Lời chúa mỗi ngày

Thứ Sáu 31/03/2023 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,160
  • Ngày đăng: 30/03/2023 10:00:00

Ðường chân lý.

31/03 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

"Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ".

 

Lời Chúa: Ga 10, 31-42

Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: "Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?"

Người Do-thái trả lời: "Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa".

Chúa Giêsu đáp lại: "Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: "Ta đã nói: các ngươi là thần"? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng "Ông nói lộng ngôn", vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha".

Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: "Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả". Và có nhiều kẻ tin Người.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Tôi là Con Thiên Chúa

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua,

Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng.

Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa

chỉ vì đã nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).

Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33).

Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy,

vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).

Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng.

Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị.

Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18),

đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).

Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33),

trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.

Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói:

“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).

Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30).

Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau,

Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình.

Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình,

Con luôn sống như người được Cha sai.

Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc,

mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.

Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32).

Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37).

Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.

Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).

Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao.

Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài:

“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi,

ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).

Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.

“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36).

Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.

Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy,

được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.

Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này

trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con dám hành động

theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,

vì xác tín rằng

Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,

Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,

và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,

xin cho con dám liều theo Chúa

mà không tính toán thiệt hơn,

anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,

can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,

và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa

những hy sinh làm cho tim con rướm máu,

con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt

của người một lòng theo Chúa. Amen.

 

Suy Niệm 2: Thoát khỏi tay họ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ma quỉ chống lại Thiên Chúa. Đó chính là nguồn gốc sự dữ. Những kẻ ác tiếp tục công việc của ma quỉ chống lại các sứ giả của Thiên Chúa. Vì Lời Chúa kết án lối sống vô đạo của họ. Vì đời sống công chính của các ngài vạch trần lối sống xấu xa của họ. Vì thế kẻ ác luôn tìm giết kẻ lành. Thế lực kẻ ác rất mạnh. Vì chúng có quyền trên trần gian. Nhưng người công chính vẫn luôn can đảm làm chứng cho Chúa. Và sẵn sàng chịu mọi đau khổ vất vả. Vì các ngài tin tưởng Thiên Chúa sẽ đến giúp đỡ và giải thoát các ngài. Giê-rê-mi-a, giữa cơn khốn cùng vẫn luôn tin tưởng: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con”. Hơn nữa Thiên Chúa sẽ giải cứu các ngài: “Hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo”.

Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Nhưng kẻ ác vẫn không buông tha Người. Dù họ chẳng có lý lẽ nào bào chữa. Họ nại đến Lề Luật. Nhưng Lề Luật làm chứng về Người. “Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’”.Họ ném đá Chúa vì cho rằng Người phạm thượng. Nhưng Chúa đã làm những công việc của Chúa Cha. Những điềm kỳ dấu lạ. Xua trừ ma quỉ. Phục sinh kẻ chết. Rõ ràng nếu không phải là Thiên Chúa thì không thể làm được những điều kỳ diệu vượt sức loài người như thế. Tuy nhiên dù có ghen ghét họ chẳng làm gì được Chúa. “Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ”. Và dù họ có giết chết, Người đã phục sinh và hằng sống.

Thế gian thật dữ dội. Nhưng Thiên Chúa là sức mạnh. Tôi hãy đi vào con đường của Chúa Ki-tô. Không chạy theo thế lực trần gian. Chỉ tin tưởng và trung tín với Thiên Chúa. Tôi sẽ chịu thiệt thòi. Nhưng Thiên Chúa ở với tôi. Người giải thoát tôi khỏi mọi ràng buộc của thế lực sự dữ. Người giải thoát tôi khỏi dính bén với những cám dỗ trần gian. Thoát mọi mưu mô cạm bẫy trần gian. Cho tôi đạt tới Người. Kết hợp với Người.

 

Suy Niệm 3: Ðường chân lý

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ðây là lần thứ hai những người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu vì Người xưng mình là Con Thiên Chúa. Sự xung khắc giữa hai bên, một bên vì sự thật, bên kia vì mê muội, càng ngày càng gia tăng. Chúa Giêsu cương quyết thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người bất chấp mọi nguy hiểm, kể cả nguy cơ bị giết chết. Người Do Thái cũng nhất quyết loại trừ Chúa Giêsu vì họ cho Người phạm thượng. Cuộc đối kháng sẽ đi đến cao trào vào ngày lễ Lá khi Chúa Giêsu công khai vào thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia. Về phía các đối thủ của Chúa Giêsu, họ cũng lập một kế hoạch để trừ khử Người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, người Do Thái khăng khăng buộc tội Chúa Giêsu, họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ không thèm đếm xỉa đến những việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện, cũng không thèm nghe những lời người khác làm chứng về Chúa Giêsu để xét xem Người có phải là Ðấng Mêsia hay không? Càng đối chất với Chúa Giêsu, họ càng trở nên ương ngạnh, ngoan cố. Vì tự ái và để bảo vệ tư lợi, họ không còn quan tâm đến tính cách khách quan của sự kiện, đầu óc họ bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chiếm ngự đó là phải khử trừ Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Sự giận dữ nung đốt lòng họ, biến họ thành những kẻ gian ác, như hình ảnh những tá điền hung dữ mà Chúa Giêsu đã mô tả trong các dụ ngôn Người giảng dạy trước đây.

Người xưa có nói: "Giận mất khôn", người Do Thái vì giận Chúa nên không còn kể gì sự khôn ngoan hay rồ dại nữa. Ðã biết bao lần Chúa Giêsu nhắc đến Chúa Cha. Người cố tình nhắc đi nhắc lại nhiều lần để mong họ thức tỉnh mà suy xét lại. Biết họ giận dữ, Người vẫn tiếp tục nói, không phải Chúa muốn chọc giận họ mà là muốn họ ăn năn sám hối và được cứu rỗi. Sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Người, Người phải thi hành đến cùng. Chúa Giêsu càng thiết tha giảng dạy cho họ, họ càng tức điên lên, Chúa Giêsu càng nói họ càng tức giận và cuối cùng, không dằn được cơn giận họ đành tóm lấy Chúa Giêsu để trừng trị cho hả dạ. May thay, Chúa Giêsu đã lánh ra khỏi chỗ họ mà đi sang bên kia sông Giordan.

Khung cảnh bên kia sông Giordan lắng dịu và khách quan hơn, ở đó có nhiều người đến với Chúa Giêsu, những người này là những người thành tâm thiện chí, họ muốn tìm ra sự thật về vị Thầy Giêsu mà dân chúng xôn xao bàn tán bấy lâu. Dư luận nói tốt về Người cũng có, mà dư luận nói xấu về Người cũng chẳng thiếu, họ bình tâm đứng giữa hai luồng dư luận và để tìm hiểu những lời ông Gioan đã nói về Chúa Giêsu, họ tin vào sự chân thật của ông Gioan, bởi ông được mọi người công nhận là một ngôn sứ đích thực. Ông đã nói nhiều điều về Chúa Giêsu, và những điều đó đã xảy ra đúng như lời ông nói. Lời chứng của một người chân thật thì phải là một sự thật, thế thì chắc chắn Chúa Giêsu phải là Ðấng Mêsia mà Kinh Thánh đã từng tiên báo. Dù có nhiều điều họ chưa hiểu tường tận, nhưng dựa vào lời chứng của Gioan, họ đã tin vào lời Chúa Giêsu và họ đã tìm đến với Người. Tấm lòng rộng mở của họ đã dẫn họ đến với sự thật.

Hai cách hành xử của hai nhóm người trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây là những gợi ý quý báu cho chúng ta khi phải nhận định đánh giá các nguồn dư luận quanh ta hàng ngày về Chúa Giêsu. Là những người yêu chuộng sự thật, chắc chắn chúng ta biết mình sẽ chọn con đường nào để đạt tới chân lý, để đến với Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn chân lý và là nguồn sự khôn ngoan. Xin ban cho con một trí óc luôn bình tâm sáng suốt, một con tim luôn khách quan vô tư, để con có thể nhận xét mọi người mọi việc quanh con và tìm ra sự thật mà đến với Chúa. Xin cho con cũng biết tích cực làm chứng cho sự thật mà mình đã xác tín.

 

Suy Niệm 4: Sống theo Chúa.

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Có người hỏi chị Lubich: “Làm sao chị có thể theo dõi hàng trăm ngàn người trên thế giới? Làm sao chị có thể hướng dẫn những người theo cùng một linh đạo?” Chị mỉm cười trả lời: “Tôi không theo dõi ai cả. Tôi chỉ theo Chúa từng giây phút và nếu tôi sống theo Chúa thì những người khác sẽ theo tôi”.

Bí quyết sống của chi Lubich thật ra được gợi hứng từ nếp sống của chính Chúa Giêsu. Ngài đã không nói suông, nhưng đã hành động, đã thi ân cho những ai thành tâm, tìm đến với Ngài. Ngài đã sống điều Ngài giảng dạy và luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa. Ngài đã như nài nỉ những kẻ không tin Ngài rằng: “Nếu các người không thể tin những lời Ta nói thì ít ra hãy tin những việc Ta làm”.

Trong các cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu đã mạc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan giữa Ngài và Chúa Cha: “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”. Nhưng người Do Thái không thể hoặc không muốn tin vào Chúa, họ vẫn khăng khăng coi Ngài chỉ là một con người, do đó họ đã lượm đá ném Chúa vì cho Ngài lộng ngôn khi dám xưng mình là Thiên Chúa. Những người Do Thái này đã quá chìm sâu trong tội lỗi của họ. Họ vui lòng với những gì đang làm, họ không cảm thấy cần đến ơn cứu rỗi.

Người Kitô chúng ta ngày nay cũng có thể bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục: chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu như một con người, một nhà cách mạng xã hội không hơn không kém. Chúng ta có thể bị cám dỗ lượm đá ném Chúa và những gì liên hệ đến Ngài.

Tác giả tập sách Đường Hy vọng đã nhắn nhủ: “Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và mời gọi người khác dâng hiến. Đó là cách con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả, con giúp họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong Đức Kitô. Đó là trách nhiệm của người kitô hữu; không được làm ngơ để người khác ném đá Chúa… Mỗi phút giây, con đang thực hiện chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử.

 

Suy Niệm 5: Bị dồn vào chân tường

Người Do-thái lại lấy đá ném Đức Giêsu. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi”. Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một việc phạm thượng: Ông là người thường mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” (Ga. 10, 31-33)

Một ông bạn nói, khi bị dồn vào chân tường thì chưa chắc đã xấu. Câu nói hóm hỉnh đó tiết lộ một kinh nghiệm nội tâm đặc biệt. Người ta có thể hiểu dễ dàng rằng toàn diện con người ông sẵn sàng sống với mọi biến cố.

Chính con người khi hoàn toàn bị dồn vào chân tường và thấy bất lực trước những biến cố, thì ý nghĩa của những biến cố đó giúp chúng ta thoát khỏi ngõ bí. Ai không sống trải qua cái cảm giác cùng cực và đối diện kinh khủng trước cái chế diễu của người thân yêu, của người tình tự tử hay một sự im lìm nặng nề, thì đó có phải là người của Thiên Chúa không?

Chính trong những lúc đặc biệt đó, chúng ta cảm nghiệm được sự nghèo khó tột độ thực sự của con người chúng ta. Người ta có thể muốn từ chối sự yếu đuối của mình, điều đó thường dẫn đến thất vọng, trái lại, người ta có thể biến nó thành bàn nhảy nhảy vọt tới hy vọng như lời thánh Phao-lô nói: “Chính lúc tôi yếu, là lúc tôi mạnh” (2Cor. 12, 10).

Câu nói trên theo kiểu loài người, thì người ta phải kêu lên là nghịch lý. Nhưng theo ngôn sứ Giê-rê-mi-a, thì người ta có thể nói: “Đấng thấu suốt tâm can tôi. Chính Ngài tôi phó trót mọi nỗi khúc mắc của tôi”. Vì “cái điều điên dại trước mắt kẻ lý trí, lại trở nên khôn ngoan trước mắt Thiên Chúa”.

Khi chúng ta khiêm nhường nhận ra sự nghèo khó của chúng ta và dâng sự khổ đó lên Đấng toàn năng, thì đó là cách diễn tả chân thực về nhu cầu cần thiết của chúng ta phải trông cậy vào Thiên Chúa. Chính nhờ thế, Thiên Chúa có thể hành động giúp chúng ta. Chúng ta chẳng có thể cho mình giàu, nhưng ước mong nên giàu nhờ Thiên Chúa ban.

Mùa chay kêu mời chúng ta ăn năn trở về cùng Thiên Chúa, Đấng đợi chờ mỗi người chúng ta trở về với Ngài, với con tim khó nghèo. Muốn thực hiện được như vậy, có cần phải bị dồn vào chân tường không?

C.G

 

Suy Niệm 6: Giả hình nên giảm thiêng

Khi con người không còn coi trọng luân lý, thì tiếng nói lương tâm trở nên dư thừa với họ. Như vậy, chuẩn mực trong cuộc sống được đo bằng tiền, quyền, và lẽ tất yếu, chân lý thuộc về đám đông hay những kẻ mạnh! Đây là sự thật xót xa đã xảy ra thời Đức Giêsu!

Tin Mừng hôm nay thuật lại lối sống giả hình của những nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội thời Đức Giêsu, họ sống vụ luật thuần túy khi luật được đưa lên làm chuẩn mực chứ không phải con người, chú trọng đến hình thức hơn nội tâm, sống trên danh vọng, hào nhoáng bên ngoài hơn là nội dung bên trong...

Lối sống đó đã hoàn toàn ngược lại với lời giáo huấn của Đức Giêsu, vì thế, Ngài không ngừng vạch trần giã tâm của họ trước mặt mọi người, thế nên Đức Giêsu đã trở thành cái gai trước mắt họ, và họ tìm mọi cách bứng Ngài ra khỏi xã hội của họ càng sớm càng tốt.

Trong thời đại hôm nay, vẫn còn nhiều chuyện dở khóc dở cười khi nhiều người dựa trên nguyên lý tự nhiên để xét xử chân lý Tin Mừng! Hay, khi không còn cách nào nữa thì áp đặt và quyết định trắng trợn khi nhân danh tập thể, tức là dựa trên hiệu ứng đám đông mà không cần biết đúng hay sai!

Mặt khác, nhiều khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Dothái khi xưa, đó là: khó chịu, bực bội với Lời Chúa, bởi Lời Chúa gọt dũa, cật vấn lương tâm và dạy những điều mà chúng ta không muốn sống... hay chúng ta đã phản ứng bằng việc dửng dưng!

Sống với những thái độ như thế, nên không lạ gì nhiều Mùa Chay qua đi mà chúng ta không thấy tốt hơn là mấy?

Lý do tại sao lại có những chuyện như thế trong thời đại được coi là văn minh, khoa học? Thưa chỉ vì cái tôi của chúng ta quá lớn và sự ích kỷ thì quá nhiều, nên đã không chấp nhận sự thật củaTin Mừng!

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con được yêu mến Chúa và đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu bày tỏ Ngài là Con Thiên Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu bày tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng người Do thái đã không chấp nhận. Nay Chúa cũng đang tỏ mình cho ta và mời gọi ta tin nhận và bước theo Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người Do thái không tin vào Chúa bởi vì họ đã vẽ dung nhan Chúa theo quan niệm riêng của họ. Lòng họ vẫn mong chờ, nhưng khi đối diện với chính Chúa là Đấng được Chúa Cha sai đến thì họ không nhận ra, không tin vào Chúa là Thiên Chúa Nhập Thể.

Đời sống Kitô hữu nơi con nhiều khi cũng thế. Con khao khát ước mong được gặp Chúa, nhưng Chúa đã và đang hiện diện trong đời con mà con chẳng nhận ra và chẳng tin Chúa. Tệ hại hơn nữa là như dân Do thái đòi ném đá Chúa, con cũng ném đá Chúa khi con gạt bỏ Chúa ra khỏi con người và cuộc đời của con. Con ném đá Chúa khi con sùng bái đề cao cái “Tôi” của con, hoặc khi con xem sự thỏa mãn dục vọng là bí quyết hạnh phúc, là tiêu chuẩn để lựa chọn.

Xin Chúa giúp con xác tín rằng kính mến Chúa không chỉ hệ tại ở lời hay ý đẹp, kính mến Chúa không chỉ tại danh nghĩa bên ngoài với những hình thức tổ chức rầm rộ hào nhoáng. Con ao ước được lòng kính mến Chúa chân thành bằng cách đón nhận Chúa như chính Chúa tỏ mình cho con. Xin đừng để con bẻ ngoặt Lời Chúa và bắt Tin Mừng uốn theo quan niệm riêng tư để khéo léo che đậy cái tôi đầy tham vọng của con. Xin giúp con biết sống đức tin đích thực mỗi khi phải đối diện với sự giằng co nội tâm, đối diện với đòi hỏi bỏ mình, để nhờ đó con tin và bước theo Lời Chúa. Xin cho con dám hủy mình ra không để dám đi đến tận cùng, dám bước đi liều lĩnh nhưng chắc chắn đến tận cùng cuối đường, ở đó Chúa đã có mặt sẵn để chờ đón và ôm con vào lòng. Amen.

Ghi nhớ: “Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ”.

 

Suy Niệm 8: Chúa Giêsu mạc khải sự thật về Ngài

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Qua những người dân trong vùng đến làm phu, dựng nhà cho lính tráng và các cung nữ, tiếng đồn có tây dương đạo trưởng đến thuyết pháp được lan truyền ra. Dân chúng đến nghe giảng mỗi ngày một đông, và số người trở lại mỗi ngày một nhiều. Trong hai tháng trời chờ đợi ở An Vực, hai cha đã rửa tội được hơn 200 người.

Người thứ nhất được ơn trở lại là một sư cụ danh tiếng trong vùng. Cụ rất chăm học đạo, hàng ngày luôn ở bên cạnh các cha để nghe giảng giải các mầu nhiệm trong đạo. Không dám phiền cụ, cha Đắc Lộ nhờ một thanh niên biết chữ chép ra chữ Nôm, những kinh cha đọc cho, để những người tân tòng theo đó mà học.

Thấy thế, cụ liền xin cho cụ hân hạnh được làm công việc đó “vì trước kia, cụ đã làm thầy dạy người ta những sự lầm lạc, thì lúc này, cũng xin nhận việc đó để dạy lại người ta những điều chân thật”.

Chưa đủ, nhận thấy gian nhà của hai cha ở chật chội, dân chúng đến nghe giảng phải chen chúc nhau, cụ liền dâng cho hai cha một khu đất bên cạnh, để hai cha làm một nhà thờ rộng rãi và xứng đáng hơn.

Suy Niệm

Người Do Thái vì cứng lòng, không chịu chấp nhận Chúa Giêsu và Lời giảng dạy của Ngài. Họ kết tội Ngài phạm thượng vì đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Dân Do Thái chỉ nhớ một điều họ không bằng lòng, mà quên đi nhiều điều tốt lành Chúa Giêsu đã làm cho họ: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng. Ông là người phàm, mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33).

Với họ Chúa Giêsu chỉ là con người bình thường, một thanh niên con bác thợ mộc Giuse và bà Maria ở làng quê Nadarét nghèo nàn.

Dù họ chấp nhận hay không, thì Chúa Giêsu vẫn là Con Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu đã mạc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan giữa Ngài và Chúa Cha: “Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Ngài đến để làm chứng cho sự thật. Nhưng chính bởi sự thật đó, có nhiều người đã chống đối và cũng có nhiều người tin vào Ngài.

Ðức Giêsu bị kết tội khi dám nói sự thật. Chúng ta là môn đệ Ngài không bao giờ chấp nhận gian dối. Chúng ta nên chấp nhận sự thật, để hành động đúng, can đảm sống và làm chứng cho sự thật, dù có bị thiệt thòi, noi gương Ðức Giêsu, luôn trung thành với sự thật và luôn làm chứng cho sự thật. Sự thật giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32).

Ý lực sống: “Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và mời gọi người khác dâng hiến. Đó là cách con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả, con giúp họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong Đức Kitô” (ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, 611).

 

Suy Niệm 9: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Vào dịp mừng lễ Cung hiến Đền thờ ở Giêrusalem, người Do thái vây quanh Đức Giêsu, cật vấn Ngài có phải là Đấng Cứu Thế không? Đây là câu hỏi để gài bẫy: Nếu Ngài tự xưng mình là Đấng Cứu Thế, họ nghĩ chính quyền Rôma sẽ bắt tội Ngài. Nếu Ngài chối, họ sẽ buộc Ngài vào tội lừa dối dân.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không trả lời thẳng vào câu hỏi đó. Thừa dịp này, Ngài tuyên bố một chân lý quan trọng: Ngài là Con Thiên Chúa và đồng bản tính với Thiên Chúa: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”.

2. Chúng ta thấy người Do thái không tin Ngài là phải, vì bài Tin Mừng hôm nay cho thấy lý do tại sao người Do thái không tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa. Họ không tin nhận vì họ đứng ở vị thế chính trị: họ mong đợi một Đấng Cứu Thế giải phóng  dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang; trong khi đó, Đức Giêsu lại ở vị thế  hoàn toàn tôn giáo. Ngài đến giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi. Hai người đứng trên hai quan điểm khác nhau mà nói truyện thì không bao giờ đi đến kết luận chung.

3. Câu hỏi “Đức Giêsu là ai”, Ngài có phải là Con Thiên Chúa không? Câu trả lời vẫn còn lơ lửng, chưa ngã ngũ! Trong ba năm giảng dạy, với nội dung giảng dạy, và cách thức giảng dạy của Đức Giêsu đã khiến mọi người ngạc nhiên thán phục. Thêm vào đó, những phép lạ Chúa làm lại củng cố thêm cho sự thán phục này. Dầu vậy, thính giả của Ngài vẫn thắc mắc hỏi nhau: Giêsu là ai?  Nhiều người cho Ngài là  một tiên tri nào đó như Isaia, Êlia, Giêrêmia hay một tiên tri nào khác đã sống lại.

Chính các Tông đồ cũng vẫn thắc mắc: Ngài là ai? Câu hỏi này đã được chính Chúa Cha trả lời: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là con rất yêu quí của Chúa Cha. Bằng chứng: hai lần Chúa Cha đã tuyên bố công khai như vậy, một lần ở sông Giorđan lúc Ngài chịu phép rửa và một lần nữa ở trên núi Taborê khi Ngài biến hình.

Chính Đức Giêsu cũng đã nhiều lần tuyên bố như vậy. Chẳng hạn dụ ngôn ”những người làm vườn nho hung ác” đã giết đứa con duy nhất của ông chủ. Chúa đã dùng hình ảnh đó để ám chỉ chính Ngài đã được Chúa Cha sai đến trần gian và bị người Do thái giết chết nơi đồi Calvariô...

4. Người Do thái vì cứng lòng, không chịu nhận Đức Giêsu và lời giảng dạy của Ngài. Họ kết tội Ngài phạm thượng vì đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Dân Do thái chỉ nhớ một điều họ không bằng lòng, mà quên đi nhiều điều tốt lành Đức Giêsu đã làm cho họ: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng. Ông là người phàm, mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33). Với họ, Đức Giêsu chỉ là con người bình thường, một thanh niên con bác thợ mộc Giuse và bà Maria ở làng quê Nazareth nghèo nàn.

Dù họ chấp nhận hay không, thì Đức Giêsu vẫn là Con Thiên Chúa, như lời Đức Giêsu đã mạc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan quan giữa Ngài với Chúa Cha: “Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Ngài đến để làm chứng cho sự thật. Nhưng chính bởi sự thật đó, có nhiều người đã chống đối và cũng có nhiều người tin vào Ngài.

5. Vậy chúng ta bảo Đức Giêsu là ai? Chúng ta phải tin và xác quyết rằng Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là người thật.

- Đức Giêsu là Thiên Chúa thật. Trong ba năm sống công khai, Ngài đã không ngừng xác quyết điều đó. Ngài tự xưng mình cao trọng hơn Abraham, lớn hơn Maissen... Tất cả những lời tuyên bố trên đã được Đức Giêsu chứng thực và xác nhận bằng các phép lạ, trong đó sự sống lại của Ngài là bằng chứng cao cả nhất về Thần tính của Ngài.

- Đức Giêsu cũng là con người thật. Con người đó cũng có một thân xác như chúng ta. Về phương diện tình cảm, Ngài biết rung động trước vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên, Ngài nghiêng mình và xoa dịu những vết thương đau của nhân loại, nhất là những kẻ yếu đau và người tội lỗi.

6. Truyện: Tin theo Chúa Giêsu.

Qua những người dân trong vùng đến làm phu, dựng nhà cho lính tráng và các cung nữ, tin đồn có tây dương đạo trưởng đến thuyết pháp được lan truyền ra. Dân chúng đến nghe giảng mỗi ngày một đông, và số người trở lại mỗi ngày một nhiều. Trong hai tháng trời chờ đợi ở An Vực, hai cha đã rửa tội được 200 người.

Người thứ nhất được ơn trở lại là một sư cụ danh tiếng trong vùng. Cụ rất chăm học đạo, hằng ngày luôn ở bên cạnh các cha để nghe giảng giải các mầu nhiệm trong đạo. Không dám phiền cụ, cha Đắc Lộ nhờ một thanh niên biết chữ chép ra chữ Nôm, những kinh cha đọc cho, để những người tân tòng theo đó mà học.

Thấy thế, cụ liền xin cho cụ được hân hạnh làm công việc đó “vì trước kia, cụ đã làm thầy dạy người ta những sự lầm lạc, thì lúc này, cũng xin nhận việc đó để dạy lại người ta những điều chân thật”.

Chưa đủ, nhận thấy gian nhà của hai cha ở chật chội, dân chúng đến nghe giảng phải chen chúc nhau, cụ liền dâng cho hai cha một khu đất bên cạnh, để hai cha làm một nhà thờ rộng rãi và xứng đáng hơn.

 

Suy Niệm 10: Chúa Giêsu mặc khải sự thật về Ngài

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Bài đọc 1: Nhất trí với nhiều ngôn sứ khác, ngôn sứ Giêrêmia tiên báo Đấng Messia sẽ bị chống đối và bách hại bởi chính dân mình. Nhưng Ngài sẽ được Thiên Chúa nâng đỡ và cứu thoát.

2. Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu cố gắng làm cho người do thái hiểu Ngài là ai. Ngài nói hơi xa xôi: “Khi Abraham chưa sinh ra thì đã có Ta rồi”. Họ không hiểu mà còn lấy đá định ném Ngài. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nói rõ: “Ta là Con Thiên Chúa”. Lần này, họ kết Ngài tội phạm thượng.

B.... nẩy mầm.

1. “Trong các cuộc tranh luận với người do thái, Chúa Giêsu đã mặc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha: “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”. Nhưng người do thái không thể hoặc không muốn tin vào Chúa. Họ vẫn khăng khăng coi Ngài chỉ là một con người. Do đó họ đã lượm đá ném Chúa vì cho Ngài lộng ngôn... Những người do thái này đã quá chìm sâu trong tội lỗi của họ. Họ không cảm thấy cần đến ơn cứu rỗi. Người kitô hữu chúng ta ngày nay cũng có thể bị ảnh hưởng bới tinh thần thế tục: chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu như một con người, một nhà cách mạng xã hội không hơn không kém. Chúng ta có thể bị cám dỗ lượm đá ném Chúa v2 những gì liên hệ đến Ngài” ("Mỗi ngày một tin vui")

2. Nhìn thấy sự khó tin của người do thái đối với Chúa Giêsu, rồi nhìn lại đức tin của mình sao mà dễ dàng quá: ngay từ khi mới sinh ra mình đã được biết Chúa và tin Chúa, ta không nhận ra đức tin là một hồng ân sao? Hãy cám ơn Chúa đã ban đức tin cho ta, và xin Ngài gìn giữ cho đức tin ấy khỏi bị lạc mất.

3. Một người da trắng và một người thổ dân cùng nghe giảng. Người thổ dân cảm động và xin nhập đạo ngay. Còn người da trắng cũng cảm động nhưng cả năm sau mới nhập đạo. Trong một buổi phụng vụ, người da trắng hỏi:

- Tôi phải mất một thời gian mới có lòng tin, sao anh có lòng tin sớm thế? Người thổ dân đáp:

- Này bạn, để tôi nói cho bạn nghe. Có vị hoàng tử hứa cho chúng ta chiếc áo mới. Bạn nhìn vào áo mình, tự nhủ: áo mình còn đẹp, để mai sau hãy lấy. Còn tôi, tôi nhìn vào tấm chăn cũ kĩ của mình, thấy nó chẳng ra gì, nên vội vàng đến nhận áo mới. Bạn ạ, bạn đã có chút khôn ngoan, nên bạn còn muốn dùng chúng. Còn tôi, tôi không có, nên tôi mau mắn đón nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu (Góp nhặt).

 

Suy Niệm 11: Chúa Giêsu các định: Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là Con Người

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu cố gắng làm cho người Do Thái hiểu Ngài là ai. Thế nhưng, người Do Thái đã không những đã không chịu hiểu mà còn lấy đá định ném Ngài. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói trắng ra: “Tôi là Con Thiên Chúa” (Ga 10,36). Lần này, họ kết tội là Ngài phạm thượng.

Nhìn thấy sự khó tin của người Do Thái đối với Chúa Giêsu, rồi nhìn lại đức tin của mình sao mà đức tin của chúng ta dễ dàng quá: ngay từ khi mới sinh ra chúng ta đã được biết Chúa và tin Chúa.

Một người da trắng và một người thổ dân cùng nghe giảng. Người thổ dân cảm động và xin nhập đạo ngay. Còn người da trắng cũng cảm động nhưng cả một năm sau mới gia nhập đạo. Trong một buổi phục vụ, người da trắng hỏi:

- Tôi phải mất một thời gian mới có lòng tin, sao anh có lòng tin sớm thế ? Người thổ dân đáp:

- Này bạn, để tôi nói cho bạn nghe. Có vị hoàng tử kia hứa cho chúng ta chiếc áo mới. Bạn nhìn vào áo mình và tự nhủ: Áo mình còn đẹp, để mai hãy lấy. Còn tôi, tôi nhìn vào tấm áo cũ kỹ của mình, thấy nó chẳng ra gì, nên vội vàng đến nhận áo mới ngay. Bạn ạ, bạn đã có chút khôn ngoan, nên bạn muốn dùng chúng. Còn tôi, tôi không có, nên tôi mau mắn đón nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. (Góp nhặt)

Hãy cám ơn Chúa đã ban đức tin cho chúng ta và xin Ngài gìn giữ đức tin ấy khỏi bị lạc mất.

2. Chúng ta tin Chúa nhưng Chúa là gì đối với chúng ta ? Trả lời được câu hỏi này không phải là dễ.

Trong tập thơ “Cát và sóng”, một thi sĩ nọ đã viết một bài thơ về Chúa Giêsu với nội dung như sau:

Cứ mỗi trăm năm,

Chúa Giêsu của thành Nazareth lại gặp Chúa Giêsu của người Kitô hữu.

Hai bên đàm đạo với nhau thật lâu giờ.

Và cứ mỗi lần gặp gỡ như thế, Chúa Giêsu Nazareth lại từ giã Chúa Giêsu của người Kitô hữu bằng những lời thật buồn như thế này:

“Này bạn, tôi sợ rằng, chúng ta sẽ không bao giờ đồng ý với nhau”.

Chúa Giêsu, con người của lịch sử đã sinh ra cách đây hơn 2000 năm tại Nazareth. Con người đã từng sống và chết như một con người ấy, lại cũng chính là Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi: Làm sao Ngài có thể vừa là Thiên Chúa, vừa là Con Người được ?

Xuyên suốt lịch sử của Giáo Hội và của thế giới, đã không thiếu những người thắc mắc như thế.

Thế nhưng, đọc lại Tân Ước, chúng ta thấy Chúa đã quả quyết rất rõ: Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là Con Người. Tiếng La tinh đã có một kiểu diễn tả rất hay về việc này: Homo-Deus. (Người-Chúa)

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật. Trong ba năm sống công khai, Ngài đã không ngừng xác quyết rằng: Ngài cao trọng hơn Abraham, tổ phụ người Do Thái, lớn hơn Môisen, người lãnh đạo cuộc giải phóng dân tộc Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập. Ngài còn tự cho mình có quyền tha tội và là quan xét tối cao của người sống, kẻ chết. Ngài tuyên bố mình là Đấng sẽ sai Thánh Thần đến và ban sự sống vĩnh cửu. Ngài muốn người ta tin nhận Ngài như tin vào Thiên Chúa. Ngài đòi hỏi con người phải yêu mến Ngài đến hy sinh mạng sống mình. Ngài quả quyết Ngài và Thiên Chúa là một. Tất cả những lời tuyên bố trên đã được Chúa Giêsu chứng thực và xác nhận bằng các phép lạ, trong đó sự sống lại của Ngài là bằng chứng cao cả nhất về Thần Tính của Ngài.

Là Thiên Chúa thật, nhưng Chúa Giêsu cũng là một con người thật. Con người đó cũng có một thân xác như chúng ta. Về phương diện tình cảm, Ngài biết rung động trước vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên. Ngài nghiêng mình và xoa dịu những vết thương đau của nhân loại, nhất là những kẻ yếu đau và người tội lỗi. Dù vậy, Ngài luôn luôn tỏ ra cương quyết và chín chắn, hoàn toàn làm chủ được lời nói và hành động của mình. Thêm vào đó, Ngài cũng để lộ một trí thông minh vượt bực, nhưng dĩ nhiên Ngài cũng phải học biết dần dần nhờ các cơ năng cảm giác và óc lý luận. Thu nhận được những hiểu biết trong đời sống thường ngày của người Do Thái, Chúa Giêsu đã biết lợi dụng những hiểu biết đó để diễn tả tư tưởng của Ngài cho dễ hiểu hơn.

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Cha F. Lelotte

Lạy Chúa, xin cho con một lòng trung tín mạnh hơn cả cái chết,

hơn những sự hăng hái chóng qua, ngắn ngủi,

hơn những việc làm hay một thành công sáng tỏ nào đó.

Ước gì sức toàn năng của Chúa

thổi vào và làm cháy đỏ lên trong con

lòng nhiệt thành và làm bừng lên những ngọn lửa sáng,

giữa những sự tối tăm bên ngoài.

Lạy Chúa, Vua của con, xin ban cho con ngọn lửa thánh,

một đức tin mạnh như vũ bão, một nguồn sống dồi dào,

để con có thể sống như một chứng nhân

cho sự hiện diện của Chúa giữa cuộc sống này. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Sáu 29/03/2024 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA. – Thủ phạm giết Chúa. (28/03/2024 10:00:00 - Xem: 814)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

Thứ Năm 28/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY. – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ (27/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,366)

THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

Thứ Tư 27/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN THÁNH. – Dung mạo kẻ phản bội. (26/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,572)

THỨ TƯ TUẦN THÁNH.

Thứ Ba 26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô. (25/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,700)

THỨ BA TUẦN THÁNH.

Thứ Hai 25/03/2024 – THỨ HAI TUẦN THÁNH. – Yêu là cho đi. (24/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,912)

THỨ HAI TUẦN THÁNH.

+ Chúa Nhật 24/03/2024 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B. – Chúa Giêsu: tung hô và thương khó. (23/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,092)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B.

Thứ Bảy 23/03/2024 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính. (22/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,407)

Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

Thứ Sáu 22/03/2024 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý. (21/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,042)

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm 21/03/2024 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay. – Niềm tin và lý trí. (20/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,028)

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Tư 20/03/2024 – Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay. – Ðức Tin Chân Chính. (19/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,939)

Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay.

Bài viết mới