Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật lễ Phục sinh năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 752
  • Ngày đăng: 05/04/2023 00:00:00

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

 

“Chúng ta là những người muốn nghe các câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như về đời sống đức tin…Các câu chuyện đi sâu vào những nơi kín ẩn nhất trong chúng ta và mở ra cho chúng ta những cách thế mới và thân tình để hiểu nhau - Nuala Kenny

 

 

1/ NGƯỜI KHÔNG CÒN Ở ĐÂY

Kim tự tháp ở Ai Cập là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Nhưng nó thực sự chỉ là những ngôi mộ khổng lồ chứa xác ướp của các Pharaô Ai Cập. Tu viện Westminster, Anh quốc cũng nổi tiếng, hàng ngàn người đến thăm nó mỗi năm, vì ở đó xác chết của các nhà văn, triết gia và chính trị gia nổi tiếng được chôn cất. Có một Đền thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, cũng rất nổi tiếng. Tuy nhiên những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến kính viếng ngôi mộ đó, thì gặp dòng chữ ở lối vào ghi rằng: “Người không còn ở đây.” Nó nổi tiếng vì Chúa Giêsu, Đấng đã từng được chôn cất ở đó, đã sống lại từ cõi chết, để lại ngôi mộ trống như Người đã báo trước với các môn đệ. Chúa Giêsu đã làm phép lạ quan trọng nhất trong cuộc đời Người, để chúng ta nhận biết Người là Thiên Chúa. Chúng ta vui mừng trước biến cố trọng đại và độc đáo này bằng lễ mừng Phục Sinh.

 

2/ CHIM PHƯỢNG HOÀNG

Cố Tổng Giám mục Công giáo của bang Hartford, John Whealon, (mất ngày 2 tháng 8 năm 1991), đã trải qua cuộc phẫu thuật ung thư dẫn đến cắt bỏ ruột già vĩnh viễn. Trước biến cố cuộc đời này ngài đã viết những lời rất tâm tư trong sứ điệp Phục sinh cuối cùng của mình: “Bây giờ tôi là thành viên của hiệp hội những người ung thư. Hiệp hội đó có biểu tượng là chim phượng hoàng, một loài chim trong thần thoại Ai Cập. Nhà thơ Hy Lạp Hesiod, người sống tám thế kỷ trước Chúa Giêsu ra đời, đã viết về loài chim huyền thoại này trong bài thơ của mình. Khi con chim cảm thấy cái chết gần kề (cứ sau 500 đến 1461 năm), nó sẽ bay đến Phoenicia, xây một cái tổ bằng gỗ thơm và tự thiêu. Khi con chim bị ngọn lửa thiêu rụi, một con phượng hoàng mới bay ra từ đống tro tàn. Vì vậy, phượng hoàng tượng trưng cho sự bất tử, sự phục sinh và cuộc sống sau khi chết. Nó tóm tắt sứ điệp Phục sinh một cách hoàn hảo. Chúa Giêsu đã từ bỏ mạng sống của Người, và từ ngôi mồ niêm kín Người đã sống lại vào ngày thứ ba. Cuộc sống mới trỗi dậy từ đống tro tàn của cái chết. Hôm nay, chúng ta đang kỷ niệm chiến thắng của Đức Kitô trên nấm mồ và sự chết, hồng ân của sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Người. Đó là lý do tại sao chim phượng hoàng là một trong những biểu tượng sớm nhất của Chúa Kitô Phục Sinh. Phượng hoàng cũng tượng trưng cho sự vươn lên hàng ngày của chúng ta trong cuộc sống mới. Mỗi ngày, giống như chim phượng hoàng, chúng ta trỗi dậy từ đống tro tàn của tội lỗi để được Chúa hằng sống và Đấng Cứu Thế phục hồi và đổi mới bằng sự tha thứ của Người và sự bảo đảm rằng Người vẫn yêu thương chúng ta và sẽ tiếp tục ban cho chúng ta sức mạnh mà chúng ta cần.”

* Đức Tổng Giám mục John Whealon có thể đã sống trong một ngôi mộ u ám của sự cô đơn, đau đớn  nơi thân xác và nỗi buồn tinh thần, nhưng đức tin vào Chúa Phục sinh đã mở ra cho ngài tầm nhìn mới về cuộc sống.

 

3/ MŨI HẢO VỌNG

Chúng ta có thể nhớ một bài học địa lý từ trường tiểu học, khi đó chúng ta biết rằng điểm cực phía nam của châu Phi là một khu vực mà trong nhiều thế kỷ đã trải qua những cơn bão lớn. Trong nhiều năm, không ai biết điều gì nằm ngoài cái mũi đó, vì không có con tàu nào đi vòng qua điểm đen đó mà có thể quay trở lại để kể câu chuyện của nó. Theo lời kể của người xưa, nó được gọi là “Mũi Bão” chính vì lý do để nhắc nhở cho các thủy thủ và thuyền trưởng. Nhưng một thời gian sau đó, một nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha vào thế kỷ XVI, Vasco De Gama, đã du hành thành công về phía Đông,  quanh chính tử điểm đó và ông nhận thấy ngoài những cơn bão dữ dội hoành hành, có một vùng biển êm đềm trải dài đến khu vực xa hơn nữa là bờ biển Ấn Độ. Tên của mũi đất đó đã được đổi từ “Mũi Bão” thành “Mũi Hảo Vọng”.

* Cho đến khi Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, cái chết đã là “Mũi Bão” đối với nhân loại. Không ai biết điều gì về thế giới mai sau cho đến khi vào buổi sáng phục sinh, Chúa Giêsu xuất hiện. Người nói: “Vì Ta sống, nên các con cũng sẽ được sống.”

 

4/ CHỌN CÁI CHẾT BẰNG TUỔI GIÀ

Cách đây khá lâu, có một tên hề cực kỳ thông minh phục vụ trong hoàng cung, bị đem xử tại tòa án của vua Hồi giáo tại Baghdad. Trong nhiều năm, anh ta chưa bao giờ làm triều đình thất vọng bất cứ khi nào họ gọi anh ta đến. Nhưng một ngày nọ, trong một tích tắc bất cẩn, anh ta đã tỏ thái độ xúc phạm đến nhà vua, và ông đã ra lệnh xử tử anh. Nhà vua nói: “Tuy nhiên, vì nhận thấy nhiều năm anh phục vụ tốt đẹp và trung thành, tôi sẽ cho phép anh chọn cách anh muốn chết.” “Ồ, muôn tâu đức vua”, gã hề đáp. “Tôi cảm ơn lòng tốt của ngài. Tôi chọn cái chết…bằng tuổi già”.

* Ai trong chúng ta cũng muốn sống! Nhưng điều đó chỉ làm trì hoãn câu hỏi lớn: sau đó nữa thì sao? Chỉ có Chúa Giêsu mới có câu trả lời, Người nói: “Tôi là sự sống lại và sự sống. Ai tin Tôi, thì dù có  chết, cũng sẽ được sống.”

 

5/ ANH ẤY LUÔN HUÝT SÁO

Bạn đã nghe câu chuyện về một người đàn ông có sở thích trồng hoa hồng chưa? Khi làm việc trong vườn hồng của mình, anh ấy luôn huýt sáo. Đối với mọi người, dường như anh ta đang huýt sáo to hơn nhiều so với mức cần thiết để làm cho anh ta thích thú. Một ngày nọ, một người hàng xóm hỏi anh tại sao anh luôn huýt sáo rất to. Người đàn ông sau đó đưa người hàng xóm vào nhà để gặp người vợ. Người phụ nữ đó không chỉ là một người tàn tật mà còn hoàn toàn bị mù. Bạn thấy đấy, người đàn ông huýt sáo, không phải vì khoái cảm của mình, mà là vì lợi ích của vợ anh ta. Anh muốn người vợ mù của mình biết rằng anh đang ở gần đây, và cô ấy không đơn độc.

* Lời loan báo “Chúa Kitô đã sống lại!” nhắc nhở chúng ta rằng Chúa luôn gần gũi chúng ta. Kinh nghiệm về sự hiện diện của Người củng cố con người yếu đuối của chúng ta trong cuộc đời.

 

6/ TÔI MUỐN THẤY SỰ PHỤC SINH CỦA BẠN

Cha Basil Pennington, một tu sĩ Công giáo, kể về cuộc gặp gỡ mà ngài từng có với một thiền sư. Cha Pennington đang thực hiện thời gian linh thao. Theo chương trình, mỗi người có thể gặp vị thiền sư là một phần cuộc cuộc tĩnh tâm. Cha Pennington nói rằng trong cuộc gặp gỡ của mình, vị thiền sư đã ngồi đó trước mặt ngài, ông ta mỉm cười chào đón, nói khá nhỏ và vui vẻ lắc người qua lại… Cuối cùng, vị thiền sư nói: “Tôi yêu mến Kitô giáo. Nhưng tôi sẽ không thích Kitô giáo nếu không có sự Phục sinh. Tôi muốn nhìn thấy sự Phục sinh của chính ngài!”

* Cha Pennington muốn nói rằng: “Với tính bộc trực của mình, vị thiền sư đã nói điều mà mọi người khác ngầm nói với các Kitô hữu: Bạn là một Kitô hữu, bạn đã sống lại với Đức Kitô, hãy chỉ cho tôi thấy điều này có ý nghĩa thế nào đối với bạn trong cuộc sống của bạn để tôi có thể tin Chúa.

 

7/ CÓ HI VỌNG

Khi Thế chiến thứ hai mới bùng nổ, một tàu ngầm Hải quân Mỹ bị đánh chìm dưới đáy bến cảng ở Thành phố New York. Dường như tất cả thủy thủ đã chết. Bởi không có điện và oxy lại nhanh chóng cạn kiệt. Trong một nỗ lực cuối cùng để giải cứu các thủy thủ khỏi chiếc quan tài thép khổng lồ này, Hải quân Hoa Kỳ đã gửi gấp một con tàu được trang bị các thợ lặn thiện nghệ tới vị trí chiếc tàu ngầm bị chìm. Một số thợ lặn Hải quân đã bơi qua mạn tàu xuống một độ sâu nguy hiểm trong nỗ lực cứu hộ cuối cùng. Các thủy thủ bị mắc kẹt nghe thấy tiếng ủng kim loại của thợ lặn trên bề mặt bên ngoài, và họ mau mắn di chuyển đến nơi mà họ nghĩ rằng sẽ có người cứu hộ. Trong bóng tối, họ gõ vào bản mã Morse: “Có hy vọng nào không?” Người thợ lặn ở bên ngoài nhận ra thông báo, báo hiệu lại bằng cách gõ mạnh vào mạn ngoài con tàu: “Có, có hy vọng.”

* Đây là bức tranh về tình cảnh thế giới của chúng ta. Nhân loại đang bị chìm đắm trong một hoàn cảnh vô vọng, đầy đe dọa. Xung quanh chúng ta đang cạn kiệt niềm hy vọng; chỉ một Đấng từ bên ngoài mới có thể giải cứu chúng ta. Đó chính là Chúa Kitô phục sinh.

 

8/ TRỨNG PHỤC SINH

Một chú gà con bắt đầu hành trình dài để chào đời. Con gà chỉ nặng hơn không khí một chút; mỏ và móng của nó hầu như không có gai. Chú gà sắp chào đời đang ở trong thế giới nhỏ bé của riêng nó: được bảo vệ bởi lớp vỏ cứng, được sưởi ấm bởi cơ thể của gà mái mẹ, được nuôi dưỡng bởi các chất dinh dưỡng trong màng trứng. Nhưng rồi chú gà con bắt đầu công việc của cuộc sống. Trong vài ngày, con gà con tiếp tục mổ và mổ cho đến khi nó có thể thoát ra khỏi thế giới chật hẹp của mình, và bước vào một thế giới rộng lớn hơn vô song. Nhưng để điều này xảy ra, quả trứng phải vỡ ra từng mảnh. Cuộc sống mới đòi đập tan cái cũ. - Đó là quả trứng Phục sinh thực sự. Không phải là một quả trứng đẹp được nhuộm và sơn với rất nhiều kiểu dáng và màu sắc. Không phải là một quả trứng đã được luộc kỹ, không thể vỡ. Không phải là một quả trứng làm bằng sô cô la. Quả trứng Phục sinh thực sự bị vỡ và bị phá hủy. Quả trứng Phục sinh thực sự tồn tại trong những mảnh vỡ. Quả trứng Phục sinh thực sự bị nứt và mở ra, mang lại sự sống mới di chuyển ra bên ngoài. Trong nhiều thế kỷ, thế giới đã đánh dấu biến cố Phục sinh của Chúa bằng những quả trứng. Nhưng ý nghĩa Phục sinh của quả trứng được tìm thấy trong cuộc đấu tranh của chú gà con để giải phóng bản thân khỏi giới hạn của nó để chuyển sang thế giới rộng lớn hơn nhiều bên ngoài nó. Chúng ta đấu tranh để thoát ra khỏi một thế giới mà chúng ta cho rằng đang tan rã; chúng ta bỏ qua một sự tồn tại khiến chúng ta không hài lòng và không thỏa mãn. Lời hứa của Chúa Kitô Phục Sinh là chúng ta có thể thoát ra khỏi thế giới nhỏ bé khép kín của mình và bước vào một thế giới nơi hòa bình và công lý ngự trị, một thế giới được thắp sáng bởi hy vọng và được sưởi ấm bởi tình yêu, một thế giới vượt thời gian và không gian đi vào nơi ở của Thiên Chúa. [Từ một bài suy niệm của Tu huynh David Steindl-Rast, O.S.B.]

 

9/ MƯỢN ĐẾN CUỐI TUẦN

(Chuyện vui)

Ông Giuse thành Arimathê là một người Pharisêu rất giàu có, thành viên của Thượng Hội đồng, và là một môn đệ bí mật của Chúa Giêsu. Chính ông đã đến gặp Philatô và xin hạ xác Chúa Giêsu xuống sau khi Người chết. Và cũng chính Giuse là người cung cấp ngôi mộ để chôn cất Chúa Giêsu. Có ai đó đã kéo riêng ông ấy ra một nơi và hỏi: “Giuse, đó là ngôi mộ đục bằng tay quá đẹp và đắt tiền. Tại sao anh lại để nó cho người ta mượn chôn?” Ông Giuse đã trả lời. “Tại sao không nhỉ? Ngài chỉ cần nó vào tới cuối tuần thôi mà!”

 

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

Bài cùng chuyên mục:

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 79)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Có phải Giu-đa tham tiền bán Chúa? (28/03/2024 05:42:17 - Xem: 74)

Bi kịch của Giuđa là đã để ý mình trên ý Chúa, theo Chúa nhưng nhất định không để Chúa biến đổi mình.

Gia vị cho bài giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B (20/03/2024 16:23:14 - Xem: 392)

“Chúng ta là những người thích nghe các câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống đức tin…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật lễ Lá (20/03/2024 07:40:34 - Xem: 483)

Trên con đường thập giá, Ðức Giêsu đã đi đến tột cùng của nỗi cô đơn: “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”.

Tội nào đáng bị lên án! (19/03/2024 14:18:30 - Xem: 325)

Biết bao hòn đá của ngôn từ nơi miệng “thanh cao” từ cá nhân hay đám đông đầy tiêu cực, giả dối, lọc lừa… cứ thoải mái ném vào tâm hồn những người mỏng manh yếu đuối.

Tình yêu khôn dò của Thiên Chúa nơi cái chết trên thập giá của Đức Kitô (15/03/2024 07:27:06 - Xem: 398)

Trong khi chờ đợi tới ngày chung thẩm, chúng ta sẽ sống như thế nào? Chúng ta sẽ chuẩn bị ra sao?

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 14:56:18 - Xem: 617)

Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới hình thành.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 05:52:15 - Xem: 456)

Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta hãy chôn mình trong lòng đất bằng cách hy sinh cho tha nhân như Chúa Giêsu đã làm.

Chay tịnh internet (10/03/2024 05:05:23 - Xem: 365)

Khi tự nguyện kiêng khem là để loại bỏ những hậu quả tiêu cực trong việc sử dụng internet, kể cả những hậu quả trên sức khoẻ tâm lý.

Chịu đau khổ như Đức Kitô nghĩa là gì? (05/03/2024 14:04:45 - Xem: 382)

Mức độ đau khổ trọn vẹn mà Chúa Giêsu gánh chịu là một mầu nhiệm, nhưng không phải là không thể hiểu được.

Bài viết mới