Suy niệm tin mừng chúa nhật

SCĐ CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN NĂM A

  • In trang này
  • Lượt xem: 541
  • Ngày đăng: 28/08/2023 07:23:20

CHỦ ĐỀ :

THEO CHÚA
LÀ TỪ BỎ VÀ VÁC THẬP GIÁ

  “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”

(Mt 16,24)

 

Sợi chỉ đỏ : Tất cả các bài đọc hôm nay đều gom vào chủ đề muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mình và vác thập giá.

– Bài đọc I : Lời tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia : vì làm ngôn sứ của Chúa mà Giêrêmia phải chịu biết bao đau khổ “Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhọc nhã và bị chế nhạo suốt ngày”

– Đáp ca : Lời cầu nguyện của một tâm hồn thiết tha yêu mến Chúa. Trong cuộc sống khó khăn, tác giả khát khao được gặp Chúa.

– Tin Mừng : Đức Giêsu báo tin thương khó lần thứ nhất. Ngài còn nói rõ : “Ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”.

– Bài đọc II : Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu hãy “hiến thân làm của lễ sống động và thánh thiện” cho Thiên Chúa.

 

 I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Lời Chúa hôm nay sẽ không êm ái dễ nghe chút nào, mà trái lại rất đáng sợ : “Ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”.

Xin Chúa giúp chúng ta ý thức rõ về con đường thập giá và xin Ngài ban cho chúng ta đủ can đảm để theo Ngài trên con đường ấy.

 II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúng ta tôn kính Thánh Giá Chúa, nhưng không chấp nhận vác những thập giá của mình trong cuộc sống thường ngày.

– Chúng ta quá tôn trọng cái tôi của mình.

– Chúng ta không quen từ bỏ.

III. LỜI CHÚA

  1. Bài đọc I (Gr 20,7-9)

Đoạn này được các nhà nghiên cứu Thánh Kinh gọi là “Lời tự thú của Giêrêmia”, trong đó vị ngôn sứ than thở về biết bao đau khổ ông phải chịu do sứ mạng làm ngôn sứ cho Chúa.

Thực vậy, sứ mạng của Giêrêmia không được trơn tru và thành công, nhưng gặp phải rất nhiều chống đối : lời ông giảng không được người ta đón nghe, trái lại còn chế nhạo, phản đối, thậm chí lên án nữa (vì ông công kích cuộc sống tội lỗi của họ, loan báo án phạt của Chúa…). Nhiều lần người ta âm mưu sát hại ông khiến ông chỉ thoát chết trong đường tơ kẻ tóc…

Nhưng dù than thở như thế, Giêrêmia cũng thú nhận là ông không thể nào từ bò sứ mạng đau khổ đó, bởi lẽ “Chúa đã quyến rũ được con, Chúa đã hùng mạnh hơn con và đã thắng con”.

  1. Đáp ca (Tv 62)

Thánh vịnh này được xếp vào loại các Thánh vịnh cầu nguyện trong cơn khốn khó.

Tác giả là người thiết tha yêu mến Chúa. Yêu mến ai thì khát khao gặp được người đó. Tác giả cũng thế, nhất là trong lúc khốn khó, tác giả khao khát được gặp Chúa, như đất khô cằn mong gặp được nước.

  1. Tin Mừng (Mt 16,21-27)

Sau khi Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ chịu nạn chịu chết, Phêrô kéo Ngài lại và ngăn cản. Đức Giêsu trách mắng ông rất nặng lời, Ngài gọi ông là Satan.

Sau đó, Đức Giêsu còn nói về điều kiện của những ai muốn làm môn đệ Ngài (“đi theo” trong cách nói do thái có nghĩa là làm môn đệ) :

– Điều kiện thứ nhất là từ bỏ mình.

– Điều kiện thứ hai là vác thập giá mình.

Nên chú ý một số chi tiết có ý nghĩa sâu sắc :

. “Từ bỏ chính mình” : xem ra từ bỏ mình nghĩa là tha hoá, vong thân (aliénation), mình không còn phải là mình nữa. Xét theo tâm lý học thì điều này không tốt, vì mỗi người phải giữ cái độc đáo của mình. Nhưng xét theo thần học thì lại rất tốt : tuy ta không còn là mình nữa nhưng ta hóa nên giống Đức Giêsu thì thật tuyệt vời. Lý tưởng mà thánh Phaolô luôn nhắm tới là được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu. Hơn nữa đây thực sự không phải là “tha hóa” mà là tìm lại chính mình, bởi vì từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “giống hình ảnh” Ngài. Chỉ sau đó do tội lỗi nên con người bị “tha hóa”. Nay cố gắng trở nên giống Đức Giêsu chính là tìm lại hình ảnh ban đầu.

. “Vác thập giá mình” : Kiểu nói này có nhiều nghĩa : a/ Đón nhận những khổ cực của mình, cũng như Đức Giêsu đã đón nhận những khổ cực của Ngài ; b/ Theo luật hình sự Rôma, người bị kết án đóng đinh phải tự mình vác lấy thập giá của mình ra pháp trường. Như thế, “vác thập giá mình” nghĩa là coi như mình đã bị kết án tử ; c/ câu 25 giải thích câu 24 : “Quả thật ai liều mất mạng sống mình vì tôi…”. Như thế “vác thập giá” có nghĩa là “liều mất mạng sống”, hay nói nôm na là “liều mạng” vì Chúa.

  1. Bài đọc II (Rm 12,1-2)

Những lời Thánh Phaolô viết trong đoạn thư này cũng có ý nghĩa tương đương với lời Đức Giêsu kêu gọi môn đệ hãy từ bỏ và vác thập giá mình : tín hữu hãy coi mình như một của lễ, cho nên hãy dâng bản thân mình cho Chúa, giống như chủ tế dâng của lễ lên Thiên Chúa trong một Thánh lễ.

Thánh Phaolô khuyến khích : đó là một việc rất đẹp lòng Chúa, và đó chính là việc phụng thờ hợp lý đáng làm nhất.

 IV. GỢI Ý GIẢNG

  1. Từ bỏ là một quy luật

Đa số chúng ta nghĩ rằng từ bỏ là một điều gì đó bất thường, vì thế chúng ta không muốn từ bỏ.

Thực ra, từ bỏ là điều rất bình thường, rất cần thiết nữa là đàng khác, cho nên có thể nói từ bỏ là một quy luật.

– Quy luật của sinh tồn : có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ thì ta sẽ chết. Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử. Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.

– Quy luật của phát triển : cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới. Nhờ đó cơ thể lớn dần lên. trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ… có thế mới phát triển dần thành người lớn.

– Quy luật của cải thiện : cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.

– Quy luật của tiếp nhận : có bỏ thì mới có nhận. Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước. Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.

Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia… mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa. Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục xài thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn. Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác.

Làm môn đệ Đức Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Ngài bảo chúng ta phải “từ bỏ mình”. Cái phần “mình” được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần “Chúa” được gia tăng bấy nhiêu. “Từ bỏ mình” hoàn toàn thì sẽ trở thành “Kitô khác” hoàn toàn.

Như thế tuy bỏ nhưng không mất, mà lại được ; không thiệt thòi mà lại có lợi hơn. Thánh Phanxicô Assisi nói : “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

  1. Từ “từ bỏ” đến “hiến dâng“

Nói “từ bỏ” thì ta cảm thấy tiếc. Nhưng nếu nói “hiến dâng” như Thánh Phaolô (bài đọc II) thì ta thấy hăng hái hơn. Vì thế, xem ra câu của Thánh Phaolô “Anh em hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động cho Thiên Chúa” tuy cũng cùng ý nghĩa với câu Đức Giêsu nói “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình”, nhưng tích cực hơn.

– “Hiến thân” hàm chứa tình yêu : yêu là cho, yêu trọn vẹn thì không chỉ cho món này món nọ, mà cho cả con người của mình. Hiến thân.

– “Hiến thân” là một hành vi tự do : không ai ép buộc, chỉ vì yêu nên tự nguyện hiến thân.

– “Hiến thân” còn có giá trị tôn thờ : dùng thân mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa để thờ phượng Ngài. Cuộc sống trở thành phụng tự. Cuộc đời trở thành Thánh lễ.

  1. Ai đành mất mạng sống mình thì sẽ được sống

Nếu ta chăm chú nghe Lời Đức Giêsu, ta sẽ thấy rằng Người không nói chống đối sự sống. Người không đòi hỏi các môn đệ phải bỏ sự sống. Trái lại Người kêu mời họ sống phong phú hơn. Người chỉ cho thấy con đường sống thôi thúc người ta sống tốt tối đa, tức là sống để trao ban chính bản thân. Ai khép kín trong vỏ ốc của mình, ai chỉ lo cho bản thân mình, sẽ héo tàn, bởi vì con người không thể thành tựu nếu chỉ đóng kín lo cho mình. Nếu bạn khép kín, bạn sẽ chết trong khi nghĩ rằng mình giữ được sự sống. Thu tích của cải để phòng thân sẽ không ích gì nếu bạn đánh mất chính mình. Con người ta không thể được cứu rỗi nhờ những của cải mình có, nhờ của “sở hữu”, nhưng nhờ đức tính của đời sống. Tính “người” được lớn lên khi ta quên mình và trao ban thân mình. “Nếu người ta được cả thế giới mà thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?” Đức Giêsu nhắc cho ta vẻ cao trọng của con người. Trái tim con người được tạo nên để mở ra, để thương, và bạn không thể yêu thương nếu bạn không cho đi và trao ban chính mình. “Yêu là cho tất cả và trao ban chính bản thân mình“, thánh Têrêxa Hài Đồng đã nói. Nếu bạn muốn tự cho mình là trung tâm vũ trụ, nếu bạn muốn quy chiếu mọi sự vào bạn, bạn sẽ đánh mất bản thân : mất linh hồn, yếu tố nhờ đó mà sự sống thực sự là của con người.

Thật là một nghịch lý cho con người. Anh ta chỉ thật sự thành tựu cuộc sống trong khi anh khước từ nó để cho đi. Chúng ta có thể nhận thấy ở ngay quanh ta, mặc dầu ta không dễ chấp nhận điều đó áp dụng cho chính mình : những người thành tựu, cuộc sống tốt đẹp và hữu ích, là những người không tìm dễ dãi, là những người cho đi thời gian, sức lực, lòng tận tuỵ để phục vụ tha nhân… cho đến hy sinh sự sống của mình. Đức Giêsu đã đề cập và soi sáng vẻ cao đẹp chỉ con người mới có này. Không những Người đã sống như thế, Người còn mặc khải ý nghĩa đầy đủ : Ai muốn theo tôi… Nào chúng ta lại không muốn bước theo Người sao ? Con đường thập giá, Người đã làm cho nó trở thành cửa ngõ quãng đường dẫn vào cuộc sống sung mãn bất ngờ : đó là phục sinh. Những câu tiếp theo liên quan đến phần thưởng Người nói về kết cục của cuộc sống con người. Không phải một lời đe dọa đâu, mà là một lời hứa. “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”. Không có gì phải sợ khi bạn liều mạng sống vì Đức Giêsu, vì đó là một bảo đảm tốt nhất cho sự thành tựu cuối cùng. “Ai liều mạng sống mình vì Thầy, sẽ tìm lại được nó“. Đức Giêsu mời ta cân nhắc tầm vóc đời đời của những lựa chọn của ta, và tương lai vô tận của tình thương đã trao ban. (Mgr Daloz, trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 275-276)

  1. Chuyện minh họa

a/ Từ bỏ

Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoan tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thục thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền trưởng phải quyết định vất bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu sống cả con tàu. (Trích “Phúc”)

b/ Dấu nhận ra Chúa

Có lần một nhà truyền giáo hỏi lớp giáo lí Thánh Kinh : nếu các bạn thấy một nhóm gồm 12 người đàn ông rất giống nhau, trong đó có đức Kitô, làm sao các bạn nhận ra Ngài ? Nhiều người bảo không biết. Nhưng một em bé nói : “Nhờ những dấu đanh trên tay Ngài”.

 V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Đường lối của Thiên Chúa thường khác xa với những suy nghĩ tầm thường của loài người. Luôn xác tín Thiên Chúa là Đấng thượng trí vô song, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

1- Hội Thánh không ngừng rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thập giá / và sống lại khải hoàn để cứu chuộc nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh / được nhiều người thành tâm đón nhận.

2- Ngày nay nhiều người thích đời sống dễ dãi / hơn là chấp nhận những hy sinh gian khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều kitô hữu / dám vì Chúa mà hy sinh phục vụ những người bất hạnh nhất của xã hội.

3- Phải qua thập giá rồi mới bước vào vinh quang / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu hiểu rằng / nếu muốn được chia xẻ vinh quang với Chúa / họ phải đi qua con đường hẹp / đầy dẫy những thử thách gian nan / nhưng là con đường dẫn tới sự sống muôn đời.

4- “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám thí mạng vì bạn hữu mình” / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết yêu thương nhau như Chúa đã dạy.

CT : Lạy Chúa Giêsu, bản tính con người chúng con rất sợ phải gặp đau khổ trong cuộc sống thường ngày. Do đó, nếu Chúa không ban ơn giúp sức, chúng con không thể nào vác thập giá theo chân Chúa đến cùng được. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp cho chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

 VI. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Làm con thì phải vâng theo ý Cha mình. Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha, đến nỗi hy sinh cả mạng sống. Chúng ta hãy kết hợp tâm tình với Đức Giêsu để dâng lên Chúa Cha lời kinh sau đây.

– Sau kinh Lạy Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin giúp chúng con cam đảm từ bỏ mình và hằng ngày vác thập giá đi theo Con Cha. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”

VII. GIẢI TÁN

Trong tuần này, chúng ta hãy sống trong tâm tình từ bỏ và vác thập giá hằng ngày, như chúng ta đã nghe Đức Giêsu dạy trong Thánh lễ hôm nay.

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7