Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật Chúa 11 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,850
  • Ngày đăng: 08/06/2021 16:57:03

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 11 Thường Niên, Năm B

 

 

 Sau Mùa Phục sinh là Mùa Thường niên. Thời gian này Phụng vụ không kính nhớ mầu nhiệm đặc biệt nào về Chúa Cứu Thế. Theo một nghĩa nào đó, nó cũng giống như cuộc sống hằng ngày của chúng ta, lặng lẽ chuyển động theo thời gian. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nó không mang những giáo huấn khác biệt. Qua các bài đọc các tuần Mùa Thường Niên chúng ta dõi theo Chúa Giêsu trong hành trình sứ vụ của Người, lắng nghe các giáo huấn của Người và họa lại trong chính đời sống của chúng ta. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay tập chú vào sự ra đời và lớn mạnh của triều đại Thiên Chúa (Nước Trời) trong đời sống con người. Hoặc chúng ta cũng có thể hiểu về sự phát triển mạnh mẽ của Giáo hội. Tất cả đều bắt đầu rất khiêm tốn, trong âm thầm lặng lẽ nhưng luôn tăng trưởng vì được quyền năng của Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

 

BÀI ĐỌC 1: Ed 17,22-24

Cây hương bá huy hoàng

Nhiệm vụ của tiên tri Êzêchiel là giữ vững tinh thần của những người Do Thái bị lưu đày sang Babylon. Đối với họ, thành Giêrusalem sụp đổ là kết thúc mọi hy vọng: họ đã mất nhà cửa, Vua, Đền thờ và thậm chí cả giao ước của họ với Đức Chúa. Êzêchiel là một người có trí tưởng tượng tuyệt vời, ông không ngại sử dụng những hình ảnh kì lạ và táo bạo đưa vào sứ điệp của mình để nhắc nhở dân lưu đày rằng Đức Chúa vẫn nắm trọn quyền bính và vẫn quan tâm đến Israel. Ông mô phỏng cuộc bao vây Giêrusalem bằng cách xây một mô hình bằng gạch bùn và trốn thoát qua bức tường. Những thị kiến của ông cũng rất táo bạo và đầy gợi hứng. Có lẽ được biết đến nhiều nhất là thị kiến về Thung lũng xương khô (Ed 37), báo trước rằng Israel sẽ hồi sinh, được đọc trong lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chương 17 này là một câu chuyện ngụ ngôn giàu trí tưởng tượng về một cây hương bá cao lớn bị hai con phượng hoàng tàn phá, tức là Israel bị Babylon và Ai Cập cướp phá. Bài đọc của chúng ta là một phần phụ thêm, tiên báo rằng Israel sẽ lại trở thành một cây hương bá cao lớn mà bóng mát của nó dùng làm nơi trú ẩn cho các quốc gia tìm đến. Dụ ngôn trong Tin Mừng cũng sử dụng cùng một hình ảnh về một cây có cành lá xum xuê mà chim trời đến làm tổ dưới bóng. Những cây hương bá cao lớn trên những vùng đồi núi xứ Li Băng vươn dài trên bầu trời và rộng hút tầm mắt là một cảnh ấn tượng tuyệt vời, là nơi trú ẩn thích hợp cho mọi loài chim chóc.

 

ĐÁP CA: Tv 92:2-3,13-16

Ca tụng Đức Chúa

Theo tựa đề, Thánh vịnh 92 là một bài thánh ca tạ ơn được đọc hoặc hát trong buổi phụng vụ vào ngày Sabát của người Do Thái. Một số Thánh vịnh nhất định đã được ca đoàn Lêvi đọc hoặc hát mỗi ngày trong tuần khi cử hành nghi lễ tại Đền thờ, và Thánh vịnh này là một phần của phụng vụ riêng  ngày Sabát. Thánh vịnh 92 có bảy lần nhắc đến Danh Thiên Chúa, Đức Chúa. Do đó, sự lặp lại bảy lần Danh Thiên Chúa gợi ý mối liên hệ với ngày thứ bảy tạo dựng (St 2,1-3) và việc sử dụng này rất thích hợp vào ngày này để kể lại niềm vui của những người công chính được thờ phượng trong Đền thờ của Đức Chúa. (c. 13). 

 

Tác giả Thánh vịnh dâng lời ngợi khen Thiên Chúa trong Phụng vụ của Đền thờ buổi sáng và buổi chập tối (Xh 29,38-42). Các của lễ buổi sáng được đốt liên tục trên bàn thờ vào ban ngày, và của lễ buổi chập tối được đốt suốt đêm (c. 3). So sánh người công chính với cây tươi tốt, tác giả cho biết vì được thờ phượng trong Đền thờ của Đức Chúa, người công chính sinh sôi nảy nở, nhận được dưỡng chất thiêng liêng mà họ cần, lúc đứng trước sự hiện diện của Đức Chúa (khi thờ phượng trong Đền thờ, dân chúng đứng để cầu nguyện).

 

Những cây hương bá xứ Li Băng trong câu 13 được biết đến với vẻ đẹp và sức mạnh riêng biệt. Những người xây dựng Đền thờ Giêrusalem và cung điện Salômôn đã sử dụng loại cây này (1 V 6, 9-7, 15-18; 7,1-2). Đề cập đến cây hương bá trong câu 13 cùng với câu tiếp theo thể hiện ước muốn của tác giả Thánh vịnh là muốn được ở lại trong Đền thờ, ở gần Đức Chúa. Giống như cây tươi tốt, người công chính sinh hoa trái của đức công chính ngay cả khi về già vì Đức Chúa không bao giờ để họ mất lòng trông cậy (cc. 15-16). 

 

Thánh vịnh này nhắc chúng ta nhớ đến cụ già Simêon, một người cao tuổi, công chính và tận tụy với việc thờ phượng Chúa trong Đền thờ. Chúa Thánh Thần đã tỏ cho ông biết rằng ông không phải thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Messia của Đức Chúa (Lc 2,26). Thiên Chúa đã ban thưởng cho lòng sùng kính của ông khi Chúa Thánh Thần soi sáng cho ông đến Đền thờ vào đúng ngày ông Giuse và bà Maria mang Hài Nhi Giêsu đến để thi hành lề luật cho Người (Lc 2,27; Xh 13,2,12). Ông Simêon ẵm Hài Nhi Giêsu trong tay, chúc tụng Thiên Chúa và nói: “Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang cho Israel, Dân Ngài” (Lc 2,30-32).

 

BÀI ĐỌC 2: 2 Cr 5,6-10

Sống kết hợp với Chúa

Phaolô sử dụng một số hình ảnh khác nhau để truyền đạt cứu cánh của đời sống Kitô hữu mà ngài mong muốn. Chúng ta biết rằng các hình ảnh đều không đầy đủ, đặc biệt là những hình ảnh như thiên đường ở trên cao, trên các đám mây, chơi đàn hạc… Trong 1 Côrinthô 15, Phaolô đã dùng những hình ảnh về việc tham dự vào quyền năng, sự bất diệt và vinh quang Thiên Chúa, được biến đổi thành một phương thức mới nhờ Thần Khí. Trong bài đọc tuần trước, ngài nói về “vinh quang vô tận”. Trong bài đọc hôm nay, ngài nói về việc “ở bên Chúa” ngược lại với việc bị lưu lạc ở trần gian. Giờ đây chúng ta đã là con cái Thiên Chúa, được ở với Chúa cũng như là trở về với gia đình tự nhiên của mình. Trong câu cuối cùng, Phaolô nói đến sự phán xét cuối cùng, khi đó chúng ta hoàn toàn lộ diện như những gì chúng ta thực sự là. Đó là khoảnh khắc đáng sợ nhưng cũng thật an ủi bởi vì chúng ta được nhìn thấy chính mình như Chúa nhìn chúng ta, chúng ta không còn phải sống theo kỳ vọng của người khác hoặc phải mang những vẻ bề ngoài giả tạo. Trước mặt Thiên Chúa người ta không cần, và cũng không thể sống giả vờ được. Tất cả mặt nạ đều được lột bỏ. Đây cũng là một khía cạnh của việc ở nhà, vì không có sự giả vờ trong đời sống gia đình. Điều này giúp ngài có thêm lòng can đảm và sự lạc quan trên hành trình từ nơi lưu đày trở về nhà mình.

 

TIN MỪNG: Mc 4,26-34

Nước Trời tăng trưởng

Trong khi giảng dạy, Chúa Giêsu thường dùng các dụ ngôn, một hình thức gắn liền với truyền thống khôn ngoan. Ở nhiều khía cạnh, dụ ngôn có mục đích khơi gợi sự suy nghĩ. Nó đưa ra hai thực tại khác biệt nhau và dùng sự vật này để làm sáng tỏ ý nghĩa sâu sắc hơn của thực tại kia. Các dụ ngôn thường được các nhà hiền triết sử dụng vì chúng buộc người nghe phải mở rộng trí tưởng tượng của họ và tạo ra những kết nối mà bình thường họ sẽ không thực hiện được. Chúa Giêsu đã dùng hình thức văn học này để giảng dạy về triều đại Thiên Chúa, giúp người ta hiểu rằng những thực tại kín ẩn dường như thuộc về một thế giới khác vẫn nằm trong tầm hiểu biết của chúng ta ngay trong hoàn cảnh con người.

 

Mặc dù từ ngữ “dụ ngôn” không được sử dụng, thì đoạn văn đầu tiên (cc. 26-29) chắc chắn mang ý nghĩa này, nó mô tả cách thức hoạt động của triều đại Thiên Chúa. Nước Trời cũng giống như một hạt giống được gieo, nó bắt đầu bén rễ, phát triển rồi tiếp tục sản sinh hoa trái ở một nơi bí ẩn nào đó trong lòng đất. Bản thân hạt giống có thể khá đơn giản tầm thường, nhưng ẩn sâu bên trong nó lại có một tiềm năng, một sức sống mạnh mẽ. Và mặc dù khả năng này hiện ra trước mắt người ta, nhưng những bí ẩn về sự phát triển của nó thực sự nằm ngoài tầm hiểu biết của con người. Con người gieo hạt, quan sát nó lớn lên và thu hoạch sản lượng, nhưng hạt giống hoạt động theo những cách bí ẩn của riêng nó.

 

Triều đại của Thiên Chúa cũng như vậy. Nó bén rễ, phát triển và sản sinh ở những nơi kín ẩn trong thực tại của con người. Trong thực tế, nó thường được tìm thấy ở những nơi mà người ta ít ngờ tới nhất – giữa những người nghèo và bị ghét bỏ, trong tâm hồn của những người đau khổ, trong cuộc sống những người bị bách hại. Khả thể của triều đại Thiên Chúa thường được chứa đựng trong những gì có vẻ là không quan trọng. Tuy nhiên, nó phát triển theo những cách bí ẩn của riêng nó.

 

Những phẩm chất lạ lùng của một hạt giống là trọng tâm của ẩn dụ thứ hai (cc. 30-32), vốn đã được coi là một dụ ngôn. Có vẻ trái ngược với diễn tả trong câu nói, hạt cải không thực sự là hạt nhỏ nhất trong số các loại cây. Nó cũng không thực sự tạo ra một cây lớn nhất. Dụ ngôn là những hình ảnh biểu trưng của lời nói, và chúng thường chứa đựng ngôn ngữ ẩn dụ, loại hình ngôn ngữ dùng để chỉ ra một ý kiến, không phải để mô tả sự vật một cách chính xác. Ở đây sự phóng đại nhấn mạnh nghịch lý của hạt giống không đáng kể này lại tạo ra cây lớn nhất. Dụ ngôn hướng chỉ sự phát triển phi thường của triều đại Thiên Chúa. Nó cũng gợi ý về tính phổ quát của thực tại này. Giống như các cành cây trở nên rộng lớn đến nỗi chim trời có thể làm tổ ở đó, thì Nước Trời cũng phát triển lớn mạnh để cung cấp nơi trú ẩn cho tất cả mọi người.

 

Bài đọc kết thúc với một câu tóm tắt về các giáo huấn của Chúa Giêsu bằng dụ ngôn. Đó là một tuyên bố gây tò mò, bởi vì nó cho thấy rằng đám đông đã hiểu ý nghĩa của các dụ ngôn, nhưng Chúa Giêsu còn phải giải thích riêng cho các môn đệ. Điều này thực sự có nghĩa là chính các dụ ngôn có thể được hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau. Và trong khi đám đông có thể hiểu được ý nghĩa hiển nhiên, thì Chúa Giêsu đã giải thích ý nghĩa sâu xa hơn cho các môn đệ. Những câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu buộc người nghe phải mở rộng trí tưởng tượng của họ và tạo ra những kết nối tâm thức mà thông thường họ có thể không thực hiện được. Chúng ta có thể giả định là những người đi theo Chúa Giêsu luôn sẵn lòng hoặc có thể làm được điều này.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 GLHTCG 543-546 : Loan báo Nước Thiên Chúa

+  GLHTCG 2653-2654, 2660, 2716 : Nước Trời tăng trưởng nhờ việc lắng nghe Lời Chúa

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 98)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 147)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 120)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 211)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 298)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 301)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 241)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 304)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 231)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Thường niên– Năm B (29/01/2024 09:33:43 - Xem: 402)

Theo Phúc âm Máccô, những việc chính của Đức Giêsu mỗi ngày là những việc gì? Việc gì quan trọng hơn?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7