Tác giả - Tác phẩm

Ý thức Tông đồ ( bài 2)

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,825
  • Ngày đăng: 18/06/2022 06:41:21

Ý THỨC TÔNG ĐỒ

 

GIỚI THIỆU

Ý thức tông đồ là chủ đề suy niệm tĩnh tâm. Chủ đề này gồm 5 bài, có thể triển khai cho một tuần tĩnh tâm.

Chủ đề ý thức tông đồ dành riêng cho các linh mục. Tuy nhiên, các tu sĩ và anh chị em giáo dân vẫn có thể sử dụng, miễn là biết cách áp dụng cho mình.

Ước mong các bài suy niệm sau đây giúp chúng ta ngày càng thêm gắn bó sâu xa, mật thiết với Chúa Giêsu hơn.

 

                   Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 2

PHÂN ĐỊNH VÀ Ý THỨC TÔNG ĐỒ[1]

 

- Xin đọc : Lc 6, 12-16 ; 10, 17-28.

Chúng ta cùng nhau suy tư một chút về cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa, để hiểu mối tương quan của chúng với ý thức tông đồ. Trước hết, chúng ta sẽ định nghĩa cầu nguyện là gì, điều đó sẽ giúp có một cái nhìn năng động hơn: cầu nguyện hướng đến phân định và đời sống.

 

I. Những giai đoạn của cầu nguyện Kitô giáo

Quan niệm đơn giản về cầu nguyện là khi tôi làm một việc gì quan trọng, tôi cầu nguyện để được ơn cần thiết. Khi đó, cầu nguyện là một nâng đỡ, một trợ giúp, một bảo đảm cho những quyết định chúng ta coi như đương nhiên và rõ ràng rồi.

 

Hiểu cầu nguyện như vậy chưa đủ. Cần suy  nghĩ về sự năng động của cầu nguyện nhắm đến phân định, đến mối tương quan giữa cầu nguyện và đời sống. Cũng cần suy nghĩ về những giai đoạn kế tiếp nhau trong cầu nguyện, nhờ đó, cầu nguyện đi vào cuộc sống và trở nên thành phần của cuộc sống.

 

Có 7 giai đoạn trong cầu nguyện: đọc Thánh Kinh, suy gẫm, chiêm niệm, an ủi, phân định, quyết định, hành động.

 

1. Đọc Thánh Kinh

Từ "Đọc" nói lên tương quan giữa cầu nguyện và Sách Thánh vì đọc là đọc Lời Chúa. Đọc Lời Chúa để hiểu những điều chính yếu. Đọc Lời Chúa là làm cho Lời Chúa như một bình nguyên phẳng lặng trở nên một toàn cảnh với núi non (giờ thì có những phần trong bóng tối, những phần ngoài ánh sáng). Khi đọc Lời Chúa, ta chú ý đến những động từ, chủ từ, túc từ có thể đưa đến giá trị bất ngờ. Tuy nhiên, đọc Lời Chúa không chỉ để đọc mà phải dẫn đến suy niệm. Đọc Lời Chúa (lectio divina) giúp cho suy niệm không khô khan, cằn cỗi, mà cũng không cản trở sự năng động của nó.

 

2. Suy niệm

- Suy niệm là suy nghĩ về những giá trị của bản văn Thánh Kinh. Chủ yếu là những giá trị nền tảng. Chúng ta không còn phân tích chủ từ, túc từ, biểu tượng, tức là tất cả những gì thuộc bên ngoài, nhưng xem xét, cân nhắc những giá trị bản văn chứa đựng và chuyển tải.

 

- Suy niệm bằng tinh thần và con tim vì thường thường những giá trị của bản văn Kinh Thánh thì phong phú về tình cảm và ý nghĩa cho người đọc. Suy niệm nghĩa là chúng ta đi từ lượng sang phẩm, vượt khỏi những hình thức bên ngoài, ngôn ngữ, sự đối xứng, cú pháp để đi vào cái lõi bên trong. Đó là một bước tiến quan trọng. Qua cách sống của Ngài, Chúa Giêsu biểu lộ những giá trị nào? Thánh Phaolô biểu lộ những giá trị nào? Còn tôi, làm thế nào để những giá trị đó trở thành của tôi? Thế giới của suy niệm rất phong phú vì con người chạm trán với Lời Chúa trong nội tâm và tìm kiếm một khuôn mẫu, một chương trình, một quy luật sống ở đó.

 

- Tuy nhiên, luôn có một nguy cơ là kéo dài suy niệm đến vô tận, và hài lòng với sự hiểu biết những giá trị của bản văn, sắp xếp và áp dụng chúng vào đời sống cá nhân. Một nguy cơ khác, đó là chúng ta nghĩ mình đã sống những giá trị đó khi mình hiểu rõ và phân định được chúng. Làm như vậy, chúng ta chặn đứng sự năng động của cầu nguyện và rơi vào tự mãn. Điều đó hoàn toàn trái ngược với thái độ đạo đức theo Phúc Âm, dù Lời Chúa có là của ăn nuôi dưỡng chúng ta đi nữa.

 

-  Suy niệm cực kỳ quan trọng cho đời sống thiêng liêng, chúng ta phải thực hiện và chắc chắn để học làm điều đó cần thời gian lâu dài (nhiều năm). Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, chúng ta phải đi xa hơn, hướng tới chiêm niệm.

 

3. Chiêm niệm

- Chiêm niệm là đi từ suy nghĩ về các giá trị đến việc tôn thờ Chúa Giêsu, Đấng thâu hợp mọi giá trị, tổng hợp chúng, diễn tả chúng và mặc khải chúng. Đây là giây phút cầu nguyện đúng nghĩa và tuyệt vời nhất vì chúng ta hoàn toàn quên đi những gì hữu ích để thúc đẩy ý thức của mình trước đó. Giờ đây, chúng ta thờ lạy Chúa Giêsu, yêu mến Ngài, dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Ngài, chúng ta xin Ngài thứ tha, chúng ta ca ngợi sự vĩ đại của Thiên Chúa, chúng ta cầu xin cho chính mình và cho toàn thế giới, cho mọi người, cho Giáo Hội. Trung tâm và điểm quy chiếu của chiêm niệm là chính con người Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha cho chúng ta.

 

- Về phương diện hữu thể học hoặc nhân loại học siêu nhiên, chiêm niệm là sự sẵn sàng để đón nhận ơn đức ái: Yêu Chúa và yêu mọi người.

 

- Như vậy, chiêm niệm là một hành động vừa chủ động thờ lạy, yêu mến; vừa thụ động để cho Thần Khí của Đức Kitô có thể thờ lạy, ca tụng, làm vinh danh Chúa Cha nơi ta. Ơn đức ái chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội, nhưng mới chỉ là mầm giống, và thường không triển nở được vì không có không gian thể lý, tinh thần và sức sống thích hợp. Chiêm niệm là lúc chúng ta dành chỗ cho Chúa Thánh Thần, để nhờ đó, Ngài hoạt động trong ta, làm ta lớn lên trong Đức ái vì Ngài là Tình Yêu. Chính vì thế chúng ta có thể gọi chiêm niệm là sự "hoán cải" của con người, biến đổi chúng ta, giúp chúng ta hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, luôn chọn Ngài, để Ngài lôi cuốn, yêu mến Ngài hết lòng, hết sức lực, hết trí khôn nhờ Chúa Thánh Thần khơi gợi và thúc đẩy.

 

- Về sự năng động của cầu nguyện, chúng ta có thể nói thêm về kinh nghiệm thần bí (nhiệm hiệp), nghĩa là cảm nhận có ý thức về hành động của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiệm hiệp không cần thiết thuộc về đời sống thiêng liêng hằng ngày của người Kitô hữu. Cần nói thêm, sự năng động của chiêm niệm đưa đến những kết quả. Những kết quả đó không phải là một bước tiến xa hơn, vì đều nằm trong sự năng động của chiêm niệm. Đó là những kết quả nào?

 

a. An ủi: Tân Ước coi an ủi là nền tảng của kinh nghiệm Kitô giáo. Còn chúng ta, chúng ta thường coi an ủi như cái gì thêm vào và nhu cầu cần an ủi là dấu chỉ của sự yếu đuối. Nghĩ như vậy là sai! vì chính Chúa Thánh Thần được gọi là Đấng An Ủi.

 

An ủi đi liền với sự chiêm niệm là gì? Đó là niềm vui sâu xa và thân mật phát sinh từ sự kết hợp với Thiên Chúa, một tia sáng vui tươi phát xuất từ hiệp thông với Thiên Chúa. Hãy nghĩ đến cái nhìn toả sáng niềm vui của những người thánh thiện chúng ta gặp; hãy nghĩ đến một con người bình an, thanh thản, ngay giữa những khổ đau. Đó chính là hương vị toả ra từ Thiên Chúa mà chúng ta thờ lạy, đó là hoa trái của một đời sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong niềm vui.

 

- Chúng ta đừng coi thường sự an ủi. Đôi khi có người nói: điều quan trọng trong đời sống thiêng liêng là làm tròn bổn phận, là sống công chính và trung tín. Đó chỉ là quan niệm đạo đức nửa vời, bởi vì người công chính và trung tín chỉ có thể diễn tả sự viên mãn nội tâm bằng sự nhiệt thành xuất phát từ niềm vui sâu thẳm. Sự an ủi chính là ánh sáng Đức Kitô Phục Sinh được cảm nghiệm nơi thâm sâu của tâm hồn.

 

b. Phân định: Phân định chính là biết chọn lựa như Đức Kitô và theo cách của Ngài, nhờ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Phân định liên quan chặt chẽ với suy niệm, vì suy niệm giúp nhận ra những giá trị Phúc Âm và từ đó phân định để chọn lựa.

 

c. Quyết định: Đó là hành vi nội tâm, con người quyết định chọn lựa theo Đức Kitô. Chọn lựa này đưa tới hành động.

 

d. Hành động: Là cách sống và hành động theo Thần khí của Đức Kitô. Một khi đã đón nhận ý thức tông đồ cách sâu xa, mãnh liệt nơi bản thân, chúng ta đi tới hành động. Tuy nhiên, cách sống và hành động này không chỉ là kết quả của ý chí quyết định nơi chúng ta, mà còn là một thực tại được Thiên Chúa ban nhờ sự năng động của cầu nguyện.

 

Như vậy, cầu nguyện không chỉ là cầu xin để hoàn thành một việc gì đó cách tốt nhất, mà cầu nguyện chính là đưa đến một chọn lựa, là đào luyện đời sống theo giá trị Phúc Âm đã thành hình nơi nội tâm ta.

 

* Tầm quan trọng của chiêm niệm

Chiêm niệm là giờ phút trọng yếu, một vấn đề cốt tử, có tính quyết định của đời sống thiêng liêng nội tâm. Nhờ chiêm niệm, chúng ta được Chúa soi sáng và hiểu biết rõ ràng sứ mạng tông đồ, đồng thời có được sức mạnh của Ngài mà thi hành trọn vẹn sứ mạng đó. Thường chúng ta chỉ dừng lại ở lãnh vực suy niệm, với những ý tưởng mới, hay và phong phú. Một đời sống nội tâm chỉ dừng ở suy niệm, không thể nắm bắt được những giá trị phong phú do ân huệ Thiên Chúa ban cho con người. Đó cũng là kinh nghiệm của các tông đồ trong Phúc Âm Marcô: Các ông thấy mà không hiểu. Cũng vì không đạt đến chiêm niệm, nhiều khi chính chúng ta cũng do dự, hồ nghi, muốn bỏ cuộc.

 

II. Những câu hỏi chúng ta đặt ra cho chính mình:

- Tôi có mở lòng hướng đến chiêm niệm không?

- Tôi đã chiêm niệm thế nào trong đời sống tông đồ của tôi ?

- Tôi có coi chiêm niệm là chính yếu cho ý thức tông đồ không?

 

[1] Sách đã dẫn, trang 27-34

Bài cùng chuyên mục:

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 475)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 406)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 553)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 655)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 909)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,302)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 987)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,653)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,762)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 3) (19/05/2023 05:51:54 - Xem: 2,027)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới