Thứ Bảy 07/05/2022 – Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh. – Biết chọn lựa phải theo ai
- In trang này
- Lượt xem: 6,581
- Ngày đăng: 06/05/2022 08:00:00
Biết chọn lựa phải theo ai
07/05 – Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh.
"Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống".
Lời Chúa: Ga 6, 60-69
Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: "Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống.
Nhưng trong các ngươi có một số không tin". Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: "Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho". Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa.
Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: "Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" Simon Phêrô thưa Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Anh em cũng muốn bỏ đi sao?
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Chương 6 của Tin Mừng Gioan có một kết thúc không vui lắm.
Bài Tin Mừng hôm nay (cc. 60-69) đi theo ngay sau các câu 35-50,
vì các câu 51-59 có lẽ được viết muộn hơn và thêm vào sau này.
Đức Giêsu coi mình là bánh thật từ trời xuống (cc. 33. 50).
Ai tin vào Ngài sẽ được sống muôn đời (cc 40. 47).
Những lời giảng của Đức Giêsu đã gây vấp phạm, khó nghe, gai chướng,
khiến nhiều môn đệ xầm xì, không tin, rút lui và không đi theo Ngài nữa.
Chỉ có nhóm Mười Hai ở lại, nhưng cũng không trọn vẹn.
Giáo huấn của Đức Giêsu vẫn luôn gây sốc cho con người mọi thời.
Lời Chúa vẫn luôn là điều khó hiểu, khó chịu và khó sống.
Những Kitô hữu đã tin theo Đức Giêsu trong nhiều năm
vẫn bị đặt mình trước lời Chúa và được mời gọi chọn lại.
Tin vào Đức Giêsu là một chọn lựa lớn và căn bản.
Chọn lựa này cần được làm mới lại mỗi ngày xuyên qua những chọn lựa nhỏ.
Có những Kitô hữu mất đức tin vì đã không dám sống niềm tin của mình.
Có những người rút lui và bỏ đi, dù tên vẫn còn trong sổ Rửa tội.
Có những người xầm xì vì những đòi hỏi gai góc của Lời Chúa.
“Chẳng lẽ anh em cũng muốn bỏ đi sao?”
Đức Giêsu buồn rầu hỏi nhóm Mười Hai như thế.
Simon đại diện anh em đã xin được tiếp tục ở với Thầy, đi với Thầy.
“Bỏ Thầy chúng con biết đi với ai?”
Lời của Thầy tuy khó nghe, nhưng con tin đó là lời ban sự sống đời đời (c. 68).
Lời của Thầy tuy chướng tai, nhưng lại là thần khí và là sự sống (c. 63).
Simon tin Thầy Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 69).
Đấng Thánh là Đấng từ trời xuống
và cũng là Đấng sẽ lên trời nơi đã ở trước kia (c. 62).
Có thể điều làm con người hôm nay bỏ đạo, bỏ Chúa Giêsu,
lại không phải là những lời khó nghe của Ngài,
mà là đời sống của các Kitô hữu, những người không dám sống các lời ấy.
Nhiều người thấy chướng khi nhìn vào cuộc sống của họ.
Xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn đến với Giêsu, và kiên trì ở lại với Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen. (dịch theo Learning Christ)
Suy Niệm 2: Thần khí và sự sống
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Khi Chúa nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Người ta lẩm bẩm kêu trách Chúa. Vì họ hiểu theo xác thịt. Theo xác thịt, làm sao có thể ăn được thịt Chúa. Chúa cho biết: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Lời Chúa là thần khí. Nên phải “ăn” bằng tin tưởng. Nhập tâm. Tiêu hoá. Và biến thành sức sống.
Phê-rô được Thần Khí linh hứng nên đã tin và tuyên xưng: “Thầy có những lời đem lại sự sống đời đời”.
Sau ngày Phục sinh, thánh Phê-rô đã hiểu rõ chân lý ấy. Và đã cảm nghiệm sâu xa. Phê-rô để Chúa chiếm đoạt. Ông hoàn toàn tin nhận. Ông hoàn toàn từ bỏ mình. Ông sống nhờ Chúa. Sự sống của Chúa mãnh liệt trong ông. Ông không có gì. Nhưng Chúa có tất cả. Vì thế, khi gặp người què từ thuở mới sinh ông nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi”. Lập tức, “anh đứng phắt dậy, đi lại được” (Cv 3,6.8).
Sự sống của Chúa mãnh liệt trong ông. Nên ông làm cho người khác được sống lại. Đến thăm “Ê-nê liệt giường đã tám năm, vì anh bị tê liệt. Ông Phê-rô nói với anh ta: “Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy”. Lập tức anh đứng dậy”.
Đến thăm bà Ta-li-tha Linh Dương đã chết, Phê-rô “quỳ xuống cầu nguyện.. và ra lệnh: “Bà Ta-li-tha, hãy đứng dậy”. Bà ấy mở mắt ra… và ngồi dậy”.
Thật lạ lùng sức mạnh của Lời Chúa. Quả thật Lời Chúa là thần khí và sự sống. Chúa có lời ban sự sống đời đời. Phê-rô đã tin. Đã lắng nghe. Đã nhập tâm. Đã tiêu hoá. Chúa trở thành sự sống trong ông. Ông lại dùng mà làm cho người khác được sống.
Ta hãy biết noi gương Phê-rô thưa với Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.
Suy Niệm 3: Biết chọn lựa
Trong những ngày vừa qua, nhiều người Mỹ đã tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát tại trường trung học Litaton, bang Colorado vào năm 1999. Cuộc thảm sát không những làm cho người Mỹ mà cả thế giới đều bàng hoàng, sửng sốt. Bàng hoàng, sửng sốt bởi vì đây không phải là cuộc thảm sát đầu tiên xảy ra như thế tại một trường học ở Mỹ, mà nằm trong một dây chuyền bạo động diễn ra hầu như theo một chu kỳ khó hiểu. Trong những năm gần đây, cứ vài ba năm lại xảy ra một vụ bắn giết như thế. Nạn bắn giết như thế cũng đã lan tràn sang Úc và một số nước khác.
Trong thư mục vụ công bố vào tháng 11/1994, các Ðức Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động điều mà các ngài gọi là một nền văn hóa bạo động, được nuôi dưỡng bằng truyền thông, âm nhạc và không biết bao nhiêu trào lưu chối bỏ sự sống khác. Nhưng bạo động từ đâu mà đến, bởi đâu mà con người có thể trở thành bạo động để hãm hại và loại trừ người khác. Hai cậu học sinh tại trường trung học Litaton đã có thể tính toán chi li cuộc sát hại và đã có thể cười cợt trên chết chóc, có lẽ cũng chẳng khác bao nhiêu so với một Milosevich và vô số người Serbi đứng đằng sau ông với chủ trương tàn sát và diệt chủng đối với người gốc Albani tại Kosovo.
Quả thật, chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm của sự dữ. Bạo động, sự dữ, tội ác vốn là một bí ẩn của loài người. Mùa Phục Sinh, chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết. Ðồng thời suy nghĩ về cuộc song đấu giữa thiện và ác, giữa sự sống và sự chết, giữa hòa bình và bạo động, giữa ân sủng và tội lỗi. Một cuộc song đấu như thế đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Mỗi một giây phút của cuộc sống là một chọn lựa giữa thiện và ác, giữa ân sủng và tội lỗi, giữa sự sống và sự chết, giữa hòa bình và bạo động, giữa Chúa Kitô và ác thần. Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta về chọn lựa ấy. Sự chọn lựa ấy lại được xây dựng trên chính sự chọn lựa của Chúa Giêsu.
Với quyền năng của một Thiên Chúa, Ngài đã nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống một đám đông trên năm ngàn người. Cơn cám dỗ đầu tiên trong sa mạc hẳn đã trở lại với Ngài, chỉ cần vung cây đũa thần, Ngài đã có thể giải quyết nhiều vấn đề cơ bản của xã hội. Nhưng Chúa Giêsu đã không đến để mang lại cơm bánh bằng một giải pháp dễ dãi ấy. Ngài đến trước tiên là để cho con người được sống và sống dồi dào. Ngài đến để mang lại sự sống trường sinh cho con người. Ngài đến để chỉ cho con người biết rằng mục đích của cuộc sống này không phải là cơm bánh hay của cải chóng qua, mà là cuộc sống vĩnh cửu. Ngài đến để nhắc nhở cho con người rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bằng những lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Khước từ giải pháp dễ dãi của loài người, Chúa Giêsu đã chọn lựa thập giá và đã đi cho đến cùng sự lựa chọn của Ngài. Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha: cái chết của Ngài trên thập giá đã bày tỏ được ý nghĩa và cứu cánh của cuộc sống con người. Con người chỉ thực sự sống cho ra người khi nó thuộc trọn về Thiên Chúa và sống theo những giá trị vĩnh cửu. Ðám đông đã bỏ đi và nhiều môn đệ khác cũng rút lui, chỉ còn lại nhóm Mười Hai, mà người đại diện là thánh Phêrô, bày tỏ sự lựa chọn dứt khoát: "Bỏ Thầy, chúng con biết đến với ai. Chỉ có Thầy mới có những lời mang lại sự sống đời đời". Sự lựa chọn ấy cũng bao hàm cái chết mà tất cả các tông đồ đều trải qua. Chọn lựa theo Chúa là chọn lựa thập giá của Ngài, mỗi một giây phút là một chọn lựa.
Nguyện xin Chúa gia tăng niềm tin và ban sức mạnh để chúng ta mãi mãi được thưa với Chúa như thánh Phêrô: "Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai, vì Thầy mới có những lời mang lại sự sống đời đời".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Đức tin vượt lên trên mọi lý luận
Khởi đầu cho hành trinh đức tin là sự hiểu biết, nhưng đức tin phải vượt xa sự hiểu biết. Chỉ thuần túy là hiểu biết thì không thể gọi là tin và nhiều khi đức tin còn nghịch lại với hiểu biết. Đức tin đòi con người vượt trên mọi lý luận để xả thân chấp nhận như một liều lĩnh.
Có một người vô thần, bị rơi từ đỉnh núi cao xuống vực thẳm. May thay là giữa chừng có một lùm cây cản anh lại. Hai tay giữ chặt lùm cây, nhìn lên chẳng có ai, nhìn xuống là vực thẳm, anh mới cất tiếng kêu cứu: “Nếu quả thật có Thiên Chúa quyền năng vô biên, xin Ngài hãy ra tay cứu tôi, tôi xin tin”. Một giọng nói đáp lại: “Nếu anh thật lòng tin, anh hãy buông tay ra”. Người vô thần thầm nghĩ: Làm sao mà buông được, trèo lên chẳng được, buông tay thì rơi xuống vực thẳm, làm sao giữ được mạng sống, và anh hỏi lại: “Thật sự có Ngài ở đó không?” Nhưng không một lời đáp trả, chỉ còn có tiếng của anh vang vọng giữa núi rừng, cơ hội cho anh có đức tin đã qua.
“Lời gì mà sống sượng thế”, hoặc “Có Ngài ở đó không”, đấy là những phản ứng trước lời mời gọi tin. Nếu chỉ thuần túy lỳ luận và đòi hỏi bằng chứng, thì chẳng bao giờ gặp được niềm tin. Quá đòi hỏi một hiểu biết cụ thể, con người khó chấp nhận Thịt Máu Chúa Giêsu làm lương thực nuôi dưỡng thì họ sẽ thế nào khi thấy Con Người lên nơi Ngài đã ở trước. Chưa cảm nhận được những điều cụ thể như thức ăn của uống, thì làm sao có thể cảm nhận được vinh quang của Ngài. Chưa chấp nhận được điều thuộc tinh thần mang hình thức vật chất, thì làm sao nói đến những điều thuần túy tinh thần.
Chính vì không tin, nhiều người đã bỏ không theo Chúa Giêsu nữa, chỉ còn nhóm 12 vẫn tin và theo Chúa, mặc dù cho đến lúc đó họ vẫn không hiểu lời giảng dạy của Ngài. Nói thế không phải là các ông tin và theo một cách mù quáng, nhưng là phó thác vì xác tín rằng chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống.
Trước những biến cố cuộc sống xem ra đòi hỏi một sự đáp trả bằng niềm tin, ước gì chúng ta cũng biết đáp trả không phải bằng sự bỏ đi, nhưng bằng lòng quảng đại trung thành vì biết rằng không gì ở ngoài thánh ý Thiên Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 5: Những kẻ còn lại
Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?” Ông Si-mon Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga. 6, 67-69)
Trong Tin mừng theo thánh Gio-an, sau một phép lạ hay một dấu chỉ là tiếp đến một bài giảng giải thích, thính giả hay khán giả tiếp thu với thái độ lựa chọn trước đức tin, chấp nhận hay từ chối lời chứng của Đức Kitô. Lúc đầu thường bày tỏ thái độ hăng hái theo Đức Giêsu, sau đó lại tỏ ra bất mãn về sự đòi hỏi phải tin vào Đức Giêsu.
Phúc cho ai biết đi theo Người vì họ không thể chống cự lại mạc khải của Đức Kitô: Phúc cho họ vì họ không biết thoái thác! Phúc cho họ biết chọn lựa rõ ràng và không bị cuốn theo lười biếng!
Phúc hơn nữa cho ai sau khi nghe một loạt những lời của Đức Giêsu mà không còn bỏ Người ra đi, vì họ biết chỉ có một lý do độc nhất là sống theo Đức Giêsu và đặt hết tin tưởng và hy vọng của mình vào Người.
Bài giảng về bánh hằng sống được đọc lại cho chúng ta nghe trong tuần đã dẫn đưa các môn đệ phải biết chọn lựa theo Đức Giêsu. Có phải sự chọn lựa này đặt trên nền tảng lý luận tỉ mỉ kỹ lưỡng không? Không cần thiết đâu, chỉ cần ưng thuận theo Đức Kitô với lòng cảm mến hơn là lý trí. Chúng ta nhận biết một người nào đó, chúng ta liên đới với họ, và không muốn rời họ. Những người lính được sai đi bắt Người đã nói: “Không có ai ăn nói như người này bao giờ”.
Trái lại, nhiều người đã bị cám dỗ bỏ trốn theo lý trí, quyền lợi, luật lệ khi phải quyết định.
Bài giảng của Đức Giêsu cùng một mạch văn phản ảnh toàn thể tinh thần Tin mừng: Một tinh thần thuần túy điên dại trước mắt thế gian, nhưng lại là sự khôn ngoan trước mắt Thiên Chúa.
Những người còn lại theo Đức Giêsu đã đặt tin tưởng hoàn toàn vào Người.
Suy Niệm 6: Xác Tín Niềm Tin
Vụ thảm sát ở tiểu bang Colorado Hoa Kỳ không những làm cho người Mỹ mà còn cho cả thế giới bàng hoàng sửng sốt. Bàng hoàng sửng sốt vì đây không phải là vụ thảm sát đầu tiên xảy ra như thế tại một trường học ở Mỹ, mà hay diễn ra theo một chu kỳ bạo động. Ðó là một điều thật khó hiểu, vì trong những năm gần đây thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ thảm sát như thế.
Trong lá thư mục vụ công bố vào năm 1994, các Ðức Giám Mục đã lên tiếng báo động được nuôi dưỡng bằng truyền thông âm nhạc, và không biết bao nhiêu trào lưu chối bỏ sự sống khác được thực hiện. Nhưng bạo động từ đâu mà đến? Bởi đâu con người có thể trở thành bạo động thảm hại và loại trừ người khác?
Hai cậu học sinh trung học tại Colorado có thể tính toán chi li về việc sát hại và đã có thể cười cợt trên chết chóc; có lẽ cũng chẳng khác bao nhiêu so với vô số những người Serbia đang đứng đàng sau để chủ trương tàn sát những người gốc Albani tại Kosovo. Quả thật chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm của sự dữ, vì bạo động là sự dữ.
Trong mùa Phục Sinh, chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của Ðức Kitô trên tội lỗi và sự chết, đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về cuộc song đấu giữa hòa bình và bạo động, giữa ân sủng và tội lỗi. Một cuộc song đấu như thế đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta, mỗi phút giây trong cuộc sống là một cuộc chọn lựa giữa lành và dữ, giữa điều thiện và ác, giữa sự sống và sự chết, giữa hòa bình và bạo động.
Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta sự chọn lựa, và sự chọn lựa ấy được xây dựng trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Với quyền năng của Thiên Chúa, Ngài đã dâng bánh và cá để nuôi sống một đám đông hơn 5,000 người. Cơn cám dỗ đầu tiên rong sa mạc đã trở lại với Ngài, Ngài chỉ cần vung cây đũa thần là có thể giải quyết được mọi khó khăn của xã hội, nhưng Chúa Giêsu không mang lại cơm bánh bằng một giải pháp dễ dàng ấy.
Do đó, điều trước tiên là Ngài đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Ngài đến để mang lại sự sống trường sinh cho con người. Ngài đến để chỉ cho con người biết rằng mục đích của cuộc sống không phải là cơm bánh hay của cải chóng qua mà là cuộc sống vĩnh cửu. Ngài đến để nhắc nhở cho con người biết rằng: "Con người không chỉ sống bằng cơm bánh nhưng bằng những lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4).
Khước từ giải pháp dễ dãi của loài người, Chúa Giêsu đã chọn lựa Thập Giá và đi đến cùng sự chọn lựa của Ngài, Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, vì chính cái chết của Ngài trên Thập Giá bày tỏ được ý nghĩa và cứu cánh của cuộc sống con người. Con người chỉ thực sự sống cho ra người cốt là để thuộc trọn về Thiên Chúa là sống theo sự sống vĩnh cửu ấy.
Khi Chúa Giêsu đã nói đến sự trọn lành của Ngài, đám đông đã bỏ đi và nhiều môn đệ khác cũng rút lui (Ga 6,66), chỉ còn lại nhóm mười hai mà người đại diện là thánh Phêrô; thánh nhân đã bày tỏ sự chọn lựa một cách dứt khoát: "Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì chỉ có Thầy mới mang lại sự sống đời đời" (Ga 6,67-68). Sự chọn lựa ấy cũng mang lại cái chết mà các Tông Ðồ đều đã trải qua. Theo Chúa là chọn lựa Thập Giá của Ngài, các thánh Tử Ðạo Việt Nam đã hiểu rõ giá trị ấy, nên các ngài đã chọn lựa cái chết chứ không bỏ Thập Giá Chúa Kitô.
Mỗi một giây phút là một chọn lựa, nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin và gia tăng sức mạnh để chúng ta mãi mãi được thưa với Chúa như thánh Phêrô: "Bỏ Ngài chúng con biết theo ai?" Amen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
Suy Niệm 7: “Chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”
Lịch sử Giáo Hội vào những thế kỷ đầu, người Công Giáo gặp muôn vàn khó khăn do hoàng đế Rôma gây nên. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗi khó khăn đó!
Tuy nhiên, sự cương trực, thẳng thắn và dứt khoát đã làm cho các bậc anh hùng, tổ tiên của chúng ta trung thành với Chúa cách trọn vẹn.
Nói về sự can trường của các vị tử đạo, người ta có kể đến câu chuyện của Giáo phụ Policarpo: khi đám lính đã bắt được ngài, họ điệu ngài ra tòa xét xử và buộc ngài phải từ bỏ Đức Giêsu, chối bỏ niềm tin của ngài vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, cụ già gần 90 tuổi đã tuyên bố cách dứt khoát: “86 năm tôi theo Đức Giêsu, Ngài không bao giờ phụ bạc tôi, làm sao các ông lại bảo tôi phản bội Ngài...?”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy thái độ dứt khoát là điều kiện cần để sống đời sống chứng nhân. Đây cũng là điều mà Đức Giêsu đòi hỏi các Tông đồ và tất cả những ai muốn bước theo Ngài. Vì thế, khi có một số môn đệ đã bỏ Đức Giêsu vì những lời tuyên bố của Ngài về Bánh Hằng Sống, và cụ thể chính là sự trao ban Thịt và Máu của Ngài để cho những ai tin và ăn thì được sống đời đời.
Thấy có người bỏ cuộc, Đức Giêsu đã lên tiếng hỏi trực tiếp các Tông đồ là những người mà Ngài sẽ trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, Ngài hỏi: “Còn các con, các con có muốn bỏ Thầy không?” Phêrô đại diện cho anh em thưa với Thầy: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai?".
Khi hỏi như thế, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng: muốn theo và làm chứng cho Ngài thì phải có thái độ dứt khoát. Không được lập lờ...!
Như vậy qua câu trả lời của thánh Phêrô, chúng ta thấy một cuộc tuyên xưng đức tin mạnh mẽ vào Thầy của mình. Tin Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Vì thế, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai?
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành và xác tín thật mạnh mẽ niềm tin của mình nơi Chúa. Chỉ có Chúa mới là niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực, và cũng chỉ có mình Ngài mới ban cho chúng ta sự sống đời đời. Ngoài Ngài ra, chúng ta không có chúa nào khác có thể ban cho chúng ta những thứ đó.
Mong sao, mỗi người chúng ta hãy có tâm tình như thánh Phêrô: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời".
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ngày càng gắn bó mật thiết với Chúa như các Tông đồ khi xưa, để dù có gặp phải những khó khăn, chúng con vẫn dứt khoát nói không với những gì trái ngược với đức tin và sẵn sàng sống chết cho niềm xác tín của mình vào Chúa để xứng đáng được Chúa ân thưởng trong cuộc sống mai hậu. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 8: Chỉ nơi Chúa, mới có Lời ban sự sống đời đời
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Ai theo Chúa để tìm lợi lộc vật chất, người đó sẽ thất vọng. Ở nơi Chúa, con người tìm được Lời ban sự sống đời đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, những người Do thái theo Chúa khi có bánh phần xác, nhưng khi Chúa hứa ban Bánh Trường Sinh nuôi sống phần hồn thì họ đã bỏ Chúa. Lòng người chúng con vốn vậy: nhạy cảm trước cái đói thể xác bao nhiêu thì thường lại hững hờ trước những thiếu thốn về tinh thần bấy nhiêu. Con hiểu rằng ai không nâng tầm nhìn lên khỏi trần thế này để thấy giá trị của trời cao, người đó chẳng đủ sức làm môn đệ Chúa. Chúa đến trần gian đâu phải chỉ là để giải quyết vấn đề cơm bánh. Chúa đến để cứu chúng con khỏi tội lỗi vốn là nguyên nhân của bao khốn khổ trên cõi đời này. Chúa có ban bánh nuôi phần xác cũng chỉ là để mời gọi con lãnh nhận bánh thiêng liêng dưỡng nuôi linh hồn.
Lạy Chúa, con xét lại chính bản thân con, ít khi con biết hướng lòng nghĩ tới phần hồn. Hiếm lắm những lúc con xin cho được sống đẹp lòng Chúa, cũng ít khi cầu xin ơn chừa một khuyết điểm. Thường con hay trình bày với Chúa về khó khăn trong chuyện làm ăn, chuyện công danh sự nghiệp, chuyện đau ốm bệnh tật... và khi xin chưa được Chúa nhận lời, con thường thất vọng nản lòng, chẳng muốn tin vào Chúa nữa. Chúa đã ngán ngẩm khi nhìn đám dân Do thái đợi Chúa cho thêm bánh phần xác, rồi lục đục bỏ Chúa khi không được toại ý. Có lẽ hôm nay, con cũng đang làm Chúa chán ngán như vậy.
Xin Chúa nâng tâm hồn con lên tới Chúa để con cảm nhận được những giá trị thiêng liêng. Xin cho con biết tìm Nước Thiên Chúa trước, còn mọi sự khác xin phó thác cho Thiên Chúa là Cha của con. Amen.
Ghi nhớ: “Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”.
Suy Niệm 9: Bỏ Thầy con biết theo ai?
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
M. Toliver, một nhà truyền giáo ở miền Tây Trung Hoa, có lần gặp hai viên chức cao cấp đồng thời cũng là những Kitô hữu nhiệt thành.
Một trong hai người kể rằng: trong một cuộc oanh kích, ông ta, bà vợ và đứa con gái nhỏ 6 tuổi không tìm được nơi trú ẩn, nên phải nấp dưới gầm bàn ăn. Bom nổ ngay bên, nên họ chỉ còn biết cúi đầu cầu nguyện.
Khi qua cơn nguy biến, đức bé nhìn lên thấy ảnh Chúa Giêsu, em nói: “Ba ơi, Chúa Giêsu là nơi trú ẩn an toàn nhất, phải không ba?”.
Suy niệm
Sau diễn từ mạc khải về Thánh Thể ở Capharnaum, một số lớn các môn đệ thiếu đức tin và theo cảm xúc hoặc hời hợt, lý trí của con người trước mầu nhiệm Thánh Thể, nên không thể chấp nhận được các lời Đức Giêsu. Trong lúc Ngài luôn nhắc các môn đệ là Ngài không đến, không nói như một người thường, nhưng Ngài đến từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Thiên Chúa. Trong bài diễn từ về bánh trường sinh, Đức Giêsu đã nhiều lần nêu bật Con Người - Người được Thiên Chúa cử đến và có sự sống phát xuất từ Thiên Chúa (x. Ga 6,27.57). Điều kiện tiên quyết để hiểu được các lời của Đức Giêsu, trên sự hiểu và nhìn nhận bản thân Ngài. Nhưng đám đông dân chúng, trong số đó có các môn đệ đáp lại bằng sự thiếu lòng tin, sự từ khước, sự ngờ vực đối với Ngài và đối với lời Ngài. Vì thế nhiều môn đệ “rút lui, không còn ở với Người nữa” (Ga 6,66).
Tuy nhiên, nhóm Mười hai chọn lựa ở lại (x. Ga 6,67-69). Các môn đệ này cũng bị cám dỗ, bị lay động, bị thách thức bởi mầu nhiệm của mạc khải Thánh Thể và những lời đòi hỏi của Ngài. Trước những thử thách cao độ, Chúa Giêsu đặt câu hỏi với họ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Simôn Phêrô đã nhân danh nhóm khi tuyên xưng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Bởi vì các ông không tìm được một vị thầy nào dứt khoát khá hơn, cho nên khôn ngoan là ở lại với Đức Giêsu. Cũng bởi vì Người mang sứ điệp chắc chắn về sự sống đời đời và mở đường vào sự sống đó. Và vì Ngài là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa...
Theo bước chân của Phêrô và các môn đệ chúng ta xác tín: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Chọn và sống theo Chúa Kitô là cùng Ngài đi trong ban ngày của bình yên cuộc sống hay giữa đêm tối của phong ba thử thách như Phêrô và các môn đệ. Sống với niềm tin vào Ngài là khước từ cách hiểu biết, giác quan và lý luận thông thường, hời hợt bên ngoài, nhưng là tin mà không thấy (Ga 20,29) là vững bước với sự chọn lựa và xác tín theo Thầy.
Ý lực sống: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 91,2).
Suy Niệm 10: Chấp nhận hay bỏ Chúa
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Kết quả của bài giáo lý về Thánh Thể: chúng ta thấy hai thái độ trái ngược nhau trước những lời giảng của Đức Giêsu. Một bên, nhiều môn đệ rút lui, không theo Ngài nữa vì thấy chướng tai quá, không thể chấp nhận nổi. Một bên, Phêrô đại diện cho Nhóm Mười Hai tuyên xưng và tin nhận rằng chỉ có Chúa mới là lý tưởng, chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống, và họ đi theo Ngài.
2. Bốn bài giảng liên tiếp về Bánh Hằng Sống của Đức Giêsu đã tạo ra nhiều phản ứng nơi những cử tọa Do thái. Khi Ngài tiết lộ cho họ biết Ngài có Bánh Hằng Sống, ăn vào sẽ không đói khát nữa, họ liền xin Ngài cho họ thứ bánh đó. Tiến thêm một bước, Ngài cho họ biết Bánh đó chính là Ngài từ trời xuống, họ có phản ứng chống lại ngay vì họ cho rằng Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giuse ở Nazareth, làm sao lại có chuyện đó được? Nhưng khi Đức Giêsu cho họ biết Bánh Hằng Sống đó chính là thịt máu Ngài, phải ăn thì mới có sự sống trong mình, thì họ có phản ứng kịch liệt vì họ cho đây là một việc tởm gớm không thể chấp nhận được. Thậm chí, cả một số môn đệ cũng có phản ứng tương tự: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được”. Kết quả là một số môn đệ bỏ đi, không theo Ngài nữa.
3. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay chuyển tải cho chúng ta, là giữa sự thất vọng bỏ đi của nhiều người, thì vẫn còn đó Nhóm Mười Hai với lời tuyên xưng của tông đồ trưởng Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Có lẽ ở đây chúng ta chưa dám chắc Phêrô và các Tông đồ đã hiểu được mầu nhiệm Thánh Thể là lấy thịt Chúa cho nhân loại ăn, nhưng ít nhất Phêrô tin vào uy tín của Thầy không thể nói điều sai lạc.
Lời tuyên xưng còn khẳng định rõ hơn vế đức tin là một ân ban mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Lời tuyên xưng của Phêrô và sự trung thành của các Tông đồ là điểm sáng về niềm tin và lòng trung tín cho chúng ta, nhất là ngày hôm nay không thiếu những người đã lìa bỏ Giáo hội. Nếu không có ơn đức tin thì sẽ không thấy sự khác biệt giữa bánh chưa truyền phépvà bánh đã được truyền phép, không thể cảm nhận được sự hiện diện thực sự của Đức Giêsu trong phép Thánh Thể.
4. Phần chúng ta, chúng ta có thái độ nào trước mạc khải của Đức Giêsu về Bí tích Thánh Thể? Lời Đức Giêsu hỏi các môn đệ ngày xưa cũng được lặp lại với mỗi người chúng ta hôm nay: “Chúng con có muốn bỏ đi không”? Tin nhận và sống giáo huấn yêu thương phục vụ của Chúa đã là một điều khó: tin nhận và sống Bí tích Thánh Thể lại càng khó hơn. Tuy nhiên, chúng ta không làm việc đó một mình, bởi vì tin và sống Bí tích Thánh Thể đúng như ý Chúa muốn là một hồng ân của Chúa Cha: “Không ai có thể đến được với Ta, nếu không được Chúa Cha ban cho”.
5. Về vấn đề lựa chọn có theo Chúa hay không thì chính chúng ta phải đích thân lựa chọn và phải sống trung thành với sự lựa chọn đó: Đứng lại với Chúa, không phải chỉ vì thấy người khác còn đứng lại vì chưa gặp dịp thuận tiện để tháo lui. Nhưng đứng lại với Chúa vì tin Ngài là Đấng có lời ban sự sống đời đời, không còn ai khác để mình đi theo.
Chúng ta là Kitô hữu, chúng ta đi theo Đức Kitô, chúng ta tin Ngài là Đấng không những ban cho chúng ta sự sống đời này mà còn ban sự sống đời đời nữa. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ: Sự sống đời đời không phải chỉ là sự sống đời sau, nhưng đến cùng Chúa, tin vào Chúa và ăn thịt máu Chúa là chúng ta đã được sự sống đời đời ngay từ bây giờ, bởi vi mỗi lần rước Chúa là chúng ta rước lấy mầm sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu. Cho nên, chúng ta hãy siêng năng rước Chúa và rước Chúa thật sốt sắng.
6. Truyện: Quyết theo chân Chúa.
Odette, một cô gái đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ, năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ đến bắt cô trở về. Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.
Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời được kín đáo gửi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.
Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài. Hỏi ra, cô mới biết ngưới ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô. Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô. Xong, họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài. Giám mục của vùng và linh mục tuyên úy lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.
Nghi lễ đến phần giao ước. Vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận Simon làm chồng theo luật Giáo hội không? Cô dõng dạc tuyên bố:
- Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào có thể tách rời con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.
Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng. Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu. Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy? Cô thản nhiên đáp: “Như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa”.
Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện. Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng mới 23 tuổi.
Suy Niệm 11: Sẽ đi theo ai?
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Kết quả của bài giáo lý về Thánh Thể:
Nhiều người cho là chói tai, bỏ đi, trong số đó có cả các môn đệ: “Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa”.
Chúa Giêsu hỏi nhóm 12. Phê rô thay mặt nhóm tuyên xưng. “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Hành trình đi theo Chúa Giêsu không luôn êm ả. Một ngày nào đó, có thể Lời Chúa làm chúng ta cảm thấy chói tai, con không muốn chấp nhận, con còn muốn rút lui. Nhưng xin cho con luôn hiểu rằng Lời Chúa - và chỉ có Lời Chúa - mới là lời chân thật và mới đem lại cho con sự sống thật. Xin cho con đừng bao giờ rút lui, vì “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.
2. Tôi đã được sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng bằng lời cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Hơn nữa, là Kitô hữu, tôi còn sống nhờ một lời đặc biệt: Đó là lời Chúa.
Đức Kitô ngỏ lời với tôi qua chính cuộc đời của Ngài. Ngài đã mặc khải cho tôi biết Chúa Cha và giới thiệu tôi với Người.
Hôm nay, tôi có dám khẳng định với Chúa như Phêrô không? Ông đã sống với Chúa, đã nghe và tin vào lời Ngài, đặt biệt qua những lần bị vấp ngã.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết tin vào sự linh nghiệm của Lời Chúa, để dám sống theo lời Ngài dạy bảo. (Epphata)
3. Trong vườn một gốc nho héo úa giữa bao cây nho xanh mơn mởn. Tưới bao nhiêu phân cũng chẳng thấy khá hơn. Cuối cùng người chủ đào gốc lên xem, thì thấy có miếng gỗ nằm chắn ngang gốc nho.
Có lẽ đời ta cũng vậy. nếu không đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng sẽ tàn úa. (Góp nhặt)
Suy Niệm 12: Biết đặt Chúa lên trên tất cả
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Kết quả của bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể:
Nhiều người bỏ đi vì cho là những Lời Chúa nói chói tai, trong số đó có cả các môn đệ: “Từ hôm đó, có nhiều người môn đệ rút lui không theo Ngài nữa”. (Ga 6,66)
Rõ ràng là hành trình đi theo Chúa không luôn êm ả. Một ngày nào đó, có thể Lời Chúa cũng làm chúng ta chói tai và chúng ta muốn rút lui.
Đức hồng y Carlo Martini, nguyên là tổng giám mục Milano bên Italia, đã ghi lại trong quyển chú giải Tin Mừng thánh Gioan, câu chuyện sau đây: Vào thế kỷ thứ ba, trong Giáo Hội có vấn đề các tu sĩ ào ạt rời bỏ đời sống tu trì... Để giải thích cho hiện tượng này, một thầy dòng nọ đã mượn câu chuyện chó đi săn thỏ để giải thích.
Một chú chó trong đàn bất chợt phát hiện ra một con thỏ. Thế là chú nhanh nhẩu rời đàn, vừa chạy theo con thỏ vừa sủa inh ỏi. Chẳng mấy chốc, mấy chú chó khác cũng rời hàng ngũ để chạy theo. Và cứ thế cả đàn chó đã chạy ùa theo.
Tất cả mọi con chó đều chạy, nhưng kỳ thực chỉ có một con chó đã phát hiện nhìn thấy con thỏ, còn những con khác thì không. Sau một hồi săn đuổi, chú chó nào cũng mệt lả, cho nên từ từ bỏ cuộc, bởi vì chúng không nhìn thấy con thỏ đâu. Duy chỉ có chú chó đầu tiên đã phát hiện ra con thỏ thì vẫn tiếp tục đeo đuổi cuộc săn bắt.
Rồi vị tu sĩ trên đã đưa ra kết luận như sau:
Đã có rất nhiều tu sỹ đi theo Chúa, nhưng chỉ có một ít thực sự nhìn thấy Chúa và họ biết họ đang theo đuổi điều gì. Số khác đã chạy theo, hoặc vì bị lôi cuốn bởi đám đông, hoặc vì họ nghĩ rằng, họ đang làm một điều tốt, nhưng rồi thời gian đã làm họ thay đổi và bởi vì họ chưa bao giờ thấy rõ Chúa là lý tưởng, nên khi gặp khó khăn, thử thách là họ bắt đầu chán nản và bỏ cuộc.
Cuộc sống của người Kitô hữu cũng có thể được ví như một cuộc đi săn. Có những lúc chúng ta rất sốt sắng, hăm hở trên con đường theo Chúa, chúng ta sẵn sàng nói lời cam kết với Chúa. Thế nhưng, nếu không cẩn trọng thì vào một lúc nào đó, khi không còn thấy gì hấp dẫn trước mắt trên con đường theo Chúa nữa, thì biết đâu chúng ta cũng lại giống như một số các môn đệ của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay.
2. Sau đó, Chúa Giêsu hỏi nhóm 12, Phêrô thay mặt nhóm tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Phải nói đây là những lời tâm huyết luôn biết đặt Chúa lên trên tất cả. Giữa lúc tâm hồn đang bị dao động trước sự tháo lui của một số anh em mà Phêrô còn nói lên được những lời thật mặn nồng như thế, chắc Chúa phải cảm động lắm.
Vâng, phải thấy Chúa là tất cả, thì Phêrô mới có thể tuyên bố như vậy.
Odette, một cô gái xinh đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ. Năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ đến bắt cô trở về. Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.
Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình, nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời đều được kín đáo gởi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.
Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài. Hỏi đầy tớ gái, cô mới biết người ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô. Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô. Xong, họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài. Giám mục của vùng và linh mục tuyên uý lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.
Nghi lễ đến phần giao ước, vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận lãnh chúa Simon làm chồng theo luật Giáo hội không? Cô dõng dạc tuyên bố:
- Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu và đức tin của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào cho dù sự hăm dọa, có thể tách con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.
Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng. Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu. Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy? Cô thản nhiên đáp: “như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa”.
Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện. Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng lúc mới 23 tuổi.
Bài cùng chuyên mục:
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,318)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,033)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,669)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,389)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,800)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,796)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,895)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,134)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,566)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,957)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
-
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu.
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
- Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo....
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất