt 8,8). Nghe vậy, Chúa Giêsu bỡ ngỡ nói với các kẻ theo Ngài: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta chưa hề gặp được lòng tin như thế nơi một người nào trong Israel’(Mt 8,10).

5. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu là người không thích phô trương, cũng không thích người ta theo Ngài vì những phép lạ. Ngài chỉ muốn âm thầm kín đáo gieo đức tin vào trong lòng người ta, và khi người ta đã tin thì người ta sẽ theo Ngài cách trung thành hơn. ”Ngài vào nhà nọ, không muốn cho ai biết (Mc 7,24).

Chúa sống như vậy, còn chúng ta thì sao? Hãy tập cho mình biết sống âm thầm như Chúa.

Newton, một nhà vật lý học và thiên nhiên học trứ danh, sau những thành công hiển hách của sự tìm tòi, ông đã viết: “Không biết thế giới nghĩ về công việc của tôi như thế nào, nhưng tôi, trong tất cả các sự tìm tòi của tôi về khoa học, tôi chỉ như một đứa trẻ con  chơi ngoài bãi biển. Có lẽ, đôi khi cũng đã tìm được những hạt sỏi tròn hơn, những vỏ hến đẹp hơn những cái bạn tôi tìm, nhưng biển mênh mông của chân lý, dưới con mắt tôi vẫn còn mầu nhiệm quá”.

Văn sĩ Walter Scott người Anh đã nói một cách rất nhũn nhặn, sau bao nhiêu năm làm việc chuyên cần: “Trong đời sống của tôi, cái dốt đã ngăn tôi lại và dày vò tôi. Người ta càng biết nhiều bao nhiêu thì lại phải khiêm nhường bấy nhiêu, người ta càng học nhiều thì lại càng thấy mình còn dốt”.  

Truyện: Giữ vững lòng tin sắt đá.

Một sĩ quan quân đội Nga đến gặp một vị linh mục Hungari và xin được nói chuyện riêng với ông. Viên sĩ quan là một chàng trai trẻ, tướng khí hung hãn và dương dương tự đắc trong tư thế của kẻ chiến thắng.

Khi cửa nhà khách được đóng lại rồi, viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói với vị linh mục rằng: “Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các linh mục bầy ra để làm mê hoặc đám dân nghèo để giúp những người giầu dễ dàng kềm hãm họ trong tình trạng ngu dốt. Bây giờ chỉ có tôi và ông, ông hãy thú nhận với tôi rằng: ông không bao giờ tin rằng  Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”.

Vị linh mục cười và trả lời rằng: “Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật”.

“Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng diễu cợt tôi”, vị sĩ quan hét lên. Anh ta rút ra một khẩu súng lục, chĩa vào đầu linh mục và hăm dọa: “Nếu ông không nhận rằng đó  chỉ là một sự dối trá, thì tôi sẽ nổ súng”.

Vị linh mục điềm tĩnh trả lời: “Tôi không thể nói như thế, Đức Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa”.

Viên sĩ quan vứt khẩu súng xuông sàn và chạy đến ôm vị linh mục. Anh ta vừa khóc vừa nói: “Đúng thế, đúng thế. Tôi cũng tin như vậy, nhưng tôi không thể tin rằng có những người dám chết vì Đức tin cho đến khi chính tôi khám phá ra điều này. Tôi xin cám ơn ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Bây giờ chính tôi  cũng có thể chết cho Đức Kitô. Ngài đã chứng minh cho tôi rằng: Điều này có thể làm được”.

 

Suy Niệm 8: Đức tin của bà mẹ người Phênixi

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Chúa Giêsu chữa con gái một phụ nữ Phênixi

- Bà là một người ngoại, nên lẽ ra theo kế hoạch hành động của Chúa Giêsu, bà không được hưởng những ơn phúc của Chúa Giêsu, bởi vì theo kế hoạch ấy, Ngài đến ban ơn cho người do thái trước. Vì thế, ban đầu Ngài đã từ chối bà bằng những lời rất nặng "Phải để cho con cái ăn no trước đã. Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con".

- Nhưng lòng tin kiên trì của bà đã biến bà thành "con cái trong nhà" nên Chúa Giêsu đã ban ơn theo lòng bà xin.

B.... nẩy mầm.

1. "Ngài vào nhà nọ, không muốn cho ai biết" Chúa Giêsu không thích phô trương, cũng không thích người ta theo Ngài vì những phép lạ. Ngài muốn âm thầm kín đáo gieo đức tin vào lòng người ta, và khi người ta đã tin thì người ta sẽ theo Ngài cách trung thành.

Nhưng hình như môn đệ Chúa ngày nay không theo cùng một đường lối đó thích phô trương những sự "vĩ đại" của Giáo Hội, của nhà thờ, của tổ chức Giáo Hội, mà quên đi điều cốt yếu hơn là gieo niềm tin vào lòng người.

2. Đức tin của người phụ nữ Phênixi này là nguyên do khiến bà được ơn Chúa. Ta hãy nhìn lại đức tin của bà

- một đức tin khiêm tốn chịu nhận làm "chó con"

- một đức tin kiên trì dù bị từ khước ban đầu nhưng vẫn không nản lòng.

- một đức tin phó thác Chúa Giêsu bảo bà "cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi". Dù chưa thấy hiệu quả nhưng vì tin Lời Chúa, bà ra về.

3. Chính nhờ Chúa Giêsu đã thử thách đức tin của bà này bằng những lời rất nặng, nên Ngài mới biết được đức tin của bà rất mạnh.

Cũng vậy, đức tin của ta có được thử thách thì mới chứng tỏ là một đức tin thật.

Xin cho con kiên trì chịu đựng những thử thách về đức tin.

3. Một người da trắng và một người thổ dân cùng nghe giảng. Người thổ dân cảm động và xin nhập đạo ngay. Còn người da trắng cũng cảm động nhưng cả năm sau mới nhập đạo. Trong một buổi phụng vụ, người da trắng hỏi

- Tôi phải mất một thời gian mới có lòng tin, sao anh có lòng tin sớm thế? Người thổ dân đáp

- Này bạn, để tôi nói cho bạn nghe. Có vị hoàng tử hứa cho chúng ta chiếc áo mới.  Bạn nhìn vào áo mình, tự nhủ áo mình còn đẹp, để mai sau hãy lấy. Còn tôi, tôi nhìn vào tấm chăn cũ kĩ của mình, thấy nó chẳng ra gì, nên vội vàng đến nhận áo mới. Bạn ạ, bạn đã có chút khôn ngoan, nên bạn còn muốn dùng chúng. Còn tôi, tôi không có, nên tôi mau mắn đón nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. (Góp nhặt)

4. - Phải để con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.

- Thưa Ngài đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.

- Vì bà đã nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi (Mc 7,27-29)

Trong cuộc đối thoại thú vị ấy, người phụ nữ ngoại đạo đã dành phần thắng con gái chị được khỏi bệnh; và Chúa Giêsu cũng được lợi giúp một người thoát khỏi cảnh khốn cùng.

Đúng là một cuộc đối thoại thành công mà bí quyết thuộc về cả hai phía chị phụ nữ khiêm tốn với ý chí và đức tin mạnh mẽ; Chúa Giêsu thì hiền hòa, linh hoạt trong cách làm việc.

Tôi chợt nghĩ đến những cuộc đối thoại hôm nay giữa các vị nguyên thủ quốc gia, giữa tôi với Chúa, giữa tôi với anh em…

Lạy Chúa, xin cho loài người chúng con biết đối thoại để thế giới này hạnh phúc hơn. (Epphata)

 

Suy Niệm 9: Bà mẹ ngoại giáo vững tin

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu chữa bệnh cho người con gái của một phụ nữ Phênisi:

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu là người không thích phô trương, cũng không thích người ta theo Ngài vì những phép lạ. Ngài chỉ muốn âm thầm kín đáo gieo đức tin vào trong lòng người ta, và khi người ta đã tin thì người ta sẽ theo Ngài cách trung thành hơn. “Ngài vào nhà nọ, không muốn cho ai biết” (Mc 7,24).

Chúa sống như vậy. Còn chúng ta thì sao?

Hãy tập cho mình biết sống âm thầm như Chúa.

Newton, một nhà vật lý học và thiên văn học trứ danh, sau những thành công hiển hách của sự tìm tòi, ông đã viết:

- Không biết thế giới nghĩ về công việc của tôi như thế nào, nhưng tôi, trong tất cả các sự tìm tòi của tôi về khoa học, tôi chỉ như một đứa trẻ con chơi ngoài bãi biển. Có lẽ, đôi khi cũng đã tìm được những hạt sỏi tròn hơn, những vỏ hến đẹp hơn những cái bạn tôi tìm, nhưng biển mênh mông của chân lý, dưới con mắt tôi vẫn còn mầu nhiệm quá.

Văn sĩ Walter Scott người Anh đã nói một cách rất nhũn nhặn, sau bao nhiêu năm làm việc chuyên cần:

-Trong đời sống của tôi, cái dốt đã ngăn tôi lại và dày vò tôi. Người ta càng biết nhiều bao nhiêu thì lại càng phải khiêm nhường bấy nhiêu, người ta càng học nhiều thì lại càng tự thấy mình còn dốt.

Socrate đã nói rất có lý:

- Bậc hiểu biết cao nhất của con người là biết được rằng mình chưa biết gì cả.

Và Sénèque cũng đã viết:

- Đừng tưởng mình là khôn ngoan, mới là khôn.

Ở Hungary có câu châm ngôn rất đúng:

- Nếu anh thông minh, anh đừng khoe khoang.

Người ta thường nói: gà cục tác nhiều thì đẻ trứng ít.

Một hôm, Alcibiade khoe với Socrate là thầy dạy mình về những lãnh thổ mênh mông của ông chung quanh vùng Athènes. Socrate liền mở bản đồ ra hỏi:

- Hãy chỉ cho tôi biết Á Đông ở đâu?

Alcibiade chỉ đúng cái lục địa rộng lớn ấy.

- Đúng! bây giờ chỉ cho tôi biết Hy Lạp ở đâu?

Alcibiade vẫn chỉ đúng.

- Đâu là Péloponèse, Socrate vẫn hỏi.

Alcibiade cố gắng mãi mới tìm thấy cái chấm nhỏ trong bản đồ.

-Vịnh Attique ở đâu?

Alcibiade thấy vịnh Attique là một cái chấm nhỏ quá gần như không trông thấy, Socrate kết luận: - Đó, bây giờ hãy cho tôi biết phần đất rộng lớn của anh chỗ nào!

Alcibiade nhận ra lãnh thổ của mình không đáng một phần nhỏ nào trong bản đồ.

Như vậy, chúng ta thấy cuộc sống của mỗi người đâu có gì đáng tự hào mà phải khoe khoang, phô trương.

2. Người đàn bà trong câu chuyện hôm nay là tấm gương cho chúng ta về vấn đề này. Đối với Chúa quả là bà ta chẳng là gì. Chúng ta hãy xem cách bà đối thoại với Chúa, chúng ta sẽ thấy điều đó:

Trước hết chúng ta thấy bà là một người rất khiêm tốn: chịu nhận làm “chó con”

Thứ đến bà có một đức tin kiên trì: dù bị khước ngay từ lúc đầu bằng những lời rất nặng nề nhưng bà vẫn không nản lòng, lòng tin của bà không hề lay chuyển.

Và cuối cùng, bà có một lòng phó thác mạnh mẽ nơi Chúa: Chúa Giêsu bảo bà “Cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi”(Mc 7,29). Dù chưa thấy hiệu quả trước mắt, nhưng vì tin Lời Chúa nên bà ra về.

Trong cuộc đối thoại thú vị này, người phụ nữ đã dành được phần thắng: con gái của bà đã được khỏi bệnh, và Chúa Giêsu cũng được lợi: vì đã giúp được một người thoát khỏi cảnh khốn cùng.

Đây quả là một cuộc đối thoại thành công mà bí quyết thuộc về cả hai phía: Người đàn bà thì khiêm tốn với ý chí và đức tin mạnh mẽ, không có một chút phô trương tự mãn nào nơi người bà, còn Chúa Giêsu thì hiền hòa, linh hoạt trong cách làm việc. Kết quả quá đẹp. Đẹp cả cho Chúa và đẹp cả cho người đàn bà.

Phần chúng ta không biết cho đến bao giờ chúng ta mới học được sự khiêm nhường của người đà bà này và không biết đến bao giờ chúng ta mới học được sự hiền hòa như Chúa Giêsu trong câu chuyện chúng ta vừa được nghe.

Thánh nữ Syncletica nói: “Bảo tàng sẽ mất giá trị khi bị phơi bày, nhân đức khi phô trương cũng tan biến như vậy; sáp tan chảy lúc để gần lửa thế nào, thì linh hồn cũng bị hư hoại vì lời ca tụng và mất hết mọi thành quả lao nhọc của mình như vậy”.

Xem ra có vẻ rất khó, nhưng nếu chúng ta biết cậy dựa vào ơn của Chúa, tôi tưởng chúng ta có thể làm được.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì

nhận lấy những thất bại trong cuộc đời

cũng như mọi đau khổ của Thập Giá,

xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách

chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,

thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến

và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng

chúng con không thể nên hoàn thiện

nếu như không biết từ bỏ chính mình

và những ước muốn ích kỷ.

Xin làm cho chúng con biết trở nên giống Chúa mỗi ngày. Amen.

 

Suy Niệm 10: Kiên trì trong lời khẩn cầu

(Lm. Gio-an Trần Văn Viện)

Trong bài phúc âm hôm nay, Thánh Mác-cô thuật lại cho chúng ta câu chuyện của một người đàn bà ngoại giáo đang khẩn xin Chúa Giê-su chữa cho con gái của bà đang bị quỷ ám. Đây là một lời khẩn cầu rất chính đáng của một người mẹ đang rất lo lắng, quan tâm đến người con gái nhỏ của mình. Nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su có vẻ làm chúng ta ngạc nhiên. Chúa đã thẳng thắn từ chối lời kêu xin của bà với những lời nói cứng rắn, khó nghe: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”. Qua lời này, Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh sứ mạng của Người là đến cứu những con chiên lạc nhà Ít-ra-en (x. Mt 15, 24).

Chắc chắn người đàn bà kia hiểu được ẩn ý trong câu nói của Chúa vì bà biết rằng người Do Thái thường dùng hình ảnh “con chó” để nói về người ngoại giáo (x. 1 Sam 17, 43), còn họ luôn tự hào rằng mình là con cái Thiên Chúa. Trước những lời lẽ có chút “sỉ nhục” đó, bà vẫn hạ mình chấp nhận nhưng bà không từ bỏ để tiếp tục khẩn cầu lên Chúa và đòi chút quyền lợi cho đứa con gái: “chó con” có quyền ăn những miếng bánh vụn của đám trẻ nhỏ rớt xuống từ trên bàn. Chính sự kiên trì trong lời khẩn cầu tới Chúa mà bà đã được Người đáp lời. Chúa Giê-su đã trục xuất quỷ khỏi người con gái của bà. Niềm tin mạnh mẽ của bà nơi Chúa mặc cho Ngài thử thách đã giúp bà đạt được ước nguyện của mình (x. Mt 15, 28).

Mỗi chúng ta thử đặt mình vào vị trí của người đàn bà ngoại giáo này để xem phản ứng của chúng ta ra sao sau khi nghe lời từ chối chữa lành của Chúa Giê-su. Có thể nhiều người chúng ta sẽ bỏ đi vì cảm thấy mình bị Chúa coi thường, không để tâm đến. Cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta cũng sống xa Chúa như những người dân ngoại nhưng khi gặp những nghịch cảnh, đau khổ, bệnh tật hay một nhu cầu cần thiết… chúng ta thường chạy ngay đến Chúa để xin Người ban ơn, cứu giúp. Có thể Chúa vẫn thinh lặng, không nói lời nào và dường như Ngài chẳng đoái nhìn đến chúng ta. Nhưng chúng ta đừng từ bỏ mà hãy giữ vững niềm tin và tha thiết khẩn cầu lên Chúa. Chắc chắn Ngài sẽ rủ thương và đáp lại những ước nguyện của chúng ta.

 

Suy Niệm 11: Bà mẹ ngoại giáo với niềm tin

(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc)

1. Người Mẹ

Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về một người mẹ. Vậy, trước hết chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho từng người chúng ta quà tặng tuyệt vời là mẹ của chúng ta, là tất cả các phụ nữ trong cuộc đời của chúng ta: những người thân yêu, những người yêu mến chúng ta, những người chúng ta yêu mến, và nhất là Đức Maria. Nhận ra người này là ơn huệ Thiên Chúa ban cho người kia, sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn, xung khắc và cả sự dữ cùng với những gì thuộc về sự dữ nữa (quên ơn, nghi ngờ, ham muốn, ghen tị, bạo lực…), để sống yêu thương, bao dung, tha thứ và hiệp nhất, ngay trong những lúc khó khăn nhất, những khác biệt và những khi thử thách nhất.

Chúng ta được mời gọi hình dung ra nỗi khổ của người mẹ được bài Tin Mừng hôm nay kể lại: bà là người Hi-lạp, gốc Phê-ni-xi, thuộc xứ Xy-ri, có đứa con gái bị quỉ ám; nhưng chắc chắn, không chỉ có người mẹ đau khổ, nhưng là cả nhà và những người thân quen. Dường như thời xưa, ma quỉ không có nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp hay mặt nạ hóa thân, nên hay ám người ta cách trực tiếp. Nhưng ngày nay, lối sống của loài người chúng ta đang cung cấp cho ma quỉ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp và mặt nạ hóa thân: trò chơi đủ loại, phim ảnh, khoái lạc, bạo lực, gian dối, tiền bạc, danh vọng, phương tiện hưởng thụ… Vì thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, có rất nhiều cha mẹ đau khổ vì con cái, không phải vì bị ma quỉ ám, nhưng bị ám, thậm chí “giam cầm” trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, vô ơn, đam mê phương tiện và thú vui, hưởng thụ, bạo lực, tự do luyến ái, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống….

Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn, là khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, nghĩa là bị quỉ ám trực tiếp như một số trường hợp mà các Tin Mừng kể lại hay như chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nghe nói ngày nay. Chúng ta, những người con, có bao giờ chúng ta thật sự đặt mình vào những những âu lo, những nỗi khổ của cha mẹ chúng ta chưa? Chúng ta, những người trẻ đang được huấn luyện, chúng ta có bao giờ cảm thông với những trăn trở và bận tâm của những người huấn luyện và những người các trách nhiệm chưa?

2. Lòng tin của Người Mẹ

Trở lại với người mẹ đau khổ trong bài Tin Mừng, chúng ta chắc chắn rất ngạc nhiên, khi nghe lời đáp của Đức Giê-su, khi bà mẹ xin Ngài trừ quỉ cho con gái bà:

Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con. (c. 27)

Thái độ của Đức Giê-su làm cho chúng ta kinh ngạc, nhưng lòng tin mạnh mẽ và khôn ngoan của bà mẹ cũng phải làm cho chúng ta ngạc nhiên không kém:

  • Lòng tin mạnh mẽ, vì bà kiên trì kêu xin (x. Mt 15, 21-28).
  • Lòng tin khôn ngoan, vì bà dựa vào chính Lời Chúa để diễn tả lòng ước ao của mình: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”! (c. 28)

Trong lời nói tuyệt vời của người mẹ khiến Đức Giê-su phải động lòng này, chúng ta còn nhận thấy thái độ khiêm tốn không ghen tị: bà tự nhận mình là thân phận dân ngoại và không ghen tị với dân được chọn là Israel.

Khiêm tốn không ghen tị, đó chính là tâm tình sâu xa mà Chúa chờ đợi và Lời của Ngài muốn khơi dậy nơi bà, nơi mọi người chúng ta, khi trong lịch sử cứu độ, Chúa ưu tiên đi vào tương quan với một dân tộc, với một số người được tuyển chọn, để qua đó bày tỏ cho chúng hiểu, thế nào là tình yêu Thiên Chúa. Bởi lẽ tình yêu chỉ có thể được diễn tả và được hiểu trong tương quan đặc thù “một-một”. Và vì đó là tình yêu Thiên Chúa, nên mọi người được mời gọi “khiêm tốn không ghen tị”, mở lòng ra để đón nhận cũng một tình yêu thương xót như thế, được ban cho từng người, vốn là “những người ngoại”, như người phụ nữ có lòng tin mạnh mẽ. Kế hoạch yêu thương như thế của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đức Ki-tô, nơi Người, không còn phân biệt Do thái và dân ngoại, tự do và nô lệ, người nam và người nữ… Những gì Đức Giê-su thực hiện cho người mẹ đã loan báo sự hoàn tất này, sự hoàn tất mà chính Đức Giê-su sẽ thực hiện ngang qua mầu nhiệm Vượt Qua.

3. “Bà cứ về đi”

Cuối cùng, vẫn còn một điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên nữa: lòng tin của người mẹ cứu được người con. Đức tin của người này cứu được người kia; chính vì thế chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, cho người còn sống, cũng như cho người đã chết. Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta. Vì Chúa là tình yêu, Ngài cũng mến thương những người chúng ta thương mến trong Chúa.

Chân lí này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Đó là trường hợp bà góa thành Na-in có đứa con nhỏ chết sớm: vì thương người Mẹ đau khổ, mà Chúa đã cứu người con; đó là trường hợp những người khiêng kẻ bại liệt từ trên mái nhà thả xuống trước mặt Chúa: nhìn thấy lòng tin của họ, Ngài đã cứu chữa người bệnh; và còn nhiều trường hợp khác nữa, như người cha có đứa con gái nhỏ bị bệnh nặng sắp chết, như người chủ có anh đầy tớ bệnh liệt giường; và ơn cứu độ được ban cho cả nhà, nhờ vào hành trình đến với Đức Giê-su và tin vào Ngài của một mình ông Gia-kêu: “ Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19, 9). Cùng một lúc và thật là quảng đại, Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà ông Gia-kêu.

Có thể nói, đây chính là một tin vui, là NIỀM VUI TIN MỪNG (Evangelii Gaudium). Và tin vui này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng khi chúng ta cầu nguyện cho nhau, nhất là cho những người thân yêu đã qua đời. Mỗi người chúng ta hãy khát khao và xin Chúa ban cho chúng ta ơn huệ lớn lao này, đó là xin Chúa cũng công bố rằng, ơn cứu độ đã đến cho gia đình và Gia Quyến của chúng ta, cho cả cộng đoàn, cho cả giáo xứ. Ơn cứu độ chính là ơn được giải thoát khỏi sự chết, để sống sự sống mới và sống sự sống mới này mãi mãi với Chúa và với nhau, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời. Và Chúa đã làm cho ơn cứu độ đời đời trổ sinh hoa trái dồi dào ngay hôm nay.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 29/04/2024 – Thứ Hai tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Những giới hạn. (28/04/2024 10:00:00 - Xem: 264)

Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

+ Chúa Nhật 28/04/2024 – CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH năm B. – Cây nho nối kết cành nho. (27/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,130)

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH năm B.

Thứ Bảy 27/04/2024 – Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh. – Cầu nguyện nhân danh Chúa. (26/04/2024 10:00:00 - Xem: 2,980)

Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Sáu 26/04/2024 – Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh. – Ðường về quê trời. (25/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,727)

Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Năm 25/04/2024 – Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh – THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính. – Sư Tử Có Ðôi Cánh.  (24/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,580)

THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.

Thứ Tư 24/04/2024 – Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh. – Ðức tin là ánh sáng. (23/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,910)

Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Ba 23/04/2024 – Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh. – Sự thật cứu rỗi. (22/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,024)

Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Hai 22/04/2024 – Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh. – Chúa chiên lành. (21/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,687)

Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh.

+ Chúa Nhật 21/04/2024 – CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH năm B. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu Linh mục và tu sĩ – Mục tử tốt lành. (20/04/2024 10:00:00 - Xem: 6,209)

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH năm B. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu Linh mục và tu sĩ

Thứ Bảy 20/04/2024 – Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh. – Biết chọn lựa. (19/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,283)

Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7