Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 06/01/2022 – Thứ Năm sau lễ Hiển Linh. – Quê hương Nazaret.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,917
  • Ngày đăng: 05/01/2022 08:00:00

Quê hương Nazaret.

06/01 – Thứ Năm sau lễ Hiển Linh.

"Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này".

 

LỜI CHÚA: Lc 4, 14-22a

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người.

Người đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hội đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc sách. Người ta trao cho Người cuốn sách Tiên tri Isaia.

Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng: "Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa". Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người.

Người bắt đầu nói với họ rằng: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe". Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Trả lại tự do

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình.

Ngài không tỏ mình cho một đám đông trong hoang địa,

nhưng tỏ mình cho người dân làng Nadarét, tại hội đường của họ.

Thánh Luca đã muốn chọn Nadarét thay vì Caphácnaum

làm nơi Đức Giêsu bày tỏ con người và chương trình hành động của Ngài.

Nadarét là một ngôi làng nhỏ, chẳng có gì nổi bật (x. Ga 1, 46),

nhưng ở đây, Con Thiên Chúa làm người đã sống hơn chín phần mười đời mình

như một người thợ (Mc 6, 3), con của một ông thợ khác (Mt 13, 55).

Ở đây, Đức Giêsu đã lớn lên từ từ về mọi mặt (Lc 2, 40).

Bé Giêsu, cậu Giêsu, chú Giêsu rồi ông Giêsu.

Ngài sống như một người bình thường, không có hào quang trên đầu,

cũng không làm nhiều phép lạ như các sách ngụy thư đã kể.

Hôm nay, Đức Giêsu trở lại làng xưa, nơi có biết bao kỷ niệm.

Vì là ngày sabát, theo thói tục, Ngài đến hội đường.

Ông trưởng hội đường đã mời Ngài đọc sách thánh và diễn giải.

Hãy ngắm nhìn cử chỉ đĩnh đạc của Đức Giêsu.

Ngài đứng lên, nhận cuộn sách, mở ra;

sau khi đọc, Ngài cuộn sách, trả lại và ngồi xuống.

Đức Giêsu đã cố ý chọn đoạn sách Isaia 61, 1-2

Ngài thấy đoạn sách thánh đó nói về mình, về sứ vụ tương lai:

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe. ”

Như thế chính Ngài nhận mình là Đấng có Thần Khí Chúa ngự trên,

nhận mình là Mêsia, Đấng được xức dầu để thi hành một sứ mạng.

Sứ mạng của Đức Giêsu chủ yếu là loan báo và công bố ( Lc 4, 18-19).

Sứ mạng ấy nhắm đến những người bất hạnh trong xã hội:

người nghèo, người bị giam cầm, người bị mù lòa, bị áp bức.

Đức Giêsu như đến để mở một Năm Thánh đặc biệt, Năm hồng ân.

Ơn nổi bật là ơn trả lại tự do cho tù nhân và cho người bị áp bức (aphesis).

Vẫn luôn có những người tự nhốt mình trong nhà tù của thành kiến, thói quen…

Xin được ơn tự do để thoát khỏi sự chi phối của cái tôi ích kỷ.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao.

 

Suy Niệm 2: Thiên Chúa trong đời thường

Trong tuần lễ Hiển linh, Chúa đã tỏ mình ra bằng nhiều cách khác nhau. Hôm nay không còn úp mở, Chúa nói chính thức và công khai: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe”.

Lời công bố minh nhiên này diễn ra trong làng quê bình lặng, giữa những người dân quê bình thường, trong khung cảnh một ngày thứ bẩy bình thường và trong buổi đọc Sách Thánh, cầu nguyện thường lệ. Thông điệp chỉ đi vào đời thường với những con người tầm thường, thậm chí còn bất hạnh, bị bỏ quên trong xã hội: “Thần Khí Đức chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Quả thật suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã sống phần lớn thời gian rất bình thường, làm thợ mộc giữa những người nghèo hèn. Nhưng Chúa đã yêu thương những con người bình thường. Chính vì thế Chúa đem hi vọng đến cho đời thường. Người mù hi vọng được nhìn thấy những điều mơ ước. Người câm nói được nỗi lòng mình. Người què đi được đến nơi muốn đến. Người điếc nghe được tiếng gọi muốn nghe. Người nghèo tìm được hạnh phúc.

Đời thường chiếm phần lớn thời gian ta sống ở đời. Chắc chắn đời thường có tầm quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Ta phải trân trọng đời thường bằng cách yêu mến công việc hằng ngày và đặc biệt yêu mến những người anh em sống quanh ta và với ta.

Tại sao ta phải yêu thương anh em sống quanh ta và với ta? Thánh Gioan đưa ra 3 giải nghĩa.

Yêu Chúa phải yêu anh em. Vì Chúa vô hình còn anh em ta nhìn thấy hằng ngày. Nếu không yêu người hữu hình thì nói yêu Đấng Vô Hình là nói dối.

Yêu Chúa phải yêu anh em. Yêu nhau yêu cả đường đi. Yêu Chúa phải yêu người Chúa yêu. Anh em được Chúa yêu. Nên ta phải yêu anh em. Chúa sinh ra anh em. Yêu Đấng sinh thành thì phải yêu cả người được sinh thành.

Yêu Chúa phải yêu anh em. Đây không phải công việc của xác thịt thế gian, nhưng là công việc của Thần Khí. Yêu thương những người tầm thường, nghèo nàn. Yêu anh em nghèo hèn là sống theo Thần Khí. Đây là điều khó. Nhưng những ai do Thiên Chúa sinh ra đều có thể chiến thắng xác thịt thế gian.

 

Suy Niệm 3: Chúa Giêsu viếng Nazaret.

Tuy chỉ diễn ra ở Hội đường Nazaret, nhưng việc Chúa Giêsu xuất hiện lần này nêu bật tư cách và sứ mệnh Mêsia của Ngài. Đồng thời tạo ra một khúc ngoặt trong lịch sự cứu rỗi, vì nó đánh dấu thời điểm mọi lời tiên báo của Cựu ước được thành tựu.

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh tai các ngươi vừa nghe”. Biết bao thế hệ Cựu ước đã nôn nao chờ đợi hai tiếng “hôm nay” ấy. Đây là giờ phút vui mừng tột độ đối với những ai thật lòng chờ đó ngày Yavê. Dĩ nhiên, thời cứu rỗi sẽ ngày càng tốt đẹp do những can thiệp  sẽ đến của Thiên Chúa, nhưng tất cả đều tuỳ thuộc ở giây phút này, giây phút Chúa Giêsu tỏ mình là Đấng mà tất cả Cựu ước đều hướng về.

Đây thật là một cuộc “hiển linh”, nhưng khác với ngờ tưởng của con người, vì là cuộc tỏ mình một cách êm ả, trong khung cảnh phụng vụ quen thuộc: Ngài đến hội đường ngày hưu lễ, cầu nguyện chung với mọi người, nghe đọc và nghe giải thích lời Chúa. Đấng Mêsia gặp gỡ Thiên Chúa, tìm hiểu, lắng nghe và nhận ra thánh ý Thiên Chúa nơi cơ chế phụng tự quen thuộc và nơi Kinh thánh, và rồi Ngài cũng sẽ thực hiện chương trình cứu rỗi bằng chính đời sống lao nhọc vì tha nhân, bằng chính thái độ tận tình đối với tha nhân, để “kẻ nghèo được nghe Tin mừng, người sầu khổ được chữa lành, kẻ bị giam cầm được giải thoát…”.

Chớ gì mỗi khi họp nhau nghe Lời Chúa chúng ta cũng nhận ra được thánh ý cứu độ của Ngài để rồi cùng với Chúa Kitô chúng ta thực hiện thánh ý ấy trong cuộc sống. Điều đó đòi hỏi nơi chúng ta một tấm lòng rộng mở và biết lắng nghe, một con tim quảng đại biết quên mình để dấn thân phục vụ.

 

Suy Niệm 4: Tất cả cho người nghèo

Có một câu chuyện thật ấn tượng kể về một linh mục dòng Phanxicô khó khăn như sau: ngày cha mới lãnh tác vụ linh mục, một người giàu có muốn tài trợ cho cha mới tất cả kinh phí trong thánh lễ tạ ơn đầu đời linh mục của ngài. Tuy nhiên, khi được tin như vậy, tân linh mục này đã ngỏ ý muốn xin số tiền ấy không phải để mở tiệc ăn mừng, mà là dùng nó vào việc xây dựng nhà cửa, mua thuốc men. . . cho bà con bị bệnh phong tại Biên Hòa – Đồng Nai mà ngài vô tình khám phá ra họ ở trong rừng sâu và không có nhà cửa cũng như không có ai giúp đỡ. . . Một tấm lòng tuyệt vời, khi không nghĩ cho riêng mình, mà là cho người nghèo, người bệnh, người bị xã hội bỏ rơi!

Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu trở về quê hương và Ngài vào các hội đường mà giảng dạy. Khi đọc đoạn Kinh Thánh của Isaia, nói về sứ mạng của vị Thiên Sai là đến với người nghèo, để nâng đỡ, an ủi, cứu giúp; xây dựng bình an, giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ. . . Đọc xong, Ngài tuyên bố, đoạn sách ấy hôm nay đã ứng nghiệm!

Khi nói như thế, Đức Giêsu công khai đứng về phía người nghèo, bỏ rơi và bị áp bức. Đây là lựa chọn và sứ vụ của Ngài khi đến trần gian mà hôm nay đã ứng nghiệm.

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mỗi người được trao cho trách nhiệm trở nên ngôn sứ và chứng nhân cho Tin Mừng.

Tuy nhiên, chúng ta có trở nên chứng nhân của Chúa đích thực khi quan tâm đến người nghèo, người thấp cổ bé họng, người không có tiếng nói, người bị bỏ rơi không. . . ? Hay chúng ta đã phản chứng khi khước từ những người cần đến sự giúp của chúng ta, coi khinh và bỏ rơi những người tội lỗi, đồng thời dồn anh chị em mình vào ngõ cụt đường cùng?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết sống tình liên đới, cảm thông và chia sẻ, để trở nên sứ giả của Tin Mừng tình thương trong gia đình, lối xóm và cuộc sống của chúng con hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Cầu nguyện chung với cộng đoàn

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu vào hội đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày Sa-bát. Đối với Kitô hữu, việc cầu nguyện riêng tư với Chúa là điều cần thiết, nhưng cầu nguyện chung với cộng đoàn là điều quan trọng không thể thiếu được.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thường thờ phượng ở hai nơi công cộng là hội đường, và đền thờ. Mỗi thị trấn đều có hội đường, nên người ta tụ họp vào ngày hưu lễ để nghe, suy gẫm Lời Chúa và cầu nguyện. Người Do thái chỉ có một đền thờ để nhấn mạnh rằng: chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, ở đó người ta tụ họp để dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Đó là nơi dâng hy tế trong tinh thần cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, phụng vụ Lời Chúa như chúng con tuân giữ hôm nay phản ánh công việc tại hội đường: tức là mỗi người cùng lắng nghe Lời Chúa, cùng suy gẫm và cầu nguyện. Còn phụng vụ Thánh Thể thì phản ánh công việc tại đền thờ: nghĩa là mỗi người cùng biểu lộ niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, cùng dâng hy tế trong tinh thần cầu nguyện.

Xin Chúa giúp con ý thức rằng: đời sống đức tin của con cần được nuôi dưỡng và phát triển trong đời sống đức tin của cộng đoàn. Bởi vì cũng như một cục than sẽ luôn cháy hồng rực sáng nếu nằm cạnh những cục than khác, nhưng nó sẽ bị lụi tàn nếu đứng riêng lẻ một mình. Cũng thế, con cần tham dự những buổi cầu nguyện chung với anh em một cách tin tưởng để thờ phượng như Chúa đã làm và dạy con thực hiện. Chúa là mối dây liên kết con với người khác. Amen.

Ghi nhớ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này”.

 

Suy Niệm 6: Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống. . . )

Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giêsu trở về rao giảng tại chính quê hương mình là Nadarét miền Galilê. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày Sabbat, trong hội đường), Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động của Ngài: Với tư cách là Messia vừa được tấn phong, Ngài được sai đi truyền bá Phúc Âm cho những người nghèo hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời ngôn sứ Isaia.

B. Suy gẫm (. . . nẩy mầm)

1. “Thánh Thần Chúa ở trên tôi. . . sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó”. Thời Chúa Giêsu và thời các tông đồ, những kẻ nghèo khó quả thực đã được nghe Phúc Âm. Nhưng những kẻ nghèo khó thời nay có được như thế chưa ?

2. Chuyện xảy ra trong một đêm trình diễn văn nghệ Giáng Sinh: một thanh niên hoá trang thành một người ăn mày để diễn nhạc cảnh Chúa đến với người nghèo. Nhưng thanh niên này không thể nào bước lên sân khấu được, vì khi anh tới gần đó thì bị những người trong ban trật tự đuổi đi. Họ tưởng anh là một tên ăn mày thật, và họ sợ anh phá rối buổi trình diễn. Xét về mặt hoá trang thì ban tổ chức văn nghệ đã thành công. Tuy nhiên xét về tinh thần thì họ đã tự mâu thuẫn: họ muốn nói cho khán giả biết Chúa đến với người nghèo, nhưng khi gặp người nghèo, dù chỉ là một người giả nghèo, thì họ đã xua đuổi. Phúc Âm đã không thấm nhập vào lòng những kẻ trình diễn Phúc Âm.

3. “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó,” (Lc 4,18)

Một người bạn kể lại: “… Trong lớp tôi dạy, có một em tên Bi bị khuyết tật bẩm sinh: sứt môi và điếc một tai trái. Bị các bạn chế diễu, em luôn cảm thấy bị bỏ rơi, thua thiệt. Em trở nên khép kín và xa lánh mọi người. Một hôm, tôi cho các em được tự do đi lại trong lớp và có thể nói nhỏ vào tai bất kỳ một người bạn nào những gì mình thích. Bi ngồi đó, không tham gia, cũng không chờ đợi. Và chính lúc đó, tôi đã đến nói nhỏ vào tai em “Ước gì Bi là đứa em nhỏ của cô!” Bi ngước mắt ngạc nhiên như dò hỏi “Có thật không cô ?” Và tôi đã ôm chầm lấy em. ”

Kỳ diệu thay luồng gió của Thánh Thần! Ngài vẫn tác động trên tâm hồn con người, ngay trên người bạn của tôi, để luôn biết cảm thông và trao tặng… Hành vi ấy đang tiếp nối những hành vi của Chúa Giêsu, Đấng đã được Thánh Thần thúc đẩy để đem Phúc Âm cho người nghèo khó.

Lạy Chúa, khi con đói, xin gởi đến con người cần của ăn. Khi con cô đơn, xin gởi đến con người cần được thông cảm. (Epphata)

 

Suy Niệm 7: Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giêsu trở về rao giảng tại chính quê hương mình là Nazareth miền Galilê. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày sabat, trong hội đường), Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động của Ngài: Với tư cách là Messia vừa được tấn phong, Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho những người nghèo hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời tiên tri Isaia.

Trong khi những khát vọng và bao nỗ lực của con người qua những cuộc cách mạng trong dòng lịch sử đã không đem lại sự tự do - công bằng hoàn toàn cho con người. Có một người đã vượt lên tất cả, vượt trên mọi cuộc cách mạng, vượt lên trên không gian và thời gian để đem lại sự tự do và bình đẳng cho mọi người, ở mọi nơi và qua mọi thời đại.

Chính Ngài giải phóng con người khỏi đau khổ, tù đày, áp bức và dẫn đưa con người đến một xã hội công bình, bác ái viên mãn. Đức Giêsu với tước hiệu Kitô luôn là niềm hy vọng vĩnh cửu của nhân loại mà thánh Luca đã trình bày với lời tiên tri Isaia như sau:

“Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm, cho biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

Đức Giêsu đã khẳng định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Từ ngữ “hôm nay” diễn tả hành động trong hiện tại về sứ mạng giải phóng của Đức Kitô, không chỉ là trong quá khứ mà luôn được thể hiện trong lòng nhân loại qua muôn thế hệ. Tác động giải thoát không phải trong bạo lực như cuộc cách mạng của con người đã sử dụng mà là trong tác động của Thánh Thần.

Nếu chúng ta biết để cho Ngài hành động trong niềm tin và sự phó thác, thì những lo âu, những khốn khó của chúng ta sẽ được Ngài chia sẻ gánh vác. Như thế chúng ta đã được giải thoát ngay trong chính niềm tin của chúng ta vào Ngài.

Với lời tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh tai các ngươi vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói rằng: Ngài chính là Đấng Thiên Sai. Lời quả quyết này đã trở thành một tiếng sét đánh bên tai những người nghe Ngài lúc đó. Vâng Ngài đã đến để bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ cứu rỗi. Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến để cứu độ nhân loại. Thế nhưng hiểu được Chúa Giêsu không phải là dễ dàng.

Truyện: Vẽ chân dung Đấng Thiên Sai

Một tu sĩ muốn vẽ chân dung Chúa Giêsu. Ông rảo khắp mọi nơi tìm người mẫu thích hợp. Nhưng càng tìm kiếm ông càng khám phá ra rằng, chẳng có người nào trên trần gian này hoàn toàn giống Chúa, và ông đi tới kết luận: khuôn mặt Chúa Giêsu phải là tổng hợp mọi nét của con người.

Bởi đó, thay vì chọn người mẫu, ông đã thu góp tất cả những nét đẹp của mọi khuôn mặt mà ông bắt gặp. Gặp trẻ em, ông góp được nét đơn sơ. Từ bé gái ca hát nô đùa, ông gặp nét vui tươi trong cuộc sống. Nơi một người đàn ông lực lưỡng đang gồng gánh, ông tìm ra được nét sức mạnh của con người. Nhưng chân dung Chúa Giêsu không chỉ có nét hùng, nét đẹp, mà còn phải có một nét gì khác nữa.

Nghĩ như thế, tu sĩ lại tiếp tục tìm kiếm. Gặp một cô gái lang bạc, ông nhìn thấy nét u buồn trong ánh mắt. Gặp một người hành khất, ông tìm thấy nét thành khẩn van xin. Trong đôi mắt nhà tu hành ông tìm ra sự nghiêm nghị. Và cuối cùng, trên gương mặt người mẹ đi chôn xác đứa con, ông hiểu được thế nào là đau khổ.

Mỗi người một vẻ, nhà hoạ sĩ cố gắng đưa hết vào chân dung Chúa Giêsu. Nhưng ông vẫn chưa hài lòng. Vì ông thấy trên khuôn mặt Chúa vẫn còn một nét nào đó mà ông chưa xác định được.

Ngày kia, vào một khu rừng ông chợt thấy một người che mặt bỏ chạy. Ông chạy theo và khám phá ra đấy là một người phong cùi. Ánh sáng bỗng loé lên trong ông. Thì ra điều còn thiếu trên khuôn mặt Chúa Giêsu, đó là MẦU NHIỆM! Với ý nghĩ ấy, ông lấy cọ vẽ lên khung vải trắng khuôn mặt Chúa Giêsu.

Khi tác phẩm được hoàn thành, tất cả những ai đã cung cấp cho hoạ sĩ nét riêng của mình đều hớn hở đến, để nhìn ngắm nét ấy trên gương mặt Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ chỉ nhìn thấy một tấm vải trắng che phủ khuôn mặt.

Trước sự ngạc nhiên và thắc mắc của mọi người, hoạ sĩ điềm nhiên giải thích:

- Mãi mãi Chúa Giêsu vẫn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm ấy luôn mời gọi con người tuyên xưng bằng tất cả niềm tin và cuộc sống của mình.

Vâng cho đến hôm nay sau hơn 20 thế kỷ rồi mà chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu hết được con người của Chúa Giêsu. Chúa vẫn còn là một mầu nhiệm, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở. Tuy đã được bày tỏ cho con người qua thân phận của một con người, nhưng chúng ta cũng vẫn phải đón nhận mầu nhiệm ấy nhờ đức tin. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đón nhận rồi cất giấu kỹ ở trong lòng mình nhưng là để làm cho mầu nhiệm ấy được tỏ bày ra cho mọi người qua cách ăn nết ở và mọi sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta.

 

Suy Niệm 8: Chúa Giêsu tỏ mình là Đấng Thiên Sai

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Trong bầu khí của lễ Hiển Linh, phụng vụ Lời Chúa trong tuần lễ sau lễ Hiển Linh lần lượt cho chúng ta thấy những lần Chúa Giêsu tỏ mình ra.

Thực vậy, trong ngày thứ hai, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cho thấy chính con người của Ngài. Ngài là hiện thân cho Nước Trời. Bởi đó, khi rao giảng Ngài đã tuyên bố: “Hãy ăn năn thống hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2).

Bước qua ngày thứ ba, Chúa Giêsu tỏ mình ra là người mục tử nhân lành. Người mục tử nhân lành này đã quan tâm đến đời sống của đoàn chiên. Bởi đó, Ngài đã dạy dỗ họ nhiều điều và làm phép lạ bánh hoá nhiều để nuôi đoàn chiên.

Rồi qua ngày thứ tư, với bài Tin Mừng, Thánh sử Marcô đã tỏ cho chúng ta thấy, lối sống của Chúa Giêsu, một lối sống hoàn toàn quên mình. Chả thế mà, suốt ngày đã bận rộn với việc giảng dạy, thậm chí có những ngày không có thời giờ để ăn uống, nghỉ ngơi, vậy mà chiều đến, Chúa Giêsu vẫn tìm những nơi vắng vẻ để được kết hợp với Thiên Chúa Cha bằng sự cầu nguyện.

Và đến ngày thứ năm hôm nay, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra là Đấng Thiên Sai. Thánh sử Luca thuật lại việc tỏ mình này ở hội đường Nazareth, nhằm ngày Sabat. Lần này, sau khi đọc một đoạn sách trích từ sách tiên tri Isaia, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4,21). Nhưng lời Kinh Thánh đó nói gì?

Lời đó nói rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những ai sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho những ai bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát những ai bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18).

2. Với lời tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói rằng, Ngài chính là Đấng Thiên Sai. Lời quả quyết này đã trở thành một tiếng sét đánh bên tai những người nghe Ngài lúc đó. Vâng, Ngài đã đến để bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ cứu rỗi.

Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến để cứu độ nhân loại. Thế nhưng, hiểu được Chúa Giêsu không phải là dễ dàng.

Một tu sĩ muốn vẽ chân dung Chúa Giêsu. Ông rảo khắp mọi nơi tìm người mẫu thích hợp. Nhưng càng tìm kiếm ông càng khám phá ra rằng, chẳng có người nào trên trần gian này hoàn toàn giống Chúa, và ông đi tới kết luận: khuôn mặt Chúa Giêsu phải là tổng hợp mọi nét của con người.

Bởi đó, thay vì chọn người mẫu, ông đã thu góp tất cả những nét đẹp của mọi khuôn mặt mà ông bắt gặp. Gặp trẻ em, ông góp được nét đơn sơ. Từ bé gái ca hát nô đùa, ông gặp nét vui tươi trong cuộc sống. Nơi một người đàn ông lực lưỡng đang gồng gánh, ông tìm ra được nét sức mạnh của con người. Nhưng chân dung Chúa Giêsu không chỉ có nét hùng, nét đẹp, mà còn phải có một nét gì khác nữa.

Nghĩ như thế, tu sĩ lại tiếp tục tìm kiếm. Gặp một cô gái lang bạt, ông nhìn thấy nét u buồn trong ánh mắt. Gặp một người hành khất, ông tìm thấy nét thành khẩn van xin. Trong đôi mắt nhà tu hành ông tìm ra sự nghiêm nghị. Và cuối cùng, trên gương mặt người mẹ đi chôn xác đứa con, ông hiểu được thế nào là đau khổ.

Mỗi người một vẻ, nhà họa sĩ cố gắng đưa hết vào chân dung Chúa Giêsu. Nhưng ông vẫn chưa hài lòng. Vì ông thấy trên khuôn mặt Chúa vẫn còn một nét nào đó mà ông chưa xác định được.

Ngày kia, vào một khu rừng ông chợt thấy một người che mặt bỏ chạy. Ông chạy theo và khám phá ra đấy là một người phong cùi. Ánh sáng bỗng lóe lên trong ông. Thì ra điều còn thiếu trên khuôn mặt Chúa Giêsu, đó là MẦU NHIỆM! Với ý nghĩ ấy, ông lấy cọ vẽ lên khung vải trắng khuôn mặt Chúa Giêsu.

Khi tác phẩm được hoàn thành, tất cả những ai đã cung cấp cho họa sĩ nét riêng của mình đều hớn hở đến để nhìn ngắm nét ấy trên gương mặt Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ chỉ nhìn thấy một tấm vải trắng che phủ khuôn mặt.

Trước sự ngạc nhiên và thắc mắc của mọi người, họa sĩ điềm nhiên giải thích:

- Mãi mãi Chúa Giêsu vẫn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm ấy luôn mời gọi con người tuyên xưng bằng tất cả niềm tin và cuộc sống của mình.

Vâng, cho đến hôm nay sau hơn 20 thế kỷ rồi mà chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu hết được con người của Chúa Giêsu. Chúa vẫn còn là một mầu nhiệm, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở. Tuy đã được bày tỏ cho con người qua thân phận của một con người, nhưng chúng ta cũng vẫn phải đón nhận mầu nhiệm ấy nhờ đức tin. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đón nhận rồi cất giấu kỹ ở trong lòng mình nhưng là để làm cho mầu nhiệm ấy được tỏ bày ra cho mọi người qua cách ăn nết ở và mọi sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 20/04/2024 – Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh. – Biết chọn lựa. (19/04/2024 10:00:00 - Xem: 1,157)

Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Sáu 19/04/2024 – Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh. – Con đường hiến thân. (18/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,467)

Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Năm 18/04/2024 – Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Lời Chúa – cử hành Thánh Thể. (17/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,697)

Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Tư 17/04/2024 – Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh. – Ý nghĩa của cuộc sống. (16/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,071)

Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Ba 16/04/2024 – Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh. – Bánh trường sinh. (15/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,933)

Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Hai 15/04/2024 – Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Đấng Thiên Sai. (14/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,795)

Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh.

+ Chúa Nhật 14/04/2024 – CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm B. – Chứng nhân về Chúa Giêsu Phục sinh. (13/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,544)

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm B.

Thứ Bảy 13/04/2024 – Thứ Bảy tuần 2 Phục Sinh. – Bến bờ bình an. (12/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,246)

Thứ Bảy tuần 2 Phục Sinh.

Thứ Sáu 12/04/2024 – Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh. – Năm chiếc bánh và hai con cá. (11/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,899)

Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh.

Thứ Năm 11/04/2024 – Thứ Năm tuần 2 Phục Sinh. - Thánh Ta-nít-la-ô, giám mục tử đạo. Lễ nhớ. – Tình yêu thương. (10/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,901)

Thánh Ta-nít-la-ô, giám mục tử đạo. Lễ nhớ.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7