Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật lễ Giáng sinh

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,482
  • Ngày đăng: 21/12/2022 15:29:12

ĐÓN NHẬN CHÚA

Lễ Giáng Sinh Rạng Đông : Lc 2, 15-20

 

 

Suy niệm

Một điều lạ lùng là việc Chúa giáng sinh được loan báo trước tiên cho những người chăn chiên, gọi là mục đồng. Mục đồng tượng trưng cho những người quê mùa, bé nhỏ, nghèo hèn, thấp kém, bị coi thường ở ngoài đời cũng như trong đạo. Thế nhưng Thiên Chúa lại ưu ái và tỏ mình ra cho họ trước nhất. Đúng như lời Đức Giêsu sẽ tuyên bố sau này trên đường đi rao giảng Tin Mừng: “Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13, 30).

 

Bậc thang giá trị của người đời thường đi ngược với bậc thang giá trị của  Thiên Chúa. Vì Chúa thấy được sự thực từ bên trong, còn con người thì chỉ thấy cái hào nhoáng bên ngoài, nên thường thích những gì mà người ta coi trọng, còn Thiên Chúa lại chọn những gì người ta coi thường. Nên Ngài đã chọn làm người tầm thường, sinh ra trong cảnh tầm thường, sống với những gì tầm thường, yêu lấy những con người tầm thường. Có ai ngờ hào quang Thiên Chúa lại ẩn giấu trong những điều mà người ta coi đó là tầm thường. Ngài là Đấng ẩn mình (Deus absconditus) để chúng ta được tự do thể hiện mình. Nhưng chỉ trong sự thể hiện đơn sơ khiêm nhường, ta mới có thể đón nhận Chúa.

 

Thực ra đây là đường hướng và phương sách ngay từ đầu của mầu nhiệm nhập thể, còn gọi là mầu nhiệm tự hủy (kenosis), mầu nhiệm tự hạ vì yêu thương. Vì trong mầu nhiệm này, Thiên Chúa rời khỏi vị thế của mình, ra khỏi bản thân mình để đón nhận thân phận làm người thấp nhất, sống cuộc đời nghèo khó nhất, và chết đau thương tủi nhục nhất. Dường như Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa khi Chúa mặc lấy thân xác con người, hòa nhập với hạng người cùng đinh, gần gũi với những người tội lỗi, và chết não nề như một tên gian phi. Nhưng nhờ vậy mà Chúa cứu chuộc con người từ chỗ khốn cùng nhất, từ trong bóng tối của sự chết, để đưa vào ánh sáng của sự sống.

 

Con người kiêu căng tự nâng mình lên, đã làm hư hỏng kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa. Nên Ngài phải tự hạ xuống thế làm người để làm nên một cuộc sáng tạo mới mà chúng ta gọi là mầu nhiệm cứu chuộc. Biến cố giáng sinh đã khởi đầu mầu nhiệm cứu chuộc nàyLễ giáng sinh mời gọi ta chiêm ngắm và tiếp tục thể hiện mầu nhiệm nhập thể trong đời sống. Nhờ việc chiêm ngắm ta mới ngộ ra tình yêu sâu thẳm và linh nghiệm của Thiên Chúa trên đời sống mình, để từ đó ta mới biết đón nhận mọi người như Chúa đã đón nhận ta, nghĩa là dám xóa mình, quên mình, dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và toan tính khôn ngoan của người đời, để sống một cuộc sống khác, đó là cuộc sống của Thiên Chúa làm người để con người biết làm con Thiên Chúa.

 

Trong chúng ta, ai cũng mong cho mình được trọng vọng, được nể nang, được ca tụng, được mọi người cảm kích, và được chức tước địa vị càng nhiều càng tốt. Thế nhưng đó là quan niệm và ước vọng của phàm nhân, một lối sống phàm tục, không phải lối sống của người Kitô hữu, vì đi ngược với mầu nhiệm nhập thể. Lối sống đó làm cho Ngôi Hai Thiên Chúa không thể tiếp tục hạ sinh vào cuộc sống của chúng ta, vì ta đang đặt mình làm trung tâm và đang qui hướng mọi người mọi sự về bản thân mình. Trong tâm hồn ta không có chỗ để Chúa ngự vào, vì không phải là hang đá thanh bần để Chúa được sinh ra.

 

Bởi thế, giáo phụ Origène đã nói lên rằng:“Dù Chúa Giêsu có sinh ra cả ngàn lần tại Bêlem, xứ Giuđêa, điều đó chẳng ích lợi gì nếu Ngài không sinh ra chỉ một lần trong đời sống của bạn”. Thật vậy, có nghĩa gì đâu nếu Chúa không sinh xuống lòng ta, hay nói cách khác, mừng lễ Giáng Sinh chỉ là chuyện vô ích, khi lòng ta không được cảm hóa và cải hóa bằng một lối sống đơn sơ khiêm nhường. Tâm hồn chúng ta vẫn là một tòa nhà cao ốc, vẫn là một dinh thự nguy nga, mà Chúa thì lại không sinh ra ở những chỗ đó. Chúa muốn chọn nơi bé nhỏ mọn hèn. Vì thế, đòi ta phải từ bỏ lối sống vương giả hay một lối sống quá tiện nghi cầu kỳ, để tâm hồn mình trở thành như hang lừa máng cỏ.

 

Trở thành hang lừa máng cỏ nghĩa là trở thành một tâm hồn đơn sơ khiêm hạ; một tinh thần nghèo khó, thanh tịnh; một tấm lòng rộng mở, bao dung. Các mục đồng được ưu tiên diện kiến Chúa Hài Nhi cũng biểu trưng cho những tính cách như vậy. Và đó cũng chính là tâm tình và tính cách sống của Chúa Giêsu khi chấp nhận sinh hạ làm người. Giờ đây đến lượt chúng ta, những người được kêu gọi để sống mầu nhiệm nhập thể, sống hạ mình vì yêu thương, để qua chúng ta, từ tâm hồn mình, Chúa lại được sinh ra cho người khác. “Mầu mhiệm” Giáng Sinh là như vậy, để Chúa có thể thấm nhập và làm nên những con người mới.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Từ muôn thuở là Ngôi Lời Thiên Chúa,
nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành,
Ngài tràn đầy ân sủng và sự thật,
là sự sống là ánh sáng vĩnh hằng.

 

Chúng con quá ngỡ ngàng và vui sướng,
vì Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương,
cho Ngôi Lời nhập thể làm người thế,
để cứu thoát nhân trần khỏi bến mê.

 

Thật lòng trí chúng con không thể tưởng,
Con Thiên Chúa trở nên con loài người,
là Thiên Chúa thật và là người thật,
để từ đây Ngài thần hóa chúng con,
từ những kẻ sinh ra trong hèn mọn,
nay lại được trở nên con Thiên Chúa.

 

Chúa đã nhận lấy thân phận của con,
những gì là mỏng giòn và yếu đuối,
để đời con có Ngài nguồn an ủi,
không còn phải lủi thủi giữa cuộc đời.

 

Chúa đã đến sống cuộc đời như con,
cho con biết sống cuộc đời như Chúa,
dám vươn lên với tấm lòng cao thượng,
tìm mọi cách để thể hiện tình thương,
làm ánh sao soi rọi giữa đêm trường,
làm muối men cho cuộc đời nồng thắm.

 

Xin cho con được gặp Chúa hôm nay,
trong mọi nơi mọi lúc mọi hoàn cảnh,
luôn trung thành trước cuộc sống đổi thay,
và hăng say bước theo Chúa mỗi ngày,
luôn gieo rắc niềm tin yêu hy vọng,
để được Chúa là tất cả ước mong. Amen.

 

 

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

Ngày 25 tháng 12. Lễ Ban Ngày : Ga 1, 1-18

 

Suy niệm

Đối với tác giả Tin Mừng thứ IV, Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời. Bằng danh xưng này, thánh Gioan muốn diễn tả ra thực tại thâm sâu nhất của Đức Giêsu, Đấng nhiệm xuất từ Thiên Chúa và tầm mức tối quan trọng của Người đối với ơn cứu rỗi cho loài người chúng ta.

 

Tương quan của Ngôi Lời Thiên Chúa với chính Thiên Chúa được xác định ở đây với ba ý: Ngôi Lời thì vĩnh cửu và vô tạo như Thiên Chúa; Ngài sống trong sự hợp nhất trường tồn với Thiên Chúa; Ngài là Thiên Chúa theo cùng một cách như Thiên Chúa là Thiên Chúa. Trong tất cả những gì Đức Giêsu làm, thì qua đó Ngài không phải là Đấng mang mọi lời của Thiên Chúa, mà chính là Lời Thiên Chúa, là Lời đầu tiên và Lời cuối cùng của Thiên Chúa. Lời vững chắc và đáng tin như chính Thiên Chúa trong chính thần tính của Ngài. Nơi Ngài, Thiên Chúa tự mạc khải cho chúng ta được biết chính Thiên Chúa.

 

Tương quan đặc biệt của Ngôi Lời với loài người được diễn tả bằng sự sống và ánh sáng. Đặc tính căn bản của Ngôi Lời chắc chắn là sự sống vô cùng viên mãn, tức không có chút gì là bóng tối sự chết và giới hạn nơi Ngài. Như thế, Ngôi Lời có đặc điểm như Thiên Chúa, và Ngài là Thiên Chúa hằng sống (x. Ga 5,26). Nhờ sự sống viên mãn không hề cạn kiệt của Ngài, Ngôi Lời đã trở thành ánh sáng cho loài người chúng ta, là những kẻ sống trong bóng tối và đang bị đe dọa bởi sự chết.

 

Nhưng cũng chính ở đây, thánh Gioan cho thấy công trình của Ngôi Lời gặp một sức mạnh đối nghịch. Đó là bóng tối ngăn cản loài người đến với ánh sáng. Tuy nhiên, đã là ánh sáng thì tự nó chiếu vào bóng tối. Thực tế, chúng ta thấy ánh sáng Chúa đã chiếu soi, nhưng bóng tối của sự dữ vẫn luôn hoành hành trên thế giới, trong từng quốc gia, từng cộng đoàn, từng gia đình, từng con người, như bức tường chắn ngang giữa nhân loại với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.

 

Ánh sáng đã chiếu soi trong bóng tối, nhưng bóng tối cứ vẫn là bóng tối, khi lòng người cứ đóng kín phủ che, che khuất cuộc đời, che khuất cả lương tri: đó là bóng tối của dục vọng, của phân chia và thù hằn ghen ghét, của tham lam và tranh chấp bạo tàn, của ngạo mạn và tiền tài danh vọng… Không chỉ bóng tối của cõi đời thế tục, mà còn là bóng tối trong cõi chốn tu trì. Không phải chỉ bóng tối của quyền hành xã tắc, mà còn là bóng tối của Giáo Hội phẩm hàm. Ngôi Lời là ánh sáng chiếu soi, nhưng tiếc thay mọi người lại vẫn hay chọn bóng tối, vì bóng tối dễ chịu hơn, đồng lõa hơn (x. Ga 3, 19). Bóng tối ở ngoài ta và bóng tối ở trong ta. Hãy can đảm xóa tan bóng tối trong ta, bằng cách mở tâm hồn ra để cho mình được yêu thương và được chiếu sáng: “Ai yêu thương anh em mình thì ở trong ánh sáng” (1Ga 2, 10).

 

Tuy nhiên, ánh sáng Chúa không phải lúc nào cũng chiếu soi, cho dù ta sống lành thánh. Vẫn có những đêm tối đức tin làm ta lo âu, sợ hãi và nghi ngờ, thấy như không hề có Chúa trong cuộc đời. Đêm tối đôi khi thật kinh khủng, làm ta hoang mang, hoảng loạn, nhưng rất cần thiết để thanh luyện lòng tin. Ta cứ kiên trì dù ánh sáng không còn. Ánh sáng ấy chỉ lẩn khuất trong bóng đêm để lòng ta thêm khao khát. R. Tagore đã từng trải nghiệm về điều đó, nên đã nói lên một xác tín thâm sâu rằng, đêm tối lại là lúc “chủ ngươi đang thức và chờ ngươi tới nơi hẹn hò tình tự”. Quả thực, Thiên Chúa vẫn dành cho ta những niềm vui bất ngờ, khôn tả, vì thế “đừng để thời gian trôi đi trong bóng tối. Hãy thắp sáng đèn tình yêu bằng cuộc sống của ngươi”.

 

Ánh sáng mang lại sự sống. Không có sự sống nếu không có ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa để đem lại sự sống cho nhân loại. Sự sống đó chỉ có thể phát triển bằng tình yêu, mà Thiên Chúa là tình yêu, được thể hiện sung mãn nơi Đức Giêsu, Đấng đã đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Vì thế, mỗi cử chỉ hay hành vi được làm vì yêu thương của chúng ta đều có giá trị vô biên, vì khi đó ta ở trong ánh sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa, và nhờ vậy ta biểu hiện chính Thiên Chúa cho anh chị em mình.

 

Thiên Chúa đã một lần nhập thể trong thế gian, và Ngài còn đang tiếp tục nhập thể trong ta, khi ta để cho Ngài hóa thân thành Ánh Sáng Tình Yêu trong mỗi suy tư và hành động của mình. Nhờ đó mọi người xung quanh tiếp tục đón nhận ánh sáng của niềm vui ơn cứu độ: chính là sự sống mới muôn đời cho tất cả những ai tin vào Ngài.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Đời người là một hành trình vượt qua,
qua bóng tối để vươn tới ánh sáng,
ánh sáng chân lý, ánh sáng tình yêu,
ánh sáng an vui và sự sống muôn đời.

 

Trong ánh sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa,
chúng con nên ánh sáng cho trần gian,
nhưng bóng tối vẫn bàng bạc mênh mang,
bóng tối gian dối và ích kỷ bạo tàn,
bóng tối thù hằn và kiêu căng ngạo mạn,
khiến bao người phải nhức nhối tâm can.

 

Bóng tối làm con lo sợ và nao núng,
vì sự ác luôn thao túng hoành hành,
khiến biết bao người lành phải khổ đau,
giữa âu sầu mà Chúa đâu chẳng thấy.

 

Cũng như các tông đồ trước bão giông,
thấy Chúa bất động trong cơn biến động,
nhưng cũng là một cách Chúa hành động,
tạo nên chuyển động trong lòng các ông.

 

Cho con an tâm dù ánh sáng không còn,
nhưng tin còn tay Chúa vẫn đỡ nâng,
thật ra ánh sáng chỉ tạm ẩn khuất,
để lòng con ngày càng thêm khao khát,
tập sống phó thác trước mọi nguy nan,
không để cuộc đời mình phải dở dang.

 

Xin cho con cứ an lòng vững dạ,
mở lòng ra để sống với tất cả,
thắp sáng tin yêu để dẫn lối đưa đường,
giúp bao người vượt thoát cảnh đau thương,
gieo hy vọng để tìm về một hướng,
đạt tới Chúa là chính cõi thiên đường. Amen.

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 23 TN năm B - 2024 (04/09/2024 05:19:29 - Xem: 602)

Chỉ nghe bằng tai thôi thì không đủ, mà phải lắng nghe với cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương, chân thành và quảng đại mới có thể hiểu đầy đủ, hiểu chính xác...

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 23 TN năm B -2024 (04/09/2024 05:14:40 - Xem: 400)

Khi Chúa Giêsu đi vào thế giới này mọi tạo vật đã được biến đổi. Khi Người chạm vào một ai đó, người ấy sẽ được chữa lành.

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 22 TN năm B -2024 (26/08/2024 15:04:21 - Xem: 526)

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết những người Pharisêu đã cảm thấy ức chế như thế nào khi chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ của Người bỏ qua nghi thức rửa tay trước khi dùng bữa.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 22 TN năm B - 2024 (26/08/2024 07:45:13 - Xem: 542)

Lời Đức Giêsu khiển trách người Do Thái cũng là lời khuyên chúng ta lo tu luyện lại bản thân từ bên trong, chứ đừng lo phê phán người khác.

Cần làm gì khi đối diện với các xung đột nội tâm? (24/08/2024 10:04:30 - Xem: 247)

Bạn hãy mạnh dạn thưa những lời đó với Đức Giê-su và tâm sự với Ngài về tất cả những cảm xúc đang có ở trong tâm hồn.

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 21 TN năm B - 2024 (19/08/2024 15:01:39 - Xem: 530)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thách thức các môn đệ tin vào Người và đón nhận lời hứa của Người về bánh trường sinh.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 21 năm B - 2024 (19/08/2024 10:43:32 - Xem: 618)

Hôm nay vẫn có những câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng, vẫn có những lúc thử thách làm ta chao đảo, vẫn có những cơn cám dỗ và lôi kéo làm ta bỏ cuộc.

Đức Trinh nữ Maria có giọng nói như thế nào? (14/08/2024 07:54:41 - Xem: 336)

Người ta có thể tưởng tượng được âm sắc giọng nói của Đức Trinh Nữ Maria không? Nơi Mẹ, người ta nghe thấy sự thanh khiết siêu nhiên của Mẹ

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 20 TN năm B - 2024 (14/08/2024 05:35:03 - Xem: 582)

Những ai nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể thì cũng nhận ra Ngài nơi anh chị em đau khổ, đói khát, bệnh tật hay tù đày.

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 20 TN năm B - 2024 (14/08/2024 05:25:48 - Xem: 532)

Gioan chương sáu là lời giải thích đơn giản của Chúa Giêsu về mặc khải của Chúa về Bánh Hằng Sống được ban cho con người.

Bài viết mới