Suy niệm tin mừng chúa nhật

SCĐ CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN NĂM A

  • In trang này
  • Lượt xem: 569
  • Ngày đăng: 26/06/2023 07:38:12

CHIA SẺ THÂN PHẬN CỦA ĐỨC KITÔ – 

THÁI ĐỘ TIẾP ĐÓN

 

“Ai cho một trong những kẻ bé mọn dù chỉ một ly nước lã,

người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42)

 

– Bài đọc I (2V 4,8-11.14-18) : “Người đến trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa”

– Đáp ca (Tv 88) : “Tôi sẽ ca ngợi tình thương Chúa đến muôn đời”

– Tin Mừng (Mt 10,37-42) : “Kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm lại được nó” – “Kẻ nào tiếp đón các con là tiếp đón Thầy”

– Bài đọc 2 (Rm 6,3-4.8-11) (Chủ đề phụ) : “Nếu chúng ta chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài”.

Sợi chỉ đỏ :

Lời Chúa hôm nay có hai chủ đề :

  1. Chủ đề tiếp đón : được diễn tả qua chuyện một gia đình miền Sunam cho ngôn sứ Êlisê đến trọ tại nhà (Bài đọc I), và phần thứ hai của bài Tin Mừng : “Kẻ nào tiếp đón các con là tiếp đón Thầy”
  2. Chủ đề chia sẻ thân phận của Đức Giêsu : được diễn tả qua phần đầu của bài Tin Mừng : “Kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm lại được nó”, và bài đọc II : “Nếu chúng ta chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài”.

 

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

– (Nếu chọn chủ đề I) : Anh chị em thân mến

Trong xã hội thời nay, người ta thường sống theo kiểu chủ nghĩa cá nhân : mạnh ai nấy lo, sống chết mặc bây, đèn nhà ai nhà nấy sáng. Kết quả của lối sống này là một xã hội thiếu vắng tình thương, ích kỷ, thờ ơ.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta biết quan tâm tới người khác, yêu thương người khác và tiếp đón người khác như tiếp đón chính Chúa.

– (Nếu chọn chủ đề II) : Anh chị em thân mến

Lời Chúa hôm nay trình bày một nghịch lý : “Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất ; Kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm lại được nó”.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta hiểu được chân lý lạ lùng đó, và nhất là dám liều mạng sống vì Chúa, để được chia sẻ sự sống của chính Chúa.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúng ta rất thờ ơ với những anh chị em sống chung quanh chúng ta.

– Chúng ta coi thường những người nghèo nàn, thất học và không có địa vị.

– Chúng ta ít khi hy sinh vì Chúa.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (2V 4,8-11.14-18)

Tường thuật câu chuyện giữa ngôn sứ Êlisê và một phụ nữ xứ Sunam :

– Trên đường sứ mạng, ngày kia Eâlisê đến vùng Sunam

– Ở đấy, một phụ nữ đã mời Ông vào nhà dùng bữa. Sau đó bà còn nói với chồng mình rằng Eâlisê là một vị thánh của Thiên Chúa. Được sự đồng ý của chồng, bà còn dọn sẵn cho Eâlisê một căn phòng có đầy đủ những thứ cần thiết, để bất cứ lúc nào ngôn sứ cũng có thể đến trú ngụ.

– Đáp lại lòng tốt của vợ chồng này, ngôn sứ Eâlisê đã làm phép lạ giúp họ đang son sẻ mà có được một đứa con trai đầu lòng. (Sau này đứa con ấy chết, Eâlisê lại làm phép lạ cho nó sống lại).

2. Đáp ca (Tv 88)

Tv này ca ngợi tình thương của Chúa. Tác giả còn nguyện sẽ ca ngợi như thế mãi tới muôn đời.

3. Tin Mừng (Mt 10,37-42)

Có thể chia đoạn Tin Mừng này thành 2 phần :

– Phần đầu (các câu 37-39) Đức Giêsu dạy các môn đệ về sự từ bỏ : Nếu muốn làm môn đệ xứng đáng của Ngài thì phải từ bỏ rất nhiều : tình yêu gia đình, mạng sống ; và còn phải sẵn sàng vác thập giá mình mà đi theo Ngài.

– Phần sau (các câu 40-42) dạy về sự tiếp đón : ai tiếp đón các sứ giả Tin Mừng thì được coi như là tiếp đón chính Đức Giêsu, thậm chí là tiếp đón chính Thiên Chúa là Đấng đã sai Đức Giêsu đến ; ai tiếp đón một kẻ bé mọn thì cũng được phần thưởng.

4. Bài đọc 2 (Rm 6,3-4.8-11) (Chủ đề phụ)

Văn mạch : Phaolô đang đưa ra những lập luận để chứng minh rằng người ta được công chính hóa không phải nhờ việc làm, mà nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Đoạn tuần trước là lập luận thứ nhất : con người đã mất ơn nghĩa với Thiên Chúa do tội của Adam, nhưng con người lại được ơn nghĩa nhờ cái chết của Đức Giêsu Kitô. Cho nên muốn được ơn nghĩa thì phải tin vào Đức Giêsu Kitô.

Đoạn tuần này đưa ra lập luận thứ hai : muốn được ơn nghĩa với Thiên Chúa thì phải liên kết với Đức Giêsu bằng phép rửa :

– Chịu phép rửa nghĩa là cùng chết với Đức Giêsu để được cùng sống lại với Ngài.

– Như thế, kẻ đã lãnh nhận phép rửa hãy dứt khoác chết cho tội lỗi để hoàn toàn sống cho Thiên Chúa.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Những nét đẹp của sự Tiếp đón

Thánh Kinh ghi lại những cuộc tiếp đón rất đẹp và rất dễ thương : 1/ Abraham thấy 3 người khách lạ đang đi trong sa mạc. Ông chạy ra năn nỉ họ vào nhà và ân cần chăm sóc họ. Đó là 3 sứ giả của Thiên Chúa. Đáp lại tấm lòng của Abraham, 3 sứ giả này ban ơn cho vợ chồng son sẻ của Abraham có con trai đầu lòng (St 18) ; 2/ Một gia đình ở Sunam chẳng những tiếp đón ngôn sứ Eâlisê, mà còn dọn hẳn cho ông một căn phòng để những lần sau ông tới có chỗ trọ. Đáp lại, Eâlisê cũng giúp họ thoát khỏi tình trạng son sẻ (bài đọc I) ; 3/ Gia đình Matta, Maria và Lazarô ở Bêtania là nơi thường xuyên tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ. Đáp lại, Đức Giêsu đã làm cho Ladarô sống lại.

Qua những chuyện trên, chúng ta hãy tìm hiểu thêm hai vấn đề :

1/ Tại sao những chủ nhà ấy quảng đại tiếp đón khách ? Thưa vì họ không chỉ nghĩ đến mình mà còn quan tâm tới người khác : Abraham lo cho 3 người khách kia đi trong sa mạc sẽ bị đói khát và không có chỗ nghỉ ngơi để lấy lại sức ; gia đình ở Sunam lo sợ ngôn sứ Eâlisê phải bơ vơ tứ cố vô thân ở một miền đất lạ ; gia đình Bêthania thì muốn Đức Giêsu và các môn đệ được nghỉ ngơi sau một thời gian mệt mỏi vì công việc rao giảng Tin Mừng. Trong hai chuyện sau, còn một lý do nữa, là những chủ nhà ấy ý thức rằng những người khách mà mình tiếp đón là sứ giả của Thiên Chúa.

2/ Phần thưởng của tấm lòng quảng đại ấy là gì ? Là sự sống : hai đứa con trai đầu lòng cho hai vợ chồng son sẻ, và mạng sống được trả lại cho Ladarô đã chết 4 ngày. Xét cho cùng, ơn ban sự sống ấy không phải do những người khách, mà chính Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, ban cho họ.

Những câu chuyện rất đẹp trên đây khuyến khích chúng ta hãy quảng đại tiếp đón :

– Tiếp đón không chỉ là đón người vào trọ trong nhà mình, cho họ ăn, cho họ nghỉ, mà còn là biết quan tâm tới nhu cầu của người khác và đáp ứng theo khả năng của mình.

– Khi tiếp đón, dĩ nhiên chúng ta phải mất mát : mất giờ, mất tiền của, mất công… Nhưng Thiên Chúa sẽ trọng thưởng chúng ta : Ngài sẽ cho sức sống thần linh của Ngài thêm lớn mạnh trong sự sống chúng ta.

2. Chúa Giêsu là số mấy ?

Phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay đặt vấn đề : người môn đệ của Đức Giêsu đặt Ngài ở số mấy trong đời họ ?

Bình thường, người ta coi bản thân là số một, vợ chồng số hai, gia đình số ba, thân nhân số bốn… Chúa thì có lẽ cao lắm cũng chỉ từ số năm trở xuống.

Trong đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu kể ra những người dành cho Chúa vị trí số hai :

– một là cha mẹ, hai là Chúa

– một là con cái, hai là Chúa

– một là mạng sống mình, hai là Chúa

Được xếp ở vị trí số hai như thế cũng là được coi trọng lắm rồi. Nhưng Đức Giêsu vẫn không chịu. Ngài nhất quyết đòi vị trí số một : “Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy ; ai yêu mến con trai con gái hơn thầy thì không xứng đáng với Thầy” ; Ngài còn đòi chúng ta phải dám mất mạng sống vì Ngài nữa !

Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi : phần tôi, tôi xếp Chúa vào vị trí số mấy ?

3. Nhiều loại từ bỏ

Có nhiều loại từ bỏ :

– Tôi soạn lại tủ áo của tôi. Nhiều áo quá. Có những chiếc đã cũ và lỗi thời, tôi có thể bỏ bớt để đem cho người nghèo.

– Trong sân nhà tôi có hai cây mọc cạnh nhau. Nếu cứ để như thế thì hai cây vẫn sống, nhưng không cây nào lớn mạnh tốt được. Tôi nên bỏ bớt một cây để cây kia mọc tốt hơn.

– Nha sĩ khám thấy có một chiếc răng của tôi đang bị hư nặng. Ông bảo phải bỏ nó đi, nếu không, nó sẽ lây cho những chiếc bên cạnh.

Đức Giêsu kêu gọi người đi theo Ngài hãy từ bỏ. Bỏ những gì và bỏ cách nào ?

– Có những thứ ta có thể bỏ. Thí dụ bớt chút thức ăn, bớt chút giờ ngủ khi ta ăn chay hãm mình.

– Có những thứ ta nên bỏ để cuộc sống của ta nên tốt hơn. Thí dụ khi ta nhường nhịn không trả đũa, không đòi lại của cải hoặc danh dự bị người khác làm tổn thương, mất mát.

– Có những thứ ta bó buộc phải bỏ như : tội lỗi, thói xấu, dịp tội.

4. Hai chi tiết quan trọng trong bài Tin Mừng

Trong bài Tin Mừng này, có hai chi tiết mà nếu ta không dừng lại tìm hiểu kỹ thì sẽ để vuột mất những ý nghĩa rất sâu sắc :

– Câu 38 (quyển Bài đọc ấn bản 1970 bỏ sót không in câu này) “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy” : Theo cách xử tử của Rôma, người bị kết án tử đóng đinh thập giá phải tự vác lấy thập giá của mình (chỉ vác thanh ngang, còn thanh dọc để sẵn ở pháp trường) đi ra pháp trường. Vì thế, kiểu nói “vác thập giá mình” có nghĩa là bị kết án tử. Do đó, câu nói của Đức Giêsu có nghĩa là ai muốn xứng đáng làm môn đệ đi theo Chúa thì phải chấp nhận thân phận mình như là người đã bị kết án tử.

– Câu 39 “Kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm lại được nó” : chữ hy lạp psyche có nghĩa rất rộng, chỉ “lòng”, “trí”, “tim”, tổng quát là cả “cuộc sống”, toàn thể “con người”. Như thế, “đành mất mạng sống” có nghĩa là dám mất tất cả. Và như vậy thì kiểu nói này cũng đồng nghĩa với ý tưởng coi mình như người đã bị kết án tử mà ta vừa phân tích ở trên.

5. Những bài toán

Thông thường người ta thích làm toán cộng và toán nhân, nghĩa là cứ muốn có thêm và có thêm thật nhiều thật nhanh.

Nếu ta đọc kỹ lại những lời Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ thì thấy Ngài dạy ta làm hai bài toán khác, đó là toán trừ và toán chia : làm toán trừ là từ bỏ, làm toán chia là bố thí, chia xẻ, phân phát cho người khác.

Tuy làm toán trừ và toán chia thì ta sẽ bị mất mát. Nhưng chính Thiên Chúa sẽ đích thân làm toán cộng và toán nhân cho ta : “Chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng mà bây giờ ngay ở đời này lại không nhận được… gấp trăm… và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30).

6. Chuyện minh họa

a/ Tiếp đón

Chúa hứa với một bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói : “Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.

Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì ? Vài người già nghèo nàn. “Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.

Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và nghỉ qua đêm. “Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.

Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.

Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến với bà và nói : “Hôm nay Ta đã đến với con 3 lần và cả 3 lần con đều đuổi Ta”.

b/ Mất và được

Tái ông thất mã : Ngày xưa có một ông lão ở gần cửa ải mất một con ngựa. Có người đến thăm phàn nàn cho sự rủi ro. Ông đáp : “Biết đâu chuyện mất ngựa chẳng là điều may.” Vài ngày sau, con ngựa cũ trở về lại rủ được một con ngựa Hồ rất hay. Có người cho đó là điều may mắn. Ông nói : “Chưa hẳn được ngựa là may đâu.” Ông có đứa con trai, thấy ngựa Hồ hay, liền bắt cởi thử, chẳng may bị ngã ngựa té gãy chân. Nhiều người cho rằng xui xẻo. Ông lại nói chưa biết chừng đây là điềm báo trước điều phúc cho gia đình ông. Qua năm sau, giặc Hồ tràn sang nước ông. Theo lệnh vua, các trai tráng trong làng đều phải sung vào cơ ngũ đi dẹp loạn, 10 người chỉ sống sót được một. Con trai ông vì tàn tật nên được miễn dịch, nhờ đó mà thoát chết, gia đình ông được an toàn. Nên việc họa phúc không biết đâu mà ngờ được. (Trích “Phúc”)

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Muốn dấn thân theo Chúa Giêsu, người kitô hữu phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Người. Với quyết tâm bước theo Chúa đến cùng, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.

1- Hội Thánh dùng Lời Chúa để giáo dục đức tin của người kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu biết lắng nghe lời giáo huấn của Hội Thánh / để nhờ đó mà đức tin ngày càng trưởng thành hơn.

2- Đời sống thường ngày cho chúng ta thấy có một số người chỉ thích sống an nhàn / chỉ lo hưởng thụ mà không thích nghe đề cập đến hy sinh gian khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho lúc nào cũng có nhiều người quảng đại / sẵn sàng phục vụ những người bất hạnh nhất của xã hội.

3- Tận tình giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn / những nạn nhân của thiên tai / những người mắc bệnh nan y / những người mất hết niềm hy vọng để vui sống / là nghĩa vụ của những người tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu biết cố gắng thực hiện lời dạy của Thánh Phaolô / “vui với người vui, khóc cùng người khóc”.

4- Hết lòng nâng đỡ / và chân thành cộng tác với các mục tử trong sinh hoạt của giáo xứ / là trách nhiệm của mỗi kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn biết rộng rãi giúp đỡ / và tích cực cộng tác với các Linh mục trong việc mục vụ thường ngày.

CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trải qua con đường đau khổ rồi mới bước vào vinh quang. Xin cho chúng con hiểu rằng : nếu muốn được chia xẻ vinh quang thiên quốc với Chúa, chúng con cũng phải đi qua con đường thập giá, con đường đòi hỏi nhiều hy sinh gian khổ, nhưng chính là con đường dẫn đưa đến sự sống bất diệt. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen

VI. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy nhớ rằng những người sống chung quanh chúng ta cũng là anh chị em cùng một Thiên Chúa là Cha như chúng ta. Vậy chúng ta hãy xin Cha giúp chúng ta yêu thương và tiếp đón những anh chị em ấy.

VII. GIẢI TÁN

Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta sống với người khác bằng thái độ tiếp đón, và sống với Chúa bằng cách coi Chúa trọng hơn tất cả mọi người và mọi sự. Chúng ta hãy ra về và cố gắng sống như thế.

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7