Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 17 thường niên năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,339
  • Ngày đăng: 19/07/2022 18:47:53

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 17 Thường Niên, Năm C

 

 

Chủ đề chính của các bài đọc Lời Chúa hôm nay là sức mạnh của lời cầu thay nguyện giúp, Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện lý tưởng, và sự cần thiết của sự bền bỉ và kiên trì trong lời cầu nguyện với đức tin tin cậy và sự mạnh dạn. Tóm lại, các bài đọc dạy chúng ta phải cầu nguyện những gì và cầu nguyện như thế nào.

 

BÀI ĐỌC 1: St 18,20-32

Ông Abraham mặc cả với Chúa

Câu chuyện thú vị này tiếp nối phần bài đọc của Chúa nhật tuần trước. Nó gợi nhớ đến cảnh mặc cả trong một phiên chợ phương Đông, một cảnh mặc cả nghiêm túc nhưng cũng hết sức vui tươi. Ông Ápraham tiếp tục thúc đẩy vận may của mình, ông sử dụng một logic kém cỏi đến mức nực cười, cho đến khi ông vượt ra ngoài tất cả mọi lí lẽ. Đối tác của ông trong cuộc mặc cả này tiếp tục thể hiện lòng khoan dung nhân hậu, và trên tất cả là sự sẵn sàng tha thứ đến khó tin. Một số người có thể thấy quá trình mặc cả này là thiếu tôn kính đối với Thiên Chúa quyền năng cao cả, nhưng đó là biểu hiện của tình cảm thân mật của Israel đối với Chúa. Thái độ này tất cả được thể hiện qua tên tiếng Hipri đặc biệt dành cho Thiên Chúa, tên này không bao giờ được phát âm. Chính Chúa sau này sẽ chỉ cho ông Môisen ý nghĩa của tên thân mật này của Thiên Chúa của Israel là “Đức Chúa của lòng thương xót và sự tha thứ”. Tên riêng thánh thiêng này của Thiên Chúa không bao giờ được phát âm, một phần vì sự tôn kính (vì vinh quang của Chúa thật đáng kính đến nỗi môi miệng phàm nhân không được phát ra danh xưng đó), nhưng một phần cũng vì sự thân mật, cũng như chúng ta không gây ồn ào nơi công cộng những lời nói tình cảm thân mật vốn chỉ được sử dụng trong những thành viên gia đình thân thiết của chúng ta.

 

ĐÁP CA: Tv 138:1-2,2-3,6, 8

Lời tạ ơn

Thánh vịnh đáp ca cho Chúa nhật tuần này đi theo cấu trúc chung của lời cầu nguyện tạ ơn cá nhân. Được ngỏ lời trực tiếp với Thiên Chúa, tác giả Thánh vịnh bắt đầu bằng tâm tình tạ ơn, sau đó là lời tuyên bố lý do để tạ ơn: Chúa đã thương nghe lời kêu cứu của ông và đã đáp lời, không phải do công trạng cá nhân nhưng do lòng trung tín và xót thương của Ngài vẫn có (cc. 1,3). Hành động yêu thương đó không chỉ là sự trao đổi riêng tư giữa một người Israel và Đức Chúa; nó đủ tuyệt vời để khơi dậy cả các quốc gia và các đế vương dưới trần cùng ca ngợi sự vĩ đại của Thiên Chúa và sự quan tâm của Ngài đối với toàn thể dân chúng (cc. 4-6). Được giải cứu khỏi tình thế ngặt nghèo, tác giả Thánh vịnh tin tưởng rằng Đức Chúa sẽ luôn ở đó, trong những lúc nguy nan, và tiếp tục ra tay bảo vệ như Ngài vẫn làm như vậy (cc. 7-8).

Đức Thánh cha Bênêđictô XVI trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư, 7 tháng 12, năm 2005 đã kết thúc lời giáo huấn về Thánh vịnh này như sau: “Chúng ta cần luôn xác tín rằng cho dù chúng ta có phải vất vả khó nhọc, phải đối diện nhiều thử thách gian nan, chúng ta đừng ngã lòng và đừng giải quyết vấn đề một mình, có Chúa luôn nâng đỡ che chở chúng ta. Chúng ta không bao giờ phải rời xa bàn tay của Chúa, bàn tay đã tạo dựng nên chúng ta và luôn gìn giữ chúng ta trên hành trình cuộc đời, như lời thánh Phaolô tâm sự: ‘Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành’ (Pl 1,6)”.

 

BÀI ĐỌC 2: Cl 2,12-14

Chịu phép rửa trong Chúa Kitô

Trong đoạn văn mạnh mẽ này, chúng ta thấy sức mạnh của tiếng nói Phaolô về sự tham dự của chúng ta vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô. Cuộc sống của chúng ta được tiềm ẩn với Chúa Kitô trong Thiên Chúa, kể từ khi chúng ta chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Kitô và được trỗi dậy trong sự Phục sinh của Người. Chúng ta xuất hiện với Chúa Kitô từ ngôi mộ, chia sẻ sự sống của Người, đồng thừa kế với Người và gọi Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Phaolô xem tội của Ađam không phải là một điều gì đó đã xảy ra từ lâu, rất lâu, mà là bản phân tích về tội lỗi của chính chúng ta, vì “Ađam” có nghĩa là “con người” hoặc “nhân loại”. Tội lỗi này, mọi tội, là tội không vâng phục Thiên Chúa. Theo suy nghĩ của Phaolô, Chúa Giêsu Kitô là Ađam thứ hai. Bằng sự vâng phục Cha mình trên Thập giá, Người đã xóa sạch, tẩy trừ hoặc chế ngự tội bất tuân của Ađam đầu tiên, tội lỗi của nhân loại. Sự hy sinh của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá là sự bày tỏ hoàn toàn của sự vâng phục đối với Cha, là sự phục hồi mối quan hệ yêu thương của chúng ta với Cha. Điều này được thể hiện một cách mạnh mẽ bằng cách nói rằng Chúa Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá, tức là sổ ghi nợ của chúng ta đã đóng đinh  đối với lề luật. Cắt bì không có ích lợi gì; chỉ khi được chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Kitô và được trỗi dậy trong sự Phục sinh của Người thì chúng ta mới có thể được phục hồi.

 

TIN MỪNG: Lc 11,1-13

Kiên trì cầu nguyện

Bài giảng về cầu nguyện này có thể được chia thành ba phân đoạn riêng biệt nhưng có liên quan đến nhau: Lời cầu nguyện của Chúa (cc. 1-4); một ví dụ về sự bền bỉ cầu nguyện (cc. 5- 8); sự bảo đảm của việc được lắng nghe (cc. 9-13). Chính Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện của Người đã thúc đẩy các môn đệ yêu cầu được hướng dẫn trong lời cầu nguyện của họ, giống như các môn sinh của các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đã được họ dạy cầu nguyện. Có một số câu hỏi về việc liệu lời kinh này nên được xem như một lời cầu nguyện thực sự hay như một khuôn mẫu để làm theo trong việc cầu nguyện. Hầu hết các nhà chú giải tin rằng đó là điều sau hoặc cũng có thể là cả hai. Đại từ số nhiều trong lời cầu nguyện biểu thị tính cách chung của nó. Lời cầu nguyện bao gồm lời khẩn cầu, lời mời gọi tôn vinh Thiên Chúa, và lời cầu xin của những người cầu xin.

Lời thưa “Cha” gợi ý một mối quan hệ thân thiết như trẻ thơ. Hơn nữa, nó đến từ Chúa Giêsu, vì vậy nó là bằng chứng lời cầu nguyện dành cho những người hưởng mối quan hệ này với Chúa Giêsu, vì chính Chúa Giêsu đã gọi Thiên Chúa là “Cha” và ở đây Người mời gọi các môn đệ của mình làm điều tương tự. Vì tên của một người bao gồm đặc điểm của người đó, nên cầu nguyện để danh Chúa được tôn vinh là cầu nguyện để Thiên Chúa được tôn vinh thích đáng. Lời cầu nguyện cho sự trị vì của Thiên Chúa là lời cầu nguyện cho sự hoàn thành cánh chung. Hai lời cầu xin này được tìm thấy theo cùng một thứ tự và gần như giống nhau trong lời cầu nguyện của Qaddish kết thúc buổi cử hành trong hội đường. Mặc dù lời cầu nguyện này muộn hơn đoạn văn trong Luca, nhưng nó cho thấy rằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu có nhiều điểm tương đồng với lời cầu nguyện truyền thống của người Do Thái.

Có một câu hỏi về ý nghĩa của từ hiếm thấy, đó là từ “bánh” (epiousion). Hầu hết các nhà chú giải đồng ý rằng “hàng ngày” nắm bắt tốt nhất nội dung của nó. Hình thức động từ được sử dụng trong lời thỉnh cầu này biểu thị sự trao ban liên tục. Những đặc điểm này diễn tả sự phụ thuộc thường xuyên vào Thiên Chúa hơn là một hình thức thỏa mãn mang ý nghĩa cánh chung nào đó. Lời cầu xin tiếp theo bao gồm một sự nhìn nhận rằng ơn tha thứ của Thiên Chúa đồng nghĩa với việc tha thứ cho người khác. Lời thỉnh cầu cuối cùng cầu nguyện để một người không bị cám dỗ lấn át. Tất cả những lời thỉnh cầu này đều chỉ ra sự cần thiết liên tục đối với Thiên Chúa trong những cuộc đấu tranh hiện tại của cuộc sống.

Sự kiên trì mà người ta cần phải có khi cầu nguyện được minh họa bằng câu chuyện về người đàn ông đã đánh thức người bạn đang ngủ của mình. Người bạn đó không khó chịu vì bị đánh thức, cũng như không muốn chối từ việc chia bánh cho bạn mình. Anh khó chịu vì không muốn làm phiền gia đình. Tuy nhiên, cuối cùng anh ta cũng phải nhượng bộ, bởi vì người bạn khăng khăng của anh vẫn nhất mực với công việc của mình. Những gì không đạt được vì tình bạn đã được hoàn thành nhờ sự kiên trì.

Những bài học rút ra về cầu nguyện cuối cùng cũng được trình bày rõ ràng. Giống như người bị đánh thức khỏi giấc ngủ, Thiên Chúa sẵn lòng ban ơn, nhưng người ta phải cầu xin; Thiên Chúa sẵn sàng bày tỏ, nhưng người ta phải tìm kiếm; Thiên Chúa sẵn lòng mở cửa, nhưng người ta phải gõ cửa. Thiên Chúa sẵn sàng đáp trả những lời cầu nguyện, nhưng người ta phải cầu nguyện. Việc Thiên Chúa sẵn sàng  ban lời cầu nguyện được mô tả qua việc sử dụng một hình thức lập luận của người Do Thái: “từ điều nhỏ hơn đến điều lớn hơn”. Nếu một người cha nhân loại mà còn cho con cái mình những điều tốt lành hơn là những điều có hại, thì Cha trên trời sẽ ban những điều tốt lành cho những ai cầu xin, mà điều tốt lành nhất là Thánh Thần? Toàn bộ bài giảng này khuyến khích các môn đệ kiên trì cầu nguyện.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 2634-2636 : lời kinh chuyển cầu

+ GLHTCG 2566-2567 : mọi người được kêu gọi cầu nguyện

+ GLHTCG 2761-2772 : kinh Lạy Cha là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng

+ GLHTCG 2609-2610, 2613, 2777-2785 : trở về với Thiên Chúa bằng sự gắn bó đầy tình con thảo.

+ GLHTCG 2654 : Lectio Divina

+ GLHTCG 537, 628, 1002, 1227 : được an táng và phục sinh trong Phép Rửa

Lm Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 84)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 159)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 188)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 173)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 236)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 185)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Thường niên– Năm B (29/01/2024 09:33:43 - Xem: 344)

Theo Phúc âm Máccô, những việc chính của Đức Giêsu mỗi ngày là những việc gì? Việc gì quan trọng hơn?

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Thường niên năm B (22/01/2024 08:10:00 - Xem: 293)

Phép lạ này có đem lại cho bạn niềm hy vọng, khi bạn đứng trước cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, trong thế giới hôm nay không ?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 Thường niên– Năm B (15/01/2024 08:06:21 - Xem: 297)

Ngày nay, để làm môn đệ bước theo Chúa Kitô, chúng ta thường phải trả những giá nào? Hãy nhớ lại một kinh nghiệm của bản thân.

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 2 TN – Năm B -2024 (10/01/2024 07:20:06 - Xem: 235)

Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu cho Anrê, rồi Anrê lại giới thiệu Đức Giêsu cho Simon. Theo ý bạn, để trở thành một người giới thiệu Đức Kitô, cần có những điều kiện gì?

Bài viết mới