Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 04/08/2022 – Thánh Gioan Maria Vianê, linh mục. Lễ nhớ. – Bổn mạng các linh mục. – Vác Thập giá theo Chúa.

  • In trang này
  • Lượt xem: 8,440
  • Ngày đăng: 03/08/2022 08:00:00

Vác Thập giá theo Chúa.

04/08 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 18 thường niên. – Thánh Gioan Maria Vianê, linh mục. Lễ nhớ.

Bổn mạng các linh mục.

"Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".

 

* Thánh nhân sinh năm 1786 tại Lyon. Sau biết bao khó khăn gian khổ, người làm linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars thuộc giáo phận Benle. Người quả là vị mục tử gương mẫu: hoàn toàn lo việc loan báo lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt người rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà người đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng. Người qua đời năm 1859.

 

Lời Chúa: Mt 16, 13-23

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Anh là tảng đá

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ. )

Chúng ta đã quen cầu nguyện cho Đức giáo hoàng với bài hát:

“Này con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo hội…”

Theo Tin Mừng Gioan, ngay từ lần đầu gặp gỡ (Ga 1, 42),

Đức Giêsu đã đặt cho anh Simon một tên mới: Kêpha, nghĩa là Đá.

Trong bài Tin Mừng bằng tiếng Hy Lạp, Đức Giêsu nói với Simon:

“Anh là Petros (Phêrô), và trên petra (đá) này, Thầy sẽ xây Giáo Hội Thầy.”

Rất có thể Ngài đã nói với Simon bằng tiếng Do Thái thời của Ngài như sau:

“Anh là Kêpha, và trên kêpha này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy.”

Người Do Thái hầu như không có thói quen đặt tên con là Đá, Kêpha.

Khi đặt cho Simon cái tên lạ, Đức Giêsu đã muốn trao sứ mạng cho anh.

Anh sẽ là nền cho ngôi nhà mới của Thầy, do tay Thầy xây dựng (c. 18).

Ngôi nhà ấy chính là Giáo hội, là cộng đoàn giao ước mới do Thầy lập nên.

Chúng ta rất ngạc nhiên vì Đức Giêsu muốn đặt nền trên Kêpha (Phêrô),

một con người bình thường, một ngư phủ ít học.

Làm sao Giáo hội có thể xây nền trên một con người yếu đuối như thế?

Kêpha vững như bàn thạch không nhờ sức riêng, nhưng nhờ ơn Chúa.

Quyền lực của Tử thần, của Ác thần không thắng được cộng đoàn này.

Bất chấp những tấn công trong ngoài từ hai mươi thế kỷ qua,

Giáo hội vẫn đứng vững trên nền đá Phêrô, anh ngư phủ vùng Galilê,

đơn giản vì Chúa phục sinh vẫn luôn ở với Giáo hội (Mt 28, 20),

và vẫn tiếp tục xây dựng Giáo hội của Ngài trong sự thăng trầm của lịch sử.

Nhưng Phêrô cũng có những yếu đuối của mình.

Khi Thầy Giêsu loan báo về con đường khổ nạn và cái chết sắp đến,

Phêrô không thể chấp nhận được con đường hẹp này.

Dù đã được Cha mặc khải để biết Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa,

nhưng Phêrô lại chưa thể hình dung được một đấng Kitô thất bại ê chề.

“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (c. 22).

Nếu Thầy là Con Thiên Chúa, thì Cha chẳng để Thầy phải chịu như vậy.

Trong phút chốc, từ Đá Tảng vững chắc (kêpha, petra)

Phêrô trở thành viên đá làm cho Thầy vấp phạm (scandalon),

trở thành cơn cám dỗ lớn cho Thầy đến từ Satan (c. 23).

Đức Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ đối với anh môn đệ mà Ngài tin tưởng.

“Lui đi sau Thầy!”: Ngài nói giống như lần bị cám dỗ bởi Satan (Mt 4, 10).

Ngài muốn Phêrô trở lại vị trí đi sau của người môn đệ.

Cần có thời gian Phêrô mới hiểu được con đường Thầy đã đi.

và tự nguyện đón lấy cái chết thập giá mà chính Thầy đã chịu.

Cám dỗ tránh con đường hẹp của khổ đau, nhục nhã, thất bại, khó nghèo

là cám dỗ muôn thuở mà Thầy Giêsu và anh Phêrô đã trải qua,

cũng là cám dỗ muôn thuở của Giáo hội mọi thời.

Làm thế nào để chúng ta nghĩ như Thiên Chúa, chứ không như thế gian,

chọn sự ngu dại của Thập Giá hơn là sự khôn ngoan người đời (x. 1 Cr 1, 25)?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Xin nhìn đến Hội Thánh của Chúa trên khắp hoàn cầu,

Hội Thánh Chúa đã lập bằng rất nhiều tình yêu.

Xin nhìn đến những nơi thiếu nhà thờ, cần chủ chăn,

những đồng lúa chín vàng chờ người gặt.

Xin nhìn đến những thánh đường vắng bóng giáo dân,

những chủng viện và tập viện phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi.

Xin thương những kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi,

và bao người trẻ mất đức tin, mất niềm hy vọng vào Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,

Hội Thánh sau hai ngàn năm đã lớn mạnh hơn nhiều,

nhưng vẫn bị đe dọa bởi bao sóng gió bên ngoài và bên trong.

Xin cho Hội Thánh biết không ngừng canh tân nhờ Thánh Thần,

để có thể đồng hành và đối thoại với con người hôm nay.

Xin cho các kitô hữu sống thánh thiện như Cha trên trời.

để những khiếm khuyết của chúng con khỏi làm cớ cho nhiều người bỏ Chúa.

Cuối cùng, xin Chúa cho Hội Thánh chúng con những vị thánh mới,

tươi tắn, khiêm hạ và nhân từ như Chúa,

để cuộc sống ngát hương của họ khiến Hội Thánh đáng tin hơn,

và chinh phục được những tâm hồn chưa biết Chúa.

 

Suy Niệm 2: Khắc ghi trong tâm hồn

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Dân Do thái là dân cứng đầu cứng cổ. Dù đã chứng kiến biết bao việc lạ Chúa làm và thấy Mô-sê thực hiện biết bao điềm thiêng dấu lạ, nhưng cứ mỗi lần gặp thửu thách họ lại bộc lộ niềm tin yếu kém. Họ than van kêu trách. Họ đòi hỏi thoả mãn nhu cầu tức khắc. Họ sống theo xác thịt. Họ chưa có Thần Khí. Họ gây áp lực khiến Mô-sê cũng mất tinh thần mà chao đảo niềm tin. Lề Luật mới được ghi khắc vào bia đá. Chưa ghi trong tâm hồn. Nên lòng họ còn chai đá (năm lẻ).

Chúa mong muốn con người tiến sâu và xa hơn trong tình yêu Chúa. Chúa mong muốn họ sống theo Thần Khí chứ không theo xác thịt. Chúa muốn ghi khắc Lề luật vào trái tim chứ khôgn vào bia đá. Để họ tự mình nhận biết Chúa không cần phải có ai dạy dỗ. Chúa quyết định khơi lên trong trái tim họ lòng tin yêu đích thực. Đó là giao ước mới: “Đây là giao ước mới ta sẽ ký với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó. Ta sẽ đặt Lề Luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng. Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta” (năm chẵn).

Khi Chúa Giê-su đến đã hứa ban Thần Khí. Để con người được Thiên Chúa hướng dẫn. Để con người sống trong thân tình với Thiên Chúa. Có xác tín riêng. Không phải sống hời hợt bên ngoài, dựa dẫm theo đám đông. Chính vì thế Chúa hỏi từng môn đệ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai”. Không thể chạy theo dư luận. Phải có xác tín riêng. Và chính Chúa Cha đã soi sáng cho thánh Phê-rô để ông đại diện các tông đồ tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Tuy nhiên để được Thần KHí soi sáng hướng dẫn, con người cần từ bỏ mọi suy nghĩ và hành xử theo xác thịt. Phê-rô chưa thoát khỏi xác thịt. Trong một phút để xác thịt chi phối ông đã sai lầm. Cũng như Mô-sê, Phê-rô còn một chút yếu đuối. Mô-sê cũng suốt đời kiên vững, nhưng vẫn còn một phút giây chao đảo. Chỉ có Chúa Giê-su tràn đầy Thần KHí. Tình yêu mến Chúa Cha tràn ngập trong tâm hồn. Nên Chúa Giê-su không phút giây nào không tuân hành thánh ý Chúa Chá. Vì thế Chúa trở nên người Con Yêu Dấu hằng đẹp lòng Chúa Cha. Đó là khuôn mẫu của chúng ta.

Hãy noi gương Chúa Giê-su luôn để Thần Khí hướng dẫn mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm. Ta sẽ biết chu toàn thánh ý Theien Chúa. Sẽ trở nên con người mới. Của giao ước mới. Hoàn toàn thuộc về Chúa. Là dân của Chúa. Là con của Chúa.

 

Suy Niệm 3: Vác Thập Giá Theo Chúa Giêsu

Có lẽ chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh của Thập giá. Nơi nào có người Kitô hữu thì nơi đó có Thập giá. Vào thời Chúa Giêsu, Thập giá là một cực hình làm cho con người khiếp sợ, tủi hổ. Hằng ngày, người Do thái chứng kiến cảnh các tội nhân vác những khúc gỗ lớn tuần hành qua các khu phố trước khi đến Núi Sọ; những khúc gỗ sần sùi ấy sẽ được sử dụng để treo chính các tội nhân.

Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng hãy vác Thập giá của mình để tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh mạng sống của mình. Một người vô tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh tất cả cuộc đời của mình; thế nhưng điểm chính yếu của Tin Mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ðời sống Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó được tiếp tục nuôi dưỡng bởi con người Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.

Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang Thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Ðấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải đươc tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: "Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô".

Thập giá đang được vẽ lại dưới muôn nghìn hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác Thập giá với những người đang bị giam giữ một cách bất công, những người bị tước đoạt quyền sống, những người bị tra tấn và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người chúng ta. Người Kitô hữu chịu gian khó thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang sống trong chúng ta.

Xin cho Lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng ta, để giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại, chúng ta luôn kiên vững và an vui.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Trưởng Thành Trong Ðức Tin

Chúng ta hãy chú ý đến thái độ sống của hai nhân vật nổi bật trong đoạn Phúc Âm hôm nay là Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô. Trước khi mạc khải rõ ràng hơn về vận mệnh phải chịu đau khổ của mình, Chúa Giêsu khơi dậy lòng tin của các môn đệ đã từng sống với Ngài, nghe lời Ngài giảng dạy, thấy những việc lạ Ngài làm qua câu hỏi: "Dân chúng nghĩ Con Người là ai? Và các con, thì các con nghĩ như thế nào?". Sau lời tuyên xưng của Phêrô: "Thầy là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", Chúa Giêsu nói về quyền đứng đầu của Phêrô, về sự đau khổ Chúa sẽ phải chịu tại Giêrusalem để các môn đệ đừng có những hy vọng không đâu. Sai lầm! Cần khám phá ra thực thể của Chúa để theo Chúa cách trọn vẹn. Mạc khải của Chúa không hòa hợp được với quan niệm còn trần tục, chưa được thanh tẩy của Phêrô. Vì thế, ông đã căn ngăn Chúa: "Thưa Thầy, làm sao như vậy được. Xin cho chuyện khổ này đừng xảy ra cho Thầy". Và Phêrô đã bị khiển trách: "Satan, hãy lui ra khỏi mắt Ta". Trước đó không lâu, Phêrô được khen, nhưng liền sau đó là bị khiển trách vì ông chưa được thanh luyện. Dĩ nhiên, vào thời điểm này, tông đồ Phêrô và những tông đồ khác còn cần ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để tin trọn vẹn vào một Vị Thiên Chúa chấp nhận khổ đau, chịu chết cách nhục nhã rồi sẽ sống lại. Phêrô và các môn đệ còn cần ơn Chúa Thánh Thần để được ơn Chúa dẫn đến sự thật trọn vẹn và làm chứng cho Chúa.

Lạy Chúa,

Xin thương giúp con được trưởng thành trong đức tin. Xin cho con được biết đúng và chấp nhận Chúa cách trọn vẹn. Xin cho con được theo Chúa đến cùng.

 

Suy Niệm 5: Phêrô Của Đức Giêsu

Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Gio-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời: Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, thì trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì thì trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt. 16, 15-19)

Sự tuyên xưng đức tin của Phê-rô, Đức Giêsu chọn Phê-rô đứng đầu Giáo Hội Người, sự trao đổi giữa Phê-rô và Đức Giêsu, điều đó rất rõ, người ta viết nhiều về điều đó! điều đáng chú ý nữa là bạn thâm sâu và trưởng thành cũng như lòng tin cậy giữa Phê-rô và Đức Kitô luôn bền vững.

Phê-rô.

Phê-rô được Đức Giêsu chọn đứng đầu. Người ta thấy luôn luôn gần gũi Đức Giêsu như một nhân vật giữ gìn chìa khóa. Đức Giêsu luôn quan tâm đến giây phút cuối cùng, Phê-rô có nhiều lầm lỗi, tuyên bố quá đáng, phản kháng mạnh mẽ, những vui vẻ chất phát hào phóng và có thiện cảm kỳ lạ. Ông yêu mến Đức Giêsu! Cảm phục Người không chút dè dặt. Đức Giêsu yêu mến ông vì sức mạnh mẽ tự nhiên này, Người hoàn toàn tín nhiệm ông. Chính ông là nền tảng Đức Giêsu xây đá Hội Thánh, chính ông được Đức Giêsu trao chìa khóa Nước Trời, khi Đức Kitô nói với các môn đệ, Phê-rô đã tự mình làm xướng ngôn viên, ông đã phát biểu: “Thầy là Con Thiên Chúa Hằng Sống” chính ông hiểu ra ông sẽ là người đầu tiên bước theo gót của Thầy.

Không có những ủy mị hào phóng.

Thật ngồ ngộ, vui vui, và thật cảm động! khi Đức Kitô loan báo về việc khổ nạn và cái chết của Người, Phê-rô phản đối Người! Chớ dại, sao lại đi nộp mình vào tay quân thù!

Đức Giêsu và Phê-rô được các môn đệ và đám đông vây quanh. Hai người không bước đồng hành với nhau, nhưng tháp tùng nhau, hai người sát cánh nhau đến cùng!

Đức Giêsu đến lượt Người phải quay lại khiển trách Phê-rô. Người quở mắng thẳng thừng bạn đồng hành thứ nhất của mình, bạn tri ân, bạn đáng tin cậy nhất của mình.

Một tình bạn không chịu cho người khác hòa giải, cũng không ủy mị hào nhoáng. Nếu người ta muốn biết quy tắc của tình bạn, chúng ta chỉ mở Tin Mừng ra và đồng hành với Đức Giêsu và Thánh Phê-rô đã sống làm bạn với nhau là quá đủ.

J.M

 

Suy Niệm 6: Cần tuyên xưng để đón nhận sứ vụ

Xem lại CN 21 TN A,

lễ kính Toà Thánh Phê-rô 22/2, lễ thánh Phê-rô và Phao-lô 29/6

"Người ta bảo Con Người là ai?".

Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ như vậy? Câu hỏi này của Đức Giêsu có ý gì?

Thưa vì những lý do sau:

Thứ nhất, Ngài và các môn đệ đang ở vùng Cêsarêa Philipphê, đây là vùng đất của dân ngoại. Địa danh này còn được biết đến là một trung tâm thờ thần Baan. Nơi đây cũng có thể là nơi “chôn nhau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias - thần thiên nhiên.

Dân chúng ở đây, trong tâm thức của họ, Đức Giêsu chỉ là một nhân vật vĩ đại và thuần túy, hay chỉ là người tiếp nối quá khứ truyền thống các tiên tri mà thôi. Sẵn có lối suy nghĩ như vậy, nên họ không hiểu rõ sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì thế không lạ gì khi được hỏi về dư luận trong dân chúng về mình, các môn đệ đã thông tri cho Đức Giêsu biết: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Khi nghe thấy như thế, Đức Giêsu không thỏa mãn với câu trả lời đó, nên đã hỏi trực tiếp các môn đệ: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?". Phêrô đã thay mặt anh em lên tiếng:  "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Khi Phêrô tuyên xưng điều đó, có lẽ ông cũng không hiểu hết, bởi vì mầu nhiệm này quá sức của ông và các môn đệ khác.

Quả thật, “Đấng Kitô” mà Đức Giêsu muốn các môn sinh của mình hiểu ở đây không chỉ đơn thuần theo nghĩa là Đấng được Thiên Chúa sinh ra, mà còn là người hành động như Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa. Còn “Con Thiên Chúa hằng sống ”, tức Ngài là Đấng tự hữu và tự tồn tại, vì thế “Ngài ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.

Thứ hai, đây là dịp để Đức Giêsu trắc nghiệm niềm tin của các môn đệ vào mình, bởi lẽ không thể trao phó một trách nhiệm quan trọng mang tính trường tồn cho một kẻ kém tin và không hiểu biết gì về Người Trao.

Vì vậy, khi Phêrô tuyên xưng niềm tin, ngay lập tức, Ngài đã đổi tên của ông là Simon thành Phêrô và giải thích là “Đá Tảng”, đồng thời, Ngài cũng đặt gánh nặng lên vai Simon Phêrô: “Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” và “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy".

Khi nói Phêrô là “Đá Tảng”, Đức Giêsu cho biết, đây là một thực tại chắc chắn, không lay chuyển, không thay đổi.

Thứ ba, khi đặt Phêrô làm “Đá Tảng” để xây dựng Giáo Hội, Đức Giêsu muốn chúng ta tin rằng:

Giáo Hội được Ngài thiết lập trên “Đá Tảng” là Phêrô, và chúng ta là người được ở trong tòa nhà đó, hẳn chúng ta phải xác tín rằng: “quyền lực tử thần sẽ không phá nổi”.

Thật vậy, trải qua biết bao thế kỷ, Giáo Hội luôn đứng vững trước sự công phá của ma quỷ, không những thế, Giáo Hội còn giải thoát con người khỏi ách của tội lỗi... và sự chết.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy vững tin vào Đức Kitô, vì “Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống”. Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Bí tích Hòa Giải. Vâng phục, yêu mến đấng thay mặt Chúa, kế vị Thánh Phêrô là Đức Giáo Hoàng. Đồng thời luôn biết thể hiện tinh thần hiệp thông để xây dựng Giáo Hội của Chúa trên trần gian này, hầu cho nhiều người nhận biết “Ðức Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống". Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu là ai??

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Cuộc đời người Kitô hữu là đi tìm cho bằng được câu trả lời Chúa Giêsu là ai. Cũng như Thánh Phêrô đã thay mặt Hội thánh trả lời chính xác và đầy đủ, mỗi người cũng cần tìm ra câu trả lời của chính mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con dừng lại cùng với các môn đệ để lắng nghe Chúa hỏi: “Người ta bảo Thầy là ai”. Và Chúa hỏi thêm: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.

Lạy Chúa, con dễ dàng nói lên câu trả lời của người khác về Chúa, còn câu trả lời của con thì không nói được. Cũng như các môn đệ, khi Chúa hỏi người ta nói Thầy là ai, thì các ông cùng trả lời; nhưng đến lúc Chúa hỏi chính các ông, thì chỉ có một mình Thánh Phêrô trả lời mà thôi.

Đã bao nhiêu năm con đi theo Chúa, bao nhiêu năm con sống với Chúa, nhưng con vẫn chưa hiểu Chúa là bao. Con vẫn cảm thấy bối rối khi nghe câu hỏi của Chúa. Con nghe thánh Phêrô tuyên xưng Chúa là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống; con biết rằng Chúa là tình yêu. Con thuộc lòng các câu giáo lý. Nhưng con chưa thực sự cảm nhận được tình yêu Chúa trong đời mình. Con chưa nhận ra được sự hiện diện sống động của Chúa trong cuộc sống con hôm nay. Con chưa tự mình nói lên được một lời tuyên xưng đức tin phát xuất từ đáy lòng.

Xin cho con biết dừng lại hồi tâm suy niệm, để nhận được tình yêu Chúa và sự hiện diện của Chúa trong đời con. Xin đừng để con chỉ hiểu biết Chúa theo sách vở mà không một lần sống với Chúa trong đời. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Thiên Chúa của con, là gia nghiệp của con, xin cho con bước theo Chúa đến tận cùng. Amen.

Ghi nhớ: “Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.

 

Suy Niệm 8: Chúa Giêsu là ai?

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau một thời gian giảng dạy và làm nhiều phép lạ, Đức Giêsu muốn biết người ta nghĩ sao về mình và Ngài cũng muốn hỏi các Tông đồ nghĩ sao về Ngài.

Dân chúng biết mù mờ về Đức Giêsu bởi họ không chú ý đến giáo huấn của Ngài. Lúc này đã gần đến giờ của Đức Giêsu, giờ Ngài sắp bước vào cuộc Thương khó – đỉnh cao của chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài muốn các môn đệ xác tín lập trường của mình, để các ông can đảm theo Ngài. Chúng ta cũng không thể biết Đức Giêsu là ai, nếu chúng ta không quan tâm học hỏi và khám phá. Không biết Đức Giêsu là một thiệt thòi lớn lao. Vì chỉ khi biết Đức Giêsu, chúng ta mới đạt được nguồn bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.

2. Có nhiều câu trả lời về Chúa Giêsu: người thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó. Mọi câu trả lời đều nói lên phần nào sứ mệnh của Chúa, nhưng chưa đúng hẳn, tức là dân chúng chỉ coi Chúa Giêsu là một tiên tri, tức là một người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Thiên Sai, chứ chưa phải là Đấng Thiên Sai. Vì thế, chỉ với câu trả lời của ông Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu mới hoàn toàn bằng lòng, tức là ông Phêrô tuyên xưng Chúa là Đấng Thiên Sai. Quả thực, tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống là diễn tả được cả sứ mạng lẫn con người của Ngài.

3. Lời đáp trả của Phêrô quả là một lời tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô” tức là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên chúng ta thấy, trong cái nhìn của Phêrô và phù hợp với giấc mơ chung của các ông, thì Đức Kitô mà các ông mong đợi là Đấng sẽ đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh.

Chính vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô đã can gián Ngài. Tuyên xưng một Đức Kitô Cứu Thế mà không chấp nhận con đường thập giá, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ của Satan đối với Chúa Giêsu đều qui về một mối là khước từ con đường Thập giá. Do đó, khi Phêrô can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Ngài đã gọi Phêrô là Satan. 

4. Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và được Ngài khen là người có phúc. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận Đấng Kitô phải chịu đau khổ và chịu chết như thế được. Cũng như bao người Do thái khác, Phêrô mong đợi một Đấng Kitô như là một vị vua trần thế nắm quyền lực chính trị, giải phóng Israel khỏi ánh thống trị Rôma, làm bá chủ thế giới. Nhưng đường lối của Chúa thì khác, con đường hiến thân phục vụ: “Con người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10,45) (5 phút Lời Chúa).

4. Phêrô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Đấng Kitô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng Đức Kitô cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài. Phêrô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của các ông. Tất cả đều lặp lại cái chết khổ hình của Đức Kitô.

Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Đấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất chương trình cứu rỗi loài người. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải được tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: “Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô (Mỗi ngày một tin vui).

5. Truyện: Ý nghĩa của một bức tượng.

Nhà điêu khắc Dannecker người Đức, đã để nhiều công khó trong công tác tạc một bức tượng của Chúa Giêsu bằng cẩm thạch. Trong hai năm đầu, bức tượng đã xong, nhà điêu khắc mời một em bé vào phòng vẽ của mình và hỏi em bé rằng:

- Ai đó?

Em bé tức khắc trả lời:

- Một vĩ nhân.

Nhà điêu khắc buồn và nghĩ rằng, công khó của mình trong hai năm kể như đã hỏng. Ông tiếp tục tạc lại trong sáu năm nữa và mời một em bé khác vào phòng vẽ và hỏi:

- Em biết bức tượng này là ai không?

Sau khi nhìn bức tượng một lúc, yên lặng và nước mắt tràn ra đôi mi, em khẽ nói:

- Hỡi những con trẻ đau khổ, hãy đến cùng ta!

Nhà điêu khắc thỏa mãn, thành công về tác phẩm của mình. Nhà điêu khắc Dannecker sau đó đã tuyên bố:

- Tôi đã thấy Chúa Cứu Thế Giêsu và hình ảnh của Ngài đã thể hiện trong khi tôi tạc bức tượng Ngài bằng cẩm thạch này.

Sau đó ít lâu, hoàng đế Napoléon Bonaparte yêu cầu nhà điêu khắc tạc cho hoàng đế bức tượng nữ thần Vệ Nữ để trưng bầy trong việc bảo tàng Louvre, Paris. Hoàng đế hứa sẽ trả cho ông một món tiền rất lớn, nhưng Dannecker từ chối. Ông nói rằng: “Một người đã thấy Đấng Kitô và đã tạc vẽ mặt của Ngài rồi thì không thể dùng nghệ thuật của mình vào những việc ở đời này được nữa, bởi vì làm như thế là tục hóa nghệ thuật của mình mất rồi”.

 

Suy Niệm 9: Hiểu biết về Chúa Giêsu

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt:

Phân đoạn trước (13,53—16,12) là hành trình đức tin của nhóm người đi theo Chúa Giêsu làm thành một “Giáo Hội phôi thai”. Trong phân đoạn này (16,13—17,27 – Từ hôm nay đến Thứ Hai tuần 19), Thánh Matthêu cho ta thấy mức độ đức tin mà nhóm người này – qua đại biểu là Phêrô - đạt được: vừa nhận biết Chúa Giêsu là “Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” nhưng đồng thời vẫn chưa hiểu rõ kiểu “Kitô” mà Chúa Giêsu muốn là như thế nào, do đó Phêrô đã lên tiếng cản ngăn khi Chúa Giêsu báo tin Ngài sẽ chịu nạn chịu chết. Vì vậy, Chúa Giêsu một lần nữa nhắc lại sự cần thiết phải từ bỏ.

A. Hạt giống...

Đoạn này cho thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu:

1. Mức độ của dân chúng: nếu chỉ thấy những việc Chúa Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta chỉ biết Ngài là một ngôn sứ thôi.

2. Mức độ của Phêrô: được ơn Chúa soi sáng, Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu ơn soi sáng của Thiên Chúa không có sự hợp tác là sự “đi theo” của con người thì dù có hiểu biết Chúa Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa.

3. Mức độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ: hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.

B.... nẩy mầm.

1. Tôi hiểu biết Chúa Giêsu tới mức độ nào:

- Coi Ngài là một ngôn sứ. Do đó tôi chỉ liên hệ với Ngài để xin ơn?

- Coi Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là lẽ sống đời tôi, nhưng lại sợ khó, ngại khổ?

- Sẵn sàng bỏ tất cả và vác thập giá đi theo Ngài?

2. “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”: cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội.

3. Chúng ta có nhiều cách để khước từ thập giá: khi không tiếp nhận cuộc sống như một ơn ban, khi chỉ bị quay nhìn về các biến cố và con người, khi bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, khi đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin kitô trong từng phút giây cuộc sống. ("Mỗi ngày một tin vui")

4. Ngày kia, hoàng đế của một vương quốc lớn đã mời gọi các nghệ sĩ từ nhiều nước đến dự cuộc thi “mô tả chân dung hoàng đế”. Các nghệ sĩ Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa kim cương quí nhất. Các nghệ sĩ Ai cập thì mang đến đủ thứ đồ nghề và một khối cẩm thạch hảo hạng. Sau cùng người ta rất nhạc nhiên khi thấy phái đoàn Hy Lạp chỉ mang vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.

Mỗi phái đoàn dự thi trong một căn phòng đặc biệt của cung điện. Khi thời gian đã hết, Đức vua cho trưng bày các tác phẩm tranh giải. Ông hết sức khen các bức chân dung của chính mình do các nghệ sĩ Ấn Độ và Ai cập tạc nên. Sau cùng đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, hoàng đế chỉ thấy duy nhất một bức tường đã được đánh bóng đến độ khi hoàng đế nhìn vào ông thấy khuôn mặt của mình hiện ra từng nét. Và phái đoàn Hy Lạp đã đoạt giải nhất trong cuộc thi đó.

Sứ mệnh căn bản của mỗi kitô hữu là hoạ lại dung nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó, chúng ta phải đục đẽo, phải loại bỏ tất cả những gì là gồ ghề, thô nháp, những thói hư tật xấu và phải cầu xin để có một đức tin vững mạnh.

Lạy Chúa, xin cho con biết kiên nhẫn đục đẽo tâm hồn và cuộc sống con để dung nhan Ngài giãi sáng qua mọi hành vi của đời sống con. (Hosanna)

5. Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16)

Hằng ngày tôi phải đối mặt với biết bao vấn đề, biết bao chuyện mà Thiên Chúa đòi tôi phải làm chứng cho Ngài. Trước bao vấn đề cần sự can thiệp của tôi: kỷ luật trong lớp học, dàn hoà một cuộc cãi nhau hay một xích mích, giúp đỡ kẻ nghèo... Tôi chỉ biết suy nghĩ cách giải quyết này đến cách giải quyết khác. Tất cả chỉ là những lý tưởng. vì chúng chỉ lẩn quẩn trong đầu tôi mà không thể đi tới hành động.

 Ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng khi chối Chúa 3 lần, ông đã không dám dấn thân đến cùng cho niềm tin. Và đức tin không có việc làm là đức tin chết!

Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Người, để con mạnh dạn tuyên xưng Chúa bằng chính hành động của con. (Hosanna).

 

Suy Niệm 10: Con Người là ai?

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu biết giờ cuối cùng của Ngài sắp đến gần, nên Chúa dành nhiều thời giờ sống riêng với các môn đệ. Ngài có nhiều điều cần phải nói với họ, dù có những điều họ không thể lãnh hội, và không thể hiểu thấu. Chúa rút về địa phận thành Césarê Philipphê. Thành này cách biển Galilê chừng 40 km về phía đông bắc, nằm ngoài lãnh địa của Hêrôđê Antipas, người đang cai trị vùng Galilê, và thuộc địa phận của vương hầu Philipphê. Dân cư ở đây phần lớn không phải là người Do Thái, ở đó Chúa Giêsu sẽ được yên tĩnh hơn để dạy dỗ mười hai môn đệ của Ngài cho tốt hơn.

Lần này, Chúa Giêsu phải đối diện với một đòi hỏi cấp bách. Thì giờ của Ngài không còn bao nhiêu. Số ngày của Ngài trên đất chỉ còn đếm từng ngày. Vấn đề là: đã có ai hiểu được Ngài không? Đã có ai nhận ra Ngài là ai và đã làm gì không? Và rồi sau này thì ai sẽ tiếp tục công việc của Ngài, hoạt động cho Nước Ngài khi Ngài rời bỏ trần thế này? Hiển nhiên, đây là một vấn đề hết sức trọng đại có liên quan đến sự sống còn của đức tin vào Chúa Kitô. Nếu không có ai nắm được chân lý, không có ai tiếp thu được những lời Ngài dạy thì bao nhiêu công lao của Ngài sẽ tan thành mây khói. Vì vậy, Chúa Giêsu quyết định trắc nghiệm các môn đệ yêu quí của Ngài. Ngài hỏi những người theo Ngài: "Người ta nói Con Người là ai?" (Mt 16,13).

2. Sau khi đã nghe qua những lời nhận định của quần chúng, Chúa đã đặt một câu hỏi hết sức quan trọng với các tông đồ: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (Mt 16,15). Sau câu hỏi ấy, chắc các tông đồ chưa dám trả lời ngay. Tâm trí các ông còn băn khoăn và e ngại không biết phải nói thế nào. Rất may ngay sau đó, Phêrô đã đưa ra điều khám phá và lời xưng nhận bất hủ của ông.

Nghe xong lời tuyên xưng đó chắc chắn Chúa Giêsu đã hài lòng vì Ngài biết rằng, công tác của Ngài ít nhất cũng được bảo đảm vì đã có người hiểu Ngài: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". (Mt 16,16)

Sau khi nghe Phêrô tuyên xưng như thế, dường như Chúa đã bằng lòng nhưng thật lòng Ngài vẫn chưa được yêm tâm cho lắm. Có lần Napoléon đã nói về Chúa Giêsu như thế này: "Tôi biết con người, nhưng Chúa Giêsu còn hơn một con người". Vậy thì làm sao lời tuyên xưng của Phêrô nói hết được nội dung Chúa mong chờ. Bằng chứng là ngay sau đó, ông đã làm cho Chúa phải trách ông nặng lời khi ông công khai can ngăn Chúa.

Như vậy, chúng ta thấy sự khám phá ra con người của Chúa Giêsu không phải là một khám phá dễ dàng. Phải có ơn Chúa soi sáng mới được. Khi Philatô hỏi Chúa Giêsu, Ngài có phải là Vua dân Do Thái không, thì Ngài trả lời: "Ngài tự ý nói điều ấy, hay nhũng người khác đã nói với ngài về tôi?" (Ga 18,34).

Như vậy, một người có thể biết hết mọi điều Chúa Giêsu nói, có thể biết hết mọi điều về giáo lý Chúa Giêsu dạy. Họ cũng có thể tóm lược đầy đủ những giáo huấn về Chúa Giêsu mà nhiều nhà tư tưởng, thần học đã viết về Chúa, nhưng chưa chắc họ đã là một Kitô hữu đúng nghĩa. Kitô giáo không nằm trong sự hiểu biết về Chúa Giêsu mà ở chỗ cảm nghiệm được Ngài. Ngài đòi hỏi mọi người phải có nhận biết riêng của mình, ngài không chỉ hỏi Phêrô mà còn hỏi mỗi người: "Còn ngươi, ngươi cho ta là ai?"

Nhà điêu khắc Dannecker người Đức, đã để nhiều công khó trong công tác tạc một bức tượng của Chúa Giêsu bằng cẩm thạch. Trong hai năm đầu, bức tượng đã xong, nhà điêu khắc mời một em bé vào phòng vẽ của mình và hỏi em bé rằng:

- Ai đó?

Em bé tức khắc trả lời:

- Một vĩ nhân.

Nhà điêu khắc buồn và nghĩ rằng, công khó của mình trong hai năm kể như đã hỏng. Ông tiếp tục tạc lại trong sáu năm nữa và mời một em bé khác vào phòng vẽ và hỏi:

- Em biết bức tượng này là ai không?

Sau khi nhìn bức tượng một lúc, yên lặng và nước mắt trào ra đôi mi, em khẽ nói:

- Hỡi những con trẻ đau khổ hãy đến cùng ta!

Nhà điêu khắc thỏa mãn, thành công về tác phẩm của mình. Nhà điêu khắc Dannecker sau đó đã tuyên bố:

- Tôi dã thấy Chúa Cứu Thế Giêsu và hình ảnh của Ngài đã thể hiện trong khi tôi tạc bức tượng Ngài bằng cẩm thạch này.

Sau đó ít lâu, hoàng đế Napoléon Bonaparte yêu cầu nhà điêu khắc tạc cho hoàng đế một bức tượng nữ thần Vệ Nữ để trưng bày trong viện bảo tàng viện Louvre, Paris. Hoàng đế hứa sẽ trả cho ông một món tiền rất lớn, nhưng Dannecker từ chối. Ông nói rằng: "Một người đã thấy Đấng Kitô và đã tạc vẻ mặt của Ngài rồi thì không thể dùng nghệ thuật của mình vào những việc ở đời này được nữa, bởi vì làm như thế là tục hoá nghệ thuật của mình mất rồi."

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Sáu 26/04/2024 – Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh. – Ðường về quê trời. (25/04/2024 10:00:00 - Xem: 1,361)

Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Năm 25/04/2024 – Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh – THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính. – Sư Tử Có Ðôi Cánh.  (24/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,114)

THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.

Thứ Tư 24/04/2024 – Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh. – Ðức tin là ánh sáng. (23/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,783)

Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Ba 23/04/2024 – Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh. – Sự thật cứu rỗi. (22/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,896)

Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Hai 22/04/2024 – Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh. – Chúa chiên lành. (21/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,632)

Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh.

+ Chúa Nhật 21/04/2024 – CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH năm B. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu Linh mục và tu sĩ – Mục tử tốt lành. (20/04/2024 10:00:00 - Xem: 6,110)

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH năm B. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu Linh mục và tu sĩ

Thứ Bảy 20/04/2024 – Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh. – Biết chọn lựa. (19/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,258)

Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Sáu 19/04/2024 – Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh. – Con đường hiến thân. (18/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,985)

Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Năm 18/04/2024 – Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Lời Chúa – cử hành Thánh Thể. (17/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,889)

Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Tư 17/04/2024 – Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh. – Ý nghĩa của cuộc sống. (16/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,240)

Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7