Lời chúa mỗi ngày

Thứ Ba 04/01/2022 – Thứ Ba sau lễ Hiển Linh. – Phép lạ Bánh hóa nhiều.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,815
  • Ngày đăng: 03/01/2022 08:00:00

Phép lạ Bánh hóa nhiều.

04/01 – Thứ Ba sau lễ Hiển Linh.

"Hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Ðấng Tiên tri".

 

LỜI CHÚA: Mc 6, 34-44

Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều.

Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: "Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn".

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Các con hãy cho họ ăn đi". Họ thưa Người: "Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn".

Người nói với họ: "Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem". Khi biết được rồi, họ thưa: "Có năm cái bánh và hai con cá".

Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất cả đều ăn no.

Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. Mà số người ăn là năm ngàn người.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Ai nấy được no nê

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Trên thế giới hiện nay có gần một tỷ người đói ăn,

Và nhiều nơi ở châu Phi vẫn có bao trẻ thơ chết đói.

Có người coi tôn giáo là duy tâm, sống lơ lửng với những ý tưởng đẹp,

và loay hoay với chuyện cứu rỗi linh hồn.

Nhưng Thiên Chúa ta gặp trong Kinh Thánh

lại là một Thiên Chúa để ý đến cái đói của thân xác con người.

Thiên Chúa ấy đã cung ứng manna, thịt chim cút và nước uống

cho dân Người trong cuộc hành trình tiến về Đất hứa,

mà Đất hứa này là vùng phì nhiêu, nơi chảy sữa và mật.

Thiên Chúa ấy được coi là người mục tử

dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, đến suối nước trong lành.

Đức Giêsu cũng chẳng làm khác với Cha của Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài tỏ mình ra như người mục tử.

Khi thấy đoàn dân bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt,

Ngài qui tụ họ lại bằng cách dạy dỗ họ nhiều điều.

Nhưng khi chiều xuống, Ngài cũng biết họ cần ăn.

Lo cho chiên được no là nhiệm vụ của người mục tử.

Đức Giêsu đã muốn các môn đệ cộng tác trong việc nuôi ăn này:

“Chính anh em hãy cho họ ăn !”

Với tất cả những gì môn đệ có, vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá,

năm ngàn người đã được ăn no và còn dư mười hai thúng đầy.

Chiều hôm đó, cỏ như xanh hơn vì lòng người vui rộn rã.

Qua phép lạ lớn này, Đức Giêsu tỏ mình ra cho đám đông dân chúng.

Đây là phép lạ của sự bẻ ra và được nhân lên.

Chẳng phải Thầy Giêsu mới là người bẻ ra và trao đi cho các môn đệ.

Chính các môn đệ cũng đã làm như thế cho đoàn dân.

Bẻ ra và trao đi là điều kiện để giải quyết nạn đói của thế giới hôm nay.

Chỉ có thể xóa nạn đói nghèo bằng sẻ chia và liên đới.

Đừng sợ nếu bạn chỉ có ít cá và bánh, ít thời giờ, tiền bạc, khả năng.

Hãy trao vào tay Chúa tất cả những gì bạn có và để Người định liệu.

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,

có bao điều con lãng phí

bên cạnh những Ladarô túng quẫn,

có bao điều con hưởng lợi

dựa trên nỗi đau của người khác,

có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công

chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm

về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo

là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

 

Suy Niệm 2: Thiên Chúa là tình yêu

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa là Tình Yêu hi vọng. Ta còn gì hi vọng ở những công thức, tính toán, những phán xét khô khan, khắc nghiệt, những tổ chức quá hợp lý đến lạnh lùng? Thiên Chúa là ơn cứu độ đem lại cho thế giới niềm hi vọng được sống vui tươi, bình an và hạnh phúc.

Thiên Chúa là Tình Yêu chứng nghiệm. Chẳng phải là định nghĩa lý thuyết nhưng đã được chứng nghiệm. Vì yêu nên đã đi bước trước. Tạo dựng nên con người. Và còn yêu thương hơn nữa, cứu chuộc con người hư hỏng, phản bội.

Thiên Chúa là Tình Yêu trao ban. Ban chính Con Một của Ngài. Ban cho ta chính bản thân Ngài. Chẳng còn tình yêu nào lớn lao cao quí hơn nữa. Đó là ban hết những gì có thể, chẳng còn có thể ban cho ta gì khác nữa.

Thiên Chúa là Tình Yêu cảm thương. Chẳng phải một trái tim sắt đá vô cảm, nhưng một trái tim biết cảm thương. Chúa Giêsu đã ‘chạnh lòng thương” khi nhìn thấy đoàn lũ dân chúng tất tưởi bơ vơ.

Thiên Chúa là Tình Yêu cụ thể. Bằng những thể hiện. Trước hết là dậy dỗ. Yêu thương nên quan tâm nói những lời an ủi, khai sáng tâm trí, mặc khải chân lý. Chỉ có trái tim yêu thương mới dành thời giờ trò chuyện, quan tâm dậy dỗ như thế.

Thiên Chúa là Tình Yêu hành động. Chẳng phải chỉ nói suông mà còn hành động. Lo cho người đói ăn, dù số lượng vượt sức khả năng hạn hẹp của các tông đồ và hoàn cảnh giữa nơi hoang địa. Lập tức đi tìm. Không chỉ sai bảo, chính Chúa Giêsu trực tiếp vào cuộc, cầm lấy bánh và cá, làm phép, bẻ ra, trao cho môn đệ.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Chỉ những ai yêu thương mới hiểu được Thiên Chúa. Không phải yêu bằng bất cứ cách nào, nhưng phải yêu như Chúa yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu. Chỉ có ai yêu thương mới ở trong Thiên Chúa, mới sống trong Thiên Chúa và mới làm cho Thiên Chúa sống trong thế giới, trong anh em.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Người xuống trần mở ra một thời kỳ mới. Thời kỷ yêu thương và tha thứ. Ta hãy cùng Người tiến hành thời kỳ Tân Phúc-âm-hóa trong yêu thương, tha thứ, quan tâm, sửa chữa, nâng đỡ lẫn nhau. Đó là xây dựng một thế giới mới

 

Suy Niệm 3: Bánh hóa nhiều lần thứ nhất.

Bài Tin Mừng hôm nay cho  thấy Chúa Giêsu đã tỏ lộ chính cõi lòng của Ngài, cõi lòng của một mục tử: khi thấy dân chúng đông đảo, Chúa động lòng thương xót, vì họ như chiên không có người chăn.

Việc Chúa tỏ mình bao giờ cũng nhằm làm cho con người được sống và sống hạnh phúc. Chúa đến với con người không phải để đè bẹp hay để làm con người phải sợ hãi, nhưng Ngài đến để yêu thương, để cứu độ con người. Thật vậy, khi Chúa tỏ lộ tấm lòng mục tử của Ngài, thì cảnh bơ vơ lạc lõng của người ta không còn nữa. Tấm lòng mục tử của Ngài không dửng dưng trước nỗi bi đát của con người. Tấm lòng ấy đã làm mọi sự vì con người và cho con người. Và qua tấm lòng ấy, người ta còn nhìn ra chính tấm lòng của Thiên Chúa: Chúa Giêsu chính là ân huệ bằng xương bằng thịt mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại.

Đứng trước sự tỏ lộ đầy yêu thương ấy, chúng ta hãy có thái độ biết ơn và vui mừng, cố gắng trở nên những con chiên ngoan hiền bên vị Mục tử nhân hậu và cùng với Ngài tỏ lòng cảm thương những con chiên bơ vơ lạc lõng.

 

Suy Niệm 4: Yêu thương thật lòng

“Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lí thuyết!”. Đây chính là câu nói của triết gia Thomas Carlyle khi ông được một vị linh mục trong xứ đến hỏi về điều cần làm cho giáo xứ của ngài lúc này.

Thật vậy, con người ngày nay, ai ai cũng biết là có Thiên Chúa, nhưng tin trên lý thuyết đã chiếm đa số, kể cả những người Công Giáo, còn tin trong sự cảm nghiệm thì không biết được bao nhiêu %, có lẽ không đáng kể!

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại một hình ảnh đẹp của chính nhà giảng thuyết lẫn thính giả:

Nếu Đức Giêsu chạnh lòng thương và dạy dỗ họ nhiều điều, thì một đám đông say mê nghe lời giảng của Đức Giêsu đến quên cả ăn.

Nếu Đức Giêsu chạnh lòng thương khi thấy đám đông “như bầy chiên không người chăn dắt”, thì đám đông vui mừng vì gặp được chủ chiên của họ cách đích thực, không phải trên lý thuyết!

Thật vậy, thấy đám đông dân chúng, phản ứng đầu tiên của Ngài chính là chạnh lòng thương!

Vì chạnh lòng thương, Đức Giêsu đã trao ban lương thực cả phần hồn lẫn phần xác cho dân chúng.

Phần hồn, Ngài dạy dỗ họ nhiều điều; phần xác, Ngài đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng.

Trong xã hội hôm nay, điều làm cho chúng ta không khỏi suy nghĩ, đó là của cải trên thế giới lại nằm trong tay một số hay một vài nhóm người, khi họ nắm tài nguyên của thế giới! Trong khi đó, nhiều nước vẫn trong tình trạng báo động về nghèo đói, nhiều người vẫn đang quằn quại đối chọi với cái đói, cái khát, rồi nạn thất nghiệp, chiến tranh, khủng bố ngày càng lan rộng.

Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn trên, chúng ta thấy mấu chốt của vấn đề: đó chính là thiếu lòng bao dung, tình thương.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cảm thông, liên đới và trách nhiệm với anh chị em mình. Hãy biết chạnh lòng thương như Thiên Chúa đã thương yêu ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết quên mình để lo cho anh chị em xung quanh như Chúa. Xin cũng ban cho chúng con luôn biết tìm đến Chúa để được hạnh phúc đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Thiên Chúa cần con người cộng tác

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Những công việc của con người tự nó không có giá trị siêu nhiên, nhưng khi cộng tác với Thiên Chúa, nó sẽ trở thành hành động cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước sự kiện Chúa làm phép lạ bánh hóa nhiều, con đã tự hỏi: Chúa chỉ cần phán một lời là có thể làm phép lạ. Nhưng tại sao Chúa không làm thế, mà Chúa lại cần đến năm chiếc bánh và hai con cá ?

Lạy Chúa, Chúa không làm như con nghĩ. Chúa cần con cộng tác. Chúa cần con người góp công chung sức để mưu ích cho nhau. Sự đóng góp của các môn đệ, chẳng thấm vào đâu, nhưng từ đó, Chúa đã thực hiện một bữa ăn no nê cho dân chúng.

Thánh Âu-tinh đã nói: để tạo dựng con người, Thiên Chúa không cần con người. Nhưng để cứu độ con người, Thiên Chúa cần con người cộng tác.

Lạy Chúa, nhìn vào thế giới hôm nay, con tin chắc chắn rằng: Chúa cũng đang chạnh lòng thương xót nhân loại đang đau khổ vì đói khát, vì bệnh tật, vì dốt nát, vì chiến tranh. Chúa cũng có thể làm mọi sự để cứu độ loài người. Nhưng Chúa cần con cộng tác, tuy dù nhỏ bé và âm thầm.

Xin Chúa giúp con luôn biết mở rộng trái tim trước nhu cầu của anh chị em. Xin dạy con biết mở rộng bàn tay dâng hiến cho Chúa và cho tha nhân. Dù sự đóng góp của con chẳng đáng kể là gì so với nhu cầu của thế giới, nhưng con tin Chúa đang chờ đợi đón nhận và nhân lên gấp bội. Xin Chúa dạy con biết nghĩ đến người khác, biết chia sẻ cho nhau, để nhân loại khỏi bị diệt vong vì ích kỷ, nhưng luôn phát triển phong phú khi biết quảng đại sẻ chia. Amen.

Ghi nhớ: “Hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Ðấng Tiên tri”.

 

Suy Niệm 6: Hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống ...)

Phúc Âm thánh Marcô trình bày tiếp hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu. Những hoạt động của Chúa Giêsu đã thu hút dân chúng đi theo Ngài rất đông. Họ say mê Ngài đến nỗi quên ăn quên uống.

- Trông thấy họ, “Chúa động lòng thương xót” (x. Mc 6,34). Ngài động lòng vì thấy họ thiếu thốn: thiếu vật chất và nhất là thiếu tinh thần.

- Do động lòng thương xót dân chúng, Chúa Giêsu muốn làm một việc gì đó để giúp họ. Việc đầu tiên Ngài làm là ...“Ngài bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều” (x. Mc 6,34): theo suy nghĩ của Chúa Giêsu, sự đói khát tinh thần cấp bách hơn sự đói khát của ăn, cho nên việc đầu tiên Ngài làm là giảng dạy họ.

- Tiếp đó Ngài mới làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ ăn. Mà phép lạ này cũng là hình bóng tiên báo Bí Tích Thánh Thể và sự phục vụ của Giáo Hội.

B- Suy gẫm ( ... nẩy mầm)

1. “Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ” (x. Mc 6,34): phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu là yêu thương. Khi thấy những kẻ Ngài yêu thương “như chiên không người chăn giữ” thì Ngài thương đến nỗi “động lòng”. Con người của Chúa Giêsu thật tuyệt vời, tấm lòng của Ngài cũng thật tuyệt vời. Xin cho con cũng được giống Chúa.

2. Khi động lòng thương xót dân chúng, việc đầu tiên Chúa làm là “giảng dạy họ nhiều điều” (x. Mc 6,34). Được biết Chúa là điều quan trọng nhất và là nguồn mọi hạnh phúc.

3. Một chiều đông lạnh lẽo, triết gia Thomas Carlyle đang ngồi trước lò sưởi trong phòng khách. Cửa mở, cha xứ mới của giáo xứ bước vào. Sau mấy câu xã giao, cha xứ hỏi: “Theo ngài, lúc này giáo xứ mình cần cái gì nhất ?” Không chút ngập ngừng, triết gia đáp ngay: “Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lí thuyết. ” (Góp nhặt).

4. “Chúa Giêsu chính là ân huệ bằng xương bằng thịt mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

5. “Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ” (x. Mc 6,34)

Bởi động lòng thương xót nên Ngài đã hóa bánh ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Ngài không chỉ quan tâm đến cái đói thể xác nhưng còn muốn ban phát tình thương, của ăn mà nhân loại đang thiếu. Thực vậy, một trong những nghịch lý của thế giới hôm nay là thiểu số người giàu chia nhau đa phần tài nguyên thế giới, là sản lượng của các nước phát triển không ngừng gia tăng; bên cạnh hàng loạt các nước thuộc thế giới thứ ba vẫn mãi nghèo đói. Nạn đói lan tràn, chiến tranh tiếp diễn, thất nghiệp gia tăng… cứ như điệp khúc của bản tin thời sự mỗi ngày. Cái thiếu thốn của thế giới hôm nay chính là tình thương, lòng nhân ái.

Bản thân tôi cũng lãnh nhận nhiều hơn là cho đi, nhưng vẫn luôn thoái thác như các tông đồ xưa: “Làm sao thỏa mãn những nhu cầu của kẻ khác, một khi sức mình có hạn ?”

Xin cho con hiểu rằng chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. (Epphata)

 

Suy Niệm 7: Phép lạ hóa bánh ra nhiều

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Thấy dân chúng kéo theo đông đảo, Chúa Giêsu rất cảm động. Người thương họ vì thấy không ai lo lắng dạy bảo họ. Và mãi đến chiều tối mà họ vẫn ở lại nghe Chúa giảng dạy. Thấy vậy, các môn đệ xin Chúa cho họ đi mua thức ăn. Chúa bảo các ông lo cho họ ăn, nhưng các ông thưa không thể lo nổi vì các ông chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Người bảo các ông cho họ ngồi từng nhóm rồi cầm lấy năm chiếc bánh với hai con cá ngước mắt lên cầu nguyện với Chúa Cha, rồi trao cho các môn đệ phân phát cho dân chúng ăn. Mọi người đều ăn no nê mà còn dư được mười hai thúng đầy.

Chúa thoả mãn nhu cầu vật chất của con người.

Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, quên ăn quên uống, nhưng dù sao dạ dày của họ cũng phải nổi loạn, khi không được cung cấp thức ăn thức uống cho nó. Bóng chiều đang xuống dần mà dân còn ở trong nơi hoang vắng xa làng mạc thành thị, họ ra về, đường còn xa sợ có người đói lả dọc đường. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cho họ ăn. Nhưng trong hoang địa này lấy đâu ra lương thực cho ngần ấy người ăn. Ở đây chỉ có thằng nhỏ có 5 chiếc bánh và hai con cá. Bằng ấy thực phẩm nhằm nhò gì với một biển người như vậy! Nhưng Chúa cứ bảo cho họ ngồi xuống thảm cỏ cho Người làm việc. Thánh Mátthêu kể: “Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người thu lại được 12 giỏ đầy”.

Chúa thoả mãn nhu cầu tinh thần con người.

Lời giảng của Chúa đã làm cho dân chúng say mê. Lời Chúa là thức ăn nuôi dưỡng và bồi bổ cho linh hồn. Tuy thế, Chúa không quên thoả mãn nhu cầu vật chất cho họ, vì họ là con người có hồn có xác, phải được nuôi dưỡng đầy đủ. Như vậy Chúa thực hiện lời khuyên: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, còn mọi sự khác Ngài sẽ thêm cho”.

Ngoài thức ăn vật chất, Chúa Giêsu còn muốn hướng con người đến một thức ăn khác nữa, quý trọng hơn. Bởi đó, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, người ta tiếp tục tuốn đến với Chúa mong Người tái diễn phép lạ ấy, nhưng Người đã lánh họ mà đi. Theo tường thuật của thánh Gioan, Người còn nói với họ: “Các ngươi tìm Ta chỉ vì đã được ăn no nê. Hãy nỗ lực tìm kiếm thứ lương thực nuôi dưỡng sự sống muôn đời”. Thứ lương thực ấy chính là bản thân của Chúa Giêsu, được ban cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể.

Chúa muốn chúng ta cộng tác với Người.

Các Tông đồ chỉ kiếm cho Chúa được có 5 cái bánh và 2 con cá. Thật là một đóng góp quá nhỏ nhoi, nhưng thực ra, chỉ cần bằng ấy đã quá đủ đối với Chúa. Chúa không muốn làm phép lạ tự không mà có bánh cho họ ăn, nhưng Chúa muốn cho con người đóng góp một chút để cộng tác với Chúa. Như vậy, phép lạ hóa bánh ra nhiều là kết quả của sự kết hợp giữa quyền năng vô biên của Chúa với sự cộng tác nhỏ bé của con người.

Khi cộng tác với Chúa, Chúa không đòi hỏi chúng ta những tài năng, tiền của và những phẩm tính mà chúng ta không có. Ngài bảo chúng ta: “Hãy đến với Ta bằng con người thật của ngươi, dù nó nghèo nàn, hãy mang đến Ta điều gì ngươi có, dù ít ỏi, và Ta sẽ sử dụng nó một cách lớn lao trong công việc của Ta”.

Thi sĩ Amado Nervo, một đại thi sĩ và cũng là một nhà huyền bí, người Mễ Tây Cơ tóm tắt sứ điệp và tinh thần bài Tin mừng hôm nay trong bài thơ:

“Con chỉ là một tia lửa,

Xin biến con thành ngọn lửa.

Con chỉ là một sợi dây,

Xin biến con thành chiếc đàn.

Con chỉ là ngọn đồi cỏn con

Xin biến con thành ngọn núi.

Con chỉ là một giọt nước,

Xin biến con thành một dòng suối.

Con chỉ là một cọng lông,

Xin biến con thành chiếc cánh.

Con chỉ là gã ăn mày,

Xin biến con thành một ông vua.

Truyện: Người chạnh lòng thương

Mẹ Têrêsa Calcutta thuật lại một câu chuyện như sau: Một hôm, có một cặp vợ chồng trẻ đến thăm tu viện và trao tặng cho chúng tôi một khoản tiền lớn, bảo là để đóng góp vào chi phí mua thức ăn cho những người nghèo.

Ở Calcutta mỗi ngày dòng nữ tu Bác ái Truyền giáo chúng tôi phải cung cấp lương thực cho 9000 người. Bởi đó, không lạ gì hai bạn trẻ này muốn dùng khoản tiền họ tặng vào mục tiêu trên.

Thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi:

- Hai con có thể cho mẹ biết tiền đâu mà hai con có nhiều thế ?

Họ trả lời:

- Chúng con vừa cưới nhau được hai ngày. Chúng con quyết định không may đồ cưới, cũng không tổ chức linh đình, để dùng tiền đó giúp những người kém may mắn hơn chúng con.

Mẹ Têrêsa hỏi tiếp:

- Ở Ấn Độ, không có quần áo cưới và tiệc cưới là điều nhục nhã. Tại sao các con lại quyết định táo bạo như thế, làm phật lòng cha mẹ và họ hàng ?

Họ thưa:

- Chúng con yêu nhau và muốn tặng nhau món quà cưới đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống bằng một hy sinh mà cả hai cùng đóng góp vào.

 

Suy Niệm 8: Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Mở đầu bài tưởng thuật hôm nay, thánh Marcô viết: “Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì chạnh lòng thương xót họ, vì họ bơ vơ như chiên không có người chăn giữ” (Mc 6,34)

Vâng, chính vì lòng thương xót đối với những đàn chiên không có người chăn giữ này, mà Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, đã dấn thân phục vụ. Tin Mừng cho biết “Ngài đã giảng dạy họ nhiều điều”. (Mc 6,34)

Chúa Giêsu giảng dạy. Đây là công việc chính yếu trong cuộc đời công khai của Chúa.

Một chiều đông lạnh lẽo, triết gia Thomas Carlyle đang ngồi trước lò sưởi trong phòng khách. Cửa mở, cha xứ mới của giáo xứ bước vào. Sau mấy câu xã giao, cha xứ hỏi: “Theo ngài, lúc này giáo xứ mình cần cái gì nhất?” Không chút ngập ngừng, triết gia đáp ngay: “Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lý thuyết”. (Góp nhặt).

“Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lý thuyết”. Cần phải làm cho mọi người thấy được Thiên Chúa là Đấng không phải ở mãi đâu xa mà ở ngay trong cuộc sống của mình.

 Vào dịp thánh Phanxicô sang Tòa Thánh để xin Đức Thánh cha phê chuẩn luật dòng Anh Em hèn mọn của mình, Đức Thánh cha đã thân mật hỏi thánh Phanxicô:

- Con có bao giờ thấy Chúa chưa?

- Có, con vừa thấy đêm qua.

- Người có nói gì với con không?

- Người và con ở bên nhau suốt đêm không nói gì. Tuy nhiên, cứ mỗi lúc con nói “Cha” với Người thì Người lại trả lời lại với con “Con Ta”. Cứ thế chẳng có gì hơn cho đến lúc trời sáng.

Vâng! Nói về một Thiên Chúa gần gũi với con người đó là nhiệm vụ hàng đầu của những người rao giảng Tin Mừng.

2. Thế nhưng, giảng dạy mới chỉ là thoả mãn được một mặt của những nhu cầu mà những con chiên không người chăn giữ đang khao khát. Ngoài nhu cầu tinh thần đó ra, những chiên này còn cần đến cả những nhu cầu vật chất nữa. Vì thế, để tỏ ra là một mục tử nhân lành, Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi những người đã đi theo Chúa và nghe Ngài giảng dạy.

Lòng thương xót của vị mục tử nhân lành ở đây là lòng thương xót phát xuất tự bản chất của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa, theo như lời của Thánh Gioan trong đoạn thư thứ I, được trích đọc hôm nay cho biết: chính là “TÌNH YÊU”.

Vâng! Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu ấy được thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc, quan phòng và xếp đặt cho mọi sự trở nên tốt đẹp cho mọi người. Hãy mở rộng lòng để đón nhận tình yêu đó, chúng ta sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu của Tình yêu Chúa dành cho chúng ta.

Moses Mendelssohn là tổ phụ của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức Felix Mendelssohn. Bề ngoài của ông rất bình thường, ngoại trừ tướng ngũ đoản (mình và tứ chi đều ngắn), ông còn là một người có cái lưng gù kì quái rất buồn cười.

Một ngày nọ, Moses Mendelssohn đến Hamburg để viếng thăm một thương nhân. Thương nhân này có một cô con gái rượu tên là Fossey. Moses yêu cô ấy một cách cuồng nhiệt, nhưng vì chê vẻ bề ngoài của ông nên cô ta từ chối tình cảm của Moses.

Đến lúc phải rời xa nơi đó, Moses lấy hết dũng khí có được, ông đi lên phòng của Fossey, bắt lấy cơ hội cuối cùng này để bày tỏ với cô ấy. Đối diện trước vẻ mặt thánh thiện của cô, ông trở nên rụt rè, Fossey đã thẳng thừng cự tuyệt ông.

Qua nhiều lần thử tìm cách để bày tỏ cùng cô ấy, nhưng không thành, cuối cùng ông xấu hổ nói: “Nàng có tin vào duyên trời định không?”

Cô nhìn thẳng vào ông và nói: “Tôi tin”. Sau đó cô hỏi lại ông: “Còn ông, ông có tin vào điều đó không?”

Ông đáp: “Tôi nghe nói, mỗi người con trai trước khi được sinh ra thì Thượng Đế gọi đến và hỏi anh ta muốn một người vợ tương lai như thế nào? Khi tôi sinh ra, tôi chưa được lựa chọn người vợ tương lai cho mình mà chỉ được Thượng Đế nói cho biết người vợ tương lai của tôi là một cô gái gù”.

Khi đó tôi mới van xin thượng đế rằng: “Thưa Thượng đế, một người phụ nữ mà lại mang trên mình cái lưng gù thì quả là bi kịch, xin người hãy chuyển cái lưng gù ấy sang cho con, hãy để cho người vợ của con là một người phụ nữ xinh đẹp”.

Lúc đấy Fossey nhìn thẳng vào đôi mắt của Moses, quên đi hết những suy nghĩ lúc trước về anh trong sâu thẳm trái tim mình. Cô ấy đưa đôi tay về phía anh, sau đó, cô trở thành người vợ chân thành nhất của ông.

Lev Tolstoy đã nói: “Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống”.

Tình yêu là tất cả mọi điều. Đó là chìa khoá cuộc đời và ảnh hưởng của tình yêu làm lay động cả thế giới.

Lạy Chúa,

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ cõi chết đến sự sống,

từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ ghen ghét đến yêu thương,

từ chiến tranh đến hòa bình. Amen. (Mẹ Têrêsa).

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,465)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,699)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,604)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,356)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,786)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,791)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,883)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,107)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,560)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,951)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7