Suy tư - Cảm nghiệm

Thực hiện công việc của Chúa Quan Phòng

  • In trang này
  • Lượt xem: 938
  • Ngày đăng: 21/01/2023 08:54:51

THỰC HIỆN CÔNG VIỆC CỦA CHÚA QUAN PHÒNG

 

Sứ điệp Tin Mừng ngày đầu Xuân Mới hôm nay mời gọi chúng ta có cách thức cụ thể giúp đỡ người nghèo sống đúng nhân phẩm của họ...

 

 

Bài Tin mừng hôm nay giúp chúng ta duyệt lại những tương quan với của cải vật chất và trình bày hai chủ đề có tầm quan trọng khác nhau:
  • Tương quan của chúng ta với tiền bạc (Mt 6, 24) 
  • Và tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Quan Phòng: “ (Mt 6, 25-34). 

 

Lời khuyên của Chúa Giêsu đưa ra một số câu hỏi khó trả lời. Chẳng hạn, ngày nay chúng ta hiểu thế nào về lời khẳng định: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24)? Làm sao hiểu được lời khuyên đừng lo lắng về ăn uống, về ăn mặc: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc” (Mt 6, 25)?

 

Bạn không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của. Chúa Giêsu đã khẳng định rất rõ ràng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”… Mỗi người phải có sự lựa chọn của riêng mình. Họ nên tự hỏi: “Tôi dành ưu tiên cho điều gì trong đời mình: cho Thiên Chúa hay tiền của?” Sự lựa chọn này sẽ phụ thuộc vào việc hiểu biết và làm theo lời khuyên của Chúa: “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 25-34). Đây không phải là vấn đề về sự lựa chọn vốn chỉ ở trong đầu óc của một người, mà còn là một sự lựa chọn rất cụ thể liên quan đến thái độ trong cuộc sống.

 

Chúa Giêsu phê phán việc lo lắng thái quá về của ăn, áo mặc: “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc.” Ngay cả trong thời đại của chúng ta, lời chỉ trích này của Chúa Giêsu gây ra sự sợ hãi to lớn cho người ta, bởi vì nỗi lo lắng lớn nhất của tất cả mọi người, nhất là các bậc cha mẹ, là làm sao có cơm ăn áo mặc cho gia đình và con cái họ. Thật ra, sự chỉ trích của Chúa Giêsu dựa trên điều căn bản: cuộc sống đáng giá hơn thức ăn và cơ thể đáng giá hơn quần áo: “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” Để làm sáng tỏ hoặc giải thích lời chỉ trích của mình, Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn: chim trên trời và hoa ngoài đồng.

 

Dụ ngôn chim trời: mạng sống quý hơn của ăn. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta nhìn vào bầy chim trời: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt 6: 26) Chúa Giêsu chỉ trích việc lo lắng thái quá về miếng ăn vì nếu nó chiếm hết mọi suy nghĩ và hoạt động của đời sống con người, thì không còn chỗ để xây dựng và cảm nghiệm những giá trị tinh thần và tâm linh, chẳng hạn tình anh chị em thân thiết và cảm thức thuộc về Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao các hoạt động kinh tế, nếu chỉ nhằm tối đa hóa lợi nhuận, mà không quan tâm đầy đủ đến các giá trị luân lý, nhằm phát huy phẩm giá và ơn gọi của con người, thì đó là sự giả dối vì nó lạm dụng con người, như Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo số 334 khẳng định: “Huấn quyền xã hội của Giáo Hội đã cảnh báo chúng ta về sự giả dối đang ẩn đằng sau những sự phát triển chỉ nghiêng về số lượng:“tình trạng mọi mặt hàng vật chất có sẵn tới mức thái quá nhằm phục vụ cho ích lợi của một số tập thể trong xã hội sẽ làm cho dân chúng dễ dàng trở thành nô lệ cho sự “chiếm hữu” và sự thoả mãn tức thời…” Dân chúng dễ dàng mua sắm thức ăn, quần áo, vật dụng, nhưng lại phải quay cuồng trong lao nhọc kiếm tiền cả ngày, để theo kịp khuynh hướng tiêu dùng theo thị hiếu chung. Điều này tạo ra nỗi lo lắng, đôi khi thống khổ, trong trào lưu mua bán và tiêu dùng tới độ không còn không gian cho bất cứ điều gì khác. Chúa Giêsu nói rằng cuộc sống có giá trị hơn hàng hóa được tiêu thụ: “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6: 25) Của ăn là để nuôi sự sống, áo quần là để bảo vệ thân thể; thế mà lo lắng về của ăn và áo mặc đến độ quên mất mục đích cơ bản của việc ăn và mặc: quên mất mạng sống và thân thể, quên mất lẽ sống, dần rơi vào lối sống duy vật, hạn hẹp trong cơm áo gạo tiền: “Đây chính là cái được gọi là văn minh “tiêu thụ” hay “chủ nghĩa tiêu thụ” (Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo số 334). Thánh Phaolô nói: “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6: 10).

 

Hoa huệ ngoài đồng: thân xác quý hơn áo mặc. Chúa Giêsu yêu cầu nhìn vào những bông huệ ngoài đồng. Chúa mặc cho chúng trang nhã và đẹp đẽ làm sao! “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” (Mt 6: 28-30) Chúa Giêsu nói hãy nhìn vào thiên nhiên, vì khi nhìn bông hoa, vào cánh đồng, người ta sẽ nhớ đến ơn gọi tươi đẹp mình đang có: “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài” (Mt 6: 33). Sống và hoạt động cho Nước Trời là tạo dựng một cuộc chung sống mới trong tinh thần anh chị em thân thiết, đảm bảo cơm ăn áo mặc cho mọi người, nhất là những người còn đói ăn thiếu mặc, nhân phẩm không được tôn trọng: “Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4: 5-6, 8).

 

Chúa Giêsu chỉ trích sự lo lắng thái quá về cơm ăn áo mặc, và Ngài so sánh: “Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm!” (Mt 6: 32). Có sự khác biệt trong cuộc sống của những người có niềm tin vào Chúa Giêsu và những người không có niềm tin vào Ngài. Những ai có niềm tin vào Chúa Giêsu thì chia sẻ với Ngài kinh nghiệm về sự trao ban nhưng không của Thiên Chúa Cha: “Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Kitô Giêsu” (Mt 4: 7). Kinh nghiệm này về Thiên Chúa sẽ thúc đẩy tạo ra một đời sống cộng đoàn huynh đệ bình an, tươi vui, và là nền móng của một xã hội mới: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!.. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.” (Pl 4: 4,9).

 

Chúa Giêsu chỉ ra hai tiêu chuẩn: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài” (Mt 6: 33) và “Anh em đừng lo lắng về ngày mai” (Mt 6: 34). Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo số 321-322 viết: “Sự quan phòng chính là Thiên Chúa lo liệu với sự khôn ngoan và tình thương để dẫn đưa mọi thụ tạo tới cùng

đích tối hậu của chúng. Chúa Kitô mời gọi chúng ta phó thác với tâm tình con thảo vào sự quan phòng của Cha trên trời (Mt 6,26-34). Thánh Phêrô cũng nhắc: "Mọi lo âu, hãy trút cả cho Ngài vì Ngài chăm sóc anh em" (1Pr 5,7) (Tv 55,23)”.

 

Tìm kiếm Nước Trời và đức công chính của Ngài là một cung cách thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa và để Thiên Chúa ngự trị trong cuộc đời chúng ta. Việc tìm kiếm Thiên Chúa được diễn tả cụ thể trong việc tìm kiếm một cuộc sống huynh đệ và công bằng với nhau. Và từ mối quan tâm đến Nước Trời này phát sinh một đời sống cộng đoàn, trong đó mọi người sống như anh chị em, không ai bị thiếu thốn điều gì, không phải cứ lo lắng về cái ăn cái mặc cho ngày mai, cứ lo lắng về việc tích trữ của cải vật chất cho riêng mình, nhưng chia sẻ theo cách mà tất cả đều có những gì cần thiết, để sống càng nhiều càng tốt theo lý tưởng: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2: 44-46).  

 

Nước Trời là đời sống mới anh chị em với nhau, trong đó mỗi người cảm thấy mình có trách nhiệm đối với người khác. Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo số 329  “Của cải hoàn thành chức năng phục vụ con người khi chúng được hướng tới việc đem lại ích lợi cho người khác và cho xã hội. Thánh Clêmentê thành Alexandria tự hỏi:“Chúng ta làm sao có thể làm điều tốt cho người lân cận khi chẳng ai trong chúng ta có chút của cải?” Còn theo quan điểm của Thánh Gioan Kim Khẩu, của cải thuộc về một số người để những người này lập được công trạng bằng cách chia sẻ cho người khác. Của cải là một điều tốt xuất phát từ Thiên Chúa và phải được người sở hữu nó sử dụng và lưu thông thế nào cho cả người túng thiếu cũng được hưởng. Sự xấu xa lộ ra khi người ta tha thiết quá độ với của cải và tham lam tích trữ. Thánh Basiliô Cả kêu gọi người giàu hãy mở cửa nhà kho của mình và ngài khuyên họ: “Dòng nước lũ lớn chảy qua hàng ngàn kênh rạch để tràn ngập hết đất đai màu mỡ. Cũng thế, bằng hàng ngàn nẻo đường khác nhau, quý vị hãy làm sao cho của cải nhà mình đến được nhà những người nghèo túng”. Thánh Basiliô giải thích: của cải tựa như nước lấy từ giếng: càng kín múc thường xuyên, nước càng trong, và nếu không sử dụng, nước trở nên vẩn đục. Sau này thánh Grêgôriô Cả cũng nói: người giàu chỉ là người quản lý những gì mình đang có; cho người nghèo những gì họ cần chính là một nhiệm vụ phải thi hành với lòng khiêm tốn, vì của cải không thuộc về người phân phát chúng. Kẻ nào giữ của cải lại cho riêng mình sẽ mắc tội; còn cấp phát cho những người túng thiếu là đã trả xong một món nợ.” Quan tâm đến Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài chinh là quan tâm đến việc đón nhận Thiên Chúa là Cha, và trở thành anh chị em của người khác. “Thiên Chúa quan phòng cũng hành động qua hành động của các thụ tạo. Thiên Chúa cho con người được tự do cộng tác vào các kế hoạch của Ngài” (GLGHCG số 323).

 

Sứ điệp Tin Mừng ngày đầu Xuân Mới hôm nay mời gọi chúng ta có cách thức cụ thể giúp đỡ người nghèo sống đúng nhân phẩm của họ và đừng để ai phải bị gạt ra bên lề hoặc bị bỏ lại đàng sau sự tăng trưởng chung của cộng đồng nhân loại, khiến họ phải luôn: “lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?” (Mt 6: 31).

 

Vào ngày 03 tháng Ba năm 2014, trong buổi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “Trước sự khốn cùng của con người, thật dễ bị cám dỗ để coi những lời của Chúa Giêsu về sự chăm sóc quan phòng của Chúa Cha là “trừu tượng, nếu không muốn nói là ảo tưởng.” Trên thực tế, những lời của Chúa Giêsu về Thiên Chúa và tiền bạc “thích hợp hơn bao giờ hết”: việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên dẫn chúng ta đến việc chia sẻ của cải của chúng ta với người nghèo, và do đó, Sự Quan Phòng của Thiên Chúa “đi qua việc chúng ta phục vụ người khác”.

 

Đức Thánh Cha nói tiếp. “Tấm vải liệm không có túi! Sẽ tốt hơn nếu chia sẻ, bởi vì chúng ta chỉ mang vào thiên đàng những gì chúng ta đã chia sẻ với những người khác.” 

Phêrô Phạm Văn Trung

Bài cùng chuyên mục:

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 59)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Có phải Giu-đa tham tiền bán Chúa? (28/03/2024 05:42:17 - Xem: 63)

Bi kịch của Giuđa là đã để ý mình trên ý Chúa, theo Chúa nhưng nhất định không để Chúa biến đổi mình.

Gia vị cho bài giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B (20/03/2024 16:23:14 - Xem: 387)

“Chúng ta là những người thích nghe các câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống đức tin…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật lễ Lá (20/03/2024 07:40:34 - Xem: 481)

Trên con đường thập giá, Ðức Giêsu đã đi đến tột cùng của nỗi cô đơn: “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”.

Tội nào đáng bị lên án! (19/03/2024 14:18:30 - Xem: 322)

Biết bao hòn đá của ngôn từ nơi miệng “thanh cao” từ cá nhân hay đám đông đầy tiêu cực, giả dối, lọc lừa… cứ thoải mái ném vào tâm hồn những người mỏng manh yếu đuối.

Tình yêu khôn dò của Thiên Chúa nơi cái chết trên thập giá của Đức Kitô (15/03/2024 07:27:06 - Xem: 393)

Trong khi chờ đợi tới ngày chung thẩm, chúng ta sẽ sống như thế nào? Chúng ta sẽ chuẩn bị ra sao?

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 14:56:18 - Xem: 617)

Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới hình thành.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 05:52:15 - Xem: 455)

Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta hãy chôn mình trong lòng đất bằng cách hy sinh cho tha nhân như Chúa Giêsu đã làm.

Chay tịnh internet (10/03/2024 05:05:23 - Xem: 363)

Khi tự nguyện kiêng khem là để loại bỏ những hậu quả tiêu cực trong việc sử dụng internet, kể cả những hậu quả trên sức khoẻ tâm lý.

Chịu đau khổ như Đức Kitô nghĩa là gì? (05/03/2024 14:04:45 - Xem: 382)

Mức độ đau khổ trọn vẹn mà Chúa Giêsu gánh chịu là một mầu nhiệm, nhưng không phải là không thể hiểu được.

Bài viết mới