Thứ Sáu 04/06/2021 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 9 thường niên. – Con vua Ðavít?
- In trang này
- Lượt xem: 10,485
- Ngày đăng: 03/06/2021 11:00:00
Con vua Ðavít?
04/06 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 9 thường niên.
"Sao họ có thể bảo Ðức Kitô là Con vua Ðavít?"
Lời Chúa: Mc 12, 35-37
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: "Sao các luật sĩ lại nói Ðấng Cứu Thế là con vua Ðavít? Vì chính Ðavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con". Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?" Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Bên hữu Cha đây
Suy niệm:
Sau khi đã bị chất vấn về nhiều vấn đề bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo,
bây giờ đến lượt Đức Giêsu đặt vấn đề với họ, cụ thể là các kinh sư.
Khung cảnh vẫn là Đền thờ với đám đông thính giả.
Có vẻ đây là một đám đông có cảm tình với Đức Giêsu (c. 37).
Câu chuyện khởi đi từ câu đầu tiên của thánh vịnh 110.
Thánh vịnh này là thánh vịnh được các kitô hữu sơ khai yêu thích,
và được trích dẫn nhiều lần trong các sách Tân Ước,
bởi lẽ họ nhận ra khuôn mặt của Đức Giêsu vinh quang trong đó.
Đối với các kinh sư, cũng như đối với Đức Giêsu,
thánh vịnh này được vua Đavít viết ra, dưới ơn linh hứng của Thánh Thần.
Ông viết về Đấng Mêsia được ĐỨC CHÚA cho toàn thắng.
“ĐỨC CHÚA phán cùng Chúa của tôi rằng : bên hữu Ta đây, con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù Ta đặt làm bệ dưới chân con” (c.36).
Trong thánh vịnh này, Đavít đã gọi Đấng Mêsia một cách long trọng,
bằng tước hiệu “Chúa của tôi”.
Thế mà theo quan niệm của các kinh sư, Đấng Mêsia (còn gọi là Đấng Kitô)
là con vua Đavít, là người thuộc dòng dõi vua Đavít.
Câu hỏi Đức Giêsu đặt cho các kinh sư như sau :
Nếu Đavít gọi Đấng Mêsia là Chúa của tôi
thì làm sao Đấng Mêsia lại là Con của Đavít ?
Mới nghe câu hỏi của Đức Giêsu,
ta có cảm tưởng Ngài không nhìn nhận mình là Con vua Đavít.
Thật ra Ngài không bảo rằng Đấng Mêsia không thể là Con Đavít được.
Nhưng Ngài chỉ đặt một câu hỏi lơ lửng để mời họ suy nghĩ.
“Bởi đâu (pothen) mà Đấng Mêsia lại là con vua Đavít ?” (c. 37).
Bởi đâu Đấng Mêsia vừa là Con, vừa là Chúa của Đavít ?
Đối với kitô hữu chúng ta, mầu nhiệm này đã được hiển lộ.
Đức Giêsu là Con vua Đavít, thuộc dòng dõi Đavít theo xác thịt (Rm 1,3),
nhưng Ngài được siêu tôn làm Chúa nhờ trải qua cái chết thập giá,
nhờ sự hạ mình vâng phục, và nhờ được phục sinh.
“Chính vì thế Ngài được ban cho một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu,”
khiến mọi loài phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa (Ph 2, 9-11).
Hôm nay chúng ta vẫn phải làm việc vất vả
để thế giới nhìn nhận quyền làm Chúa của Đức Giêsu Kitô.
Vì kẻ thù cuối cùng vẫn chưa bị khuất phục trọn vẹn (1 Cr 15, 25).
Chúng ta mong mọi sự quy phục Đức Kitô, để tất cả thuộc về Thiên Chúa.
Lời nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
Và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
Nỗi khổ đau và hạnh phúc,
Sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
Nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
Chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
Để xây dựng trái đất này,
Và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
Xin cho những vất vảcủa cuộc sống ở đời
Không làm chúng con quên trời cao;
Và những vẻ đẹp của trần gian
Không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
Mọi người thấy nước trời đang tỏ hiện.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Suy Niệm 2: Lời Chúa ứng nghiệm
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Khi trích dẫn Thánh vịnh 110, Chúa Giê-su cho biết Người có hai bản tính. Bản tính nhân loại, Người là con cháu thuộc dòng tộc Đa-vít. Bản tính Thiên Chúa, Người là Con Thiên Chúa. Và vương quyền Người trổi vượt Đa-vít. Không những Đa-vít phải gọi Người là Chúa Thượng. Mà Thiên Chúa Cha còn đặt cả vũ trụ dưới chân Người.
Đồng thời Chúa cũng cho biết Kinh Thánh đã được Thiên Chúa linh hứng. Đa-vít nói theo linh hứng của Thánh Thần. Nên tuy ông chưa hiểu. Mà sự thật đó ứng nghiệm. Các kinh sư là những người am tường Kinh Thánh đã không hiểu thấu Kinh Thánh. Trước những giải thích của Chúa Giê-su, không ai chối cãi được. Còn dân chúng thì vui mừng hoan hỷ. Vì Kinh Thánh mở ra những chân lý cao siêu.
Tuy nhiên Chúa Giê-su sẽ phải chịu đau khổ, chịu chết. Rồi mới được vinh quang. Người sẽ phải “thua kém các thiên thần một chút”. Rồi mới hiển trị trên thiên quốc.
Bất cứ ai thực hành Lời Chúa cũng đều trải qua đau khổ. Đó là điều gia đình Tô-bít cảm nghiệm. Ông phải chịu đau khổ nhục nhã một thời gian. Nhưng cuối cùng sẽ được Thiên Chúa yêu thương giải cứu. Nên khi được sáng mắt ông và “vợ ông, và mọi người quen biết đều tôn vinh Thiên Chúa. Bấy giờ, ông Tô-bít nói: “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, con xin chúc tụng Ngài vì Ngài đã sửa phạt con, nhưng cũng chính Ngài đã cứu thoát con; và này đây, con đang nhìn thấy Tô-bi-a, con trai của con” (năm lẻ).
Thánh Phao-lô cho biết ai phục vụ Chúa cũng phải đi vào con đường đau khổ. Chính Ngài đã gặp rất nhiều đau khổ: “Tại An-ti-ô-ki-a, I-cô-ni-ô, Lýt-ra, đã biết tôi chịu bắt bớ như thế nào. Nhưng Chúa đã giải thoát tôi khỏi tất cả. Vả lại, nhưng ai muốn sống đạo đức trong Đức Ki-tô Giê-su, đều sẽ bị bắt bớ”. Và ngài khuyên nhủ Ti-mô-thê hãy hoàn toàn tin vào Kinh Thánh. Vì Lời Chúa sẽ đem đến ơn cứu độ. Và có thể sử dụng trong mọi hoàn cảnh giúp người môn đệ hành xử: “Anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào đức Ki-tô Giê-su. Tất cả những gì viết trong Sách thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục, để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (năm chẵn).
Tôi có yêu mến Lời Chúa. Tin tưởng Lời Chúa. Và có thực hành Lời Chúa?
Suy Niệm 3: Ðấng Kitô là Chúa
Cuộc đối đầu trực diện giữa Chúa Giêsu và các đối thủ qua đi với việc họ không còn chất vấn Ngài nữa. Lúc này, tác giả Marcô lại nhớ thêm một cảnh, trong đó chính Chúa Giêsu là người chất vấn. Marcô không xác định rõ kẻ bị hỏi, chỉ ở cuối đoạn ông mới cho biết đông đảo dân chúng lắng nghe Ngài cách thích thú.
Trong lần chất vấn này, Chúa Giêsu đề cập đến tước hiệu mà các luật sĩ gán cho Ngài: con vua Ðavít. Một truyền thống Do thái xa xưa vẫn cho rằng Ðấng Kitô phải thuộc dòng dõi vua Ðavít (2V 7,14-17). Người ta cũng thường gọi Chúa Giêsu là "con vua Ðavít" (x. 10,48; 11,10). Nhưng chắc chắn Chúa Giêsu không tự xưng mình bằng tước hiệu này, vì nó quá hàm hồ, Ngài muốn tránh xa quan niệm về Ðấng Kitô theo kiểu chính trị. Ngài trưng dẫn Thánh vịnh 110, theo đó Ðấng Kitô vừa là con vua Ðavít, vừa được Ðavít gọi bằng "Chúa tôi". Chính Kinh Thánh đã gán cho Ðấng Kitô một phẩm tính cao cả hơn con vua Ðavít và gọi bằng tước hiệu "Chúa". Sau biến cố Phục Sinh, các Kitô hữu đã sử dụng Thánh vịnh 110 để tìm ra các tước hiệu bao hàm trọn vẹn tính cách của Chúa Giêsu: họ tuyên xưng Ngài thực sự thuộc đẳng cấp thần thánh: Ngài đã sống lại và được Thiên Chúa phong làm "Chúa". Ngài lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Cv 2,34-36).
Ðức Kitô là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Ðó là lòng tin kiên vững của Kitô giáo. Quá nhấn mạnh tới thiên tính mà bỏ quên nhân tính, hoặc ngược lại, đều là những sai lầm tai hại. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, như lời thánh Gioan: "Từ khởi thủy đã có Lời, và Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa". Nhưng Lời đã thành xác phàm và sống giữa nhân loại để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Nói theo thánh Irênê: Thiên Chúa đã làm người để con người được trở thành Thiên Chúa.
Ước gì đó là niềm xác tín mà chúng ta mang trong lòng, diễn tả ra cuộc sống và sẵn sàng bảo vệ đến cùng.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Thánh Mác-cô hớn hở
Khi giảng trong đền thờ. Đức Giêsu lên tiếng hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đa-vít? Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói:
Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi:
Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
Để rồi bao địch thù,
Cha sẽ đặt dưới chân Con.
Chính vua Đa-vít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì do đâu Đức Kitô lại là con vua ấy được?” Đám người đông đảo nghe Đức Giêsu cách thích thú. (Mc. 12, 35-37)
Thánh Maccô có vẻ rất vui sướng dùng câu hỏi của Chúa Giêsu để kết thúc chương sách đầy những cuộc tranh cãi gay cấn này. Câu hỏi của Chúa không những là lời khẳng định thần tính của Người mà cũng là một kiệt tác “đốn ngã” trong môn võ hagada, môn karaté chính cống. Hai câu của Sách thánh bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng xét cho cùng lại chẳng có gì là mâu thúẫn cả. Hai câu đều đúng, nhưng nói tới những chủ đề khác nhau: con vua Davít theo dòng tộc, nên phải là đấng Mêsia được trông đợi, nhưng đồng thời cũng là Chúa thượng của chính Đavít, người được Thánh Thần soi sáng đã nói:
“Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con”.
Có nghĩa là trong Truyền thống Do thái, Chúa Giêsu đã là Con Thiên Chúa theo quyền năng. Tiếc rằng chúng ta ít quen với những cuộc tranh biện thuộc loại này, tranh biện của các bậc kinh sư. Trong những cuộc tranh biện này, Chúa Giêsu tỏ ra trổi vượt. Tuy nó làm chúng ta ngạc nhiên, nhưng cũng giúp chúng ta thấy rằng Chúa quên mình để chiều theo những đòi hỏi của người đương thời. Qua cuộc tranh biện này và theo kiểu văn chương đông phương, chúng ta có ở đây lời tuyên bố sáng sủa và rành mạch về thần tính của Chúa Giêsu.
Tập trung vào Đức Kitô
Suốt một tiếng đồng hồ, sau khi đã giải thích rằng Chúa Giêsu là nhân vật mang trọn thân phận con người như ta có thể hình dung ra, một linh mục đã kết thúc bài nói truyện của mình rằng: “Dẫu sao ta cũng đừng quên rằng Chúa Giêsu cũng là Con Thiên Chúa”.
Thế kỷ ta sống đã khắc ghi vào tâm trí chúng ta cách nhìn này, không phải là không có lý bởi vì chúng ta đã đến muộn, nhưng phản ứng không phải là chối bỏ. Nói rằng Chúa Giêsu là siêu sao, là hippi, là nhà xã hội, cũng tốt thôi, nhưng nói Đúc Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể thì tôi càng thích hơn.
Điều làm nên cái tôi sâu xa của Đức Kitô, làm cho Người trở nên con người duy nhất và rất cần thiết cho mọi người sinh ra trên trần gian này, chính bởi Người là Thiên Chúa ở với chúng tôi. Sứ mệnh của Người không phải là phàm tục hóa vũ trụ, nhưng là lôi kéo vũ trụ đi vào dòng chảy tràn sự sống Thiên Chúa. Thiết tưởng chẳng cần ai phải suy tôn Người là bậc vĩ nhân, anh hùng, là những con người chúng ta sẽ luôn luôn có; Người đã đến trần gian này chỉ để đưa chúng ta nhập vào gia đình của Người mà thôi. Bởi ta chỉ muốn cho Người nên giống ta, nên như người của chúng ta, mà ta thường quên trở nên Người. Thế mà xem ra chính đó lại là lý do đưa Người đến với ta vậy.
Suy Niệm 5: HIỂU ĐÚNG VỀ ĐẤNG KITÔ (Mc 2, 35-37)
Trong các bài Tin Mừng trước, chúng ta thấy Đức Giêsu luôn bị chất vấn bởi các người Pharisêu, Kinh Sư, phe Hêrôđê, nhóm Sa Đốc... Nhưng hôm nay, thánh sử Máccô lại cho thấy một tình thế ngược lại. Chính Đức Giêsu là người đứng lên chất vấn họ.
Khởi đi từ chỗ Ngài đặt vấn nạn về thân thế, nguồn gốc của mình: các Kinh Sư bảo Đấng Kitô là con vua Đavít, thế thì tại sao vua Đavít lại gọi Đấng ấy là Chúa Thượng tôi? (x. Tv 110,1). Không ai trả lời được, vì thế đám đông dân chúng lấy làm thích thú!
Qua câu hỏi đó của Đức Giêsu, Ngài không phủ nhận thân thế, vai trò của mình. Ngài cũng không từ trối tước hiệu con Vua Đavít. Nhưng dần dần, Ngài muốn cho mọi người hiểu về một Đấng Kitô chịu đau khổ, là tôi tớ của Giavê chứ không phải là một Đấng Kitô với mũ mão cân đai và đứng lên để làm chính trị như họ vẫn lầm tưởng!
Chính sự hiểu nhầm và mong ước phiến diện về Đấng Kitô, nên họ không thể chấp nhận Đấng ấy nằm ngoài khuôn mẫu của sự uy nghi, lộng lẫy, đánh đông dẹp bắc, quyền lực phi thường... Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài sống nghèo khó, không nhà không cửa, dạy con người ta hướng thiện, bác ái, bao dung, tha thứ thì họ đã không thể chấp nhận, và lẽ đương nhiên, họ tìm cách loại bỏ vì coi đó như là cái gai trong mắt và hòn đá cản lối đi.
Trong cuộc sống hôm nay nơi con cái của Giáo Hội, vẫn không thiếu những con người đủ mọi tầng lớp, luôn thích một Giáo Hội quyền lực, giàu có, oai phong; thích một Giáo Hội được củng cố bằng quyền lực... Không những thế, mà nhiều người đã áp dụng quan điểm đó ngay trong suy tư, nơi hành vi và lối sống của mình.
Những lúc như thế, chúng ta hãy cẩn trọng vì đây không phải là đường lối của Thiên Chúa, mà là đường lối của những Pharisêu giả hình, của Luật Sĩ vụ luật, những Sa Đốc không niềm tin và phe Hêrôđê ham quyền...
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con hiểu được Lời Chúa dạy để biết sống điều Chúa muốn. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Ánh sáng đức tin
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu là con vua Đa-vít vì thuộc về dòng tộc Đa-vít, nhưng đồng thời Người cũng là Chúa của Đa-vít. Phải có lòng tin mới thấy được Chúa Giêsu vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thấy mỗi một người đều có chiều sâu kín ẩn mà mắt thường không thể nào nhận ra được. Giữa chúng con với nhau, hằng ngày chúng con nhìn thấy nhau và sát cánh bên nhau, nhưng chúng con cũng chẳng hiểu hết về nhau. Người Do Thái ngày xưa chỉ nhìn thấy Chúa là một người làng Na-da-rét bình thường, họ không nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai thuộc hoàng tộc Đa-vít, và lại càng không nhận ra Chúa là Chúa Đa-vít. Phần con, nếu không được Chúa mạc khải trong lời Tin Mừng, con cũng chẳng thấy được điều ấy.
Nhưng lạy Chúa, dù vậy, cho tới hôm nay con cũng không thấy được hết chiều sâu huyền nhiệm của Chúa. Chúa vẫn luôn vượt trên những điều con có thể thấy được hoặc hiểu được hay nói được về Chúa. Xin Chúa chiếu soi ánh sáng đức tin và dẫn dắt con ngày càng tiến sâu hơn vào mầu nhiệm của Chúa.
Xin Chúa mở lòng trí con để qua dòng đời biến chuyển, con thấy được Chúa là Thiên Chúa đang điều khiển thế giới. Xin mở lòng trí con để qua hình bánh rượu trong bí tích Thánh Thể, con thấy được Chúa phục sinh quyền năng đang ở với con. Xin mở lòng trí con để qua từng trang Phúc âm, con thấy được chính Chúa là Ngôi Lời đang công bố Tin Mừng yêu thương cho con. Và xin mở lòng trí con, để qua từng con người bé nhỏ thấp hèn, con thấy được chính Chúa nơi họ, nhờ đó con kính trọng họ, thông cảm và lắng nghe họ. Amen.
Ghi nhớ : “ Đám dân chúng thích thú nghe Người nói”.
Suy Niệm 6: Con vua Ðavít
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Đêm nọ, một thanh niên đến với nhóm học hỏi Lời Chúa.
- Hãy cho tôi biết tôi phải làm gì để được ơn cứu độ.
- Bạn chậm quá rồi, - Một người nói.
- Ồ, đừng nói thế. Tôi tha thiết mong được cứu độ. Tôi sẽ làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi đâu để được như thế.
- Tôi không thể giúp bạn. Bạn đến trễ quá! Việc cứu độ của bạn đã được thực hiện cách nay hơn 2000 năm rồi, nơi Đức Kitô. Tất cả những gì bạn phải làm bây giờ là tiếp nhận ơn đó. Bạn chẳng thể làm gì xứng đáng với ơn cứu độ. Đó là món quà tặng không cho ai mở lòng tiếp nhận.
Suy niệm
Một truyền thống Do Thái xa xưa vẫn cho rằng Ðấng Kitô phải thuộc dòng dõi vua Ðavít (x. 2Sm7,12; Tv 89,30-37; Gr 23,5; 33,15-17). Người ta cũng thường gọi Chúa Giêsu là “Con vua Ðavít” (x. Mc 10,48; 11,10).
Chúa Giêsu là “Con vua Ðavít” là Ðấng Thiên Sai có hai nguồn gốc: Ngài là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, nguồn gốc thần linh nhưng đồng thời đã nhập thể làm người trong dòng tộc vua Ðavít. Theo nguồn gốc con người, lý lịch trần thế Chúa Giêsu là con vua Ðavít, thuộc dòng tộc vua Ðavít; nhưng Ngài là Thiên Chúa như lời thánh Gioan: “Từ khởi thủy đã có Lời, và Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa”. Ngài đến từ Thiên Chúa và mạc khải Thiên Chúa Cha như lời thánh Gioan tông đồ đã nói trong phần nhập đề của sách Phúc Âm thứ tư: “Không ai đã nhìn thấy được Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một Ngài là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho ta biết mà thôi. Chúng ta hãy nâng tâm hồn lên để chúc tụng Chúa, chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến cứu rỗi chúng ta là Chúa Giêsu Kitô”. Cho nên, Đức Kitô là Thiên Chúa có trước vua Ðavít và đáng được vua Ðavít gọi là Chúa của mình. Đức Giêsu trưng dẫn Thánh vịnh:
“Bên hữu Cha đây, con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con” (Tv 110,1).
Chính Kinh Thánh đã tôn vinh Ðấng Kitô với một phẩm tính cao cả hơn con vua Ðavít và gọi bằng tước hiệu “Chúa”. Sau biến cố Phục sinh, các Kitô hữu đã sử dụng Thánh vịnh 110 để tìm ra các tước hiệu bao hàm trọn vẹn tính cách của Chúa Giêsu: Họ tuyên xưng Ngài thực sự thuộc đẳng cấp thần thánh: Ngài đã sống lại và được Thiên Chúa phong làm “Chúa”. Ngài lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Cv 2,34-36).
Ý lực sống:
Tôn vinh Đức Kitô:
“Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh,
vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh.
Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện,
tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con”. (Tv 110,3).
Suy Niệm 7: Đấng Kitô là Chúa
(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Đức Giêsu không chối mình là con vua Đavít, vì theo bản tính nhân loại, Người xuất hiện từ dòng dõi Đavít. Nhưng ở đây, Đức Giêsu cho thấy, Người vượt xa hơn tước hiệu ấy, vì Người còn là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, nên vua Đavít lại phải gọi Người là Chúa. Điều đó cho thấy Đức Giêsu từ địa vị Thiên Chúa, Chúa các chúa, Người đã tự hạ, để chia sẻ kiếp người nhỏ bé thấp hèn, để cảm thông thực sự với những khốn khó và yếu đuối của chúng ta.
2. Sau những câu hỏi mà các đối thủ đưa ra để cài bẫy, thì giờ đây, Đức Giêsu kết thúc cuộc tranh luận bằng cách tự đặt câu hỏi ngược lại về nguồn gốc của mình, cho các người luật sĩ và biệt phái.
Hôm nay Đức Giêsu đặt vấn đề với các luật sĩ về thần tính của Người: “Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?” Khi nói thế, Đức Giêsu muốn gợi mở cho họ biết rằng Người chỉ là con vua Đavít về phần xác, còn về phần thiêng liêng thì người là Con Thiên Chúa và là Chúa Thượng của vua Đavít.
Đức Kitô là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Đó là lòng tin kiên vững của Kitô giáo. Quá nhấn mạnh đến thiên tính mà bỏ quên nhân tính, hoặc ngược lại, đều là những sai lầm tai hại. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, như lời thánh Gioan: “Từ khởi thuỷ đã có Lời, và Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa”. Nhưng Lời đã thành xác phàm và sống giữa nhân loại, để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Nói theo thánh Irênê: “Thiên Chúa đã làm con người để con người được trở thành con Chúa”. Thật là vinh dự cho con người.
3. Với tước hiệu là con vua Đavít như dân chúng đã xưng hô Người trong ngày lễ Lá khi Người vào đền thờ, hay người mù thành Giêricô cũng đã kêu lên: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót con”. Đức Giêsu không bao giờ từ chối tước hiệu này, nhưng tước hiệu đó chưa diễn tả đủ về Người. Vì thế, để kiện toàn những lời đã hứa với Đavít, Đức Giêsu tuyên bố mình còn lớn hơn Đavít, Người là Chúa của Đavít. Đavít chỉ là một chủ chiên của dân Chúa, còn Đức Giêsu mới chính là chủ chiên thật, hiền lành, thí mạng sống cho cả Đavít. Rồi đây người ta sẽ thấy Đấng là con Đavít sẽ trở lại ngày phán xét.
4. Nhìn ngắm Chúa Giêsu là Chúa của Đavít:
Chúa Giêsu là con vua Đavít, chúng ta có thể nhận thấy và kiểm chứng được, vì Chúa Giêsu đã trở nên người như mọi người chúng ta qua mầu nhiệm Nhập thể; nhưng Chúa Giêsu là Chúa của Đavít, chúng ta không thể nhìn thấy bằng con mắt xác thịt được mà chỉ nhìn thấy qua con mắt đức tin thôi.
Trước những dấu chỉ diễn tả các thực tại thuộc bình diện đức tin, chúng ta phải mở rộng con mắt đức tin để đón nhận. Điều này cũng đòi hỏi chúng ta phải vận dụng đức tin, cậy, mến để tham dự các việc phụng vụ nhất là phụng vụ bí tích.
5. Trong cuộc sống hôm nay nơi con cái của Giáo hội, vẫn không thiếu những con người đủ mọi tầng lớp, luôn thích một Giáo hội quyền lực, giàu có, oai phong; thích một Giáo hội được củng cố bằng quyền lực… Không những thế, mà nhiều người đã áp dụng quan điểm đó ngay trong suy tư, nơi hành vi và lối sống của mình.
Những lúc như thế, chúng ta hãy cẩn trọng vì đây không phải là đường lối của Thiên Chúa, mà đường lối của những người luật sĩ giả hình, biệt phái vụ lợi và nhóm Sađốc không niềm tin và phe Hêrôđê ham quyền.
6. Truyện: Đức Giêsu thật là Con Thiên Chúa
Ngày quân đội Liên Xô vào chiếm thủ đô Hungary, một viên sĩ quan trẻ dáng vẻ hung hãn, đầy tự đắc của kẻ chiến thắng đã đến gặp vị linh mục. Viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói: “Ông biết không? Cái đó là sự dối trá của các linh mục bầy ra, để làm mê hoặc đám dân nghèo, và giúp những kẻ giàu dễ dàng kìm hãm họ trong cảnh ngu dốt. Bây giờ chỉ có ông với tôi. Ông hãy thú nhận với tôi rằng ông không bao giờ tin ông Giêsu là Con Thiên Chúa”.
Vị linh mục cười và từ tốn trả lời: “Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật”.
Viên sĩ quan quát lớn: “Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng diễu cợt tôi!” Nói thế rồi anh ta rút súng ra, chĩa vào đầu linh mục và hăm dọa: “Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là sự dối trá, thì tôi bắn ông chết”.
Vị linh mục điềm tĩnh trả lời: “Tôi không thể nói như thế, vì không đúng. Đức Giêsu thật là Con Thiên Chúa”.
Nghe thế, viên sĩ quan vất súng xuống nền nhà, chạy đến ôm chầm lấy vị linh mục. Anh ta vừa khóc vừa nói: “Đúng thế! Tôi cũng tin như vậy. Nhưng tôi không thể tin rằng có người dám chết vì đức tin, cho tới hôm nay. Tôi xin cám ơn ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Ngài đã chứng minh cho tôi thấy rằng vẫn có người dám chết cho Đức Kitô”.
Bài cùng chuyên mục:
+ Chúa Nhật 08/12/2024 – CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG năm C. – Dọn đường cho Chúa. (07/12/2024 10:00:00 - Xem: 423)
08/12 – CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG năm C.
Thứ Bảy 07/12/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 1 mùa vọng. – Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Lúa chín đầy đồng, thợ gặt thì ít. (06/12/2024 10:00:00 - Xem: 2,397)
Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
Thứ Sáu 06/12/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 1 mùa vọng. – Chữa lành 2 người mù. (05/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,692)
Thứ Sáu đầu tháng, tuần 1 mùa vọng.
Thứ Năm 05/12/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 1 mùa vọng. – Người khôn ngoan thực sự. (04/12/2024 10:00:00 - Xem: 4,242)
Thứ Năm đầu tháng, tuần 1 mùa vọng.
Thứ Tư 04/12/2024 – Thứ Tư tuần 1 mùa vọng. – Hóa bánh ra nhiều lần 2. (03/12/2024 18:07:00 - Xem: 3,763)
Thứ Tư tuần 1 mùa vọng.
+ Chúa Nhật 01/12/2024 – CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG năm C. – Tỉnh thức và cầu nguyện luôn. (30/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,982)
CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG năm C.
Thứ Bảy 30/11/2024 – Thứ Bảy tuần 34 thường niên – THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. – Ngư phủ lưới người. (29/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,527)
THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.
Thứ Sáu 29/11/2024 – Thứ Sáu tuần 34 thường niên. – Nhận ra tiếng Chúa qua các biến cố. (28/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,665)
Thứ Sáu tuần 34 thường niên.
Thứ Năm 28/11/2024 – Thứ Năm tuần 34 thường niên. – Giờ cứu rỗi gần đến. (27/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,731)
Thứ Năm tuần 34 thường niên.
Thứ Tư 27/11/2024 – Thứ Tư tuần 34 thường niên. – Làm chứng về Chúa. (26/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,704)
Thứ Tư tuần 34 thường niên.
-
+ Chúa Nhật 08/12/2024 – CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG năm C. – Dọn đường cho Chúa.
08/12 – CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG năm C.
- Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến...
- Thứ Sáu đầu tháng, tuần 1 mùa...
-
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận
Các Giáo Phụ Sa Mạc khuyên chúng ta điều gì để hướng dẫn đời sống thiêng liêng của chúng ta, trong những hoàn cảnh rất cụ thể của cuộc...
-
Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 mùa Vọng năm C - 2024
Chúng ta tưởng tượng xã hội sẽ tốt đẹp biết bao khi mỗi người chúng ta tích cực sống sứ điệp Mùa Vọng “sửa con đường nội tâm cho thẳng”...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 mùa Vọng năm C - 2024
Trong Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi hãy làm lại con đường của lòng mình: phải sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng,...
-
Mầu nhiệm của Mùa Vọng
Thiên Chúa đã đón nhận những lời nguyện cầu của Dân Chúa, nên vào thời viên mãn, Người đã sai Con Một rất thánh xuống trần gian và chính...
-
Viết cho các tân linh mục
Từ ngày anh em chịu chức, anh em sẽ được gọi là “cha”. Thân thương! Lý do là những người đến với anh em, không chỉ vì anh em có quyền cao...
-
Lời Chúa có quan trọng đối với Bạn không?
Với 7 câu hỏi sau đây bạn có thể tự phản tỉnh về tầm quan trọng của Lời Chúa đối với bạn như thế nào.
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ
Mỗi khi gặp thầy, con thấy rất vui, và nhiều khi nghĩ về thầy. Nhiều lúc con còn bất giác tưởng tượng con có thể ôm thầy, nắm tay thầy...
-
Gia vị cho bài giảng CN 1 mùa Vọng năm B - 2024
Trong Mùa Vọng, chúng ta nghĩ đến ý nghĩa thiêng liêng cho sự chờ đợi: hướng lòng về biến cố quang lâm của Chúa Kitô, Đấng Messia. Phần...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 1 mùa Vọng năm B - 2024
Người tỉnh thức luôn biết hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức.
-
Sự dịu dàng là bí mật của lòng chung thủy
Linh mục François Potez đồng hành với các cặp chuẩn bị hôn nhân trong suốt 35 năm, theo linh mục sự dịu dàng là chìa khóa của tình chung...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất