Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 30 TN C & Truyền giáo

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,081
  • Ngày đăng: 19/10/2022 17:23:32

XIN THƯƠNG XÓT CON

Chúa Nhật 30 Thường Niên năm C : Lc 18, 9-14

 

 

Suy niệm

Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta nghe một câu rất quan trọng là “Chúa nhậm lời kêu xin của kẻ nghèo hèn” (Hc 35,12-14.16-18). Đây là chủ đề chính của đoạn sách Huấn ca này và cũng là của toàn bộ Thánh Kinh: Trong Cựu Ước, Thiên Chúa luôn bênh vực những người nghèo hèn yếu đuối. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu tỏ ra yêu thương những người bé nhỏ khiêm nhu, đặc biệt những người bị xã hội coi khinh và loại trừ. Trong thư thứ nhất của thánh Phêrô, ngài cũng đã khẳng định thật mạnh mẽ khi nói: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5, 5).

 

Hôm nay khi nói về sự kiêu ngạo và khiêm nhường, Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn thật sống động về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu được coi là công chính, còn người kia làm nghề thu thuế bị coi là kẻ tội lỗi. Người Pharisêu đứng thẳng cầu nguyện rằng:“Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. Sau khi trình bày cho Chúa thấy đời sống tốt lành của mình, ông còn cho Chúa thấy sự đạo đức của mình: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Lời cầu nguyện của ông xem ra hết sức chân thành, một lời nguyện thật đẹp từ một đời sống quá đẹp. Hiếm ai có được đời sống thiện hảo như ông.

 

Thế nhưng Đức Giêsu lại đưa ra một kết luận khiến những người nghe và cả chúng ta cũng chưng hửng, vì ông ra về mà không còn công chính. Đang khi đó người thu thuế nhìn nhận hết những tội lỗi của mình thì lại nên công chính. Tại sao lại có sự nghịch lý như vậy?

 

Ngay từ đầu bài Tin Mừng này, thánh Luca đã nói rõ là Đức Giêsu kể dụ ngôn này nhằm vào một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác. Người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện nhưng thực ra là để khoe khoang công trạng và thành tích của mình. Ông thưa chuyện với Chúa nhưng thực ra là ông đang độc thoại một mình. Ông “tạ ơn Chúa” nhưng thực ra là ông muốn Chúa hãy biết ơn ông. Bảng liệt kê công đức của ông không có gì sai, ông thật là người đáng khen, không có gì để chê trách, một tín đồ trung thành với lề luật, một mẫu gương trong đời sống đạo.

 

Chỉ tiếc là người Pharisêu đã tự nâng mình lên nên đã bị hạ xuống. Cái tôi của ông quá lớn đến nỗi ông chỉ hướng về mình mà không còn hướng về Chúa; công trạng của ông quá nhiều đến nỗi ông chỉ nhìn thấy tài năng của mình mà không thấy ân ban; đức độ của ông quá cao đến nỗi thấy người khác quá thấp. Sự sai lầm này khiến ông từ một người công chính trở thành kẻ bất chính.

 

Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗiNgười này chỉ biết cúi đầu nhận tội lỗi mình và cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự chân thật và khiêm nhường khiến người thu thuế từ một kẻ bất chính trở thành người công chính. Quả thật, “Một người tội lỗi ý thức thân phận tội lỗi của mình còn tốt hơn một vị thánh ý thức mình là thánh” (Yiddish).

 

Điều này cho ta thấy, điểm yếu nhất của con người là lòng kiêu hãnh. Không lạ gì mà sự thật bị bóp méo và những gì tốt lành cũng bị biến dạng. Chỉ có sự khiêm tốn và lòng kính trọng tha nhân mới tạo cho ta một đời sống chân chính. Ngoài ra, điều sai lầm trầm trọng của người Pharisêu khi cầu nguyện là chỉ qui hướng về mình, lấy mình làm trung tâm, thấy mình là quan trọng, đời sống ông quá đầy đặn đến nỗi Thiên Chúa trở nên thừa. Chúa chỉ còn là bình phong cho ông tô vẻ bản thân, và người khác chỉ là bệ chân để cho ông tỏa sáng.

 

Thật ra, tội lỗi hay công đức đều có thể làm ta khép lại hay mở ra. Ðiều quan trọng là thấy mình luôn cần đến Chúa. Làm sao ta tận dụng mọi năng lực Chúa ban mà vẫn hoàn toàn phó thác cho Chúa định liệu. Chúng ta được nên công chính do lòng thương xót của Chúa chứ không phải do công lao hay đức độ của mình. Chúng ta có làm được điều gì tốt lành và hữu ích cho cuộc sống cũng là do ơn Chúa ban. Đang khi đó có biết bao việc gây buồn phiền và tai hại cho người mà nhiều khi ta đâu có thấy hết. Chỉ với những tâm tình đó, ta mới biết cầu nguyện bằng những lời lẽ chân thành và khiêm tốn của người thu thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Xem ra con luôn dễ tự hào,
cũng do bản tính thích làm cao,
cho rằng chỉ mình là độc đáo,
nhưng rồi thực tế chẳng ra sao.

 

Cũng giống như người Pha-ri-sêu,
cứ tưởng mình là người đạo đức,
khi làm được một ít việc lành,
chưa gì mà đem ra so sánh,
thấy mình tốt hơn người bên cạnh,
thế là lên mặt để khinh chê.

 

Có thể anh ta là người tốt,
nhưng vì kiêu căng và ngạo mạn,
nên bao công đức cũng tiêu tan,
cuối cùng lại còn mang thêm tội.

 

Con có làm được điều gì đó,
cũng chỉ là nhờ ơn Chúa thôi,
giống như dụng cụ trong tay chủ,
chỉ vô dụng nếu không được dùng,
điều quan trọng là sống tín trung,
sống ung dung nhưng không tự mãn,

 

Con biết mình cát bụi mọn hèn,
thân con như sỏi đá ươn hèn,
nếu con có gì đáng tự hào,
thì niềm tự hào là chính Chúa,
Đấng đã khai mở cuộc đời con,
và làm triển nở cho nên trọn.

 

Cho con canh tân lại chính mình,
bớt đi những thói xấu hư hèn,
giảm đi những điều gây hư hại,
loại trừ những thứ khiến hư thân,
một đời luôn sốt sắng chuyên cần,
hết lòng yêu Chúa và tha nhân. Amen.

 

LOAN BÁO TIN MỪNG

Chúa Nhật truyền giáo : Mc 16, 15-20

 

 

Suy niệm

Truyền giáo là một từ ngữ đã gây nhiều vấp váp và hiểu lầm trong quá khứ, cũng không phải là từ ngữ dễ nghe đối với thế giới ngày nay, một thế giới đa nguyên, đa tôn giáo. Chúng ta dùng từ “truyền giáo” dịch từ tiếng Latinh là “missio”. Đúng hơn đây là một “sứ mạng” của toàn thể Giáo hội phát xuất từ một mệnh lệnh và là một ước mơ của Đức Kitô Phục Sinh: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…". Không lạ gì mà ngay sau Công Đồng Vatican II năm 1967, Đức Phaolô VI đã quyết định chính thức đổi Bộ Truyền Giáo thành “Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc”. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì từ “truyền giáo” vẫn còn tiếp tục được dùng một cách rất tự nhiên và nhiều khi ngay cả trong các bản văn chính thức.

 

Vì thế, truyền giáo mà chúng ta muốn nói đến ở đây là “sứ mạng” hay “làm chứng”, hoặc hình tượng hơn là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”… Đó là những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế – công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng. Đó phải là bản chất của mỗi Kitô hữu, nói lên sứ mạng mà chúng ta đã lãnh nhận từ khi chịu phép Rửa tội, nhất là khi chịu phép Thêm sức. Trong ý nghĩa đó mà thánh Phaolô đã khẳng định: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

 

Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng thuộc về bản chất của Giáo hội. Không truyền giáo, Giáo Hội không còn là Giáo Hội. Giáo xứ mà không truyền giáo thì không còn là giáo xứ. Gia đình hay bản thân chúng ta cũng thế, không truyền giáo là không tin Chúa, bởi vì đức tin không có hành động là đức tin chết. Hành động của đức tin là đức ái, mà đức ái cao cả nhất là ban tặng chính Chúa cho người khác. Chúng ta được gia nhập vào Giáo hội Chúa là để được sai đi làm cho Nước Cha trị đến, như chúng ta vẫn cầu nguyện trong kinh Lạy Cha. Cầu mà không làm là giả dối. Làm mà không nhiệt tình là coi nhẹ Lời Chúa.

 

Làm việc truyền giáo không phải là chiêu dụ hay mua chuộc người khác, mà là sự hấp dẫn họ bằng chính đời sống mình, một đời sống chân thật, hiền lành, khiêm tốn và yêu thương phục vụ; một đời sống cho thấy Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, và là Cha nhân lành của toàn thể nhân loại. Trên nền tảng đó, mọi người đều là anh em với nhau.

 

Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội thời nào và ở đâu cũng bắt đầu từ mẫu gương Chúa Giêsu. Ngài đi đến với mọi người, nhất là những người nghèo hèn, bệnh tật, tội lỗi. Ngài yêu quí họ, sống gần gũi với họ, cứu giúp và nâng đỡ họ, đem lại an vui và sự sống dồi dào cho họ. Ngài sống nghèo nàn, đơn giản, khiêm nhu phục vụ, đón nhận mọi đau khổ do chính sự gian ác của con người, và cuối cùng hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc, nói lên tình yêu cực độ của Thiên Chúa đối với mọi người. Nếu ta thực sự yêu mến Chúa thì hãy làm như Chúa đã làm, sống như Chúa đã sống, nghĩa là dám ra khỏi mình để đến với mọi người.

 

Người tín hữu Việt Nam có vẻ như đang “nhốt Chúa” trong nhà thờ, trong nhà mình, trong cộng đoàn giáo xứ mình. Thay vì đi ra (nhất là các linh mục) đến với mọi người, thì lại thích bám trụ trong môi trường và vị thế của mình để sống an toàn. Có lẽ vì lý do này mà Đức Thánh Cha Phanxicô phải nhấn mạnh rằng:“Giáo hội phải như Thiên Chúa: luôn đi ra; và khi Giáo hội không đi ra, Giáo hội bị bệnh. Tại sao trong Giáo hội có nhiều bệnh? Vì Giáo hội không đi ra ngoài. Đúng là khi một người đi ra ngoài sẽ có thể gặp nguy hiểm, tai nạn. Nhưng một Giáo hội gặp tai nạn do ra đi loan báo Tin Mừng thì tốt hơn là một Giáo hội ốm yếu do đóng kín. Thiên Chúa luôn ra đi, vì Ngài là Cha, vì Ngài yêu thương. Giáo hội phải làm như vậy: luôn đi ra ngoài”[1].

 

Đã đến lúc Chúa tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta, dù ở đâu và làm gì, cũng có thể loan báo Tin Mừng. Đó là thách đố không nhỏ! Nhưng Giáo hội cho thấy nhiệm vụ chính của giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Kitô bằng cung cách sống, cũng như bằng lời nói, trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội, cũng như trong môi trường nghề nghiệp. Sẽ là tuyệt vời khi mỗi người có những ân huệ khác nhau, biết đồng tâm chung sức xây dựng Giáo hội thành nhiệm thể của Đức Giêsu. Đó là bí tích cứu độ, bí tích của thế giới (Sacramentum mundi), bởi càng nhiều người dấn thân loan báo Tin Mừng, Giáo hội càng có thêm nhiều người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

Loan Tin Mừng là nhiệm vụ cấp thiết,
là sứ vụ cuộc đời Ki-tô hữu,
để Chúa đến và làm chủ nhân gian,

mang lại ơn cứu độ cho con người.

 

Có biết bao người đang tìm Chúa,
đang khao khát được gặp Chúa,
đang mong nghe được Lời Chúa,
đang muốn thấy Chúa qua chúng con.

 

Trước tiên cho con biết nguyện cầu,
để tình yêu Chúa được thấm sâu,
để có nhiều tâm hồn quảng đại,
không ngại dấn thân phụng sự Chúa.

 

Cho con biết hăm hở và niềm nở,
trong tương quan gặp gỡ với mọi người,
với thái độ chân thành và thương mến,
tạo an vui và liên kết vững bền.

 

Nhưng đến với mọi người thật không dễ,
vì trong xã hội vô thần và duy vật,
có nhiều điều cách biệt trong tâm tưởng,
với quan niệm và lối sống trái ngược.

 

Xin cho con cứ nỗ lực dấn thân,
dám đi đến với tất cả mọi người,
cứ nhiệt tâm ân cần với sứ vụ,
đừng nghi ngờ sợ lo hay phòng thủ,
chỉ sợ con không yêu đủ mà thôi.

 

Con cảm thấy như Chúa đang than thở:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít...”
và con biết Chúa đang kiếm tìm người,
Này con mạo muội chân tình xin thưa:
Con đây lạy Chúa hãy đưa con vào. Amen

 

Lm. Thái Nguyên

 


[1]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tc-luon-ra-di-tim-kiem.

 

Bài cùng chuyên mục:

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 94)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Có phải Giu-đa tham tiền bán Chúa? (28/03/2024 05:42:17 - Xem: 81)

Bi kịch của Giuđa là đã để ý mình trên ý Chúa, theo Chúa nhưng nhất định không để Chúa biến đổi mình.

Gia vị cho bài giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B (20/03/2024 16:23:14 - Xem: 393)

“Chúng ta là những người thích nghe các câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống đức tin…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật lễ Lá (20/03/2024 07:40:34 - Xem: 485)

Trên con đường thập giá, Ðức Giêsu đã đi đến tột cùng của nỗi cô đơn: “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”.

Tội nào đáng bị lên án! (19/03/2024 14:18:30 - Xem: 325)

Biết bao hòn đá của ngôn từ nơi miệng “thanh cao” từ cá nhân hay đám đông đầy tiêu cực, giả dối, lọc lừa… cứ thoải mái ném vào tâm hồn những người mỏng manh yếu đuối.

Tình yêu khôn dò của Thiên Chúa nơi cái chết trên thập giá của Đức Kitô (15/03/2024 07:27:06 - Xem: 398)

Trong khi chờ đợi tới ngày chung thẩm, chúng ta sẽ sống như thế nào? Chúng ta sẽ chuẩn bị ra sao?

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 14:56:18 - Xem: 617)

Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới hình thành.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 05:52:15 - Xem: 456)

Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta hãy chôn mình trong lòng đất bằng cách hy sinh cho tha nhân như Chúa Giêsu đã làm.

Chay tịnh internet (10/03/2024 05:05:23 - Xem: 365)

Khi tự nguyện kiêng khem là để loại bỏ những hậu quả tiêu cực trong việc sử dụng internet, kể cả những hậu quả trên sức khoẻ tâm lý.

Chịu đau khổ như Đức Kitô nghĩa là gì? (05/03/2024 14:04:45 - Xem: 382)

Mức độ đau khổ trọn vẹn mà Chúa Giêsu gánh chịu là một mầu nhiệm, nhưng không phải là không thể hiểu được.

Bài viết mới