Lời chúa mỗi ngày

Thứ Hai 27/03/2023 – Thứ Hai tuần 5 mùa Chay. – Ta không kết tội. Hãy đi, đừng phạm tội nữa.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,938
  • Ngày đăng: 26/03/2023 10:00:00

Ta không kết tội. Hãy đi, đừng phạm tội nữa.

27/03 – Thứ Hai tuần 5 mùa Chay.

"Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi".

 

Lời Chúa: Ga 8, 1-11

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.

Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất.

Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó.

Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Đừng phạm tội nữa

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Bị bắt quả tang phạm tội là điều đáng xấu hổ.

Nhưng nếu tội đó là tội ngoại tình

thì thật là kinh khủng.

Ta cần hình dung người phụ nữ ấy, xốc xếch, rối bù,

bị lôi đi, mắt cúi xuống tránh những cái nhìn khinh miệt.

Trời tang tảng sáng, nơi Ðền Thờ Giêrusalem,

Ðức Giêsu đang ngồi giảng dạy cho đám đông.

Chị ta bị đặt trước mặt Ngài, đứng ngay giữa.

Các kinh sư và pharisêu hí hửng với cái bẫy của mình.

Người phụ nữ này thật là một cơ may hiếm có

để họ có bằng chứng tố cáo Ngài.

“Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người này.

Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

Quả là một câu hỏi bất ngờ, lịch sự và nham hiểm.

Ðức Giêsu không thể nói ngược với luật Môsê,

và cũng không thể nói ngược với trái tim của mình.

Ngài cúi xuống, lấy tay vẽ nguệch ngoạc trên đất.

Có vẻ như Ngài thờ ơ, không muốn can dự vào

hay Ngài đang suy nghĩ cho ra câu trả lời thích hợp.

Thời gian thinh lặng trôi qua, các kẻ tố cáo sốt ruột.

Họ đắc thắng gặng hỏi, tưởng Ngài bị dồn vào thế bí.

“Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi.”

Ngài trả lời, rồi lại cúi xuống viết trên đất.

Câu trả lời của Ngài bất ngờ vang trong tĩnh lặng,

bắt người ta phải trở về đối diện với lòng mình.

Ai dám tự hào mình vô tội?

Có bao tội bất trung nặng chẳng kém tội ngoại tình.

Có bao tội ngoại tình thầm kín không bị bắt quả tang.

Có bao tội ngoại tình trong tư tưởng và ước muốn.

Khi tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình.

Không thấy cái xà ở mình mà lại thấy cái rác nơi người khác.

Các kinh sư và pharisêu đã khiêm tốn xét mình.

Họ lần lượt rút lui, gián tiếp nhận mình có tội.

Kẻ trước người sau, người lớn tuổi đi trước.

Chúng ta trân trọng thái độ chân thành của họ.

Họ ra đi, để lại hai người mà họ tố cáo và định tố cáo.

Cuối cùng chỉ còn lại người đáng thương và chính Tình Thương.

Bầu khí trở nên nhẹ hơn, êm hơn cho cuộc đối thoại.

Ðấng duy nhất có thể ném đá lại nói:

“Tôi không lên án chị đâu! Chị về đi,

từ nay đừng phạm tội nữa.”

Lắm khi việc áp dụng luật lại dẫn đến bế tắc.

Ném đá quả là một hình phạt răn đe hữu hiệu,

nhưng lại không ích lợi gì cho người phạm tội.

Ðức Giêsu chẳng những đã cứu một mạng người,

Ngài còn làm sống lại một đời người.

Dù con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã,

nhưng Ngài vẫn tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào họ.

Ngài không dung túng cái xấu, nhưng Ngài khơi dậy cái tốt

còn đang yên ngủ nơi người phụ nữ và cả nơi các kinh sư.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

 

Suy Niệm 2: Thiên Chúa sự sống

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sự chết rình rập tiêu diệt con người. Con người tự nộp mình vào chỗ chết khi phạm tội. Con người tiêu diệt lẫn nhau bằng những âm mưu hiểm độc gian dối. Nếu không có Chúa ta không có hi vọng được cứu sống.

Chúa cứu sống bà Su-za-na bằng cuộc phân xử công minh. Phơi bầy sự thật. Vạch trần gian dối. Người công chính được minh oan. Kẻ gian ác bị trừng phạt. Chúa đảo ngược thế cờ. Không để cho sự dữ hoành hành. Không để cho kẻ ác thống trị. Người lành được bình an. Thế giới được hạnh phúc. Công minh tuyệt đối. Đó là Cựu ước. Nhưng đến thời Tân ước có những bước tiến mới hơn công minh.

Chúa cứu người phụ nữ ngoại tình bằng một cuộc phân xử khác. Công minh và nhân hậu.

Công minh khi Chúa hỏi những người tố cáo: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Thực vậy nếu phải ném đá có lẽ phải ném chính bản thân. Vì trước mặt Chúa nào có ai vô tội? Đã không kết án mình đâu còn dám kết án người khác.

Nhân hậu khi Chúa nói với người phụ nữ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!”. Và lòng nhân hậu lên đến tuyệt đỉnh khi Chúa nói: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Không kết án. Không giết chết. Nhưng còn hơn thế nữa, mở cho ta con đường sự sống. Không đóng đinh con người vào quá khứ. Nhưng mở cho con người một tương lai. Không nghi ngờ con người yếu đuối. Nhưng tin tưởng thiện chí và khả năng đổi mới.

Không chỉ cứu mạng sống thân xác chóng qua. Nhưng cứu sự sống của linh hồn bất tử. Không chỉ cứu một người phụ nữ. Nhưng cứu tất cả mọi người. Những người có mặt hôm ấy khi về nhà phải duyệt xét lương tâm. Biết mình có tội. Biết sám hối. Mọi người sẽ được sự sống.

Quả thực Chúa là vị thẩm phán công minh và nhân hậu. Xử án không phải để kết án nhưng để tha thứ. Không phải để giết chết nhưng để cứu sống. Vì Chúa là Thiên Chúa sự sống.

 

Suy Niệm 3: Khả năng chinh phục

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Đức cha Bossuet là một văn hào và một nhà hùng biện Pháp đã tuyên bố: “Ai muốn tranh luận giáo lý, hãy đến với tôi, tôi sẽ làm cho họ thua lý”. Còn Đức cha Salêsiô thì lại chinh phục những người lạc giáo bằng cách đón tiếp, lắng nghe, tìm hiểu và giải quyết những thắc mắc của họ.

Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cho thấy Ngài có khả năng chinh phục lạ thường. Không ai có uy quyền như Ngài để làm những việc kỳ diệu, để chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến; những lời Ngài nói có sức hấp dẫn đến độ dân chúng nghe Ngài đã nhận xét: “Không ai ăn nói được như Ngài”. Tuy nhiên, quyền năng chinh phục của Ngài không hủy diệt sự tự do của con người. Trước thái độ không tin và bắt bẻ của người Biệt phái, Ngài đã dùng ngôn ngữ của con người để mặc khải sự thật cao cả của Thiên Chúa, sự thật có sức cứu rỗi.

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta xét lại thái độ sống đức tin của chúng ta: biết bao lần Chúa Giêsu đã thực hiện những dấu lạ trong đời sống cá nhân chúng ta cũng như trong sinh hoạt cộng đoàn để nhắc nhở chúng ta rằng Ngài là Đấng Cứu Thế, là Ánh Sáng, là Chân lý, nhưng chúng ta đã nhìn nhận ánh sáng và chân lý Ngài đem đến với tất cả chân thành và khiêm tốn chưa? Tác giả tập sách Đường Hy vọng đã viết:

“Đối với người kitô hữu tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương. Chúa không phải là Đấng bắt con kính mến, nhưng đúng hơn Ngài là Đấng con phải để cho Ngài yêu thương. Nhân loại cảm thấy mình làm được mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống, mình đi về đâu, tương lại thế nào. Nhân loại đang trải qua cơn khủng hoảng hy vọng, nhưng có thể chính cá nhân chúng ta cũng đang gặp cơn khủng hoảng đó, vì chúng ta không có đức tin trọn vẹn, không chấp nhận sự thật mà Chúa mạc khải… Ta là Ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống. Đó là bí quyết của niềm hy vọng”.

Xin Chúa gia tăng đức tin và hướng dẫn chúng ta theo ánh sáng chân lý để cuộc đời chúng ta trổ sinh hoa trái làm vinh danh Chúa và phục vụ anh em.

 

Suy Niệm 4: Tôi không kết án chị.

Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ để chị ta đứng giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. (Ga. 8, 2-5)

Nếu chúng ta còn hồ nghi lòng thương xót của Thiên Chúa, thì hãy Suy Niệm cảnh chưa từng nghe về người phụ nữ ngoại tình này trong Tin mừng thánh Gio-an để trừ khử mọi nỗi lo sợ của chúng ta.

Một phiên tòa tiểu hình diễn tả năm màn, đối kháng giữa lòng bao dung đại lượng của Đức Giêsu và sự bỉ ổi hẹp hòi của loài người.

Cảnh một: Màn tố cáo – Một phụ nữ bị chộp quả tang phạm tội ngoại tình bị điệu đến trước mặt Đức Kitô, giữa chốn công cộng. “Thưa Ngài Giêsu, Ngài nghĩ sao? Cần phải làm gì đối với trọng tội này? Theo luật Mô-sê tất nhiên phải ném đá. Còn Ngài thì sao …”.

Cảnh hai: Màn cúi xuống đất – Đức Kitô, Vị quan tòa lặng thinh, thong thả vẽ những hình nguệch ngoạc nực cười, không nói một tiếng.

Cảnh ba: Những kẻ tố cáo bắt đầu khó chịu, bực bội, đứng trước vị ngôn sứ im lìm nặng nề – Đức Kitô đã biết rõ mục đích của họ đã sốt sắng nại đến việc giữ luật Mô-sê để thúc giục Người mắc vào cạm bẫy này: Nếu Người chống lại luật ném đá, họ tố cáo Người phá luật Mô-sê. Nếu Người ra lệnh ném đá, Người mất hết danh tiếng tốt lành và nhân từ thương xót. Đức Kitô ngước mắt nhìn hạng người mưu mô đáng ghét đó luôn luôn bới lông tìm vết bắt bẻ Người. Người nhìn họ với lòng thương hại, nhưng bình tĩnh trả lời họ: “Ai trong các ông không có tội, hãy ném đá chị này trước”.

Cảnh bốn: Màn bối rối và kinh ngạc, bất lực trả lời trước lời đề nghị của vị quan tòa đang xét xử các ông - Các ông rất lúng túng, từng người bỏ đi, bắt đầu từ người già nhất, chứng tỏ họ quá khôn, lo tự vệ mình trước hay đúng hơn có thể họ lại bị kết án đồng phạm với chị.

Cảnh năm: Đức Giêsu còn lại một mình, thanh thản, trong sáng, trước người nữ bị hạ nhục, mắng nhiếc, bôi nhọ trước công chúng.

Không một lời than trách, không một cử chỉ khinh chê, không một vẻ làm cao hay thương hại. Nhã nhặn, lịch lãm biết bao, Giêsu ơi! Đối nghịch lại với lối cư xử của chúng ta quen làm đến tàn nhẫn, chôn vùi lương tâm mình để buộc người khác phải xưng thú những sai lỗi nhỏ mọn đến từng chi tiết.

Còn Đức Giêsu, Người chỉ tuyên bố một câu ngắn gọn: “Không ai kết án chị ư? Tôi cũng thế, Tôi không kết án chị”. Đó là câu đầy tình thương yêu.

G.M

 

Suy Niệm 5: Tôi không kết án chị

(Ngọc Biển SSP)

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay diễn ra trong khung cảnh Lễ Lều. Khi nói đến Lễ Lều, là nhắc lại cho dân về hành trình trong Samạc suốt bốn mươi năm trường. Đây cũng gọi là lễ tạ ơn sau mùa gặt. Lễ này được dành cho mọi người không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, địa vị trong xã hội. Vì thế, không ai bị loại trừ, cho nên người ta gọi lễ này là lễ của Vui Mừng.

Vì là lễ hội vui mừng nhất của người Dothái, nên người ta hứng khởi và vui tươi khi về dự lễ. Vì vậy, nó cũng cuốn hút lượng người có lẽ là đông nhất trong các dịp lễ của năm. Đây cũng là cơ hội để họ hẹn hò, tâm sự, chia sẻ...

Nhân có hội này, các Kinh Sư và Pharisêu cố tìm ra cho được một lời tố cáo Đức Giêsu nhằm hạ uy tín của Ngài, bởi vì đây là dịp đông người, hơn nữa, nếu thắng thế, họ có đủ lý do thuận tiện để giết Ngài.

Và cơ hội ngàn năm một thủa đã đến khi họ bắt được quả tang một người phụ nữ đang ngoại tình, và họ dẫn nàng đến với Đức Giêsu.

Họ dẫn đến để xin Ngài xét xử. Họ nói: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môisê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?".

Tuy nhiên, vì biết rõ lòng họ độc, nên Đức Giêsu phản ứng bằng việc bình tĩnh lấy tay viết trên đất! Hành động này của Đức Giêsu khiến cho họ sinh thêm bực bội và nóng lòng sốt ruột.

Họ sốt ruột là vì cái bẫy đã giăng, chỉ chờ Đức Giêsu mắc phải là ra tay đối với Ngài! Thật thế, nếu Đức Giêsu tuyên bố tha thì Ngài rơi vào bẫy chống luật Môsê, còn nếu tuyên án tử cho chị phụ nữ thì sẽ bị mất uy tín và đi ngược lại đường lối của Thiên Chúa cũng như những lời rao giảng của Ngài.

Sự thinh lặng và viết trên đất là cách thế Đức Giêsu thức tỉnh lương tâm những người Pharisêu khi chuyển phiên tòa dành cho chị phụ nữ, rồi đến Đức Giêsu, giờ đây sang phiên tòa lương tâm của chính họ khi nói: "Ai trong các ông không có tội, hãy ném đá chị này trước". Bị bại lộ ý đồ và xấu hổ vì thấy mình tội lỗi, nên họ đã dần dần bỏ đi.

Cuối cùng, Đức Giêsu lên tiếng với chị phụ nữ: "Không ai lên án chị sao?"; “tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!".

Ngày nay cũng không thiếu gì những con người có lòng bỉ ổi, hẹp hòi, tàn nhẫn, nên đã đẩy anh chị em mình vào chỗ chết như vậy.

Điều đau buồn hơn cả là nhiều khi lại nhân danh Thiên Chúa để hạ uy tín anh chị em mình. Không phải vì tình yêu, cũng chẳng phải lòng tốt, càng không phải vì sự công chính hay phẫn nộ tội lỗi, mà là do ghen tỵ mà tìm dịp thuận tiện để gài bẫy và đẩy đưa anh chị em chúng ta đến chỗ chết. Những người này thuộc hạng: “Miệng tụng lời nam mô nhưng bụng chứa đầy bồ dao găm”.

Lạy Chúa Giêsu, cách hành xử của Chúa thật tuyệt vời, đáng làm cho chúng con suy nghĩ về những cung cách mà chúng con đã gây ra cho anh chị em chúng con. Xin Chúa tha thứ và ban cho chúng con biết can đảm thay đổi nếp sống không tốt để đáng được Chúa ban ơn cứu độ. Amen.

 

Suy Niệm 6: Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nếu ta sám hối

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Trước mặt Thiên Chúa, mọi người chúng ta đều là tội nhân. Nhưng Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ tất cả, nếu chúng ta thật lòng thống hối ăn năn.

Cầu nguyện: Đứng trước người đàn bà ngoại tình và đối diện với chính Chúa, người ta đã rút lui, từ người nhiều tuổi nhất. Lạy Chúa, tuổi đời càng nhiều, tội lỗi con càng chồng chất. Nhưng tội lỗi càng nhiều, con càng được Chúa thương hơn. Lòng nhân hậu Chúa luôn mở rộng đón nhận con trở về. Chúa sẽ nhận tất cả con người con, kể cả tội lỗi, để từ đó, Chúa sẽ thánh hóa, dẫn con đi vào con đường thánh thiện.

Nguyện xin Chúa giúp con sáng suốt nhận ra tấm lòng bao dung quảng đại của Chúa. Chúa yêu thương tất cả mọi nguời, đặc biệt các tội nhân. Hơn ai hết, người đàn bà ngoại tình hiểu được sức mạnh giải phóng của lời tha thứ. Chắc chắn chị trở về và nỗ lực sống tốt đẹp hơn, vì Chúa đã khích lệ chị: “Ta không kết án con. Hãy về và đừng phạm tội nữa”.

Lạy Chúa, lời tha thứ của Chúa luôn kèm theo một đòi hỏi: đừng phạm tội nữa. Vâng, con hiểu điều đó. Lời mời gọi hoán cải vẫn còn vang dội vào tai con mỗi ngày, bởi vì việc hoán cải không bao giờ có kết thúc, và đối với Chúa, thái độ hoán cải không bao giờ là muộn màng. Xin Chúa giúp con biết cương quyết từ bỏ tật xấu và thực hiện việc lành. Đặc biệt trong thời gian thuận lợi của Mùa Chay này, xin Chúa giúp con chân thành duyệt xét lại cuộc đời và canh tân đời sống. Xin Chúa giúp con chỗi dậy, thật lòng sám hối đổi đời và trung thành với điều dốc quyết. Amen.

Ghi nhớ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.

 

Suy Niệm 7: Tình thương tha thứ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Người Do thái có nhiều lễ trong một năm. Lễ Lều Trại có lẽ là cơ hội để người ta lạm dụng, ăn ở phóng túng. Trong suốt tám ngày sống ở lều, ngoài rừng, thuận tiện cho những cuộc gặp gỡ lả lướt. Những cuộc giao du nơi này qua nơi khác vẫn hay có những hội ngộ tình cờ, không hợp với luân thường đạo lý là bao. Chính sau cuộc lễ này mà xẩy ra câu chuyện trong  bài Tin Mừng.

Sau bài giảng trong Đền thờ nhân dịp lễ Lều Trại của người Do thái, Đức Giêsu đi ra nghỉ tại núi Cây Dầu. Bao giờ có dịp về thủ đô, Ngài cũng qua nghỉ đêm tại đó. Tảng sáng hôm sau, Ngài lại vào Đền thờ và toàn dân đến cùng Ngài, nên Ngài ngồi xuống đất mà giảng.

Tình cờ người ta đem đến cùng Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Những người luật sĩ và biệt phái lợi dụng cơ hội này để thử thách Đức Giêsu.

2. Hôm nay, các luật sĩ và biệt phái sử dụng “nguyên lý triệt tam” để tung ra một đòn quyết định, đặt Đức Giêsu và một tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà nếu Ngài ngả theo phía nào thì họ cũng có cái cớ để tố cáo Ngài.

Họ đưa đến trước mặt Đức Giêsu một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, rồi hỏi Ngài sẽ xử lý thế nào khi luật Maisen dạy phải ném đá chết. Cái bẫy của họ gài vào là nếu Đức Giêsu nói không thì họ kết án Chúa lỗi luật Maisen, còn nếu Ngài nói có thì họ sẽ có cớ phản bác trái với luật yêu thương mà Ngài giảng dạy.

Đức Giêsu không trả lời trực tiếp với họ, nhưng với một lời nói của Ngài đã đặt các luật sĩ và biệt phái vào một sự chất vấn của lương tâm và phơi bầy lòng dạ khi đối diện với Đấng thấu suốt mọi sự: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng họ lặng lẽ rút êm, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất.

3. Rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn giữa cách hành xử của những người luật sĩ, biệt phái với Đức Giêsu. Nhóm biệt phái thì muốn kết tội, còn Đức Giêsu thì muốn tha thứ. Nếu đọc kỹ câu chuyện chúng ta thấy, nhóm biệt phái chỉ muốn ném đá người đàn bà này cho chết, và họ còn cảm thấy rất thích thú khi được làm điều này. Họ cảm thấy vui sướng khi quyền lực được sử dụng để kết án. Còn Đức Giêsu, thì Ngài không muốn làm như vậy. Ngài không cảm thấy vui  khi quyền lực được dùng để kết tội. Ngài  muốn dùng quyền hành để tha thứ.

4. Qua sự kiện này, chúng ta thấy có một nghịch lý đáng buồn và cũng đáng trách: một đàng Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng lại đầy lòng thương xót và khoan dung đối với người tội lỗi... Còn con người thì ai cũng mắc tội không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ lại hay xét đoán, phê bình chỉ trích và lên án người khác nhất là những kẻ tội lỗi. Do đó, nhiều khi đã vô tình xô đẩy thêm kẻ có tội vào vũng lầy không lối thoát.

5. Qua câu trả lời của Đức Giêsu: “Ai trong các ông sạch tội  thì hãy ném đá người phụ nữ này đi”, chúng ta tìm ra được nguyên tắc của Đức Giêsu là chỉ người vô tội mới được đoán xét những lỗi lầm của người khác.

Hôm nay, Chúa dạy chúng ta một bài học là phải dành quyền xét đoán cho Thiên Chúa vì chỉ ai không có tội mới có quyền xét đoán và lên án, còn chúng ta là những người tội lỗi phải có lòng thương cảm đối với tội nhân.

Còn về phía mình, Chúa nhắc nhở ta phải biết hồi tâm, phải nhận ra mình là kẻ có tội, phải đi xưng tội để làm hòa với Chúa. Khi đã có một tâm tình như vậy, tự nhiên chúng ta không dám xét đoán và lên án ai.

6. Truyện: Cần lòng thương xót.

Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin hoàng đế Napoléon tha thiết cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng bà mẹ năn nỉ:

- Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.

Hoàng đế Napoléon trả lời:

- Nhưng hắn ta không đáng được xót thương.

Bà mẹ nói:

- Tâu bệ hạ, nếu nó xứng đáng thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.

Hoàng đế Napoléon đáp:

- Thôi được. Ta rủ lòng thương xót nó.

 

Suy Niệm 8: Ta không kết tội, và từ nay đừng phạm tội

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (hạt giống...)

1. Bài đọc 1: thuật lại chuyện bà Susanna bị hai kỳ lão vu khống là phạm tội ngoại tình nên kết án xử tử. May có cậu bé Đaniel khôn ngoan cứu thoát bà.

2. Bài Phúc Âm: cũng tường thuật chuyện một phụ nữ sắp bị kết án tử. So sánh hai chuyện ta thấy được vài điểm đáng chú ý sau:

- Bà Susanna vô tội, còn người phụ nữ này phạm tội bị bắt quả tang.

- Đaniel cứu người vô tội, còn Chúa Giêsu cứu người có tội.

- Những người muốn xử tử hai người này đều là những bậc “đạo đức” mẫu mực.

- Câu chuyện trong bài Phúc Âm này kết thúc bằng câu nói rất hiền từ của Chúa Giêsu “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

B- Suy gẫm (..nẩy mầm)

1. Những bậc “đạo đức” trong hai câu chuyện trên đều muốn giết người. Những người trong bài đọc Cựu Ước muốn giết người vì lòng họ gian ác rõ ràng: chính họ là kẻ có tội nhưng họ lên án kẻ khác để che dấu tội lỗi của mình. Còn những người trong bài trích Phúc Âm này muốn giết người để tỏ ra mình nghiêm chỉnh tuân thủ lề luật. Những người này còn lợi dụng mạng sống của nạn nhân để gài bẫy Chúa Giêsu. Thì ra, người ta có thể tô vẽ bộ mặt đạo đức của mình bằng chính những mưu toan tội lỗi.

2. Chúa Giêsu buồn vì những người đạo đức giả dối đó. Ngài nhắc họ “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Tôi có đang hay sắp ném đá ai không ? Hãy trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu.

3. “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa không kết án ta, ta hãy cảm mến lòng khoan dung của Ngài. Nhưng không nên lơi dụng lòng khoan dung ấy “Từ nay đừng phạm tội nữa”. Cảm mến tình Chúa thì đừng làm Chúa buồn nữa.

4. Chú giải đoạn trích Phúc Âm này, một nhà nghiên cứu Thánh Kinh viết: “Luôn có rủi ro khi ta tha thứ”, nghĩa là nhiều khi người được tha lại đi phạm tội nữa. Chính vì muốn bảo đảm, tránh rủi ro đó mà nhiều người không tha thứ. Nhưng Chúa Giêsu dám chấp nhận rủi ro. Phần tôi thì sao ?

5. Đọc chuyện này dưới góc cạnh tâm lý, ta còn thấy thêm rằng xét đoán người khác là một cám dỗ thường xuyên và kết án người khác nhiều khi cũng là một thứ khoái lạc. Bởi đó nhiều người rất thích xét đoán và kết án.

6. Thánh vịnh 32 có thể giúp chúng ta hiểu được tâm trạng của người phụ nữ ngoại tình, và của chính chúng ta: “Phúc cho ai có tội mà được tha, có lỗi lầm mà được khỏa lấp” (Tv 32,1).

7. Một Mục Sư giảng về chiếc thang Giacóp. Cậu con trai ông rất cảm động. Mấy ngày sau, cậu nói với cha là mình vừa mơ về câu chuyện đó.

- Sao, con mơ thấy gì ?

- Con mơ thấy một chiếc thang lên tới tầng mây. Ở dưới chân thang có rất nhiều phấn, và mỗi người phải lấy phấn viết hết tất cả các tội của mình ở trên đó thì mới lên được.

- Hay thật! Rồi con thấy gì nữa ?

- Con thấy con leo lên, nhưng chưa được bao xa thì con thấy có người leo xuống.

- Ai vậy ?

- Ba chứ ai!

- Ba ? Thế ba leo xuống để làm gì ?

- Ba lấy thêm phấn! (Winnder, London)

 

Suy Niệm 9: Thiên Chúa yêu thương và tha thứ

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Rõ ràng là có một sự khác biệt rất lớn giữa cách hành xử của những người Pharisêu và của Chúa Giêsu. Nhóm Pharisêu thì muốn kết tội, còn Chúa Giêsu thì muốn tha thứ. Nếu đọc kỹ câu chuyện chúng ta thấy, nhóm Pharisêu chỉ muốn ném đá người đàn bà này cho chết, và họ còn cảm thấy rất thích thú khi được làm điều này. Họ cảm thấy vui sướng khi quyền lực được sử dụng để kết án. Còn Chúa Giêsu, thì Ngài không muốn làm như vậy. Ngài không cảm thấy vui khi quyền hành được dùng để kết tội. Ngài muốn quyền hành là để tha thứ.

Khi Chúa Giêsu nói với người đàn bà xấu nết: “Hãy đi, đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11) thì ít nhất Chúa đã muốn cho mọi người thấy: Chúa tin vào con người. Phương pháp của Chúa không phải là vạch trần những điều xấu xa và làm cho người có tội phải cúi sát đầu của mình xuống đất, chấp nhận mình là tội nhân khốn nạn, nhưng là ban cho tội nhân một cơ hội để họ tự khám phá ra một điều mà trước đó họ chưa hề nghĩ tới, đó là họ có một khả năng tiềm ẩn có thể giúp họ làm lại cuộc đời và trở thành những thánh nhân. Chúng ta còn nhớ thật rõ câu chuyện của Lêvi-Matthêô, của Maria Mađalena, của Augustinô v.v.

Victor Grignard vì được bố mẹ nuông chiều, không thích học, chỉ biết ham chơi. Lớn lên, Grignard trở thành một anh chàng tuấn tú, cuộc sống xa hoa, đi khắp nơi tán tỉnh các cô gái, trở thành kẻ chơi bời trác táng ai ai cũng biết.

Trong một buổi dạ hội, Grignard nhìn thấy một cô gái xinh đẹp, đoan trang. Anh hí hửng đi tới trước mặt cô gái và mời cô khiêu vũ. Thật không ngờ, cô gái ấy lại trách mắng anh: “Tôi không bao giờ khiêu vũ với những kẻ chơi bời trác táng, vô công rồi nghề, hãy tránh xa tôi ra”. Câu nói ấy chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào đầu. Anh cảm thấy vô cùng xấu hổ. Một người bạn thân đã bước lại, nói với Grignard: “Cô gái này chính là nữ bá tước đến từ Paris”. Grignard xin lỗi nữ bá tước.

Thế là Grignard quyết định bỏ nhà ra đi, thay đổi môi trường sống.

Grignard đến Lyon, dùng thời gian hai năm để học lại những bài học mà mình bỏ lỡ, sau đó theo học trường đại học Lyon. Dưới sự dẫn dắt của giáo sư, Grignard bắt đầu học tập và nghiên cứu.

Năm 1901, Grignard phát hiện thuốc thử Grignard. Năm 1912, ông được trao giải Nobel Hóa học. Về sau Grignard nhận được một bức thư. Bức thư chỉ có một câu: “Tôi mãi mãi yêu kính ngài”. Người viết bức thư ấy chính là nữ bá tước năm xưa.

2. Rồi nếu đọc chuyện trên dưới góc cạnh tâm lý, chúng ta còn thấy thêm rằng, xét đoán người khác là một cám dỗ thường xuyên và kết án người khác nhiều khi cũng là một thứ khoái lạc. Bởi đó, có rất nhiều người thích xét đoán và kết án người khác.

Chúa Giêsu thì không như thế. Có lần Chúa đã dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán lại như vậy” (Mt 7,1-2). Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,37).

Chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa nói với người đàn bà có tội “Tôi không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

Vào thời Vua Henry VII của Anh, ở Luân Đôn nạn trộm cắp thật nhiều. Quan Chưởng ấn Thomas More nhận thấy vị thẩm phán già hay khiển trách những người đến khiếu nại vì bị móc túi ngoài đường, ông quan tòa già quả quyết rằng nếu mấy nạn nhân đó cẩn thận giữ túi tiền của mình thì làm sao mà mất được.

 Nhân một cuộc họp các thẩm phán, Thomas More bí mật cho gọi một tên móc túi chuyên nghiệp đang ở tù và dặn rằng:

- Ta sẽ thưởng cho nhà ngươi, nếu ngươi móc được túi tiền của ông quan tòa già kia.

Tên móc túi xin phép được tới nói chuyện với vị quan tòa già và đưa tay khéo léo móc được túi tiền của ông ta rồi hiên ngang về chỗ ngồi .

Thomas More bấy giờ mới lên tiếng xin các vị thẩm phán làm phúc bố thí cho một người nghèo ở đó. Vị nào cũng rờ túi tiền của mình. Vị quan tòa già kia giật mình vì không thấy túi tiền mình đâu nên la lớn:

- Bớ ăn cắp! Có tên nào ăn cắp túi tiền của tôi rồi!

Thomas nói:

Sao ? Ông nói chúng tôi ở đây đã ăn cắp túi tiền của ông sao ?

Ông quan tòa mặt đỏ bừng vì giận. Bấy giờ Thomas More mới gọi tên lưu manh kia và bảo trả lại túi tiền cho đương sự. Thomas nói với vị thẩm phán già:

- Tôi khuyên ông hãy bớt nghiêm khắc với những người đã bị móc túi ngoài đường phố, vì chính ông cũng đã để cho người ta cuỗm mất túi tiền ngay giữa đại hội như thế!

 Lạy Chúa, chỉ một mình Chúa có quyền xét đoán; xin Chúa hãy đoán xét con đời này, để tha xét đoán con trong ngày công phán. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 30/03/2024 – THỨ BẢY TUẦN THÁNH. ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH. – Người đã sống lại thật. (29/03/2024 10:00:00 - Xem: 663)

THỨ BẢY TUẦN THÁNH. ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH.

Thứ Sáu 29/03/2024 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA. – Thủ phạm giết Chúa. (28/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,352)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

Thứ Năm 28/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY. – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ (27/03/2024 10:00:00 - Xem: 6,136)

THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

Thứ Tư 27/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN THÁNH. – Dung mạo kẻ phản bội. (26/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,646)

THỨ TƯ TUẦN THÁNH.

Thứ Ba 26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô. (25/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,723)

THỨ BA TUẦN THÁNH.

Thứ Hai 25/03/2024 – THỨ HAI TUẦN THÁNH. – Yêu là cho đi. (24/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,933)

THỨ HAI TUẦN THÁNH.

+ Chúa Nhật 24/03/2024 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B. – Chúa Giêsu: tung hô và thương khó. (23/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,131)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B.

Thứ Bảy 23/03/2024 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính. (22/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,412)

Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

Thứ Sáu 22/03/2024 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý. (21/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,049)

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm 21/03/2024 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay. – Niềm tin và lý trí. (20/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,036)

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Bài viết mới