Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 30 TN năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 826
  • Ngày đăng: 25/10/2023 05:55:38

ĐIỀU RĂN LỚN NHẤT

Chúa Nhật 30 Thường Niên năm A : Mt 22, 34-40

 

Yêu và được yêu là nhu cầu tối hảo chi phối toàn diện đời sống làm người. Nơi mỗi người chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho cả Thiên Chúa và cho mọi người. 

 

 

Suy niệm

Luật Cựu Ước gồm 613 điều: 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Giữa một rừng điều răn như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu: “Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?”. Ngài đã trả lời bằng một câu trong kinh Shema mà người Do thái đọc mỗi ngày, và một câu trong Sách Thứ luật là: phải yêu mến Thiên Chúa hết mình (Tl 6, 5), và yêu thương tha nhân như chính mình. (x. Lv 19, 18). Tất cả mọi điều răn được tóm trong một động từ “Yêu”. Tình yêu là cốt lõi của đời Kitô hữu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8).

 

Yêu và được yêu là nhu cầu tối hảo chi phối toàn diện đời sống làm người. Nơi mỗi người chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho cả Thiên Chúa và cho mọi người. Sự tóm gọn này xuất hiện rõ rệt nơi thánh Gioan, là chuyên gia nói về “yêu”, mà thường không phân biệt đâu là yêu Thiên Chúa và đâu là yêu tha nhân. Tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân trong chúng ta đã hòa quyện nên một. Vì thế, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương tha nhân, “vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4, 20).

 

Ai cũng muốn yêu và muốn được yêu, nhưng mấy ai đã tập yêu và biết yêu? Yêu là bước vào một khung trời bao la luôn tươi mới, là mở ra một chặng đường dài trong sự dấn thân và không ngừng chinh phục chính mình. Đó là điều ít ai ý thức được nên thường lầm lạc và gây vấp phạm khi yêu. Chúng ta chẳng bao giờ thấy mình có thể yêu cho đủ, vì tình yêu vẫn luôn vẫy gọi ở phía trước, và đưa bước ta đi qua những nẻo đường luôn mới lạ. Giới hạn tình yêu là bóp chết tình yêu.

 

Đối với Kitô hữu, tiếp nhận Thiên Chúa và tiếp nhận tha nhân cũng như nhau (x. Mt 10, 40). Càng yêu thương tha nhân càng chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa. Làm ơn cho tha nhân là làm cho chính Chúa. Mình với Chúa và tha nhân là một trong nhau, hay nói cách khác là Ba trong Một. Tình yêu Chúa mời ta mở lòng ra để đón nhận những tư duy mới, các khả năng mới như một cách thức của Lời Chúa. Khép kín trước thực tại hay bất cứ ai, là khép kín khả năng có thể tái sinh chính mình. Không thể rút lui khỏi cuộc đời để đi tìm kiếm Chúa.

 

Cần nghe tiếng Chúa nơi tiếng người khác, thấy bóng dáng Chúa nơi anh em, biết ý Chúa qua ý người bên cạnh, phục vụ Chúa bằng phục vụ tha nhân, sống với Chúa qua việc sống với mọi người. Chính nơi mỗi người, dù với diện mạo tầm thường và tính cách hèn kém, Thiên Chúa vẫn luôn có thể tỏ lộ cho ta huyền nhiệm của Ngài. Ta nên kính trọng và tập nhìn mọi người anh em bằng con mắt đức tin, để cảm nhận sự hiện diện của Chúa đang sống động trong từng người, và Ngài luôn có những điều muốn nói với ta trong mọi hoàn cảnh.

 

Người ta tìm thấy trong trang nhật ký cuối cùng của một vị tu sĩ già khi qua đời như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và linh hồn tôi”. Qua đó ta hiểu được khi từ chối tha nhân cũng là từ chối Thiên Chúa. Con người không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa một cách mơ hồ, mà là nơi chính tha nhân. Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta. Ta yêu tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi tha nhân. Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu tha nhân đến vô cùng.

 

Trong Chúa, ta nhận ra tha nhân là anh em con một Cha, là hình ảnh Đức Kitô đang lê bước trong đời. Trong Chúa, ta nhận ra phẩm giá của một người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí. Tình yêu mến Chúa đích thực luôn đưa ta đến với cuộc sống của anh em. Tình yêu thương anh em chân thực lại đưa ta đến bên Chúa, để kín múc nơi Ngài nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao. Cuối cùng tình yêu ấy quay trở về với chính Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự “hợp nhất” toàn hảo, mà Đức Kitô đã thực hiện giữa Thiên Chúa, chính Ngài và các kẻ tin (x. Ga 17, 21…).

 

Tóm lại, trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và tha nhân đã hòa quyện làm một trong trái tim tôi. Yêu là ra khỏi cái tôi đóng kín và có khả năng cho đi chính mình. Con đường tình yêu là con đường dành cho những người thánh thiện, dám đặt Chúa lên trên hết, và dám cúi xuống để phục vụ anh chị em. Tình yêu đích thực biến tha nhân thành “một nửa của hồn tôi”. Tình yêu ấy làm cho chúng ta nên giống Đức Kitô, Đấng “yêu mến các kẻ thuộc về Ngài cho đến cùng” (Ga 13, 1).

 

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha!
Cha đã yêu con trước từ muôn thuở,
đến bây giờ muôn kiếp chẳng hề vơi,
dù can qua hay vật đổi sao dời,
tình Cha vẫn rạng ngời cao sáng mãi,
cho con luôn hy vọng ở ngày mai.

 

Ngày hôm nay Cha gọi con vào đời,
không phải để làm được những điều chi,
mà là để con sống một cuộc tình,
là cuộc tình của chính Chúa Giê-su,
vì yêu thương nhân loại đã hiến mình.

 

Ai cũng thích yêu và muốn được yêu,
bởi vì là hạnh phúc của đời người,
con chưa thể nói được mình biết yêu,
nếu như con đã chưa từng được yêu.

 

Nhưng nếu như đời con muốn được yêu,
con cần phải trở nên thật đáng yêu,
để được yêu và biết yêu hơn nữa,
chứ không thể lần lữa hay chần chừ.  

 

Xin dạy con mở rộng trái tim mình,
yêu cuộc đời yêu vạn vật khắp nơi,
yêu tha nhân như Chúa đã gọi mời,
yêu cao vời như Chúa đã yêu con.

 

Con chẳng thể làm được việc lớn lao,
như bao người có tài cao đức trọng,
cũng chẳng dám mơ cao hay ước rộng,
chỉ biết làm điều nho nhỏ Chúa mong.

 

Đó chính là tha thiết sống tình yêu,
để con được dâng hiến Chúa thật nhiều,
là điều mà đời con luôn còn thiếu,
nên con chưa giống Chúa được bao nhiêu,
xin cho con một tình mến cao siêu,
để mai ngày đạt tới phúc thiên triều. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 6 PS năm B - 2024 (01/05/2024 20:55:01 - Xem: 100)

Chúa mời gọi chúng ta trở thành những môn đệ yêu thương nhau. Chính chúng ta là những người chữa lành và tiếp thêm sức mạnh cho người khác khi chúng ta học cách cho đi và yêu thương họ.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 6 Phục sinh năm B (30/04/2024 19:02:43 - Xem: 145)

Yêu thương là điều tự nhiên trong đời sống con người. Ai cũng muốn yêu và được yêu. Tuy nhiên, tình yêu không phải là thứ tình cảm cạn cợt và hời hợt như tình đời.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 461)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 435)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 253)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 445)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 297)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 632)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 715)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7