Phụng vụ

Thánh Monica (Ngày 27-8)

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,856
  • Ngày đăng: 26/08/2023 08:06:49

Thánh Monica

(Ngày 27-8)

 

Thánh Monica sinh vào năm 332 tại một thành phố nhỏ thuộc vùng Bắc Phi. Tại quê hương của Ngài lúc đó vẫn còn rất nhiều người ngoại giáo, và các Ki-tô hữu ở đây chỉ là một nhóm nhỏ. Thật hạnh phúc cho Monica vì cha mẹ của Ngài là những Ki-tô hữu thánh thiện.

Khi Monica đến tuổi trưởng thành, cô đã được gả cho một viên chức trong thành phố tên là Patrik. Nhưng Patrik lại là người ngoại. Việc một nữ Ki-tô hữu kết hôn với một người ngoại là điều không mấy phổ biến hồi ấy, vì các Ki-tô hữu thời ấy thường chỉ kết hôn với nhau chứ không bao giờ có những cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa người Ki-tô hữu và người ngoại giáo. Nhưng dẫu vậy thì trường hợp của Monica cũng có thể giải thích được. Tại quê của Ngài lúc đó có rất ít các Ki-tô hữu, nên cô gái Monica hầu như không có chọn lựa nào khác ngoài việc phải kết hôn với một người ngoại. Nhưng sự chọn lựa này đã trở thành nguyên cớ để sau này Monica phải hối tiếc với rất nhiều nước mắt, vì chồng của bà rất dễ dàng nảy đóa. Và với tư cách là người ngoại đạo, ông ta không hề biết đến giới luật Ki-tô giáo, nên ông ta rất dễ dàng cáu tức với những sự việc dù đó là những điều nhỏ nhoi nhất. Ông ta thường xuyên đánh đập vợ mình. Đó là một nỗi cay nghiệt đối với Monica, nhưng Monica coi Thánh Giá này còn nhẹ hơn cả nỗi khổ đau khác mà một người mẹ Ki-tô hữu phải mang, đó là việc trong số những đứa con của bà, có một kẻ vô cùng mất dậy.

 

Monica có ba người con, hai cậu con trai và một cô con gái. Ngay từ lúc Thánh Monica còn sinh thời, cô con gái này đã là ánh sáng mặt trời đối với Bà. Cậu con thứ của Bà cũng rất ngoan ngoãn và tốt lành. Nhưng đứa con trai cả của bà tên là Augustinô thì lại là một kẻ lười biếng thực thụ.

 

Dù là kẻ biếng nhác đúng nghĩa, nhưng Augustinô lại luôn mang về nhà những kết quả tốt đẹp trong việc học tập. Tuy vậy, bà Monica vẫn phải thường xuyên nghe các thầy cô giáo than phiền về đứa con trai của bà, vì đứa con này thường xuyên trốn học, thiếu tập trung trong lớp, hay nói leo và thường xuyên kích động bạn bè. Người mẹ tội nghiệp Monica không thể cãi được bất cứ một lời nào trước những than phiền đó, vì bà biết rất rõ rằng, những lời than phiền đó quá thực. Chưa hết, Augustinô còn thường xuyên nói dối mẹ mình. Đã vậy, anh ta còn đánh cắp nhiều đồ đạc của mẹ. Không chỉ thiếu vâng lời với mẹ, Augustinô còn tỏ ra là một đứa con ngỗ nghịch và bướng bỉnh theo đúng nghĩa đen nữa.

 

Monica còn phải đối diện với một chuyện tồi tệ hơn, vì khi Augustinô tới tuổi trưởng thành, anh đã sa vào nhóm những đồng nghiệp xấu. Ngay lập tức toàn thành phố xì xèo về anh, và vì thế mẹ anh đã cảm thấy vô cùng xấu hổ và mất mặt, bởi con của bà là một đứa con đồi bại. Nhưng Augustinô còn tỏ ra tai quái và khốn nạn ở chỗ là, vì sự cuồng vọng, anh không ngừng khoe khoang về những hành vi đáng xấu hổ của mình, và anh muốn chứng tỏ với mọi người rằng, anh là kẻ đồi bại nhất trong nhóm những người bạn vốn đã vô cùng xấu xa của anh.

 

Hồi đó, bà Monica thường xuyên nhắc nhở đứa con trai ngỗ ngược của bà phải làm điều lành, phải sống nghiêm túc và tốt lành, nhưng Augustinô chỉ phản ứng lại với một cái nhún vai trước những lời trách móc đầy từ mẫu của mẹ. Và khi Augustinô coi những lời nhắc nhở của mẹ là sự quấy nhiễu càng ngày càng quá sức chịu đựng đối với mình, anh đã trốn khỏi nhà. Vào năm 370, Augustinô đã trốn nhà và đi đến Carthago, tức Tunisie ngày ngay. Sau đó anh đi tới Rô-ma và tới Milan.

 

Từ khi Augustinô trốn nhà ra đi, cuộc đời của Thánh Monica không còn có điều chi đặc biệt ngoài việc dành trọn thời gian để cầu nguyện cho đứa con ngỗ ngược đó. Trong lúc cầu nguyện, nước mắt đắng cay của bà không ngừng tuôn rơi, và chỉ mong sao đứa con trai cả của mình mau sám hối quay về. Càng không thấy Augustinô quay về, bà càng cầu nguyện thiết tha hơn cũng như càng than khóc nhiều hơn, đến độ một lần kia vị Giám mục Giáo phận đã phải an ủi và nói với bà rằng:

 

Này bà mẹ Monica! Giờ của Chúa chưa điểm đối với con bà. Bà hãy tiếp tục cầu nguyện cho nó và hãy tin tưởng hy vọng, vì một đứa con của quá nhiều nước mắt và lời cầu nguyện sẽ không thể hư đi mất.

 

Vị Giám Mục trên đã có lý. Tuy nhiên, Thánh Monica đã phải mất tới 18 năm trời để khóc và cầu nguyện cho con trai của bà. Thiên Chúa đã để cho bà phải chờ đợi trong cầu nguyện và nước mắt suốt 18 năm trời rồi Ngài mới chấp nhận chịu thua trước sức tấn công như vũ bão của bà. 

 

Cuối cùng, những lời cầu nguyện đầy tin tưởng và tín tác trong một cách thức quá ư tuyệt hảo của người mẹ này đã được lắng nghe. Vào năm 385, khi biết được Augustinô đang ở Milan, bà đã đến đó để cùng đồng hành với con. Dưới sự ảnh hưởng tích cực của Thánh Ambrosiô Giám Mục Milan hồi đó, Augustinô đã trở lại và xin lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy. Vào ngày 15 tháng 08 năm 386, Augustinô đã được lãnh nhận các Bí Tích khai tâm Ki-tô giáo từ chính tay Đức Giám Mục Ambrosiô. Augustinô đã tỏ ra hoán cải một cách thực sự cũng như đã hoán cải một cách hoàn toàn, đến độ Ngài đã trở thành một vị đại Thánh. Có thể nói được rằng, nếu không nhờ vào lời cầu nguyện liên lỷ và kiên tâm của Thánh Nữ Monica thì cuộc trở lại của Augustinô, trong chừng mực nào đó, hầu như đã không xảy ra. Sau khi đạt được ước nguyện với việc trở lại của con trai mình, vào Lễ Phục Sinh năm 387, Thánh Monica đã lên đường trở về quê hương với sự đồng hành của chính Augustinô. Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 387 khi vừa mới chỉ đến được thành phố cảng Ostia của Ý, Thánh Nữ Monica đã bị lên cơn sốt và qua đời ở đó. Thánh Nữ đã qua đời trước niềm vui bởi ước nguyện lớn nhất của đời bà đã xảy ra trước đó không lâu: bà đã được tận mắt chứng kiến cảnh đứa con trai cả của mình hoán cải và làm hòa với Thiên Chúa. Và việc đứa con mà bà đã phải vô cùng lo lắng và chăm lo cho nó, giờ đây đã trở thành một vị Thánh, đó chính là một niềm hạnh phúc không gì sánh bằng đối với bà, vì đối với một người Mẹ, không có vinh dự nào lớn lao nơi Thiên Chúa và nơi con người cho bằng việc bà có một đứa con thánh thiện. “Tất cả những gì tôi là, tôi đều phải biết ơn Mẹ tôi” – Thánh Augustinô đã thừa nhận một cách công khai như thế. Và đó cũng là lời khen tuyệt vời nhất mà một người con trai có thể dâng lên người mẹ tuyệt trần của mình!

 

Sau khi Thánh Nữ Monica qua đời, con trai của bà là Augustinô đã an táng Thân Mẫu mình ngay tại nơi bà qua đời, tức tại thành phố cảng Ostia của Ý.

 

Vào năm 1162, các Thánh Tích của Thánh Monica đã được cung nghinh tới Arras thuộc khu vực miền Bắc nước Pháp. Kể từ đó việc tôn kính Thánh Nữ Monica mới được lan rộng. Vào năm 1430, Đức Thánh Cha Martin V đã ra lệnh cung nghinh các Thánh Cốt của Thánh Monica từ Ostia về Rô-ma, và đặt các Thánh Cốt đó trong một nhà thờ được gọi tên theo tên của con trai bà, đó là nhà thờ S. Agostino tại Rô-ma.

 

Vào năm 1945 người ta đã phát hiện ra một phần di tích của ngôi mộ Thánh Monica tại Ostia.

 

Từ thế kỷ thứ XIII tới năm 1969, Thánh Monica được Giáo hội cử hành Lễ mừng vào ngày mồng 04 tháng 05. Nhưng kể từ cuộc cải tổ lịch Phụng Vụ vào năm 1969, Lễ kính Thánh Monica được dời sang ngày 27 tháng 08, ngay ngày hôm trước Lễ kính Thánh Augustinô, con trai của Bà. Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Nữ Monica với bậc Lễ nhớ buộc, tức Lễ bậc III. Và Giáo đặt Thánh Monica làm Nữ Bổn Mạng của giới phụ nữ cũng như của các bà mẹ Công giáo.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

Bài cùng chuyên mục:

Danh sách các Thánh Tử Đạo Việt Nam xếp theo ngày lễ (29/06/2028 11:30:38 - Xem: 2,122)

Tại Việt Nam, có nhiều kitô hữu đã hy sinh mạng sống làm chứng cho Tin Mừng và đức tin. Có 117 vị đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 19.6.1988, gồm

Thánh Martinô I, Giáo hoàng, tử đạo, (ngày 13/4) (12/04/2024 07:29:07 - Xem: 2,198)

Thánh Mác-ti-nô sinh tại Todi miền Ombrie, nước Ý trong một gia đình đạo đức. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã hấp thụ một nền giáo dục tốt về mọi mặt.

Thánh Stanislao, Giám mục tử đạo, (ngày 11/4) (10/04/2024 07:31:40 - Xem: 2,842)

Thánh Stanislao sinh tại miền Cracovie nước Balan ngày 26 tháng 7 năm 1030 trong một gia đình giầu sang, phú quí. Thánh nhân là con trai duy nhất trong gia đình quyền quí, giầu sang,

Cử hành Thánh Thể: Bài 26 – Lời nguyện tiến lễ (08/04/2024 08:47:19 - Xem: 183)

Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

Thánh Gio-An Bao-Ti-Xi-Ta Lasan, (linh mục ngày 07/4) (06/04/2024 07:26:50 - Xem: 2,516)

Thánh nhân được phúc sinh ra trong một gia đình thật đạo đức, cha Người là một vị thẩm phán nổi danh, mẹ Người là một thiếu phụ rất đạo hạnh.

Thánh Vinhson de Phaolô (ngày 04/4) (05/04/2024 07:22:51 - Xem: 2,519)

Thánh nhân tỏ ra có tinh thần bác ái, ưa thích cầu nguyện và có lòng sùng kính Đức trinh nữ Maria.

Cử hành Thánh Thể: Bài 25 – Lời mời và lời đáp trước lời nguyện tiến lễ (03/04/2024 07:33:47 - Xem: 221)

Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

Thánh Isiđôrô, Giám mục và tiến sĩ Hội Thánh, (ngày 04/4) (03/04/2024 07:24:25 - Xem: 2,414)

Thánh Isiđôrô là em của vị thánh giám mục Léandre. Thánh nhân sinh năm 560 tại Tây Ban Nha. Gia đình của Ngài gồm có thánh Léandre, Fulgence, Florence.

Ủy ban Phụng tự: Giải đáp về cử hành Thánh Lễ Vọng Phục Sinh (28/03/2024 05:45:36 - Xem: 598)

Chỉ được cử hành một Thánh lễ Vọng Phục Sinh tại mỗi nhà thờ mà thôi như được hướng dẫn rõ ràng trong chữ đỏ của Sách lễ Rôma [2002] như sau:

Cử hành Thánh Thể: Bài 24 – Rửa tay (26/03/2024 13:33:24 - Xem: 231)

Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7