Thứ Tư 01/12/2021 – Thứ Tư tuần 1 mùa vọng. – Hóa bánh ra nhiều lần 2.
- In trang này
- Lượt xem: 11,616
- Ngày đăng: 30/11/2021 08:00:00
Hóa bánh ra nhiều lần 2.
01/12 – Thứ Tư tuần 1 mùa vọng.
"Chúa Giêsu chữa nhiều người và hoá bánh ra nhiều".
LỜI CHÚA: Mt 15, 29-37
Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel.
Còn Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng". Các môn đệ thưa Người: "Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các con có bao nhiêu chiếc bánh?" Họ thưa: "Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ".
Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy.
Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít.
Sau khi giải tán dân chúng, Người bước lên thuyền và đến địa phận Magađan.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Ăn no nê
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Khi mô tả về thời cánh chung, thời thiên sai, thời của Đấng Mêsia,
ngôn sứ Isaia nghĩ đến một bữa tiệc lớn cho muôn dân tộc
do Đức Chúa của Ítraen khoản đãi trên núi thánh.
Không phải chỉ đãi thịt béo, rượu ngon,
Đức Chúa còn lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người,
Khổ đau không còn nữa, chỉ còn tiếng reo vui (Is 25, 6-10).
Nơi Đức Giêsu, lời của ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lên một ngọn núi
thuộc miền Thập Tỉnh của dân ngoại (x. Mc 7, 31).
Dân chúng kéo đến cùng với những người bệnh hoạn tật nguyền.
Trên ngọn núi ấy, Ngài đã đem đến niềm vui cho bao người.
Kẻ câm nói được, người què đi được, người mù sáng mắt.
Đức Giêsu không giảng về một Nước Trời xa xôi.
Ngài cho thấy một Nước Trời gần gũi khi thân xác được lành mạnh.
Kitô giáo không duy tâm, duy linh hay duy vật.
Đức Giêsu quan tâm đến trọn cả con người với xác và hồn.
Chính vì thế Ngài vừa rao giảng, vừa chữa bệnh.
Ngài biết chạnh lòng thương đám đông,
vì họ đã ở lại với Ngài từ ba ngày qua mà không có gì ăn.
Ngài hiểu thế nào là cái đói và hậu quả của nó
nên Ngài không muốn để họ đi về mà bụng lại rỗng không.
“Sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (c. 32).
Đức Giêsu đã nghĩ đến việc cho họ ăn như một nhu cầu cấp thiết.
“Chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no” (c. 33).
Trước vấn đề lương thực cho một đám đông ở nơi hoang vắng,
các môn đệ thấy mình bất lực và bế tắc.
“Bảy cái bánh và ít cá nhỏ”, đó là tất cả những gì họ có.
Để nuôi đám đông, các môn đệ phải cộng tác với Đức Giêsu,
trao cho Ngài tất cả những gì mình có,
để rồi nhận lại tất cả từ Ngài, và đem chia sẻ cho đám đông.
Bữa ăn ở nơi vắng này không phải là một đại tiệc với rượu thịt,
nhưng rõ ràng là rất cần thiết, đem lại no đủ và thậm chí dư thừa.
Thế giới hôm nay có hơn một tỉ người đói, đa số ở Á châu.
Những bữa ăn đầy đủ vẫn là nỗi khát khao ám ảnh nhiều người.
Đói chẳng những làm ngất xỉu hay dẫn đến cái chết,
nhưng còn làm người ta mất nhân cách, sống không ra người.
Bận tâm của Đức Giêsu về cái đói cũng là mối bận tâm của Giáo Hội.
Phép lạ bánh hóa nhiều của Đức Giêsu phải được nhân lên khắp nơi,
để không còn ai phải đói trên thế giới.
Bữa tiệc cánh chung, nơi muôn người từ đông sang tây đến dự,
phải được chuẩn bị từ những bữa ăn cho kẻ nghèo hôm nay.
Sống Mùa Vọng là lưu tâm đến bao người thiếu ăn ở quanh ta.
Và dù chỉ có mấy cái bánh, ta vẫn tin có thể bẻ ra để nuôi được họ.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Suy Niệm 2: Bữa tiệc hạnh phúc
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thời Isaia dân Israel sống trong cảnh lưu đầy. Người lưu đầy phải chịu đói khát. Một tấm màn phủ kín khiến họ như bị giam kín trong tù ngục, chẳng còn thấy bầu trời tự do. Tương lai không lối thoát. Cơm bánh hằng ngày là châu lệ khi nhục nhã vì phẩm giá bị chà đạp. Cuộc đời họ còn sống nhưng như đã chết.
Được mặc khải, Isaia tuyên sấm về chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ đưa dân lên ngọn núi cao. Ở đó không còn đói khát vì Thiên Chúa thiết đãi một bữa tiệc thịnh soạn. Không còn từ ngục vì tấm màn bao phủ bị xé toang. Thoát cảnh buồn thương vì Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ. Thoát cảnh chết chóc vì họ được vui sống với Thiên Chúa.
Lời sấm hoàn toàn ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Hôm nay Người đưa dân lên ngọn núi. Ở đó Chúa thiết đãi một bữa tiệc. Người chữa mọi người khỏi bệnh hoạn tật nguyền. Dân không muốn về vì ở trên núi này họ được hạnh phúc. Không chỉ được no đủ, được chữa lành mọi bệnh tật, nhưng nhất là vì được sống với Chúa, được đồng bàn với Chúa. Hình ảnh người mục tử nhân lành trong Thánh vịnh 22 được thể hiện.
Thế giới hôm nay cũng tràn đầy vấn đề như thời Isaia. Người ta không vươn lên núi cao vì đuổi theo những tầm thường dưới mặt đất. Thế giới đói nghèo vì còn lắm bất công. Què quặt vì đưa ra những giải pháp nửa vời. Mù lòa vì không nhận biết chân lý. Câm điếc vì đóng kín trong ích kỷ. Đó là một thế giới thiếu Chúa.
Chúa chính là giải pháp duy nhất cho thế giới. Có Chúa người ta sẽ vươn lên những ngọn núi của lý tưởng cao thượng. Có Chúa người ta sẽ sống công bình. Có Chúa người ta mới biết đường phải đi. Có Chúa người ta mới nói được với nhau, lắng nghe và hiểu nhau. Và nhất là có Chúa, khối lương thực tưởng chừng ít ỏi lại đủ nuôi số đông người vì người ta biết mở lòng chia sẻ. Hãy nhìn tấm gương của Chân phước Mẹ Têrêxa. Bà không có nhiều của cải. Nhưng bà có thể nuôi hàng ngàn cô nhi, chữa lành hàng vạn bệnh nhân, đem niềm vui tươi hi vọng đến cho hàng triệu người. Vì bà có Chúa.
Lạy Chúa, xin hãy đến cứu chúng con.
Suy Niệm 3: Hóa Bánh Ra Nhiều
Khi bàn về đoạn Tin Mừng hôm nay, một học giả Kinh Thánh đã viết: "Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng một bữa ăn khoản đãi dân Ngài". Trước hết là phép lạ bánh hóa ra nhiều cho 5,000 người ăn, được coi như biến cố chấm dứt sứ vụ của Ngài tại Galilêa. Vì từ đây Ngài không còn giảng dạy tại các Hội Ðường cũng như làm những phép lạ, chữa bệnh tật tại đó nữa. Thứ đến là phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống 4,000 người, đánh dấu trong một giai đoạn ngắn giảng dạy tại các vùng dân ngoại biên giới Palestina, miền Tirô và Sidon và miền thập tỉnh. Sau cùng là bữa tiệc ly tại Jérusalem, nơi đây đã kết thúc cuộc đời rao giảng của Ngài ở trần gian.
Với cái nhìn phân tích, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi bữa ăn đều nằm trong một bối cảnh khác nhau, thành phần tham dự cũng khác nhau. Tuy nhiên, tất cả cùng phát xuất từ một động lực chính, đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Hai lần hóa bánh ra nhiều đều do sự lo lắng của Chúa Giêsu: "Nếu để họ ra về e rằng có những người sẽ bị đói lả dọc đường". Và riêng bữa tiệc cuối cùng, đó là bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã phải thực hiện một phép lạ vĩ đại để cho mọi người được đủ sức mạnh mà tiến bước trên con đường lữ hành trần gian. Nếu là một trong 5,000 người của đám dân chúng được Tin Mừng nói đến hôm nay, chắc chắn tâm trạng của chúng ta cũng chẳng khác gì tâm trạng của đám dân chúng lúc bấy giờ, là bụng đói lả sau ba ngày theo ngài nhưng lại không dám lên tiếng cứ giữ thái độ yên lặng.
Có thể họ im lặng vì chưa đủ lòng tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Thắc mắc của họ phần nào tương tự như thắc mắc của các tông đồ: "Lấy đâu ra bánh trong hoang địa này cho ngần ấy người ăn". Mặc dù các môn đệ đã thấy Ngài chữa lành các bệnh tật như làm cho kẻ điếc được nghe, què được đi, cùi được sạch... Tuy nhiên, có thể họ nghĩ rằng mình không thuộc về những hạng người cần đến Chúa Giêsu, vì thân thể đang khỏe mạnh đâu cần gì đến thầy thuốc. Sự đói mệt chỉ là một nhu cầu thể lý chứ không phải là một căn bệnh làm gì phải bắt Ngài bận tâm. Thế nhưng họ đâu có thể ngờ rằng, tuy không phải là căn bệnh thì chúng có thể làm hại con người hoặc có thể vì chút tự ái cá nhân mà họ đành im lặng mặc cho cơn đói hành hạ. Tại sao không chịu lo xa chuẩn bị chút ít lương thực phòng thân để giờ này lại mở miệng lên tiếng kêu ca.
Nhìn chung thái độ im lặng này xuất phát từ hai nguyên nhân: Thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa và quá quy trách vào bản thân.
Thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa khiến con người không thấy Ngài đầy quyền năng và đầy lòng thương xót. Ngài thấu hiểu hết mọi người và hằng quan tâm đến tất cả mọi nhu cầu của con người, ngay cả những nhu cầu nhỏ nhặt nhất cũng đều được Ngài đáp ứng. Mặt khác, quá thiên về bản thân cũng khiến cho con người xa cách Thiên Chúa. Con người luôn phải cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Về phần Chúa Giêsu, dù cho đám dân chúng im lặng, Ngài không chấp lẽ thái độ của họ, Ngài luôn quan tâm đến họ, Ngài sợ họ đói lả té xỉu dọc đàng, và Ngài đã cho họ ăn một cách dư giả đến nổi ăn xong còn dư được bảy thúng đầy. Con số này tượng trưng cho cái vô biên không đo lường nổi.
Cuộc lữ hành nào mà chẳng mệt nhoc, không lương thực thì chắc chắn sẽ có kẻ rơi rụng dọc đường. Chúa Giêsu đã thấy trước điều này ngay trong cuộc lữ hành trần gian, vì thế Ngài đã ban Mình Ngài để làm lương thực nuôi dân Ngài. Tuy nhiên, căn bệnh im lặng của đám dân chúng ngày xưa còn là căn bệnh của thế giới hôm nay. Căn bệnh đó xem ra còn trầm trọng hơn, vì bàn tiệc đã bày sẵn nhưng chẳng mấy ai đến hưởng dùng.
Mùa vọng là mùa đợi trông, dân Do Thái ngày xưa trông đợi ngày Chúa đến, ngày mà Chủ các cơ binh sẽ thiết đãi một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Sống trong tâm tình của Mùa Vọng, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ hiểu được giá trị trổi vượt của bàn tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa đã thiết đãi dân Ngài để rồi trong cuộc đời lữ hành trần gian chúng ta sẽ được no đủ và vững bước tiến về quê trời, không lo sợ phải mệt lả dọc đường.
Suy Niệm 4: Hoá bánh ra nhiều lần 2
Nạn đói tại Somali và một vài nơi trên thế giới là một ô nhục cho nhân loại ngày nay. Nhưng không riêng gì tại các nước nghèo, ngay trong các nước giàu, người ta cũng nói đến những hình thức nghèo đói và thiếu ăn mới, đó là nghèo đói tình người: con người có thể có một bộ óc phát triển hơn, một thân thể cường tráng hơn, nhưng trái tim thì lại mỗi ngày một nhỏ lại.
Chúa Giêsu đã đến để làm cho con người được giàu có dư dật hơn, nhưng thiết yếu là giàu có dư dật tình người. Ngài đã không mang lại cho con người cây đũa thần kinh tế chính trị để chỉ làm một cử động nhỏ bé là có đủ cơm bánh. Mồ hôi, nước mắt vẫn là định luật của cuộc sống. Chúa Giêsu không muốn xoá bỏ định luật ấy. Phép lạ, hay đúng hơn giải pháp Ngài đem đến chính là tình người: có tình người, con người có thể xoá bỏ được mọi thứ nghèo đói. Đó là sứ điệp mà chúng ta có thể tìm thấy trong bài Tin mừng hôm nay.
Chúa Giêsu xót thương đám đông đi theo Ngài. Ngài xót thương họ không những vì họ đang đói khát cơm bánh thể xác, mà còn vì nỗi đói khát tinh thần của họ. Phép lạ bánh hoá nhiều không phải là một giải pháp tạm thời xoa dịu cơn đói khát, mà là một lời mời gọi, một khơi dậy về một chiều kích vượt trên những nhu cầu thể lý. Bên kia cơm bánh nuôi thể xác, Chúa Giêsu mời gọi con người hướng về một của ăn không hư nát là sự sống thần linh, sự sống làm cho con người biết yêu thương, quảng đại hơn.
Chúa Giêsu đã có thể nói một lời và phép lạ liền diễn ra. Nhưng Ngài đã không làm thế. Ngài tra vấn các môn đệ để khơi dậy nơi các ông mối quan tâm, lo lắng đến người khác. Và chính từ những chiếc bánh và nhưng con cá có sẵn, tượng trưng cho sự đóng góp và lòng quảng đại của con người, Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh hoá nhiều nuôi sống đám đông dân chúng.
Giàu tình người, giàu lòng quảng đại, giàu tình liên đới, đó là sự giàu có đích thực, và với sự giàu có ấy, phép lạ của Chúa Giêsu sẽ không ngừng được tiếp diễn và lúc đó cái đói khát thể xác mới được xoá bỏ và kiếp nghèo mới được hạ giảm.
Suy Niệm 5: Giấc mơ vô tận
Đức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến Biển Hồ Galilê. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành. (Mt. 15, 29-30)
Một Lời
Niềm hy vọng không ngừng vọt ra từ những bản văn của ngôn sứ I-sai-a. Hôm nay, niềm hy vọng này làm sống lại ước muốn của chúng ta được vượt qua những giới hạn của sự chết, được sống toàn vẹn, thoát khỏi tang tóc đau thương. Chúng ta thấy trong niềm hy vọng đó lời Chúa ban sự sống xứng đáng dồi dào, xóa sạch mọi khổ nhục. Đó là sự sống vô hạn.
Tin mừng lập lại đề tài này, không phải bằng lời loan báo viển vông, mà bằng dấu chỉ thực hiện niềm hy vọng vô tận này rõ ràng, cụ thể qua việc: “Chúa cầm lấy bảy tấm bánh và mấy con cá, Người tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ phân phát cho dân chúng”.
Một Xã Hội
Chúng ta đang bị một cú sốc. Sau vài thập niên, ai cũng tưởng rằng trái đất là nguồn phong phú vô tận. Nhưng nếu chỉ trong vòng không đầy một tháng thôi, mỏ dầu cạn kiệt, biển khơi chồng chất cặn bã và làm cá chết, những loài vật biến mất, môi trường bị phá hủy, không khí bị ô nhiễm: trái đất sẽ cạn kiệt, thì không còn sản phẩm mới nữa, nguyên liệu hết, đời sống sẽ chẳng còn gì.
Và chúng ta sẽ ra sao?
Thiên Chúa đã hứa ban cho một đời sống phong phú vô tận, nhưng Ngài nhấn mạnh đến phẩm chất của đời sống này, chứ không nói đến đời sống vật chất. Để niềm hy vọng của chúng ta có một giá trị cao quý đích thực về đời sống, chúng ta hãy nghĩ xem và thử đặt vấn đề: “Tôi hy vọng gì? hay đúng hơn: tôi hy vọng vào ai?”. Chúng ta sẽ tìm thấy vô tận ở đâu? Nơi sản phẩm mình có, hay nơi nhân phẩm của mình, nơi cái mình có, hay nơi mình là. Cái mình là, cái phẩm giá mới làm cho đời sống trở thành vô tận. Vậy hãy ném cái thùng của mình vào cái giếng vô tận tuyệt đối, ném cái hữu thể của mình vào hữu thể của Thiên Chúa, ném đời sống mình vào nguồn sống hằng có đời đời của Thiên Chúa.
Sau cùng, để được sống vô biên, cần phải chia sẻ nó. Bánh được hóa ra nhiều để chia sẻ cho đám dân đông đảo, thế mà vẫn còn thu được nhiều thúng đầy. Của cải của chúng ta cần được san sẻ, đời sống của chúng ta cần được bẻ ra phân phát cho nhiều người, nhờ thế, nó được trở nên vô tận.
C.G
Suy Niệm 6: Cần có một tấm lòng
Ngày nay, nhiều người giáo dục con cái về tình thương, nhân ái, liên đới với mọi người bằng cách: khi ra đường, thấy những người ăn xin..., họ thường đưa tiền cho con cái của họ và dặn các cháu lễ phép, kính trọng biếu những người đó. Hay khi bỏ tiền vào rỏ ở nhà thờ hay đền thánh..., họ cũng thường đưa cho các bé bỏ vào. Qua đó, họ muốn con họ sau này sống có tình thương, chia sẻ, liên đới.
Hôm nay, Đức Giêsu đã thực hiện một phép lạ cả thể là chữa lành bệnh tật và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Ngài không muốn làm một mình, nhưng Ngài muốn các môn đệ chung chia nỗi thao thức với Ngài, vì thế, Ngài đã gọi các ông lại và nói: "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng". Đức Giêsu đã khéo khơi gợi lòng bác ái nơi các môn đệ, và như thế, Ngài đã dạy cho các ông bài học quý báu là phải biết lo lắng cho những người đang cần sự giúp đỡ của họ.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có lòng thương xót như Đức Giêsu. Cần có một tình thương bao la, không giới hạn giữa bạn và thù. Nếu những người ốm đau, bệnh tật thời Đức Giêsu, họ đã tìm lại được sự bình an, hạnh phúc khi gặp được Ngài, thì đến lượt chúng ta, mỗi người cũng phải làm cho khuôn mặt, hành động và tình thương của Đức Giêsu được lan truyền và sống động nơi các hành vi, từ cử chỉ, ánh mắt đến nụ cười của mình được thấm đượm vị mặn Giêsu, để những ai gặp được chúng ta, họ như gặp được nguồn bình an, sự cảm thông, lòng thương xót và được hạnh phúc.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng thật ý nghĩa khi nó được đặt vào ngay trong Mùa Vọng, vì Mùa Vọng gợi nhớ và nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ lại tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình, đồng thời biết loan truyền tình thương ấy cho người khác.
Lạy Chúa Giêsu, tình yêu và lòng thương xót của Chúa đã làm cho dân chúng an vui, hạnh phúc. Xin Chúa cũng ban cho chúng con được trở nên sứ giả của niềm vui, bình an và hạnh phúc cho tha nhân. Amen.
Ngọc Biển, SSP
Suy Niệm 7: Sống chia sẻ: vật chất, tình thương
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thiên Chúa yêu thương con người toàn diện. Ngài đã cảm nhận được nỗi bất hạnh, sự thiếu thốn nơi những người bệnh tật, đói khát. Chúng ta hãy cảm tạ lòng Chúa xót thương, bằng cách biết chia sẻ tình mến cho anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con mang thân phận con người là mang lấy sự đói khát và thiếu thốn. Là con người, chẳng ai hài lòng với cái mình đang có. Chính vì thế, tình thương của Chúa là một khát vọng lớn mà con người hằng mong mỏi.
Tình thương Chúa đã được biểu lộ cụ thể nơi cuộc đời của con và của gia đình con. Con được sinh ra được nuôi dưỡng trong niềm tin Kitô giáo, được nuôi dưỡng và lớn lên với biết bao hồng ân của Chúa. Thật là một lỗi lầm khi con chỉ biết sống đua đòi, quay cuồng chạy theo những trào lưu của xã hội để hưởng thụ vật chất, mà không biết dâng lời tạ ơn Chúa đã cho con sống an lành đến ngày hôm nay.
Và cũng thật sai trái, khi con cứ đưa mắt nhìn lên những người giàu có, hạnh phúc hơn con, để rồi con buồn phiền và thầm oán trách Chúa. Nhưng đúng hơn, con phải biết rằng: xã hội, thế giới đang có biết bao nhiêu người đang cần đến sự chia sẻ của con.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn đến nhiều người đang bất hạnh vì bệnh tật triền miên, biết đồng cảm với bao người đang đau khổ vì đói khát, thất nghiệp, hoạn nạn, thiên tai.
Lạy Chúa, mùa Vọng là mùa trông đợi Chúa tỏ lòng thương xót con người một cách đặc biệt, nhưng đồng thời cũng là mùa nhắc nhở con phải biết sống chia sẻ: chia sẻ vật chất, tình thương, cảm thông, an ủi và tha thứ cho anh em. Xin cho con đừng bao giờ quên Lời Chúa căn dặn: Phúc cho ai có lòng thương xót vì sẽ được Chúa xót thương. Amen.
Ghi nhớ: “Chúa Giêsu chữa nhiều người và hóa bánh ra nhiều”.
Suy Niệm 8: Phép lạ bánh hóa nhiều
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Đoạn Tin mừng hôm nay cho ta biết thêm hai loại hoạt động cứu thế của Chúa Giêsu:
a/ cc 29-31: cứu những người bệnh;
b/ cc 32-39: lo cho dân đang đói có của ăn.
Hai hoạt động trên vừa là dầu chỉ cho biết Ngài là Đấng Messia mà Isaia tiên báo Is 61,1-2), vừa là dấu chỉ tiên báo Bí tích Thánh Thể sau này.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Chủ đề của bài đọc Cựu Ước, và sẽ được ứng nghiệm trong bài Tin mừng: “Chúa mời đến dự tiệc của người, và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.
2. Chúa Giêsu như một khối nam châm, một chiếc phao giữa biển đời đau khổ. Ngài “ngồi đó” (câu 29), đông đảo các bệnh nhân kéo đến cùng Ngài (câu 30).
3. Tấm lòng của Chúa Giêsu: “Thầy chạnh lòng thương đám đông... sợ họ bị xỉu dọc đường” (câu 32). Động từ “chạnh lòng” trong nguyên bản có nghĩa rất mạnh và cụ thể: cảm giác như ruột mình đứt ra từng khúc.
4. Chuyện song song ở Lc 9,10-17 còn cho chúng ta biết thêm hai cách phản ứng trước cùng một hoàn cảnh:
a/ Phản ứng của các môn đệ là “Xin Thầy cho đám đông về, để họ... kiếm thức ăn”: phản ứng theo lý (các môn đệ không có trách nhiệm lo cho dân chúng ăn), và mặc kệ (họ đã tự ý đi theo Chúa Giêsu thì họ cũng phải tự lo thức ăn).
Thông thường thì chúng ta cũng như thế. Đây là thái độ của Cain sau khi Chúa hỏi anh về cái chết của Abel, em của anh ta.
Thái độ khép tín lòng từ tâm chảng làm cho con người được hạnh phúc chuyện dù cuộc sống của họ chẳng thiếu thốn một thứ gì.
Khi Đức Thích Ca vào thủ đô của vua Kaniska, nhà vua đã thân hành ra đón chào Ngài. Nhà vua là bạn thân của thân phụ Đức Thích Ca. Đức Thích Ca nhìn sâu vào đôi mắt của nah vua rồi chậm rãi hỏi: "xin Ngài hãy thành thực nói với tôi: Trong tất cả những thú vui mà Ngài đang có, Ngài có thực sự được một ngày hạnh phúc không?"
Vua Kaniska cúi nhìn xuống đất và giữ thinh lặng.
b/ phản ứng của Chúa Giêsu là “Chính anh em hãy lo cho họ ăn”, sau đó Chúa Giêsu làm cho bánh ra nhiều: phản ứng phát xuất từ tình thương, từ sự quan tâm tới người khác, từ tấm lòng quảng đại gánh lấy việc chẳng phải là trách nhiệm của mình.
5. Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự: “Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho cả. Tôi có đủ mọi “sự” nhưng trong lòng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên”. Nhà Cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời cô. Cô này kể: chồng tôi đã chết, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả, tôi không ngủ được, tôi không muốn ăn uống, tôi không bao giờ cười. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Trời lạnh. Tôi cũng tội nghiệp nó, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh đem cho bà cụ hàng xóm đang bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình; ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc”. Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ. (Charlene Johnson).
6. “Đức Giêsu hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông nói: “Thưa có 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ” (Mt 15,34)
Hằng ngày tôi vẫn thấy nào là trẻ em bụi đời, những kẻ bán máu, nào là những kẻ bệnh hoạn, tật nguyền. Tất cả những điều ấy làm tôi nhức nhối, và càng nhức nhối hơn khi nghĩ đến khả năng nhỏ bé của mình. Tôi như thế hoàn toàn bất lực trước những nhu cầu lớn lao ấy. Với 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ của ai đó dâng tặng, Chúa Giêsu đã làm cho hàng ngàn người được no nê. Chúa chỉ cần một đóng góp nhỏ của tôi để làm nên những việc lớn lao. Chẳng lẽ tôi nghèo đến nỗi không có gì để chia xẻ. Chẳng lẽ tôi không có được một lời chào, một nụ cười, một lời hỏi thăm, một lời khuyên. Nếu tôi sẵn sàng trao tặng thì tất cả những khả năng bé nhỏ này, nhờ ơn Chúa, chắc chắn sẽ đem lại niềm vui, tình thương, và thậm chí cả niềm tin cho những người bất hạnh nghèo khổ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra những tiềm năng Chúa ban, và biết sử dụng để đem lại niềm vui, tình thương và niềm tin cho mọi người (Epphata).
Suy Niệm 9: Phải biết chia sẻ
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Sau khi chữa lành con gái người đàn bà Canaan, Đức Giêsu cùng các môn đệ lên một ngọn núi ở ven biển hồ Galilê. Ở đó, Ngài tiếp đón và qui tụ nhiều người ở khắp nơi. Họ mang đến cho Người nhiều bệnh nhân và Ngài đã chữa lành họ. Trước cảnh đoàn lũ dân chúng bơ vơ không có người chăn, Ngài chạnh lòng thương và ban lương thực nuôi sống họ.
2. Đức Giêsu lên núi, dân cúng lũ lượt kéo lên nghe Người giảng, và mang theo nhiều bệnh nhân để xin cứu chữa. Chúa chữa họ khỏi hết: câm được nói, què đi được, mù được thấy... nên mọi người hết sức cảm phục và ngợi khen Chúa.
Trước cảnh đoàn lũ dân chúng bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt, họ lại đói khát vì theo Chúa nghe giảng dạy ba ngày rồi mà không có gì ăn. Ngài chạnh lòng thương và ban lương thực nuôi sống họ bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều từ bảy chiếc bánh và mấy con cá, nuôi bốn ngàn người không kể đàn bà và con trẻ. Khi ăn xong các môn đệ lại thu được bảy thúng bánh vụn.
3. Đức Giêsu bảo các môn đệ hãy lo cho họ ăn, nhưng trong hoang địa thế này làm sao các ông có thể lo cho họ ăn được! Các ông cảm thấy hoàn toàn bất lực. Đúng thế, Chúa có ý cho thấy sự bất lực của các ông trước khi Người làm phép lạ. Để rồi từ đó, qua phép lạ tỏ tường, các ông nhìn ra con người thật của Ngài và sẽ trung thành tin theo Ngài.
4. Trước phép lạ này, chúng ta thấy có hai phản ứng khác nhau giữa Chúa và môn đệ:
a) Phản ứng của các môn đệ là “Xin Thầy cho đám đông về, để họ... kiếm thức ăn”: phản ứng theo lý (các môn đệ không có trách nhiệm lo cho dân chúng ăn), và mặc kệ (họ đã tự ý đi theo Chúa thì họ cũng phải tự lo thức ăn).
b) Phản ứng của Đức Giêsu là “Chính anh em hãy lo cho họ ăn”, sau đó, Đức Giêsu làm cho bánh ra nhiều: phản ứng phát xuất từ tình thương, từ sự quan tâm tới người khác, từ tấm lòng quảng đại gánh lấy việc chẳng phải là trách nhiệm của mình.
5. Chúa hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh”? Hỏi như thế là Chúa muốn các môn đệ dâng cho Người những gì mình có để Chúa biến thành sức sống chăm sóc dân chúng. Chúa muốn người tông đồ dâng cho Người những gì mình có dù nhỏ bé hèn mọn, để Chúa biến thành của ăn tinh thần nuôi dưỡng dân chúng.
6. Các môn đệ thưa: “Có 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ” (Mt 15,34).
Hằng ngày chúng ta vẫn thấy nào là trẻ em bụi đời, những kẻ bán máu, nào là những kẻ bệnh hoạn, tật nguyền. Tất cả những điều ấy làm chúng ta nhức nhối, và càng nhức nhối hơn khi nghĩ đến khả năng nhỏ bé của mình. Chúng ta như hoàn toàn bất lực trước những nhu cầu lớn lao ấy.
Thế mà với 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ của ai đó dâng tặng, Đức Giêsu đã làm cho hàng ngàn người được no nê. Chúa chỉ cần một đóng góp nhỏ của chúng ta để làm nên những việc lớn lao. Chẳng lẽ chúng ta nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ? Chẳng lẽ chúng ta không có được một lời chào, một nụ cười, một lời hỏi thăm, một lời khuyên... Nếu chúng ta sẵn sàng trao tặng thì tất cả những khả năng nhỏ bé này, nhờ ơn Chúa, chắc chắn sẽ đem lại niềm vui, tình thương, và thậm chí cả niềm tin cho những người bất hạnh nghèo khổ (Mỗi ngày một tin vui).
7. Bài học của phép lạ hóa bánh ra nhiều là ở chỗ: Chúa dạy chúng ta là hãy vâng lời Ngài mà thực hiện điều răn yêu thương. Yêu thương là chia sẻ, là trao ban. Khi chúng ta chia sẻ, trao ban chính là làm cho tình yêu được nâng lên.
Tấm bánh đáng lẽ chỉ nuôi được một vài người, đã có thể nuôi cả ngàn người. Tình yêu có thể làm được chuyện mà đồng tiền, đống của không làm được. Người ta thường nghĩ có nhiều, có dư thì mới cho. Tình yêu không đợi phải có đủ, có dư thì mới cho, nhưng còn sẵn sàng cho cả cái chính mình đang thiếu, và thậm chí, cả khi không có gì, vẫn có thể cho, đó là chính mình: công sức, tài năng, thì giờ...
8. Truyện: Chỉ cần biết chia sẻ
Một hôm có một người đàn ông vào nhà một bà dân làng để xin ăn. Bà này từ chối với lời nói chân thật: “Xin lỗi, hiện giờ trong nhà tôi không còn gì có thể ăn được”.
Người khách lạ nói: “Không sao, chỉ nhờ bà cho tôi mượn một nồi nấu súp thật lớn. Tôi có một viên sỏi có thể nấu thành một nồi súp đặc biệt ngon, từ trước tới giờ chưa từng có món ăn nào ngon bằng món tôi nấu”.
Bà chủ nhà bằng lòng. Người khách lạ đổ nước vào nồi, bỏ viên sỏi vào nồi rồi bắt đầu nấu. Trong khi đó, bà chủ nhà sang nhà bà hàng xóm tiết lộ bí mật của nồi súp tuyệt vời ấy. Người hàng xóm này lại tiết lộ cho người hàng xóm khác. Chẳng bao lâu sau căn nhà đầy ắp người.
Khi nước bắt đầu sôi, người khách lạ múc lên một muỗng nếm thử: “Chà, rất ngon. Nhưng phải chi có thêm chút khoai tây nữa thì sẽ ngon tuyệt”. Một người vội vàng chạy về nhà lấy khoai tây bỏ vào. Lát sau người khách lại nếm và lại nói: “Ngon hơn trước rồi. Phải chi có thêm một chút thịt nữa thì hết chỗ chê”. Một người khác vội chạy về lấy thịt. Cứ như thế, cứ như thế...
Cuối cùng nồi súp chín. Người khách mời mọi người ngồi vào bàn. Mỗi người một tô. Ai nấy đều khen món súp ngon tuyệt vời. Còn người khách lạ thì vớt từ đáy nồi lên viên sỏi của mình, bỏ vào túi, rồi vui vẻ chào mọi người và ra đi.
Suy Niệm 10: Biết chia sẻ hạnh phúc
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Nếu chúng ta đặt câu chuyện này song song với Tin Mừng Lc 9, 10-17 thì chúng ta sẽ được biết thêm những chi tiết đặc biệt khác. Luca cho chúng ta biết, đứng trước cùng một hoàn cảnh nhưng phản ứng của những người trong cuộc rất khác nhau:
a/ Trước hết là phản ứng của những môn đệ. Các môn đệ phản ứng rất tiêu cực: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ... kiếm thức ăn”. Đây là phản ứng theo lý (các môn đệ thấy mình chẳng có trách nhiệm gì đối với đám đông này), và họ chọn thái độ thoái thác, mặc kệ (họ đã tự ý đi theo Chúa Giêsu thì họ cũng phải tự lo thức ăn).
Thông thường thì chúng ta cũng như thế. Đây là thái độ của Cain sau khi Chúa hỏi anh về cái chết của Abel, em của anh ta.
Thái độ khép kín lòng từ tâm này rõ ràng chẳng làm cho con người được hạnh phúc mặc dù cuộc sống của họ chẳng thiếu thốn một thứ gì.
b/ Phản ứng thứ hai là phản ứng của Chúa Giêsu. Đây là phản ứng rất tích cực: “Chính anh em hãy lo cho họ ăn”, sau đó Chúa Giêsu làm cho bánh ra nhiều.
Rõ ràng đây là phản ứng phát xuất từ tình thương, từ sự quan tâm tới người khác, từ tấm lòng quảng đại gánh lấy việc chẳng phải là trách nhiệm của mình.
Tại văn phòng của một cố vấn tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ đẹp vừa giàu sang bước vào giải bày tâm sự:
- Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho tất cả. Tôi có đủ mọi “sự” nhưng lòng của tôi lúc nào cũng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên.
Nhà cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể lại chuyện đời cô cho người phư nữ này nghe. Cô thư ký kể:
- Chồng tôi đã chết cách nay 3 tháng; con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả. Tôi không ngủ được. Tôi không muốn ăn uống. Tôi không bao giờ cười. Rồi một hôm, tôi đi làm về hơi khuya. Một chú mèo con cứ lẽo đẽo đi theo tôi. Trời lạnh. Tôi thấy tội nghiệp nó quá, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên từ sau những thảm kịch bi đát của gia đình... tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là ngay ngày hôm sau, tôi nướng vài ổ bánh đem sang cho bà cụ hàng xóm đang nằm bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp, được vui vẻ. Và quả thực, tôi đã tìm thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không có hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình. Ngược lại, ta sẽ hạnh phúc thật, khi ta làm cho người khác hạnh phúc”.
Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì mà đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ. (Charlene Johnson).
2. Đức Giêsu hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông nói: “Thưa có 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ” (Mt 15, 34).
Trong bài giảng số 178, thánh Augustinô có kể lại câu chuyện xảy ra lúc ngài sống tại Milanô Bắc Italia như sau:
Ngày kia có một người nghèo nhặt được một cái ví, trong đó có hai trăm đồng vừa vàng vừa bạc. Nhớ lại Lời Chúa, người đó muốn trả lại cái ví cho người chủ. Nhưng không biết tìm đâu ra người chủ. Người nghèo liền viết một tấm bảng kêu gọi người mất ví tìm đến nhà mình, để nhận lại.
Đọc được tấm bảng, người mất ví tìm đến nhà người nghèo để xin nhận lại cái ví. Sau khi tra hỏi kỹ càng, người nghèo liền trao cái ví cho người chủ. Người này cảm ơn rối rít và tặng cho người nghèo hai mươi đồng, tức là mười phần trăm số tiền có trong ví, theo như qui định thời bấy giờ. Nhưng người nghèo nhất quyết không nhận món quà. Người chủ liền trao cho ông mười đồng, nhưng ông cũng từ chối. Cuối cùng, người chủ nài nỉ ông nhận cho năm đồng, người nghèo cũng một mực không nhận.
Khổ tâm vì không thể nói lên được lòng biết ơn của mình, người chủ đành ném cái ví xuống đất rồi nói như sau: “Bởi vì ông không chịu nhận một đồng nào, nên tôi tuyên bố là tôi cũng không hề mất một đồng nào”.
Nghe thế, người nghèo đành phải nhận món quà của người giàu. Nhưng tức khắc ông đem chia sẻ tất cả cho những người nghèo khổ hơn ông và ông cảm thấy lòng mình thảnh thơi.
Byron nói: “Phương thế tốt nhất để bảo toàn hạnh phúc là biết chia sẻ hạnh phúc”.
Vua Baudouin thì cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đau cái đau của người khác, biết khắc khoải nỗi khắc khoải của người khác. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chia sẻ với người khác mọi hạnh phúc chúng con đang có”.
Bài cùng chuyên mục:
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 339)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,446)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,531)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,332)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,781)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,784)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,877)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,084)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,559)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,949)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
-
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu.
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
- Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo....
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất