Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 26/05/2021 – Thứ Tư tuần 8 thường niên. – Thánh Philipphê Nêri, linh mục. Lễ nhớ. – Tiên báo Thương Khó.

  • In trang này
  • Lượt xem: 12,291
  • Ngày đăng: 25/05/2021 11:00:00

Tiên báo Thương Khó.

26/05 – Thứ Tư tuần 8 thường niên. – Thánh Philipphê Nêri, linh mục. Lễ nhớ.

"Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp".

 

* Sinh năm 1515 tại Phirenxê, thánh nhân đến Rôma và dấn thân lo cho thanh thiếu niên. Người đi vào con đường trọn lành và lập một hội chuyên phục vụ người nghèo. Lãnh chức linh mục năm 1551, người lập Dòng Ô-ra-toa, chuyên lo cầu nguyện và làm việc bác ái trong giới thanh thiếu niên, các bệnh nhân, các tù nhân. Nét nổi bật trong đời của thánh nhân là người yêu thương tha nhân cách thiết thực, đơn sơ và vui vẻ. Người qua đời năm 1595.

 

Lời Chúa: Mc 10, 32-45

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem, Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi. Người gọi mười hai ông lại gần và nói cho các ông biết những gì sẽ xẩy đến cho Người: "Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế, các luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ kết án tử hình Người và nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào Người, đánh đòn và giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại".

Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đến gần Người và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người đáp: "Các con muốn Thầy làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Chúa Giêsu bảo: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được". Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định".

Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan.

Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: "Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Không được như vậy

Suy niệm :

Khi nghĩ đến những đau khổ Đức Giêsu phải chịu

chúng ta thường nghĩ ngay đến cuộc Khổ nạn của Ngài.

Chúng ta ít nghĩ đến một đau khổ khác,

đó là Ngài phải chịu đựng sự chậm hiểu của các môn đệ.

Bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ khá rõ.

Khi đang trên đường lên Giêrusalem,

Thầy Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai để loan báo cho họ lần thứ ba

về những gì sắp xảy đến cho mình trong cuộc Khổ nạn (c. 32).

Tiếc thay, hai môn đệ thân tín là Giacôbê và Gioan,

vẫn loay hoay ở lại trong tham vọng về chức quyền của mình.

Họ nói với Thầy Giêsu một câu không được lịch sự lắm:

“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con bất kỳ điều gì chúng con xin.”

Vậy mà Thầy vẫn nhẹ nhàng trả lời họ:

“Các anh muốn Thầy làm gì cho các anh?” (c. 36).

Họ đã dám xin được ngồi hai chỗ cao nhất trong vinh quang Nước Thầy.

Thầy Giêsu thú nhận mình không có quyền cho điều đó,

nhưng Thầy lại mời hai ông chia sẻ chén đắng Thầy sắp uống

và dìm mình thật sâu trong phép rửa Thầy sắp chịu (c. 38).

Khi thấy mười môn đệ kia tức giận với Giacôbê và Gioan,

Thầy Giêsu đã huấn dụ cho cả nhóm về cách lãnh đạo trong Giáo Hội.

Cách lãnh đạo này khác hẳn cách lãnh đạo ngoài đời,

thường dùng quyền uy để thống trị và mưu cầu tư lợi.

“Giữa anh em thì không được như vậy!” (c. 43).

Mọi chức vụ và quyền bính là để phục vụ cho Dân Chúa.

Thầy Giêsu chỉ cách hành xử cho những ai muốn làm lớn, làm đầu.

Đó là sống như người đầy tớ, người phục vụ (c. 44).

Thầy Giêsu đã không nói suông, nhưng sống điều Ngài giảng.

Rõ ràng Thầy là người có uy quyền (Mc 1, 22.27; 2, 10).

Nhưng quyền uy đó chỉ được dùng để rao giảng và để giải phóng.

Suốt đời Thầy đã sống như một người phục vụ.

Và giờ đây, cái chết của Thầy chính là một việc phục vụ cao nhất.

Lần đầu tiên Thầy Giêsu nói rõ ý nghĩa cái chết của mình.

Như người Tôi Trung trong ngôn sứ Isaia (Is 52,13 - 53,12)

Thầy phải trả giá bằng mạng sống để cứu chuộc muôn người (c. 45).

Không dễ kéo các môn đệ ra khỏi những tham vọng trần tục.

Thầy Giêsu vẫn thấy mình lạc lõng bên cạnh các môn đệ.

Họ không hiểu được Thầy, và cũng chẳng muốn đi đường Thầy đi.

Làm sao để chúng ta cảm được hạnh phúc của việc phục vụ ?

Làm sao để chúng ta hiểu rằng phục vụ không làm con người hèn hạ,

nhưng lại nâng cao con người và ban cho nó sự lớn lao đích thực ?

Chính Chúa Giêsu, Đấng được thành toàn nhờ suốt đời phục vụ,

là chỗ dựa đầy hy vọng của chúng ta.

 

Cầu nguyện :

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: PHỤC HỒI VINH QUANG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Bị ngoại bang xâm lấn. Mất nước. Nô lệ. Nhục nhã. Người Do thái nhớ lại thời huy hoàng. Được Chúa phù trợ. Ngẩng đầu hiên ngang trước các cường quốc. Vì thế họ nài xin Chúa hãy trở lại. Hãy tái diến những kỳ công thuở xa xưa. Hãy phục hồi dân Chúa. Để cho mọi người nhận biết và tôn thờ Chúa. “Xin cho tái diễn những điềm thiêng và lại làm những dấu lạ khác. Các chi tộc Gia-cóp, nguyện chúa thương quy tụ cả về. Xin thương trả lại phần gia sản, như Chúa đã cho họ thuở ban đầu…Xin làm cho khắp cả Xi-on vang lời tường thuật những kỳ công của Chúa, và làm cho thánh điện, được rực rỡ ánh vinh quang của Ngài.. Và mọi người trên mặt đất sẽ nhìn nhận Ngài là Đức Chúa, là Thiên Chúa muôn thuở muôn đời” (năm lẻ).

Thiên Chúa đáp lời. Gửi Con Một từ trời xuống cứu độ con người. Nhưng không phải bằng bạo quyền thống trị theo thói người đời. Như hai anh em nhà Dê-bê-đê lầm tưởng. Nhưng bằng khiêm nhường phục vụ. Đến hi sinh mạng sống. Như Chúa dạy dỗ các tông đồ: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Con đường của Chúa là con đường khiêm nhường. Hạ mình để phục hồi anh em. Chịu chết để cứu sống anh em. Chịu nhục nhã để anh em được vinh quang. Vì thế Chúa quả quyết lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Điều đó khiên các môn đệ kinh hoàng. Nhưng đó mới là con đường vinh quang. Chúa được vinh quang. Và Chúa phục hồi ta trong vinh quang.

Vì thế thánh Phê-rô khuyên nhủ chúng ta. Trước hết phải nhận biết sự thật. Chúng ta được phục hồi không phải do thế lực trần gian. Nhưng do bửu huyết của Chúa Giê-su. Chúa đi vào con đường khiêm nhường phục vụ. Chịu chết rồi phục sinh. Đó là niềm hi vọng của chúng ta. Nếu đã biết sự thật. Ta hãy thanh luyện tâm hồn khỏi các thế lực trần gian. Hãy biết khiêm nhường phục vụ lẫn nhau. Yêu thương nhau: “Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn. Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (năm hẵn).

 

Suy Niệm 3: Tiên báo cuộc tử nạn

Dù không có ghi lại những chỉ dẫn địa lý chính xác, người ta cũng biết rằng Chúa Giêsu đang tiến đến gần các biến cố trọng yếu của định mệnh Ngài. Ngài đã băng ngang vùng Galilê từ Bắc tới Nam. Thánh sử Marcô đã nhấn mạnh hành trình lên Yêrusalem này qua ba lần loan báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và đây là lần loan báo thứ ba.

Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cái chết của Ngài như một con đường tất yếu phải đi qua. Giữa lúc mọi người đang thán phục về những lời rao giảng và các phép lạ của Ngài, giữa lúc mọi người đang chờ những điều phi thường hơn nữa, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết".

Chết là điều tất yếu của thân phận làm người. Ðã nhập thể làm người, Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi định luật ấy. Thế nhưng, khi loan báo về cái chết của mình, Chúa Giêsu muốn nối kết nó với sứ mệnh của Ngài. Sứ mệnh của Ngài chỉ được thực hiện bằng con đường sự chết. Người ta chống đối Ngài, người ta giết chết Ngài vì cuộc sống, lời nói và việc làm của Ngài là một tố cáo tội ác của con người; Ngài bị chống đối đến cùng, vì cuộc sống và sứ mệnh của Ngài là một hành trình đi ngược dòng đời.

Người Kitô hữu đích thực cũng không thể tránh được số phận ấy. Là chứng nhân của Ðấng đã đi ngược dòng đời, họ cũng không thể thoát khỏi những chống đối. Cái chết âm thầm, cái chết từng giây phút chống lại tội lỗi và sự dữ là điều tất yếu trong cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô; có chết như thế, họ mới biết rằng mình đang đi đúng con đường của Chúa Kitô, con đường dẫn đến sự sống đích thực.

Dù sống trong nghèo nàn, dù sống trong cơ cực, khổ đau, xin cho chúng ta luôn vững tin vào Ðấng đã đi qua con đường sự chết để dẫn đưa chúng ta vào cõi trường sinh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Thập giá Chúa Kitô, Tin Mừng của ta

“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào mặt Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau Người sẽ sống lại.” (Mc. 10, 33-34)

Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu lại loan báo cho Nhóm Mười Hai, cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người. Đây là lần loan báo thứ ba và cũng là dài hơn cả. Câu trả lời của các môn đệ xác nhận các ông đã quen cả rồi, ngay cả không còn sững sờ về điều tiên tri này nữa. Các ông vẫn bận tâm muốn biết mình sẽ có được địa vị nào trong cái vương quốc trần gian, mà theo các ông ước đoán, thì Thầy của họ sẽ gặp phải đau khổ và phải chết.

Khi thuận lợi và khi không thuận lợi

Chẳng lạ gì một sứ điệp phải loan báo đi mà lại mang vẻ ít hấp dẫn như vậy, gặp phải và luôn luôn sẽ gặp phải sự không hiểu; bao giờ sứ điệp ấy cũng vẫn sẽ là dấu hiệu bị người đời chống đối; phần chúng ta cho đến tận cùng thời gian sẽ bị cám dỗ muốn quên đi hay lẩn tránh sứ điệp ấy. Mầu nhiệm ấy, sứ điệp ấy vừa khó sống, lại vừa khó loan đi và ở mọi thời sẽ là đối tượng tầm thường cho bộ máy tuyên truyền nhắm vào. Tuy nhiên chính đó lại là nét đặc trưng của chúng ta. Nếu ta đánh mất đi thì còn gì để nói cũng như còn gì khôn ngoan hơn để dạy.

Hạnh phúc, công bình, chính trực chúng ta đâu có độc quyền. Nhưng “sự điên rồ của thập giá, nguồn tràn chảy ơn phục sinh” mới thật sự là của chúng ta. Khi ta loan báo điều gì khác không phải là “Đức Giêsu chịu đóng đinh, đã sống lại từ cõi chết”, ta đua tranh với những người giầu lòng nhân ái yêu thương, những bậc hiền nhân quân tử, và những vị ân nhân của nhân loại, điều đó tốt, nhưng không biện minh được cho hiện hữu cuộc đời Kitô hữu của ta. Không có ta, người ta vẫn có thể sống hạnh phúc và chính trực. Nhưng nếu ta không sống và loan đi sứ điệp của ta bằng một tình yêu nhưng không, tự do chấp nhận hiến thân, chết không chỉ cho bạn hữu mình mà còn cho cả những ai xa lạ, thù địch thì người ta sẽ không bao giờ hiểu biết được tình yêu sâu thẳm khôn lường của Thiên Chúa là thế nào.

Chẳng ai đã trông thấy Thiên Chúa bao giờ, mà chỉ thông qua những dấu chỉ, những bí tích mà con người được tiếp xúc với Người. Chỉ có một dấu chỉ tương xứng với một Thiên Chúa yêu thương chính là Đức Giêsu chết vì yêu thương, chính là những Kitô hữu nối gót Người, nhờ Người, và trong Người góp phần làm cho cái mầu nhiệm của một tình yêu đã làm nên những việc lạ lung của Thiên Chúa được trải dài đến thiên thu bất tận. Phúc âm không phải là công bố một hiệp ước xã hội đã được soạn thảo cách khoa học, nhưng là việc của Thánh Thần ngự trị trong Vương quốc tình yêu điên dại tuyệt vời, xâm nhập trái tim con người vậy.

 

Suy Niệm 5: QUA SỰ CHẾT MỚI ĐẾN VINH QUANG (Mc 10, 32-45)

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay có thể ví như nước thủy triều dâng. Tại sao thế? Thưa! Vì Đức Giêsu đang tiến dần đến cái chết của Ngài. Ngài tiến gần cả về địa lý lẫn thời gian cũng như khung cảnh bề ngoài.

Về mặt địa lý, Ngài đang lên gần đến thành Giêrusalem;

Về thời gian, đây là thời điểm thuận lợi để những người Pharisêu, Kinh Sư và những kẻ không ưa Ngài dễ dàng thực hiện ý định giết Ngài;

Về tâm lý, việc Ngài giảng dạy hấp dẫn và những việc Ngài làm thu hút dân chúng, nên người ta không ngớt lời khen ngợi, đây là dịp châm ngòi cho sự ghen tương sẵn có nơi giới lãnh đạo Dothái.

Vì thế, Ngài đã loan báo lần cuối cùng về số phận của Người Tôi Trung: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết”.

Chết là quy luật không thể bỏ qua cho những ai muốn sống. Không có sự chết, không có phục sinh. Nhưng điều quan trọng là chết như thế nào và làm sao phải chết? Đây mới là điều cốt lõi.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Đức Giêsu, đó là vì yêu thương mà không chịu xã hội mua chuộc; không chấp nhận sợ tiếng chửi và ăn mày tiếng khen mà đánh mất tinh thần vâng phục cũng như sứ vụ cứu rỗi nhân loại... Vì thế, Đức Giêsu đã chấp nhận chết vì yêu, vì sứ vụ.

Mỗi người Kitô hữu cần phải xác định rõ quy luật tất yếu này là: nếu ta thuộc về Đức Kitô, ấy là chúng ta chấp nhận đi cùng Ngài để lội ngược dòng. Khi lội ngược dòng như thế, chúng ta sẽ không tránh khỏi sự thù nghịch, khinh khi, và ngay cả mạng sống.

Như Đức Giêsu, chúng ta chỉ có được sự sống viên mãn khi chấp nhận quy luật ngược đời như vậy mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, tin và theo Chúa thật không dễ! Nhưng xin cho con hiểu rằng, vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu chỉ có được nơi những tâm hồn trung thành đến cùng. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Sáu 29/03/2024 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA. – Thủ phạm giết Chúa. (28/03/2024 10:00:00 - Xem: 389)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

Thứ Năm 28/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY. – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ (27/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,070)

THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

Thứ Tư 27/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN THÁNH. – Dung mạo kẻ phản bội. (26/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,538)

THỨ TƯ TUẦN THÁNH.

Thứ Ba 26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô. (25/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,687)

THỨ BA TUẦN THÁNH.

Thứ Hai 25/03/2024 – THỨ HAI TUẦN THÁNH. – Yêu là cho đi. (24/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,905)

THỨ HAI TUẦN THÁNH.

+ Chúa Nhật 24/03/2024 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B. – Chúa Giêsu: tung hô và thương khó. (23/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,078)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B.

Thứ Bảy 23/03/2024 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính. (22/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,402)

Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

Thứ Sáu 22/03/2024 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý. (21/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,040)

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm 21/03/2024 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay. – Niềm tin và lý trí. (20/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,026)

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Tư 20/03/2024 – Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay. – Ðức Tin Chân Chính. (19/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,938)

Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay.

Bài viết mới