Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 31 TN năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,041
  • Ngày đăng: 03/11/2023 07:28:53

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN, NĂM A

 

Nhu cầu được công nhận, được đánh giá cao, được mọi người biết đến tên tuổi của con người có thể mang một cái giá rất bi thảm.

 

 

1/ TỰ CAO

Chuyện kể về một con sư tử rất kiêu hãnh. Một ngày nọ, nó quyết định đi nghênh ngang trong rừng để chứng tỏ khả năng làm chủ của mình đối với tất cả các con vật khác. Nó sải bước xuyên qua cánh rừng cho đến khi gặp một con gấu. Nó hỏi: “Vua rừng là ai, gấu?” “Tất nhiên là anh rồi, sư tử dũng mãnh.” Nó tiếp tục đi cho đến khi tìm thấy con hổ. Nó vênh vang: “Vua rừng là ai, hổ?” “Chính là anh, thưa đại ca”. Tiếp theo sư tử thấy con voi: “Vua rừng là ai, voi?” Con voi ngay lập tức dùng vòi tóm lấy con sư tử và xoay nó vài vòng rồi đập nó xuống đất. Sau đó, nó giẫm lên sư tử vài lần, nâng nó lên và dìm nó xuống nước rồi ném nó vào một cái cây. Con sư tử loạng choạng đứng dậy và nói: “Khoan nào, chỉ vì bạn không hiểu các câu trả lời, nên không cần phải bất bình như vậy.”

* Sư tử không hiểu cuộc sống. Nó đã đánh mất sự thật, giống như nhiều kinh sư, người Pharisêu và tư tế Do Thái mà Chúa Giêsu đã tuyên bố một cách vô cùng mạnh mẽ trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

2/ BẤT NHẤT

Thomas Jefferson là người soạn thảo chính Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Người ta không thể không ngưỡng mộ sự rành mạch và mạnh mẽ của ngôn từ: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.” Thomas Jefferson cũng là một trong những người ký Tuyên ngôn. Nhưng thật ngạc nhiên khi biết rằng Jefferson và một số người ký kết khác lại là chủ nô. Một trong những điều trớ trêu trong lịch sử là họ đã từ chối hàng triệu người cái quyền tự do mà họ đang đòi hỏi cho chính mình. Điều này minh họa sự chênh lệch to lớn giữa khát vọng của con người và cách hành xử của họ.

* Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ trích các tư tế và người Pharisêu thời đó vì sự bất nhất trong con người của họ. (Flor McCarthy in New Sunday and Holy Day Liturgies; quoted by Fr. Botelho).

 

3/ BỆNH TỰ ÁI

Chúng ta có thể nói rằng một người nào đó trong thời đại chúng ta có tính kiêu ngạo cho mình là trung tâm, là mắc bệnh Tự ái. Cái tên này xuất phát từ thần thoại Hy Lạp và ám chỉ một chàng trẻ đẹp trai tên là Narcissus, một thợ săn kiêu hãnh. Anh là con trai của Thần sông Cephissus và nữ thần Liroipe và nổi tiếng với vẻ đẹp hình thể hoàn hảo. Narcissus kiêu ngạo và khinh thường những người yêu mến anh. Hành vi này của anh đã xúc phạm đến Nemesis (nữ thần trừng phạt những hành động xấu xa, và tính kiêu ngạo thái quá). Nữ thần đã lôi kéo chàng trai trẻ đến một cái giếng trong veo, nơi anh nhìn thấy và yêu vẻ đẹp của hình bóng người anh nhìn thấy phản chiếu ở đó. Anh ta bị ám ảnh bởi hình ảnh mình nhìn thấy, không ăn không uống, và cuối cùng chết (Wikipedia: Narcissus, Nemesis).

* Cả ngôn sứ Malachi trong bài đọc thứ nhất lẫn Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đều phản ứng mạnh mẽ chống lại lòng tự ái như vậy nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo ở thời đại của các ngài. Kinh Thánh hôm nay cũng đưa ra lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với chúng ta..

 

4/ DỐI TRÁ

Một người đàn ông đi công tác về được vợ đón ở cổng sân bay. Họ cùng nhau bước ra khỏi cổng và đứng đợi hành lý được dỡ xuống. Một cô tiếp viên vô cùng quyến rũ bước ngang qua. Đột nhiên, người đàn ông rất phấn chấn. Tươi cười rạng rỡ, anh nói với cô tiếp viên: “Tôi hy vọng chúng ta có thể bay cùng nhau lần nữa, cô Jones.” Vợ anh nghi ngờ hỏi: “Sao anh biết tên cô ấy?” Người đàn ông trả lời trôi chảy: “Em thấy đấy, em yêu, tên của cô ấy được dán ngay phía trước máy bay, dưới ngay tên của phi công và phi công phụ.” Người vợ trả lời: “Được rồi, bây giờ hãy cho tôi biết tên của phi công chính và phi công phụ”.

* Sự đạo đức giả của người đàn ông đã bị vạch trần. Chúa Giêsu phê phán thói đạo đức giả trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

5/ MUỐN NỔI TIẾNG

Vào thời Hy Lạp cổ đại, một điều khủng khiếp đã xảy ra tại một trong những ngôi đền. Một đêm nọ, bức tượng thần Zeus bị đập vỡ và xúc phạm một cách bí ẩn. Một sự náo động lớn đã nảy sinh trong cư dân. Họ sợ các vị thần trả thù. Người mõ làng của thị trấn đi dọc trên các đường phố trong thành ra lệnh cho tên tội phạm phải có mặt ngay lập tức trước các Trưởng lão để nhận hình phạt xứng đáng cho hắn. Thủ phạm đương nhiên không có ý định trình diện. Quả thực, một tuần sau, một bức tượng khác của một vị thần lại bị phá hủy. Bấy giờ người ta nghi ngờ rằng một kẻ điên đã được thả rông. Lính canh được bố trí khắp nơi. Cuối cùng sự cảnh giác của họ đã được đền đáp; thủ phạm đã bị bắt. Người ta hỏi nó: “Mày có biết số phận nào đang chờ đợi không?” Nó trả lời, gần như rất vui: “Ừ, cái chết.” “Mày không sợ chết sao?” Nó trả lời: “Tôi sợ chết chứ.” Họ hỏi: “Vậy tại sao mày lại phạm một tội mà mày biết là có thể bị trừng phạt bằng cái chết?” Người đàn ông nuốt khan rồi trả lời: “Tôi chẳng là ai cả. Cả đời tôi chẳng là ai cả. Tôi chưa bao giờ làm được điều gì để bản thân được nổi tiếng, và tôi biết mình sẽ không bao giờ được như vậy. Tôi muốn làm điều gì đó để mọi người chú ý đến tôi…và nhớ đến tôi.”

* Nhu cầu được công nhận, được đánh giá cao, được mọi người biết đến tên tuổi của con người có thể mang một cái giá rất bi thảm.

 

6/ KIÊU NGẠO

Xưa có một nhà khoa học đã học được nghệ thuật nhân bản mình một cách hoàn hảo đến mức người ta không thể phân biệt được bản sao với bản gốc. Một ngày nọ, anh biết được thần chết đang tìm kiếm mình nên đã tạo ra hàng tá bản sao của chính mình. Thiên thần bối rối không biết ai trong số mười ba mẫu vật trước mặt mình là nhà khoa học thật. Vì vậy, ngài để họ vậy và trở về Thiên đàng. Nhưng không lâu sau, vì là đấng biết rõ bản tính con người, thiên thần đã nghĩ ra một thiết bị thông minh. Ngài nói với nhà khoa học và 12 bản sao trước mặt ông ta: “Thưa ông, ông hẳn phải là một thiên tài mới có thể thành công trong việc tạo ra những bản sao của chính mình hoàn hảo như vậy. Tuy nhiên, tôi đã phát hiện ra một sai sót trong tác phẩm của ông, chỉ một sai sót nhỏ thôi.” Nhà khoa học bị xúc phạm ngay lập tức nhảy ra khỏi đám nhân bản của mình và hét lên: “Không thể nào được. Sai sót ở đâu?” “Ngay tại đây,” thiên thần nói và tóm lấy nhà khoa học từ trong số các bản sao và mang ông ta đi. [Anthony de Mello, Taking Flight]

* Bạn sẽ tìm thấy những người kiêu hãnh trong mọi ngành nghề và trong đời sống đức tin.

 

7/ KHIÊM TỐN

Một tu sĩ được chỉ định làm tu viện trưởng đã bỏ tu viện này để đến tu viện khác. Khi vị bề trên mới lặng lẽ đến nhiệm sở mới mà không được báo trước về vai trò của ông, các tu sĩ thánh thiện đã kiểm tra con người tầm thường và phong thái không mấy ấn tượng của ông. Họ ngay lập tức chỉ cho ông đến phụ trách nhà bếp của họ với những công việc tầm thường nhất. Không hề phàn nàn, vị bề trên mới của họ đã dành nhiều giờ để cọ rửa nồi niêu xoong chảo, rửa nền nhà và tách vỏ đậu. Cuối cùng, vị giám mục của giáo phận đến tu viện. Khi không thấy vị tu viện trưởng đã được chỉ định, ngài đi tìm kiếm. Tất nhiên, ngài tìm thấy ông đang ở trong bếp, chuẩn bị bữa tối. Khi Đức Giám mục chính thức giới thiệu Vị tân viện trưởng này cho các tu sĩ trong nhà nguyện, họ đã nhận được một bài học về lòng khiêm nhường cao độ, một bài học sẽ theo họ suốt đời. William Barclay (Cha Botelho).

 

8/ ĐƯỢC NHÌN NHẬN

Lễ tang của các hoàng đế Áo từng diễn ra tại Nhà thờ St. Steven ở Vienna. Nhưng trước khi thi thể của vị hoàng đế quá cố được cho phép vào thánh đường để cử hành tang lễ, có một nghi lễ phải diễn ra. Khi viên chức phụ trách đến gần cổng nhà thờ, thì cửa được khóa. Sau đó, viên chức sẽ gõ cửa ra hiệu cho quan tài được vào. Khi nghe thấy tiếng gõ cửa, một linh mục từ trong nhà thờ hỏi: “Ai muốn vào đây?” Viên chức thưa: “Thưa ngài, hoàng đế!” Linh mục trả lời: “Tôi không biết ông ấy.” Tiếp theo là tiếng gõ thứ hai và một câu hỏi tương tự được hỏi. Lần này viên chức tuyên bố: “Hoàng đế tối cao”. Một lần nữa, “Tôi không biết ông ấy” lại vang lên qua cánh cửa bị khóa. Cuối cùng, tiếng gõ thứ ba vang lên. Linh mục hỏi: “Đó là ai?” Lần này câu trả lời chính thức là: “Một tội nhân tội nghiệp, người thân của ngài, xin cho được thừa nhận!” “Sự cho phép đã được chuẩn nhận: tội nhân hãy đi vào! Ông đã được chúng tôi biết đến.” Sau đó cánh cửa được mở ra và tang lễ hoàng gia diễn ra. (John Pichappilly in The Table of the Word; quoted by Fr. Botelho).

 

9/ PHỤC VỤ

Một trong những câu chuyện hay nhất về sự khiêm tốn mà tôi biết là về một người đàn ông đến ga xe lửa Chicago vào năm 1953 để nhận giải Nobel Hòa bình. Ông ta bước xuống tàu, đó là một người đàn ông cao lớn với mái tóc rậm và bộ ria mép to. Khi máy quay lóe lên và các quan chức thành phố dang tay tiến tới gặp ông, ông cảm ơn họ một cách lịch sự. Nhưng ngay sau đó ông xin phép ngắt câu chuyện một lát. Ông bước qua đám đông, đi đến bên cạnh một người phụ nữ da đen lớn tuổi đang vật lộn với hai chiếc vali lớn. Ông tiếp tay đỡ hai chiếc vali, mỉm cười và dẫn bà ra xe, giúp bà lên xe và chúc bà có một chuyến đi bình an. Sau đó Albert Schweitzer quay sang đám đông và xin lỗi vì đã bắt họ phải chờ đợi. Được biết, một thành viên trong ban tiếp tân đã nói với một phóng viên rằng: “Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một bài giảng biết đi”.

* Chúng ta đã được mời gọi – sống hòa thuận, khóc với người khóc, vui với người vui, khiêm tốn, không tự phụ. Đặc biệt, chúng ta được dạy làm người công chính nhưng không tự cho mình là công chính. Chúng ta phải là những tôi tớ vị tha, lấy Chúa làm trung tâm, yêu thương như Chúa Giêsu truyền dạy (Roy T. Lloyd, Charades and Reality).

 

10/ CHUYỆN VUI

Sai lầm

“Thưa cha, con mắc một tội nặng nề, con cầu xin cha xá giải cho con. Con đi dự lễ vào các Chúa nhật và không thể không nghĩ rằng mình là cô gái xinh đẹp nhất trong nhà thờ. Con biết mình không nên nghĩ như vậy, nhưng con không thể ngăn được. Con muốn cha giúp con việc đó.” Cha giải tội trả lời: “Maria, con đừng lo lắng về điều đó. Trong trường hợp của con, đó không phải là một tội. Đó chỉ là một sai lầm lớn lao.”

 

Châu chấu lớn

Trong kỳ nghỉ ở Úc, một nông dân ở Texas gặp một nông dân người Úc và bắt đầu nói chuyện với ông ta về trang trại của mình. Người Úc đưa ông đi xem cánh đồng lúa mì rộng lớn, nhưng người Texas tỏ ra không ấn tượng lắm. Ông nói với người Úc: “Chúng tôi có những cánh đồng lúa mì rộng gấp đôi cánh đồng này. Người nông dân Úc chở ông ta đi khắp trang trại và khoe đàn gia súc lớn của mình. Người Texas khoe khoang: “Ồ, những con có sừng này của chúng tôi ít nhất phải to gấp đôi những con này”. Người nông dân Úc đang cảm thấy thất vọng thì người Texas bất ngờ nhìn thấy một đàn chuột túi đang nhảy qua cánh đồng. Ông ấy hỏi: “Đó là cái quái gì vậy?” Người Úc quay sang ông với một nụ cười tinh nghịch: “Ở Texas không có con châu chấu lớn nào như thế này à?”

 

Có gì đâu!

Một chủ trang trại ở Hà Tĩnh gặp một nông dân nuôi bò sữa ở Long Thành. Hai người đàn ông bắt đầu nói về mảnh đất của họ. Người nuôi bò sữa nói với người chủ trang trại rằng ông ta điều hành công việc của mình trên 125 mẫu đất. Người Hà Tĩnh chế giễu một mảnh đất nhỏ như vậy. Ông nói: “Này bạn, không có gì đâu. Ở trang trại của mình, tôi có thể lên xe tải vào lúc mặt trời mọc và sẽ không đến được hàng rào ở nhà cho đến khi mặt trời lặn.” Người nông dân nuôi bò sữa khịt mũi: “Ừ, tôi từng có một chiếc xe tải cũ như thế.”

 

Không cần áo phao

Có lần một thủy thủ dẫn một nhóm thanh niên đi thuyền trong một ngày. Có một thanh niên khoe khoang tất cả những gì anh biết về biển. Mỗi khi người thủy thủ bắt đầu đưa ra chỉ dẫn thì chàng trai trẻ này lại ngắt lời bằng những kiến thức được cho là của mình. Sau một lúc, một cơn bão nổi lên. Người thủy thủ bắt đầu phát áo phao. Chàng thanh niên hốt hoảng: “Của tôi đâu?” Người thủy thủ già trả lời: “Đừng lo lắng con trai,  bạn không cần áo phao. Với cái đầu đầy khí nóng như của anh, anh sẽ nổi mãi mãi!”

Lm Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

 

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 6 PS năm B - 2024 (01/05/2024 20:55:01 - Xem: 100)

Chúa mời gọi chúng ta trở thành những môn đệ yêu thương nhau. Chính chúng ta là những người chữa lành và tiếp thêm sức mạnh cho người khác khi chúng ta học cách cho đi và yêu thương họ.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 6 Phục sinh năm B (30/04/2024 19:02:43 - Xem: 145)

Yêu thương là điều tự nhiên trong đời sống con người. Ai cũng muốn yêu và được yêu. Tuy nhiên, tình yêu không phải là thứ tình cảm cạn cợt và hời hợt như tình đời.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 461)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 435)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 253)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 445)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 297)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 632)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 715)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7