Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 18/03/2023 – Thứ Bảy tuần 3 Mùa Chay. – Cầu nguyện trong sám hối.

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,538
  • Ngày đăng: 17/03/2023 10:00:00

Cầu nguyện trong sám hối.

18/03 – Thứ Bảy tuần 3 Mùa Chay.

"Người thu thuế ra về được khỏi tội".

 

Lời Chúa: Lc 18, 9-14

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác:

"Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi".

Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội".

Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Tự hào và khinh người

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Tự hào về sự đạo đức của mình và khinh người khác,

Đó chẳng phải chuyện của các ông Pharisêu ngày xưa.

Đó là chuyện của con người mọi thời, của chính các môn đệ hôm nay.

Chúng ta nghe Đức Giêsu kể dụ ngôn này cho mình trong Mùa Chay thánh.

Hai nhân vật đối lập nhau, được đặt bên nhau trong dụ ngôn.

Họ ở trong cùng một đền thờ, cùng đứng cầu nguyện trước nhan Chúa.

Họ là một ông Pharisêu thánh thiện và một người thu thuế tội lỗi.

Nghe lời cầu nguyện của họ, chúng ta biết được lòng họ.

Người Pharisêu không xin gì cho mình, ông chỉ tạ ơn Thiên Chúa.

Ông kể ra những điều xấu mà ông không làm như bao kẻ khác,

hay như tên thu thuế mà ông thoáng thấy đứng cuối đền thờ (c. 11).

Ông còn kể những việc đạo đức tự nguyện về ăn chay và dâng cúng

mà ông đã làm vượt quá những gì Luật đòi buộc.

Lời cầu nguyện của ông khiến nhiều người Do Thái tử tế phải thèm.

Còn người thu thuế thì đứng xa, cúi đầu, đấm ngực, cầu xin cách đơn sơ:

“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c. 13).

Anh thấy mình bất xứng, bất lực, chỉ biết cậy dựa vào tình thương tha thứ.

Kết luận của Đức Giêsu hẳn đã làm nhiều người chưng hửng.

Người thu thuế được Thiên Chúa làm cho nên công chính,

còn người Pharisêu thì không (c. 14).

Thiên Chúa có bất công không? Chúng ta có cần sống tử tế nữa không?

Thật ra, ông Pharisêu không được gì vì ông đã không xin gì.

Ông không xin vì ông thấy mình quá ư giàu có về mặt đạo đức.

Ông ra trước Thiên Chúa với một kho công trạng của mình.

Có bao nhiêu chữ con đầy tự hào trong lời nguyện của ông.

Chúng ta tưởng ông mở ra khi nói “con tạ ơn Thiên Chúa”

nhưng thực tế ông đã khép lại, quay vào mình, ngắm nghía vẻ đẹp của mình.

Rốt cuộc Thiên Chúa là người thừa, cùng lắm chỉ là người ông đến đòi nợ.

Ngược lại, anh thu thuế tuy có nhiều tiền, nhưng thấy mình tay trắng, lỗi tội.

Chính điều đó khiến anh hết sức cần đến Thiên Chúa.

Ngài đã nghe tiếng kêu của anh từ xa, từ cuối đền thờ.

Không cần Thiên Chúa và coi thường tha nhân, vẫn là cám dỗ muôn thuở.

Nên thánh không phải là chuyện “tôi làm”

mà là chuyện để Thiên Chúa tự do làm nơi đời tôi.

Chỉ ai nhìn nhận sự yếu đuối của mình,

lời cầu nguyện của người đó mới đánh động được trái tim Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

 

Suy Niệm 2: Được nên công chính

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Nhìn bề ngoài thì ai cũng thấy người Pha-ri-sêu được đánh giá cao hơn. Ông thuộc tầng lớp đạo đức, được mọi người kính trọng. Làm nhiều việc lành hơn cả luật đòi hỏi.

Người thu thuế bị mọi người khinh miệt. Bị coi là người tội lỗi công khai. Bị coi là người phản quốc, vì tiếp tay với ngoại bang để hà hiếp dân chúng. Bị coi là gian dối, vì thu thuế đồng nghĩa với tham nhũng hối lộ.

Thái độ trong nhà thờ khi cầu nguyện tiếp nối cách sống ở ngoài đời. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng người trên cung thánh và lớn tiếng cầu nguyện. Còn người thu thuế quì sụp xuống đất ở cuối nhà thờ, chỉ nài xin Chúa tha tội. Nhưng kết quả trái ngược hẳn với những gì ta thấy bên ngồi. Tại sao?

Người Pha-ri-sêu kiêu ngạo. Thực ra ông không cầu nguyện, ông chỉ khoe khoang và tự đánh giá mình cao hơn người thu thuế. Còn người thu thuế khiêm nhường. Ông cầu nguyện thầm thĩ, đấm ngực ăn năn, và xin tha thứ.

Người thu thuế được nên công chính, người Pha-ri-sêu thì không. Có 3 lý do:

Chúa kết luận: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Chẳng ai có quyền tự hào. Tất cả là của Chúa. Tất cả phải trả về cho Chúa. Đó là điều phải làm. Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng mà thôi.

 “Ta muốn tình yêu chứ không cần hi lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu”. Thiên Chúa là tình yêu và giầu có vô cùng. Người chỉ cần tình yêu chứ không muốn gì khác. Người thu thuế đến với Chúa bằng tấm lòng yêu mến và nghèo công phúc. Nên được công chính.

Thư Rôma 3, 27: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy”. Người Biệt phái làm điều luật dạy, nên tự hào. Người thu thuế chẳng dám tự hào, chỉ tin vào lòng thương xót của Chúa. Nên ông được công chính.

Mùa Chay là lúc ta nhận biết mình tội lỗi, yếu hèn và không thể tự mình đạt được ơn cứu độ. Ta hãy noi gương người thu thuế nhận thức tội lỗi của mình. Nài xin ơn tha thứ. Cậy trông vào lòng thương xót của Chúa, để ta được công chính, được ơn cứu độ.

 

Suy Niệm 3: Chìa Khoá Của Tự Do

Người Hồi giáo nói về sự cầu nguyện bằng câu chuyện sau:

Có một người thợ kim hoàn nghèo nhưng thanh liêm bị giam tù vì một tội ông không bao giờ phạm. Vài tháng sau khi người chồng bị giam giữ, người vợ đến gặp ban giám đốc và xin cho chồng một ân huệ. Bà nói chồng bà là một tín hữu trung thành với các buổi cầu nguyện, bà xin được gửi cho chồng một tấm thảm nhỏ để quì cầu nguyện năm lần một ngày theo qui định của Hồi giáo. Lời thỉnh cầu được chấp nhận dễ dàng… Ngày nọ, người thợ kim hoàn đến trình bày với các quản giáo: “Tôi là thợ kim hoàn, nếu các người cho tôi một ít kim loại, tôi có thể vừa qua được thời giờ nhàn rỗi, vừa làm được cho các người những nữ trang có thể dùng được”. Các quản giáo không thấy trở ngại nào về điều đó. Một ngày nọ, các canh tù bỗng phát giác ra cánh cửa nhà tù bị mở toang và người thợ kim hoàn đã tẩu thoát. Cùng lúc đó người ta cũng bắt giữ được thủ phạm đích thực mà họ đã qui lầm cho người thợ kim hoàn. Bấy giờ người thợ kim hoàn mới ra mặt và tiết lộ việc trốn thoát cuả ông. Sau khi ông bị bắt oan, vợ ông liên lạc với kiến trúc sư đã vẽ hoạ đồ nhà tù. Ông này cho phép bà in nguyên hoạ đồ chi tiết cuả nhà tù lên tấm thảm. Mỗi ngày năm lần dù phủ phục trên tấm thảm để cầu nguyện, người thợ đã thuộc lòng đường ra lối vào của nhà tù, thêm vào đó nhờ những mảnh kim loại các quản giáo cung cấp, người thợ đã có thể mài dũa những chìa khoá để mở các cánh cửa nhà tù, đó là bí quyết đã giúp ông trốn được khỏi nhà tù.

Cầu nguyện là chìa khoá của tự do. Một tâm hồn khao khát tự do đích thực là một tâm hồn biết cầu nguyện. Chúa Giêsu như muốn minh hoạ cho chân lý ấy qua dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Biệt phái lên giữa đền thờ đứng thẳng người để kể về những thành tích của mình, trong khi đó người thu thuế tội lỗi đứng trong góc đền thờ, không dám ngước mặt lên, nhưng cúi mình đấm ngực nói lên nỗi khốn cùng tội lỗi của mình. Chúa Giêsu tuyên bố người thu thuế ra về được tha tội, còn người Biệt phái vẫn tiếp tục ù lì trong sự tự phụ của mình. Phải chăng Chúa Giêsu không muốn nói với chúng ta rằng câu chuyện đích thực chính là nỗi khao khát được thoát khỏi những thứ nô lệ đang trói buộc tâm hồn con người.

Mùa Chay là trường dạy cầu nguyện. Giáo hội mời gọi chúng ta gia tăng cầu nguyện, điều đó có nghĩa là chẳng những dành nhiều thời giờ cho cầu nguyện, mà nhất là thanh luyện thái độ chúng ta trong khi cầu nguyện, lời cầu nguyện đích thực trong mùa chay phải là thái độ sám hối. Khởi đầu của cầu nguyện ấy là mọi nhận thức sâu xa về thân phận, tội lỗi của chúng ta và từ đó nói lên tất cả tín thác của chúng ta vào tình yêu tha thứ của Chúa. Lòng tín thác ấy sẽ xoá tan mọi tội lỗi và mang lại cho chúng ta tự do đích thực của con cái Chúa.

Như người con hoang đàng mong được trở về với cha, như người thu thuế nép mình nơi lòng tha thứ của Chúa, xin cho chúng ta luôn được sống trong tâm tình sám hối thực sự và cảm nhận được tình thương khoan dung vô bờ của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Hoán cải và cậy trông

Vào thời Chúa Giêsu, các kinh sư và những người pharisiêu thường bị Chúa quở trách nặng lời về tính tự cao tự đại của họ.

Trong dụ ngôn vừa đọc lại trên đây, Chúa Giêsu dùng hình ảnh một người pharisiêu khoe khoang công trạng mình trước mặt Thiên Chúa. Ông đáng trách không phải vì những việc tốt ông đã làm, như việc ăn chay mỗi tuần hai lần và đóng thuế thập phân cho đền thờ. Nhưng ông đáng trách vì đã xem những công việc đạo đức này như là một chiếc vé để mang lại sự công chính cho ông. Qua lời cầu nguyện của ông, chúng ta thấy rõ ông làm những việc này cốt để tự biến mình trở nên người công chính chứ không phải để thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ anh chị em. Ông giữ mình khỏi vướng mắc vào các thói hư tật xấu cốt để cho người khác thấy ông đạo đức tốt lành, chứ không như những người hư đốn đồi bại khác. Mỗi khi ra đường, chắc hẳn ông đã kiêu hãnh ngẩng đầu lên với khuôn mặt nghiêm trang, dáng đi chững chạc uy nghi, các hộp kinh thật lớn thắt trên người, các tua áo thật dài thả tung bay, ông nhìn thấy mình thật xứng đáng để cho thiên hạ kính nể. Bước vào đền thờ, ông đứng riêng ra, chọn cho mình một chỗ xứng đáng và ông bắt đầu khoe với Chúa những công trạng của mình. Nhìn thấy người thu thuế đang cúi đầu khẩn nguyện, ông thưa với Chúa cách tự phụ: "Ðấy, Chúa thấy người thu thuế tội lỗi kia không, con đâu như hắn ta, con tốt hơn hắn nhiều, hắn tham lam tiền bạc, gian lận thuế má, chèn ép lận lường. Con cám ơn Chúa vì con đâu giống như hắn". Nhưng ông pharisiêu đâu biết rằng Thiên Chúa chẳng cần đếm xỉa gì đến những lời khoe khoang tự cao tự đại của ông, Người cần tấm lòng chứ không cần hy lễ, Người cần con tim yêu thương chứ không cần trí óc tự phụ. Tâm hồn khiêm cung tự hối của người thu thuế mà ông coi chẳng ra gì kia lại làm đẹp lòng Chúa còn hơn là ông nghĩ đến.

Thử hỏi, chúng ta nhìn thấy mình trong hình ảnh người nào trong dụ ngôn trên đây: người pharisiêu hay là người thu thuế? Nếu đã lỡ là người pharisiêu, chúng ta đừng ngã lòng nhưng hãy thành thật hoán cải và cậy trông vào tình thương của Thiên Chúa, Người có thể biến sự dữ trong chúng ta nên sự lành. Nếu chúng ta thành tâm thiện chí, Thiên Chúa sẽ đập tan tính kiêu hãnh của chúng ta và thay vào đó một tâm tình mới, Người sẽ dạy chúng ta biết sống sao cho đẹp lòng Chúa. Còn nếu chúng ta đã là người thu thuế, thì chúng ta cũng hãy cương quyết làm lại cuộc đời, Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta, Người đã đón nhận tấm lòng tan nát khiêm cung của chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng làm lại từ đầu.

Với ân sủng của Thiên Chúa, không có sự gì là không thể thực hiện được, chỉ cần chúng ta vững tin và phó thác vào Người rồi Người sẽ dẫn dắt chúng ta bước đi trên đường ngay nẻo chính. Mùa Chay là mùa thuận tiện để canh tân đời sống. Chúng ta hãy cộng tác với ơn Chúa để đổi mới tâm hồn mình nên công chính như Chúa vẫn mong chờ.

Lạy Chúa, xin gìn giữ con, đừng để con rơi vào thái độ tự phụ kiêu ngạo. Xin cho con biết sống khiêm nhường tự hạ trước tôn nhan Thiên Chúa và trước mặt anh chị em. Và xin giúp con được canh tân đời sống trở về với Chúa, đừng bao giờ thất vọng vì những tội lỗi của con đã phạm, nhưng luôn trông cậy vào tình thương tha thứ của Chúa.

(Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày – R. Veritas)

 

Suy Niệm 5: Đừng bắn người biệt phái

Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia là người thu thuế…” (Lc. 18, 9-10)

Người biệt phái này không đến nỗi xấu, ông ăn chay hai ngày một tuần, ông dâng cúng một phần mười hoa lợi kiếm được … Thật là một viên ngọc quý mà chẳng có ai trong giáo xứ có thể làm được như vậy. Đừng khiển trách ông đứng cầu nguyện, đó là thói quen của người Do thái. Ông khoe khoang không ai bằng, đáng nực cười. Ông chẳng có chút gì là nhân đức, ông cảm ơn Chúa đã sống như thế.

Đến lượt người thu thuế, ông không dám bốc thơm mình. Đáng lẽ ra, ông vừa đứng xa xa sấp mình xuống đất run rẩy cầu nguyện, ông vừa lo trả tiền của lại cho những người nghèo đã bị ông bóc lột thì tốt hơn. Nhưng người thu thuế đã mang tiếng là hạng làm giàu bằng cách lạm thu.

Chúng ta cũng hèn nhát chê người biệt phái: “Tôi không giả hình như hạng cuồng tín đó. Tôi có nhiều lỗi, tôi khô khan cứng cỏi với người khác, tôi lười biếng … Nhưng tôi không mắc nợ ai”. Đó cũng là cách nói như hạng biệt phái, chẳng có gì tốt cả. Bài học lịch sử này không phải là so sánh hai hạng người, làm thế là đáng ghét, nhưng chính là để nhắc nhở chúng ta đến lời thánh Phao-lô dạy chúng ta: “Chính nhờ đức tin làm cho chúng ta nên công chính, không có đức tin, chúng ta không đáng gì trước mặt Thiên Chúa”.

Đặc biệt, trường hợp người thu thuế làm sáng lên trong chúng ta một niềm hy vọng tuyệt vời, là những kẻ tội lỗi đừng bao giờ thất vọng và phải luôn hy vọng vào lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Đức Giêsu luôn ban ơn cho những người thấy mình vô tài bất lực, thấy mình chẳng đáng công gì, chẳng có thể đền bù được tội lỗi mình, vì Đức Giêsu đã nói: “Tôi đến không phải cứu chữa những người khỏe mạnh, nhưng cứu chữa những người bệnh tật”. Đừng bao giờ thấy mình hơn người khác, kẻo đi vào vết chân biệt phái.

J.G

 

Suy Niệm 6: Khiêm tốn thật thì mới được tha thứ

Có một câu chuyện kể rằng: một ông giáo dân nọ nổi tiếng là đạo đức với những câu chuyện về lòng quảng đại, giúp đỡ của ông cho người nghèo. Ông được nhiều người ca tụng là người tốt lành, thánh thiện, nhất là khiêm tốn khi quảng đại giúp đỡ người cùng khốn mà không cần đến danh vọng...

Chính bản thân ông cũng nghĩ mình như thế! Tuy nhiên, đến lúc về già, ông đến gặp cha xứ và tâm tình với ngài rằng: “Cả cuộc đời con đã hy sinh cho Chúa, Giáo Hội và mọi người, con không hề tính toán thiệt hơn, bởi xác tín rằng: mọi sự con có là bởi Chúa”. Nhưng ngay sau đó, ông xin cha xứ một đặc ân, đó là: khi ông chết, cho ông được chôn ở gầm bàn thờ!

Câu chuyện mang tính ngụ ngôn, nhưng thực tế, trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó rất nhiều người có tư tưởng khiêm tốn như ông lão trong câu chuyện trên. Thiết nghĩ, một lần khiêm tốn kiểu đó phải chăng bằng bốn lần kiêu ngạo! Nó thật giống với người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Dụ ngôn kể về việc hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một Pharisêu và một thu thuế. Hai người này là điển hình của hai thành phần cực đoan, thái quá trong dân Dothái thời bấy giờ.

Với nhóm Pharisêu thì bảo thủ, kiêu ngạo, tự coi mình là người thành toàn, nắm toàn bộ lề luật và trở thành kiểu mẫu cho mọi người. Điều này được chứng minh qua lời cầu nguyện của ông với Thiên Chúa. Ông kể lể: “Con không gian tham, không bất công, không ngoại tình, không như người thu thuế đằng sau”; “một tuần ăn chay hai lần và dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.

Còn người thứ hai, bác thu thuế. Người thu thuế thì ai cũng biết, biết về tội ác của ông là phản bội và cấu kết với đế quốc La mã để hà hiếp, bóc lột, vơ vét của cải nhân dân. Vì thế, họ bị dân chúng khinh bỉ vì tội công khai của họ. Chính vì lý do đó, nên chúng ta dễ hiểu là tại sao ông thu thuế này lại đứng đằng xa, không dám ngẩng đầu lên, vừa đấm ngực vừa cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Kết cục, hai người ra về và người thu thuế thì được Chúa nhận lời, còn người Pharisêu thì không những không được Chúa nhận lời mà lại còn phạm thêm tội vì coi khinh người khác ngay khi cầu nguyện.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: đừng bao giờ coi khinh người khác khi cầu nguyện. Không được phán xét anh chị em của ta, trong khi mình cũng là kẻ có tội. Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên với Chúa chứ không phải quy về mình.

Hãy khiêm tốn thật lòng như người thu thuế, Chúa cần những tâm hồn trung thực và thật tâm như vậy, bởi vì tình thương của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của con người, chỉ cần con người thống hối ăn năn thì dù tội có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết “xé lòng chứ đừng xé áo” để đáng được Chúa tha thứ mọi tội lỗi. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Khiêm tốn, cậy trông lòng thương xót bao la của Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tất cả mọi nỗ lực cố gắng, tất cả mọi thành tích công trạng của con người đều không xứng đáng được Chúa ban ơn. Trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ là số không. Khiêm tốn nhìn nhận đúng thân phận của mình ta sẽ được Chúa ban ơn lành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, bắt đầu phút cầu nguyện, trước hết con dâng lên Chúa tâm tình khiêm tốn. Trước mặt Chúa Toàn Năng, con chẳng đáng là gì. Lời cầu nguyện khiêm tốn của con không phải chỉ để xin ơn, nhưng là để nhận biết những ơn lành Chúa ban, để dâng lời cảm tạ Chúa, lời cầu nguyện khiêm hạ không làm con trở nên yếu đuối, nhưng thúc đẩy con trở nên can đảm chấp nhận mọi sự thật về mình. Con nhận biết khuyết điểm hạn chế của con để sẵn sàng đón nhận ân sủng Chúa ban.

Chúa đã tuyên dương thái độ của người thu thuế, vì ông khiêm tốn thống hối ăn năn và chờ đợi ân sủng cứu độ từ lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa cho con đừng chỉ dừng lại nơi việc thống hối bên ngoài, nhưng biết đi sâu vào nội tâm và thể hiện trong cuộc sống: biết đến với Chúa trong tâm tình tin tưởng phó thác và biết đối xử với anh em trong tình huynh đệ cảm thông.

Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh tuyệt đẹp trong cuộc sống là lúc Chúa liên kết với Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Xin Chúa dẫn đưa con đến với Cha trong tâm tình yêu mến.

Lạy Chúa, hằng ngày con vẫn cầu nguyện trong giờ kinh lễ, và ngay lúc này con đang cầu nguyện với Chúa. Xin Chúa giúp con khiêm tốn, không tự mãn, nhưng biết mở lòng hướng nhìn về Chúa và cậy trông vào lòng thương xót bao la của Chúa. Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng, con chỉ làm công việc con phải làm. Amen.

Ghi nhớ: “Người thu thuế ra về được khỏi tội”.

 

Suy Niệm 8: Hãy nghe Người

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Khi nghe thiên hạ kháo láo và gọi mình là thánh, thì thánh Phanxicô Salê nói rằng: “Thiên hạ gọi tôi là thánh, vì họ thấy tôi làm việc thánh; nhưng chắc cha linh hướng của tôi không nghĩ như họ đâu”.

Phanxicô nghe nói ông De Belley phê bình và bảo ngài thiếu trí phán đoán. Khi gặp ông, ngài liền ôm lấy, và tỏ vẻ vui sướng và biết ơn.

Suy Niệm

Người biệt phái: Tuân giữ luật Môisê một cách nghiêm ngặt và người thu thuế, bị dân chúng khinh miệt và xa lánh như tránh xa người phong hủi, người tội lỗi. Người biệt phái với bước đi hãnh diện tiến vào đền thờ trước những con mắt ngưỡng mộ. Người thu thuế, vào đền thờ với bước đi nhẹ nhàng như kẻ trộm trốn tránh cái nhìn của người đời…

Người biệt phái bên cung thánh cất lời vang vang “con không như kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc, như tên thu thuế kia”(Lc 18,11). Lời cầu nguyện đầy hãnh diện. Anh khoe sự đạo đức cho mọi người thấy mình thánh thiện và đấm ngực người thu thuế quân tội lỗi. Đạo đức là một điều tốt, nhưng tự hào về đạo đức của mình lại là một nguy cơ: Vì cho rằng sự thánh thiện của mình làm nên sự công chính. Coi sự cố gắng của mình trên cả ân sủng. Chính sự thánh thiện của mình che lấp sự thánh tuôn trào hồng ân của Thiên Chúa. Anh tự hào, cái tự hào tự mãn làm anh cảm thấy không cần nhu cầu ơn thánh và tình thương của Thiên Chúa, không cần cậy dựa vào Ngài. Tin tưởng tự mình có thể công chính hóa cho mình. Chính lúc tự hào, đóng kín với ân sủng, người biệt phái đã mất ơn Chúa và không còn công chính nữa. Hơn nữa sai lầm lớn nhất khi anh dám so sánh mình “thánh” với “tội” của người khác, Chúa Giêsu đã nói: “Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cái đà trong mắt mình?” (Mt 7,3). Là con người bất toàn, ai cũng có lỗi, nhưng anh chỉ thấy cái thánh thiện để khỏa lấp bao che cho chính tội lỗi của mình. Qua hình ảnh của người biệt phái, hôm nay chúng ta nghiệm thấy tinh thần của Chúa Giêsu muốn giáo huấn chúng ta: Bản thân con người không thể làm cho mình nên thánh thiện, nếu chỉ nhờ thi hành những việc đạo đức, nhưng luôn cần ân sủng và nương nhờ vào tình thương vô biên của Thiên Chúa.

Người thu thuế thì không dám ngẩng đầu, không tiến về cung thánh nhưng ẩn khuất cuối đền thánh, anh cúi đầu thú tội: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Anh ý thức mình là một tội nhân, kẻ ngang hàng với bọn đĩ điếm (x. Mt 21,31-32). Anh đấm ngực xin Thiên Chúa thứ tha, tẩy rửa tâm hồn. Anh làm thức dậy tâm tình sách Khôn ngoan: “Lời cầu nguyện khiêm nhu xuyên qua những đám mây, nó không nghỉ ngơi cho đến khi nó đạt được mục đích”.

Thật thế, Thiên Chúa đã cúi xuống với người thu thuế và đáp lại lời nài xin của anh, vì anh chỉ biết dựa vào lòng thương xót đầy tình yêu của Ngài. Sự trở lại và canh tân của anh trong ân sủng. Hình ảnh đó làm chúng ta cảm nghiệm lời chia sẻ của thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Ở đâu tội lỗi ngập tràn, thì ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

Chúng ta mang tâm tình khiêm cung trước Thiên Chúa, đấm ngực sám hối và mở lòng xin Ngài tiếp tục làm điều kỳ diệu trong chính mình: Tâm hồn luôn đổi mới ngập tràn tình yêu.

Chúa thứ tha, Chúa ban ơn

Từ nay con sống tâm tình an vui.

Ý lực sống: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

 

Suy Niệm 9: Thái độ khi cầu nguyện

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca đưa ra hình ảnh hai người lên Đền thờ cầu nguyện. Người biệt phái đứng riêng một mình, tách khỏi người thu thuế mà ông khinh chê. Thật sự ông đã chu toàn các phận sự mà luật buộc và ông cho rằng đó là những điều bảo đảm cho ông được công chính. Ông không cần điều gì nơi Thiên Chúa. Nhưng thật ra, sự công chính cũng là một ân huệ Chúa ban. Chính vì tự kiêu, nên lời cầu nguyện của ông không được Thiên Chúa chấp nhận.

Còn ngươi thu thuế cũng đứng đàng xa, cũng tách khỏi cộng đoàn. Vì thấy mình bất xứng, tội lỗi, ông chẳng dám ngước mắt lên trời. Nhờ sự khiêm tốn mà ông đến được với Thiên Chúa và được ân sủng của Người.

2. Đối với xã hội Do thái, có hai hạng người đối nghịch nhau, đó là những luật sĩ, biệt phái và người thu thuế. Người biệt phái thì tuân giữ luật Maisen cách nghiệm ngặt, họ là mẫu gương cho mọi người và được mọi người kính trọng; còn người thu thuế bị dân chúng khinh miệt và xa lánh như tránh xa những người phung hủi, tội lỗi. Người biệt phái với bước đi hãnh diện tiến vào Đền thờ trước những con mắt ngưỡng mộ. Người thu thuế, vào Đền thờ với bước đi nhẹ nhàng như kẻ trộm lành trốn tránh cái nhìn của người đời.

3. Người biệt phái cầu nguyện: Ông bước vào cung thánh đứng thẳng người, cất tiếng ca vang: “Con không như kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia”. Lời cầu nguyện của ông đầy hãnh diện. Anh khoe sự đạo đức cho mọi người thấy mình thánh thiện và đấm ngực người thu thuế quân tội lỗi.

Đạo đức là một điều tốt, nhưng tự hào về đạo đức của mình lại là một nguy cơ. Vì cho rằng sự thánh thiện của mình làm nên sự công chính. Coi sự cố gắng của mình trên cả ân sủng. Chính sự thánh thiện của mình che lấp sự thánh tuôn trào hồng ân của Thiên Chúa. Ông tự hào, cái tự hào tự mãn làm cho ông cảm thấy không cần nhu cầu ân thánh và tình thương của Thiên Chúa, không cần cậy dựa vào Ngài. Tin tưởng tự mình có thể công chính hóa cho mình. Chính lúc tự hào, đóng kín với ân sủng, ông biệt phái đã mất ơn Chúa và không còn công chính nữa.

4. Người thu thuế cầu nguyện: anh này không dám ngẩng đầu lên, không tiến về cung thánh nhưng ẩn khuất cuối Đền thờ, anh cúi đầu thú tội: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Anh ý thức mình là một tội nhân, kẻ ngang hàng với bọn đĩ  điếm. Anh đấm ngực xin Thiên Chúa thứ tha, tẩy rửa tâm hồn. Anh làm thức dậy tâm tình sách Khôn ngoan: “Lời cầu nguyện khiêm nhu xuyên qua những đám mây, nó không nghỉ ngơi cho đến khi nó đạt tới mục đích”. Thật thế, Thiên Chúa đã cúi xuống với người thu thuế và đáp lại lời nài xin của anh, vì anh chỉ biết dựa vào  lòng thương xót đầy tình yêu của Ngài.

5. “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống...”

Sinh vào đời ai cũng có một cái tôi thật đơn sơ và dễ thương. Thế nhưng nó dễ bị biến tướng trở thành cái tôi đáng ghét như Blaise Pascal đã nói: “Le moi est haissable”: cái tôi đáng ghét.

Cha Lê Quang Uy đã “đánh vần” cái tôi biến tướng đó thành một bài hát dí dỏm và thật ý nghĩa:

Khi kiêu căng tôi sắc sảo,

tôi thành tôi sắc tối.

Huênh hoang tôi huyền hoặc.

tôi thành tôi huyền tồi.

Tự ái tôi nặng nề,

tôi thành tôi nặng tội.

Khiêm tốn tôi thật thà,

Tôi thành tơ-ôi-tôi.

Cũng vậy, ông biệt phái đã huênh hoang, tự cao tự đại, “khoe” thành tích cái tôi của ông với Chúa. Do đó, những việc ông làm – dù rằng rất tốt – thay vì trở nên công phúc thì lại biến thành bọt bèo cái tôi tồi tệ và tội lỗi của ông. Ngược lại, với lòng khiêm hạ, người thu thuế nhìn thấy sự yếu đuối của mình và cần đến lòng thương xót của Chúa. Chính vì vậy, ông hoán cải và được Chúa kể là người công chính (5 phút Lời Chúa)

6. Truyện: Quỉ không khiêm nhường sám hối.

Một hôm có một tên quỉ kia chạy đến trước mặt Thiên Chúa mà thưa rằng:

- Tôi thấy Chúa xử không công minh chút nào!

Chúa liền hỏi nó rằng:

- Tại sao ngươi dám bảo Ta đối xử không công bằng?

Bấy giờ tên quỉ mới đáp:

- Chúa thấy đó, loài người phạm rất nhiều tội to lớn, và mỗi tội chúng đều phạm đi phạm lại nhiều lần. Thế mà lần nào Chúa cũng tha thứ cho chúng và còn ban hạnh phúc Thiên đàng đời đời cho chúng nữa. Còn chúng tôi chỉ phạm tội có một lần duy nhât, thế mà Chúa không khi nào tha thứ, mà còn phạt chúng tôi phải xuống hỏa ngục muôn đời. Như vậy chẳng phải là Chúa đối xử thiên vị và bất công lắm hay sao?

Bấy giờ Chúa mới ôn tồn nói:

- Loài người có phạm tội với Ta thật, và vì yếu đuối mà chúng đã phạm đi phạm lại nhiều lần thật. Nhưng sau mỗi lần phạm tội, chúng đều biết hồi tâm sám hối và xin Ta tha tội. Còn các ngươi, có sám hối và xin Ta tha tội cho chưa?

Nghe thấy sám hối và xin tha tội, tên quỉ liền thét lên rằng:

- Ma quỉ chúng tôi không đời nào chấp nhận thái độ hèn hạ là sám hối và xin ai tha tội cho cả.

Nói thế rồi quỉ liền cong đuôi chạy mất.

 

Suy Niệm 10: Tình yêu và lòng sám hối chân thật

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

1. Bài đọc 1: Ngôn sứ Hôsê đã để lại cho hậu thế một câu nói lừng danh: “Ta muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ”.

2. Bài Phúc Âm: Hai người lên đền thờ cầu nguyện là hai hình ảnh minh họa cho câu nói trên của Hôsê:

‑ Người biệt phái: anh có rất nhiều lễ vật dâng lên Chúa nhưng thiếu tình yêu. Thứ nhất là anh không yêu người khác (“tôi không như các người khác, hay là như tên thu thuế kia”); thứ hai là anh cũng không yêu Chúa: anh giữ luật và làm nhiều việc lành chỉ để chứng tỏ cho Chúa biết anh là người đàng hoàng và do đó Chúa phải yêu thương anh, ban thưởng anh.

- Người thu thuế: anh chẳng có lễ vật gì dâng lên Chúa mà chỉ có tình yêu. Tình yêu của anh không nồng nàn thắm thiết mà chỉ là một tình yêu muộn màng của đứa con tội lỗi quay về với một tấm lòng tan nát, một trái tim đang kêu gọi tình thương xót của Chúa (“Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội”)

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

Lời Chúa hôm nay rất dịu dàng, kêu gọi chúng ta tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, kêu mời chúng ta dâng lên Ngài những tội lỗi và yếu đuối của chúng ta:

1. Một đêm giáng sinh nọ, Thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để Suy Niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thì bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói loà. Ngài hỏi thánh nhân:

- Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không?

- Lạy Chúa Hài Đồng, thánh nhân đáp, con xin dâng Chúa trái tim của con.

- Được lắm, nhưng còn gì khác nữa không?

- Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể.

- Con còn điều gì khác nữa không?

- Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu. Thánh nhân khẩn khoản thưa.

Chúa Hài Đồng bảo:

- Này Giêrônimô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa.

- Ô lạy Chúa, Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được?

- Được chứ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.

Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. (Trích “Món quà giáng sinh”)

2. Người Hồi giáo có chuyện sau đây: Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian”.

Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm nang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn”.

Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích: “Tôi đã chìu theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu. (Trích “Món quà Giáng sinh”)

 

Suy Niệm 11: tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Lời Chúa hôm nay rất dịu dàng, kêu gọi chúng ta tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, kêu mời chúng ta dâng lên Ngài những tội lỗi và yếu đuối của chúng ta:

Đây là lời của một bản thánh ca: con chẳng có gì dâng Chúa hôm nay.

Một đêm Giáng Sinh nọ, Thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để Suy Niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, thì bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói loà. Ngài hỏi thánh nhân:

- Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không?

- Lạy Chúa Hài Đồng, thánh nhân đáp, con xin dâng Chúa trái tim của con.

- Được lắm, nhưng còn gì khác nữa không?

- Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể.

- Con còn điều gì khác nữa không?

- Nào con còn có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu! Thánh nhân khẩn khoản thưa.

Chúa Hài Đồng bảo:

- Này Giêrônimô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa.

- Ôi lạy Chúa, thánh nhân hốt hoảng hỏi lại, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được?

- Được chứ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.

Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. (Trích “Món quà giáng sinh”)

2. Lời Chúa hôm nay cũng muốn nhắc nhớ chúng ta về sự cầu nguyện. Qua dụ ngôn này, chúng ta thấy được một số gợi ý cho chúng ta:

a. Người kiêu ngạo không thể cầu nguyện. Cửa lên trời rất thấp nên chỉ ai biết quì gối xuống mới vào được. Có một bài cầu nguyện của một Rabbit Do Thái mà người ta ghi lại được. Bài cầu nguyện đó như sau:

“Lạy Giavê là Thiên Chúa của tôi, tôi cảm tạ Ngài vì Ngài đã đặt tôi dự phần với những viện sĩ trong Hàn lâm viện chứ không phải ngồi chung với những kẻ đầu đường xó chợ. Vì tôi dậy sớm thì chúng cũng dậy sớm, tôi dậy sớm để học luật pháp Chúa, còn chúng dậy sớm vì những sự hư không. Tôi làm việc, chúng cũng làm việc. Tôi làm việc và lãnh phần thưởng, còn chúng làm việc và không được lãnh phần thưởng. Tôi chạy và chúng cũng chạy, tôi chạy tới sự sống của đời sau, còn chúng chạy tới hố diệt vong”.

Người ta nói, Rabbit Simon ben Gacai đã có lần nói: “Nếu chỉ có hai người công chính trên thế gian thì đó là tôi và con trai tôi; nếu chỉ có một người công chính thì người đó là tôi”. Người Pharisêu này thực ra không đến Đền thờ để cầu nguyện. Ông ta đến để nói cho Thiên Chúa biết ông ta tốt như thế nào.

b. Người nào khinh dể anh em mình cũng không có thể cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện, chúng ta không được nâng mình lên trên kẻ khác. Cần nhớ rằng, chúng tôi là một phần nhân loại đang phạm tội, đang đau khổ, đang âu sầu, tất cả đang quì gối trước ngai xót thương của Thiên Chúa.

c. Chỉ có sự cầu nguyện thật khi chúng ta biết đặt đời sống mình bên cạnh sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta không hồ nghi điều mà người Pharisêu trong Tin Mừng hôm nay đã nói. Tất cả đều đúng. Ông ta đã ăn chay và đã kỹ lưỡng dâng 1/10, ông ta đã không giống người khác, lại càng không giống người thâu thuế bên cạnh ông. Nhưng vấn đề không phải là “Tôi có tốt như kẻ khác chăng?” nhưng là “Tôi có tốt như Chúa không?”

Trong cuốn “Tâm Hồn Nhật Ký”, Đức Gioan XXIII đã ghi lại tất cả cuộc sống thiêng liêng của ngài, trong đó phần quan trọng nhất là phần ghi lại những lần tĩnh tâm từ lúc còn ở chủng viện (1898) cho đến những năm trên ngôi Giáo Hoàng (1963). Đối với ngài, mỗi lần tĩnh tâm là mỗi lần kiểm điểm lại cuộc đời và có quyết định mới. Đặc biệt là lúc đã ngoài 80 tuổi, gần từ giã dương thế, mặc dù ở trên ngôi Giáo Hoàng bận rộn muôn vàn công việc đại sự, ngài vẫn thường xuyên tự kiểm điểm. Ngài luôn quyết tâm sống xứng đáng là một tâm hồn cao cả, muốn sửa đổi mình liên lỉ để sống đẹp lòng Chúa cho đến giây phút cuối cùng, sống thế nào đó cho được giống như Người.

Như vậy, tất cả là tùy ở chỗ chúng ta so sánh mình với đối tượng nào. Khi chúng ta đặt đời sống mình bên cạnh đời sống kỳ diệu của Chúa Giêsu, bên cạnh sự thánh thiện của Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ có thể nói “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi khốn nạn”.

Mẹ Têrêsa phụ hoạ thêm:

Cầu nguyện sẽ mở rộng hơn tấm lòng của bạn, mãi tới mức lòng bạn lớn đủ, để chứa cả món quà tặng là chính Thiên Chúa.

Cầu nguyện không đòi chúng ta bỏ dở công việc nhưng đòi chúng ta tiếp tục làm việc vì làm việc cũng là cầu nguyện.

Cầu nguyện dẫn tới đức tin, đức tin dẫn tới tình yêu, tình yêu đưa tới phục vụ vì lợi ích người nghèo.

Lạy Chúa, xin làm con nên dụng cụ phục vụ mọi người trên thế giới với tình yêu thương như Chúa. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Sáu 29/03/2024 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA. – Thủ phạm giết Chúa. (28/03/2024 10:00:00 - Xem: 859)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

Thứ Năm 28/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY. – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ (27/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,428)

THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

Thứ Tư 27/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN THÁNH. – Dung mạo kẻ phản bội. (26/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,573)

THỨ TƯ TUẦN THÁNH.

Thứ Ba 26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô. (25/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,701)

THỨ BA TUẦN THÁNH.

Thứ Hai 25/03/2024 – THỨ HAI TUẦN THÁNH. – Yêu là cho đi. (24/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,912)

THỨ HAI TUẦN THÁNH.

+ Chúa Nhật 24/03/2024 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B. – Chúa Giêsu: tung hô và thương khó. (23/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,093)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B.

Thứ Bảy 23/03/2024 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính. (22/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,408)

Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

Thứ Sáu 22/03/2024 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý. (21/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,042)

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm 21/03/2024 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay. – Niềm tin và lý trí. (20/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,028)

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Tư 20/03/2024 – Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay. – Ðức Tin Chân Chính. (19/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,939)

Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay.

Bài viết mới