Kinh thánh - Giáo lý

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên– Năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,965
  • Ngày đăng: 22/02/2022 09:12:54

 

Lc 6,39-45

39Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. 41Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? 42Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!

43“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. 44Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! 45Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. 

 

CÂU HỎI

1. Đọc Lc 6,39. Đức Giêsu đòi người lãnh đạo trong cộng đoàn phải là người thế nào? Điều gì có thể làm người lãnh đạo bị mù? Người lãnh đạo bị mù sẽ đưa đến hậu quả nào?

2. Đọc Lc 6,40. Theo bạn, thầy ở đây có thể hiểu về ai? Chúng ta làm gì để được giống như thầy?

3. Có mấy từ người anh em của anh trong Lc 6,41-42? Người anh em ở đây là ai?

4. Khi đọc Lc 6,41-42 bạn thấy Đức Giêsu đang dùng kiểu nói nào để diễn tả?

5. Đọc Lc 6,41. Tại sao tôi thấy được cái lỗi nhỏ nơi người khác mà không thấy cái lỗi lớn nơi mình?

6. Đọc Lc 6,42. Tại sao tôi thường có khuynh hướng sửa lỗi người khác? Thế nào là người đạo đức giả?

7. Đọc Lc 6,42. Đức Giêsu dạy tôi phải làm gì khi muốn sửa lỗi người khác? Để lấy xà ra khỏi mắt mình, ta cần có thái độ nào? Tôi có cần người khác giúp tôi lấy xà không?

8. Đọc Lc 6,43-44. Hai câu này cho biết điều gì? Cây và quả tượng trưng cho điều gì?

9. Đọc Lc 6,45. Người tốt thì sản sinh ra cái tốt từ kho tàng tốt của trái tim mình. Và người xấu thì sản sinh ra cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Vậy theo bạn, để sản sinh ra cái tốt hay trái tốt, ta cần phải làm gì?

 

CÂU HỎI SUY NIỆM:

Đức Giêsu nói: Vì tim có đầy, miệng mới nói ra. Theo bạn, lời nói có phản ánh trái tim bên trong con người không? Nếu đổi lời nói, thì có đổi được trái tim không?

 

PHẦN TRẢ LỜI
 

1. Các môn đệ là những người lãnh đạo Giáo Hội. Đức Giêsu đòi họ phải là những người sáng mắt để có thể dẫn đường những ai chưa sáng mắt (Lc 6,39). Người lãnh đạo có thể mù vì nhiều lý do. Mù vì không biết mình, không thấy được khuyết điểm của mình, không có tinh thần tự kiểm thảo. Mù vì không sống kinh nghiệm thiết thân với Chúa Giêsu, không nắm vững giáo lý của Ngài, không biết cách làm cho người khác trở thành môn đệ của Chúa. Người lãnh đạo mù sẽ làm người khác lạc lối và mất ơn cứu độ.

 

2. Có thể hiểu từ “Thầy” ở Lc 6,40 là Thầy Giêsu. Trong cộng đoàn tín hữu, kitô hữu là người học trò được huấn luyện đầy đủ, chỉ mong được nên giống Thầy Giêsu, bằng cách noi gương Thầy (1 Cr 11,1), có những cảm nghĩ của Thầy (Pl 2,5), và để Thầy sống trong mình (Gl 2,20).

 

3. Trong Lc 6,41-42 có 3 cụm từ “người anh em của anh” [bản dịch đã bỏ “của anh”]. Người anh em ở đây để chỉ những người trong cộng đoàn tín hữu.

 

4. Đức Giêsu đã sử dụng lối nói ngoa ngữ hay thậm xưng (hyperbole) ở Lc 6,41-42. Ai cũng biết là cái xà rất to không thể nào ở trong mắt người ta được. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh việc người ta có thể không nhận ra một khuyết điểm rất lớn nơi mình.

 

5. Thấy được lỗi rất nhỏ nơi người khác nhưng lại không để ý tới cái lỗi rất to nơi mình: đây là một khuynh hướng phổ biến nơi con người, thu nhỏ cái xấu của mình và phóng đại cái xấu của người khác. Nó bắt nguồn từ việc không ai muốn thấy cái tôi xấu xí của mình. Hơn nữa, vì ai cũng muốn mình hơn người khác, nên dễ soi mói, tập trung hơn vào cái xấu xí của người khác.

 

6. Sửa lỗi người khác bao giờ cũng dễ hơn sửa lỗi chính mình. Ai cũng muốn làm điều dễ: lấy cọng rơm khỏi mắt người khác thì dễ hơn lấy xà khỏi mắt mình. Người “đạo đức giả” là người tự lừa dối mình, cứ chăm chăm đi giúp người khác lấy cọng rơm ra khỏi mắt, nhưng lại để yên cái xà nơi mắt mình.

 

7. Đức Giêsu không cấm ta sửa lỗi người khác khi cần, vì lòng bác ái. Nhưng Ngài đòi ta sửa lỗi chính mình trước, bằng tự kiểm, tự phê. Nhờ đó ta đủ sáng mắt để thấy rõ và sửa lỗi người khác. Lấy xà ra khỏi mắt mình là điều khó. Ta cần khiêm tốn và xin người khác giúp đỡ để làm việc này.

 

8. Luca 6, 43-44 là một ẩn dụ dùng hình ảnh cây và quả (= trái). Giữa cây và quả có mối tương quan mật thiết. Cây thế nào thì ra quả thế ấy: cây tốt sinh quả tốt, cây xấu sinh quả xấu (c.43). Cây giống nào thì ra quả giống ấy: bụi rậm, bụi gai không sinh trái nho, trái vả (c.44). Từ đó có nguyên tắc: xem quả thì biết cây.

 

9. Từ ẩn dụ trên đây, Đức Giêsu nói đến cái tốt, cái xấu từ trái tim (= từ lòng con người). Tim tốt thì sinh ra cái tốt, tim xấu thì sinh ra cái xấu. Cứ nhìn cái xấu, cái tốt thì biết được trái tim con người. Vậy nếu muốn có cái tốt hay trái tốt thì cần đổi trái tim.

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 85)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 164)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 208)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 163)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 258)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 328)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 315)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 251)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 319)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 254)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7