Suy tư - Cảm nghiệm

Sức mạnh của lòng tin

  • In trang này
  • Lượt xem: 736
  • Ngày đăng: 17/08/2023 10:07:50

SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN

 

Tuổi trẻ rất mạnh mẽ, nhưng cũng dễ yếu đuối và buông xuôi trước những thử thách. Dường như chúng ta thiếu xác tín mãnh liệt về ơn gọi của mình để sống đến mức độ cuối cùng...

 

 

Suy niệm

Qua bài đọc 1, Thiên Chúa muốn mở ra ơn cứu độ cho mọi dân tộc từ dân Israel. Bài đọc 2, Thánh Phaolô xưng mình là tông đồ dân ngoại. Qua bài Tin Mừng, sau khi thử thách đức tin của người đàn bà ngoại giáo, Chúa đã ban ơn chữa lành cho người con gái của bà bị quỉ ám như lời bà cầu xin. Cả 3 bài đọc đều nằm trong một chủ đề duy nhất là Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người không từ ai. Tuy nhiên để đón nhận ơn cứu độ hay sự sống mới, con người phải vượt qua thử thách.

 

Người đàn bà đến với Đức Giêsu là một người xứ Canaan, mà dân Do Thái lại khinh ghét người ngoại bang. Do đó, khi xin Ngài chữa bệnh cho con gái, chắc bà không ngạc nhiên lắm khi thấy Đức Giêsu im lặng, còn các môn đệ Ngài tỏ ra khó chịu. Có điều lạ là bà gọi Đức Giêsu là con vua Đavít: một tước hiệu mà chỉ có người Do Thái dùng để chỉ về Đấng Mêsia. Bà cầu xin tha thiết” “Xin thương xót tôi… con gái tôi bị quỷ hành hạ dữ lắm”. Đức Giêsu không đáp lại lời nào. Còn các môn đệ thì bực bội, muốn Thầy nhậm lời bà cho xong, “vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”. Đức Giêsu liền lên tiếng:“Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”. Một câu nói từ chối rõ ràng, xem như bà không còn hy vọng gì.

 

Nhưng vì quá thương con, bà đã không bỏ cuộc, trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục khẩn khoản nài van:“Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”. Cuối cùng Đức Giêsu nói một câu nghe rất sốc:“Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Câu nói này của Đức Giêsu phản ánh cái nhìn của người Do Thái. Họ tự hào về tính ưu việt của mình trong tư cách là dân riêng của Chúa, nên họ coi khinh dân ngoại như lũ chó con. Câu nói nặng như thế mà bà không cảm thấy bị xúc phạm hay tổn thương. Trái lại, bà còn chấp nhận cái nhìn ấy và nói lên một tâm tình rất khiêm tốn: “Thưa Ngài đúng thế, nhưng lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

 

Đức Giêsu đã từng ngạc nhiên trước lòng tin của viên bách quản (x. Mt 8,10-11), thì giờ đây Ngài lại chứng kiến lòng tin phi thường của một người mẹ vì thương con mà dám xóa mình hoàn toàn. Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin, khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp mọi cản trở, vẫn hy vọng trước một tình hình xem ra bế tắc. Tấm lòng người mẹ đã chạm đến trái tim Đức Giêsu, Ngài đáp lại ngay: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Chỉ bằng một lời nói từ xa, đứa con gái của bà hoàn toàn được chữa lành. Chúa Giêsu đã thử thách và bà đã vượt qua thật ngoạn mục.

 

Đúng là ơn cứu độ trước tiên chỉ dành cho Israel. Đức Giêsu đã từng căn dặn các môn đệ như thế khi sai họ đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 10, 6). Thế nhưng Ngài không cứng nhắc và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao. Ngài vẫn lắng nghe và nhạy bén nhận ra ý Cha trong từng biến cố, để hành động đích xác trong từng thời điểm. Việc mở ra cho dân ngoại hôm nay là khởi đầu cho sứ vụ ngày mai. Vì thế mà Ngài đã đưa ra lệnh truyền cho các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Ta, làm phép rửa cho họ”. (Mt 28,19).

 

Tuổi trẻ rất mạnh mẽ, nhưng cũng dễ yếu đuối và buông xuôi trước những thử thách. Dường như chúng ta thiếu xác tín mãnh liệt về ơn gọi của mình để sống đến mức độ cuối cùng, và cũng không có cảm thức rằng số phận của người khác liên hệ đến cách sống ơn gọi của ta. Quả thật, chúng ta dễ rút lui khi bị từ chối. Người phụ nữ Canaan chứng minh cho ta thấy kiên trì là một nhân đức, vì nó lay chuyển được tấm lòng của Thiên Chúa. Bà cho thấy việc bày tỏ nguyện vọng tốt lành, nhất là để trợ giúp kẻ khác, thì không phải là chuyện yếu kém để mình phải mặc cảm, hay nổi lên tự ái và phản kháng,  nhưng là chuyện của trách nhiệm và tình liên đới trong đời sống nhân loại.

 

Thiên Chúa thường thử thách con người, nhất là những ai yêu mến Ngài, đến nỗi thánh Têrêsa Avila phải kêu lên: “Chúa đối xử với bạn thân của Chúa như vậy, hèn chi Chúa ít bạn thân là phải!”. Thật vậy, Chúa muốn là bạn thân với mỗi người, nhưng dường như con người rất sợ làm bạn thân với Chúa. Chính vì tình thân mà Chúa muốn thử thách lòng trung thành của chúng ta. Không phải để cho Chúa biết mà để cho ta và mọi người đều biết, hầu thấy những gì Chúa sẽ làm nên. Chính trong thử thách mà ta được thanh luyện để ngày càng lớn lên trong đời sống đức tin, một đức tin sống động bằng đức ái ngày càng rộng lan, để ta đáng được hưởng vinh quang với Chúa (x. Rm 8, 30).

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Có những tình cảnh thật đáng thương,
như người phụ nữ Ca-na-an, 
biết mình kẻ ngoại bang không đáng,
nhưng vẫn đến với Chúa nài van.

 

Xem ra Chúa có thái độ hững hờ,
bà đợi chờ mà Chúa vẫn làm ngơ,
thế nhưng người phụ nữ vẫn kiên trì,
cho dù Chúa ví bà như con chó,
không lấy bánh của con cái mà cho.

 

Bà cũng nhận thấy đó là hợp lý,
mà không hề có một chút tự ti.
vẫn kiên trì nói lên điều mình nghĩ,
dù chó con thì vẫn được hưởng dùng,
những bánh vụn rơi xuống từ bàn chủ.

 

Không ngờ câu bà nói quá tuyệt vời,
nhẹ nhàng và khiêm tốn với lòng tin,
nên Chúa đã cho bà được toại nguyện,
ban ơn cứu chữa như lời bà xin.

 

Có nhiều khi Chúa làm như thinh lặng,
để xem con có khao khát thật chăng?
hay cũng chỉ là được chăng hay chớ,
không thành tâm và tha thiết đợi chờ.

 

Có nhiều lần con tự ái kiêu căng,
không xứng với ơn lành mình lãnh nhận,
con quên rằng tất cả là hồng ân,
chứ bản thân con đâu có đáng gì.

 

Xin cho con luôn biết nhìn ngắm Chúa,
mở trái tim bằng hành động tự do,
để cho Chúa Thánh Thần luôn dẫn dắt,
không cứng nhắc trong nguyên tắc của mình.

 

Cho con biết linh động và thay đổi,
để ích lợi cho phần rỗi tha nhân,
để danh Cha được chiếu sáng cõi trần,

và Nước Cha lan rộng khắp muôn dân. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 298)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 304)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 212)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 409)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 267)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 612)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 696)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 255)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 514)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7