Lời chúa mỗi ngày

Thứ Hai 24/01/2022 – Thứ Hai tuần 3 thường niên. – Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.– Ngoan cố, tội phạm đến Chúa Thánh Thần.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,285
  • Ngày đăng: 23/01/2022 08:00:00

Ngoan cố, tội phạm đến Chúa Thánh Thần.

24/01 – Thứ Hai tuần 3 thường niên. – Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Satan phải diệt vong".

 

* Thánh nhân sinh tại Xavoa năm 1567. Sau khi làm linh mục, người tận tuỵ với công việc canh tân Hội Thánh công giáo tại quê hương. Được chọn làm giám mục Geneve, người tỏ ra là một mục tử lo lắng cho giáo sĩ và giáo dân. Người là vị sáng lập dòng các nữ tu thăm viếng cùng với chị Phanxica đờ Săngtan. Suốt cuộc đời, người trở nên mọi sự cho mọi người qua lời nói và chữ viết, cũng như khi tranh luận thần học với anh em Tin Lành, khi giúp cho giáo dân biết sống đời sống thiêng liêng, lo lắng chăm nom cả kẻ bé lẫn người lớn. Thánh nhân qua đời ở Lyon ngày 28 tháng 12 năm 1622.

 

LỜI CHÚA: Mc 3, 22-30

Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: "Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám", và nói thêm rằng: "Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ".

Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: "Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y.

Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời". Ðó là vì họ nói "Người bị thần ô uế ám".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Vào nhà một người mạnh

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Thân nhân của Đức Giêsu đã tưởng Ngài bị mất trí (c. 21),

nhưng có thể họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám,

dù trong thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám.

Các kinh sư đến từ thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều.

Họ tố cáo Đức Giêsu là người bị quỷ ám,

không phải quỷ thường, mà là quỷ vương Bêendêbun.

Hơn nữa, họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22).

Lời tố cáo trên đây của những kinh sư thật là nghiêm trọng,

vì ai dựa thế như vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử.

Đức Giêsu đã trả lời tố cáo này bằng hai hình ảnh về Nước và Nhà.

Đức Giêsu nhìn nhận sự hiện diện

và hoạt động của Nước Xatan trong thế gian này.

Nước này có tôn ti trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương,

đó là Xatan hay Bêendêbun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22).

Xatan muốn bành trướng Nước của mình trong thế giới loài người.

Nó sai các quỷ nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai.

Theo thánh Inhaxiô, Xatan thường cám dỗ ta theo ba bước:

từ sự ham muốn của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo,

rồi sau đó đi đến mọi nết xấu khác (Linh Thao 142).

Như thế Xatan khôn khéo đánh bẫy và trói buộc con người.

Đức Giêsu đã không bắt tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới.

Ngài tấn công trực diện vào Nước của Xatan,

phá đổ Nước này và khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20).

Cuộc chiến không dễ dàng và còn kéo dài đến tận thế.

Thế giới hôm qua cũng như hôm nay được ví như một ngôi nhà.

Tiếc thay ngôi nhà đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt.

Xatan chính là kẻ mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27).

Nhưng Đức Giêsu lại là người mạnh hơn (Mc 1, 7).

Người mạnh hơn đã trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm.

Tước đoạt chính là giải thoát những ai bị Xatan cầm giữ,

và trả lại cho họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ.

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan.

Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa,

và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.

Nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trừ quỷ (Mt 12, 28),

nên ai bảo Ngài trừ quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bêendêbun,

thì xúc phạm đến Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30).

Đức Giêsu không phải là người có thần ô uế.

Ngài có đầy ắp Thánh Thần trong mọi lời nói việc làm.

Chỉ ai cố chấp, bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó.

Mọi tội lỗi đều có thể được thứ tha (c. 28),

trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

Làm sao giúp con người hôm nay mềm mại mở ra

để nhận thấy Thánh Thần vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

 

Suy Niệm 2: Sức mạnh của Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Dân Ít-ra-en khi tấn phong Đa-vít làm vua đã trích dẫn lời Chúa: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en”. Quả thực “Vua Đa-vít ngày càng mạnh thế, và Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh ở với vua”. Nên vua đánh đâu thắng đó. Thu thập các dân tộc chung quanh. Thu hồi đất đai Chúa hứa. Xây dựng vương quốc hùng mạnh. Danh tiếng lừng lẫy. Trở thành vị vua mẫu mực. Dân Ít-ra-en muôn đời tưởng nhớ. Và chờ mong một vị vua mới từ dòng dõi vua Đa-vít sẽ xuất hiện. Phục hồi vương quốc hùng mạnh, danh tiếng thuở xưa (năm chẵn).

Lời tiên báo đến thời thực hiện. Niềm chờ mong đã được đáp đền. Chúa Giê-su đến với sức mạnh vô biên của Thiên Chúa. Con người dẫu mạnh mẽ cũng chỉ thắng được con người thôi. Chưa có ai thắng được ma quỉ. Thế lực siêu nhiên luôn thống trị con người. Thế mà Chúa Giê-su đã chiến thắng ma quỉ. Ra lệnh cho ma quỉ. Xua trừ ma quỉ ra khỏi con người. Các kinh sư thấy sức mạnh của Chúa không những không tin mà còn vu cáo Chúa chính là tướng quỉ nên ma qủi mới thuần phục. Chúa Giê-su đã vạch rõ ác ý của họ khi chứng minh lời họ là sai ở cả hai phía. Xa-tan tự chia rẽ cũng tận số. Và nếu có người mạnh đến chiến thắng thì Xa-tan cũng tận số: “Nếu Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nêu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó”.

Sức mạnh vô biên của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giê-su là tình yêu. Tình yêu lớn lao chưa từng có. Là dám hi sinh tính mạng vì người mình yêu. Chúa Giê-su bày tỏ sức mạnh vô biên trong tình yêu vô biên dám chấp nhận cái chết. Đã trở thành “trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ”. Với quyền năng vô biên, ngài chỉ dâng hiến một lần là đủ: “Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình”. Ma quỉ chỉ mạnh khi người ta tội lỗi. Nay Chúa Giê-su tiêu diệt tội lỗi. Nên ma quỉ mất hết quyền lực. Con người được giải phóng, được “kêu gọi lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu” (năm lẻ).

Tình yêu Chúa lớn vô biên. Tình yêu trở thành quyền năng vô biên. Đó là điều làm cho ta tin tưởng. Trong quyền năng Chúa ta được cứu chuộc. Trong tình yêu Chúa ta được yêu thương. Lạy Chúa, xin hãy đến giải thoát con khỏi mọi thế lực của ma quỉ.

 

Suy Niệm 3: Tội ngoan cố

Hoạt động của Chúa Giêsu ở Capharnaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến Yêrusalem, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Yêrusalem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ phơi bày sự ngoan cố của các kẻ thù của Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình xua trừ ma quỷ ra khỏi con người, mang lại sức khỏe cho con người.

Chúa Giêsu đã rao giảng một cách có uy tín trong vùng Galilê, quanh thành Capharnaum, cùng với những dấu chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng minh quyền năng thần linh của Ngài. Các luật sĩ từ Yêrusalem đến, lẽ ra hơn ai hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người tôn giáo chuyên môn về Lời Chúa. Nếu Chúa Giêsu chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan cố của các kẻ chống đối Chúa có thể còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội; Ngài đã ra lệnh cho quỷ dữ ra khỏi nhiều người và chúng đã vâng phục.

Trước những hành động kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, những kẻ chống đối Ngài nói rằng Ngài đã bị quỷ Beelzebul ám và đã dùng quyền của quỷ vương để trừ quỷ. Thật không có sự ngoan cố nào nặng nề hơn: một vị Thiên Chúa mà lại bị các nhà thông luật gán cho tước hiệu đầu mục của quỷ. Ðó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được, vì là tội phạm đến Thánh Thần. Thiên Chúa quyền năng có thể tha thứ mọi tội lỗi nhưng Ngài không thể cứu con người, nếu con người cứ đóng kín tâm hồn mình trước ân sủng và sự soi sáng của Thiên Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta xác tín vào chương trình cứu rỗi yêu thương của Ngài được thực hiện qua Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Nguyên tắc sống không mâu thuẫn

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Sa tan làm sao trừ Sa tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền.” (Mc. 3, 20. 23-24)

Chúa Giêsu vẫn có những kẻ luôn rình mò Người, họ không ngại đẩy Người vào những cuộc tranh luận ở nơi công cộng. Hôm nay, các kinh sư từ Giêrusalem xuống đả kích chính tư cách bản thân Người: “Ông ấy bị thần ô uế ám”.

Tố cáo

Theo cái nhìn của những kinh sư, Chúa Giêsu là con người có nhiều mâu thuẫn. Người cho mình là Thiên Chúa mà lại không tôn trọng luật giữ ngày sa-bát? Người giao du quá dễ dàng với những người tội lỗi và quân thu thuế. Người giảng dạy và chữa bệnh với uy quyền như vậy mà lại không giữ được tư cách đàng hoàng. Tại sao và tại sao? Tóm lại, những kinh sư cho rằng Chúa Giêsu chẳng có gì phù hợp với quan niệm hay mô hình về một ngôn sứ hoặc người công chính theo như họ tưởng.

Bào chữa

Đáp lại những lời tố cáo của các kinh sư, Chúa Giêsu cho họ thấy nơi Người không có gì là mâu thuẫn cả, viện lẽ rằng không ai lại tự hủy diệt chính mình. Khi giao tiếp với ác thần, Người có tiêu diệt được nó không? Khi can thiệp để chữa cho một người bị qủy ám, chẳng phải vì Người có quyền trên thần ô uế đó sao?

Chúng ta có liên đới vơi Người không?

Đến lượt mình, người tín hữu cũng sẽ bị người đời chất vấn: bạn theo ai? Người tín hữu cũng như bất cứ ai hằng gắn bó với một giáo thuyết hay một mẫu gương nào đó và muốn sống trọn với điều ôm ấp ấy, sớm muộn gì cũng sẽ phải trả lời cho biết hành động của mình có đi đôi với giáo thuyết mình tán dương không.

Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, ngày nay chúng ta phải chịu nhiều tố cáo và phê phán, là bởi tại đời sống làm chứng của ta không thật trong sáng, vả chăng lại còn nhiều cách biệt và mâu thuẫn giữa việc ta làm và lời Chúa dạy. Ta vẫn biết cầu nguyện là cần thiết và phải dành thời giờ cho việc ấy, nhưng sự cần thiết và thời gian được dành có phù hợp với nhau không? Ta có phấn đấu và tẩy sạch những lu mờ để đời sống bác ái của ta là tấm gương sáng phản ảnh Chúa, và trở nên Thân thể Chúa Kitô không?

Tóm lại, các kinh sư là những người hay chất vấn. Những kinh sư của thời nay cũng vẫn còn dựa vào nguyên tắc “Ngôn hành tương ứng” nói sao làm vậy để đo lường giá trị con người của ta: cây tốt thì sinh quả tốt…. Cây tốt không thể sinh quả xấu. Họ không lầm để kiểm tra ta trong vấn đề này.

 

Suy Niệm 5: Thích ứng để truyền giáo

Đọc lại lịch sử truyền giáo của các nhà thừa sai trên Miền Thượng (Tây Nguyên – Việt Nam) trong cuốn: “Dân Làng Hồ”, tác giả cho thấy rất rõ yếu tố sống còn, thành công hay thất bại, phụ thuộc rất nhiều vào việc thích ứng hay không thích ứng của các thừa sai!

Khi nói đến truyền giáo, yếu tố thích ứng là điều rất quan trọng, vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhấn mạnh đến yếu tố này khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng và truyền cho họ  đừng mang theo bao bị, giày dép, túi tiền... Người ta cho ăn thức ăn gì thì hãy ăn. Điều này ngược lại với quan niệm của người Pharisêu, vì mỗi khi họ đi đâu xa, thường thì họ luôn chuẩn bị cho mình những thứ căn bản như tiền, bao bị và thức ăn để đảm bảo sự thanh sạch, vì nếu không có những thứ đó, họ e sợ bị nhiễm uế nơi dân ngoại...

Người môn đệ của Đức Giêsu phải khác! Khác để hiệp nhất, hiệp thông, hòa đồng; khác để sống tình huynh đệ, bác ái; khác để thích ứng và hội nhập; khác để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa; khác để sống phó thác trong sự an bài của Thiên Chúa.

Điều quan trọng là nhà thừa sai phải là người cảm nghiệm được sự bình an sâu xa từ trong nội tâm khi phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa và sống hết mình với anh chị em mình, có thế, món quà quý giá mà người thừa sai trao ban cho con người chính là sự bình an, niềm vui và hạnh phúc.

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người được trao phó trách nhiệm làm ngôn sứ cho Chúa. Tức là chúng ta có trách nhiệm giới thiệu Chúa cho người khác. Trở nên chứng nhân trong cuộc sống đời thường của mình. Đây là sứ mạng mà Chúa tin tưởng, ủy thác cho chúng ta. Vậy, chúng ta đã ý thức và thi hành sứ vụ đó ra sao?

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con bình an của Chúa, để chúng con biết chia sẻ sự bình an đó cho người khác. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Chúa lấy quyền nào?

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu chữa lành cho những người bị quỉ ám. Các luật sĩ không tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên cho rằng Ngài lấy quyền của tướng quỉ Bengiêbút mà trừ quỉ. Nhưng Chúa nói cho họ biết: nước nào tự chia rẽ thì làm sao tồn tại được. Ma quỉ cũng vậy, nếu nó chia rẽ, nó sẽ tiêu vong. Còn nếu Ngài nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ thì ma quỉ đã tự chia rẽ nhau rồi, làm sao nó đứng vững được?

2. Các luật sĩ nói Chúa Giêsu bị quỉ vương Bengiêbút ám và dựa vào thế quỉ vương để trừ quỉ. Theo Chúa Giêsu, lời tố cáo đó là một điều vô lý. Quả thật, Satan không thể chống Satan. Nước nào, nhà nào chia rẽ thì sẽ đi tới chỗ diệt vong. Satan cũng vậy. Marcô 3,27 cho thấy: chẳng những Chúa Giêsu không bị quỉ chi phối, không theo phe quỉ, Ngài còn chống quỉ; quỉ là người mạnh, Chúa Giêsu còn mạnh hơn quỉ nữa” (Chú thích của bản dịch nhóm CGKPV).

3. Những luật sĩ ấy chẳng những không nhìn nhận quyền phép Chúa Giêsu trong việc Ngài trừ quỉ mà còn xuyên tạc rằng Ngài dựa thế quỉ vương. Thái độ ấy bị Chúa Giêsu gọi là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Chúa Thánh Thần là nguồn bảy ân sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ ơn thánh và khước từ được cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước từ  thì Chúa cũng chịu vì sự tự do Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta từ chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta khước từ sự tha thứ đó. Thánh Augustinô từng dạy: ”Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có ta cộng tác”. Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, mà ta xúc phạm  đẩy Ngài ra để chỗ cho tà thần, thì làm sao được cứu độ? (Mỗi ngày một tin vui).

4. Có lẽ chúng ta không đến nỗi “tệ” tới mức “nghi” Chúa Giêsu bị quỉ Bengiêbút ám, nhưng nghi sự trái cho người khác, hoặc thấy việc tốt người khác làm, không khen ngợi thì chớ, lại còn “tán chuyện” ra  để đàm tiếu thì phải chăng đó là “chuyện thường ngày ở...” sở làm, trong xóm ngõ của chúng ta? Để không mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy nhìn nhận việc tốt của người khác một cách trân trọng, và nếu cần phải phân định việc gì hãy làm với tinh thần bác ái.

5. Trong thời đại hôm nay nhiều giá trị, nhiều nguyên tắc đạo đức và luân lý  đang bị đảo lộn khắp các tầng lớp xã hội. Nếu đưa mắt nhìn quanh, người ta sẽ thấy trong các tầng lớp xã hội, gia đình và tôn giáo đều có sự chia rẽ. Bao nhiêu giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện, phái nào cũng mạo nhận là theo gót chân Chúa một cách trung thực. Ngay cả trong một giáo phái, cũng có sự chia rẽ và phe phái. Chính điều này đã làm cho nhiệm thể Chúa Kitô bị phân rẽ và tổn thương. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cảnh báo điều đó khi trả lời cho người Do thái kết án Người là lấy quyền tướng quỉ đè bẹp lính quỉ.

6. Những người luật sĩ bị coi là phạm đến Chúa Thánh Thần vì họ chối bỏ chân lý, không chấp nhận sự sám hối thì làm sao có thể tha tội được. Qua lời phân định của Chúa Giêsu về mức độ tội trạng được tha và không được tha, mỗi người chúng ta, một đàng ý thức về tội trạng của mình khi xét mình trước mặt Chúa để khơi dậy lòng thống hối; đàng khác phải luôn luôn bảo vệ và phát triển lòng tin cùng kính mến Chúa để tránh những xúc phạm đến Chúa. Nếu đã đã trót phạm tội mà ăn năn sám hối thì tội bao nhiêu cũng được tha. Cứ vững lòng tin.

7. Truyện: Không nghi ngờ và thất vọng.

Người ta kể: một hôm có một chàng thanh niên đến gặp cha Placido Vicardi, dòng Biển Đức, ở Italia, để xin xưng tội. Chàng thanh niên này quì xuống và thưa với cha Vicardi:

- Thưa cha, con là kẻ tội lỗi khốn nạn nhất, vì con đã phạm đủ mọi thứ tội.

Cha Vicarđi đáp:

- Đúng, con đã phạm đủ mọi thứ tội, nhưng con không phải là kẻ có tội khốn nạn nhất, vì có một tội nặng nhất mà con đã không phạm tội ấy.

Chàng thanh niên ngẩng đầu lên nhìn cha Vicardi ngạc nhiên hỏi:

- Thưa cha, làm sao cha biết? Tội đó là tội nào vậy?

Cha Vicardi trả lời:

- Tội nặng nhất mà con đã không phạm, đó là con đã không nghi ngờ và thất vọng  về lòng từ bi của Chúa. Sở dĩ cha biết như thế, vì nếu không, thì con đã không đến đây để xin lãnh nhận Bí tích Giải tội. Vậy, nhân danh Đấng giầu lòng từ bi và yêu thương mà con vẫn hằng tin tưởng cậy trông, cha tha thứ hết mọi tội lỗi cho con. Con hãy về, và cố gắng đền đáp lòng yêu thương tha thứ của Chúa nhá.

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu là Đấng mạnh nhất

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. "Các kinh sư nói Chúa Giêsu bị quỷ vương Bêendêbun ám và dựa vào thế quỷ vương để trừ quỷ. Theo Chúa Giêsu, lời tố cáo đó là một điều vô lý. Quả thật, Satan không thể chống Satan (3,23b). Nước nào, nhà nào chia rẽ thì sẽ đi tới chỗ diệt vong (3,24-25); Satan cũng vậy (3,26). Mc 3,27 cho thấy chẳng những Chúa Giêsu không bị quỷ chi phối, không theo phe quỷ, Ngài còn chống quỷ; quỷ là người mạnh, Chúa Giêsu còn mạnh hơn quỷ nữa" (Chú thích của bản dịch nhóm CGKPV).

2. Những luật sĩ ấy chẳng những không nhìn nhận quyền phép Chúa Giêsu trong việc Ngài trừ quỷ mà còn xuyên tạc rằng Ngài dựa thế quỷ vương. Thái độ ấy bị Chúa Giêsu gọi là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng lương tâm cho người ta thấy rõ sự thật, thấy tội lỗi của mình để sám hối và được tha. Từ chối sự thật, không chịu sám hối thì không thể nào được tha. Không được tha không phải vì Chúa không tha mà vì mình không muốn được tha.

B.... nẩy mầm.

1. Chuyện này nhắc ta hai sự thật:

a/ Quả thực có hoạt động của Satan trong thế giới này và trong bản thân mỗi người, sức hoạt động này rất mạnh;

b/ Nhưng quả thật, Chúa Giêsu mạnh hơn. Chuyện này cũng làm ta liên tưởng tới những lời chia xẻ kinh nghiệm của thánh Phaolô "Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay... Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?" (Rm 7,21.24); "Thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi để tôi khỏi tự cao tự đại... Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, đề sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi... Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh" (2 Cr 12,7.10)

2. Đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa hai em nhỏ:

- Nếu Satan đến cám dỗ, bạn làm sao chống trả ?

- Mình biết Satan đến để cám dỗ, nhưng khi nó gõ cửa lòng mình, mình bảo Có phải Chúa Giêsu gõ cửa đấy không ạ? Khi Satan nghe tên Giêsu là nó biến ngay!

Người mạnh nhất cũng không thể một mình chống lại Satan (Góp nhặt).

3. Phải hiểu cho đúng câu Tin Mừng Luca 4,13: "Và sau khi chấm dứt mọi cám dỗ, quỉ bỏ đi chờ đợi thời cơ". Câu đó không có nghĩa là sau khi ma quỉ cám dỗ, nó để cho ta yên một thời gian. Cũng không phải là nó để ta có giờ nghỉ ngơi hầu lấy lại sức mạnh cho cuộc chiến sau. Cũng không phải Chúa ngăn cản, không để quỉ cám dỗ ta trong một thời gian. Dịch cho đúng: câu đó có nghĩa là  quỉ tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại và tiếp tục tấn công. Nên khi quỉ thôi cám dỗ ta, chính là lúc nó đang tìm cách để đánh úp ta. (Góp nhặt)

4. "Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền. Nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững" (Mc 3,24)

Trong cuộc sống, khi cộng tác với người khác, tôi thường có những thành kiến, không tin vào thiện chí của họ, không vượt qua được những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến hẹp hòi, là vì tôi đã không dám từ bỏ chính mình để đi tìm chân lý ở mọi người.

Rồi cuộc sống chỉ có mình tôi, thế giới đối với tôi thật nghèo nàn, và cuộc sống trở nên vô nghĩa.

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe nhau bằng quả tim yêu thương. Xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ngay trong cuộc sống trần gian. (Epphata)

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,514)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,705)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,605)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,357)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,786)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,791)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,883)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,107)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,560)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,951)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7