Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,877
  • Ngày đăng: 15/12/2021 09:12:30

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, Năm C

 

 

Một cách nào đó, các bài đọc trong Chúa nhật IV Mùa Vọng báo trước lễ Giáng Sinh. Nó giúp chúng ta sẵn sàng cho những ngày sắp tới, cho chúng ta cái nhìn hướng về những mầu nhiệm mà chúng ta sẽ cử hành. Những điều này được thực hiện bằng việc tổng hợp các chủ đề chính đã xuất hiện trong ba Chúa nhật đầu: lời hứa, sự thống hối, sự biến đổi, niềm vui. Trong Chúa nhật này, chúng ta đang ở ngưỡng cửa của sự hoàn tất, thấp thỏm mong đợi Người đến, giữa lúc chúng ta cử hành sự hiện diện của Người đang ở giữa chúng ta.

 

BÀI ĐỌC 1: Mk 5,1-4

Đấng thống lãnh xuất thân từ Bêlem

Vào Chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng này, mọi sự tập trung đều hướng về Đức Maria khi Mẹ chuẩn bị sinh Con. Lời tiên tri Mikha nhắc nhở chúng ta rằng tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của con người. Bêlem là một thị trấn nhỏ tầm thường trên một dãy đỉnh đồi, cách Giêrusalem khoảng 7 km. Ephrata thường được đồng hóa với Bêlem (x. Tv 136:2; St 35:16, 19; 48:7; 1 Sm 16:1, 18; 17:12; R 4:11) Mối liên hệ giữa Ephrata và Bêlem không rõ ràng. Có thể Ephrata là tên gọi cũ của Bêlem, hoặc Ephrata đã được sát nhập vào Bêlem. Đây là phần đất của chi tộc Giuđa nhỏ nhất giữa các chi tộc, nằm trong một đất nước tầm thường và bị ngoại bang áp bức. Tuy nhiên, mảnh đất nhỏ bé đó lại dung chứa hai khoảnh khắc lịch sử quan trọng: khi Đavít được xức dầu làm vua ở đó, khi Chúa Giêsu được sinh ra. Đavít là con út trong số các con trai của cha mình, Jesê; anh được phân công để chăm sóc đàn cừu khi tất cả những người anh được triệu tập để ông Samuel tuyển chọn (1 Sm 16,6-13). Theo truyền thống lâu đời trong Kinh Thánh, Thiên Chúa thường chọn người trẻ hơn hoặc ít nổi nang hơn: Abel thay vì Cain, Giacob thay vì Esau, Giuse là con trai út trong tất cả các con trai của ông Giacob. Còn Chúa Giêsu thì không có người cha hữu hình nào, và Đức Maria thì ngay cả mái nhà che đầu cũng không có khi Mẹ sinh con đầu lòng. Chúng ta không dám đoán xét bất kỳ ai theo con mắt riêng, vì mỗi người đều có giá trị trước mặt Chúa. Phần mỗi người chúng ta phải luôn sống đẹp lòng Chúa, phải làm cho mình dễ thương dưới cái nhìn của Chúa, Đấng để mắt đến những người kính sợ Ngài và khiêm tốn cậy nương vào Ngài. Đức Maria ở trong số những người đó.

 

ĐÁP CA: Tv 80

Xin Chúa thăm nom vườn nho của Ngài

Axáp đã cầu nguyện cho sự phục hồi và ơn giãi sáng cho đoàn dân Chúa qua sự tỏa ánh rạng ngời của dung mạo Thiên Chúa (cc. 3,7,19; Ds 6,22-27). Ông đưa ra hai bức tranh về đoàn dân.

 

Một đoàn chiên (1-7). Israel giống như một đàn chiên được Chúa dẫn dắt ( Tv 77,20; 78,52): “Ta là dân Ngài, là đoàn chiên Ngài dẫn dắt” (Tv 100,3). Nhưng họ là những con chiên lạc, không muốn đi theo Mục Tử. Vì vậy, thay vì tận hưởng đồng cỏ xanh tươi và dòng nước trong lành (Tv 23, 2), họ phải chịu đựng nhục nhằn trong nước mắt và trở thành cớ cho thù địch nhạo cười chế giễu (cc. 5-6).

 

Một cây nho (8-19). Hình ảnh này giống với với Isaia 5 và các câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu  trong Mátthêu 21,28-46. Israel là một vườn nho trĩu quả, nhưng khi nó từ bỏ Chúa và bắt đầu thờ phượng thần linh của các nước thì trở thành cằn cỗi. Thiên Chúa đã dùng chính những quốc gia đó để kỷ luật dân của Ngài và phá hủy vườn nho. Lời cầu nguyện trong các câu 18-20 một phần phản ánh tâm trạng của dân khi một số người trở về quê hương sau lưu đày. Tuy nhiên sự giải thoát chỉ được thực hiện hoàn toàn trong Chúa Giêsu Kitô.

 

Dân Thiên Chúa hiện nay là một đoàn chiên mà vị Mục Tử là Chúa Giêsu (Ga 10), và là các cành trong một Cây Nho (Ga 15). Chúa muốn chúng ta trung thành trong đoàn chiên, và sinh hoa trái trong một cây nho.

 

BÀI ĐỌC 2: Hr 10,5-10

“Con đến để thực thi ý Ngài”

Khi chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa Giêsu đến để xóa bỏ sự bất tuân của Ađam bằng sự vâng lời hoàn hảo của Người. Không phải chính sự đau khổ của Chúa Giêsu đã cứu chuộc thế giới, như thể đau khổ tự nó có một giá trị giải thoát, hoặc có thể tha bổng các hình phạt. Thần học thời Trung cổ có thể đã có quan niệm như vậy, thì đã tự trói buộc mình về chủ thể nhận khoản thanh toán này: Chúa hay quỷ phải trả giá thục hồi? Cả hai đều không phải! Trong thư Rôma, thánh Phaolô nói rất rõ rằng công ơn cứu chuộc chính là thái độ Chúa Giêsu hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa Cha, ngay cả khi Người phải chịu đau đớn tột cùng trên thánh giá: “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19). Ađam là hình ảnh của sự bất tuân của con người, sự bất tuân của tất cả chúng ta. Bài đọc hôm nay từ thư Hipri cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã được ban cho một thân thể để thể hiện sự vâng phục của Người. Chính bằng sự vâng phục trong thân xác mình như vậy, và khi sống trọn vẹn nhân tính của mình, Người đã đưa tất cả mọi người mang xác phàm trở về với Thiên Chúa. Như vậy, bằng thân thể của mình, chúng ta thể hiện đức vâng phục ngay trong bệnh tật, trong đau yếu cũng như khi khỏe mạnh. Chúa Giêsu cũng vậy, trong thân thể trẻ thơ, thân thể thiếu nhi, thân thể thanh niên, thân thể trưởng thành, Người đều bày tỏ sự vâng phục đối với Chúa Cha. Và khi sống như vậy, Người chuẩn bị cho bước thể hiện tối hậu của đức vâng phục: cái chết yêu thương trên thánh giá.

 

TIN MỪNG: Lc 1,39-45

Ơn phúc của Đức Maria được nhìn nhận

Trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria với bà Êlisabeth có thể được chia thành ba phần: Hành trình của Maria đi đến vùng đất đồi núi ở miền Nam (cc. 39-40a); Lời chào và ảnh hưởng của nó đối với Êlisabeth và trên đứa con chưa sinh của bà (cc. 40b- 41); Phản ứng vui mừng của Êlisabeth trước tất cả những điều này (cc. 42-45). Vùng địa lý duy nhất được nói đến trong câu chuyện là khu vực đồi núi miền Giuđa trong đó Êlisabeth và Zacaria sinh sống. Bài đọc này không xác định ngôi làng hoặc khu vực mà Maria xuất phát. Ý nghĩa chính của đoạn văn là niềm tin đầy đặn của bà Êlisabeth.

 

Động từ Hy Lạp được sử dụng cho thấy rằng lời chào của Maria đến Êlisabeth là một lời chào theo phong tục tập quán (aspázomai), nhưng hiệu ứng của nó lại rất sâu sắc. Nó khiến đứa trẻ trong lòng bà Êlisabeth nhảy lên rộn rã (skirtáō). Điều này gợi nhớ đến niềm vui mà Đavít trải nghiệm khi ông nhảy múa trước hòm bia giao ước, biểu tượng của cảnh tượng Thiên Chúa ở giữa người (x. 2 Sm 6:14-15). Êlisabeth tràn ngập Chúa Thánh Thần và tuyên xưng niềm tin của bà vào đứa trẻ Maria đang mang theo. Trong cả hai trường hợp: vua Đavít và đứa trẻ chưa sinh ra của Êlisabeth, đó là họ đều nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, điều khiến họ vui mừng. Như thể Đức Maria là hòm bia và đứa trẻ trong bà là vinh quang của Thiên Chúa.

 

Phản ứng về trải nghiệm tuyệt vời này, Êlisabeth đã kêu lên lớn tiếng, trước tiên với Maria và sau đó là con của Mẹ (c. 42). Từ dịch là “được chúc phúc” (eulogéō) cũng có nghĩa là “được tán dương” hoặc “được khen ngợi.” Êlisabeth không công bố phúc lành trên họ. Bà chỉ nhận ra ơn phúc mà họ sở hữu và ca ngợi nó. Ơn phúc này xuất phát từ phẩm giá của đứa trẻ, một phẩm giá mà Êlisabeth nhìn nhận bằng cách quy chiếu về Đấng là Chúa của bà (kýrios). Cũng như Đavít đã tự hỏi làm thế nào hòm bia Thiên Chúa lại có thể đến với ông (x. 2 Sm 6:9), thì Êlisabeth cũng suy nghĩ làm thế nào mẹ của Chúa của bà có thể đến với bà.

 

Có một chuỗi của sự nhìn nhận bắt đầu và kết thúc với Maria. Trước lời chào của Đức Maria, đứa trẻ trong lòng bà Êlisabeth nhảy lên vì niềm vui, do đó báo hiệu cho bà về sự hiện diện của Chúa trong lòng Đức Maria; và chính lúc này, Êlisabeth nhận ra ơn phúc của người Con chưa sinh ra của Maria và, qua Người, ơn phúc của chính Maria.

 

Bài đọc kết thúc bằng một câu chúc phúc, một hình thức văn chương gắn liền với truyền thống Khôn ngoan. Nó bắt đầu bằng “có phúc” hoặc “được hạnh phúc” và sau đó ca tụng vận may sẽ đến với một người có hành động ngay chính. Ở đây, Maria được xưng tụng là người có phúc (makários) vì đã tin những gì Chúa đã phán với bà, một ám chỉ đến biến cố truyền tin (x. Lc 1:26-38). Trong trường hợp này, chính niềm tin, chứ không phải một số việc làm của sự công chính, được tán dương. Bà tin rằng mình sẽ thụ thai và sinh một người con trai, và điều đó đã xảy ra. Chính người con trai mà bà đang mang trong lòng đã thôi thúc những sự kiện được ghi lại trong đoạn văn này. Cách thức mà sự may mắn này sẽ được thực hiện trong cuộc đời của Maria không được nêu rõ; bà chỉ được gọi là người có phúc.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 148, 495, 717, 2676 : cuộc Thăm Viếng

+ GLHTCG 462, 606-607, 2568, 2824 : Chúa Con nhập thể để thực thi thánh ý Chúa Cha

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 105)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 150)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 124)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 216)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 303)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 301)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 241)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 305)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 234)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Thường niên– Năm B (29/01/2024 09:33:43 - Xem: 402)

Theo Phúc âm Máccô, những việc chính của Đức Giêsu mỗi ngày là những việc gì? Việc gì quan trọng hơn?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7