Suy tư - Cảm nghiệm

Suy tư về câu chuyện hai hạt mầm theo góc nhìn của người Kitô hữu

  • In trang này
  • Lượt xem: 12,311
  • Ngày đăng: 15/11/2021 09:07:05

SUY TƯ VỀ CÂU CHUYỆN HAI HẠT MẦM

THEO GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

 

Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều vĩ đại trong cuộc đời của những ai sống can đảm để đạt được sự sống đời đời và để danh Chúa được vinh quang rạng rỡ hơn.

 

 

Có hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Hạt mầm thứ nhất nói: Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên. Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân. Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá.

Và rồi hạt mầm mọc lên.

Hạt mầm thứ hai bảo: Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã.

Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi.

Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức.

Trong cuộc sống sẽ luôn có những cơ hội cho những ai dám chấp nhận mạo hiểm, trải nghiệm những thử thách, mạnh dạn vượt qua những khuôn khổ lối mòn để bước lên những con đường mới.

 

(Theo Hạt giống tâm hồn, Fisrt New và NXB Tổng hợp TP HCM)

 

Trong kế hoạch yêu thương từ đời đời, Thiên Chúa không chỉ tạo dựng mà còn cứu chuộc con người với cả thân xác và linh hồn. Để thực hiện công trình cứu độ, Thiên Chúa đã trở nên một nhà giáo dục hoạt động xuyên suốt lịch sử nhân loại. Bên cạnh Thánh Kinh và Thánh Truyền, Thiên Chúa dùng những biến cố trong cuộc sống hàm chứa niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau, hoàn cảnh thuận lợi và bất lợi để dạy những bài học quý giá. Đứng trước đường lối giáo dục của Thiên Chúa, con người đáp lại bằng một trong hai thái độ: vâng phục và khước từ. Qủa thật, muốn thưa vâng để Chúa đào tạo mình qua những nghịch cảnh, con người phải có lòng can đảm. Thiết nghĩ, câu chyện hai hạt mầm là một khúc ca ca ngợi lòng can đảm của những ai biết phấn đấu vươn đến một tương lai tốt đẹp hơn từ những thử thách Chúa gửi đến.

 

Khởi đầu câu chuyện là hình ảnh hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Bối cảnh này cho thấy cả hai cùng được gieo vào một môi trường sống như nhau. Đây là một điều kiện tốt cho sự sinh trưởng, một khởi đầu tích cực. Bước vào trong cuộc đối thoại của hai hạt mầm, có một sự bất đồng quan điểm về ý chí vươn lên. Hạt mầm đầu tiên đã đưa ra quan điểm tích cực cho sự hiện hữu của nó. Hàng loạt các từ “tôi muốn” cho thấy nó có khát vọng sống, có niềm tin vào bản thân, có nghị lực, có hy vọng, có bản lĩnh đương đầu với mọi khó khăn. Bên cạnh đó, hạt mầm này biết nhìn xa trông rộng, do đó nó thấy trước thời hoàng kim sau bao nỗ lực sinh trưởng của mình. Điều này được diễn tả qua các hành động “nở ra những cánh hoa dịu dàng đón chào mùa xuân...cảm nhận sự ấm áp của mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên lá”. Thiết nghĩ sức mạnh thúc đẩy hạt mầm thứ nhất suy nghĩ tích cực là sự tự tin. Tuy vậy, hạt mầm thứ nhất sẽ không đạt được ước mơ nếu nó dừng lại ở sự tự tin mà nó vừa diễn đạt trong lời nói. Thế nhưng, hạt mầm thứ nhất đã mọc lên. Đây là bước quyết định sự thành công. Qủa thật, hạt mầm này không chỉ can đảm để phân định tích cực hướng đi cho cuộc đời mình mà còn can đảm hành động để ước mơ trở thành hiện thực.

 

Về phần hạt mầm thứ hai, nó có một cái nhìn bi quan về sự hiện hữu của mình. Vốn dĩ nó cũng cân nhắc và nhìn xa về tương lai như hạt mầm thứ nhất, nhưng nỗi sợ hãi trong hạt mầm thứ hai đã chèn ép và phủ lấp một sự cân nhắc tích cực, để rồi những suy nghĩ tiêu cực có cơ hội lướt thắng. Ngay khi cất giọng, hạt mầm thứ hai đã thốt lên lời “Tôi sợ lắm” trước khi đưa ra những lý lẽ nhằm biện minh cho việc “nằm im và chờ đợi” của nó. Thế thì hạt mầm này sợ cái gì? Ắt hẳn nó không sợ bao công sức nỗ lực của nó sẽ hóa thành con số không tròn trĩnh cho bằng sợ bản thân chịu cực khổ và sợ tác động của ngoại lực. Như được trình bày trong câu chuyện, tác nhân ngoại lực là lòng đất sâu, đám côn trùng, bọn trẻ con. Sau khi phân tích quan điểm được cho là có lý của mình, hạt mầm thứ hai đã thẳng thừng đưa ra quyết định cho sự sống còn của nó: Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã. Ở đây, từ “không” được đặt ở thời điểm đưa ra quyết định chẳng phải là tiếng kêu của lòng dũng cảm hay của sự cương nghị mà là tiếng kêu của sự hèn nhát. Theo lối nhìn của hạt mầm này, nó thấy một tương lai không hề tươi sáng chút nào nên hóa ra bất lực và chọn “ nằm im và chờ đợi” như là giải pháp “tốt hơn hết” cho đến khi cảm thấy thật an toàn. Trong bối cảnh của câu chuyện, “nằm im và chờ đợi” là thái độ của kẻ biếng nhác thích an phận thủ thường cũng như là tư thế của kẻ đang há miệng chờ sung. Vì thái độ sống bi quan, hạt mầm thứ hai đã bị tiêu tan trong lúc nằm im và chờ đợi ở những trang sử đầu tiên của một cuộc đời. Hình ảnh chú gà mổ hạt mầm ngay lập tức là quy luật đào thải của cuộc sống. Điều đó lên án những kẻ lười biếng và lãng phí thời gian sẽ nhận lấy một con số không tròn trĩnh.

 

Qua câu chuyện hai hạt mầm, tôi rút ra được bài học cho chính bản thân trong tương quan với đời sống xã hội và đời sống Gíao Hội. Đó là bài học về lòng can đảm vượt qua  nghịch cảnh để vươn đến một tương lai tốt đẹp hơn. Rõ ràng là trong tương quan với xã hội, cá nhân nhận ra rằng cuộc đời như một đường chạy không hề bằng phẳng mà rất nhiều chông gai. Qủa thật, mỗi lần vượt khó là mỗi lần ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ, lời nói và hành động bởi khó khăn là cơ hội để ta tích lũy thêm những kinh nghiệm sống vô cùng hữu ích cho cá nhân và tập thể. Người xưa có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Ngoài việc giúp ta trưởng thành hơn, gian nan trong cuộc sống là người thợ rèn rèn luyện sức kiên cường bền bỉ của ta. Bên cạnh đó, chông gai được ví như người thầy giúp bản thân khám phá ra năng lực còn tiềm ẩn vốn có của mình.  Thế nhưng, khi đối diện với những gian lao thử thách trong cuộc sống, người ta có thể vượt lên chính mình hoặc nhát đảm để bị vùi dập rồi tan biến. Thời nào cũng vậy, xã hội chỉ chấp nhận và tôn vinh những ai có tinh thần quả cảm dám đương đầu với mọi phong ba bão táp cuộc đời và ra đi đến một chân trời mới. Ở đây, ta có thể nhắc đến những tấm gương sáng ngời xứng đáng để học tập và noi theo. Dù bị khiếm khuyết đôi tay, thầy Nguyễn Ngọc Kí không đành chấp nhận số phận bi đát của mình. Khi còn là học sinh, thầy Kí đã có những sáng kiến nỗ lực trong học tập, chẳng hạn tập viết bằng chân. Nhờ tinh thần hiếu học, thầy đã gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc và trở thành một giáo viên. Cũng có thể kể đến anh Nick Vuijic, một người dị tật bẩm sinh không tay và chỉ có hai bàn chân nhỏ, đã không chịu đầu hàng số phận nghiệt ngã ấy. Như anh chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của anh tại các buổi thuyết trình ở khắp các quốc gia, anh đã nhiều lần rơi vào sự hụt hẫng và tuyệt vọng, có khi muốn tự tử vì cơ thể không giống ai. Tuy nhiên, anh đã phấn đấu và cố gắng vươn lên để sống có giá trị bằng tất cả ý chí kiên cường và nỗ lực của mình. Năm 21 tuổi, anh tốt nghiệp đại học hai chuyên ngành Kế toán và Kế hoạch tài chính. Hiện nay, anh là một nhà hùng biện giỏi với khoảng 1.600 bài phát biểu trước đám đông tại hơn 20 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, anh còn điều hành Life Without Limbs, một tổ chức phi lợi nhuận hướng về những người khuyết chi.

 

Đối với Giáo Hội Chúa Kitô, người tín hữu được mời gọi can đảm vượt qua nghịch cảnh để vươn đến một tương lai tốt đẹp hơn trong bậc sống của mình, cách riêng trong bậc thánh hiến. Vì hạnh phúc Nước Trời mai sau, người tín hữu tập sống nhân đức và chiến đấu từ bỏ những đam mê, dục vọng, thói hư tật xấu của bản thân mỗi ngày. Thánh Augustino dạy rằng: “Lòng ham mê của cải trần gian là một thứ nhựa bẫy làm vướng mắc linh hồn và không cho nó bay bổng lên tới Thiên Chúa”. Qủa thực, một tương lai tốt đẹp của người môn đệ Chúa Kitô là Thiên Đàng vĩnh cửu nơi họ được sống trong hạnh phúc viên mãn. Cũng như hai hạt mầm đều được gieo trên một mảnh đất màu mỡ, người tín hữu được Chúa gieo vào lòng Giáo Hội và đều đón nhận mưa hồng ân của Chúa như nhau tuôn xuống trên kẻ dữ cũng như người lành. Trong đó, đời sống nào cũng có những thử thách, cám dỗ và gian nan cho con cái Chúa. Có thể nói, một người tu phải rất bản lĩnh mới có thể bền đỗ đến cùng trong ơn gọi thánh hiến. Nhìn từ bên ngoài, đời tu có vẻ như một dòng suối lặng lẽ trôi êm đềm nhưng ai nào có biết trong nội vi, cách riêng trong tâm hồn, người tu phải vất vả chiến đấu mỗi ngày. Việc giữ ba lời khấn không phải là một việc dễ dàng mà người tu phải biết sống mầu nhiệm hủy mình ra không từng giờ từng phút để sống vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh. Bên cạnh đó, những khủng hoảng trong nội tâm hay trong đời sống cộng đoàn sẽ làm cho người chiến sĩ của Chúa rơi vào những nỗi bất an, có khi sợ hãi. Đó là hai khía cạnh mà người tu phải liên lỉ đối mặt trong suốt hành trình tiến về miền đất hứa. Những lúc khó khăn đen tối nhất trong cuộc đời, dù ở bậc sống nào, lời Chúa luôn là sức mạnh để dân Chúa sống đức tin cách can trường trong Gíao Hội lữ hành  qua mọi thời và mọi nơi.

 

Nhìn chung, câu chuyện hai hạt mầm vừa là lời khuyên vừa là động lực giúp ta sống can đảm trong mọi cảnh huống của cuộc đời cũng là lời phê phán lối sống co cụm, hèn nhát làm xã hội già đi. Đồng thời, câu chuyện nhắc đến một ranh giới mong manh giữa sự hèn nhát và cân nhắc và thúc đẩy độc giả cân nhắc làm sao để đạt được kết quả tích cực bằng tất cả nỗ lực của bản thân. Nói cách khác, đó là học cách “nảy mầm” trong suy nghĩ, lời nói và hành động nhờ ơn Chúa trợ lực cùng với sự cộng tác của chính mình. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều vĩ đại trong cuộc đời của những ai sống can đảm để đạt được sự sống đời đời và để danh Chúa được vinh quang rạng rỡ hơn.

 

Gioan Baotixita Trần Bình An

Giáo xứ Lộ Đức (Kinh Quýt) – Gp. Long Xuyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 103)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 133)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 565)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 653)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 243)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 500)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 Phục sinh năm B - 2024 (02/04/2024 07:16:18 - Xem: 316)

Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta

Sự thật là gì? (30/03/2024 10:41:24 - Xem: 296)

Sự thật của Thiên Chúa đi kèm với chống đối và bách hại. Ai muốn sống sự thật này, hãy tự đóng cho mình cây thập giá và lê lết vác nó đi cả kiếp người.

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 436)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7