Tác giả - Tác phẩm

Phaolo đối diện với chính mình (08)

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,608
  • Ngày đăng: 14/04/2022 10:46:09

PHAOLÔ ĐỐI DIỆN VỚI CHÍNH MÌNH

ĐHY Carlo-Maria Martini[1]

 

Giới thiệu

Chúng ta sẽ cùng đọc và suy gẫm về cuộc đời thánh Phaolô qua những bài giảng linh thao của ĐHY Carlo-Maria Martini trong cuốn “Phaolô đối diện với chính mình”. Cuộc đời thánh Phaolô không phải được tô điểm toàn mầu hồng với nhiệt huyết tông đồ mạnh mẽ, mà cũng có những lúc ngài gặp trở ngại, khó khăn, bóng tối của kiếp người. Nhưng được ơn hoán cải và nhờ lòng yêu mến Chúa, nhờ nhiệt tâm tông đồ nung nấu, nhờ sự hăng say rao giảng Tin Mừng, ngài đã vượt qua mọi chướng ngại để hoàn tất cuộc đời tông đồ bằng cái chết tử đạo, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

 

Hi vọng khi suy niệm và cầu nguyện về cuộc đời thánh Phaolô, chúng ta được ngài khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ để sống và hăng say rao giảng Tin Mừng như ngài.

                                                Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

BÀI TÁM

CUỘC KHỔ NẠN CỦA PHAOLÔ,

CUỘC KHỔ NẠN CỦA ĐỨC KITÔ

 

Thành ngữ "cuộc khổ nạn" của Phaolô có ý nói đến một phần trong sách Công vụ tông đồ từ chương 21 tới chương 25, đó là phần sưu tập cuối cùng nói về việc Phaolô bị bắt ở Giêrusalem và bị dẫn về Rôma.

 

Cũng vậy, trong Tin Mừng, cuộc Khổ nạn của Đức Kitô được thuật lại rất dài, so với phần ngắn trước đó, kể lại cuộc đời Người. Các tác giả Tin Mừng rảo nhanh qua hai hoặc ba năm rao giảng công khai, trong khi cuộc Khổ nạn thì hầu như thuật lại hàng giờ, thậm chí hàng phút nữa.

 

Qua đó, chúng ta hiểu được tầm quan trọng của các tác giá Tin Mừng và Giáo hội sơ khai dành cho cuộc Khổ nạn của Đức Kitô và cuộc Khổ nạn của Phaolô. Mọi người đều hiểu rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, được sai đến để mặc khải cho chúng ta về Chúa Cha, chính yếu là qua cuộc Khổ nạn của Người. Phaolô cũng vậy. Ngài là chứng nhân cho Đức Kitô, không những nhờ những diễn văn nảy lửa, uyên bác, hoặc dịu dàng, nhưng đồng thời cũng qua tù đày, bị đưa từ trại giam này đến trại giam khác, số phận mơ hồ, mất tự do, trong nỗi sợ cái chết.

 

Như hoa trái của sự suy gẫm, chúng ta xin ơn hiểu rõ hơn câu bí ẩn của thư gởi tín hữu Philiphê: "Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người." (Pl 3,10). Phaolô ước mong được biết Chúa Giêsu nhờ được hiệp thông với những đau khổ Người chịu cách thể lý và tinh thần.

 

Chúng ta xin ơn được hiệp thông với Phaolô, mở lòng và trí chúng ta, để nhận biết Đức Kitô, nhận biết quyền năng Phục sinh của Người, được tham dự vào những thử thách của Người, để chúng ta có thể dâng hiến đời sống chúng ta cho Chúa nhờ thân thể Đức Kitô, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria.

 

Chúng ta cố gắng trả lời những câu hỏi sau:

- Đâu là những điểm giống và khác nhau giữa cuộc Khổ nạn của Đức Kitô và của Phaolô?

- Cuộc Khổ nạn của người Kitô hữu hệ tại điều gì?

- Phaolô đã sống cuộc Khổ nạn của ngài thế nào?

- Chúng ta phải sống cuộc Khổ nạn của chúng ta thế nào?

 

Cuộc Khổ nạn của Đức Kitô và cuộc Khổ nạn của Phaolô: giống và khác

Chúng ta cố gắng so sánh vài giai đoạn của hai cuộc Khổ nạn. Ba giai đoạn sau đây cần để ý:

- Chúa Giêsu bị bắt và Phaolô bị bắt.

- Chúa Giêsu và Phaolô trước các toà án.

- Đau khổ thể lý và tinh thần của Chúa Giêsu và Phaolô.

 

Chúa Giêsu bị bắt và Phaolô bị bắt

"Ngài còn đang nói, thì này một đoàn lũ và tên Giuđa, một người trong nhóm Mười hai, đi trước họ. Y lại gần Ðức Yêsu và hôn Ngài. Nhưng Ðức Giêsu bảo y: "Giuđa, ngươi dùng cái hôn để nộp Con Người sao?" Thấy sự sắp xy ra, các người ở quanh Ngài mới nói: "Thưa Ngài, chúng tôi lấy gươm đánh được không?" (Lc 27, 47-49).

 

Còn Phaolô đang ở trong đền thờ, tham dự những ngày Thanh Tẩy, "Khi đã sắp mãn bảy ngày, những người Do Thái quê ở Tiểu Á thấy ông trong Ðền Thờ, thì xách động dân chúng tất cả và tra tay trên ông, 28 mà la lên: "Ðồng bào Israel, xin tiếp cứu! Này đây con người hằng dạy cho mọi người mọi nơi, chống lại dân, chống lại Lề luật, chống lại Nơi này! Hắn còn đưa cả người Hi Lạp vào Ðền Thờ, và đã làm cho nơi Thánh này ra uế tục". (Cv 21, 27-28).

 

Tất cả thành đều náo động, Phaolô bị kéo ra khỏi đền thờ, người ta đóng các cửa lại, tìm cách giết ngài. Rồi vị chỉ huy cơ đội cùng các binh sĩ kéo đến, họ bắt ngài và lấy hai cái xiềng còng ngài lại. Và từ đó, ngài bị tù rất lâu. Có gì giống nhau giữa hai sự bắt bớ này, dù bề ngoài khác nhau?

 

Trong cả hai trường hợp, sự bắt bớ đều vì phản bội, vì bất công, có sự mai phục. Sự mai phục được dựng lên cách vội vã bởi những kẻ thù của các ngài. Đối với cả hai trường hợp, sự bắt bớ đều xảy ra lúc các ngài ra sức phục vụ dân chúng. Chúa Giêsu bị bắt khi đang cầu nguyện, còn Phaolô thì đúng lúc dâng lễ vật, nghĩa là sau khi đem các lễ vật cho dân chúng, ngài còn muốn được thanh tẩy trong đền thờ. Cả hai đều bị bắt lúc đang thi hành sứ vụ tông đồ, lúc đang phục vụ.

 

Chúa Giêsu và Phaolô trước các toà án

Chúa Giêsu bị triệu tập trước các toà án: Thượng hội đồng Do thái, Toà án của Philatô; người ta hỏi Người và tố cáo Người nhiều điều; khởi đầu Người còn trả lời, và rồi đến một lúc nào đó, Người im lặng. Vụ án của Phaolô được thuật lại dài hơn và đáng lưu ý là một chuỗi dài những diễn văn mà ngài phát biểu: trên các bậc thềm đền thờ ở chương 22, trước Thượng hội đồng ở chương 23, trước quan Félix ở chương 24, bài biện hộ trước quan Festus ở chương 25, và trước vua Agrippa ở chương 26. Đó là một chuỗi những bài hộ giáo của Phaolô, ông tự biện hộ, trái ngược với Chúa Giêsu, Người chỉ nói những câu ngắn gọn.

 

Những khác biệt giữa hai trường hợp này rất đáng lưu ý: Phaolô không bắt chước Chúa Giêsu một cách câu nệ. Cảm nhận Chúa Thánh Thần ở trong ngài, và được đời sống của Thầy mình khơi gợi, ngài đảm nhận những trách nhiệm của mình với phẩm giá và sự cương quyết. Ngài bắt chước Chúa về phẩm giá, về ý nghĩa của sự công chính,  về sự vĩ đại của tâm hồn, nhưng cách hành động lại khác. Ngài tích cực tự bảo vệ bằng những lý luận phong phú, làm cho đối thủ bẽ mặt. Và ngài đã thành công khi chia rẽ Thượng hội đồng, làm cho họ bất đồng với nhau.

 

Còn Chúa Giêsu kiên trì mạnh mẽ quả quyết sứ mạng của Người trong vài lời vắn gọn: “Ông nói đúng, tôi là vua! Ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa quyền năng.”

 

Những đau đớn thể lý của Chúa Giêsu và Phaolô

Những đau đớn của Chúa Giêsu dường như cực kỳ khủng khiếp vì được các bài thường thuật về cuộc Khổ Nạn miêu tả khá dài. Còn Phaolô, chúng ta chỉ biết ngài phải chịu đựng cảnh tù đày cách nặng nề; thực ra, ngài đã chịu rất nhiều đau đớn thể lý như bị đánh đòn, bị ném đá; tuy nhiên, khi nói về chúng, ngài coi như những sự cố không thể tránh khỏi trên con đường truyền giáo.

 

Phaolô nhấn mạnh đến đau khổ tinh thần hơn, đặc biệt là sự cô đơn. Chính trên phương diện này, chúng ta có thể kết hợp cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu với cuộc khổ nạn của Phaolô, vì điều đó cũng liên kết với kinh nghiệm của chúng ta.

 

Đối với Chúa Giêsu, những đau khổ tinh thần nặng nề nhất chắc chắn là sự bỏ rơi của tất cả mọi người. Ai nấy đều chạy trốn; chỉ có Phêrô theo Người xa xa, nhưng cuối cùng lại chối bỏ Người, trong khi, trước đó, Chúa đã quen với sự tháp tùng đông đảo của những người ủng hộ. Chính vì thói quen đó, Chúa lại càng cảm thấy mình bị bỏ rơi hoàn toàn cách nặng nề hơn. Sự bỏ rơi còn gia tăng hơn nữa khi Chúa cảm thấy chính Chúa Cha cũng bỏ Chúa: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi, nhân sao Chúa bỏ tôi!” Rất nhiều giải thích câu này để tìm ra ý nghĩa của nó. Lời giải thích kịch tính nhất và đẹp nhất có lẽ là của Hans Urs von Balthasar trong cuốn Mầu nhiệm Phục sinh của ông: dựa trên lời này, ông tìm cách giải thích những tình cảm Chúa Giêsu trải qua ngày Thứ Sáu tuần thánh, tối tăm xâm chiếm tâm hồn Người, rồi Người xuống ngục tổ tông. Balthasar dựa trên nguyên tắc là chúng ta có thể hiểu cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu khi so sánh với cuộc khổ nạn của các thánh: bằng cách suy tư về những tối tăm, những buốn phiền, những giây phút khô khan và bị bỏ rơi mà các vị thánh lớn đã trải qua, chúng ta có thể nắm bắt được một chút gì đó mà Chúa Giêsu đã trải nghiệm trước mọi người, cho mọi người, để khích lệ và nâng đớ mọi người.

 

Chúng ta có thể nói gì về đau khổ tinh thần của Phaolô? Ngài chịu sự bỏ rơi dần dần của các môn đệ suốt cuộc khổ nạn của ngài, nghĩa là cho đến cuối đời. Có thể nói bề ngoài, ngài cố gồng lên với vẻ rất vững vàng, nhưng không thể che dấu sự mệt mỏi và cảm giác chịu đựng hết hơi hết sức. Ngài nói với Timôthê: “Anh hãy cố gắng mau đến với tôi! Vì Ðêma đã bỏ tôi, bởi mê man sự đời này, và đã trẩy đi Thessalonikê; Crescens đi Galat; Titô đi Ðalmatia. Chỉ có một mình Luca ở với tôi. Anh hãy đem Marcô đi với anh, vì tôi cần đến sự giúp đáp của anh ấy lắm.” Ngài nói tiếp: “Còn Tykhicô thì tôi đã phái đi Êphêsô. Anh hãy đem cho tôi, khi anh đến cái áo choàng tôi để tại nhà Carpô, ở Trôa, cùng với sách vở và nhất là giấy da. Alêxanđrô, người thợ rèn, đã gây cho tôi lắm điều khốn khổ. Chúa sẽ trả lại cho y tùy theo công việc y làm. Ðối với y, anh cũng phải giữ mình, vì y kịch liệt chống lại lời lẽ của ta. Khi ra biện hộ lần đầu, thì chẳng có ai hộ vực tôi cả, song mọi người đều bỏ mặc tôi! Thôi, đừng kể làm gì điều ấy!” (2 Tm 4, 9-16).

 

Đó là một Phaolô rất khác với con người chúng ta biết; một người mỏi mệt, bị tù đày dày vò. Ngài cho chúng ta thấy điều này trong những lá thư khác nữa, không chỉ trong cac thư “mục vụ” gởi cho Timôthê và Titô.

 

Không còn hồ nghi gì khi tất cả những điều đó nói lên hình ảnh của một Phaolô tuổi xế chiều. Không còn hăng hái như trong các lá thư gởi tín hữu Galata và Rôma với những tổng hợp thần học sâu sắc nữa. Đó là một người đang chiến đấu với những khó khăn hàng ngày, trong cô đơn, và thoáng cho thấy sự bi quan. Một người nói về những sự sắp xảy đến và nhìn thấy trước những bất hạnh trong tương lai; một giọng điệu buồn bã và não nùng đã thay thế cho niềm hi vọng, sự mạnh dạn, sự hăng say trước đây.

 

Thử thách Phaolô trải qua là một thử thách rất thật, thử thách đó giúp ngài hiểu rằng mình không còn đầy đủ sức mạnh, lạc quan, nhiệt tình như trước, nhưng giờ đây, phải nghĩ đến sự mệt mỏi, sự khó nhọc và tan vỡ ảo tưởng ngày một nhiều. Qua cuộc đời của Phaolô, Chúa muốn chỉ cho chúng ta thấy chúng ta được thanh luyện nhiều cách và hình thức thanh luyện này là một trong những cách thanh luyện mạnh mẽ nhất.

 

Chúng ta tự hỏi: Phaolô có cảm thấy Thiên Chúa bỏ rơi ngài qua những bóng tối nội tâm, đau khổ, đêm tối thiêng liêng không? Không thể biết được điều đó qua những gì ngài viết về mình. Tuy nhiên, nhiều lần ngài nói rằng những sức mạnh của bóng tối sự dữ tìm cách nhận chìm con người trong tối tăm và tấn công con người không thương tiếc. Như vậy, ngài biết quyền lực của bóng tối luôn đe dọa linh hồn mỗi người chúng ta.

 

Dựa trên những gì Balthasar nói về Chúa Giêsu, chúng ta có quyền nghĩ rằng rất có thể chính Phaolô cũng đã sống những giây phút mà đức tin bị bóng tối bao phủ; và rằng ngài đã phải tiếp tục con đường theo Chúa Kitô chỉ với kỷ ức về ân sủng đã qua và về sức mạnh của Thiên Chúa, mà ngài không còn cảm thấy theo giác quan nữa.

 

3. Các thánh thì sao?

- Cách đây không lâu, tôi thật ấn tượng khi đọc cuốn sách kể lại thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã trải qua thử thách đức tin thế nào. Giai đoạn cuối đời của thánh nữ đã là giai đoạn của đêm tối thiêng liêng sâu xa và sau những ân huệ kỳ diệu nhận được từ Thiên Chúa, thánh nữ đã đi vào một giai đoạn khô khan hầu như không thể hiểu được. Chính thánh nữ nói rằng đó là một thử thách cho linh hồn không thể nói được và thánh nữ sợ nói về nó: “Đối với tôi, dường như tôi được sinh ra trong một xứ sở bao bọc bởi sương mù dầy đặc và tôi chẳng bao giờ được chiêm ngưỡng phương diện vui tươi của thiên nhiên tràn ngập và biến đổi bởi sự rực rỡ của mặt trời, thình lình, bóng tối bao phủ tôi dầy đặc hơn, xuyên thấu tâm hồn tôi và bao phủ nó đến nỗi tôi không thể tìm lại được hình ảnh dịu hiền của quê hương tôi: mọi sự đểu tan biến! Khi tôi muốn làm cho lòng mình nhẹ nhàng hơn bằng cách nhớ lại quê hương rực rỡ ánh sáng mà tôi mong ước, thì sự đau khổ lại gia tăng; dường như bóng tối mượn tiếng của những kẻ tội lỗi cười nhạo tôi rằng: “Mày mơ về ánh sáng, mơ về một quê hương đầy hương thơm ư, mày mơ ước có được sự sống vĩnh cửu của Đấng sáng tạo mọi điều kỳ diệu này, mày tin rằng một ngày nào đó, sẽ thoát khỏi sương mù bao phủ mày ư. Hãy tiến lên! Hãy tiến lên! Hãy vui hưởng cái chết, nó sẽ cho mày không phải là điều mày mong ước, mà là đêm tối còn dầy đặc hơn nữa, đêm tối của hư vô.” Ngay ngày qua đời, thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu đã thốt lên: “Khi tôi hát lên niềm hạnh phúc Nước Trời, sự chiếm hữu vĩnh cửu của Thiên Chúa, tôi không cảm thấy một niềm vui nào, vì rất đơn giản là tôi hát lên điều tôi muốn tin. Đôi khi một chút tia sáng mặt trời đến toả sáng trong đêm tối của tôi, lúc đó, thử thách tạm ngừng một lát; nhưng sau đó, nhớ đến tia sáng đó, lại làm cho bóng tối của tôi dầy đặc hơn thay vì tạo cho tôi niềm vui.”, “Đó là một đau khổ thuần tuý vì không có sự an ủi nào, dù là một chút cũng không!”. Thánh nữ đã nói với một nữ tu thân thiết rằng: “Nếu chị biết em đang chìm trong những bóng tối nào; em không còn tin vào đời sống vĩnh cửu; dường như đối với em, sau cuộc đời chết chóc này, chẳng còn gì nữa. Mọi sự đều biến mất, em chỉ còn lại tình yêu.” Thánh nữ có cảm tưởng không còn đức tin, nhưng vẫn thấy tình yêu hiện hữu; đó không phải là sự mâu thuẫn, mà là sự thanh tẩy đáng khiếp sợ của đức ái. Những kinh nghiệm khủng khiếp đó cũng là con đường mà mỗi kitô hữu chúng ta sẽ đi.

 

Chúng ta có thể thấy nơi các vị thánh khác những sự thú nhận giống như vậy.

- Trong cơn bệnh cuối đời, thánh Phaolô Thánh Giá cũng thú nhận những lời đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Hôm nay, tôi cảm thấy bị thúc đẩy cách mạnh mẽ phải cứu lấy mình và phải chạy trốn vào rừng; tôi còn bị lôi kéo nhảy qua cửa sổ - có thể nói là bị cám dỗ tự tử - và tôi liên tiếp bị cám dỗ đắm chìm trong thất vọng.” Thánh nhân còn nói: “Một tâm hồn đã nếm trải sự dịu đàng, bình an, hạnh phúc của Nước Trời, thì sau đó, lại hầu như luôn cảm thấy mất tất cả, đến độ cảm thấy chính Thiên Chúa cũng bỏ rơi mình, không muốn mình nữa, không quan tâm đến mình, khinh bỉ mình; một tâm hồn tưởng tượng ra rằng mọi sự mình đã làm đều làm không ra hồn. A! Tôi không biết giải thích thế nào cho đúng! Chỉ biết rằng đó là một đau khổ day dứt khủng khiếp như bị kết án, một đau khổ tột cùng.” Và còn nữa: “Tôi thấy mình không còn tin, không còn hi vọng, không còn yêu mến nữa. Tôi như bị chìm xuống đáy biển cả đầy bão tố mà không thấy một miếng ván cứu rỗi nào để thoát khỏi bị chết chìm, dù là từ trời cao hay từ đất thấp. Người ta không nhận được một chút ánh sáng nào từ Thiên Chúa; người ta không có thể có một chút tư tưởng tốt lành nào, không thể duy trì một đời sống thiêng liêng thường ngày, đau buồn như những rặng núi Gelboé và như bị chôn vùi trong băng giá. Tôi chỉ có thể cầu nguyện bằng cách lần hạt lớn tiếng.”

 

Một trong những tu sĩ thân cận kể rằng: “Lần kia, vào phòng khi thánh nhân đau ốm, tôi nghe ngài lặp đi lặp lại 3 lần lớn tiếng hơn cả tiếng hổ gầm: ‘Tôi bị bỏ rơi’.”

 

Dĩ nhiên, ở đây, cá tính của mỗi người rất quan trọng. Người nào quá nhạy cảm thì vào những lúc mệt nhọc, xuống tinh thần hay đau ốm tâm trạng sẽ biểu lộ như thế. Dù thế nào đi nữa, Thiên Chúa đã để các thánh của Người nếm trải sự bỏ rơi như một thử thách nghiệt ngã và mầu nhiệm. Đó là những trường hợp đã thực sự xảy ra, và khi nó phát sinh, nó nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã trải qua thử thách đó trên thập giá, Phaolô và các vị thánh khác cũng vậy.

 

Nhưng ngay sau khi viết cho Timôthê: “Mọi người đã bỏ rơi tôi”, Phaolô đã quả quyết: Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.” (2 Tm 4, 17-18).

 

Sức mạnh của Thánh Thần hiện diện trong ngài đã giúp ngài vượt qua cám dỗ bị đắm chìm trong nỗi thất vọng. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết vào giở khắc cuối cùng của cuộc đời, tâm hồn Phaolô được tràn ngập ánh sáng và thanh thản hay bị bao bọc bởi bóng tối. Mầu nhiệm của định mệnh con người đưa ta đến kinh nghiệm của sự chết.

 

Chính vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ về mình, về những đau khổ những người khác có thể đang trải qua, và về sự cần thiết biết cách nâng đỡ họ. Một bệnh nhân, nhất là người bị bệnh rất nặng, khó cởi mở tấm lòng của họ. Có lẽ họ chỉ có thể trút nỗi lòng cho người mà họ hết sức tin tưởng. Sứ vụ của chúng ta là khơi gợi sự tin tưởng đó để có thể nâng đỡ những tâm hồn đang trải qua thử thách vì ở ngưỡng cửa sự chết, họ có nguy cơ đánh mất đức tin và hi vọng.

 

Người ta kể rằng vào giờ phút cuối cùng, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu bị kích động và bị kinh hoàng đến nỗi làm cho các chị em khác sợ hãi. Họ nghe thấy chị la lên: “Ôi! Phải cầu nguyện thật nhiều cho những người hấp hối! Nếu người ta biết được!”

 

Chính vì thế, cuộc đời các thánh có thể giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, cuộc khổ nạn của Phaolô.

 

Phaolô đã kết hợp với cuộc Khổ nạn của Đức Kitô thế nào?

Qua các lá thư mà Phaolô nói về những đau khổ, chúng ta biết rằng trước hết, ngài đã đón nhận từ Thiên Chúa ơn sống tinh thần đức tin sâu xa: “và nay đã cho hiển hiện nhờ cuộc Hiển linh của vì Cứu Chúa của ta, Ðức Kitô Giêsu, Ðấng đã hủy diệt sự chết, và đã chiếu sáng ra sự sống, và sự bất hoại, nhờ Tin Mừng mà tôi đã được đặt làm lệnh sứ, làm Tông đồ, làm tiến sĩ.” (2 Tm 1, 10-12).

 

Nếu tôi đau khổ, tôi đau khổ vì Đức Kitô, và “tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi đã tin vào ai, và tôi chắc rằng Ngài quyền phép đủ để giữ tồn khoản trao tay tôi cho đến Ngày ấy.” (2 Tm 1,12). Tinh thần đức tin liên kết Phaolô với những người đau khổ trong tình liên đới của cộng đoàn Giáo hội: “Anh hãy nhớ đến Ðức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, (sinh) bởi dòng giống Ðavít, chiếu theo Tin Mừng của tôi, vì đó, tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích, như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích! Vì thế tôi cam chịu mọi sự vì các kẻ được chọn, để họ được phúc cứu độ trong Ðức Kitô Giêsu, cùng với vinh quang đời đời.” (2 Tm 2, 8-10). Tôi đau khổ là vì người khác, vì tất cả Giáo hội, vì công trình cứu độ của Đức Kitô. “Nay tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em; và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Ðức Kitô phải chịu vì Thân mình Ngài, tức là Hội thánh, mà tôi đã trở thành người phục vụ, thể theo sự an bài Thiên Chúa đã trao phó cho tôi, thế chỗ cho anh em, trở thành người loan báo lời Thiên Chúa đã viên mãn”. (Cl 1, 24-25).

 

Cảm thức sâu xa về sứ vụ tạo nên một động lực nội tâm cho mọi việc ngài làm cho Giáo hội; cảm thức đó không biến mất ngay cả trong những giờ phút khó khăn, mà còn ban cho ngài ân huệ coi đó như là triều thiên phục vụ mà ngài muốn hoàn thành cho đến giờ phút cuối cùng.

 

Còn chúng ta thì sao?

Chúng ta có thể kết thúc khi suy tư về chính thái độ của mình.

Trước hết, chúng ta. phải nhìn nhận mình dễ bị tổn thương, dễ hoài nghi, dễ bị cám dỗ, ngay trong những sự việc nhỏ, vào những giờ phút nặng nhọc, khó khăn trong cuộc đời. Quan trọng là chúng ta ý thức về sự yếu đuối của mình, nếu không, chúng ta dễ coi nhẹ điều đó; và khi xảy ra, chúng ta sẽ phản ứng hoàn toàn trái ngược với thái độ phải có. Ý thức về sự yếu đuối giúp chúng ta liên kết những gì chúng ta đọc và suy gẫm với những gì chúng ta sống thực tế một cách tốt hơn.

 

Để làm được điều đó, chúng ta phải luôn tỉnh thức như Phaolô thường xuyên nhắc nhở: “Khi người ta nói: Bình an và chắc chắn! Thì bấy giờ là lúc tiêu diệt thình lình ập đến trên họ, như nỗi quặn đau của người thai nghén, và họ sẽ không trốn thoát được! Còn anh em, anh em không ở trong tối tăm, làm cho Ngày Ấy như kẻ trộm bắt chộp được anh em, vì anh em hết thảy là con cái sự sáng và con cái của Ban Ngày, chúng ta không thuộc về đêm và tối tăm. Vậy thì ta đừng ngủ mê, như những kẻ khác, song ta hãy canh thức và tỉnh táo! Ai ngủ thì ngủ ban đêm, và ai say sưa thì say sưa ban đêm. Còn ta, ta thuộc về ban ngày, ta hãy tỉnh táo, mặc lấy áo giáp đức tin, đức mến, và mũ chiến là lòng trông cậy cứu rỗi.” (1 Thes 5, 3-8). “Hãy mặc lấy giáp binh của Thiên Chúa, để anh em có thể đứng vững trước mưu chước ma qui. Vì không phải với máu thịt, cuộc chiến đấu của ta! Nhưng là với những thiên phủ, những bậc uy linh, những đổng lý của vũ hoàn hắc ám này, với những thần linh ác quái chốn hoằng thiên. Bởi đó, anh em hãy mặc lấy giáp binh của Thiên Chúa, để có thể đối phó trong ngày xấu xa, và được đứng vững sau khi đã chuẩn bị đủ mọi sự.” (Ephêsô 6,11-13).

 

Đời sống người kitô hữu là một thử thách, mà không phải là những thử thách nhỏ bé, bởi vì chúng ta phải đối đầu với một kẻ địch nghiệt ngã luôn tìm cách tấn công chúng ta. Khi chúng ta nhìn thực tế cuộc sống, nhìn những sự việc đơn giản hàng ngày, ngôn ngữ trên hình như thái quá; nhưng nếu chúng ta xét kỹ càng số phận của chúng ta, số phận của những người khác một cách sâu xa, những thử thách đau đớn người khác phải chịu đựng, những vấn đề gây thống khổ và thất vọng, lúc đó, chúng ta mới nhìn thấy rõ ràng hơn kẻ thù của con người đang hành động. Nó tìm mọi cách, hoặc đơn giản nhất, hoặc quanh co nhất, xảo trá nhất, làm cho chúng ta mất đức tin và hi vọng, tạo cho chúng ta một cái nhìn bất mãn với cuộc đời, che khuất ánh sáng soi cho thấy chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nó hằng tìm mọi cách dập tắt tia sáng đức tin giúp chúng ta nhìn thấy thánh ý Thiên Chúa và con đường của mỗi người đi về với Người trong mọi sự.

 

Tân ước khích lệ chúng ta tỉnh thức và chiến đấu, bởi vì Chúa biết rõ hoàn cảnh của con người và biết rằng thử thách là số phận chung của họ; khi chúng ta nghĩ chúng đã qua rồi lại là lúc chúng gần hơn bao giờ hết.

 

Khi suy gẫm về cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu và của Phaolô, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết đi theo đường lối của Người, luôn vững vàng, can đảm trong những thử thách khó khăn, và có thể giúp đỡ người khác, để họ khỏi sa chước cám dỗ.

 


[1] Chuyển ý từ ĐHY Carlo-Maria Martini, “Saint Paul face à lui-même”, Mediaspaul, Paris, 1984.

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 395)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 644)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 518)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 655)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 755)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,003)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,366)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,048)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,726)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,807)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7