Tác giả - Tác phẩm

Phaolô đối diện với chính mình, ĐHY Carlo-Maria Martini(1)

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,718
  • Ngày đăng: 19/12/2021 14:45:52

PHAOLÔ ĐỐI DIỆN VỚI CHÍNH MÌNH

ĐHY Carlo-Maria Martini[1]

 

 

Giới thiệu

Chúng ta sẽ cùng đọc và suy gẫm về cuộc đời thánh Phaolô qua những bài giảng linh thao của ĐHY Carlo-Maria Martini trong cuốn “Phaolô đối diện với chính mình”. Cuộc đời thánh Phaolô không phải được tô điểm toàn mầu hồng với nhiệt huyết tông đồ mạnh mẽ, mà cũng có những lúc ngài gặp trở ngại, khó khăn, bóng tối của kiếp người. Nhưng được ơn hoán cải và nhờ lòng yêu mến Chúa, nhờ nhiệt tâm tông đồ nung nấu, nhờ sự hăng say rao giảng Tin Mừng, ngài đã vượt qua mọi chướng ngại để hoàn tất cuộc đời tông đồ bằng cái chết tử đạo, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

 

Hi vọng khi suy niệm và cầu nguyện về cuộc đời thánh Phaolô, chúng ta được ngài khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ để sống và hăng say rao giảng Tin Mừng như ngài.

 

                       Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

DẪN NHẬP

 

A. Trong tuần tĩnh tâm, những việc chúng ta cần là:

1/ Lắng nghe Lời Chúa: đọc những bản văn kinh thánh, những bài sách thánh trong Phụng vụ giờ kinh, trong thánh lễ để suy gẫm.

 

2/ Đọc một số bản văn Kinh thánh được gợi ý.

 

3/ Suy gẫm: bằng nhiều phương pháp khác nhau, và bằng các phương thế từ suy tư trực tiếp về những hướng dẫn và những bản văn, tới kiểm điểm đời sống cá nhân dưới cái nhìn của Chúa.

 

4/ Cầu nguyện: cầu nguyện thờ lạy, ca tụng, tạ ơn, thống hối và xin ơn;

 

5/ Chia sẻ đức tin: điều này không phải là chính yếu, nhưng sẽ hữu ích cho những ai ước ao muốn chia sẻ. Nó sẽ giúp hoán cải trọn vẹn hơn, trong lãnh vực chúng ta xét là quan trọng nhất đối với chúng ta và để giúp đỡ người khác.

 

B. Những khó khăn và cách để tránh.

1/ Thói quen: Đây không phải là lần tĩnh tâm đầu tiên của chúng ta, vì thế, thật là bất cẩn nếu chúng ta không suy nghĩ về việc tĩnh tâm cách nghiêm chỉnh, không để hết lòng chúng ta vào đó, và nhất là không ý thức rõ ràng về điều chúng ta mong đợi từ cuộc tĩnh tâm.

 

2/ Số người tham dự quá đông đối với một cuộc tĩnh tâm: vì quá đông, nên tiến trình tĩnh tâm trở nên chung chung cho mọi người, thiếu sự trao đổi và hướng dẫn có tính cách cá nhân giữa người tham dự và vị hướng dẫn. Có hai cách để giải quyết:

 

a/ Cố gắng hết sức dành thời gian cho tĩnh lặng nội tâm, để làm sao mỗi người có thể cảm thấy chỉ có mình với Chúa. Điều này không ngăn cản sự chia sẻ với người khác; nhưng sự chia sẻ đó phải sâu xa và là sự chia sẻ trong cầu nguyện. Hơn nữa, chính sự ở một mình với Chúa lại là điều kiện tiên quyết cho sự chia sẻ như vậy.

 

Cô đơn, một mình, không có nghĩa là cô lập, nhưng là chìm ngập trong lòng thương xót của Thiên Chúa, nền tàng cho một chia sẻ đích thực. Nên tránh bất cứ gì có thể làm chia trí người khác, để mỗi người có thể sống những giờ phút tĩnh tâm như thể chỉ có một mình người đó với Chúa.

 

b/ Lập một thời khóa biểu rõ ràng cho việc đạo đức cá nhân: suy gẫm mỗi sáng, thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa. Nhưng mỗi người đề ra một thời khóa biểu riêng cho mình cũng rất quan trọng bằng cách đặt ra 3 câu hỏi sau:

 

- Mỗi ngày vào giờ nào, và trong bao lâu, tôi định dành cho suy tư, cầu nguyện chiêm niệm? Phải tuyệt đối tránh không để làm tùy hứng, vui hay buồn, hứng khởi hay chán nản.

 

- Mỗi ngày, vào giờ nào và trong bao lâu, tôi định dành cho việc đọc Kinh thánh? Những đoạn được gợi ý là những đoạn về cuộc đời thánh Phaolô, Công vụ tông đồ chương 9 liên quan đến cuộc hoán cải thứ nhất, chương 13 và các chương sau cho tới hết cuốn sách.

 

Cách riêng chúng ta nên chú ý đọc lại một số thư chính yếu của thánh Phaolô mà có lẽ chưa bao giờ có dịp đọc trọn vẹn; nên đọc trong bầu khí yên tĩnh và toàn tâm toàn ý. Những thiếu sót trong hiểu biết về các thư của thánh Phaolô làm chúng ta không thể hiểu sâu xa Tin mừng.

 

Chúng ta nên đọc 5 thư chính yếu sau: Thư thứ nhất gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thư gởi cho Galata, thứ thứ hai cho Cô-rin-tô, thư gởi cho Phi-lip-phê và cho Cô-lô-sê. Trong 5 thư này, chúng ta gặp mọi đề tài thánh Phaolô đề cập tới:

 

+ Các đề tài về cánh chung nằm trong thư gời tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca;

+ Các để tài về thực tại ơn cứu độ nằm trong thư gởi tín hữu Ga-la-ta;

+ Các vấn đề chính yếu trong đời sống Giáo Hội nằm trong thư thứ hai gời tín hữu Cô-rin-tô (Nếu trong thư thứ nhất, thánh tông đồ triển khai dài về các vấn đề trên, thì trong thư thứ hai, ngài bàn về những điểm chính yếu của tín lý dưới ánh sáng của chính cuộc đời ngài).

+ Thư gởi cho tín hữu Phi-lip-phê là bản tóm lược về các kinh nghiệm của thánh Phaolô;

+ Sau cùng, quan niệm vũ trụ về phần rỗi thế giới và lịch sử nằm trong thư gởi tín hữu Cô-lô-sê.

 

3/ Từ cuộc tĩnh tâm này, tôi muốn rút ra được kết quả nào? Điều gì tôi tâm đắc nhất trong đời sống hiện tại của tôi?

 

Có thể đường hướng chung là tìm ý Chúa về tôi trong lúc này. Chúng ta đã biết điều đó khi chuẩn bị chịu chức linh mục; nhưng chúng ta có thể thấy đây là dịp Chúa ban để làm mới lại con đường đã trải qua từ khi chịu chức cho tới bây giờ, và để tìm đào sâu điều mà Thiên Chúa chờ đợi từ mỗi người chúng ta. Tuy nói là ý đinh chung, nhưng mỗi người có thể chọn cho mình một định hướng riêng thích hợp và quan trọng cho chính mình.

 

Xin Mẹ Maria là Đấng hiểu và đào sâu chương trinh của Thiên Chúa về Mẹ, giúp chúng ta hiểu điều chúng ta cảm thấy trước nhờ Chúa Thánh Thần tác động, từ khi chịu phép rửa tội cho tới lúc chịu chức linh mục.

 

BÀI MỘT

TRÊN ĐƯỜNG ĐA-MÁT

 

Về những cuộc hoán cải của Phaolô, trước hết, chúng ta sẽ dừng lại để suy gẫm về biến cố đã xảy ra; sau đó, sẽ đào sâu về tín lý và đời sống thiêng liêng về những đề tài được khơi gợi từ biến cố đó cũng như những gì Phaolô gợi ý trong các thư của ngài.

 

Cuộc hoán cải thứ nhất là biến cố Đa-mát. Nếu có ai hỏi Phaolô lúc ngài sắp tử đạo: sự kiện có tính quyết địn trong cuộc đời ngài là gì, chắc chắn ngài sẽ trả lời: cuộc gặp gỡ trên đường Đa-mát Toàn bộ cuộc đời ngài được đánh dấu bởi biến cố này. Chúng ta khó có thể hiểu biến cố đó rõ ràng bởi vì chính Phaolô cũng chỉ hiểu ý nghĩa của nó vào lúc qua đời. Phần chúng ta, có lẽ chúng ta chỉ hiểu được giá trị ân sủng của bí tích rửa tội và truyền chức thánh vào lúc kết thúc cuộc đời trên trần gian.

 

Đàng khác, nếu khó có thể lấy biến cố Đa-mát như điểm khởi đầu, bởi vì biến cố này bao trùm toàn bộ những biến cố khác, và nó chỉ có thể được hiểu rõ nhờ ánh sáng của những cuộc hoán cải sau đó; dù vậy, chắc chắn là đối với Phaolô, chính từ đó mà mọi sự bắt đầu.

Trước đó, mọi sự đều khác; sau đó, mọi sự cũng đều khác.

 

I. Những giải thích sai

1. Trước hết, cần xoá bỏ những tư tưởng sai về biến cố này trong các lớp giáo lý, phụng vụ và nghệ thuật. Chúng ta thường dùng hình ảnh Phaolô ngã ngựa và có luồng ánh sáng bao bọc. Hiểu và giải thích cách này làm cho biến cố trở nên tầm thường, mất hết ý nghĩa. Điều đó làm chúng ta không còn hiểu được Thiên Chúa hoạt động trong tâm hồn con người thế nào.

 

- Ý tưởng sai, hoặc không đầy đủ thứ nhất là nhìn biến cố Đa-mát như một cuộc hoán cải thuần luân lý: Phaolô là người đầy tội lỗi khi hiểu được điều xấu đã làm, ngài thay đổi đời sống. Sự hoán cải về phương diện luân lý ghi nhận một ý chí bền bỉ, một sự trở lại sâu xa  vừa về tình cảm vừa về sự tiến triển nội tâm. Theo cái nhìn luân lý này, mọi sự tập trung vào: trước đây Phaolô là gì, những nỗ lực thay đổi của ngài, và cái mà ngài trở nên sau đó.

 

- Một cách giải thích khác rất hạn hẹp là coi Phaolô như một người thay đổi mầu cờ. Một người nhiệt thành tuân giữ Lề Luật dưới mầu cờ đạo Do thái; bỗng dưng, chọn một hướng đi mới, dấn thân nhiệt tình, sử dụng tài hùng biện khéo léo, hoạt động năng nổ, không ngừng nghỉ, dưới một mầu cờ khác, đó là mầu cờ của Đức Kitô. Ở đây, chỉ là sự thay đổi phương pháp, thay đổi Giáo Hội: trước đây, ngài phục vụ Hội đường, bây giờ, ngài phục vụ Giáo Hội Chúa Kitô mà ngài coi như một con đường cao hơn để thực hiện lý tưởng của mình. Trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta thường gặp những sự hoán cải như vậy và thường chỉ là sự thay đổi phe phái; đôi khi, sau đó, lại có sự thay đổi lần thứ hai để phục vụ một mầu cờ thứ ba.

 

Như vậy, đây là một tiến trình: nhiệt tình dấn thân vì một lý tưởng này có thể thay đổi vì một lý tưởng khác xem ra tốt hơn. Từ lý tưởng cuối cùng, người ta có thể quay lại với mầu cờ thứ nhât, trong bất an vì không thể hiểu hết những gì đã xảy ra. Đây không còn là sự hoán cải, mà chỉ là sự thay đổi phe phái. Nếu giải thích sự hoán cải của thánh Phaolô theo cách này, thì chúng ta cũng giải thích sự hoán cải của chúng ta và của người khác như vậy; điều đó dễ làm chúng ta quên rằng hoán cải trước hết là ơn Thiên Chúa ban

 

2. Thực sự Phaolô nói gì về sự hoán cải của ngài. Từ đầu tiên là từ “hoán cải” Có đúng là Phaolô hoán cải không? Chính ngài không bao giờ dùng từ này để chỉ biến cố Đa-mas. Thực ra, chúng ta không hiểu nhiều về biến cố đó. Chúng ta đã giải thích nó dưới nhãn quan của chúng ta, giản lược nó vào một thể loại đơn giản, trong khi chưa nghiên cứu đầy đủ.

 

- Hoán cải đi liền với thống hối.

- Hoán cải là trở về. Đang đi tới giờ quay trở lại.

- Công vụ tông đồ dùng từ metanoia: quay trở lại; và từ epistrefo: thay đổi não trạng. (Mc 1, 15; Cv 26,20).

- Tin Mừng Gioan không nói tới hoán cải, trở về mà nói “đến với Chúa Giêsu”. Như vậy, nếu hiểu theo thánh Gioan, thì biến cố Đa-mát mang một ý nghĩa rộng lớn hơn, sâu xa hơn là nghĩa hoán cải, trở về; đó là tiến trình của con người đi về với Thiên Chúa.

 

II. Giải thích đúng

Có một điều lạ, đó là Phaolô rất ít nói tới biến cố này, hầu như không bao giờ ngài nói trực tiếp; nhưng đây lại là biến cố quan trọng để lại dấu ấn sâu đậm và tác động mạnh mẽ trên toàn bộ cuộc đời ngài; đồng thời được ngài diễn tả lại trong thần học của mình.

 

Những bản văn hiếm hoi ám chỉ đến biến cố đó là những bản văn nào?

 

1. Một bản văn căn bản diễn tả biến cố Đa-mát là Galata 1, 15-16:  Để nói đến biến cố Đa-mát, ngài dùng 4 động từ: ‘đã chọn tôi’ (dành riêng tôi); ‘đã gọi tôi’; ‘đã mặc khải cho tôi’; ‘tôi loan báo’. Trong 4 động từ trên, chỉ có động từ ‘mặc khải’ gián tiếp đề cập đến biến cố trên; còn các động từ khác đặt ‘hoán cải’ trong bối cảnh ý định quan phòng của Thiên Chúa. Như vậy, Phao-lô trình bày điều chính yếu xảy đến với ngài như một mặc khải của Con Thiên Chúa, và như một sứ vụ được trao.

 

2. Trong Roma 8, 29-30, Phaolô chuyển kinh nghiệm riêng của mình vào kinh nghiệm chung: Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi ; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính ; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.”

 

3. Trong 1 Cr 9, 1, Phaolô  đề cập đến biến cố một cách vắn tắt trong bối cảnh tranh luận: Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giê-su, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao?” Biến cố Đa-mát được ngài giải thích là “nhìn thấy Chúa”. Xa hơn cũng trong 1 Cr 15, 8-9: Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.” Biến cố Đa-mát chính là Chúa Giêsu hiện ra với ngài dù ngài không xứng đáng.  Những từ, những dấu chỉ thánh Phao-lô dùng diễn tả sự hoán cải luân lý, nhưng chính yếu vẫn là sự kiện Chúa Giêsu hiện ra với ngài.

 

4. Một bản văn khác không nói tới biến cố Đa-mát nhưng nói tới cách Phaolô đón nhận nó là Philip 3, 4-9: Mặc dầu tôi đây, tôi có lý do để cậy vào xác thịt. Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi. Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin.” Gặp gỡ Đức Ki-tô, biết Người, được Người đổ tràn ơn phúc làm cho ngài đánh giá lại toàn bộ những gì trước kia ngài đã theo đuổi hết mình. Tình trạng “trước” và “sau” được diễn tả bằng những từ ngữ “sở hữu” và “nghèo khó”. Trong thư gởi tín hữu Cô-rin-tô, ngài nói mình là đứa con sinh non, tức là kẻ tội lỗi; còn ở đây, ngài nói mình giữ luật Môsê không ai chê trách được. Vì thế, không dễ xếp Phaolô vào hạng người tội lỗi và báng bổ. Nhưng nếu không phải là người tội lỗi thì điều gì đã thay đổi? Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi.” Có một sự đảo lộn những giá trị nơi ngài: những gì trước kia ngài coi là quan trọng thì bây giờ không còn giá trị gì, không còn làm ngài quan tâm nữa. Những gì trước đây ngài không bao giờ chấp nhận từ bỏ thì bây giờ trở nên tầm thường bởi vì biết Đức Kitô đã trở nên mối quan tâm hàng đầu của ngài, và có thể đổ đầy lòng ngài, không còn thiếu thốn gì. Sự gặp gỡ, hiểu biết Đức Kitô, sự viên mãn của Người khiến ngài nhìn lại mọi phán đoán và bậc thang giá trị trước đây. 

 

5. Một bản văn quan trọng khác là 2 Cr. 4,6: “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Ki-tô.  Gian truân và hy vọng trong công việc tông đồ.” Ở đây, bản văn nói chung về các tông đồ, nhưng có một âm vang đặc biệt nếu hiểu về sự hoán cải của Phao-lô. Thiên Chúa sáng tạo đã toả sáng trong tâm hồn ngài và soi sáng cho ngài hiểu sự giầu có của Đức Kitô.

 

6. Bản văn cuối cùng chúng ta khảo sát là bản văn gợi lên khía cạnh luân lý cho sự hoán cải của thánh Phaolô, đó là 1 Tm 1, 12-16: Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận : Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời..” Phaolô là người tội lỗi hay là người không có gì chê trách được cả về phương diện luân lý? Bản văn này cho thấy biến cố Đa-mát là một mầu nhiệm, quá phong phú để có thể thấu hiểu rõ ràng.

 

Như vậy, biến cố Đa-mát phức tạp hơn chứ không chỉ là một hoán cải luân lý, một thay đổi não trạng. Vì thế, chúng ta phải tôn trọng và khiêm tốn nhìn nhận rằng mình không hiểu gì về biến cố đó, nhưng nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể hiều biết dần dần. Từ đó, chúng ta hiểu chính mình hơn, nắm bắt rõ hơn ý nghĩa cuộc đời và những hoán cải của chúng ta.

 

III. Câu hỏi cho chúng ta

Trong cuộc đời tôi, có “giờ phút hoán cải” như thánh Phao-lô không, giờ phút tôi trở về với Chúa và làm mới lại tiến trình đời sống thiêng liêng không? Nếu điều đó không phát sinh vào những giờ phút rõ ràng, chắc chắn, chúng ta vẫn có những giây phút thay đổi, biến đổi, khủng hoảng, đưa chúng ta đến sự hiểu biết mới về mấu nhiệm Thiên Chúa.

 

Nếu chưa bao giờ chúng ta thực hiện một thay đổi não trạng tận gốc rễ, một thay đổi thiết yếu cho đời sống kitô hữu, thì chúng ta chưa hiểu rằng chính sự trở về với lòng mình làm nên một đổi mới tiến trình đời sống kitô hữu. Nếu tôi không hiểu rõ những gì nói về thánh Phao-lô, thì tôi cũng khó mà hiểu được những gì xảy ra nơi chính mình. Vì thế cần cầu nguyện xin Chúa ơn nhận biết đời mình.

 

 

 


[1] Chuyển ý từ ĐHY Carlo-Maria Martini, “Saint Paul face à lui-même”, Mediaspaul, Paris, 1984.

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 395)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 644)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 518)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 655)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 755)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,003)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,366)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,048)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,726)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,807)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7