Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật Chúa 29 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,866
  • Ngày đăng: 12/10/2021 14:04:22

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN, NĂM B

 

 

Khi tiến gần đến cuối Năm Phụng vụ, chúng ta được mời gọi nhìn lại những đòi hỏi về tư cách người môn đệ. Chúng ta đã sống lời mời gọi của Chúa Giêsu thế nào? Câu trả lời gợi ý được tìm thấy trong thân phận Đấng Messia. Đấng gọi chúng ta bước theo là người Tôi Trung đau khổ và vị Thượng Tế biết  cảm thương. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua theo những thăng trầm vô định. Tuy nhiên nếu chúng ta đã bước theo Chúa Giêsu chúng ta phải theo Người đến cùng.

 

BÀI ĐỌC 1: Is 53,10-11

Người Tôi Trung của Đức Chúa

Toàn bộ bài ca thứ tư về người Tôi Trung đau khổ được đọc trong phụng vụ thứ sáu Tuần Thánh. Hôm nay chúng ta chỉ trích dẫn một phần, nhưng đó cũng đủ cho thấy sự đau khổ người Tôi Trung gánh chịu một cách nào đó đã hoàn thành kế hoạch của Đức Chúa, đem lại vinh quang cho chính người Tôi Trung và sự cứu rỗi cho những người khác. Chúng ta không biết người tôi trung mà tác giả hình dung ban đầu là ai, có lẽ chính vị tiên tri, cũng có thể là dân Israel đang bị lưu đày ở Babylon. Nhưng Lời Chúa còn mang một ý nghĩa đầy đủ hơn, được thành toàn nơi Chúa Giêsu. Người tự coi mình là sự ứng nghiệm trọn vẹn của những bài ca này: “Con người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người.” Người coi cuộc đời mình là một cuộc đời phục vụ và vâng lời hoàn hảo đối với Chúa Cha. Người gánh lấy sứ vụ của mình là thiết lập Vương quyền của Thiên Chúa trên trái đất, để mang lại ơn cứu chuộc cho mọi người. Tuy nhiên quyền lực chống lại Vương quyền này đã đem đến cho Người đau khổ và cuối cùng là cái chết. Sự vâng phục quên mình này của Chúa Giêsu đã xóa bỏ sự bất tuân ngoan cố của toàn thể nhân loại, được biểu thị trong tội của Ađam. Sự vâng phục tuyệt đối ấy giúp hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa cho thế giới và cho mọi tạo vật.

 

ĐÁP CA: Tv 33,4-5, 18-19, 20, 22

Lòng Chúa thương xót

Từ khóa trong đoạn văn này chính là từ Hípri, hesed (lòng thương xót). Đó là một từ ngữ diễn tả mối tương quan đặc biệt của tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Ngài, dựa trên mối dây liên kết của một giao ước. Các giao ước trong Kinh Thánh là những cam kết giữa Thiên Chúa và dân được tuyển chọn, trong đó Thiên Chúa hứa ban sự che chở thiêng liêng và dân hứa trung thành trọn vẹn với Chúa. Các giao ước Kinh Thánh cũng hình thành một mối liên hệ gia đình duy nhất giữa Thiên Chúa là Cha và dân giao ước là con. Các câu 4-5 tập chú vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và đức công chính của Ngài. Ngài mặc khải chính mình cho những người hết lòng tin tưởng vào giao ước tình yêu của Ngài. Trong các câu 18-20, tác giả thánh vịnh bày tỏ niềm xác tín về sự quan phòng của Thiên Chúa đối với loài người, nhất là những ai kính sợ Chúa và đặt hy vọng vào giao ước trung thành của Ngài. Chính tình yêu của Chúa giúp họ vượt qua mọi khó khăn tạm thời của cuộc sống, và thậm chí cả cái chết. Trong câu 22, tác giả thánh vịnh kết luận bằng cách khẩn cầu Thiên Chúa, vì tình yêu giao ước của Ngài luôn ở với dân, là những người đã đặt hy vọng và niềm tin vào một mình Ngài.

 

Khi các Kitô khi hữu đọc Thánh vịnh này, họ ca ngợi Chúa vì Ngài đã tự mặc khải qua Lời Chúa là Đức Giêsu Kitô. Trong Người, Chúa liên kết chúng ta với Ngài trong tình yêu của Giao ước mới. Chính nhờ Lời của Ngài, Thiên Chúa tạo dựng muôn loài muôn vật và cũng nhờ Ngài mà tất cả được tồn tại (Cl 1, 15-17).

 

BÀI ĐỌC 2: Hr 4,14-16

Vị Thượng Tế cảm thương

Thư gửi tín hữu Hipri đưa ra một hình ảnh tương phản giữa vị Thượng Tế Tối Cao với các tư tế tạm thời của đạo Do Thái. Để đưa nhân loại đến mức thập toàn, Chúa Giêsu đã phải thông phần trọn vẹn vào nhân tính của chúng ta. Người “chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta”. Như Tin Mừng đã cho thấy, cám dỗ đó có thể là khao khát quyền lực, mong muốn thỏa mãn vật dục, tôn vinh bản thân, loại trừ Thiên Chúa để thực hiện ý riêng... Và Người cũng “có khả năng cảm thương những yếu hèn của chúng ta”, như sự sợ hãi, thất vọng, lười biếng, buồn chán... Trong các sách Tin Mừng, một vài biểu hiện nhân tính này đã được đề cập đến: Người cảm thấy mệt mỏi tại bờ giếng ở Samari, đau buồn trước cái chết của người bạn Lazarô. Và vì Người đã mang trọn vẹn bản tính nhân loại như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng Người cũng phải chịu những nỗi sợ hãi, những sai sót của tuổi thơ, nỗi thất vọng của tuổi thanh niên, cũng như những phiền muộn và buồn chán trong tuổi trưởng thành, chưa kể đến sự phản đối liên tục của những kẻ chối bỏ Người - tất cả đều để phục vụ Vương quyền của Thiên Chúa. Hiểu theo tiến trình hoàn thành nhân cách, tất cả những điều này đã làm phong phú sứ vụ của Người, cho đến khi Người hiến trọn bản thân mình làm của lễ hoàn hảo để nói lên lòng tuân phục kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Cũng giống như sự tử đạo là vương miện của một Kitô hữu trung thành, thì lễ hy sinh cuối cùng của Chúa Giêsu trên thánh giá là vương miện cho một đời sống yêu thương, vâng lời và hi sinh quảng đại của Người.

 

TIN MỪNG: Mc 10,35-45

Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc

Trình thuật chứa đầy những hiểu lầm, những nghịch lý và đảo ngược. Giacôbê và Gioan là hai môn đệ đầu tiên và thân tín nhất của Chúa Giêsu (1,19-20; 5,37; 9,2) muốn tìm cho mình địa vị nổi bật trong vương quốc tương lai của Người. Có lẽ họ dựa vào vai trò đặc biệt của mình hơn mười người khác để có thể tự tin đưa ra đề nghị này. Lời yêu cầu của họ đưa ra vào lúc Chúa vừa loan báo cuộc tử nạn thật là quá kém tinh tế. Tuy nhiên trước đây Chúa Giêsu có nói Người sẽ ngự đến cùng với các thiên thần trong vinh quang của Cha Người (Mc 8,38), nên có lẽ họ chỉ hình dung một cách mờ ảo về điều Người nói. Và Người nhẹ nhàng cho họ biết rằng sự nổi bật thực sự là phục vụ mọi người, chứ không phải ở việc giành lấy quyền hành trên người khác. Các tông đồ khác biểu lộ sự tức tối không phải vì lời xin của Giacôbê và Gioan quá táo bạo và thực dụng mà vì nó được đưa ra trước khi người nào khác có thể đưa ra yêu cầu tương tự. Những chỉ dẫn sau đó cho thấy rằng tất cả các tông đồ đều ấp ủ những tham vọng riêng và hiểu sai bản chất cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu.

 

Việc các con ông Giêbêđê chấp nhận uống chén mà Chúa Giêsu sẽ uống và sẵn sàng chịu phép rửa mà Người sắp chịu là một ví dụ khác về sự hiểu lầm của họ. Ngay cả khi họ hiểu một phần ý nghĩa lời nói của Người, thì họ cũng khó có thể hình dung được hàm ý của nó. Vì họ tin rằng Chúa Giêsu sẽ trị vì trong vinh quang, nên họ không thể có khái niệm về sự đau khổ và cái chết ô nhục của Người. Câu hỏi mở đầu của Chúa Giêsu ngụ ý rằng họ không thể uống chén, hoặc không thể chịu phép rửa Người sẽ phải chịu. Quả thật, chỉ khi tất cả diễn ra trên đồi Gôlgotha thì sự bẽ bàng sâu xa của lời họ yêu cầu mới hiển thị rõ ràng: những kẻ ở bên hữu và bên tả của Đấng Messia-Vua là hai tên trộm cướp cùng chịu đóng đinh với Người (Mc 15,27). Tuy nhiên Chúa đón nhận lời khẳng quyết của hai môn đệ một cách nghiêm túc. Chỉ với một chút thay đổi về ý nghĩa, Chúa Giêsu cho họ biết rằng họ sẽ thực sự đón chịu tất cả những gì Người chịu, nhưng có lẽ họ sẽ không sẵn sàng hành động như họ nghĩ.

 

Trở lại yêu cầu của Giacôbê và Gioan về vị trí danh dự trong vương quốc, Chúa Giêsu nói rằng Người không được giao quyền để ban việc đó. Với sự khẳng định này, Người gián tiếp cho họ thấy rằng Người sẽ được đặt ngồi trong vinh quang. Chúa Giêsu không phủ nhận rằng Người sẽ trị vì trong Nước của Cha Người. Người cũng không bác bỏ sẽ có những chức vụ thể hiện quyền bính trong cộng đoàn Người thiết lập là Giáo hội. Người cũng không chê bác những người khao khát vươn lên tầm cao của những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, Người cũng cho biết rằng phương cách duy nhất để trở nên vĩ đại thật sự, một cách nghịch lý, đó là bắt chước Người phục vụ trong khiêm tốn và từ bỏ. Và đó cũng phải là tâm thức lãnh đạo cho toàn thể chức vụ trong Giáo hội: tất cả vì lợi ích của người khác, đặt mình sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của tha nhân, quan tâm đến những con người nhỏ bé nhất…(x. Ga 13,14; Pl 2,3-4). Và đây là một sự đảo ngược hoàn toàn của triều đại Thiên Chúa trước những kỳ vọng trần gian. Câu cuối trong bài đọc hôm nay được coi là lời khẳng định quan trọng nhất trong Tin Mừng, nó tóm kết tất cả sứ vụ thiên sai của Chúa Cứu Thế: “Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Ý tưởng về ơn cứu chuộc diễn tả một cái giá phải trả để chuộc lại phẩm giá cho một người nào đó, thí dụ giải phóng một nô lệ (Lv 25,51), hoặc chuộc lại một mạng sống (Xh 21,30). Chúa Giêsu đến trần gian này để thi hành thánh ý Chúa Cha là phục vụ và hiến mạng sống cho con người. Và đó chính là Tin Mừng cứu độ.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 599-609 : Cái chết cứu chuộc của Chúa Kitô trong kế hoạch cứu độ

+ GLHTCG 520 : Chúa Kitô tự hạ trở nên mẫu mực để chúng ta noi theo

+ GLHTCG 467, 540, 1137: Chúa Kitô, vị Thượng Tế

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 39)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 147)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 187)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 147)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 237)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 319)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 311)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 244)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 312)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 243)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7