Bạn trẻ - Giáo dục - Ơn gọi

Song le bởi vì bây giờ…

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,324
  • Ngày đăng: 04/08/2021 10:47:28

SONG LE BỞI VÌ BÂY GIỜ...

 

Tuy không thể lãnh nhận bí tích Thánh Thể cách thể lý nhưng chúng ta vẫn có thể lãnh nhận dồi dào ơn phúc từ bí tích này khi thực hành một truyền thống từ lâu đời trong Giáo hội, đó là rước lễ thiêng liêng.

 

 

Tình trạng bùng phát phi mã của đại dịch Covid-19 hiện nay khiến cho những hạn chế xã hội ngày càng siết chặt, các sinh hoạt tôn giáo chưa biết đến bao giờ mới có thể trở lại bình thường, đời sống đạo của người công giáo Việt Nam phải giảm thiểu đến mức tối đa trong các sinh hoạt đạo đức.


Các thánh lễ, chầu Thánh Thể, lần chuỗi Mân Côi và các hình thức đạo đức trực tuyến khác đang được cổ võ. Có một điều khiến nhiều người công giáo cảm thấy bị thử thách và thiệt thòi đó là không thể thực sự lãnh nhận “bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo” (GLHTCG 1324).


Trong hoàn cảnh các thánh lễ công cộng bị đình chỉ, để khuyến khích các tín hữu rước lễ thiêng liêng khi tham dự thánh lễ trực tuyến, Đức thánh cha Phanxicô nói: “Kết hiệp với Chúa Kitô, chúng ta không bao giờ đơn độc, mà thay vào đó là làm nên một thân thể có Người là Đầu. Đó là sự kết hợp được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện cũng như bằng việc rước lễ thiêng liêng, một việc được khuyến khích khi không thể lãnh nhận bí tích.”[1]
Như vậy, tuy không thể lãnh nhận bí tích Thánh Thể cách thể lý nhưng chúng ta vẫn có thể lãnh nhận dồi dào ơn phúc từ bí tích này khi thực hành một truyền thống từ lâu đời trong Giáo hội, đó là rước lễ thiêng liêng.[2]


Theo thánh Tôma Aquinô, hiệu quả của bí tích có thể bảo đảm cho những người lãnh nhận bằng ước muốn khi không thể lãnh nhận bằng thực tế. Vì vậy, cũng như một số người được rửa tội với phép rửa bằng ước muốn trước khi được rửa tội bằng nước, thì một số người cũng rước lễ thiêng liêng trước khi có thể lãnh nhận cách bí tích.


Điều này xảy ra theo hai cách. Trước hết, từ ước muốn lãnh nhận chính bí tích, và do đó họ được cho là đã được rửa tội, và việc rước lễ cách thiêng liêng, chứ không phải cách bí tích, những người ấy mong muốn lãnh nhận các bí tích này. Thứ đến, qua hình bóng, như thánh Tông đồ nói rằng các tổ phụ xưa đã “chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển” và “họ cùng ăn một thức ăn thiêng liêng, cùng uống một thức uống thiêng liêng” (x. 1 Cr 10,2-3). Tuy vậy, việc hiệp lễ cách bí tích không phải là vô ích, bởi vì việc lãnh nhận bí tích cách hiện thực thì đem lại hiệu quả của bí tích cách trọn vẹn hơn là lãnh nhận bằng lòng muốn.[3]


Vậy, việc rước lễ thiêng liêng không thay thế cho thánh lễ, nhưng có thể thông chia một phần mạnh mẽ những hiệu quả của việc lãnh nhận bí tích. Điều này cũng có nghĩa là hoa trái cụ thể của việc rước lễ thiêng liêng cách đơn thuần thì cũng cùng một cách như việc hiệp lễ cách bí tích mà trên hết là sự tăng trưởng trong đức ái, sự hiệp nhất sâu xa hơn trong Giáo hội và ơn tha thứ các tội nhẹ.
Việc rước lễ thiêng liêng có thể thực hiện bất cứ lúc nào: khi một người tham dự thánh lễ nhưng đình hoãn việc rước lễ vì tội trọng chưa được xưng, hay khi dự lễ trực tuyến, hoặc khi một người không thể dự lễ dưới bất kỳ hình thức nào, hay ngay cả trong các việc sùng kính khác.


Trong quyển 7 Bí mật về bí tích Thánh Thể,[4] tác giả Vinny Flynn viết rằng “Thánh Phanxicô de Sales quyết tâm rước lễ thiêng liêng ít nhất mười lăm phút một lần để có thể kết hiệp tất cả các sự kiện trong ngày với việc rước Thánh Thể trong thánh lễ.”


Trong Tông huấn Bí tích tình yêu, Đức Bênêđictô XVI nhắn nhủ rằng: “Dẫu có những trường hợp không thể được rước lễ, việc tham dự thánh lễ vẫn cần thiết, vẫn quan trọng, thật ý nghĩa và ích lợi. Trong những trường hợp như thế, sẽ thật hữu ích nếu nuôi dưỡng lòng ước muốn kết hiệp với Chúa Kitô qua việc rước lễ thiêng liêng, điều đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cổ võ và các thánh là những bậc thầy về đời sống thiêng liêng khuyến khích.”[5]


Thánh Gioan Phaolô II viết rằng: “Vun trồng trong các tâm hồn niềm ao ước bí tích Thánh Thể triền miên là điều rất thích hợp. Cũng chính vì thế đã khai sinh một cách thức  “rước lễ thiêng liêng”, được phổ biến tốt đẹp từ nhiều thế kỷ trong Giáo hội và rất được các bậc thầy thánh thiện về đời sống thiêng liêng khuyến khích. Thánh Têrêsa Giêsu đã viết: “Khi bạn không thể rước lễ trong thánh lễ được thì bạn hãy rước lễ thiêng liêng vậy, vì đó là một cách thức mang lại nhiều lợi ích […] ; bằng cách đó bạn ghi khắc trong lòng tình yêu sâu xa với Chúa chúng ta.”[6]


Đức Gioan Phaolô II còn nêu gương Đức Maria như người hiệp lễ thiêng liêng bằng chính sự hiệp thông của Mẹ cách mật thiết vào các biến cố báo trước cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chuẩn bị cho cuộc hiệp lễ trọn vẹn nơi bàn tiệc Thánh Thể sau này:
“Trong suốt cuộc đời của Mẹ bên cạnh Chúa Kitô, và không chỉ trên đồi Canvariô, Đức Maria đã lấy chiều kích hy tế của bí yích Thánh Thể làm của mình. Khi Mẹ đem hài nhi Giêsu vào đền thờ Giêrusalem để “tiến dâng cho Thiên Chúa” (Lc 2,22), Mẹ đã nghe cụ già Simêon báo trước cho Mẹ rằng con trẻ này sẽ là một “dấu hiệu chia rẽ” và rằng một “lưỡi gươm” sẽ đâm thâu trái tim thân mẫu Người (x. Lc 2,34-35). Như thế bi kịch của Người Con chịu đóng đinh đã được tiên báo, và trong cách thế nào đó, cảnh “Stabat Mater” (Mẹ đứng đó) của Đức Trinh Nữ dưới chân thập giá, đã được hình dung trước. Từng ngày, chuẩn bị lên đồi Canvariô, Đức Maria đã nếm cảm một thứ “Thánh Thể tiên dự” - một cách “hiệp lễ thiêng liêng” bằng ước muốn và hiến dâng - sẽ được hoàn tất bằng sự hiệp nhất với Con của Mẹ trong cuộc khổ nạn. Điều đó sẽ được diễn đạt, sau Phục Sinh, qua sự tham dự của Mẹ vào việc cử hành Thánh Thể mà các tông đồ cử hành để tưởng niệm cuộc khổ hình của Chúa.”
[7]


 

Tương truyền rằng, trong một thị kiến, Chúa Giêsu đã trả lời thắc mắc của thánh Catarina Siêna về giá trị của việc hiệp lễ thiêng liêng. Chúa đã cho chị xem hai chén thánh, một bằng vàng, một bằng bạc, và nói: “Việc hiệp lễ cách bí tích của con, Ta cất trong chén vàng, còn việc rước lễ thiêng liêng của con, Ta đựng trong chén bạc. Ta rất hài lòng về cả hai.”


Vậy, chúng ta rước lễ thiêng liêng thế nào để lãnh nhận ơn phúc dồi dào?


Việc rước lễ thiêng liêng thật đơn giản, có thể thực hiện bất cứ lúc nào và ở đâu: đang trong nhà nguyện, khi làm việc, học hành hay việc gì khác. Khi rước lễ thiêng liêng, chúng ta làm vui lòng Chúa và nhận được dồi dào ân phúc, nếu chúng ta đầy lòng sùng kính với “đức tin được canh tân, lòng tôn kính sùng mộ, sự khiêm nhường và hoàn toàn tín thác vào lòng nhân lành của Đấng Cứu Độ thần linh.”[8]


Tuy việc rước lễ thiêng liêng là đơn giản, dễ thực hiện nhưng trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh như hiện nay, việc hiệp lễ thiêng liêng khi tham dự thánh lễ trực tuyến là việc quan trọng cần được thực hiện với thái độ tích cực như khi hiệp lễ cách bí tích vậy.
Thánh Anphongsô Liguori dạy rằng: Trước tiên, người hiệp lễ phải chắc chắn về tình trạng ân sủng của mình. Nếu người ấy chưa thể lãnh nhận bí tích giao hòa, thì có thể làm một việc sám hối chân thành cho đến khi có thể lãnh nhận bí tích này; rồi đọc và suy niệm một đoạn Sách Thánh cách cá nhân hay qua thánh lễ, và làm một hành vi thể hiện đức tin, đức ái với lòng khao khát được rước lấy Chúa Giêsu cùng với lời khẩn mời Người ngự vào tâm hồn mình cách thiêng liêng. Các việc này được gồm tóm trong Kinh rước lễ thiêng liêng của thánh Anphongsô:


Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa con ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa con trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa con trong linh hồn con. Song le bởi vì bây giờ con chẳng có thể mà chịu Chúa con cho thật được, thì xin Chúa con ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa con đã ngự vào thật, thì con xin ẵm lấy cùng hợp làm một cùng Chúa con cho trọn, xin Chúa con chớ để cho con lìa bỏ Chúa con bao giờ. Amen.


Theo thánh Tôma, một cá nhân được khuyến khích rước lễ hằng ngày nếu việc ấy không làm suy giảm lòng nhiệt thành hoặc lòng tôn kính của người ấy đối với bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, nếu việc này khiến giảm bớt lòng sùng mộ và không gia tăng lòng đạo đức, thì đôi khi nên cho người ấy nhịn rước lễ, để sau đó người ấy tiến gần hơn với sự sẵn sàng tốt hơn.


Trong những ngày này, mặc dù hầu hết chúng ta không được rước lễ cách trọn vẹn, nhưng hẳn cũng là cơ hội để chúng ta rút ra được nhiều lợi ích thiêng liêng từ chính việc hạn chế này bằng cách gia tăng lòng khao khát và yêu mến Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể như thánh Gioan Maria Vianney đã sánh ví: Việc rước lễ thiêng liêng tựa như việc thổi vào ngọn lửa và những hòn than đang bắt đầu tàn để nó lại bùng cháy lên.

 

Vinh Hưng, OP.(daminh,net)

[1] Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 15/03/2020.
[2] Communio spiritualis, để phân biệt với communio sacramentalis, hiệp lễ cách bí tích hay rước lễ thực.
[3] x. Summa Theologiae. III, q. 80, a. 1, ad 3.
[4] Vinny Flynn, 7 Secrets of the Eucharist, chuyển ngữ: Phạm Chuyên - Trịnh Minh Phú, Học viện Đa Minh, 2018.
[5] Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, 55.
[6] Gioan Phaolô II, Ecclesia in Eucharistia, 34.
[7] Ibid., 56.
[8] Piô XII, Mediator Dei, 117.

 

Bài cùng chuyên mục:

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 120 – Chúng con vẫn nhớ!  (15/04/2024 15:07:13 - Xem: 39)

10 điều nên làm khi có người yêu – Phần 1 (14/04/2024 07:28:00 - Xem: 196)

Hỡi các cô gái, bài viết này dành riêng cho bạn, đặc biệt với những ai thừa nhận rằng mình đang yêu.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 118 – Người đã lập gia đình có được làm linh mục? (10/04/2024 09:33:45 - Xem: 209)

Con đọc trên Internet, thấy Giáo hội thường tranh luận về vấn đề người lập gia đình có được lãnh nhận chức linh mục?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 121 – Người bí ẩn trong Bữa Tiệc Ly (03/04/2024 07:37:54 - Xem: 212)

Nghe người ta nói rằng: người ngồi cạnh Đức Giêsu trong bích họa Bữa Tiệc Ly của Leonardo da Vinci là Maria Magdalena.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 117 – Người Công giáo làm từ thiện (28/03/2024 08:04:04 - Xem: 268)

Nếu bản thân chúng ta hay cộng đoàn nơi chúng ta sinh sống còn ít thực thi bác ái, có nghĩa là chúng ta chưa sống đúng với ơn gọi của người Kitô hữu.

Nói gì với những người trẻ không còn cần đến Thiên Chúa nữa? (24/03/2024 08:33:54 - Xem: 396)

Đức tin chỉ lớn lên khi luôn khao khát nó: các tông đồ cầu xin Chúa : “Xin gia tăng đức tin cho chúng con” (Lc 17, 5).

Hãm mình để nâng dậy tâm hồn (13/03/2024 08:03:14 - Xem: 384)

Theo truyền thống tốt lành của Giáo hội, để vươn đến nhân đức nhanh hơn, hãm mình là cần thiết: ăn chay, đánh tội, từ bỏ ý riêng, khiêm nhường.

Cầu nguyện Mùa Chay có gì khác? (04/03/2024 07:13:00 - Xem: 371)

Con biết Mùa Chay là Mùa của cầu nguyện. Con nghĩ mùa nào cũng cần cầu nguyện mà. Vậy ý nghĩa cầu nguyện trong mùa này là gì ạ?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 116 – Vài cách cầu nguyện (29/02/2024 08:18:50 - Xem: 270)

Câu hỏi: Xin chia sẻ giúp con vài cách cầu nguyện phù hợp với môi trường sinh viên? Con cảm ơn nhiều.

Năm lời khuyên để đạt được và duy trì sự bình an trong tâm hồn (26/02/2024 05:34:39 - Xem: 435)

Có nhiều lý do dẫn đến sự bất an nhưng chẳng có lý do nào là tốt cả. Chúng ta muốn kiểm soát mọi thứ, nhưng điều này thực sự là không thể.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7